Helen sắp đi Belfast hai ngày với trường và rõ ràng là nó hết sức tin rằng công việc chuẩn bị không những phải để đến lửa cháy sát đít mới bắt đầu mà còn phải là một sự kiện của cả nhà.
Thế là thay vì bị Kate khóc quấy làm mất giấc ngủ, tôi lại bị tiếng sột soạt dưới chân giường đánh thức.
Kẻ nào đó đã lỉnh vào phòng tôi với một ý đồ đen tối.
Tôi ngồi dậy, vẫn còn lơ mơ chưa tỉnh ngủ hẳn.
- Ai đấy? - tôi ngáp.
Là Helen.
Lẽ ra tôi đã phải biết là nó.
Nó vừa dợm bước ra cửa, tay ôm một mớ quần áo mới của tôi.
- Ôi Claire! - nó giật bắn người, làm rớt một đôi giày mới. - Em tưởng chị vẫn đang ngủ.
- Thấy rồi nhé, - tôi lạnh lùng. - Thôi trả lại đây đi cô.
- Đồ quỷ cái, - nó lầm bầm, vứt đống quần áo xuống đất. Rõ ràng chúng đang định chuồn đi Belfast.
Xin lỗi các bạn nhé. Khi khác tôi sẽ đưa các bạn đến đấy.
Tôi nghe tiếng nó đi xuống bếp và chẳng mấy chốc, y như rằng, tiếng la lối vọng lên.
Nó gây chuyện gì đây?
Đi đến đâu nó cũng hung hãn được.
Kate đã thức, nhưng chỉ nằm đấy ngó trần nhà.
- Sao không khóc hả con yêu? - tôi ghẹo. - Sao con không đánh thức mẹ dậy, mách mẹ dì Helen hư đang lấy trộm quần áo của mẹ?
Tôi bồng con bé lên giường với mình, cái thân người bé tí mềm mại của nó nằm gọn trong hai tay tôi.
Hai mẹ con nằm trên giường một chốc, thức thức ngủ ngủ, loáng thoáng nghe những tiếng cãi cọ trong bếp. Chắc mình nên dậy thôi, tôi nghĩ bụng. Biết đâu Helen sẽ nhắc đến Adam trước khi đi.
Tôi siết chặt Kate vào lòng. Đứa con xinh đẹp vô giá của tôi.
Nhưng vừa lúc ấy con bé lại đòi bú nên tôi bước xuống giường, vấp phải đống quần áo trên sàn suýt té. Tôi nhanh chóng thay đồ rồi hai mẹ con đi xuống nhà.
Là lúc có vẻ như đang diễn ra một cuộc cự cãi nho nhỏ.
Anna, mẹ và Helen đang ngồi quanh bàn ăn lổn ngổn những tàn dư của bữa sáng - hộp bánh, ấm trà, mấy gói ngũ cốc và vỏ hộp sữa.
Mẹ và Helen đang tranh cãi rất lớn tiếng. Anna đang mỉm cười rạng rỡ, lúi húi làm gì đó rất kỳ quái với một bông cúc và cái kẹp giấy.
- Tôi không biết cái khăn với găng tay xanh nào hết, - mẹ giận dữ bảo Helen.
- Nhưng con để chúng trên nóc tủ lạnh. Mẹ đã làm gì chúng rồi?
- Này, nếu cô đã không để chúng trên nóc tủ lạnh, nếu cô đã để chúng đúng nơi đúng chỗ thì cô đã biết phải tìm chúng ở đâu.
- Nóc tủ lạnh là đúng nơi đúng chỗ rồi. Con lúc nào chả để đồ trên ấy.
- Chào cả nhà, - tôi vui vẻ lên tiếng.
Không ai buồn đếm xỉa.
Không hiểu sao cửa sau lại mở toang nên những luồng gió sớm mang hơi hướm vùng Siberia cứ lùa vào trong bếp.
Kỳ ngộ.
Tôi đang có con nhỏ trong cái nhà này mà.
Hai mẹ con trúng gió chết mất.
Tôi vội vã bước tới, một tay giữ Kate, tay kia cố đẩy cửa vào, khóa lại.
- Chị chẳng nên làm thế, - Anna nói, vẻ bí hiểm.
Tôi ngạc nhiên nhìn nó.
Tôi cứ tưởng giờ là quá sớm, thậm chí với cả Anna, để lộ ra cái vẻ bí bí ẩn ẩn ấy.
- Tại sao? - tôi dịu dàng hỏi, rắp tâm ghẹo nó. - Phải Nữ thần Ban Mai sắp đến trừng phạt chị vì tội đã cản lối nàng ấy vào bếp không?
- Không, - Anna nhìn tôi như thể tôi đã bị khùng nặng.
Vừa lúc có tiếng ồn ào nghe chừng bấn loạn và nghèn nghẹt ngoài cửa sau.
Phải nói là những ngôn từ rất đẹp đẽ với một người như Nữ thần Ban Mai.
Anna thở dài, nặng nề nhấc bước ra mở cửa.
Bố đang đứng trên bậc thềm, không thấy mặt mũi đâu vì cái đống quần áo khổng lồ vừa giặt xong ôm trên tay che mất.
- Đứa nào dám đóng cái cửa chết tiệt vào hả? - giọng ông ồ ồ sau mớ quần jean và áo len cao ngất.
- Lẽ ra tao đã phải biết là mày chứ không ai, - Ông rít lên với con Anna tội nghiệp đang đứng đó, tay nắm nắm cửa.
- Không, bố, là con, - tôi vội vã lên tiếng. Môi dưới của Anna đã bắt đầu run lên. Nó chực khóc.
- Không, không phải, là vì hai mẹ con lạnh quá, - vừa thấy ông nhìn tôi chằm chằm, vẻ hờn dỗi, tôi vội giải thích. - Không phải con muốn nhốt bố ngoài ấy đâu.
Trời ạ, sao mà toàn những người bất bình thường!
So với cả nhà thì tôi vẫn còn quá bình thường.
- Đây, - Ông vứt mớ quần áo lên bàn, chẳng buồn bận tâm đến mấy lát bánh mì nướng ăn dở với mấy tô bột bắp bị chê đang nằm đó. - Mày muốn cái nào trong đây?
- Ôi Helen, sao mà cô khó khăn thế? - mẹ thở dài. - Cô có cả một phòng đầy quần áo trên ấy mà cái thứ cô muốn cứ phải nằm trong máy giặt hay ngoài dây phơi kia!
Helen mỉm cười, như một con mèo tinh quái.
Nó thích mọi người phải than nó khó khăn.
Khiến nó thấy mình uy quyền.
Mà đúng thế thật.
Vẫn mỉm cười khoái trá, nó lựa lấy vài món đưa cho bố.
- Rồi bây giờ tao phải làm gì với chúng? - bố ngạc nhiên.
- Thì phải ủi chứ, - Helen đáp, ngạc nhiên không kém.
- Ủi? Tao ủi?
- Vậy chứ bố định để con đi Belfast với mớ quần áo nhăn nheo chắc? - Helen nổi khùng. - Con đường hoàng là đại sứ cho Free State, không thể úi xùi mà đi Belfast được. Rồi người ta sẽ nghĩ tất cả những người Công giáo đều bẩn thỉu và nhếch nhác.
- Thôi được rồi, được rồi, - bố hét, giơ hai tay xin nó thôi cái vẻ nhiệt tình ấy đi.
Tội nghiệp.
Ông chưa từng có được lấy một cơ hội. Mọi thứ lại trở nên ổn thỏa.
Bánh mì nướng lại nhét vào họng, cà phê ực vào, lại chuyện trò (là tôi nói “chuyện trò” ở đây với ý thoáng lắm đấy nhé).
- Đoán thử xem con ở chung với ai ở Belfast? - Helen líu lo, hồn nhiên. Cái kiểu suồng sã và ra vẻ bất cần quá mức cần thiết.
Tôi biết cái giọng ấy mà.
Tôi linh cảm sắp có chuyện.
- Ai? - Anna hỏi.
- Một người Tin Lành, - Helen giả giọng sợ sệt.
Mẹ vẫn đều đặn hấp trà.
- Mẹ không nghe con à? - Helen phụng phịu. - Con nói là lần này con ở chung phòng với một người Tin Lành đấy.
Mẹ ngước nhìn nó, vẻ mặt bình thản.
- Thế thì sao?
- Chứ chẳng phải mình ghét dân Tin Lành à?
- Không, Helen, mình không ghét ai hết, - mẹ đáp, như đang nói với một đứa con nít bốn tuổi.
- Thậm chí cả dân Tin Lành?
- Ừ, kể cả những người theo đạo Tin Lành.
Kiểu gì thì kiểu, Helen nhất định phải gây chuyện cho bằng được.
- Thế nhỡ con đi theo bọn họ, rồi làm đủ thứ chuyện buồn cười, rồi bày đặt tập tành cắm hoa nữa thì sao?
Đâu đó trong cái câu đe dọa ấy, Helen chứng tỏ nó đã suy diễn rất mù mờ về những người theo đạo Tin Lành.
Những sinh vật ngộ nghĩnh kết hợp giữa Quỷ Sa tăng với bà cô Marple trong truyện của Agatha Christie.
Có sừng, dĩ nhiên rồi, móng chẻ, thở ra lửa và biết tự nấu mứt ăn.
- Ừ thì nếu con có như vậy thì cũng đã làm sao nào? - mẹ xuề xòa.
- Rồi nếu con không đi lễ Vượt qua nữa thì sao? - Helen lắp lắp, nghe chừng hoảng.
- Mà đằng nào thì chị cũng có đi đâu? - Anna ngơ ngác.
Đáp lại là một sự im lặng đầy căng thẳng và cáu kỉnh.
May thay Kate, rõ ràng đã cảm nhận được không khí bất ổn, vội ré lên khóc như nữ thần báo tử, giải cứu tình hình.
Tôi có cảm giác con bé có một tương lai sán lạn trước mắt, trở thành đại sứ, hoặc làm cho Liên Hiệp Quốc chẳng hạn.
Anna và Helen lập tức lao đi pha sữa, giẫm cả lên nhau mà chạy.
Bố lôi bàn ủi ra, hì hục ủi. Ông nhấn nút hơi nước cho đến khi cả căn bếp trở thành một phòng tắm hơi.
Mẹ ngồi im như pho tượng.
Nhưng một chốc sau bà cũng bắt đầu chộn rộn theo. Bà dọn dẹp bàn, mạnh dạn vứt bỏ mấy lát bánh mì dai nhách, nguội ngắt vào thùng rác.
Tiếc quá, vì tôi thích bánh mì dai nhách, nguội ngắt. Nhưng tôi chẳng dại gì chọc giận bà ngay sau khi bà đã nghe được một đứa trong đám con gái của bà trốn lễ Vượt qua.
Mặc dù thậm chí đứa con gái ấy không phải tôi.
Rồi mọi việc cũng trở lại bình thường. Bình thường, dĩ nhiên, là một khái niệm hoàn toàn mang tính chủ quan.
Bình thường với người này nhưng với người khác lại là bấn loạn, hỗn loạn, nháo nhác, một cảnh nhà vô cùng bất ổn.
Helen chưa từng để bất cứ lời nói hớ hênh nào khiến nó cụt hứng lâu.
Mấy câu chuyện vớ vẩn, con nít lại bắt đầu chỉ trong tích tắc.
- Không biết Belfast như thế nào nhỉ? Nếu con bị giết chết thì sao nhỉ? - nó cười nham nhở. - Thì chuyện gì chẳng thể xảy ra cho con nào. Biết đâu con bị bắn hay bị trúng bom thì sao. Biết đâu đây là lần cuối mẹ nhìn thấy con.
Cả nhà quay cả sang nhìn nó, lặng đi. Cả Kate cũng im re.
Chắc chắn, chắc chắn chúng tôi chẳng được may mắn đến thế đâu.
- Hay biết đâu con bị bắt cóc, - nó mơ màng. - Như Brian Keenan chẳng hạn. Ông ấy cũng có hai chị em gái đấy! - nó đắc chí, hớn hở vì đã tìm ra được một điểm tương đồng giữa nó và một nạn nhân của trò bắt cóc.
- Có điều con có đến bốn chị em xấu xí kia, - nó trầm ngâm. - Thôi, cũng chẳng sao.
- Chúng nó không xấu xí, - mẹ phẫn nộ.
- Cám ơn mẹ, - tôi liếc Helen, cười tự mãn.
- Đúng rồi, cám ơn mẹ, - Anna nói.
- Không phải tụi bay, - mẹ khó chịu nạt. - Là mẹ đang nói mấy chị em của Brian Keenan.
- Ô! - tôi xìu xuống.
Helen tiếp tục lải nhải chuyện bắt cóc.
Tim tôi thắt lại vì tội cho cái kẻ bắt cóc tưởng tượng kia.
Bất cứ kẻ nào bắt cóc Helen cũng sẽ phải tin rằng chúng đã bị sập bẫy. Rằng cô nàng chính là thứ vũ khí khủng khiếp được bên kia bí mật gửi sang nhằm tiêu diệt bên của chúng từ trong nội bộ.
Chẳng có gì làm nó sợ cả.
Cứ xích nó lại dưới một cái hầm dơ dáy với một tên cuồng tín trẻ tuổi, mặt trắng bệch, người không chút mỡ, các cơ bắp dẻo dai cuồn cuộn và cặp mắt long lên sòng sọc, đeo đủ các thứ vũ khí, nó sẽ mào đầu câu chuyện bằng cách hỏi hắn mua cái áo đang mặc ở đâu.
Hay nói thật, bất cứ chuyện gì.
- Em nghĩ chắc là anh sẽ phải tra tấn em tí chút, - nó nói không hề khách sáo. - Anh định làm gì? Chắc là cắt tai em rồi gửi đi đòi tiền chuộc hả? Em sẽ không quá phiền lòng đâu. Nói thật, em cần tai để làm gì kia chứ? Bởi vì em nghe bằng tai trong mà, đâu phải cái rẻo ở bên ngoài. Mặc dù, nếu làm vậy chắc cũng hơi khó cho em nếu em muốn đeo kính. Nếu chỉ còn lại một tai chắc cặp kính sẽ bị nghiêng hẳn. Nhưng em vẫn có thể đeo sát tròng mà. Phải rồi! Em sẽ bắt bố phải mua cho em mấy cặp sát tròng màu đó. Màu nâu đi nhé? Anh có nghĩ nếu mắt nâu trông em sẽ xinh lắm không?
Rồi tên khủng bố tội nghiệp sẽ mệt lử và hãi hùng vì nó. Hắn nói: - Câm ngay, đồ quỷ cái!
Chắc nó sẽ im được một, hai giây rồi lại huyên thuyên tiếp.
- Hai cái còng tay này hay quá. Em cũng có còng tay nhưng toàn bằng nhựa, cũ kỹ chán phèo. Em chắc cái này là một trong những quyền lợi sung sướng của công việc này đây - được phép mượn những cái còng đẹp nhất. Để trói bạn gái lại ấy. Mặc dù lúc đang có tù nhân chắc cũng không tiện lắm. Nhưng mà em không phiền đâu. Tối nay anh có thể mượn chúng. Em hứa sẽ không cố chạy trốn... Cứ thế, cứ thế, cho đến khi tên khủng bố lăn đùng ra.
Những tên đàn ông to xác ấy sẽ hoảng loạn thổn thức: - Con nhỏ ấy kinh khủng quá, kinh khủng quá! ông chủ muốn tôi làm gì cũng được, nhưng chỉ cần ông bắt nó câm họng lại.
Helen sẽ trở về nhà không chút sứt mẻ, không chỉ đem theo số tiền chuộc chưa hề đụng đến được hồi lại, mà còn với một món quà tập thể và một tờ giấy nhỏ ghi lời cảm thông của bọn khủng bố gửi cho gia đình.
Mà thôi, cuối cùng nó cũng lên đường.
Một cậu ngốc nào đấy tên Anthony ở lớp nó đã có cái hân hạnh đáng ngờ được hộ tống nó ba tiếng đồng hồ đi Belfast.
Nó ngồi ở ghế trước, mặt ra vẻ rất ngoan đạo, tay lăm lăm chai nước thánh.
Nó chẳng đá động gì đến Adam trước khi đi.
Đồ bò.
Có thể cậu ta cũng đi Belfast.
Có thể cậu ta đã đến nơi.
Có thể tất cả các đường dây điện thoại ở Rathmines đều đã bị hỏng nên cậu không gọi được cho tôi.
Có thể cậu bị té xe và đang trong bệnh viện với đủ loại vết thương.
Nhưng điều quan trọng là cậu đã không gọi tôi.
Và cậu sẽ không gọi.
Vậy tôi phải làm gì bây giờ?
Có một điều tôi thấy vô cùng kỳ quái là tôi đã hầu như không mảy may nghĩ đến James suốt mấy ngày qua.
Đầu tôi chỉ toàn có Adam, Adam và Adam. Cũng tương tự như các anh chàng phục vụ trên con tàu Titanic chỉ chuyên tâm đến những cái gạt tàn vun đầy trên quầy bar hơn là những cái lỗ to tướng ở mạn thuyền đang khiến cho hàng ti tỉ khối nước tràn vào, tôi đã quá lo lắng chuyện không quan trọng mà phớt lờ đi chuyện sống còn.
Như thế đôi khi dễ dàng hơn rất nhiều.
Bởi vì mặc dù chẳng làm được tích sự gì với mấy cái lỗ to tướng kia, tôi vẫn có đủ khả năng để đi đổ cái gạt tàn đầy.
Một sự liên tưởng hay ho.
Nhưng kết quả của cái kiểu suy nghĩ ấy là cả sáng thứ Ba tôi chỉ đi đi lại lại trong nhà.
Không phải là thẫn thờ như kiểu sau đêm tiệc tùng say khướt.
Thẫn thờ theo kiểu tâm trạng khổ sở và mặt mũi rất bi kịch.
Tôi đã gọi cho James chưa?
Xin lỗi, nhưng tôi chưa.
Tôi đang là một bệnh nhân nguy kịch của chứng Than Thân Trách Phận.
Tôi bị trúng phải thứ vi rút của căn bệnh Tội Nghiệp Mình.
Không trốn đi đâu được.
Có Chúa biết, tôi không định thanh minh thanh nga gì đâu.
Nhưng mà tôi đang, đang... tôi đang bị suy sụp. Khốn kiếp!