Mặc dù như vậy, nhưng khi mẹ cô - Hà Linh Tố nhìn thấy cô, chỉ trong nháy mắt, niềm vui bất ngờ trong mắt bà lập tức được thay bằng vẽ buồn bã và đã hiểu hết sự tình: “Con về nhà rồi à? Nói như vậy là chuyện gì con cũng biết rồi?”.
Vốn định làm như chưa biết chuyện gì, nhưng câu hỏi đó của mẹ khiến Vệ Tử một lần nữa sụp xuống: “Mẹ, sao mẹ không nói sớm với con?”. Vệ Tử biết mình không giỏi che giấu, trước mặt người mẹ đã sinh ra và nuôi nấng cô thì lại càng trở nên đơn giản, chẳng thể che đậy được gì. Kết quả của mấy tiếng đồng hồ cố gắng trấn tĩnh, chuẩn bị tâm ý chỉ trong nháy mắt đã bị nhìn thấu là điều mà cô không ngờ tới. Cô không dự liệu được còn có cả tâm trạng của mẹ nữa, cô vốn cho rằng một người cứng rắn và kiêu hãnh, lúc này mẹ cô hoặc là sẽ phẫn nộ ghen tức, hoặc là đau khổ đến chết, chứ nhất định không thể nào bình tĩnh như vậy.
Sau khi xin phép viện trưởng, dắt đứa con gái đang khóc sướt mướt về phòng mình, Hà Linh Tó rót một cốc nước cho con gái: “Mẹ cũng không định giấu con, nhưng sự việc diễn ra quá nhanh, con cũng biết đấy, mấy năm nay mẹ đều ở đây không về nhà. Vì thế cũng không biết nhiều về chuyện của bố con, đến khi bố con tới gặp mẹ, thì người đàn bà đó đã sắp sinh rồi…”.
Vệ Tử nghe nói đến đây, lập tức òa lên một tiếng rồi ôm chầm lấy mẹ, Hà Linh Tố ngửa đầu lên, tay vỗ vào vai Vệ Tử tiếp tục nói: “Sau đó mẹ không biết nên nói như thế nào nữa. Thực ra mẹ biết, người bị tổn thương nhất trong chuyện này là con, vì sau mấy năm ly thân tình cảm giữa bố và mẹ đã phai nhạt, ly hôn hay không cũng chỉ là chuyện thủ tục mà thôi, cũng chẳng liên quan gì nhiều tới người đàn bà ấy, nhưng hai người già mãi không chết kia vẫn muốn được bế cháu nội đích tôn mới là điều mẹ không ngờ tới!”.
Vệ Tử lau nước mắt, gỡ tay mẹ ra, nhìn mẹ và nói: “Chuyện này, có… liên quan tới hai ông bà già ấy?”.
Hà Linh Tố cười lạnh một tiếng, mắt ánh lên vẻ đau khổ và căm hận: “Con tưởng Lý Hồng là ai? Là bà con họ hàng xa với bà già đó, hồi trước họ ép bố mẹ ly hôn, họ đã chuẩn bị sẵn cho việc đi ở sau này của con và tìm sẵn đối tượng tái hôn cho bố con rồi, người được chọn lúc trước là Lý Thanh, chị của Lý Hồng. Nhưng sau đó chuyện không thành, Lý Thanh đã lấy chồng, sinh được hai đứa con trai, hai ông bà già ấy trông mà thèm, hối hận rồi lại để mắt đến Lý Hồng”.
Thì ra còn có cả chuyện đó nữa, Vệ Tử mở to mắt ngạc nhiên: “Thế còn bố thì sao? Mặc cho ông bà ấy sắp đặt à?”.
Hà Linh Tố nhìn con gái: “Vệ Tử, tuy bố và mẹ đã ly hôn, cũng có mâu thuẫn, thậm chí sau này đến lúc chết cũng không nhìn mặt nhau, nhưng bố con dù thế nào vẫn là bố, con với bố cùng chung máu mủ, mẹ không muốn con hận bố”.
“Vậy thì mẹ hãy nói cho con biết, rút cục là chuyện gì đi!” Vệ Tử rất muốn biết được sự thật.
“Hai ông bà già ấy bảo bố con giúp Lý Hồng chuyển công tác, đầu tiên là chuyển từ quê lên thành phố, sau đó lại nói Lý Hồng không có chỗ ở, thế là hai ông bà già đó cùng với Lý Hồng chuyển luôn tới ở trong nhà.” Chuyện sau đó thì dễ dàng rồi, và cũng khiến người ta thấy rất khó khăn, vì vậy mà Hà Linh Tố không muốn kể tiếp nữa.
Vệ Tử cũng hiểu như vậy, nhưng cô vẫn còn thấy nghi vấn: “Mẹ, lúc trước bố mẹ ly thân là vì lý do gì?”.
Hà Linh Tố hơi nheo mắt lại, nỗi đau khổ dần dần hiện ra trên khuôn mặt xương xương: “A Tử, mẹ không biết, mẹ không biết rằng sự lựa chọn của mẹ lúc ấy sẽ đưa đến hậu quả như bây giờ và lại làm tổn thương con thế này. Nhưng lúc đó, mẹ thực sự không có cách nào đối diện được với bố con. Càng nhiều tuổi, bố con càng giống với ông già ấy, mỗi khi mẹ nhìn thấy bố con thì trước mặt lại hiện lên cảnh tượng ông già ấy đánh mẹ thừa sống thiếu chết, mẹ không thể nào chịu đựng được!”.
Vệ Tử há hốc miệng nhìn người mẹ đang bịt chặt miệng, nước mắt ròng ròng. Kể từ khi biết nhớ, Vệ Tử luôn thấy mẹ mình là một người phụ nữ kiên cường, luôn cắn răng chịu đựng, vươn lên, đây là lần đầu tiên cô thấy mẹ yếu đuối như vậy.
Có thể thấy, nỗi đau mà hai mươi năm qua mẹ cô vẫn còn nhớ như in nghiêm trọng tới thế nào. Đã lớn thế này rồi mà Vệ Tử chưa từng hận một ai, ngay cả chuyện Trác Bằng Phi đã làm với cô cũng chỉ khiến cô cảm thấy khó xử và tự ti hơn, lần đầu tiên trong đời cô thấy hận lại chính là người ruột thịt của mình, là ông bà nội của cô.
Thì ra, sau lần đầu tiên ông nội đánh mẹ, mẹ đã gọi điện cho bố nói rằng muốn ly hôn, ngay ngày hôm sau bố cô xin phép về nhà giải quyết, thế mà bà nội cô lại ôm chân khóc lóc, nói rằng chính mẹ cô đã đánh họ.
Một bên là người vợ bị đánh tới mức sưng tím cả mặt mày và một bên là bố mẹ đã sinh ra mình, bố cô không biết phải làm thế nào, định bảo vợ thôi việc rồi đưa cả vợ con lên thành phố. Nhưng lúc ấy bố cô đang ở chung với người khác, trước hết phải trình bày đề nghị xin nhà ở với cấp trên rồi mới đưa vợ con lên được, vì thế bố cô an ủi vợ cố chịu đựng thêm ít ngày nữa.
Sau khi ông bà nội Vệ Tử biết chuyện sắp xếp của con trai, họ lại càng khó chấp nhận. Nếu con dâu đi khỏi, không chỉ việc nhà không có ai làm, mà khoản thu nhập từ tiền lương của con dâu cũng không còn nữa, như vậy chẳng khác gì ăn trộm gà không được mà còn mất nắm gạo.
Mặt khác, con dâu được con trai đưa ra tỉnh, chắc chắn là được hưởng phúc, quan hệ đã rạn nứt, nếu kéo dài biết đâu con dâu sẽ xúi giục. Nói không chừng con trai mình sẽ không về nhà nữa, ấy là chưa kể có khi còn mất luôn khoản trợ cấp hằng tháng của con trai dành cho gia đình và cả việc giúp đỡ các em.
Con trai mình vất vả sinh ra và nuôi nấng, làm sao dễ dàng để cho đứa con gái đáng ghét đó được? Thế là, bà nội Vệ Tử và những người trong nhà đã bàn nhau tìm ra một cách rất thâm độc.
Đó là vào ngày thứ ba kể từ sau khi bố cô trở lại cơ quan, Hà Linh Tố đã bị bắt quả tang là “dan díu” với một người đàn ông lạ mặt ngay tại nhà mình, người đàn ông kia sau khi bị phát hiện đã chạy trốn mất. Là người lớn và là bố chồng trong nhà, ông nội Vệ Tử quyết định sẽ dạy cho con “dâm phụ” vô liêm sỉ một bài học.
Lần này, họ thực sự là muốn đánh chết mẹ cô, “Đánh chết nó đi, gian dâm đáng cho vào rọ trôi sông!”. Ông nội cô gầm lên.
Hàng xóm thấy vậy không được, bèn tới khuyên can: “Cứ cho rằng con dâu của ông không đúng, cũng không thể đánh chết được, bây giờ là xã hội mới, đánh chết người là phải đền mạng đấy!”.
“Vậy thì tôi sẽ đền mạng! Tôi không có đứa con dâu làm mất mặt như thế!” Ông nội cô mắt đỏ vằn lên, gân cổ đáp.
Chẳng qua là làm trò trước đám đông tới cả nửa làng, cho dù không đánh chết người thì ông nội cô vẫn bị mọi người kéo ra khuyên giải. Chỉ có mẹ cô lần này không nhận được sự đồng cảm mà là sự coi khinh, phỉ nhổ, vì chẳng ai có thể coi trọng một người đàn bà mới sinh con một tháng mà đã “thông dâm”.
Đến nước này, Hà Linh Tố chẳng còn thiết sống nữa, nỗi đau về thể xác chỉ là thứ yếu, chuyện người đàn ông lạ mặt nấp trong phòng, sau khi chạy trốn biệt tích không có người làm chứng mới là nỗi nhục mà dù bà có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch.
Hà Linh Tố biết đó là âm mưu của bà nội Vệ Tử, chắc chắn ngay cả ông của Vệ Tử cũng bị lừa, một người thì tàn bạo, một người thì thâm hiểm, hai ông bà già đó đúng là một cặp trời sinh, bà chúc cho họ đầu bạc răng long, nhưng còn bà, bà chẳng thể nào chịu đựng thêm được nữa.
Chỉ đáng thương cho đứa con bé bỏng, không, lúc này bà không thể nghĩ đến Vệ Tử được, nếu không thì bà sẽ mất đi dũng khí. Ngay trong đêm hôm ấy, quyết dằn lòng bất chấp tiếng khóc phía sau lưng của đứa con thơ, Hà Linh Tố đi tới chiếc giếng đầu làng mà đầu không ngoảnh lại.
Chỉ có điều, Diêm Vương vẫn chưa sẵn lòng đón bà, số phận của bà vẫn chưa hết, đúng vào lúc bà định nhảy xuống giếng thì bị người khác kéo lại, đó là một cặp vợ chồng ở làng khác trên đường về thăm người nhà, vì chuyến xe đường dài muộn nên nửa đêm mới về đến thị trấn, trong lúc vội vàng thì bắt gặp Hà Linh Tố đang tìm đến cái chết.
Tìm đến cái chết chỉ là ý nghĩ nông nổi nhất thời, nhìn lại đứa con gái trắng trẻo, đáng yêu, Hà Linh Tố mất hết dũng khí tìm đến cái chết, bà chết là hết chuyện, nhưng đữa con gái sẽ bị mang cho người khác, chuyện lấy vợ nữa của chồng cũng đã được bà già kia sắp đặt, như thế chẳng phải mọi chuyện đều như ý họ sao? Không, bà không thể yếu đuối như thế được!
Không muốn nhìn mặt của bố mẹ chồng, cũng không muốn thấy cảnh người đời chỉ trỏ, vậy là hai mẹ con bà đã ở lỳ trong nhà với chỉ một túi sữa, bà đã chờ, chờ ngày chồng trở về.
Ba ngày sau, Vệ Quốc từ tỉnh về, vừa vào đến cổng đã nghe thấy tiếng mẹ đẻ khóc ầm ĩ, sau đó là tin vợ mình quan hệ với người đàn ông khác.
“Không thể có chuyện đó được! Mẹ, mẹ nói không đúng!” Là một đứa con luôn hiếu thuận, tới mức dường như chuyện gì cũng nghe theo lời bố mẹ, lần đầu tiên Vệ Quốc đỏ bừng mặt, to tiếng với bố mẹ.
“Thằng nhãi kia, đến cả lời của tao mà mày cũng không nghe à!” Ông già cởi giày ném về phía Vệ Quốc.
Vệ Quốc né người tránh, cũng gầm lên: “Linh Tố đâu? Con muốn gặp cô ấy!”
Sau khi vào nhà, Vệ Quốc nhìn thấy người vợ thương tích đầy mình, mặt gầy guộc xanh xao, và cả đứa con nhỏ bé đang gào khóc, gò má nhô lên vì đói.
Suýt nữa thì Vệ Quốc cũng rơi nước mắt, nhìn chăm chăm vào vợ, nói: “Em đã phải chịu khổ quá rồi! Lẽ ra anh không nên để em ở lại đây, cho dù là ở nhà khách, anh cũng nên mang em theo ra tỉnh!”.
Hà Linh Tố nhìn chồng bằng ánh mắt bình thản, nói bằng giọng lạnh lùng: “Họ nói rằng em lén lút quan hệ với người khác”.
Vệ Quốc quắc mắt lên: “Không thể như thế được! Trừ khi mặt trời mọc ở đằng tây!”.
Lời nói khẳng định và ánh mắt kiên định đã nói lên tất cả, không cần bất cứ sự giải thích nào, lần đầu tiên Hà Linh Tố rơi nước mắt sau ba ngày xảy ra chuyện, ở trước mặt chồng.
Cũng chính là câu nói đó đã khiến cho Hà Linh Tố không hề thấy ân hận suốt hai mươi năm sau đó.
Tiền lương của chồng ít, bà chia làm hai để chi tiêu, chưa bao giờ so sánh về mặt vật chất với người khác. Chồng có tài nhưng không gặp thời, bà lo toàn bộ chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cái để chồng làm thêm giờ. Chồng coi mình là thanh cao, bà hạ thấp mình, cò kè mặc cả với những người bán hàng trên phố, tự mình đến gặp người phụ trách nhà cửa để đòi nhà, rồi khóc lóc xin nhà trường giảm học phí cho con gái, Chồng ghét những chuyện vụn vặt, bà lo hết việc nhà, suốt hai mươi năm chưa để chồng vào bếp hay cầm chổi quét nhà lấy một lần. Áp lực kinh tế của chồng lớn, bà tranh thủ thời gian nghiên cứu về Đông y, làm tất cả công việc ở bệnh viện, từ người làm tạp vụ cho đến y sĩ điều trị.
Có điều, không ngờ, sau hơn hai mươi năm, một đôi vợ chồng gian khổ luôn có nhau đã như chim yến chia đôi ngả, để cho hai ông bà già kia được toại nguyện như ý.
Cũng là lần đầu tiên, Vệ Tử phát hiện ra, dù về chiều cao hay thể trọng, Vệ Tử đều có ưu thế hơn mẹ, nhìn người mẹ bé nhỏ, mái tóc đã điểm bạc, bỗng nhiên Vệ Tử cảm thấy sức mạnh to lớn của mình, vì thế cô cúi xuống, ôm lấy người mẹ vẫn đang cúi đầu khóc không thành tiếng, rồi cũng vỗ vào vai mẹ như cách mẹ đã an ủi cô, dỗ dành dịu dàng: “Mẹ, mẹ đừng khóc nữa, không có bọn họ, hai mẹ con mình vẫn sống rất tốt, người đàn bà ấy ngoài sự trẻ trung ra chẳng có gì bằng mẹ cả, họ sẽ phải hối hận thôi!”.
Người đẹp thực sự suốt đời vẫn cứ là người đẹp, tuy mẹ cô đã gần năm mươi tuổi, nhưng từ hình dáng đến dung mạo vẫn rất đẹp, những nét đẹp mà người đàn bà to béo như hà mã kia không thể so sánh được, huống chi mẹ lại là người đảm đang, chịu thương chịu khó, luôn vươn lên. Từ một người tốt nghiệp cấp hai, bằng việc nỗ lực tự học đã thi đỗ, giành được tấm bằng thạc sĩ Đông y, trở thành bác sĩ có tiếng trong Bệnh viện vật lý trị liệu Đông y tư nhân, bố cô có lẽ đã bị mù mắt mới lựa chọn người thứ hai kia!