Vừa hay lúc đó, người đứng bên cạnh giúp cô thanh toán, anh ta còn tặng Nhi hộp sữa bảo: “Đừng ăn nhiều thức ăn nhanh vào ban đêm không tốt cho sức khỏe.”
“Cảm ơn anh, cho tôi xin số điện thoại, lần sau sẽ trả lại anh.”
“Không cần!” Người con trai kia lạnh lùng bỏ đi mất, Nhi không biết thế nào đành xách đồ quay về, lần sau có duyên gặp lại sẽ trả lại anh ta sau vậy.
Nhưng hình như trông người này khá quen, gặp ở đâu rồi thì phải, mùi hương này hình như gặp ở quán cafe lúc cô đi ngang qua, vì khá quen thuộc nên Nhi ấn tượng nhưng chẳng thể nhớ là của ai.
Nhi về nhà ngủ, nửa đêm lại mơ thấy ác mộng. Những nỗi ám ảnh ngày hôm đó và suốt ba năm cấp ba cứ bám lấy cô. Đêm nào chợp mắt cũng nhìn thấy cả chiếc xe ô tô mẹ cô bị lật, trời mưa tầm tã, ướt át, còn có cả mùi máu tanh. Nhi đứng như người tàng hình giữa đám đông trong giấc mơ, mọi người chạy đôn chạy đáo, có vài lần người ta đi xuyên qua người mình còn cô thì không tài nào phát ra tiếng, muốn nói nhưng âm thanh như nghẹn dưới cổ họng. Thấy mẹ và mình lúc nhỏ mắc kẹt trong chiếc xe, cô cố gắng thế nào cũng không thể gọi được, cổ họng không phát ra âm thanh, Nhi giãy giụa rồi giật mình tỉnh dậy.
Hơi thở trở nên nặng nề, gương mặt lấm tấm mồ hôi, Nhi uống một cốc nước rồi trở về giường vẫn không tài nào ngủ được. Cô hết cách phải sử dụng thuốc an thần, đêm nào cũng vậy vì mai phải đi làm, công việc bắt buộc phải tỉnh táo và cô đã dùng thuốc như vậy từ ngày ra viện sau lần tai nạn đó.
Chiều tối hôm sau, Nhi tranh thủ chạy về nhà lấy ví tiền vì dùng thẻ cũng khá bất tiện, còn có cả một số giấy tờ quan trọng của cô trong đó.
Cô lên phòng bố, thấy ông ngồi trên giường, tựa người vào thành giường. Mặc dù đã khá hơn hồi tối nhưng trông ông vẫn tiều tụy, xanh sao.
“Bố khỏe hơn chưa? Con ghé lấy đồ.” Cô nhẹ nhàng bước vào phòng hỏi ông.
“Đồ để ở kia.” Ông thờ ơ chỉ tay về phía tủ đầu giường. “Bị vậy từ bao giờ?”
Nhi ngơ ra một chút, chưa hiểu ông hỏi gì lại nghe ông nói tiếp: “Tao đã thấy sổ khám bệnh trong ví của mày.”
Thì ra ông đã biết, ông đã biết cô bị trầm cảm phải thường xuyên đến bệnh viện tư nhân kiểm tra định kì. Nhi bỗng khựng lại nhất thời không biết trả lời bố thế nào, chẳng lẽ lại nói từ lúc bị ông ta bạo hành.
“Tại áp lực công việc nên con mới bị như vậy, một thời gian nữa sẽ khỏi thôi, bố đừng lo lắng.”
Ông cười khẩy, một nụ cười không khiến Nhi cảm thấy đau lòng mà có chút cảm giác đáng sợ. “Tao không lo cho mày. Chỉ có điều, tao không muốn nghe người ta nói con gái tao lại bị tâm thần, mày lo mà chữa bệnh đi. Thiếu tiền thì nói một tiếng, cũng chỉ là mấy đồng, tao cũng không phải người keo kiệt.”
Lòng Nhi đau như cắt, từng lời của bố như xát muối vào tim thật đau rát khó chịu. Dù từ bé ông đã đối xử với cô không tốt nhưng ông ấy là người thân cô, có bị đối xử tồi tệ ngàn lần nữa cô vẫn cảm thấy đau.
“Vâng!”
Tiếng gõ cửa vang lên khiến bầu không khí sắp chìm vào yên lặng bỗng được vớt lên.