Một tháng trước tôi đã bỏ lại mọi thứ rồi chuyển tới sống ở đây.
Đây là một thôn trang cực kỳ nhỏ bé và hiểu lánh. Trên bản đồ cũng chẳng có thông tin gì về nơi này.
Tôi biết đến nơi này cũng là nhờ bà ngoại.
Khi tôi còn bé, lúc đó mẹ tôi vẫn chưa qua đời, có một lần mẹ cãi nhau với cha, giận dỗi rồi đưa tôi tới chỗ của bà ngoại.
Bà ngoại liền đưa tôi tới thôn trang nhỏ này.
Đây là quê của bà ngoại, nơi thâm sơn hẻo lánh, tách biệt với thế giới ngoài kia, mọi thứ đều là tự cung tự cấp.
Bà ngaoị bảo tôi, năm đó nếu như không phải vì một số nguyên nhân, chỉ sợ cả đời này bà sẽ không bao giờ rời khỏi thôn trang này, sẽ không biết được thế giới ngoài kia là như thế nào, càng đừng nói đến chuyện sẽ gả cho ông ngoại sống ở Kyoto.
Nói xong, bà ngoại xoa đầu tôi, than nhẹ rằng đi đến cuối đời, rốt cuộc cũng chỉ thấy sống ở thôn trang này là tốt nhất.
Lúc ấy tôi vẫn không hiểu hàm ý của bà lắm, chỉ biết ngây ngốc liếm que kẹo, ngơ ngác nhìn bà.
Bà ngoại không nhịn được. ý cười lan đến đuôi mắt. Bà dịu dàng nói cho tôi biết, thôn trang này cũng chỉ có hai người biết đến, đó chính là tôi và bà, ngay đến cả mẹ tôi cũng chẳng biết được.
May mà trước đây do vẫn luôn cực kỳ coi trọng bí mật này của hai bà cháu nên tôi đã cố gắng nhớ đường đi đến thôn trang, cho nên bây giờ mới có chốn dung thân.
Thôn trang giống như chốn bồng lai tiên cảnh, cực kỳ đẹp, không khí tươi mát, từ sau khi người trong thôn biết tôi là cháu của bà ngoại thì đối xử với tôi cực kỳ thân thiết.
Tôi sống trong căn nhà trước đây bà ngoại ở.
Đồ dùng trong nhà đều đủ cả. Tôi còn tìm được trong nhà kho không ít đồ tốt.
Chẳng hạn như tôi đã tìm được một cái ghế dựa nhỏ xinh.
Tôi thường nằm trên ghế tận hưởng ánh nắng mặt trời.
Cuộc sống như vậy thích ý vô cùng. Lúc ánh nắng chiếu lên đầu mình, tôi có cảm tưởng như mọi chuyện trong quá khứ đều bị trôi đi sạch sẽ.
Mỗi ngày, ngoài việc nhàn nhã nằm trên ghế ra thì thỉnh thoảng tôi cũng sẽ đọc một ít sách trong phòng sách của bà.
Phòng sách của bà chứa rất nhiều sách lịch sử, tất cả đều là chữ phồn thể.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đã không còn tiếp xúc với chữ phồn thể nữa.
Nếu đổi lại là trước kia, tôi tuyệt đối sẽ không có đủ kiên nhẫn mà ngồi lật xem từng trang khó hiểu như thế này đâu.
Nhưng giờ khắc này đây, khi sống ở thôn trang này, ngồi trong căn nhà cũ kỹ này, còn có cả ánh nắng ở bên ngoài nữa, không biết vì sao tôi lại sinh ra hứng thú muốn đọc sách thật tỉ mỉ.
Trong lúc đọc sách, tôi còn thường tự pha cho mình một chén trà.
Kỳ thật trong thôn không hề có lá trà, có điều ở đây có một loại lá cây đặc biệt, sau khi phơi nắng xong, cho vào đun với nước sôi thì sẽ ra được mùi trà thơm ngát.
Mới đầu tôi còn chưa có thói quen dùng loại lá cây này để pha trà, lâu dần tôi lại cảm thấy dần dần yêu thích hương vị này.
Đương nhiên, phạm vi hoạt động của tôi không phải chỉ có mỗi ở quanh căn nhà của bà ngoại.
Sau khi ăn xong bữa sáng, tôi sẽ đi xung quanh thôn, rèn luyện cơ thể, hít thở không khí trong lành, nhân tiện thưởng thức cảnh đẹp quanh đây.
Hôm nào có hứng, tôi sẽ đi tới cái hồ nhỏ trong thôn để câu cá.
Hồ nhỏ này cũng vắng vẻ, không phải là chỗ lấy nước chính của thôn, cho nên chỉ có rất ít người tới đây ngồi.
Tôi thường ra đây câu cá vào sáng sớm hoặc lúc chiều tối, thời điểm này cũng chỉ có một-hai người tới đây ngồi, có hôm còn chẳng có lấy một bóng người.
Vắng vẻ như vậy cũng không có gì không tốt cả.
Tôi luôn nhớ rõ mình là người sắp chết, cho nên cũng cố gắng tránh việc thân cận quá với mọi người trong thôn, căn bản cũng chỉ là trao đổi tên tuổi với mọi người mà thôi.
Tôi hi vọng vào ngày tôi chết, thân thể của tôi sẽ như sương khói mà tan trong gió, không lưu lại dấu vết, không khiến cho ai phải vì mình mà thương cảm.
Cho nên ở trong thôn này, tôi chính là ‘độc lai độc vãng’ ().
() 独来独往: Ý là chỉ có một mình.
Cũng có hơi cô tịch. Ban đầu, lúc tôi chỉ có một mình ngồi trong phòng, nhìn qua song cửa sổ, thấy vài người trong thôn xưng bạn xưng bè, nói cười vui vẻ, trong lòng sẽ cảm thấy có chút buồn bã, nhưng về sau, tôi cũng quen dần với cuộc sống cô tịch này.
Bởi vì xung quanh tôi còn có gió mát trăng thanh, có mùi hoa thơm, có tiếng chim hót, có sách để đọc, sống một mình cũng không đến nỗi lắm.
Hôm nay sau khi đã nằm trên ghế tựa được một lúc, tôi đứng dậy thu dọn lại nhà rồi đem chăn đi phơi nắng, sau đó lại đi tưới hoa.
Làm xong mọi việc, tôi lại tự pha cho mình nước trà, rồi bắt đầu ngồi đọc sách bên cửa sổ.
Bất tri bất giác đã tới trưa.
Tôi bỏ sách xuống, làm cơm ăn, nghỉ ngơi một chút. Đến hai-ba giờ chiều, tôi cầm đồ đi câu cá.
Tới hồ nhỏ thì thấy đã có một người đang thả câu ở đây rồi.
Tôi hơi ngạc nhiên. Người trong thôn này không ai có hứng thú với chuyện câu cá cả.
Tôi không nhịn được lại liếc người kia thêm vài lần.
Người kia để tóc ngắn, tư thế ngồi bên hồ nghiêm chỉnh, thắt lưng thằng tắp. Dù cho là đang câu cá, trên người của người đó cũng chẳng tỏa ra một nửa cảm giác thanh thản gì, trái lại chỉ có khí chất bất phàm, khiến người ta lạnh đến thấy xương.
Tôi mờ mịt nhìn bộ đồ câu cá hiện đại của người đó, bộ dáng của người đó cũng rất lạ, không giống với người ở trong thôn.
Tôi không nhịn được, bắt đầu cảnh giác.
Đúng lúc tôi đang cẩn thẩn đánh giá người đó thì người đó đột nhiên quay đầu lại đây, ánh mắt sắc bén nhìn về phía tôi.
Tôi bị giật mình, lại thêm phần cảnh giác.
Người này rõ ràng đang ngồi quay lưng với tôi, thế mà chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã nhận ra được ánh nhìn của tôi, thậm chí còn xác định được chính xác chỗ tôi đang ngồi nữa.
Ánh mắt của người đó cũng không bình thường một chút nào, thậm chí còn mang theo sát khí nữa.
Tôi cầm chặt cần câu, căng thẳng nhìn lại người đó.
Đột nhiên người đó nở nụ cười. Nụ cười rất sáng lạn, có chút dã tính, nhưng cũng rất ấm áp, gần như khiến tôi quên đi ánh mắt sát khí mà tôi vừa nhìn thấy.
“Cậu cũng đến đây câu cá hả?” Người đó xoa xoa đầu, hơi ngượng ngùng nói, “Vừa nãy có trừng mắt với cậu một cái, xin lỗi nhé, đó là thói quen nghề nghiệp của tôi.”
Tôi không đáp lời.
Anh lại ngoắc tay gọi tôi, sau đó vỗ vỗ tay xuống chỗ trống bên cạnh mình, “Lại đây ngồi đi. Ngạc nhiên quá, ngoài tôi ra thì đây là lần đầu tiên tôi thấy có người tới đây câu cá đấy.”
Tôi khẽ nhếch khóe miệng, làm ra vẻ mặt đang cười. Sau đó chần chừ ngồi xuống bên cạnh anh.
Sau một hồi nói chuyện với nhau, tôi biết được tên của anh là Trịnh Khải Anh, là sĩ quan quân đội. Gần đây vì tình hình rối ren nên tạm thời từ chức, tới đây nghỉ ngơi đầu óc.
Trịnh…
Cái họ này không khỏi làm tôi nhớ đến thế gia tiếng tăm lừng lẫy về mặt quân sự và chính trị ở Kyoto, Trịnh gia.
Quan hệ của Trịnh gia cùng hai nhà Tống-Ngu gia trước giờ đều rất hời hợt, nếu quả thật anh là người của Trịnh gia, thế thì tôi cũng không cần phải lo lắng làm gì cả.
Chỉ là tôi không biết lời anh nói là giả hay thật nữa.
Tôi còn đang suy nghĩ thì lại nghe thấy anh nói một câu, khiến tôi phải hốt hoảng.
“Hình như tôi từng gặp cậu rồi thì phải. Tôi còn nhớ lúc đó…cậu có phải là người ở chung vơi Đại thiếu gia Tống gia đúng không?”
Tôi ngẩng mạnh đầu lên nhìn anh.
“Dạo này Đại thiếu gia Tống gia đang tìm người nào đó, chắc là tìm cậu phải không?” Trịnh Khải Anh vô tư nhìn tôi, “Có điều cậu cứ yên tâm. Tôi sẽ không can dự vào chuyện này đâu.”
“Trước giờ tôi không thích cái kiểu kết giao giấu giấu diếm diếm. Tôi thấy vừa rồi cậu có tâm sự gì đó, nếu được cậu có thể tâm sự với tôi. Cũng hi vọng về sau cậu và tôi có thể thẳng thắn vô tư với nhau.”
Tôi nhìn Trịnh Khải Anh, ánh mắt của anh vừa trong veo vừa chân thành.
Tôi sống suốt hai mươi năm, thật đúng là lần đầu tiên gặp được người như vậy.
Tôi không kìm được cười một cái.
Nụ cười này không phải là cười giả hay cười cho có lệ, mà là xuất phát từ thật tâm của tôi.
Trịnh Khải Anh thấy thế cũng cười theo.
Tới lúc trời gần trở tối, chúng tôi quay về thôn.
Dọc đường về, chúng tôi nói chuyện rất nhiều, về mấy thông tin linh tinh, về quan chính, về tài chính – kinh tế, còn có cả lịch sử nữa.
Tôi vốn tưởng mình sẽ không bao giờ gặp được người nào ăn ý với mình ngay từ lần gặp mặt đầu tiên như vậy, nhưng sau khi nói chuyện với anh, tôi mới phát hiện chúng tôi có thể nói với nhau rất nhiều chủ đề.
Tận đến khi đứng trước cửa nhà tôi, chúng tôi vẫn còn chưa nói hết chuyện.
Trước khi rời đi, anh vẫy tay với tôi, bảo, “Mai lại cùng đi câu cá nhé. Tôi sẽ tới tìm cậu.”