• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ngày hôm sau, trời rét đậm và gió dữ dội.

Tôi biết vì đã thức dậy từ lúc sáng tinh mơ.

Một ngày tháng Ba rất điền hình.

Mưa cuối cùng cũng đã tạnh.

Nhưng không có tí ẩn dụ nào ở đây đâu.

Phải nhìn thẳng vào sự thật đi! Trời mưa kiểu quái quỷ nào chẳng phải có lúc dừng.

Sau khi đã cho Kate bú hết một bình sữa, tôi ngồi xoa xoa lưng bé. Tôi bỗng nhận ra mặc dù đã may mắn thoát khỏi cái vũng lầy suy sụp, cái sự phóng thích này lại đem đến cho tôi một số trách nhiệm nhất định.

Ngày hôm qua thật vui.

Rất vui.

Nhưng tôi đã kịp nghe trong đầu mình nói, cuộc sống còn nhiều thứ hơn là chỉ vui vẻ hưởng thụ.

Cái anh chàng tí hon trong đầu tôi vẫn hay giơ tấm bảng ghi: “Sắp Kết Thúc Rồi”, hôm nay đổi sang: “Cuộc Sống Còn Nhiều Thứ Hơn Là Chỉ Vui vẻ Hưởng Thụ”.

Hắn làm bên bộ phận Lương Tâm.

Tôi ghét hắn.

Tên khốn kiếp.

Hắn cứ luôn dứ dứ cái bảng, làm hỏng hết mọi thứ, nhất là khi tôi đang tung tăng mua sắm. Hắn trưng ra những tấm bảng như: “Cô Có Bốn Đôi Giày Bốt Rồi”, “Cô Nghĩ Sao Mà Mua Một Cây Son Hai Mươi Bảng?”

Hắn cứ làm hỏng hết cơn say mua sắm của tôi.

Hoặc là tôi sẽ thôi không mua món đồ ấy nữa. “Tôi xin lỗi,” tôi líu lưỡi, còn cô bán hàng thì ngừng cho giày vào hộp, trừng mắt nhìn tôi. “Tôi đổi ý rồi.”

Hoặc là tôi sẽ vẫn cứ mua, nhưng rồi luôn cảm thấy tội lỗi, và thế là hết cả hứng thú.

Mà thôi, hôm nay cái tên phá bĩnh ấy nhắc nhở tôi rằng có nhiều thứ phải làm hơn là lang thang trong siêu thị, chỉ cho Kate xem mấy cái hộp kem mousse sô cô la. Tôi đang dạy con kiểu giá trị cuộc sống gì vậy?

Hay là nấu ăn cho cả nhà. Hay là khoái chí nghĩ đến bạn trai của em gái mình.

Tôi ẵm Kate đến bên cửa sổ. Hai mẹ con nhìn xuống khu vườn con con mà bác Michael đã ưu ái không chăm sóc.

Tôi thấy mình như sắp phải đối mặt với đội thi hành án tử.

Hơi trầm ngâm suy tưởng.

Đến lúc phải dũng cảm đương đầu với thử thách rồi. Đến lúc phải trưởng thành và có trách nhiệm.

Những chuyện tôi vô cùng dở.

Cứ nhác thấy rắc rối nào trong cuộc sống của tôi là Trách Nhiệm chạy biến vào nhà tắm, nhất định không ra, cho dù Nghĩa Vụ và Bổn Phận cố hết sức dụ và năn nỉ. Anh chàng cứ cố thủ trong ấy, ngồi chồm hổm trên sàn cho đến khi mọi sự đau khổ đi hết.

Tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau.

Những vấn đề hóc búa.

Liên quan đến tiền bạc và quyền nuôi con, và căn hộ đồng sở hữu.

Tôi thề có Chúa chuyện này vô cùng mệt mỏi. Óc tôi vặn vẹo hết cả lên khi nghĩ đến từng vấn đề một.

Đây là lần đầu tiên kề từ cái ngày nhìn dõi theo bước chân James khi anh ra khỏi bệnh viện, tôi dám nhìn vào những chuyện phải làm nếu hai vợ chồng thôi nhau.

Như là, liệu tôi và James có nên gặp để tính đến chuyện bán căn hộ?

Liệu chúng tôi có nên chia đều tài sản?

Chuyện này chắc là sẽ rất buồn cười.

Như là, chúng tôi sẽ kéo bộ sofa ba món ra giữa phòng rồi cưa đôi cái sofa lớn, rồi mỗi đứa lấy một phần đầy bông bùi nhùi phòi ra, cộng thêm một cái nhỏ kia.

Bạn hiểu không? Những chuyện như thế.

Thật tình tôi cũng không biết phần lớn tài sản chung chúng tôi sẽ phải chia như thế nào. Bởi vì chúng không phải của tôi, cũng không phải của James. Chúng thuộc sở hữu của cái ngôi thứ ba, đó là “chúng tôi”.

Cái con người ấy, hay cái thực thề năng lượng ấy, bạn muốn gọi thế nào cũng được, được tạo thành bởi sự nối kết giữa tôi và James. Mà cái sự nối kết đó còn hơn cả cái tổng của hai đứa cộng lại.

Phải chi tôi tìm được cái “chúng tôi” bị lạc mất ấy. Phải chi tôi lần ra được dấu vết của nó và lôi cái đám tài sản hấp dẫn kia ra dụ nó về. Cái cách mấy người MC gameshow truyền hình vẫn làm ấy.

Hãy ngắm thật kỹ cái tivi đẹp đẽ kia!

Của bạn đấy. Ở lại nhé?

Hãy nhìn ngắm căn bếp gọn ghẽ ngăn nắp này!

Đẹp quá phải không? Vâng, hoàn toàn sẽ là của bạn nếu bạn quay về.

Mặc dù tôi không nghĩ bạn sẽ giành được những thứ như một căn bếp gọn đẹp trong mấy trò chơi gameshow truyền hình xoàng xĩnh.

Nếu may mắn bạn sẽ đoạt được vé xe buýt mà về nhà.

Nhưng tôi ước gì tìm lại được cái “chúng tôi” James và Claire cũng dễ như thế.

Còn không chắc tôi sẽ phải cho đăng tin chiều, đại loại như thế này: “‘Chúng tôi’ James và Claire, lần cuối cùng có người nhìn thấy là đang tham quan khu Kerry, xin vui lòng liên lạc với đội cảnh sát ở Dublin có tin gấp.”

Nhưng có vẻ như cái “chúng tôi” đấy không phải chỉ đang thất lạc. Nó đã chết. Dưới tay James.

Nó chết không để lại di chúc.

Về mặt lý thuyết, chính quyền sẽ thụ hưởng tất cả mọi tài sản thuộc về “chúng tôi”.

Trên thực tế, dĩ nhiên, những chuyện quái dị, điên khùng như thế sẽ không xảy ra.

Thôi đưa cái cưa đây cho tôi. Làm ơn!

Đấy, tôi tuyệt đối tin rằng cách duy nhất để đối phó với những chuyện không vui - và hoàn cảnh hiện tại của tôi nếu không phải là không vui thì còn có thể là gì? - là hít thật sâu vào, mặt đối mặt với chúng. Nhìn thẳng vào mắt chúng ấy, cho đến chừng nào chúng phải cúi đầu xuống, cho chúng biết ai là sếp ở đây. Thuốc đắng dã tật.

Sự thật mất lòng.

Nếu có ai đó bảo tôi khuyên họ nên đối phó thế nào với những chuyện đáng sợ, đây chính xác là điều tôi sẽ nói.

Tôi hoàn toàn tin tường vào cách ấy.

Và biết đâu sẽ có ngày tôi làm theo đúng lời khuyên của mình thật.

Vậy đấy, mặc dù thật tâm tin tưởng đây là cách tốt nhất phải làm trong tình cảnh khốn khó, tôi vẫn chưa từng có can đảm thực hiện.

Tôi chỉ giỏi né tránh việc khó.

Có lẽ tôi đã trì hoãn việc này việc kia để rồi có ngày phải trở lại Ireland.

Thuyền trưởng Claire Webster, họ khai sinh là Walsh, Người Trì Hoãn Chính, đã sẵn sàng nghe lệnh, thưa Ngài!

Phương châm của tôi là “việc hôm nay cứ để ngày mai. Và nếu trì hoãn được đến tuần sau thì càng tốt”. Một câu ngắn gọn, súc tích, dễ thương, hàm chứa nhiều ý nghĩa, tôi thích tự đánh giá câu của mình như thế.

Tóm lại tôi muốn nói với bạn là cả cuộc đời mình, tôi không tin có lần nào tôi từng thu rửa chén đĩa ngay trong đêm tiệc.

Tôi vẫn tự hứa là sẽ làm.

Tỉnh dậy, đầu óc còn quay quay mà phải trông thấy mớ chén đĩa bẩn thỉu, căn bếp thì như vừa qua một trận chiến, là một điều quá kinh khủng tôi không hề muốn.

Nhưng bạn biết mà.

Tiệc tàn thì bàn cũng đầy những đĩa thức ăn dở dang bốc mùi chua mà tôi đã hầu như mặc kệ.

Tôi phải biện minh một chút là về khoản tiệc tùng, tôi thường đóng tròn vai một bà chủ sốt sắng, rất để ý xem khách cần gì, liên tục chuyển chén đĩa, muỗng nĩa từ trong bếp ra và ngược lại như thể tôi đang làm việc trên băng chuyển.

Tuy nhiên, sự sốt sắng của tôi luôn giảm tỉ lệ nghịch với số ly rượu tôi đã tiêu thụ.

Vì vậy cứ đến phần trà nước, tráng miệng là tôi thường cũng “thoải mái” lắm rồi (ừ thì đấy, say lắm rồi, nếu bạn nhất định tôi phải gọi cho đúng tên đúng tuổi) và không còn thấy cần thiết phải dọn dẹp bàn ăn nữa.

Nếu cái bàn có sập xuống vì sức nặng của núi chén đĩa bẩn kia, tôi cũng sẽ phá lên cười thôi chứ biết làm sao.

Nếu khách khứa muốn bàn ăn sạch đẹp thì tôi e họ phải tự thân vận động thôi.

Họ biết nhà bếp ở đâu mà.

Họ tưởng đang dự một bữa tiệc mà chủ nhà gửi toàn thiệp mạ vàng chắc?

Đĩa trái cây ờ giữa bàn luôn còn nguyên si.

Vấn đề gì đây? Ăn trái cây tốt chứ sao?

Tôi luôn mua trái cây mà không một ai từng đụng tới. Judy gọi đó là món tráng miệng bị chống đối. Bạn bè vẫn bảo tôi tệ bạc vì cho chúng ăn tráng miệng với chuối, hay cam. Rằng đối với chúng, duy nhất, thứ tráng miệng duy nhất phải là thứ gì đó đầy chất béo bão hòa, đường tinh luyện và kem thật béo, có chất cồn, có lòng trắng trứng và giàu cholesterol.

Cái thứ mà chỉ cần nhìn vào thôi, động mạch của bạn đã phồng lên thêm mấy xăng ti.

Tôi dám chắc cái thái độ đó có cội rễ là một tuổi thơ đói khổ.

Có thể chúng nó đã phải ăn hai mươi năm toàn thạch với món trứng sữa sau bữa tối.

Có Chúa biết, tôi thông cảm với tụi nó lắm. Tôi cũng bị ám ảnh cái món thạch đó mà.

Nhưng trông chờ chúng nó cầm dao, nĩa lên mà ăn chỗ trái cây kia chẳng khác gì tống cổ chúng nó ra khỏi nhà tôi và bảo đừng bao giờ quay trở lại.

Nên kết cục là tôi vẫn cứ mua trái cây và lũ khách vẫn không thèm đụng tới. Nếu bạn hiểu ý tôi.

Bàn ăn luôn lổn ngổn những ly là ly, có mấy cái bị lật úp, và cái thứ chất lỏng chứa ở bên trong - rượu trắng, rượu gin với nước tonic, cà phê Ireland hay là rượu Baileys - nhanh chóng tràn ra, hòa lẫn vào với nhau, làm bạn với nhau trên tấm trải bàn, tạo thành những vùng biền nho nhỏ quanh mấy hòn đảo bằng muối mà một vĩ nhân nào đó (thường là James) đã rải xuống để cản bước tàn phá của từng đợt rượu đỏ hung hãn.

Còn tôi, đã uống đến ly Sambucca thứ hai mươi hai, ngồi ngả người trên hai chân sau của ghế, hoặc trên đầu gối James, lè nhè với bất cứ ai chịu nghe là tôi yêu James đến nhường nào.

Tôi chẳng còn chút xấu hổ.

Thì ai dám nói tôi tỉnh nữa đâu, nhưng tôi đã hoàn toàn hòa mình vào với vũ trụ. Rồi không hiểu sao tôi cứ thấy mình đang lâng lâng, vui vui, không tâm trí nào nghĩ đến chuyện dọn dẹp nữa.

- Không phải lo đâu! - Tôi líu lưỡi đáp, huơ huơ rất khí thế với những khuôn mặt say quắc cần câu đang bảo để chúng phụ dọn dẹp, tiện thề rắc luôn ít tàn thuốc bay lả tả xuống cái tô kem, hay dính ngay vào cái áo sơ mi trắng của James (thường cứ tới đoạn này là tôi lại rít vài điếu, dù đã bỏ thuốc). - Sáng mai mười phút là xong ngay.

Buồn nhất là khi ấy tôi hầu như cứ đinh ninh thế.

Mà ngu ngốc hơn nữa, tôi chưa hề thôi hy vọng là sẽ có mấy cô tiên chuyên dọn rửa bay đến lúc nửa đêm và hô biến cái bãi rác. Các cô cứ cầm luôn đôi giày mới đi. Cả tiền dưới gối tôi nữa này. Chỉ cần cọ rửa sàn bếp thôi.

Mỗi sáng sau đêm tiệc, tôi lê mình xuống bếp và nắm tay nắm cửa, yên lặng một giây sung sướng tưởng tượng khi mở tung cánh cửa, căn phòng sẽ sáng rực, chiếu láp lánh dưới ánh mặt trời, ly tách, chén đĩa, soong chảo đều đã được rửa sạch và cất vào chỗ cũ ngăn nắp (cất vào đúng tủ, đúng kệ. Tôi muốn các cô tiên này phải vừa chăm chỉ vừa thông minh).

Nhưng thay vào đó, khi hùng dũng bước qua những vụn miểng sành tứ tung trên sàn, tôi không tin nổi mình tìm không ra một cái ly nguyên vẹn để uống ít viên Disprin vô cùng cấp bách kia, đừng nói chi đến một cái ly sạch.

Mà sẵn đang nói chuyện tiệc tùng, có vài thắc mắc tôi rất muốn có được câu trả lời.

Tại sao hễ tiệc tùng là có kẻ nào đó cứ phải xé hết nhãn chai, để rồi sáng hôm sau cái bàn ăn đầy mấy mẩu giấy chết tiệt, dính hết vào mọi thứ?

Tại sao tôi cứ lấy cái đĩa đựng bơ làm gạt tàn?

Tại sao cứ có ít nhất một tên luôn hỏi, thường vào lúc đã khá trễ tôi phải thừa nhận, “Không biết Dubonnet uống với Guinness thì nó ra làm sao hả?”, hay “Này, nếu tớ mồi lửa vô cái ly Jack Daniels của tớ thì chuyện gì xảy ra nhỉ?”

Rồi tự tiến hành luôn để có câu trả lời.

Thôi thì nói để bạn biết luôn, cái thằng Guinness khiến cho thằng Dubonnet bị vón vữa đến kinh tởm, và ly Jack Daniels phụt lên như giếng dầu Kuwait, đến Red Adair nếu có ở đây cũng sẽ phải đầu hàng, và lớp sơn trên trần phòng ăn cháy sém, phồng rộp nham nhở.

Giờ thì bạn biết rồi nhé.

Tôi khuyên bạn không nên làm thế.

Nhưng nếu thực sự phải tiệc tùng, cố tìm chỗ khác chứ đừng tổ chức tại nhà bạn.

Cứ để cho một tên ngốc khốn khổ nào đó phải lôi cái thang gấp, tấm phủ tránh bụi, cọ lăn và cọ quét ra. Công bằng mà nói, với James - mặc dù việc gì tôi phải công bằng, tên đốn mạt - anh ta rất giỏi việc nhà, đặc biệt là khâu lau chùi, dọn rửa sau mỗi lần tiệc tùng. Chưa bao giờ say khướt như tôi, nên đến phút cuối cùng vẫn còn khả năng di dời cái đống bầy hầy từ phòng ăn vào nhà bếp để sáng ra ít nhất cũng còn một phòng coi được. Ngoại trừ cái vết đuốc sống Jack Daniels trên trần nhà. Nhưng ít ra tôi biết mình cũng còn sơn trám lại được.

Thêm một lần nữa.

Tôi vẫn còn ít sơn còn thừa lại từ bữa tiệc trước.

Và không bao giờ thiếu hai cái xác say mèm, thường là trong tình trạng lông lá và tóc tai rối bời (với nữ thôi nhé) trên ghế sofa trong phòng khách. Trên thực tế, trừ khử cái thứ này còn khó hơn cả mấy vết đuốc cháy trên trần, hay là vết cháy của tàn thuốc trên thảm nữa.

Nằm lê lết hết nửa ngày, rên rỉ đòi tách trà và mấy viên Paracetamol, và lải nhải nếu phải bước đi là sẽ ói ngay.

Mà nói tóm lại là tôi vẫn cứ tái diễn chuyện ấy.

Trì hoãn, chính thế.

Tôi làm mọi thứ hòng trì hoãn những việc cần làm.

Cố ép mình nghĩ đến cái thực tế khi không có James nữa cũng giống như bắt tôi phải nhìn thẳng vào mặt trời vào những ngày nắng chói ấy.

Cái nào cũng khó.

Và làm tôi phải ứa nước mắt.

Có lẽ tôi nên nghĩ đến quyền nuôi Kate. Mặc dù chuyện này có gì khó khăn sao? James đã chẳng chút quan tâm đến con bé. Mà hơn nữa, anh ta là kẻ ngoại tình. Và vì những lý do này, xem như quyền nuôi con ngay lập tức thuộc về tôi.

Nhưng thay vì cảm thấy đắc thắng, tôi thậm chí không thấy nhẹ nhõm đi được chút nào.

Đây không phải là một chiến thắng.

Tôi muốn James chăm sóc con của chúng tôi.

Tôi muốn con tôi có cha.

Tôi thà để James kiện tôi ra tòa, xỉ vả tôi bằng những lời lẽ cay độc, và vu cho tôi tội đồng tính, hay đạo đức thấp kém (tôi e là không có cửa cho tội vu khống này đâu), hay bất cứ thứ gì. Bởi vì nếu bôi nhọ tôi để giành được quyền nuôi con thì ít ra anh ta cũng sẽ quan tâm, yêu thương con bé.

Tôi ôm chặt Kate. Tôi thấy có lỗi. Vì dù thậm chí không biết mình có lỗi gì, tôi vẫn đã làm hỏng tất cả, và vì thế, bé Kate tội nghiệp, đứa trẻ vô tội, phải thành ra không cha.

Tôi vẫn không hiểu nổi James.

Chẳng lẽ anh không thắc mắc muốn biết Kate thế nào?

Tôi không hiểu được chuyện này.

Hay vì Kate là con gái?

Nếu đứa bé là con trai liệu James có cố gắng để anh và tôi vẫn hạnh phúc cùng nhau?

Ai biết được?

Tôi chỉ đang cố hiểu cái chuyện khó hiểu này.

Còn căn hộ của chúng tôi thì sao?

Chúng tôi đã cùng mua nó và cả hai cùng đứng tên sở hữu. Vậy chúng tôi sẽ phải làm gì?

Bán đi rồi chia đôi tiền?

Tôi trả cho anh phần của anh rồi ở đấy với Kate?

Tôi bán cho anh phần của mình rồi để anh sống ở đấy với Denise?

Không đời nào!

Cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì, tôi quyết không để cho James dọn về sống chung với một người đàn bà khác trong cái tổ ấm tôi đã xây nên.

Tôi thà phóng hỏa cho cháy sạch sành sanh cả khu nhà.

Ừm, mà chắc là đừng cả khu nhà. Tôi không có thù oán gì với ai sống ở đấy cả. Hà cớ gì họ phải mất nhà mất cửa chỉ vì chồng tôi rước mụ nhân tình của anh ta về nhà.

Nhưng chắc chắn tôi sẽ phóng hỏa cả dãy lầu. Gillian và Ken, cái hộ sống ngay phía dưới căn của tôi, sẽ phải chịu đựng cái đám cháy ở ngay trên đầu lan đến trần nhà họ.

Có giỏi cứ bước qua xác tôi.

Bạn biết không? Cứ mỗi khi nghe ai đó nói câu này thật hùng hồn, tôi cứ nghĩ họ là dân Địa Trung Hải khát máu cả. Rằng họ chỉ làm bộ diễn quá lên mà thôi.

Và tôi biết mình đã nói câu này hàng ngàn lần nhưng chưa bao giờ thật có ý như thế cả, cho tới lúc này. Tôi nói thật đấy, tôi sẽ làm thế đấy.

Anh ta có giỏi thì bước qua xác tôi rồi hãy rước mụ Denise vào.

Còn tiền nong thì sao? Làm thế quái nào tôi nuôi nổi Kate và mình bằng đồng lương của tôi?

Tôi còn hầu như không biết mỗi tháng mình lãnh bao nhiêu.

Ngoài chuyện nó khác quá xa với cái khoản thu nhập của James.

Từ hồi cưới nhau đến giờ, đồng lương của anh ta đã duy trì cái gia đình này.

Vậy là giờ tôi sắp nghèo rồi.

Tôi cảm thấy như mình vừa lững thững đi ra ban công và chợt nhận ra phía dưới không hề có điềm dừng. Chỉ có mênh mông vô tận đón tôi rơi vào trong.

Nghĩ đến chuyện không có tiền sao mà khủng hoảng.

Tôi thấy như mình hoàn toàn trắng tay.

Như mình chỉ là một mụ đàn bà vô danh tiểu tốt trôi nổi dập dềnh trong cái vũ trụ bao la của hận thù, không có một thứ gì cho tôi bám víu vào.

Dâu có khinh ghét thì tôi vẫn phải thú nhận rằng, không có anh chồng tôi với cái đồng lương to tát của anh ấy, tôi thấy mình ít giống con người hơn.

Tôi ghét mình đã quá bấp bênh và lệ thuộc. Lẽ ra tôi đã phải là một phụ nữ của thập kỷ chín mươi - mạnh mẽ, quyến rũ và độc lập. Dạng phụ nữ có chính kiến mạnh mẽ, đi xem phim một mình, quan tâm đến môi trường, biết tự tay thay cầu chì và đi trị liệu bằng liệu pháp hương thơm, nhà có vườn trồng toàn rau thơm và nói sõi tiếng Ý, mỗi tuần một lần đi ngâm nổi trong bề nước muối, và chẳng cần đến một tên đàn ông để mà nâng đỡ cái lòng tự tôn quá mỏng manh của mình.

Nhưng sự thật thì tôi không phải dạng phụ nữ ấy.

Tôi cũng muốn lắm chứ.

Mà biết đâu tôi sẽ trở thành một phụ nữ như thế.

Có vẻ như tôi đâu có sự lựa chọn nào.

Tôi đã bị đặt trước sự đã rồi.

Nhưng hồi ấy tôi giống dạng phụ nữ vợ hiền của thập kỷ năm mươi hơn.

Tôi hoàn toàn hạnh phúc với vai trò xây tổ ám trong khi chồng bận rộn ngoài xã hội, kiếm tiền nuôi gia đình.

Và nếu chồng tôi sẵn sàng chia sẻ công việc nhà ngoài trách nhiệm làm cây trụ cột của gia đình, thì càng hay hơn nữa.

Tôi nghĩ mình thuộc típ người cái gì cũng muốn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sao lại không chứ?

Dại dột!

Tôi và James sẽ phân chia tiền để dành trong cái tài khoản chung như thế nào đây? Chắc sẽ giống như cố tách một cặp song sinh phải chung nhau những cơ quan nội tạng quan trọng. Tim này, phổi này, gan nữa. Chuyện không thể!

Tôi gần như sẵn lòng từ bỏ hết quyền lợi của mình với vấn đề tài chánh để tránh những cuộc tranh cãi không tránh khỏi này. Thứ duy nhất ngăn tôi không từ bỏ phần của mình trong cái tài khoản kia đó là cái viễn cảnh James tiêu pha nó cho Denise. Mua hoa, vé xem kịch, quần áo lót điệu đàng. Xin lỗi nhé, nhưng tôi không tìm ra cái lý do nào khiến tôi phải chấp nhận tiền của mình được đem đi trợ cấp kiểu ấy. Tôi không chấp nhận chuyện này.

Như thế là sai, về mặt đạo đức.

Mà hơn nữa, hôm qua tôi vừa thấy một đôi giày rất xinh ở cái khu mua sắm ấy. Và tôi muốn sắm nó cho mình.

Tôi không biết phải diễn tả thế nào cái cảm giác thân quen ập đến ngay tức khắc. Cái giây phút mắt tôi chạm vào đôi giày, tôi cảm thấy như mình đã sở hữu nó rồi. Tôi chỉ có thể suy diễn là chúng tôi đã chung sống với nhau ở kiếp trước. Là tôi đã đi nó khi là một cô tì nữ nước Anh thời Trung cổ, hay khi tôi là một nàng công chúa Ai Cập. Hay cũng có thể nó chính là nàng tì nữ, là công chúa, còn tôi là đôi giày. Ai biết được? Mà dù kiểu gì đi nữa thì tôi biết tôi và nó sanh ra là để cho nhau rồi.

Mà tôi lại chẳng có khoản riêng nào cả. Vì thế tôi phải đòi cái phần của mình ở bên Anh.

Thế có thể là bần tiện và bức bối.

Đầu tôi lại hơi choáng váng nữa rồi.

Như tối hôm qua lúc mẹ nói chuyện Cher và Ike ấy. Ba năm trước, vào cái ngày tháng Tư ấm áp khi tôi cưới James, tôi hầu như không nghĩ sẽ có ngày sự hợp nhất của hai đứa sẽ kết thúc như thế này.

Rằng một thứ gì đó khởi đầu thật vui vẻ, tràn trề hy vọng và háo hức lại có thể kết thúc với một quả tim vỡ và những câu từ lạ lẫm luật sư.

Rằng tôi sẽ phải đương đầu với những chuyện cũ rích, nhàm chán.

Tranh cãi chuyện tiền nong và của cải.

Tôi đã nghĩ tôi và James sẽ khác. Rằng dù cưới nhau nhưng chẳng việc gì chúng tôi phải diễn những trò ấy. Khốn nạn làm sao!

Rằng lửa yêu thương và niềm vui sẽ luôn là những điều quan trọng nhất với chúng tôi.

Tôi đã tuyên thệ sẽ không có cái ngày tôi bước vào phòng rồi nói với James, mà thậm chí không cả nhìn thẳng vào mắt anh:

Mấy miếng gạch ốp trong phòng tắm sắp rơi ra rồi đấy. Anh lo mà xem lại đi!

Hoặc, có nhìn đấy nhưng chỉ lướt qua một cái thôi.

- Tôi hy vọng anh không định mặc cái áo len chui đầu ấy đến nhà Reynold ăn tối.

Tôi cũng đã tuyên thệ sẽ không trở thành cái mụ đàn bà nhất định phải đi vòng quanh bếp, nhặt nhạnh, ăn cho bằng hết những gì lũ trẻ bỏ mứa.

Hay như mấy cái người phụ nữ cứ gọi chồng là “Bố”, không phải “Bố” như trong câu “Không con yêu, bỏ cái dao cạo ấy ra, của Bố mà.” Mặc dù gọi “Bố” trong câu này tôi cũng không ham lắm.

Nhưng mà như trong “Mình đi ăn kem chứ Bố hả?” Như thể chồng và bạn đã không còn là riêng của nhau nữa. Như thể bạn không còn là những con người đơn thuần nữa. Giờ bạn là những ông bố, bà mẹ của các con bạn. Chàng yêu của bạn không còn là chàng yêu của bạn nữa. Anh đơn giản là đấng sanh thành thứ hai của con bạn.

Tôi đã tự hứa sẽ không bao giờ giống như bất cứ bà mẹ nào.

Những phụ nữ bình thường, dĩ nhiên, hoàn toàn bình thường.

Tôi ngạc nhiên sao mà mình kiêu căng tự phụ.

Và ngây thơ nữa.

Cái quỷ gì khiến tôi nghĩ mình khác chứ?

Chẳng lẽ tôi đã không nhận ra là hàng ngàn phụ nữ đi trước tôi đã tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm què cụt đi sự kỳ diệu của hôn nhân?

Họ cũng đã hăm hở hứa với lòng sẽ không bao giờ để lộ ra một cọng tóc bạc, không bao giờ để cho vú xệ, và không bao giờ nhăn nheo.

Nhưng nó vẫn cứ xảy ra.

Ý chí của họ không đủ mạnh để chống trả lại những thứ không tránh khỏi, để chống trả lại cái quy luật của thời gian.

Ý chí của tôi cũng vậy thôi.

Tôi đặt Kate trở vào cũi rồi đi tắm. Rõ ràng tôi đang trở lại với cái nếp của một cuộc sống bình thường, tôi nghĩ bụng. Tôi thấy tự hào về bản thân.

- Sạch sẽ, - Tôi tự mãn bảo Kate, thấy mình đúng là một bà mẹ tốt, - chỉ đứng sau ngoan đạo.

- Rồi lớn lên chút nữa mẹ sẽ nói cho con biết ngoan đạo là cái gì.

Dưới vòi tắm tôi không tài nào thôi nghĩ đến James. Nhưng không theo kiểu sướt mướt ủy mị hay cay đắng gì sất. Chỉ nhớ lại đã hạnh phúc như thế nào. Thật đấy, mặc dù anh đã làm tôi đau khổ theo cái cách tôi không bao giờ nghĩ đến, tôi vẫn không quên được cái cảm giác tuyệt vời khi có anh bên cạnh.

Khi chúng tôi bắt đầu quen nhau và đi chơi chung với đám bạn, tôi vẫn thích đứng từ xa nhìn anh nói chuyện với người này người kia. Tôi cứ nghĩ sao mà anh đẹp trai, quyến rũ thế. Nhất là khi anh làm mặt nghiêm nghị, cái kiểu của mấy người kế toán ấy. Nó khiến tôi luôn mỉm cười. Nhìn anh cứ như chẳng biết vui vẻ là gì.

Nhưng phải nói với bạn là tôi biết anh không phải thế.

Và tôi sung sướng đến ngây người khi biết rằng sau bữa tiệc hay bất cứ việc gì, James của tôi sẽ về nhà với tôi. Tôi muốn cứ luôn được như thế.

Tôi đã thấy nhiều phụ nữ có gia đình phát phì lên và trông xấu xí, nói chuyện với chồng như thể họ chỉ là mấy người thợ sửa chữa lặt vặt. Tôi thấy rất buồn. Lấy chồng làm gì nếu điều kỳ diệu kia chẳng còn? Nếu bạn chỉ nói chuyện với chồng khi nhà cửa hỏng hóc hay ọp ẹp? Hay là lũ trẻ học hành rất tệ?

Vậy thì bạn cưới cái mũi khoan đi cho rồi. Hay là một cuốn sách giáo khoa dạy tâm lý trẻ con ấy.

Mà thôi, tôi vẫn không hiểu được chuyện này. Tôi yêu anh.

Tôi đã muốn cuộc hôn nhân của chúng tôi tốt đẹp.

Tôi đã nỗ lực hết sức để mọi thứ lúc nào cũng thật đẹp đẽ.

Thật ra thì cũng không hoàn toàn thế.

Tôi đã chẳng cần phải nỗ lực hết sức để mọi thứ thật đẹp đẽ. Tự thân nó cứ đẹp đẽ thế rồi.

Ừ thì tôi đã nghĩ như thế.

Tôi những tưởng hành trình đi tìm cái nửa kia của đời mình của cả hai đã chấm dứt. Tôi đã gặp được một người đàn ông yêu tôi vô điều kiện. Thậm chí còn hơn cả cái tình yêu vô điều kiện mà mẹ tôi dành cho tôi, bởi vì không may là cái tình yêu vô điều kiện của bà lại đi kèm với một số điều kiện nhất định.

Và anh khiến tôi phải bật cười cũng như các chị em tôi, các bạn tôi hay làm tôi cười. Thậm chí còn hơn thế vì tôi thường không thức dậy với các chị em tôi và các bạn gái của tôi nằm ngay bên cạnh.

Nên cơ hội được cười vui vẻ với James thì nhiều hơn, và ở những nơi dễ thương hơn nhiều.

Và vì những thứ mà tôi cho là hay ho hơn nhiều.

Vậy đó, nên tôi nghĩ nếu có ai đi tằng tịu ở bên ngoài thì đó phải là tôi kia.

Không có nghĩa tôi sẵn sàng làm thế đâu nhé, nếu bạn hiểu ỷ tôi.

Nhưng tôi luôn là đứa xởi lởi, ồn ào, giúp vui cho mọi người.

Và theo ý kiến của đa số thì James là người của lý trí, đáng tin cậy.

Ít nói, trầm tính, và vững như bàn thạch.

Đó là vấn đề với các quý ông chuyên mặc veston, đeo kính, nhìn bạn rất chân tình mà nói những câu như: “ừm, trong khoảng thời gian giảm phát, thương lượng để được vay mua nhà với mức lãi suất cố định là thượng sách”, hay “Anh sẽ bán đi cổ phần của kho bạc nhà nước mà mua trái phiếu chính phủ”, hay những câu tương tự.

Bạn sẽ ngay lập tức cho là họ chán ngắt như biển không có sóng, và chắc như một cái hầm quân sự. Tôi cho là mình cũng hơi có suy nghĩ đó với James. Tôi có cảm tưởng mình có thể cư xử kiểu gì cũng được, tùy thích, anh vẫn sẽ mỉm cười độ lượng.

Anh thấy vui vì tôi làm anh vui.

Không, không phải thế. Nghe có vẻ chồng chúa vợ tôi quá.

Nhưng chắc chắn là anh rất vui.

Anh thật sự thấy vui vì cái tính hài hước, ồn ào của tôi.

Còn tôi thấy thật an tâm, an toàn, được anh che chở, bảo vệ.

Tôi biết mình có thể chứng tỏ “bản lĩnh” ăn chơi với anh và anh vẫn sẽ yêu tôi. Nên tôi tin chắc mình không cần phải làm đến việc ấy.

Tôi chẳng còn thường xuyên uống rượu nữa.

Nhưng kể cả những hôm tôi có uống và thức dậy sáng hôm sau, đầu như bị ai đám, khép nép cố chắp vá lại những sự kiện đã diễn ra đêm hôm trước, anh vẫn rất ngọt ngào.

Anh vẫn cười dịu dàng, lấy nước cho tôi uống, rồi vươn người hôn lên cái trán đang bị đập bịch bịch của tôi, trong khi tôi nằm như một cái xác trên giường. Anh nói những câu như: “Đâu có, cưng đâu có đáng ghét hồi nào đâu. Cưng tiếu lâm lắm”, hay “Không, em yêu, em đâu có hành hạ anh. Em làm bọn anh cười không nhịn nổi ấy chứ”, hay “Cái giỏ của em ở đâu đó thôi. Có thể là nằm dưới mấy cái áo khoác ở nhà Lisa. Để anh gọi nó ngay”, hay “Dĩ nhiên em còn nhìn thẳng vào mặt họ được chứ. Em nghĩ đi, ai cũng xỉn hết rồi mà. Có nằm mơ cũng không nói em là đứa xỉn nhất được đâu”.

Rồi một lần thật sự kinh khủng cũng xảy ra. Có lẽ là một cái “sáng hôm sau” tệ nhất trong đời. Những lời hứa sẽ không uống nữa phun ra như mưa vào sáng hôm ấy. “Nhanh, nàng tiên của anh! Lượt của em lúc chín rưỡi. Em không đến trễ được đâu. Luật sư bảo tên thẩm phán này là một thằng đê tiện thứ thiệt đấy.”

Chờ chút. Để tôi giải thích đã. Bạn nghe cho kỹ nhé. Vâng, tôi đã bị bắt vào một đêm nọ, nhưng không phải vì tôi làm gì vi phạm pháp luật. Tôi chỉ có mặt ở một cái nơi không ổn vào một cái thời điểm không hay thôi. Tôi đã vô tình có mặt ở một hộp đêm hóa ra không được cấp phép kinh doanh rượu. Tôi không hề nghĩ những kẻ mở ra cái hộp đêm này lại đang làm điều gì phạm pháp.

Trừ cái giá họ bán một chai rượu ở đây.

Và mấy cái áo vest của mấy ông vệ sĩ.

Chỉ áo vest này không thôi cũng đã đủ để bị giam cách ly mười năm rồi.

Tôi không biết làm thế nào tôi đã tự làm cho mình dính vào rắc rối ở đấy. Tôi chỉ biết chắc một điều là rượu vào, tinh thần lên.

Lúc thấy cảnh sát bước vào quán và ai nấy vội vã giấu cái ly của mình dưới bàn, Judy, Laura và tôi thấy rất buồn cười.

- Giống tuyên lệnh cám quá! - ba đứa đồng tình, cười ha hả.

Tôi quyết định kể câu chuyện cười tôi tâm đắc nhất cho mấy anh cảnh sát nghe. Nó như thế này: Cần bao nhiêu cảnh sát mới đập bể được một cái bóng đèn? Dĩ nhiên câu trả lời là không cần một cảnh sát nào sất. Cái bóng rơi, lăn xuống cầu thang mà bể. Một trong số họ thấy thế là rất xem thường cảnh sát và bảo tôi, nếu không ăn nói cho đàng hoàng tử tế, họ sẽ bắt.

- Vậy thì cứ bắt em đi! - Tôi cười Ướt át, chìa hai tay cho hắn tra còng vào. Rõ ràng tôi đã không hiểu được đây là những cảnh sát thực thụ, không phải mấy cậu trai chuyên múa thoát у thuê cải trang kiểu cảnh sát.

Thế là, không ai ngạc nhiên hơn chính bản thân tôi khi hắn khóa tay tôi thật.

Dĩ nhiên tôi biết hắn chỉ làm đúng phận sự.

Tôi chẳng uất ức gì hắn. Không cay cú.

Tên khốn.

Phải thú nhận là tôi đã vô cùng, vô cùng kinh ngạc. Tôi cố bảo hắn tôi chỉ là một phụ nữ trẻ thành thị, dân trung lưu. Rằng thậm chí tôi đã kiếm được người cưới tôi về làm vợ và anh ấy là kế toán. Tôi nói tất cả những điều này để hắn hiểu tôi ở cùng phe với hắn. Chán chỉnh những chuyện sai quấy, đấu tranh vì công lý, mấy thứ ấy.

Và rằng bắt tôi tức là hắn đã góp phần làm xáo trộn cái định kiến người ta vẫn dành cho những kẻ say xỉn, mất khả năng kiểm soát bản thân.

Tôi bị áp tải ra xe cảnh sát, mặt mũi nhòe nhoẹt thò ra cửa nhìn theo Laura và Judy.

- Gọi James, - Tôi mấp mấy môi. Rồi bị chở đi.

Tôi biết anh sẽ biết phải làm gì.

Và anh làm thật.

Anh bảo lãnh tôi ra và tìm luật sư.

Cả cuộc đời mình tôi chưa từng hoảng sợ như thế. Tôi cứ đinh ninh mình sẽ bị đánh cho đến phải khai ra, sẽ bị tống vào tù đến mấy kiếp, sẽ không bao giờ được gặp lại James, bạn bè và gia đình của mình nữa.

Tôi sẽ không bao giờ lại được nhìn thấy bầu trời xanh, ngoại trừ từ sân tập thề thao của nhà tù. Tôi nghĩ đến đấy mà thấy vô cùng thương hại bản thân. Tôi sẽ không bao giờ được mặc quần áo đẹp nữa. Tôi sẽ phải mặc cái váy tù gớm ghiếc kia.

Và tôi sẽ phải thành ra dân đồng tính. Tôi sẽ phải trở thành bạn gái của Bé Bự để mụ ấy bảo vệ tôi khỏi đám nữ tù và mấy cái chai Coca kia của chúng.

Tôi có bằng đại học hẳn hoi nhưng ích gì.

Và tôi sẽ phải hút thuốc trở lại.

Và tôi cũng chẳng giả được giọng úc. Tôi quẫn quá. Vậy nên khi James đến đồn cảnh sát để bảo lãnh tôi, hay là “mở đường cho tôi đào thoát”, như tôi vẫn thích gọi thế, tôi không tin được là chẳng có cái mấy quay nào của đài truyền hình với một đám đông cuồng nhiệt dứ dứ mấy dải biểu ngữ ở bên ngoài.

Chỉ thấy một chiếc xe cảnh sát nữa, thắng kít lại, cà lết bờ kè. Khoảng năm tên say rượu loạng choạng bò ra.

James chở tôi về nhà.

Anh kiếm được một tay luật sư từ đám bạn và gọi cho ông ta.

Anh đánh thức tôi dậy vào sáng sớm, khi mà tôi vẫn không mở nổi mắt vì đủ thứ linh tính kinh khủng trong đầu.

Anh bôi sạch son tôi vừa trét lên môi, bảo có lẽ tốt hơn hết là tôi đừng để trông như mấy đứa con gái ham vui.

Cũng với lý lẽ đó, anh bắt tôi mặc váy dài với áo cổ cao.

Anh ngồi trong phòng án, nắm tay tôi chờ đến lượt. Anh khẽ ngâm nga cho tôi nghe mấy bài hát ngăn ngắn trong khi tôi ngồi đó, mặt trắng bệch, lại buồn nôn vì vừa sốc, vừa còn lơ mơ vì rượu đêm trước. Mấy bài hát đó khiến tôi thấy bớt căng thẳng.

Cho tới khi tôi nghe được vài từ gì đó.

Nghe loáng thoáng như là đi phá đá, một đám tù chân bị cùm xích lại với nhau.

Tôi quay sang nhìn anh, nước mắt đầy mặt, chuẩn bị bảo anh cuốn xéo về nhà ngay nếu thấy buồn cười khi tôi thế này.

Nhưng tôi bắt gặp ánh mắt anh.

Và tôi không nhịn được.

Tôi phá lên cười.

Anh đúng đấy chứ.

Cả cái sự việc này điên khùng quá, chẳng lý gì lại không cười cho sướng.

Tôi và anh rúc rích cười như hai đứa học trò.

Lão thẩm phán nhìn chúng tôi kinh tởm.

- Vậy là thêm mười năm nữa nhé, - James khịt khịt mũi, hai đứa lại cười rũ rượi.

Tôi được ra về sau khi đã đóng phạt năm mươi bảng. James móc bóp trả, cười sảng khoái.

- Lần sau em tự trả lấy nhé! - anh nhe răng cười.

Tôi không tin nổi anh có thể vui vẻ, bình tĩnh đến vậy. Nếu ai đó đánh thức tôi dậy lúc hai giờ sáng, bảo James đã bị bắt, chắc tôi sẽ cực kỳ hoảng. Chắc chắn tôi sẽ không thấy chuyện có gì vui vẻ như anh. Tôi sẽ nghiêm chỉnh tự vấn mình đã cưới loại đàn ông gì.

Tôi sẽ không nuông chiều, che chở và tha thứ hết, như James.

Sự thật là anh thậm chí chẳng cần đến cả tha thứ, vì anh chưa hề làm như thể tôi đã làm bất cứ chuyện gì sai trái.

Vậy là nếu lần sau bị bắt giữ, sẽ không có ai nắm tay tôi trong phòng án và làm tôi phá lên cười.

Ấy là chưa nói đến chuyện tôi phải tự trả cái số tiền phạt tàn nhẫn kia.

Đôi khi anh thật ngọt ngào. Khi tôi hay thức giác giữa đêm vì lo lắng, anh đúng là một người tuyệt vời.

- Sao vậy cưng?

- Không có gì, - Tôi không biết phải diễn tả ra sao cái cảm giác lo lắng phập phồng, không rõ ràng kia.

- Không ngủ được hả?

- Không.

- Vậy anh ru cưng ngủ nha?

- Dạ.

Rồi tôi từ từ trôi vào giấc ngủ êm đềm, nhờ cái giọng êm ái nhẹ nhàng của James đều đều giải thích các tổ chức từ thiện thì được miễn thuế, hay là những quy định mới về thuế giá trị gia tăng của Cộng đồng châu Âu.

Tôi tắt vòi sen, lau khô mình.

Tôi nên gọi anh, tôi tự nhủ.

Tôi trở về phòng, thay quần áo.

- Gọi cho anh ấy! - Tôi nghiêm khắc ra lệnh cho mình.

- Cho Kate bú xong đã, - Tôi ậm ờ.

- Gọi đi!

- Cô muốn con bé chết đói chắc? - Tôi cố nói giọng giận dữ. - Tôi sẽ gọi sau khi con bé bú xong.

- Rồi cô sẽ lờ đi thôi. Gọi ngay!

Tôi lại giở mánh cũ ra rồi.

Trì hoãn, né tránh trách nhiệm, thấy chuyện không vui là cứ thế bỏ chạy.

Nhưng tôi sợ lắm.

Tôi biết mình sẽ phải nói chuyện tiền bạc, nhà cửa, mấy thứ đó, với James. Tôi đâu có hề chối bỏ việc này. Nhưng tôi có cảm giác chỉ cần tôi nói đụng đến những chuyện này thôi, chúng sẽ ngay lập tức thành thật.

Mà nếu chúng thành thật thì có nghĩa cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc.

Mà tôi lại không muốn thế.

Ôi trời ơi! tôi thở dài.

Tôi nhìn Kate đang nằm trong cũi, bụ bẫm, mềm mại và thơm tho trong bộ đồ liền quần màu hồng bé xíu. Tôi biết mình phải gọi James.

Tôi có thể là một đứa hèn nhất, nhưng tôi nợ con gái xinh đẹp cả tương lai của nó.

- Thôi được rồi, - Tôi xuôi, nhìn con bé. - Con làm mẹ phải chào thua rồi này. Mẹ đi gọi bố đây.

Tôi vào phòng mẹ để gọi.

Tôi từ từ quay số văn phòng của James ở London, bắt đầu thấy chóng mặt.

Nôn nao, hồi hộp, mà cũng rất sợ hãi.

Vài giây nữa thôi tôi sẽ nghe giọng anh.

Tôi mong lắm.

Cả người tôi nóng và run lên vì căng thẳng.

Tôi sắp được nói chuyện với anh, James của tôi, người bạn tốt nhất đời của tôi.

Mà đâu còn là bạn tốt nhất đời nữa, phải không? Nhưng tôi cứ quên mất. Dù chỉ trong một giây.

Tôi bắt đầu thấy khó thở. Dường như tôi không hít vào được nữa.

Điện thoại bắt đầu reng.

Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi tưởng như mình sẽ nôn ngay ra đây.

Cô tiếp tân trả lời mấy.

- Ờ... Cho tôi gặp James Webster ạ, - giọng tôi run run, hai môi những tưởng đã bị tiêm thuốc tê cho mất cảm giác.

Vài tiếng bíp bíp.

Vài giây nữa thôi tôi sẽ nói chuyện với anh.

Tôi nín thở.

Dù gì thì nãy giờ tôi cũng đã không thở nổi rồi.

Một tiếng bíp nữa.

Lại là giọng của cô tiếp tân.

- Xin lỗi chị, anh Webster tuần này không có ở văn phòng. Chị có cần nói chuyện với ai khác không?

Nỗi thất vọng quá lớn, đến nỗi tôi thậm chí gần như không thốt ra thêm được lời nào.

- Thôi không cần đâu. Cám ơn cô.

Tôi gác máy.

Và ngồi lặng đi trên giường mẹ.

Tôi không biết phải làm gì.

Gọi cho anh sao giống như một thử thách vô cùng khó khăn. Thế rồi mặc dù vậy, tôi đã rất háo hức được nói chuyện với anh nữa. Vậy mà anh lại không có ở đấy.

Sao mà thất vọng.

Hàng ti tỉ lít adrenaline đang chạy dọc cơ thể tôi, khiến cho trán tôi lấm tấm mồ hôi, khiến cho hai tay tôi ướt sũng và run rẩy, đầu u u. Tôi không biết phải làm gì.

Rồi đột nhiên tôi hoảng hốt, James đi đâu?

Làm ơn đừng nói là anh đi nghỉ.

Đi nghỉ mát?

Sao anh có thể đi nghỉ mát trong khi cuộc hôn nhân của anh đang trên đà tan vỡ? Đã tan vỡ, trên thực tế.

Có thể anh được đi học, tôi tuyệt vọng nghĩ.

Tôi đã nghĩ đến chuyện gọi lại cho cô tiếp tân hỏi anh đi đâu.

Nhưng tôi kịp dừng lại. Còn lại một mẩu tự trọng bé tẹo, tôi sẽ không vứt nó đi đâu.

Có thể là anh bệnh. Có thể anh bị cúm.

Tôi thà đón nhận tin anh bị ung thư giai đoạn cuối.

Gì cũng được, nhưng đừng là đi nghỉ.

Cái ý nghĩ anh đang sống mà không cần đến tôi, đang thực sự tận hưởng cuộc sống sao mà khó chịu.

Một mặt, dĩ nhiên, tôi biết anh đang sống mà không có tôi. Thì đấy, bằng chứng rành rành ra đấy. Ở với một mụ đàn bà khác, không liên lạc với tôi thậm chí chỉ để xem Kate thế nào. Nhưng mặt khác, tôi ngờ là mình vẫn chưa thôi hy vọng anh đang thương nhớ tôi lắm, và rồi anh sẽ trở lại.

Nhưng nếu anh đi nghỉ mất thì chuyện khác rồi.

Anh ta có thể vô tư, sung sướng đến thế sao? Tôi nghĩ, trí tưởng tượng bắt đầu chạy loạn xạ. Có thể đang vi vu với mụ nhân tình kia ở một cái resort xa xôi nào đó, uống Pina Coladas chảy ra từ giày của mụ, hồn bập bồng theo tiếng champagne nổ, tiếng pháo hoa, tiếng nhạc, và xung quanh toàn những con người hạnh phúc đầu đội mũ chóp sặc sỡ, tay ve vẩy cờ nheo, đan nhau thành một hàng, hò reo múa hát.

Trong khi mình đang chết cóng vì cái thời tiết tháng Ba ở đây, tôi đinh ninh James đang sung sướng ở một cái resort xa hoa nào đó trên một hòn đảo vùng Caribê, nơi anh có đến mười bốn thằng bé phục vụ và một hồ bơi riêng, cả phòng ngào ngạt hương hoa đại nở rộ.

Tôi chẳng biết hoa đại nở rộ thì trông như thế nào, chỉ biết cứ những cảnh như thế này thế nào cũng có nó.

Ôi trời ơi! Tôi nuốt cái cảm giác ấy xuống. Chắc chắn tôi chưa từng nghĩ có ngày mình phải cảm thấy như thế này.

Giờ tôi biết làm gì đây.

Mẹ bước vào, hai tay bê một núi quần áo vừa ủi xong.

Bà khựng lại, ngạc nhiên vì thấy tôi.

- Chuyện gì vậy con? - bà hỏi, thấy tôi mặt mày đau khổ.

- Con mới gọi James, - Tôi nói, rồi òa khóc.

- Ồi Chúa ôi! - bà đặt mớ quần áo lên ghế rồi đến ngồi cạnh tôi.

- Nó nói thế nào?

- Không gì hết, - Tôi thổn thức. - Anh ấy không có ở đấy. Con dám cá là đi nghỉ với con khốn béo ị ấy rồi. Thế nào cũng bay vé hạng nhất. Thế nào cũng có cả bề tắm jacuzzi trong phòng.

Bà vòng tay ôm tôi.

Một lúc sau tôi cũng thôi khóc.

- Mẹ cần con giúp cất mấy bộ quần áo này đi không?

- Tôi sụt sịt hỏi.

Khiến bà trông thật sự lo lắng.

- Con không sao chứ?

- Con không sao.

- Chắc không? - bà vẫn nghi ngờ.

- Con không sao mà, - Tôi quả quyết, bắt đầu thấy hơi khó chịu.

Tôi không sao.

Tôi nên quen với cái cảm giác này thì hơn.

Vì nó sẽ còn xảy ra nhiều. Ít ra là cho tới khi tôi hoàn toàn rõ mọi chuyện giữa tôi và James đã chấm hết. Thôi được rồi. Thì tôi đang thấy vô cùng khổ sở đây. Bị tổn thương và sốc.

Nhưng chốc nữa thôi cái cảm giác này sẽ không còn dằn vặt tôi đến mức ấy nữa. Nó sẽ biến mất.

Nên tôi sẽ không trở lại nằm bẹp trên giường thêm một tuần nữa đâu.

Thứ Hai tới tôi sẽ gọi James.

Thời điểm tốt để nói chuyện.

Chắc chắn anh ta sẽ chán đời lắm khi phải trở lại với công việc trong khi người vẫn lừ đừ sau chuyến bay dài và vì vẩn vơ tiếc nuối kỳ nghỉ.

Tôi cố làm mình vui bằng cách vờ như tôi sẽ rất mừng được thấy anh ta chán đời.

Và nếu đừng suy nghĩ quá nhiều về cái mánh này, tôi sẽ vui được một lúc.

- Con không sao đâu mẹ à, - Tôi quả quyết. - Để con đem cất chỗ quần áo này.

Tôi bước lại phía cái ghế. Mẹ trông có phần kinh hoảng nhìn tôi phân chia mớ quần áo.

Tôi cầm một chồng kha khá, bảo mẹ:

- Con đem mớ đồ này qua phòng Anna đây.

- Nhưng mà...

- Không nhưng nhị gì hết, - Tôi trấn an bà.

- Không phải, Claire à...

- Mẹ! - Tôi kiên quyết, rất xúc động vì sự lo lắng của bà, nhưng tôi quyết định phải vượt qua chính mình, phải làm đứa con gái chu đáo. - Con ổn rồi.

Rồi tôi rời phòng bà, đi qua phòng Anna.

Cửa phòng bà sập lại sau lưng. Thế là giọng bà gọi với theo chỉ còn nghe văng vẳng:

- Claire! Vì Chúa. Mẹ nói sao với bố con nếu quần lót của bố trong ngăn tủ của Anna.

Tôi ngồi quỳ gối trước ngăn kéo đựng đồ lót của Anna Tôi khựng lại.

Tôi đâu có đang bỏ quần lót của bố vào ngăn kéo của Anna, đúng không?

Đúng đấy.

Tôi nhận ra tốt hơn hết nên mang mớ đồ này đi chỗ khác. Vì Anna sẽ chẳng đời nào thấy cái quần chíp nó vừa mặc vào lại to đùng, dáng chữ Y có gì là bất thường.

Thể nào nó cũng nghĩ là mình đang mặc quần chíp của mình.

Hay thậm chí có đang mặc quần chíp hay không cũng chẳng quan trọng với nó, tôi sực nhớ ra.

Tôi nhớ chắc đã từng nghe nó lải nhải chuyện quần áo - nhất là quần áo lót - là một hình thái của chủ nghĩa phát xít. Nói nhăng nói cuội gì đấy về chuyện không khí cần được lưu thông, da cần phải thở, đường lưu thông của khí phải được thoải mái, không gò bó. Khiến tôi nghi ngờ rằng quần chíp và mặc quần chíp không nằm trong danh sách những việc ưu tiên của Anna.

Tôi thở dài đánh sượt, gom mớ quần lót đứng dậy đi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK