Tôi nghe nói có người trễ đám tang của mình nhưng tôi thì có cái vinh dự rất khác thường là trễ sinh nhật. Hai người đã lo lắng hồi tôi mới sáu tuần tuổi, bị đau bụng.
Rồi hồi hai tuổi, tôi không chịu ăn gì trừ đào đóng hộp suốt một năm trời. Họ lo lắng lúc tôi bảy tuổi, học dốt. Họ lo lắng lúc tôi lên tám tuổi, học giỏi mà không có đứa bạn nào. Họ lo lắng khi tôi mười một tuổi, vỡ cả mắt cá chân. Họ lo lắng khi mười lăm tuổi, tôi đi tiệc ở trường mà thầy phải đưa về nhà vì say mềm. Họ lo lắng lúc tôi được mười tám, vào năm đầu đại học mà chẳng đến lớp buổi nào. Họ lo lắng những lúc tôi thi cuối kỳ mà chưa từng thoát bài thuyết giáo của thầy cô. Họ lo lắng năm tôi hai mươi tuổi, chia tay mối tình đầu và nằm trong phòng tối khóc ròng rã hai tuần. Họ lo lắng khi tôi bỏ việc chạy đến London làm phục vụ năm hai ba tuổi.
Và bây giờ, tôi, gần ba mươi, đã kết hôn và có con, mà họ vẫn phải lo lắng. Ý tôi là tôi bất công với họ quá đúng không? Họ chỉ vừa kịp thở phào một cái rõ to và cám ơn trời con bé đã kiếm được một thằng chồng tốt, giờ thì mình đã có thể để cho thằng ấy lo lắng cho nó mà quay sang lo lắng tiếp bốn đứa kia, thì tôi lại nhẫn tâm quay lại nói: “Xin lỗi nhé, báo động giả thôi, con về đây và lần này thì còn tệ hơn những lần đã khiến bố mẹ phải lo lắng trước đây nữa.”
Thảo nào hai ông bà trông hơi ủ ê và sợ sệt.
- Ôi lạy Chúa! - mẹ kêu lên khi vừa nhìn thấy tôi. - Bố mẹ cứ sợ con bị nhỡ chuyến bay.
- Con xin lỗi, - tôi nói và lại òa khóc. Chúng tôi ôm chặt nhau. Nhìn thấy em bé, đứa cháu ngoại đầu tiên, họ cũng khóc.
Tôi phải nhanh chóng đặt tên cho con thôi.
Vất vả một lúc, chúng tôi cũng vượt qua được cái ma trận bãi đậu xe của sân bay Dublin. Giao thông bị trì hoãn đôi chút vì bố định chạy ra lối cổng trả tiền trước trong khi ông lại đã không trả trước. Thế là hàng loạt xe nối sau phải de lại để ông thoát ra. Ông hơi nổi nóng, một xe khác cũng vậy. Nhưng thôi đừng nói chi tiết chuyện này làm gì.
Ra đến đường lớn chúng tôi yên lặng một lúc lâu. Chuyện lạ. Mẹ ngồi phía sau với tôi, ẵm cháu và khẽ đu đưa con bé. Tôi ước gì mình còn là một em bé để được mẹ ẵm và cho tôi sự bình an, và bảo tôi rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.
- Vậy là thằng Jim xúi quẩy cuốn gói rồi, - bố lên tiếng.
- Vâng bố ạ, - tôi đáp trong nước mắt.
Bố chưa từng thật sự thích James. Ông là người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà toàn đàn bà nên thèm có đối tác để nói chuyện bóng bánh và những chuyện khác của cánh mày râu. James thì chẳng mấy khi chơi bóng và nấu ăn lại giỏi quá nên ông không thích. Đúng là ông làm hết mọi việc trong nhà, nhưng riêng nấu ăn lại là chuyện khác, việc của đàn bà, ông bảo thế. Nhưng điều ông ít muốn phải thấy nhất đó là tôi đau khổ.
- Claire này, - tôi nhận ra qua cái giọng quen thuộc này mỗi khi ông phải nói: “Giờ tôi xin phép phát biểu những việc có liên quan đến vấn đề tình cảm. Tôi không quen làm việc này và thực tình không muốn phải làm việc này chút nào, nhưng tôi cần phải làm, và tôi nói rất chân thành.” - Gia đình của con là ở đây, mọi người yêu thương con và đây luôn là nhà của con. Con và cháu ở lại bao lâu cũng được. Và... ờ... cả bố và mẹ đều biết con đang rất khổ và nếu cần bố mẹ làm bất cứ gì, con cứ nói. Ờ... ờ... Ừ, vậy đó. - Và ông tăng tốc, vô cùng nhẹ nhõm vì đã nói ra được.
- Cám ơn bố, - tôi lại khóc. - Con biết mà.
Tôi vô cùng đội ơn bố mẹ. Còn gì sung sướng hơn khi biết họ yêu thương mình. Chỉ có điều, không gì bù đắp được chuyện tôi đã mất đi một người đàn ông là bạn tâm giao, bạn thân nhất, là người yêu, người đáng tin cậy duy nhất trong cái thế giới đầy nghi ngại này.
Chúng tôi về đến nhà. Mọi thứ vẫn у như cũ. Sao lại không chứ? Cuộc sống, cho dù biết là dại dột, vẫn cứ phải tiếp tục. Cái mùi của ngôi nhà cũng vẫn đúng như xưa. Thân quen, dễ chịu. Chúng tôi chuyển hành lý và cái nôi em bé lên căn phòng trên lầu, căn phòng tôi và Margaret đã ở chung cho đến khi tôi chuyển đến London. (Margaret, hai sáu tuổi, rất thể thao, tính cởi mở, sống lành mạnh, đang làm trợ tá luật sư ở Chicago, kết hôn với anh người yêu duy nhất nó từng có.) Căn phòng trông ngồ ngộ vì rất lâu rồi không ai ở đấy. Vài đôi giày của Margaret vẫn còn nằm trên sàn, phủ đầy bụi. Vài bộ quần áo cũ vẫn treo trong tủ. Trông hơi giống như một cái điện thờ.
Tôi quăng mớ túi xách xuống sàn, đặt chiếc nôi ngay ngắn vào khung cũi rồi đặt bé nằm vào trong. Tôi để cái bình ủ sữa có hình cô bò nhảy qua mặt trăng lên bàn trang điểm ở bên cạnh rồi ngồi xuống giường, đá văng đôi giày. Tôi bỏ mấy cuốn sách lên kệ, mấy món đồ trong túi trang điểm vương vãi trên cái bàn đầu giường. Vậy là chỉ trong nháy mắt cả căn phòng trông như một cái chuồng lợn.
Thế vẫn tốt hơn ban nãy nhiều rồi.
- Có những ai ở nhà hả mẹ?
- Ờ, mới có bố với mẹ thôi, - bà bảo. - Con Helen đi học, chắc chốc sẽ về. Chúa biết con Anna đang ở đâu. Mẹ chưa nhìn thấy mặt nó mấy ngày nay rồi. Anna và Helen là hai em gái tôi. Chỉ còn hai đứa nó vẫn ở đây.
Mẹ ngồi nhìn tôi cho bé bú. Sau khi đã xoa xoa lưng rồi ru cho bé ngủ trở lại, tôi và mẹ ngồi yên lặng trên giường. Mưa đã tạnh, mặt trời quay trở lại. Mùi ẩm ướt của khu vườn tràn vào qua cửa sổ và tiếng gió rì rì thổi qua những nhánh cây. Một buổi chiều tháng Hai yên bình.
- Con ăn gì không? - bà lên tiếng. Tôi lắc đầu.
- Nhưng con phải ăn chứ, nhất là bây giờ con còn phải chăm em bé. Con phải khỏe. Mẹ nấu xúp cho con nhé?
Tôi nhăn mặt.
- Xúp ăn liền?
- Xúp ăn liền, - bà dịu dàng xác nhận.
- Thôi mẹ ơi. Không cần đâu.
Có lẽ tôi nên nói cho bạn rõ. Cứ cách một thế hệ trong gia đình tôi là khả năng nội trợ lại bị hụt mất. Tôi biết nấu nướng. Nên con tôi sẽ không. Chúa thương con bé. Nó đã phải chào đời như thế nào rồi? Và suy ra là mẹ tôi không biết nấu nướng gì hết. Bà và thú vui bếp núc không phải bạn nhau. Thực tế bà và chuyện bếp núc thậm chí gần như chẳng buồn gật đầu chào nhau được một tiếng.
Những ký ức ám ảnh về bữa cơm tối của gia đình ùa về. Tôi mất tri rồi sao? Tôi về nhà làm cái quái gì thế không biết? Tôi thật muốn bị đói đến chết ư?
Bạn sắp phải giảm một mớ cân thừa siêu tốc? Để đi nghỉ mát? Đám cưới em gái? Hẹn hò với một chàng làm văn phòng cao to điển trai? Đừng việc gì theo mấy cái chương trình Kiểm Soát Cân Nặng hay ráng cầm cự theo trường phái Lean Cuisine chỉ ăn mỗi thịt nạc, hay quanh đi quẩn lại chỉ toàn những thứ đồ ăn đã nghiền thành bột. Cứ đến ở với chúng tôi vài tuần thôi, và nhất định phải là bà nấu cho ăn.
Nói thật đấy, nhà tôi vẫn còn rộng lắm. Bạn có thể ở phòng của Rachel. Bạn sẽ chỉ còn da với xương sau hai tuần. Bởi vì dù có đói đến cỡ nào đi nữa thì bạn cũng sẽ không ép mình ăn nổi bất cứ món gì bà nấu. Tôi ngạc nhiên là hồi còn nhỏ, chẳng đứa nào trong chúng tôi từng phải nhập viện vì thiếu dinh dưỡng. Nếu tôi và các chị em bị triệu tập đến bữa tối, cả bọn sẽ ngồi xuống, im ắng nhìn chằm chằm vào đĩa, bối rối mất ít lâu. Cuối cùng sẽ có một đứa lên tiếng:
- Biết gì không?
- Thịt gà đúng không? - Margaret nghi ngờ, thận trọng chọc chọc cái nĩa.
- Hả? Chị tưởng là bông cải? - Rachel, vốn ăn chay, chạy ào đi móc họng.
- Gì cũng được, em không ăn đâu, - Helen nói. - Ít ra thì nếu phải nhai bột bắp chị cũng còn biết mình đang ăn gì, - và chạy đi lấy một tô.
Cho đến khi bà quay lại bàn ăn và nói cho chúng tôi biết nó là gì (“xúp khoai tây với bắp cải, lũ vô ơn ạ!”), thì cả bọn đều đã có thể cho phép mình rời bàn, lùng sục trong tủ bếp xem có gì tạm gọi là ăn được.
- Margaret! - bà gọi con nhỏ vì biết nó là đứa ngoan nhất, - con thậm chí không thử lấy một miếng sao? Thế là Margaret, con ngoan, đành nâng một miếng bé tẹo lên miệng.
- Sao? - Bà hỏi, gần nín thở.
- Chắc mẹ sẽ không dám vứt cho con ki ăn đâu! - Margaret đáp, thật thà là một tính tốt khác của nó ngoài ngoan ngoãn vâng lời và dũng cảm ra.
Vậy nên sau vài năm cứ đến bữa tối là tình trạng nước mắt nước mũi tái diễn, và hóa đơn mua ngũ cốc ăn sáng ngày càng tăng, mẹ tôi quyết định đoạn tuyệt hẳn chuyện bếp núc. Mừng!
Vì vậy, nếu chồng hoặc con kêu đói, bà sẽ lẳng lặng nắm tay dắt vào bếp và bảo: “Ngắm kỹ cái ngăn đựng đầy đồ đông lạnh nhé!” rồi mở tung cánh cửa tủ lạnh, tay huơ huơ múa múa khuyến khích chúng tôi kiểm tra cái kho báu bên trong. Rồi cùng với kẻ sắp được dùng bữa, bà đi ra khỏi bếp, bảo: “Đội ơn cái lò vi ba! Mẹ khuyên con nên làm thân với hai thứ này. Ở nhà mình nếu đói con sẽ thấy chúng là vô giá.”
Giờ thì chắc bạn hiểu tại sao tôi không hề tỏ ra hưởng ứng ý định nấu xúp của bà.
Nhưng điều tuyệt vời khi không phải nấu nướng hay làm bất cứ công việc nhà nào đó là mẹ tôi có thật nhiều thời gian cho những điều khác hết sức quan trọng trên đời. Trung bình một ngày bà xem sáu bộ phim truyền hình nhiều tập và một tuần ngốn hết khoảng bốn cuốn tiểu thuyết, nhờ vậy mà bà có thể khuyên nhủ các cô con gái một cách vô cùng chuyên nghiệp khi chúng đau khổ chuyện tình cảm.
Bà chẳng lạ gì thể loại bi lãng mạn.
Đặc biệt là của Úc.
Ví dụ như, bà rành rẽ chuyện Skip (thằng con rơi của Brad với một cô у tá nào đó anh dan díu hồi ở Nam) cưới Bronnie (chị cùng cha khác mẹ với Wayne và Scott), rồi Bronnie có bầu, rồi Skip bắt đầu dan díu với Chrissie. Rồi Jeannie (con ghẻ của Chrissie) tự động phát hiện ra và thông báo cho bà Goolagong (không có quan hệ gì). Bà Goolagong, chỉ với ít đồ ăn qua loa, mấy món đồ hộp ở tiệm Billy Can, đã ngồi nói chuyện phải quấy với Skip, và phát hiện ra Skip cảm thấy bị bỏ bê từ khi Bronnie có bầu. Bronnie khi ấy chỉ toàn nói chuyện em bé. Bà Goolagong trấn an Skip. Skip chấm dứt đi lại với Chrissie, làm hòa với Bronnie và Bronnie sanh một bé gái xinh đẹp đặt tên Shane. Còn Chrissie trở về vùng lãnh thổ phía Bắc cùng với chú chó Bruce. (Tôi dám chắc bà Goolagong sau đó bị nghỉ việc ở Billy Can vì ăn uống nói chuyện như đã nói trong giờ làm, nhưng đó lại là chuyện khác rồi.)
Hai mẹ con ngồi trong căn phòng đang tối dần theo ánh nắng cuối ngày, lắng nghe tiếng em bé thở đều đều mãn nguyện.
- Con bé xinh quá.
- Dạ, - rồi tôi lại lặng lẽ khóc.
- Sao vậy con?
- Con không biết nữa. Con cứ nghĩ mọi chuyện rất bình thường. Con nghĩ anh ấy cũng như con, hồi hộp mong chờ ngày em bé ra đời. Con biết chuyện thai nghén không hề dễ dàng với anh ấy. Con cứ ốm ngoặt ngoẹo. Con béo ú. Hai đứa hầu như không còn yêu đương gì nữa, nhưng con cứ nghĩ là anh ấy hiểu.
Mẹ tôi rất hay. Không hề ca bài đàn ông... à... ờ... khác mình lắm, bọn chúng có nhu cầu, cũng như động vật ấy. Bà không làm tôi phải thấy hổ thẹn vì không hề cho rằng James bỏ đi là vì chúng tôi đã chẳng yêu đương gì suốt thời gian tôi mang bầu.
- Con phải làm gì hả mẹ? - tôi hỏi, dù biết bà cũng chẳng có được câu trả lời gì hơn tôi.
- Con phải vượt qua chuyện này thôi, - bà bảo. - Đó là việc duy nhất con làm được. Đừng cố hiểu tại sao vì con sẽ chỉ làm mình hóa điên lên. Đứa duy nhất nói được cho con biết tại sao thằng James bỏ đi chính là nó. Mà nếu nó không muốn nói chuyện với con thì con không ép nó được. Biết đâu chính nó cũng chẳng hiểu gì. Nhưng con không thay đổi được tình cảm của nó. Nếu nó đã nói không còn thương con nữa và đã yêu cái người đàn bà kia, con phải chấp nhận điều đó. Có thể nó sẽ quay lại, có thể không, nhưng dù thế nào thì con cũng phải chấp nhận và vượt qua mọi chuyện.
- Nhưng con khổ quá, - tôi tuyệt vọng.
- Mẹ biết, - bà nói giọng buồn buồn, - nếu mẹ có thể làm cho con hết buồn, mẹ sẽ làm ngay. Con biết chứ?
Tôi quay xuống nhìn con gái bé bỏng nằm ngủ trong cũi, thật yên bình, thật ngây thơ, thấy lòng hạnh phúc mà đau nhói. Tôi muốn con bé được hạnh phúc mãi mãi. Tôi muốn ôm con, ôm hoài, không bao giờ để nó đi đâu xa tôi. Tôi không muốn con phải chịu cái cảm giác bị bỏ rơi, cô độc và thát thần như tôi bây giờ.
Tôi muốn bảo vệ con khỏi mọi sự khổ đau. Nhưng tôi sẽ không thể. Cuộc sống vốn dĩ luôn phức tạp.
Ngay lúc đó cửa bật mở, giật chúng tôi ra khỏi cái bầu không khí ủ dột. Là con em út Helen. (Helen, mười tám tuổi, vừa lết vào được đại học để nghiên cứu thứ gì đó cực kỳ hữu ích, hình như là Nhân chủng học, Lịch sử nghệ thuật và Hy Lạp cổ đại gì đó. Tóc nó màu đen, để dài, cặp mắt mèo ngó nghiêng, cười luôn miệng, cư xử vô cùng kém cỏi mà gần như ai cũng phải thương, nhất là một hàng dài những anh đàn ông đã bị con bé làm cho trái tim tan nát. Tôi thấy nói “phổi bò” là đúng với nó nhất.)
- Chị đây rồi! - nó hét lớn và ào vào phòng.
- Đâu, cho em xem cháu nào, - giọng nó choe chóe - Sướng nhé? Tưởng tượng xem em thành dì rồi cơ đấy. Kinh chưa? Phải giống như là ráng ị ra cả cục đá không? Nói em nghe đi, em thắc mắc lắm, họ đun nước sôi với xé vải vụn làm gì vậy?
Không cần đợi câu trả lời, nó đã thò mặt vào trong cũi. Con bé tội nghiệp kinh hãi khóc ré lên. Helen nhấc em bé ra khỏi cũi, cắp lủng lẳng dưới cánh tay, у như một cầu thủ bóng bầu dục chuẩn bị ghi bàn thắng quyết định cho Ireland vậy.
- Sao em bé khóc thế?
Tôi biết trả lời sao?
- Bé tên gì?
- Claire chưa quyết định sẽ đặt tên gì cho cháu, - mẹ lên tiếng.
- Không, con quyết định rồi, - tôi quyết làm cho mọi chuyện thêm rối rắm. Tôi nhìn mẹ, - Con sẽ lấy tên mẹ của mẹ đặt cho con bé.
- Cái gì? - Helen rống lên, hoảng hồn. - Chị không thể gọi nó là Ngoại Maguire được. Đó đâu phải là tên cho con nít.
- Không, Helen à, - tôi đáp giọng mệt mỏi. - Chị sẽ gọi cháu là Kate.
Helen nhìn tôi chằm chằm một lúc, rồi nhăn nhăn cái mũi xinh xắn, từ từ ngộ ra.
- À, em hiểu rồi, - nó cười vang.
Rồi nó lầm bầm, nhưng cũng đủ nghe: “Hừm, đó cũng đâu phải tên cho con nít.”
Nó trả em bé lại cho tôi, giống như chị nông dân chuyển mấy bao tải khoai tây từ trên xe xuống cho bạn hàng vậy. Tức là rất đại khái, ẩu tả, chẳng cần biết máy củ khoai tây có còn lành lặn hay có bị kinh động không. Rồi nó hỏi một câu khiến tôi kinh hoảng:
- À, anh James có về cùng không? Anh James đâu? Rõ ràng là nó chưa biết chuyện.
Tôi lại khóc.
- Chúa ơi, - nó kinh ngạc, quay sang tra vấn mẹ. - Sao chị ấy khóc?
Mẹ tôi chỉ biết nhìn nó trân trân. Bà không trả lời được.
Bạn tin không? Bà cũng khóc.
Helen thộn mặt nhìn cả ba thế hệ đàn bà con gái dòng họ Walsh cùng nhau khóc. Nó lộ rõ vẻ kinh tởm cái cảnh tượng này.
- Có chuyện gì với mấy người vậy? Tôi có nói gì đâu? Mẹ, sao mẹ khóc? - nó khó chịu hỏi.
Cả ba chúng tôi, túm tụm cả trên giường nhìn nó, nước mắt chảy dài trên má. Em bé vừa được đặt tên là Kate khóc rống lên như bò mộng.
- Chuyện gi? - nó điên tiết.
Chúng tôi vẫn ngồi yên, không nói được tiếng nào.
- Con đi xuống hỏi bố vậy, - nó dọa. Nhưng rồi nó cắn môi, đứng chần chừ ngoài cửa ngẫm nghĩ. - Nếu bố không định khóc theo mấy mẹ con.
Cuối cùng mẹ cũng cất được tiếng:
- Không, đừng đi đâu hết con ơi, - bà dang tay về phía Helen. - Lại đây. Ngồi đây. Con không làm gì sai hết.
- Vậy tại sao mẹ khóc? - nó lưỡng lự không muốn đến chỗ cái giường mọi người đang sụt sịt.
- Ừ, mà sao mẹ khóc vậy? - tôi hỏi, cũng thắc mắc у như Helen. Chồng mẹ mới bỏ mẹ sao? Hay là mẹ đòi thay tã?
Tôi e là không. Vậy tại sao?
- Vì mẹ nghĩ đến ngoại, - bà sụt sịt. - Bà không sống được đến giờ để nhìn thấy mặt cháu ngoại. Con lấy tên bà đặt cho cháu làm mẹ xúc động quá. Chắc bà vui lắm. Hãnh diện lắm.
Tôi thấy vô cùng tội lỗi. Ít ra mẹ của tôi cũng còn sống. Tội nghiệp mẹ, ngoại mất mới năm ngoái và chúng tôi ai cũng nhớ ngoại. Tôi ôm mẹ và Kate, cả hai người cùng khóc.
- Tiếc quá! - Helen trầm ngâm tiếc nuối.
- Tiếc gì? - tôi hỏi.
- Ờ, chị biết không? Phải chi ngoại tên gì đẹp đẹp như là Tamsin, Isolda, hay Jet ấy.
Không hiểu sao tôi không giết nó chết ngay tại đó, ngay lúc đó cho rồi.
Nhưng không hiểu sao tôi thấy rất khó nổi điên được với nó.
Rồi nó quay sang tôi:
- Còn chị sao lại khóc? Ôi thôi em biết rồi. Dám cá chị bị trầm cảm sau sanh gì đó mà. Thấy báo có đăng vụ một bà bị vậy đó. Bả quăng con mình qua cửa sổ tầng mười hai, rồi nhất định không mở cửa cho cảnh sát vào, rồi mấy ổng phải phá cửa vào, rồi bao nhiêu tuần trước đó bả còn không thèm đổ rác, thế là cả căn nhà trông tởm lắm, rồi bả tính tự sát, rồi cuối cùng người ta phải cho bả lên ghế điện luôn, hay là sao đó.
Helen hăng say kể. Các chi tiết vụn vặt nhưng khó chịu, như những chi tiết rành rành ra đó, chưa từng cản trở được nó kể lại ngon lành những chuyện tàn bạo ly kỳ.
- Hoặc cũng có thể người ta chỉ nhốt bả lại thôi, hay là sao đó, - nó lưỡng lự thừa nhận, rồi từ từ bớt hào hứng.
- Mà thôi, phải chị bị giống vậy không? - nó hớn hở quay lại thực tại. - May mà mình không ở lầu mười hai mẹ nhỉ? Không thì em bé tung tóe đầy ngoài hè rồi. Rồi bác Michael thế nào chẳng rủa mình làm bầy hầy nhà cửa.
Michael là một bác già tám mươi tuổi bẳn tính, biếng lao động và chăm mê tín, vẫn đều đặn mỗi tháng hai lần đến “làm” cái vườn con của chúng tôi, theo một cách cực kỳ khoa học chỉ bác mới làm được. Phẫn uất với bác là điều đáng sợ nhất. Với công trạng làm vườn của bác cũng thế. Tức là hiếm, hiếm hoi lắm bác mới thực sự dọn vườn cho ra hồn. Bố sợ bác đến thậm chí không dám đuổi. Thật ra thì cả nhà đều sợ bác khiếp vía. Đến con Helen cũng phải từ tốn lại một chút khi thấy bác.
Tôi vẫn nhớ chiều nọ hồi năm ngoái. Mẹ đứng như bị thôi miên ngoài vườn, tạp dề buộc trước bụng (cho ra vẻ thôi), gật gù trong tuyệt vọng, mím môi mỉm cười, sợ đến không bước nổi trở vào nhà sau khi nghe bác giải thích rất dài dòng, chi tiết bằng một cái giọng làu bàu tiếng được tiếng mất, chiếc kéo xén cỏ vung múa liên hồi trong tay trông rất sợ. Đại loại nếu tỉa hàng rào thì tường sẽ sập xuống. (“Chị thấy không, nó cần cái bờ giậu để tựa vào”), hay nếu cắt cỏ thì rồi nó sẽ héo queo đến chết. (“Vi trùng sẽ theo cái đầu bị cắt mà bò vào, thế rồi nó rũ rượi rồi chết hết.”)
Cuối cùng mẹ cũng lê được vào nhà, nấu nước pha trà cho bác Michael mà xô đập soong nồi loảng xoảng, nước mắt đầm đìa.
- Lão già biếng nhác, - bà nức nở với tôi và Helen, - có làm gì bao giờ đâu. Lão biến mẹ thành cái cô suốt ngày chỉ biết dán mắt vào tivi. Trong khi cỏ thì mọc đến gối! Mẹ xấu hổ quá đi. Cả phố chỉ nhà mình là cái vườn như cái rừng. Mẹ chỉ muốn nhổ vào ly trà của lão!
Rồi ngừng lại khóc thút thít. Nhưng chỉ kịp đếm đến ba thôi thì...
- Chúa xá tội! - giọng bà run lên, - Helen, để yên mấy cái bánh Jaffa đó! Để dành cho lão Michael uống trà!
- Tại sao bác ta lại được ăn bánh Jaffa trong khi mẹ ghét bác, còn tụi con phải ăn máy cái bánh Digestive kinh tởm kia? - Helen hét lên.
Chí lý. Tôi cũng thấy thế.
- Suỵt, - mẹ bảo. - Lão ấy nghe đấy.
Vừa lúc này thì bác Michael đã ở ngay cửa sau, cởi đôi ủng làm vườn sạch bong thậm chí có thể lấy nấu ăn tối được.
- Ý con nói là mẹ đâu có ghét bỏ gì tụi con, - Helen cáu. - Mà tụi con lại không được ăn bánh ngon, và mẹ ghét bác Michael (máy tiếng cuối nó quay ra hướng cửa sau hét rõ to). Thế mà bác ấy lại được ăn bánh ngon. A chào bác, vào đây ăn bánh quy nào. - Nó cười ngọt ngào với bác ta khi bác đang khập khiễng bước vào bếp, cố tình đấm đấm lưng bùm bụp như thể vừa lao động hết sức vất vả.
- Chào, - bác làu bàu, nhìn tôi hết sức nghi ngờ. Rõ ràng bác nghĩ tôi là đứa đang nói xấu bác. Không ai nỡ nghi ngờ con bé Helen có khuôn mặt ngây thơ trong sáng như thiên thần.
Lũ ngu, lũ ngốc.
- Tôi rót trà cho bác nhé? - mẹ khúm núm.
Nhưng chiều hôm đó tôi nghe bố mẹ cãi nhau trong vườn.
- Jack, anh phải nói chuyện với lão ấy.
- Mary à, thôi để anh tự cắt cỏ vậy.
- Không, mình trả tiền để lão ấy làm việc này kia mà. Nên lão phải làm chứ. Ở đấy mà nói nhăng nói cuội chuyện cỏ bị nhiễm vi trùng! Lão tưởng em là con ngốc đần độn chắc?
- Thôi được rồi, được rồi. Để anh nói chuyện với bác ấy.
- Hay là thôi, đem tráng xi măng hết cả vườn đi. Vậy là cho lão nghỉ việc được.
Nhưng bố chưa từng “nói chuyện” với bác Michael. Tôi vô tình phát hiện ra ông tự mình cắt cỏ. Vào cái hôm mẹ đi Limerick thăm dì Kitty. Và ông nói dối mẹ trắng trợn.
Thỉnh thoảng, Helen cũng hỏi mẹ nếu nó hứa sẽ không bao giờ cắt cỏ, liệu mẹ có ưu ái cho nó mấy cái bánh Jaffa không.
Helen nói đúng. Nếu em bé bị rơi tung tóe (có đúng là có từ này không nhỉ?) đầy hè, bác Michael chắc chắn sẽ rủa cả nhà cái tội làm ra một đống bầy hầy. Nhưng không có chuyện đó đâu.
Mặc dù nếu Kate không chịu nín cho mau, tôi chắc sẽ phải suy nghĩ lại.
- Không, Helen à, - tôi giải thích. - Chị không bị cái vụ trầm cảm sau sanh đó. Ờ..., cũng không hẳn. Mà chắc là chưa.
Trời ạ. Tôi chỉ mong được thế.
Nhưng chưa kịp nói cho Helen nghe James đã bỏ đi thì bố bước vào.
Chắc phải dọn bớt đồ ra ngoài thôi nếu cứ có lắm người vào như thế này.
- Ây giặc! - chúng tôi đồng thanh.
Bố cười và cúi đầu đáp bài chào của chúng tôi. Bạn biết không, tên bố là Jack (Giắc), và hồi những năm đầu bảy mươi khi mà tin không tặc đầy rẫy trên báo (nhiều hơn cả tin trẻ em bị lạm dụng), một ông chú đang sống ở Mỹ đã chào đón bố tôi như thế: “Ây giặc!” Mấy chị em tôi cười tưởng chết. Còn bố thì luôn đáp lại bằng một nụ cười.
Thôi, chắc bạn muốn được tiếp tục câu chuyện của tôi kia.
- Tôi đến xem cháu đầu lòng đây, - ông nói. - Bố bế cháu nhé?
Tôi chuyền Kate cho ông. Ông đón ẵm con bé cực kỳ chuyên nghiệp. Nó nín khóc ngay lập tức, nằm yên trong cánh tay ông, hai bàn tay như hai con sao biền cứ nắm mở, nắm mở.
Y như mẹ nó, tôi buồn rầu nghĩ bụng, chỉ nằm gọn trong tay lũ đàn ông là sướng.
Lẽ ra tôi đã phải ngăn chặn chuyện này ngay từ trong trứng nước. Phải có tí tự trọng chứ con! Đâu cần có một thằng đàn ông con mới hạnh phúc! Trong khi các bà mẹ khác đọc cho con gái bé bỏng của họ nghe chuyện người máy biết nói hay những con sói gian ác bị trừng trị thì tôi sẽ đọc cho Kate nghe những thứ liên quan đến tư tưởng nam nữ bình quyền. Nhát định thế!
Dẹp Nàng tiên cá sang một bên. Đọc The Female Eunuch[3].
[3] Sách của tác giả người úc Germaine Greer, góp phần quan trọng trong phong trào đấu tranh đòi bình quyền nữ giới.
- Chừng nào con mới đặt tên cho cháu đây? - bố hỏi.
- À, con mới đặt rồi. Con lấy tên bà đặt cho bé.
- Hay quá, - mắt ông sáng láp lánh.
- Chào Nora bé bỏng! - bố líu lo với cái nhúm hồng hồng.
Helen, mẹ và tôi nhìn nhau khổ sở.
Lộn bà rồi!
-Ờ... không bố à, - tôi ngắc ngứ. - Con đặt tên bé là Kate.
- Nhưng mà mẹ của bố đâu phải tên Kate, - ông nhíu mày suy nghĩ.
- Vâng, bố à, - tôi ấp úng. (Trời ạ, đời sao mà lắm cạm bẫy?) - Nhưng con lấy tên bà ngoại Maguire đặt cho bé, không phải bà nội Walsh.
- À, rõ rồi, - giọng ông có phần nguội lạnh.
- Nhưng con sẽ đặt tên đệm cho con bé là Nora, - tôi ti tiện hứa.
- Đừng hòng, - Helen cắt ngang. - Đặt tên gì đẹp đẹp chứ. Em biết nè. Elena nha? Elena tiếng Hy Lạp là Helen đó, chị biết không?
- Helen! - mẹ quở. - Con bé là con của Claire!
- Chẳng phải mẹ vẫn bảo tụi con phải chơi chung đồ chơi là gì? - Helen nói giọng hờn dỗi.
- Kate không phải là đồ chơi, - bà thở dài.
Thật tình, Helen cũng mệt xìu rồi.
Tuy vậy, vốn chẳng tập trung vào việc gì được mấy chốc, nó chuyển đề tài.
- Bố, cho con đi nhờ qua nhà con Linda há?
- Helen, bố không phải tài xế lái thuê, - bố nói giọng đều đều.
- Bố à, con đâu có hỏi bố làm nghề gì. Con biết bố làm nghề gì rồi. Con xin đi quá giang thôi mà, - cái giọng của Helen như muốn nói: “Con sẵn sàng làm đứa biết điều mà.”
- Không, Helen. Mày đi bộ từ đây đến đó tốt chán, - bố hét. - Tao thật không hiều nổi đám trẻ chây lười chúng mày. Này, hồi tao...
- Bố, - Helen ngắt ngay. - Làm ơn đừng có kể lại cái vụ bố phải chân không cuốc bộ bốn cây số đi học nữa. Con chịu hết nổi rồi. Cho con đi nhờ xe thôi mà, - nó liếc bố qua lớp tóc mái cắt ngang trán, cười nũng nịu.
Ông cáu tiết nhìn nó hầm hầm một hồi rồi cười ha hả:
- Thôi được rồi, và lắc lắc chùm chìa khóa. - Thì đi. Ông trao Kate lại cho tôi.
Đúng cái cách trao em bé lại cho mẹ nó.
- Bibi ngủ ngon Kate Nora nè, - ông bảo, có vẻ nhấn hơi nhiều vào “Nora”. Tôi nghĩ ông vẫn chưa kịp tha thứ cho tôi.
Ông và Helen đi.
Mẹ, bé Kate Nora và tôi vẫn ngồi trên giường, tận hưởng chút yên lặng khi không có Helen.
- Nè,- tôi nghiêm giọng với Kate. - Bài học đầu đời về cách cư xử với đàn ông con nhé, nhờ dì Helen đấy. Chắc con để ý kỹ chứ hả? Cứ coi bọn họ như nô lệ, thế nào bọn họ cũng làm у như là nô lệ ngay.
Kate tròn xoe mắt nhìn tôi.
Mẹ mỉm cười bí hiểm.
Một nụ cười tự mãn, bí ẩn.
Một nụ cười ranh mãnh.
Nụ cười của một người đàn bà có chồng đã gánh vác việc hút bụi suốt mười lăm năm qua.