~*~
Sau nụ hôn không mong đợi, Phát và tôi vẫn bình thường với nhau. Không ai nói gì thêm về sự việc xảy ra vào tối hôm đó. Tôi thì cho là cậu ấy hết say nên quên rồi.
Chuyến đi của chúng tôi dừng lại sớm hơn dự tính, tôi và Phát xé lẻ đi về không ghé qua nhà Thành. Tôi không biết có chuyện gì. Nhưng cậu ấy đòi về tôi cũng đi theo, vả lại, giờ đối mặt với Thành là một chuyện thật sự rất khó khăn.
“Hai đứa về thật sao? Chị còn chơi với Mây chưa chán nữa mà.” Chị Mỹ dắt tay tôi, muốn níu tôi lại, nhưng Phát đã nghênh ngang trước mặt tôi với chị và chắn tôi lại phía sau như gà mẹ bảo vệ gà con.
“Chị có thể đến nhà tôi chơi. Thi xong đại học chị có thể cùng chúng tôi đi du lịch nữa.” Phát hờ hững nói.
“Thôi được rồi.” Chị Mỹ quay sang nháy mắt với tôi: “Về nhắn tin cho chị nhá.”
Chúng tôi chào khắp một lượt rồi về nhưng không thấy Thành đâu, có lẽ anh muốn tránh mặt chúng tôi. Trên đường đi tôi vẫn muốn hỏi cậu ấy có chuyện gì với Thành, nhưng lời nói đến môi tôi lại cố gắng nuốt xuống. Tôi sợ cậu ấy trả lời là vì tôi. Lúc đó tôi sẽ lại càng khó xử. Vì so với không làm gì, cách giải quyết của cậu ấy lúc này càng làm mọi việc trở nên tệ hơn.
***
“Con… đừng nên cố sức quá. Cứ học bình thường thôi là được rồi. Con tạo áp lực nhiều quá sẽ ngã bệnh đó.”
Tôi nuốt xuống muỗng canh rồi mới trả lời mẹ: “Oh, no. Never!”
“Con bé này! Bày đặt tiếng Tây với mẹ nữa.” Mẹ vuốt tóc tôi: “Dạo này con gầy đi rồi.”
“Mẹ à, lớp con nó đang sứt đầu mẻ trán vì kì thi. Đứa nào mà mập lên nổi là con heo đó. Con cũng phải thi cho đậu tốt nghiệp, nếu không ai xem con ra gì chứ.”
Tôi không nói thêm, người xem thường tôi nhất có lẽ là hai tên con trai xung quanh mình. Nhóc Huy và Phát.
Hôm nay nhóc Huy đi học thêm rồi, chứ không lại lè lưỡi trêu tôi cho xem.
“Bạn ba vừa hỏi xem ba có muốn làm ăn gì không, ông ấy vừa xây một mặt bằng gần trường học. Con có thể suy nghĩ.”
Ba tôi luôn luôn là số một. Trước khi tôi đương đầu với thất bại, ông đã chuẩn bị sẵn hết đường lui cho tôi rồi. Không biết một đứa con gái như tôi nên buồn hay nên vui nữa.
“Chiều mát con đi sang nhà nội cho ông một ít trà xanh. Ba mới mua về, ông rất thích loại này.”
Tôi nhìn ba như muốn hỏi con-phải-đi-bằng-cái-gì. Ba tôi nhướng mày trả lời đi-bằng-cái-mà-ai-cũng-biết-rồi-đó.
Cuộc hội thoại của hai ba con tôi bị cắt ngang bởi tiếng cười sặc sụa của mẹ. “Hai ba con có gì thì cứ nói thẳng ra, đá qua đá lại rụng hết lông mi bây giờ.”
Thật sự thì nhà ông không xa nhà tôi mấy. Chỉ cách hai con phố, đường không lớn lắm vả lại không cần phải qua lộ. Ba muốn tôi tự mình đi xe máy.
Tôi tập chạy xe máy từ lúc Phát biết chạy cơ, năm cậu ấy lớp tám, lớp chín gì đó. Nhưng tôi chỉ biết chạy chập chững. Vả lại, giờ tôi chạy so với nhóc Huy còn kém hơn nữa, nhưng nói chung là do tâm lý tôi sợ không dám chạy. Ba tôi bảo tôi có thể chạy ra đường lâu rồi, chỉ là tôi không dám.
Và để chứng minh cho lời của ba đúng ăn cơm xong tôi chỉ còn ngậm ngùi lấy xe ba chạy sang nhà ông nội.
***
Tôi đang lơ mơ chạy giữa đường, đường thì rộng thênh thang mà giờ mới gần bốn giờ nên cũng vắng người qua lại. Tôi sang nhà ông được một tí ông đã bảo tôi về sớm, sợ về trễ ba mẹ tôi lo. Thật sự tôi nghĩ ông đã quá lo xa rồi, nhà tôi tới nhà ông đi xe chưa đến mười phút. Mà tôi cũng không cãi lời ông, ngoan ngoãn đi về. Dù gì tôi cũng phải về sớm xem bài lại ngày mai lại phải tiếp tục con đường gian nan khổ ải.
Tôi tăng tốc thêm một chút nữa để đón chờ cơn gió. Mùa này gió lộng, đầy bụi, nhưng tôi vẫn cứ thích gió, ai bảo tôi là Mây chứ.
Tôi đang vi vu thì chợt hết hồn, chú chó nhỏ từ trong con hẻm nhỏ chạy băng sượt qua đầu xe. Tôi hoảng quá cho xe thắng lại, thắng gấp bánh xe cà xuống đường và tôi một cú đo đường trên nền xi măng trơn nhẵn, còn đầu xe thì chui tuốt vào bụi cây ven đường. Đúng là vận xui vẫn còn đeo bám tôi mà.
Con wave cũ của ba mẹ tôi không nặng lắm, nhẹ hơn chiếc xe mới mà ba mẹ mua, nhưng với tôi thì vẫn tính là nặng. Tôi hì hụt đỡ lên, được một lúc nó lại đảo đảo rồi ngã nữa. Tôi đúng là đồ bất tài vô dụng.
Đang lúc không biết làm thế nào vì hôm nay tôi để quên điện thoại ở nhà, tôi như người chết đuối vớ được cọc. Tôi gặp Thành.
Không biết nên nói chúng tôi là oan gia ngõ hẹp hay có duyên mới đúng, trong tình trạng bi thảm như thế này mà vẫn gặp anh. Tôi nhìn lại bộ đồ bộ mình mặc ở nhà in hình hello kitty thật quá mức con nít. Lại còn cái đầu rối như tổ ong vì lúc nãy chơi đùa với thằng nhóc con chú Bắc nữa.
Thành ngừng xe bên cạnh tôi. Hôm nay anh mặc bộ đồ đá banh màu xanh biển nhạt. Anh vẫn đi xe đạp như thường ngày. Tôi biết anh có bằng lái, có xe thế mà anh vẫn cố chấp đạp xe cho mệt. Tôi vẫn đinh ninh là mình biết tất tần tật chuyện của anh, nhưng đứng trước anh của bây giờ, tôi cứ thấy lạ lẫm. Giống như bạn say mê một thần tượng nào đó quá sâu và quá lâu rồi, trong lòng bạn hình thành một con người mà bạn cứ cho rằng đó là thần tượng của bạn. Và đến khi gặp được thần tượng thực sự ngoài đời, người đó khác với mọi thứ mà bạn đã từng tưởng tượng ra. Bạn sẽ có cảm giác lạ lẫm và sự yêu thích cuồng nhiệt đó dần dần giảm đi.
Có lẽ tôi đang lâm vào tình trạng tương tự.
“Em lại gây chuyện nữa rồi à?” Anh nửa trách mắng nửa đỡ xe tôi lên.
Tự nhiên nghe anh nói tôi lại tủi thân muốn khóc. Nếu là Phát tôi đã khóc toáng lên và tôi biết thế nào cậu ấy cũng dỗ dành tôi bằng một chầu kem. Đột nhiên nhớ cậu ấy vô cùng. Lúc tôi mắc lỗi, hay làm gì hư cậu ấy luôn bên cạnh tôi, thế mà từ hôm đi biển về không biết cậu ấy lặn đâu mất tăm.
“Bao giờ em mới thôi làm người khác lo lắng hả?” Thành cười cười.
Tôi cũng mỉm cười gượng gạo với anh. Giờ việc tôi muốn làm nhất là chạy một mạch về nhà Phát, lôi cậu ấy ra từ trong đống đề cương và cho cậu ấy một chập.
“Cám ơn anh. Nếu không có anh em cũng không biết phải làm sao.” Tôi chìa hai bàn tay trống trơn của mình ra. “Em để quên điện thoại ở nhà.”
“Thảo nào cậu ấy không đến.”
Tôi nghe anh lẩm bẩm. Nhưng cũng không để ý lắm. Xe không sao. Thật may! Nếu không nhóc Huy nó lại la làng vì cái tính hậu đậu của tôi.
Tôi và anh vào quán nước bên đường, chính tôi cũng sững sờ trước lời nói bất chợt của chính mình, tôi nói với anh đi uống nước một lát rồi về, coi như cám ơn anh luôn. Tôi cay đắng sợ phải đối mặt với anh vậy mà giờ lại chủ động nhích lại gần anh. Nhưng trên đời này không có thuốc rút lại lời nói.
Tôi lững thững đi theo sau anh như một cái bóng. Cái bóng nhỏ của anh. Tôi chợt mỉm cười khi nghĩ đến năm từ đó. Miệng tôi lẩm bẩm, cái bóng nhỏ của anh, cái bóng nhỏ của anh…
Anh đứng lại, vừa xoay người lại phía tôi đầu tôi đã toan đụng vào ngực anh. Tôi rối rít xin lỗi anh rồi tìm chỗ ngồi xuống. Tôi muốn đập đầu chết đi cho rồi.
“Anh đi đâu ngang đây vậy?” Tôi cố bắt chuyện với anh bình thường như hai người bạn. Tôi chỉ hỏi vậy thôi chứ thừa biết anh đi đâu rồi.
“Anh đi đá banh, có cả Huy – em trai em nữa.” Ra là nhóc Huy học xong rồi chạy theo Phát luôn, thì ra cậu ấy vẫn hoạt động bình thường mà lại không gặp tôi. Dạo này nhóc Huy có vẻ thân với Phát hơn cả tôi, đi đâu cũng đi chung còn tôi cứ bị cho ra rìa.
“Em xin lỗi.” Khó khăn lắm mới nói ra được câu mà tôi đã muốn nói với anh bấy lâu. Tôi thực sự có lỗi với anh. Tôi không nên nhích đến gần anh, rồi cố tình lánh xa anh. Tôi không biết mình sợ điều gì, nhưng tôi không hoàn toàn thú nhận được tình cảm của chính mình. Và điều tôi không muốn thừa nhận nhất là tôi vẫn còn là một đứa con nít, không hơn không kém.
“Em không có lỗi gì trong chuyện này cả.” Anh nói vậy nhưng sao tôi lại cảm thấy tội lỗi của mình càng nặng hơn.
Tôi đã làm tổn thương anh. Một người đáng yêu và dễ gần như vậy đó. Nhưng tôi không thể gần anh theo cái cách mà anh muốn.
“Em cũng thay mặt Phát xin lỗi anh. Cậu ấy cư xử với anh chẳng ra gì cả. Cậu ấy chỉ muốn bảo vệ em, nhưng đó không phải là cách mà cậu ấy muốn. Cậu ấy chỉ không biết cư xử sao cho tốt thôi.”
Tôi nói một tràng dài, anh vẫn chăm chú lắng nghe.
“Chuyện không phức tạp như em nghĩ đâu. Em không cần bận tâm làm gì.”
Nói rồi anh uống một hớp nước. Tôi nhìn đăm chiêu về phía không có anh. Những chậu hoa triệu chuông được người bán treo thành một dãy dài, đầy màu sắc rực rỡ. Tôi chú ý đến những cành hoa màu tím hơn, tôi luôn thích màu tím mà.
“Những bông hoa thật đẹp.” Tôi hững hờ nói. Tôi đang cố tìm chuyện nói để lãng tránh cái nhìn của anh tự nãy giờ.
Anh gật đầu nhưng vẫn không lên tiếng. Tôi biết anh vẫn đang chăm chú lắng nghe.
“Đúng như cái tên, triệu chuông, nếu lại gần anh có thể cảm nhận chúng đang reo vang lảnh lót nữa cơ. Em không theo đạo, nhưng em thích tiếng chuông nhà thờ. Em không thích trồng hoa, nhưng em thích ngắm nhìn chúng vươn mình đón nắng.”
Anh cười với tôi, rồi nhẹ nhàng nói: “Em cứ như ngày xưa vậy, cô bé.”
“Ngày nào cơ?”
“Ngày em còn bé.”
Tôi không biết mình đang đối thoại với anh kiểu gì nữa? Có lẽ anh chỉ trêu chọc tôi thôi. Hay tôi đã thực sự gặp anh ở đâu mà quên mất.
“Anh thích đùa từ bao giờ vậy?” Tôi lè lưỡi trêu anh. Trong suy nghĩ của tôi anh không phải một người khó gần, nhưng cũng không phải là loại người thích đùa. Anh trái hẳn hoàn toàn với Phát, cậu ấy thích trêu đùa tôi, nhưng đôi khi tôi lại thấy cậu ấy thật khó gần.
Có lẽ với bản tính bình thường của tôi tôi sẽ hỏi đến cội nguồn của sự việc. Nhưng lần này tôi chọn cách im lặng. Tôi không biết anh nói thật hay không, nhưng tôi không có ý định nhớ lại. Vì trong một quãng thời gian dài, tôi đã không nhớ mình đã từng gặp anh. Vậy thì chắc gì khi anh nói ra tôi đã nhớ.
Tôi sợ mình bẽ mặt trước anh.
Và hơn hết là sợ chính sự vô tâm của bản thân mình.