Còn ở trên tầng hai quán Tkachenko, hai người họ chậm rãi chuyện trò như không có việc gì.
Cô chợt nhớ ra mình đang ở đâu, hỏi anh: “Sao ra sớm thế, kết quả hội thẩm không ổn à?”
“May nhờ có anh Tạ. Anh ấy đứng trên lập trường của mình nên mới có thể chiếm được kết quả tốt nhất.”
Anh chợt nhớ đến lời miêu tả Tạ Hồng qua lời người khác – “không xem mình là người Trung, cũng không cho rằng mình là người Anh, thuận tiện mưu lợi giữa hai bên”. Rốt cuộc Tạ Trạch Ích có bao phần tương tự?
Giống như lời cha anh đã nói. Cường quốc tiến vào Tử Cấm thành như vào chốn không người, văn vật lịch sử, trân châu ngọc thạch, thành rương thành hòm; giết chóc cướp đoạt cũng không ngại “tiền bất chính”, nhưng rồi có một ngày nhất định sẽ phải trả lại. Không phải hôm nay thì cũng là ngày mai, nói chung vẫn sẽ có ngày.
Nên anh mới cho rằng Tạ Trạch Ích là người Anh. Dù anh đã thề nguyện cống hiến với nước Anh, nhưng bản thân anh cũng hiểu được cảm xúc mạnh mẽ lúc nóng lúc lạnh giữa tín ngưỡng chính nghĩa và hận thù.
Trong 80 năm qua không biết có bao nhiêu người Anh từng đặt chân đến Trung Quốc, gần một triệu con người khao khát công lý đã bị đồng hóa thành kẻ giết người bởi địa ngục trần gian, nhưng nhưng chưa từng có ai nhanh chóng tỉnh ngộ lập tức thành Phật.
Thậm chí anh có thể tưởng tượng được, Tạ Trạch Ích phải liều mạng thế nào mới có thể mưu cầu được con đường hy vọng thỏa đáng này.
Trạch Ích – chọn điều lợi lộc chứ không phải chọn cuộc sống an nhàn, là dễ chết khó sống, cũng khó tự thân tỉnh táo.
Chuyện này, nếu không phải là anh thì không thể.
Nên mới là Tạ Trạch Ích chứ không phải Tư Ngôn Tang anh.
Có một thời gian dài anh thường nghĩ, nếu năm ấy người xuất hiện bên ngoài cửa sổ phòng cô ở Thiệu Hưng là Tạ Trạch Ích, thì chắc chắn kết quả sẽ không như vậy.
Ngôn Tang không khỏi bật cười.
Ở dưới lầu trên phố Queen’s, cửa tòa án đã mở. Đoàn người mặc quân trang lần lượt đi ra, phóng viên ở bên ngoài đồng loạt ùa đến.
Anh lập tức gọi nhân viên đem hóa đơn tới.
Thấy cô vẫn nhìn mình chằm chằm, anh liền mỉm cười.
Cô vội hỏi: “Bao giờ thì anh đi?”
Anh đáp: “Đêm nay.”
Cô không ngờ lại nhanh như thế, có điều, nếu không phải vô tình gặp ở đây thì cô cũng đã tưởng anh sớm rời đi rồi.
Cô hỏi: “Bây giờ, anh vẫn muốn đi sao?”
Anh cười, không trả lời mà nói: “Không đi sớm, chẳng lẽ ở lại tham gia hôn lễ của em?”
Cô nhìn anh nói: “Anh sẽ cưới vợ mà, chỉ là người đó không phải là em. Em không phải một nửa thích hợp của anh, người nên tránh đi là em mới đúng. Anh có gì không tốt?”
Anh ngẩng đầu thở dài, đoạn cười nói, “Anh chưa đi là vì muốn nói lời tạm biệt với em, nhưng bản thân lại không tìm được lý do để gặp em nên cứ lần lữa mãi tới hôm nay. Cũng không nghĩ là em sẽ chủ động xuất hiện trước mặt anh. Bởi vì không biết làm gì nên suốt ngày chỉ ở nhà.”
“Em đã đọc “Cô dâu của những ngày đã qua” rồi.” Rồi lại bổ sung, “Anh Tạ đem đến cho em.”
Nhốt mình trong nhà viết truyện, nói lời tạm biệt với cô.
Cô nhớ về sau anh sẽ bị cận. Nhưng vì anh không viết tự truyện của bản thân, nên khi người ngoài nhắc đến chuyện của anh thì cũng chẳng ai để ý là anh bắt đầu bị cận từ khi nào. Nhưng vào lúc này, khi anh ngồi ở đầu kia bàn ăn cách chưa tới một mét, biểu cảm của anh lúc nhìn cô rất tự nhiên bình thản, thậm chí nơi khóe miệng còn treo nụ cười khá lạnh lùng, mang theo cảm giác xa cách.
Đây là khoảng cách anh biết mình nên tránh xa cô.
Anh còn nói: “Từ khi hôn ước của hai ta đã bị bỏ, mỗi lần ra ngoài là cha anh lại chất vấn anh hẹn hò với ai.”
Cô gật đầu, “Đấy là chuyện tốt mà.”
“Anh mới nói với ông ấy là có hẹn với ai thì cũng không phải là trâu bò.” Anh mỉm cười.
Cô cười phá lên.
Hiếm khi thấy cô cười thoải mái như vậy, anh cũng bị cuốn hút theo, “Lần đầu tiên gặp em là cha dẫn anh đến. Em được mẹ ôm vào nhà, nhưng cứ quẫy đòi bò ra khỏi lòng mẹ. Rõ ràng là đang nói chuyện của em, thế mà em lại trượt đến chỗ khác như không liên quan gì đến mình. Đầu nhỏ, áo tím quần dài, mái tóc gọn gàng, hai mắt sáng long lanh.”
Cô khép mắt lại, bỗng trong đầu xuất hiện một đoạn như sau ––
“… Năm mười lăm tuổi, cha anh quay về Bắc Bình. Nửa tháng sau tức tháng 2, ông nội nhận được thư từ bạn tốt, mời ông dẫn theo con trai và cháu trai đến nhà cũ ở Thiệu Hưng gặp hai cô con gái nhà họ Lâm. Cha biết ý ông nội. Tư Ngôn Tang lúc ấy còn trẻ, tiếp nhận nền giáo dục nước ngoài nhiều năm, dù biết mình có vợ chưa cưới ở trong nước nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có ý định muốn yêu. Khi cùng người nhà chờ trong thư phòng nhà họ Lâm, Tư Ngôn Tang vẫn khá dửng dưng, chào hỏi mọi người một cách thờ ơ. Đúng lúc này cửa mở ra, một cô bé ngây thơ mặc áo tím quần dài đi vào. Cô bé tết bím tóc đuôi sam, tròng mắt sáng long lanh…”
Xem đi, sách giáo khoa đúng là không lừa gạt, mô tả giống y hệt.
Anh nói, “Thật ra là anh đến tìm em trước. Đứng ngoài cửa sổ phòng em, nhưng lại không cho em thấy là anh đã đến.”
Cô im lặng.
Anh thở dài, cười nói, “Về sau anh chưa từng hẹn hò với ai khác.”
Giọng điệu không hề có ý bất đắc dĩ, cô có đáp lời hay không thì anh cũng chẳng nuối tiếc.
Anh khẽ ngẩng đầu, ra hiệu cho cô nhìn ra ngoài cửa sổ.
Nhân lúc cô nhìn ra ngoài, anh vội ký tên lên giấy, tầm mắt dừng lại trên người cô một khắc rồi khoác áo đứng dậy rời đi.
Cô hoàn hồn, vội đuổi theo hai bước gọi anh lại: “Anh Ngôn Tang!”
Sải bước của anh rộng hơn cô mà anh lại không có ý dừng lại, khiến cô vất vả đuổi theo.
Cuối cùng cô cũng níu được tay áo anh ở dưới tiệm Tkachenko.
Cô thở gấp, “Đêm nay em đến tiễn anh… cùng với anh Tạ.”
Anh mỉm cười, “Cái hồi anh Tạ đến tìm anh cũng có nói như vậy. Anh không muốn từ chối lần thứ hai đâu.”
“Vì sao?”
“Anh sợ lúc em đến tạm biệt, bản thân không nhịn được mà hỏi em sẽ là lúc nào.”
Cô ngẩn người, sau đó ngẩng đầu.
Đây có phải là đồng nghĩa với “hỏi ngày về” không?
Ngôn Tang tưởng cô đang kìm nén nước mắt, vội nói: “Hình như em còn nợ anh một phong thư, định bao giờ thì trả đây?”
Y hệt như đòi nợ.
Sở Vọng ngẩng đầu không phải vì muốn khóc, mà là muốn hạ quyết tâm. Cô hít sâu một hơi, không đầu không đuôi thốt ra một cái tên: “Cynphia Sachs.”
“Người Do Thái?” Anh chần chừ.
“Nếu anh gặp một người tên là Cynphia Sachs.” Cô cố ý nhấn mạnh cái tên này, “Thì đến lúc đó em sẽ gửi thư cho anh.”
Xe Ford của công ty phát thanh đã nhanh chóng rời đi. Rồi mọi tin tức trong phiên tòa lần này sẽ được phát tới Thượng Hải và toàn thế giới qua đài phát thanh.
Đã có người la lớn: “Thỏa thuận ngày 25 tháng 10! Trong tháng này thủy quân lục chiến Nhật Bản rút khỏi Thượng Hải! Mọi nhà máy Nhật Bản sẽ chuyển về nước! Chỉ mấy ngày nữa sẽ kết nối giao thông phía nam Thượng Hải với tô giới và Hạp Bắc, sau khi “hiệp ước tám năm” có hiệu lực, hơn 170 hiệp ước bất bình đẳng ở 6 mục đã bị xóa bỏ! Thu hồi quyền tài phán lãnh sự! Quân đội năm nước sẽ rút khỏi Thượng Hải vào năm dân quốc thứ 26! Trả lại tô giới!”
Rất nhiều tuần cảnh ở chính quyền thành phố Thượng Hải và hội đồng khu đã phải rất vất vả trong việc duy trì trật tự.
Cách con đường quốc lộ rộng rãi do người nước ngoài xây dựng, thế giới bên này yên ắng tựa như một thế giới khác.
Ngôn Tang nhìn cô gái trước mặt, làn mi khẽ rung. Dù trong lòng có rất nhiều nghi vấn nhưng không hề hỏi ra, mà anh chỉ im lặng nhìn cô, như muốn nhìn ra đáp án từ vẻ mặt kiên định của cô.
Anh cúi người nắm lấy vai cô, trao cô chiếc ôm vô cùng lịch thiệp. Lúc áp sát, anh thấp giọng nói, “Chúc tân hôn vui vẻ.”
Rồi sau đó lùi về sau hai bước, chậm rãi nói với cô: “Em nhìn Thượng Hải xem, có giống gánh xiếc thú không?”
Cô ngẩn người.
Không đợi cô trả lời, anh đã khoác áo vào, xoay người sải bước rời đi.
Cô không quá lo lắng cho Ngôn Tang, cũng không cho rằng hai người sẽ không gặp lại nhau nữa, nên cô không xem câu chúc “tân hôn vui vẻ” là lời tạm biệt, và cô cũng không cần “tạm biệt” anh.
Nên lúc anh hỏi: “Thượng Hải có giống gánh xiếc thú không?”, như đang nhắc cô nơi đây là Thượng Hải, dưới lầu là tòa án, ngoài cửa là biết bao chuyện kỳ quái.
Có phải Thượng Hải rất đẹp rất giàu không? Có lẽ thời kỳ này còn chưa rõ ràng, nên sẽ nói với người châu Âu và người Mỹ rằng: “Thượng Hải không hề thua kém Vancouver, San Francisco và Berlin, xe hơi, điện ảnh, đài phát thanh, cần gì có đó.”
Nhưng hàng trăm công nhân người Hoa đã chết trong lúc xây dựng đường sắt ở San Francisco và Vancouver thì không ai hỏi tới; khi người da trắng đến Trung Quốc hoành hành ngang ngược, người da trắng đánh chết người Hoa thì người Hoa chỉ có con đường chết; mà dù người Hoa có đánh chết người da trắng, thì vẫn là tử lộ.
Mấy ngày qua cô vẫn luôn nghĩ, vì sao Chân Chân không chịu yêu Chers từ sớm. Mà chuyện của cô Thẩm đã làm cô nhận ra: chúng ta chỉ là công dân hạng hai ngay trên chính mảnh đất của mình.
Còn Chers cũng không khác gì người ngoài, trong khoảnh khắc đưa binh lính và hạm đội của anh ta từ Nam Dương tiến vào sông Hoàng Phố, bọn họ đã được định trước là kẻ xâm lăng, hơn người một hạng.
Lúc liên quân tám nước tiến vào thành phố Bắc Kinh, người Anh là những người đốt phá và cướp giật nhiều nhất; bọn họ ra sức khai cương thác thổ trên khắp thế giới, còn Trung Quốc lại đang đánh mất chủ quyền của mình.
Mối tình này đã được báo trước là bất bình đẳng ngay từ đầu.
Ngay cả khi anh ta sẵn sàng hạ mình theo đuổi một cô gái phương Đông, thì cô gái ấy và gia đình của cô vẫn luôn là “lợn China” trong mắt những người da trắng, luôn là dân mất nước.
Cô nghĩ, trong mười tám năm cuộc đời của mình, đã rất nhiều lần Chân Chân thấy cảnh sát ngoại quốc đánh đập người kéo xe ở bến Thượng Hải, nhưng cô ấy không có quyền đi tới đánh trả giúp phu xe, mà cô ấy chỉ có thể phẫn nộ bất bình. Giờ đây cô ấy cũng chẳng thể chia sẻ nỗi bất bình ấy với Chers —— thậm chí cô ấy còn không biết Chers đã từng chặt ngón tay cái của một công nhân nào chưa, hay từng nổ súng với một người cu li nào chưa. Cô ấy không thể hỏi những chuyện này, mà cũng không nói ra được. Giả sử mọi điều đó là thật, liệu Chers có xem đó là tội lỗi không? Anh ta cũng chỉ là một trong số hàng ngàn binh lính đã bị đồng hóa sau khi đến các thuộc địa của Anh, bọn họ đã quá quen với chuyện đó rồi.
Có lẽ chỉ cần anh ta đứng đó, thì sẽ lập tức hóa thân thành ba chữ “kẻ xâm lược” to tướng.
Tám mươi năm trước bọn họ xông vào nhà ta, chiếm cứ sân ta, tiến hành cải tạo sửa đổi, phái người trấn thủ. Rồi sau đó lại nói, ở đây tốt hơn nơi các bạn đang ở nhiều, nếu các cậu muốn hưởng thụ văn minh nơi này, hoan nghênh đến ở bất cứ lúc nào.
Nhưng nền văn minh đó không phải là chúng ta, quân nhân cũng không phải là chúng ta, đến nỗi khi bạn nói với bọn họ đây là nhà của chúng ta, bọn họ sẽ ngạc nhiên hỏi ngược lại: “Là ai bảo thế?”
Kiểu sỉ nhục này, không một người nào lớn lên với lòng tự trọng và kiêu ngạo có thể chấp nhận được sự bất công như thế; mà Chers càng không thể hiểu được.
Trừ khi có một ngày thật sự đuổi bọn họ rời khỏi đây, rồi sau đó đối mặt ngồi lại ngang hàng với nhau. Bạn đến chỗ tôi thì sẽ dùng lễ đối đãi; tôi đến chỗ bạn thì không còn phân biệt giàu nghèo tôn ti nữa.
Cô chợt nhớ đến Sakuma, thỉnh thoảng cảm thấy chưa chắc lòng trung thành và đại nghĩa không phải là một kiểu tẩy não, có ai mà không hiểu được con tim một lòng muốn bảo vệ mảnh đất nơi ta sinh ra.
Cô nhớ Lỗ Tấn từng trả lời học trò như sau: “Chúng ta phải đấu tranh cho tự do ngôn luận trước, rồi sau đó tôi sẽ nói cho các em biết chúng ta nên đấu tranh vì điều gì.”
“Kẻ muốn an toàn chưa chắc đã có tự do, muốn tự do thì phải mạo hiểm.”
Mà hôm nay tự do và nguy hiểm đang ở bên kia con đường quốc lộ. Cô đứng một mình trên con đường do người Anh xây dựng tại lục địa phía Đông, chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm vang dội của kỷ nguyên vĩ đại bên kia đường đang lăn về phía cô, tựa như có thứ gì đó sụp đổ, lại tựa như có tấm mở màn được chậm rãi kéo lên.
Rồi trong đám đông, trong tiếng ồn ào, một bóng dáng cao lớn băng qua đám đông, chậm rãi tiến về phía cô.
Cô ngẩng đầu nhìn anh thắt cà vạt đen, chợt nhớ lại mục đích mình đến hôm nay – thay anh thắt cà vạt mà mình đã học cả đêm.
Trong mớ suy nghĩ bòng bong, cô vô tình nghe thấy một giọng nói bé nhỏ lại mệt nhoài tự hỏi: “Anh đang thề bảo vệ điều gì?”
__
*Qin: cố beta xong chương này trong đêm khuya chỉ vì muốn nói, bye vật lý luật pháp chính trị lịch sử.:(( Kết thúc phần chính của chính truyện rồiiii, chặng tiếp theo là những chương ngọt ngào của vợ chồng Tạ thị nhé.