Cái trí tưởng tượng này mạnh mẽ đến độ khi đồng hồ điểm đúng mười một rưỡi, tôi đã vô cùng thất vọng khi thấy anh ta xuất hiện ngoài cổng, vẫn thẳng lưng mà bước.
Con người ta thời tiền sử chắc cũng chung cái cảm giác không tin vào mắt mình như tôi khi thấy một tên đồng loại tót từ trên cây xuống, từ đó trở đi ung dung di chuyển chỉ bằng hai chân.
Tôi đứng cạnh cửa sổ nhìn anh ta bước từ ngoài cổng vào. Bạn đừng lo, tôi đứng cách một khoảng cũng đủ an toàn. Tôi biết để anh ta thấy tôi gí mũi vào cửa kính không phải là cách để nâng cao phẩm giá của mình đâu.
Tôi đã tự hỏi không biết anh ta trông sẽ như thế nào. Giờ thì tôi sẽ biết ngay thôi. Nó khiến tôi nhói lòng.
Anh ta không còn là của tôi nữa, nên trông sẽ khác đi.
Cái dấu ấn rõ ràng nhưng cũng rất tinh tế của tôi trên con người anh ta sẽ không còn nữa.
Anh ta đã là một phần dôi ra của tôi nên một cách rất tẩm ngẩm tầm ngầm - phải thú nhận là đôi khi cũng rất quyết liệt - tôi đã làm cho cái bề ngoài của anh có một nét riêng nào đó.
Ừm, thôi thì nói cho công bằng, anh ta chính là hình ảnh phản chiếu con người tôi. Tôi không thể để anh ta trông như yêu tinh mà đi lung tung được.
Giờ thì cái quyền uy đó đâu còn.
Mà anh ta trông sẽ như thế nào?
Có khác không?
Denise đã làm cho anh ta bị béo lên chưa?
Hay là ăn mặc xấu xí?
Liệu Denise có để anh ta ra đường, lúc nào cũng ních mấy cái áo khoác bé tí với mấy cái quần thun mà cô ta đã mặc cho ba thằng bé con? Tất tần tật đều màu tím và xanh cổ vịt. Kinh khiếp.
Liệu anh ta có trông như một tên đốn mạt lạnh lùng, tàn nhẫn, đến để cướp đi tổ ấm và đứa con bé bỏng của tôi?
Nhưng anh ta trông vẫn rất bình thường. Hai tay nhét túi. Anh ta trông bình thường như bất cứ ai, ở bất cứ đâu.
Mặc dù thấy khác với những gì tôi còn nhớ.
Ốm hơn, tôi nghĩ.
Rồi tôi chắc còn điểm gì đó nữa... gì nhỉ?... tôi không chắc nữa... phải chăng... anh ta lúc nào cũng lùn như thế?
Và cũng không ăn vận theo kiểu tôi trông đợi.
Cứ mỗi khi nghĩ đến cảnh mình gặp anh ta, tôi vẫn nghĩ ngay đến cái bộ đồ Kẻ Hành Quyết anh ta đã mặc hôm ấy ở bệnh viện. Nhưng hôm nay anh ta mặc quần jean, áo sơ mi xanh biển và hình như là có áo khoác nữa.
Rất đơn giản. Rất đại khái.
Rõ ràng là không đặt việc này vào đúng tầm quan trọng của nó.
Trông như không ổn.
Không phù hợp.
Như một ông chuyên hành hình tử tội một hôm đi thừa hành công việc bỗng mặc áo sơ mi sặc sỡ kiểu Hawaii, đội nón ngược ra sau, nhe răng cười bày trò đố chữ.
Anh ta nhấn chuông. Tôi hít thật sâu rồi ra mở cửa.
Tim tôi đập dữ dội.
Tôi đẩy cửa. Anh ta xuất hiện ngay trước mặt.
Như xưa. Thật đau lòng, anh ta vẫn y như xưa.
Tóc vẫn màu đen, khuôn mặt vẫn hơi xanh, mắt vẫn thẫm màu lá, ngàm vẫn chắc gọn.
Anh ta gượng cười méo mó trông hơi buồn cười, rồi sau một hồi im lặng lúng túng, anh ta nói giọng vô cảm: - Claire, em khỏe không?
- Khỏe, - tôi thoáng mỉm cười đáp lại (lịch sự). - Vào nhà đi.
Anh ta bước vào phòng, tôi suýt khuỵu xuống đất vì một cơn buồn nôn kinh khiếp. Mỉa mai, giễu cợt một chút qua điện thoại là một chuyện. Đối phó với anh ta bằng xương bằng thịt thế này lại là một chuyện khác khó khăn hơn bội phần.
Mặc dù, dẫu chẳng sung sướng gì, tôi vẫn phải cư xử như một người lớn.
Cái thời vừa chạy về phòng vừa khóc tồ tồ đã xa lắm rồi.
Bản thân anh ta trông cũng không vui vẻ gì.
Tôi biết anh ta không còn yêu tôi nữa, nhưng anh ta cũng chỉ là một con người, ừ thì tôi cho rằng anh ta cũng chỉ là người. Nên không thể không bị cái sự kiện quan trọng này tác động đến tinh thần.
Nhưng tôi biết James quá rõ. Anh ta sẽ lấy lại vẻ đường hoàng đĩnh đạc ngay đây thôi.
Đó chính xác là việc tôi phải làm.
Tôi lịch sự lên tiếng: - Để em cất áo khoác giúp anh? - như thể anh ta chỉ là một tên nào đó đến cố gạ bán hệ thống sưởi trung tâm.
- Ờ, chắc vậy, - anh ta miễn cưỡng cởi áo khoác, thận trọng đưa nó cho tôi, cố hết sức để tay chúng tôi không chạm phải nhau.
Anh ta tiếc nuối nhìn theo cái áo khoác, như thể sẽ không bao giờ còn được thấy nó nữa và đang cố ghi nhớ lại từng chi tiết một của cái áo.
Anh ta sợ gì chứ?
Tôi không định trộm mất cái áo khoác chết tiệt ấy đâu.
Chẳng đẹp đến thế.
- Để em đi cất nó, - tôi nói, và đến lúc này chúng tôi mới thực sự nhìn thẳng vào mắt nhau.
Anh ta lia mắt quét nhanh khuôn mặt tôi rồi nói, giọng vẫn đều đều vô cảm: - Claire, trông em ổn lắm.
Anh ta nói câu này với cái vẻ hồ hởi của một nhân viên lễ tang vẫn dành cho ai đó, thật phi thường, đã sống sót trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp, “ừ”, anh ta gật gật đầu, hơi chút ngạc nhiên, “Trông anh ổn lắm.”
- Thì sao lại không chứ? - tôi mỉm cười, tỏ ra, ít ra là tôi hy vọng thế, bình thản, đồng thời cũng rất mỉa mai.
Cho anh ta biết mặc dù anh ta không còn yêu tôi, mặc dù anh ta đã làm tôi tổn thương và mất mặt, thì tôi vẫn là một con người và tôi sẽ vượt qua được chuyện đó.
Gần như là cười trên cái sự thể bầy hầy, đau đớn ấy và mời anh ta, kẻ thủ phạm, cùng cười với tôi.
Không tin nổi là tôi làm được thế.
Tôi cảm thấy khá vừa ý với bản thân.
Bởi vì, mặc dù tôi không thấy bình tĩnh và không có tâm trạng để cư xử một cách có văn hóa tí nào, có Chúa chứng giám, tôi vẫn sẽ diễn được thật tốt.
Nhưng anh ta hình như không thấy chuyện này có gì là vui vẻ như tôi đã cố ra vẻ thế.
Anh ta nhìn tôi lạnh băng.
Thêm vài cơn buồn nôn kinh khủng.
Tên đốn mạt đáng tội.
Nếu tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để cư xử đàng hoàng, có văn hóa, thì anh ta chắc chắn, chắn chắn cũng làm được như thế. Nói cho cùng thì anh ta có gì để mất? Anh ta chắc hẳn đã đứng trước gương trong căn phòng ở khách sạn The Liffey Side (Boyd Failte[15] - đã chứng nhận - các phòng đều có phòng tắm riêng, máy pha trà và cà phê, tivi đa kênh, cộng với bài la hét cãi cọ của các ông xỉn ngay dưới đường theo yêu cầu của khách lưu trú) tập vòng tay ôm eo tôi rất tha thiết, nói tiếng được tiếng mất vì xúc động, là anh ta vẫn yêu thương tôi, nhưng không còn yêu tôi nữa.
[15] Hiệp Hội Du Lịch Ireland, chuyên phát hành các ấn phẩm hướng dẫn du lịch trong đó giới thiệu các khách sạn được họ công nhận chất lượng dịch vụ.
Chúng tôi đứng bất động mất vài giây, James trông như thể cả gia đình anh ta vừa bị tàn sát hết dưới làn mưa mã tấu của lũ giang hồ. Tôi trông cũng chẳng khá hơn. Sự căng thẳng sao mà kinh khủng.
- Thôi vào phòng ăn đi! - tôi chủ động lên tiếng. Không thì chúng tôi chắc sẽ đứng đó đến hết ngày, mặt trắng bệch, bộ dạng khốn khổ và cơ thể bất động vì căng thẳng. - Trong ấy mình sẽ không bị làm phiền, lại sẵn bàn cho mình bày các thứ giấy tờ gì đó cần xem.
Anh ta gật đầu lạnh nhạt và bước đi trước tôi.
Vô phép đến thế cơ đấy! Ra cái vẻ trâng tráo ấy để làm gì?
Tôi mới là cái người được quyền đi trước chứ, đúng không?
Kate đã đợi sẵn trong phòng.
Con bé nằm trong cũi, trông xinh xắn vô vàn.
Tôi nhấc bé khỏi cũi, áp mặt bé vào mặt mình: - Kate đây.
Anh ta tròn mắt nhìn hai mẹ con không chớp, miệng mấp máy không nên lời. Trông hơi giống một con cá vàng. Một con cá vàng nhợt nhạt, căng thẳng.
- Nó... nó lớn quá rồi, - cuối cùng anh ta cũng nói thành tiếng.
- Trẻ con chúng nó thế, - tôi gật đầu mỉa mai.
Hàm ý là: “Nếu anh đã thò đầu ra, tên đốn mạt ạ, thì anh đã trông thấy con bé lớn thêm mỗi ngày rồi.” Nhưng tôi không nói ra.
Không cần phải thế.
Anh ta biết điều ấy.
Nó hiện rõ mồn một trên cái gương mặt gượng gạo, nhục nhã kia.
- Vậy nó tên là Kate?
Một luồng lửa giận liếm dọc cơ thể khiến tôi tưởng mình sắp xông đến giết chết anh ta.
Thậm chí còn không biết tên con.
Có hàng tá người cho anh ta hỏi.
- Lấy tên của Kate Bush à? - anh ta hỏi, ý nói đến một cô ca sĩ mà mặc dù tôi thích cô ta, tôi chẳng đời nào nghĩ đến chuyện bắt chước tên ấy đặt cho con mình.
- Ừ, - tôi chua chát. - Giống như Kate Bush.
Tôi sẽ không mất công giải thích cho anh ta nghe. Anh ta việc quái gì phải quan tâm?
- À này! - rõ ràng trong đầu anh ta vừa nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. - Anh bế nó được không?
Ở vào những tình cảnh hoàn toàn khác, tôi sẽ viết là anh ta đang rất hào hứng, nhiệt tình.
Sự cay đắng và giận dữ trong tôi đã ngùn ngụt phừng lên cao quá cái đầu tóc chải mượt mà, gọn ghẽ của anh ta.
Tôi chỉ muốn hét lên: “Đương nhiên là anh có thể bế con bé, nó đã phải đợi cái ngày này đến hai tháng nay. Anh là cái thằng CHA của nó kia mà!” Nhưng tôi cố gắng kiềm chế.
Tôi thấy mình như một kẻ bội bạc, một bà mẹ ở một cái nước nào đó thuộc thế giới thứ ba vì khó khăn, nghèo túng mà phải bán con mình cho một người Tây giàu có. Nhưng tôi vẫn chuyển con bé vào tay anh ta.
Nhìn cái mặt anh ta kia.
Như thể vừa bị chạm dây thần kinh.
Cười tươi rói, mắt sáng rỡ, vẻ mặt cung kính.
Dĩ nhiên anh ta ẵm con sai bét.
Nghiêng, thay vì dọc.
Ngang, thay vì đứng.
Những người không biết gì về em bé vẫn ẵm chúng kiểu ấy.
Tôi biết thế là vì mình cũng làm y chang một, hai hôm đầu đời của Kate cho đến khi một bà mẹ kia, phát ốm vì tiếng la khóc của Kate, đã mệt mỏi mà khai sáng cho tôi. (“Đứng lên, không phải ngang ra thế!”) Nhưng bạn đừng mong tôi sẽ thông cảm với James vì cũng sai y như tôi.
Kate khóc ré lên.
Dĩ nhiên rồi.
Bị một tên đàn ông lạ mặt cầm như cầm một cái thảm cuộn lại.
Liệu bạn có khóc không?
James sợ hãi.
- Sao vậy? Làm sao anh cho nó nín được?
Vẻ mặt cung kính đã biến mất.
Thay vào đó là sự sợ hãi trắng trợn.
Tôi vẫn biết cái kiểu “người đàn ông lịch lãm” là quá hay ho, không thể nào có thật.
- Đây, - anh ta chìa con bé cho tôi, nhìn cả hai mẹ con vẻ kinh tởm.
Rõ ràng không có chuyện nước mắt đàn bà với James.
Mà thật ra trước đây anh ta không phải luôn như vậy.
Thì anh đã cưới tôi đấy thôi. Và tôi cũng không có tiếng là giỏi dồn ứ nước mắt vào trong. Phương châm của tôi là thà ra còn hơn vào.
Nhưng giờ nhìn vẻ mặt khó chịu của anh ta, tôi lấy làm kinh ngạc - mà này, thôi đi Claire, đây có phải lần đầu đâu - là anh ta đã thành ra một tên đốn mạt chính hiệu.
- Ôi bé yêu, - tôi mỉm cười lạnh lùng. - Con bé chắc là không thích anh rồi.
Rồi tôi cười lớn như thể mình vừa nói đùa, ẵm con bé ra khỏi vòng tay mềm oặt của James.
Anh ta cũng chẳng kịp đẩy con bé đi cho thật nhanh. Tôi à ơi dỗ bé nín khóc.
Tôi chợt thấy hả dạ một cách cay đắng là Kate đã đứng về phía tôi.
Rồi ngay lập tức tôi lại thấy buồn và hổ thẹn.
James là cha của Kate.
Lẽ ra tôi phải làm tất cả những gì có thể để hai bố con yêu thương nhau.
Tôi sẽ tìm ai đó khác mà yêu.
Trong khi Kate chỉ có duy nhất một ông bố này.
- Xin lỗi, - tôi mỉm cười hối lỗi. - Tại con bé lạ anh thôi. Kiên nhẫn một chút. Con bé sợ mà.
- Em nói đúng. Chắc là cần ít thời gian thôi, - anh ta đáp, vui lên được một chút.
- Chỉ cần thế thôi, - tôi trấn an. Nhưng đồng thời hoảng hốt tự hỏi chính xác là khi nào anh ta định xin cái “ít thời gian” ấy cho con bé?
Nếu anh ta đến Dublin này để tìm cách đưa Kate về London, anh ta sẽ phải xuống hỏa ngục. Đơn giản thế.
Anh ta đã không làm cái bổn phận của một người cha yêu thương, thì giờ anh ta muốn gì?
- Cà phê.
- Gì cơ? - tôi quay ngoắt lại.
- Cho anh tách cà phê được không?
Anh ta nhìn tôi như thể tôi rất dị thường. Anh ta đã hỏi đến lần thứ mấy rồi tôi mới nghe thấy nhỉ?
- Có ngay đây.
Tôi đặt Kate trở vào cũi rồi vào bếp pha cà phê.
Lẽ ra tôi đã nên mời trước. Nhưng hồi hộp quá tôi không còn tâm trí nào nghĩ đến việc này.
Được lui vào bếp thực sự là chút giải thoát cho tôi.
Tôi đóng cửa phòng, thở dài mệt mỏi.
Tay tôi run đến nỗi gần như không châm nổi nước vào ấm.
Phải đối diện với anh ta sao mà cực hình. Phải cố đóng cho tròn vai khiến tôi kiệt sức.
Và phải chế ngự cái cơn giận sôi gan quả là một đòi hỏi quá đáng.
Nhưng tôi phải làm vậy.
Tôi phải cố sức cứu vãn mọi chuyện vì Kate.
Tôi đem cà phê trở vào phòng.
À không, tôi không đem theo ít bánh quy. Xin lỗi, nhưng tôi không phải một vĩ nhân. Anh ta đang nghiêng người bên cái cũi, thử nói chuyện với Kate.
Anh ta dường như đang thì thầm bàn chuyện gì đó vô cùng quan trọng với con bé.
Như thể con bé là đồng nghiệp chứ không phải một em bé hai tháng tuổi.
Anh ta không làm như những người đàng hoàng, bình thường vẫn làm với em bé. Bạn biết đấy, như thể qua một đêm mưa dầm họ đã làm rơi mất luôn cái trí não của mình.
Cứ à ơi, hỏi những câu vu vơ.
Những câu rất khùng như “Cô gái nào đẹp nhất thế gian này?”, và câu trả lời chính xác, không như bạn nghĩ, không phải Cindy Crawford, mà là Kate Webster.
Thay vào đó, anh ta nghe như đang nói chuyện sửa đổi luật thuế với Kate.
Nhưng chắc anh ta không thấy có gì là bất bình thường cả.
Tôi đặt tách cà phê lên bàn và ngay khi cái tách đánh cụp lên bề mặt gỗ, tôi nhận ra mình đã pha cà phê đúng cái kiểu James vẫn thích.
Tôi giận điên lên!
Sao tôi lại không thể vờ như đã quên kia chứ?
Sao tôi lại không thể bỏ vào vừa đường vừa sữa thay vì pha đen, không đường và nước âm ấm?
Rồi khi anh ta phải nhổ ra, xuýt xoa cái môi bị bỏng và vì cái vị ngọt ngắt trong cổ, chẳng lẽ tôi không ung dung nói được câu gì như “Ôi xin lỗi, em quên mất, anh mới là người không thích đường chứ hả?”
Vậy mà không.
Tôi đã bỏ mất cơ hội cho anh ta biết anh ta đã không còn ý nghĩa gì với tôi nữa.
- Ôi cám ơn, Claire, - anh ta nhấp từng ngụm. - Em vẫn nhớ anh thích cà phê thế này, - và cười đắc ý.
Tôi sẵn sàng đi ngay vào bếp mà tưới xăng lên người mình rồi châm lửa đốt đây. Tôi lộn hết cả ruột gan.
- Không có gì, - tôi nghiến răng trả lời.
Im lặng một lúc.
Rồi James lên tiếng.
Có vẻ như anh ta vừa ấn nút chuyển sang chế độ Thư Giãn. Cái vẻ lo lắng, gượng gạo lúc còn ở ngoài cửa đã hoàn toàn biến mất.
Ước gì tôi cũng làm được như thế.
- Đấy, anh cũng không tin được là mình đang ngồi ở đây nữa, - anh ta cười xuề xòa, ngả người tựa vào thành ghế, khoan khoái thưởng thức tách cà phê phản chủ.
Nghe như thể anh ta dễ dàng tin được điều này, không vấn đề gì.
- Không tin được là em cho anh vào nhà. Thật ra anh đâu phải là người duy nhất tôi cho vào cái nhà này, tôi chỉ muốn nói vào mặt anh ta câu ấy, nhưng không.
- Tại sao thế? - tôi hỏi, lịch sự một cách lạnh lùng.
- Ồ thì, - anh ta lắc lắc đầu, hơi nhếch miệng cười, như thể không tin được cái trí tưởng tượng đã co giò chạy mất của mình. - Anh nghĩ có thể mẹ với mấy đứa sẽ làm gì đó. Em biết đấy, đổ dầu sôi lên đầu anh chẳng hạn.
Anh ta ngồi đó, nhìn thẳng vào mắt tôi, cười tự mãn, ung dung vì đã được đường hoàng trở lại cái Hang Sư Tử, tin chắc mặc dù gia đình tôi là một gia đình điên khùng và độc ác, anh ta vẫn hoàn toàn bình yên vô sự.
Tôi cố kiềm chế không lao từ phía bàn bên này sang mà cắn xé, lôi cái thanh quản của hắn ta ra ngoài, gầm ghè: “Dầu sôi vẫn còn quá nhẹ cho anh đấy.”
Thay vào đó tôi mỉm cười lạnh nhạt: - Ồ đừng thế chứ James. Nhà em biết cư xử có văn hóa mà, dù anh có thích nghĩ thế nào đi chăng nữa. Tại sao mọi người lại phải đánh anh? Mà hơn nữa, (cười giòn giã, như mấy viên đá đánh leng keng vào thành ly) ai cũng muốn anh còn nguyên vẹn, khỏe mạnh để còn có khả năng chi trả các khoản chu cấp cho Kate chứ.
Im phăng phắc. Chỉ còn những tiếng tôi vừa nói dội lại.
- Em nói “các khoản chu cấp” là sao? - anh ta từ tốn hỏi, như chưa từng nghe thấy điều gì tương tự trong đời.
- James, anh biết các khoản chu cấp là gì mà, - tôi kinh ngạc.
Tôi chỉ còn biết nhìn anh ta trân trối.
Chuyện quái quỷ gì đây?
Anh ta là thứ dân kế toán mở miệng ra là mọi thứ lập trình sẵn, chán ngắt.
Anh ta và các loại biên bản cam kết chu cấp chẳng phải là bạn nối khố sao?
Thực tế, tôi ngạc nhiên anh ta đã không đem theo một văn bản thỏa thuận chi tiết cho tôi ký, ghi rõ ví dụ như tiền mua giày cho Kate đến hết đời là bao nhiêu, dự trù tiết kiệm nhờ mua sắm với số lượng lớn, các khoản tiền phòng hờ, quyền thừa kế, v.v. và v.v...
Và nói gì thì nói, tên đàn ông này biết, và chắc là đã rất thường xuyên, ngồi đếm tiền boa của một cô phục vụ bàn chính xác đến mười bốn con số thập phân kia mà.
Không phải là anh ta keo kiệt gì, bạn hiểu không?
Mà là rất, rất đâu ra đó.
Chỉ cần nguệch ngoạc vào mặt sau phong bì hay cái khăn ăn là tính toán được các kiểu cực kỳ chi tiết, tỉ mẩn mà lạ thay, kết quả gần như bao giờ cũng chính xác.
Năm phút thôi là anh ta có thể báo chính xác đến từng xu bạn sẽ phải tốn nếu muốn tân trang lại phòng tắm, bao gồm từng chi tiết một như sơn, đèn đóm, nhân công, bánh ăn vặt cho công nhân, các ngày làm việc (của bạn) bị mất đi do những đêm thức trắng trong trường hợp công nhân đột nhiên biến mất ba tuần, vứt lại cái bồn tắm trên đầu cầu thang, v.v. và v.v... Nói thật, anh ta nghĩ đến tất tần tật mọi thứ!
- Các khoản chu cấp, - anh ta nhắc lại, mặt trầm ngâm, nghe không được vui.
- Đúng vậy, James, - tôi rắn rỏi nói.
Mặc dù trong bụng tôi ruột gan phèo phổi đang lộn nhào cả lên như một anh thợ nề đang ở trên phà vào ngày biển động.
Cộng thêm sẵn say xỉn vì mớ bia mua ở cửa hàng miễn thuế đã uống trước khi lên phà.
Nếu James khó khăn chuyện tiền bạc thì tôi chết mất.
Không, cho tôi nói lại. Tôi sẽ không chết. Tôi sẽ giết hắn.
- Rồi, rồi, anh hiểu rồi, - anh ta nói, nghe có phần kinh ngạc. - Ừ, rõ ràng là mình có rất nhiều chuyện phải bàn.
- Đúng vậy, - tôi xác nhận, cố ra vẻ xuề xòa. - Mà anh đã đến đây rồi nên rất tiện để bàn những chuyện ấy.
Tôi cười tươi rói.
Gượng ép đến độ tôi nghĩ mình đã làm đứt hết các cơ mặt.
Nhưng tôi phải giữ không khí càng hòa nhã, thân thiện càng tốt.
- Nên, - tôi nhanh nhảu nói tiếp, cố làm như biết rõ mình đang nói gì, - em biết cả em và anh đều không quen làm việc này nhưng chắc mình cũng nên tự xem xét, giải quyết những vấn đề cơ bản, còn chừa lại cho luật sư hoàn thiện thủ tục thôi (đến đây tôi cho phép mình hơi nhoẻn cười, mà anh ta lại hoàn toàn ngó lơ), hay anh thích để luật sư làm hết, từ A đến Z, hơn?
- A! - đột nhiên anh ta tươi tỉnh hẳn, giơ ngón trỏ lên như Monsieur Poirot đang chứng minh điểm hớ hênh của tội ác. - Nếu có luật sư thì quá tốt. Nhưng mình vẫn chưa có đúng không? - Anh ta nhìn tôi, vẻ tử tế nhưng thương hại, như thể tôi là một con ngốc.
- Nhưng... à, thực ra là em có rồi.
- Có rồi? Thật á? ừm, ừm... - giọng anh ta nghe vô cùng kinh ngạc, và không được y vui lắm.
- Ờ... Ừ, dĩ nhiên rồi.
- Ồ, chứ chẳng phải em là người bận rộn sao? - anh ta nói, giọng hơi khó chịu. - Vậy là em đã chẳng phí thời gian.
- James, anh đang nói gì thế? Hai tháng rồi! - tôi phản ứng.
Và thấy ân hận vì mình đã trì hoãn, phí hoài thời gian.
Tôi không hiểu nổi.
Tôi đã làm gì sai sao?
Phải chăng có một thứ quy định ngầm nào đó? Một thứ giới hạn thời gian nào đó mà tôi phải theo trước khi được bắt tay vào giải quyết cái cuộc hôn nhân tan vỡ của mình?
Như không được mặc váy đỏ đi nhảy đầm cho đến khi chồng chết hết sáu năm, hay bất cứ thứ gì cái cô Scarlett O’Hara đó đã khiến cho cả Atlanta phải mang tai tiếng.
- Ừ. Chắc là cũng được hai tháng rồi, - UI anh ta đáp.
Rồi thở dài.
Trong thoáng chốc tôi đã nghĩ là anh ta buồn.
Rồi tôi hiểu ra. Phải, chắc là anh ta đang buồn.
Đến lúc hiểu ra mình phải nuôi đến hai gia đình, tên đàn ông nào lại chẳng buồn?
Và chắc anh ta đang mải nghĩ đến các khoản tiền cao như núi cho luật sư và bên môi giới địa ốc khi chúng tôi giải quyết việc ly dị.
Rồi dĩ nhiên mấy bộ vest bằng vải nylon màu hồng cho ba thằng nhóc con của Denise cũng chẳng rẻ rúng gì.
Mặc dù, nếu ông trời có mắt, đó phải là những thứ rẻ rúng.
Nên tôi dẹp thương cảm qua một bên mà hỏi: - James, anh có đem giấy tờ nhà không?
- Ờ... không, - trông anh ta hơi ngơ ngác.
- Sao lại không? - tôi vặn, có phần giận dữ.
- Anh không biết nữa, - anh ta ngó xuống đôi giày.
Vài giây im lặng lúng túng.
- Chắc tại anh không nghĩ đến chuyện đó.
Anh đi hơi vội.
- Vậy anh có đem theo bất cứ thứ giấy tờ nào khác không? - tôi hỏi, cố nén không thoi cho anh ta một đấm. - Giấy báo của ngân hàng, sổ lương hưu, mấy thứ đó?
- Không, - anh ta đáp cộc lốc. Khuôn mặt hơi trắng xanh lên. Hẳn là đang giận dữ vì bị bất ngờ hỏi tới mà không hề có sự chuẩn bị.
Cái kiểu cẩu thả, kém cỏi này rất không phải anh ta. Mặc dù nãy giờ anh ta cũng đã diễn không đúng vai của mình lắm. Có thể anh ta đã bị suy nhược thần kinh?
Hay có thể đã mê đắm mụ Denise phì nộn kia đến thành ra tính đàn bà? Con mắt đã phản lại anh ta khi anh ta chạy theo mụ ấy. Nên nếu trí não của anh ta không bắt chước hai mắt thì liệu còn có khả năng nào khác?
- Mình có cần đến mớ giấy tờ đó không?
- Thì chắc cũng không cần ngay lập tức, nhưng nếu muốn giải quyết mọi chuyện khi anh sẵn ở đây thì có chúng sẽ tiện hơn rất nhiều.
- Anh nghĩ chắc sẽ nhờ người fax đến đây được thôi, - anh ta chậm rãi nói. - Nếu đó là điều em thực sự muốn.
- Vấn đề không phải là em muốn gì, - tôi bắt đầu thấy khó hiểu. - Mà là có nó mình mới xem được ai sở hữu gì.
- Trời ạ, chi li đến thế sao! - anh ta tỏ vẻ kinh tởm. - Ý em là cái kiểu “cái khăn tắm đó của tôi, cái soong này của anh”?
- Ừ thì em cho là thế.
Anh ta bị gì vậy? Chẳng lẽ chưa từng nghĩ đến những chuyện này?
- James, - tôi nói, còn anh ta trông rất sốc.
- Anh nghĩ mọi chuyện sẽ như thế nào kia chứ? Mấy cô tiên ly dị sẽ bay đến giải quyết hộ hết mọi chuyện trong khi ta đang ngủ sao?
Anh ta cố gượng cười.
- Em nói đúng, - anh ta nói giọng mệt mỏi.
- Em nói đúng, em nói đúng!
- Đúng chứ, - tôi trấn an. - À mà anh lấy hết mấy cái soong cũng được, nếu chuyện đó làm anh thấy nhẹ nhõm hơn.
- Cám ơn, - anh ta khẽ nói.
- Mà anh đừng lo, - tôi làm ra vẻ sốt sắng, quan tâm. - Một ngày nào đó ngồi nhớ lại mấy chuyện này, mình sẽ lại bật cười ha hả thôi ấy mà.
Dĩ nhiên tôi chẳng mảy may tin như thế. Tôi mơ hồ cảm nhận có gì đó rất không đúng khi tôi phải đi an ủi anh ta, mua vui cho anh ta và động viên anh ta mạnh mẽ. Nhưng đằng nào thì, nói thật với bạn, mọi thứ kỳ quặc đến nỗi tôi thấy mình ngu xuẩn và không phân biệt nổi cái này với cái kia.
Tôi thường chẳng mắc những sai lầm như thế này.
Bạn sẽ chẳng mấy khi bắt quả tang tôi ngồi bôi thuốc mỡ chữa bệnh trĩ vào cùi chỏ, hay đem ngâm chỗ dưới ấy vào nước chanh. Nhưng như tôi đã nói đấy thôi, ấy là vào những giai đoạn rất khó khăn của cuộc đời.
James đột nhiên đứng dậy. Anh ta đứng im thẫn thờ mất vài giây. Rõ ràng đang tính toán xem sẽ nhờ người gửi mớ giấy tờ từ London đến đây bằng cách nào, tôi nghĩ vậy. Anh ta ắt hẳn đang xấu hổ vì quá cẩu thả, kém cỏi.
- Anh đi đây.
- Ừ. Vậy anh về khách sạn (khách sạn! sướng nhé!) xem thử có nhờ gửi mớ giấy tờ nhà đến đây được không. Rồi mình lại gặp.
- Ừ, - anh ta vẫn nói rất khẽ khàng.
Tôi mong cho anh ta đi khỏi.
Quá sức chịu đựng.
Cuối cùng thì chuyện cũng đang diễn ra thật.
Thật sự, thật sự là đã xong.
Chúng tôi đã nói chuyện với nhau như những kẻ có học thức, có văn hóa. Phải nói là quá có văn hóa nữa là khác.
Như trong một giấc mơ.
Kinh khủng.
- Chiều anh gọi em, - anh ta nói thêm.
Anh ta chào Kate. Mặc dù trông anh ta như đang giải thích các thứ quyền lợi khi về hưu cho Kate nghe, tôi phải nhìn nhận ít ra anh ta đã có ý tốt tạo sự gắn bó giữa hai bố con.
Cuối cùng thì tôi cũng mời được anh ta ra về.
Anh ta trông vô cùng mệt mỏi, cũng như tôi thôi.