Ánh mặt trời len lõi qua từng kẽ lá, vẽ xuống mặt đất bức tranh sinh động của đủ dạng hình thù muôn loài cỏ cây đang lay động theo từng cơn gió ngày cuối hè thổi đến. Năm kỵ sĩ mang theo thánh chỉ chiêu hàng cưỡi năm con tuấn mã phi nước đại đến Bồn Man. Làn gió bị vó ngựa chẻ làm đôi phát ra tiếng vù vù bên tai, móng ngựa chạm xuống mặt đất đều đều làm cát bụi tung lên mù mịt đủ để tạo thành màn khói sương mờ ảo che khuất được cả tầm nhìn của kẻ nào không may đi sau lưng họ. Người ngựa cứ thế miệt mài dãi nắng dầm sương, trời tối mịt mới dừng chân lại đốt lửa trại nghỉ ngơi, lúc gà gáy canh tư đã vội vã lên đường. Đến ngày thứ hai, lúc mặt trời chuẩn bị xuống núi thì đoàn quân cũng đã hoàn thành được một phần ba đoạn đường. Càng gần đến địa phần Bồn Man núi non càng chập chùng hiểm trở, họ giờ đây đang lọt thỏm vào con đường mòn một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là ngọn đồi thoai thoãi cõng trên lưng cánh rừng già rậm rạp um tùm. Đoàn người nới lỏng dây cương cho ngựa đi chầm chậm từng bước để đảm bảo an toàn. Từ xa bỗng vang đến tiếng "lộc cộc" của vó ngựa, càng lúc càng gần hơn. Trong ánh nắng yếu ớt buổi xế chiều, một toáng người mặc áo đen có khăn trùm đầu che kín mặt đang phi nước đại tới đối diện năm người kỵ sĩ. Một tên trong số đó tiến đến nhanh hơn cả, bóng hắn to dần lên rồi bất ngờ áp sát nhanh như một cơn gió. Hình ảnh hắn vung đao lạnh lùng chém xuống đang hiện rõ mồn một trong tròng mắt của các kỵ sĩ..
Xoạt! Xoạt!..
Thủ cấp của hai người lính đứng đầu nối tiếp nhau rơi xuống đất. Hắn kéo dây cương điều khiển ngựa tiếp tục tiến đến nhằm hạ thụ nốt ba người còn lại thì các dũng sĩ đã kịp thời tuốt gươm nghênh chiến.
Ba chọi một, nhưng tên cầm đầu võ nghệ cao siêu liên tục tránh được đường gươm của các kỵ sỹ. Trong phút chốc toáng người đã đến rất gần, hắn cười khoái trá một tràng dài rồi hét:
- Đoạt chiếu chỉ cho ta!
Một trong ba chàng dũng sỹ nhìn chàng trai trẻ nhất trong số họ - người đang giữ chiếu chỉ trong ngực áo – nói:
- Chạy đi!
Hiểu rõ nhiệm vụ, chàng ta mắt ngấn lệ nhìn đồng đội lần cuối rồi lập tức bỏ lại ngựa, nhằm hướng khu rừng mà chạy. Tên thủ lĩnh biết ý liền lao tới định chém từ phía sau lưng chàng, lập tức hai người chiến sĩ còn lại ra tay ngăn cản. Khu rừng rậm rạp nhiều cây cối cản trở, cưỡi ngựa thì không thể nào vào được, vì vậy chàng trai trẻ thành công tẩu thoát, bóng chàng khuất hẳn sau những tán cây u tịch.
Phía sau lưng, tiếng đao chém, tiếng vó ngựa.. và cả tiếng máu tươi bắn ra từ thân thể của đồng đội chàng đều nghe thấy rõ cả!
* * *
Bốn ngày đã trôi qua, lẽ ra lúc này đã có hồi âm từ Bồn Man rồi mới đúng, quân lính Đại Việt vừa đi vừa chờ đợi nhưng vẫn bặt vô âm tính. Trên đường hành quân, mọi thứ yên ắng thuận lợi đến lạ thường, dân chúng sinh sống ở vùng lân cận địa phận Bồn Man bỗng dưng biến mất tăm, chỉ có nhà không vườn trống hoặc giả là vài căn chòi tạm bợ của những người nông dân đang cố nán lại để thu hoạch nốt những bắp ngô ngọn lúa cuối cùng. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành, Lê Hạo bí mật truyền tin tức cho tướng quân Đinh Liệt.
Tối đến, đoàn quân hạ trại ngay tại đoạn đường bằng phẳng cuối cùng, trước khi vào lãnh thổ nhiều đồi dốc của Bồn Man.
Đêm nay không trăng, những vì sao được dịp tỏa sáng lấp lánh trên nền trời đen như mực. Thỉnh thoảng những cơn gió ở đâu chạy đến làm lay động tán cây nghe xào xạc, hàng vạn con người đang có mặt nơi đây nhưng sao không gian cứ lặng lẽ như tờ, bản hòa âm của côn trùng cứ thế phát huy hết công suất.
Ba phát pháo sáng liên tiếp từ mặt đất bay lên giữa bầu trời..
Đứng cách nơi hạ trại khoảng hai dặm đường, viên thám tử vâng lệnh Đinh Liệt bí mật theo sát xa giá đã nhìn thấy ba bông hoa lửa báo hiệu cầu viện của Lê Hạo, bèn lập tức quay đầu phi nước đại trở về hoàng thành..
Phan Tường – Người kỵ sĩ trẻ đã thoát được lưỡi đao của sát thủ hai hôm trước cũng nhìn thấy trên bầu trời ám hiệu của Bình Nguyên Vương, vì chàng vốn thuộc hàng ngũ quân tinh nhuệ do một tay Lê Hạo huấn luyện. Trong lúc mất phương hướng, không lương, không nước, phải nhai lá cây, ăn sống thú rừng, liếm từng giọt sương trên lá mà sống, chàng như bắt được vàng vội vã lê từng bước nhầm thẳng hướng phát ra pháo sáng mà chạy về báo tin..
* * *
Thật ra việc Thu Đào lén lút trà trộn vào đoàn tỳ nữ theo hầu đoàn quân sớm đã bị chưởng sự tỳ nữ của phủ Điện Tiền phát hiện lúc điểm danh cuối ngày, khi đoàn quân đã đi quá xa để nàng có thể trở về. Huống hồ khi nhận ra chính là đại tiểu thư, bà ta cũng thất kinh hồn vía toang đi báo ngay cho Nguyễn Đức Trung rồi. Nhưng Thu Đào đã khéo léo dùng ba đồng tiền vàng vừa mua chuộc vừa cầu xin, nàng hứa sẽ tuân thủ quy tắc như bao người khác, quyết không gây cản trở công việc của bà, chỉ mong được giữ kín bí mật để nàng tha hồ rong chơi trãi nghiệm. Chưởng sự tỳ nữ phần vì tham của ban thưởng, phần vì nể sợ đại tiểu thư – người lại sắp trở thành cung tần duy nhất của Hoàng Đế - nên đã đồng ý bao che.
Vì trót bị phát hiện thân phận, Thu Đào chẳng được chưởng sự tỳ nữ giao việc gì nặng nhọc cả, chỉ đơn giản là mang giúp cái này, nhặt hộ cái kia cho có lệ, phần lớn thời gian nàng đều được tự do đi tản bộ ngắm cây cỏ lá hoa trong khu vực hạ trại. Bầu trời nhiều sao lấp lánh đêm nay quả nhiên đã thu hút được Thu Đào nổi hứng muốn đi dạo, buổi chiều nàng đã để ý thấy phía bìa rừng, cách nơi hạ trại không xa có một con sông nhỏ uốn lượn theo đường cong quanh co của chân đồi, bờ sông bên này lại là một bãi đất trống có nhiều hoa sao nhái màu vàng đang lúc nở rộ, thật nên thơ vô cùng!
Sau khi cẩn thận bôi một lớp thuốc mỏng lên vết bỏng đang kéo da non, Thu Đào đội mũ che kín đến trán, mặc trang phục của một nam gia nhân, khoát áo choàng có mũ trùm kính đầu, nàng mang theo lồng đèn rồi một mình ra khỏi khu hạ trại, nhằm hướng bờ sông mà đi.
Đời quả thật không như là mơ! Trái với cảnh bầu trời đêm lung linh ánh sao trong những thước phim ảo tung chảo mà Thu Đào được xem trước đây, thực tế ngoài đời, đêm không trăng thì chỉ có tối đen như mực, chiếc lồng đèn ánh sáng yếu ớt chỉ có thể soi tỏ một khu vực chưa quá mười bước chân. Cực khổ dò dẫm mãi mới ra được đến bờ sông, cũng may nơi đây rộng rãi thoáng mát, khi mắt đã quen với bóng đêm rồi thì cũng không đến nỗi chẳng thấy được gì. Ít ra Thu Đào vẫn có thể hít được khí trời trong lành thời cổ, ngắm được mặt nước đang soi rất rõ những ánh sao trời lấp lánh, trông như một tấm gương lớn trãi dài trước mặt nàng.
- Chà! Chắc nước của dòng sông này trong lắm đây! Trời đêm tối mịt như thế mà thấy được cả ánh sao rọi xuống! – Thu Đào cảm thán reo lên.
Từ chỗ này, Thu Đào vẫn có thể trông thấy ánh lửa trại bập bùng của đoàn quân, chẳng lo việc mất phương hướng không biết đường về. Nàng yên chí đặt lồng đèn xuống đất rồi đứng vươn vai khoan khoái, ngửa mặt lên trời hít thật sâu bầu không khí mang mùi hoa cỏ ngọt ngào. Thu Đào mở mắt ra nhìn khắp xung quanh một lượt, cảnh đêm tuy có đẹp nhưng sao hơi vắng lặng, tiếng côn trùng rả rít bên tai khiến nàng bất chợt ước phải chi có thêm một ai đó bên cạnh chắc sẽ vui hơn, và.. đỡ sợ ma hơn. Một cơn gió thoáng qua làm Thu Đào cảm thấy ớn lạnh sống lưng, nàng khẽ rùng mình một cái, định bụng sẽ đi về gần doanh trại hơn cho đỡ sợ.
Sột.. sột!
Tiếng động phát ra từ bụi hoa sao nhái ngay sát bên cạnh làm Thu Đào giật thót đánh rơi lồng đèn trên tay, bị va xuống mặt đất hơi mạnh nên ngọn nến tắt lụi!
- Chết rồi, sao mà tối đến như vậy? Không còn thấy được cả ngón tay của chính mình luôn! – Thu Đào khẽ than rồi đưa hai bàn tay ra trước mặt quơ quơ dò dẫm tìm lối đi.
Một bàn tay chụp lấy cổ chân nàng bất ngờ kèm theo tiến rên rỉ thê thảm khiến ai nghe cũng phải ớn lạnh:
- Cư.. ứ.. u! C.. ứu m.. ạ.. ng!
Tiếng hét thất thanh của Thu Đào vang lên giữ đêm tối tĩnh mịch:
- Á! Có ma!
Thu Đào thất kinh hồn vía, cứ hét "á, á" thêm hai ba lần nữa, một khoảng thời gian ngắn trôi qua đủ để nàng nhận ra không có nguy hiểm gì nữa, và bàn tay nắm chặt cổ chân nàng lúc nãy cũng đã nới lỏng ra, không còn động đậy nữa. Mặc dù rất sợ hãi, nhưng nàng nghĩ chắc hẳn là người sống và đang cần giúp đỡ, vì nếu là ma thì có lẽ nãy giờ nàng đã không thể được yên ổn mà hét to đến tám dặm đường còn nghe thấy như thế.
Thu Đào chầm chậm ngồi xuống sờ soạn một lúc lâu mới đụng trúng được gương mặt của người này. Hắn đang sốt cao, gương mặt nóng như lò lửa khiến Thu Đào vừa chạm vào đã phải rụt lại một cái. Biết chắc là người nào đó đang gặp nạn, nàng lay lay người hắn và hỏi:
- Ngươi là ai, có sao không? Có nghe ta nói gì không?
- Ma.. u! Mau đưa ta đi gặp.. Bì.. nh Nguyên Vương! Quân ti.. ình có biến! – Hắn cố gắng hớp từng ngụm không khí để nói từng chữ một.
Giọng hắn quá yếu ớt và nhỏ, Thu Đào phải áp sát tai vào miệng hắn hỏi lại:
- Ai? Người cần gì? Ngươi là ai?
Hắn cố hết sức mình nói tiếp được vài chữ:
- Pha.. n Tường! Bình.. Nguy.. ên Vương!
Nghe được ba chữ "Bình Nguyên Vương" Thu Đào hỏi dồn xác nhận:
- Ngươi là thuộc hạ của Lê Hạo à? Ngươi là quân lính của triều ta?
- Ph.. ải..
Rồi hắn ngất lịm đi, mặc cho Thu Đào cố gắng lay gọi. Đoán biết quân tình có điều không ổn, vì cớ sao đang yên đang lành một quân sĩ lại bị thương ra nông nổi này, lại còn nằm ở một nơi ngoài phạm vi doanh trại, rõ ràng là từ xa đến báo tin. Thu Đào lập tức xốc hắn dậy, muốn cõng về doanh trại. Nhưng nàng là một nữ nhi mảnh mai yếu đuối, trong khi Phan Tường thân thể cao lớn vạm vỡ, không tài nào vác hắn trên lưng được. Thu Đào nhanh trí cởi lớp áo khoát bên ngoài ra trãi xuống đất, đoạn nàng dùng hết sức mình lăn hắn qua nằm trên chiếc áo, rồi ra sức kéo đi. Nàng bặm môi kéo, và kéo, lê từng bước nặng nhọc. Lòng tự nhủ:
- Cũng may ở đây gần bờ sông bùn đất cũng mềm, nếu là sỏi đá thì chắc chắn lưng của ngươi sẽ nát như tương!
Bụp! Đang đi thì Thu Đào vấp một cành cây khô nên ngã lăn ra đất, bàn tay bị xước một đường dày đến tận cổ tay, máu tươm ra chảy ướt đến tận khuỷu. Tuy vậy, nàng vẫn không bỏ cuộc, quyết tâm tìm cách đưa Phan Tường về doanh trại bằng được, khoảng cách từ bờ sông đến doanh trại lúc đi ra dạo chơi thấy cũng gần, bây giờ vác thêm tên này sao thấy xa dịu vợi! Tay thì đau, sức thì yếu, không thể cứ thế kéo lê hắn mãi được, như thế cả nàng và hắn đều sẽ bị thương thêm nặng!
- Dù sao cũng khoảng mấy chục mét nữa là đến nơi, ta liều vậy! - Thu Đào nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng chọn một cách không thể nào "tồi" hơn được: Vừa đi vừa la lớn cầu cứu!
Nhưng kêu tên ai đây? Vì không có đích danh thì sẽ chẳng ai biết là quân lính của Lê Hạo mà kịp thời chạy ra giúp mình! Nghĩ là làm, Thu Đào vừa kéo lê Phan Tường trên chiếc áo khoát vừa hét gọi đích danh Lê Hạo:
- Bình Nguyên Vương! Phan Tường tìm ngài!..
- Bình Nguyên Vương! Cứu Phan Tường!..
- Alo! Bình Nguyên Vương! Cứu mạng!
Đang cùng Lê Hạo đích thân làm nhiệm vụ canh gác tuần tra quanh trại trong hai canh giờ đầu tiên, bỗng Lê Tuấn đứng sựng lại lắng tai nghe, rồi nhìn Lê Hạo thảng thốt nói:
- Thu Đào!
Lê Hạo ngạc nhiên hỏi lại:
- Nàng thế nào?
Lê Tuấn không vội trả lời mà lắng tay nghe kỹ một lúc rồi nhìn Lê Hạo quả quyết:
- Đúng là giọng của nàng!
- Nhưng làm sao nàng lại xuất hiện ở đây được? – Lê Hạo nghi hoặc hỏi.
- Ta không biết, chỉ biết đó chắc chắn là nàng! – Lê Tuấn nói xong lập tức quay đầu chạy về phía nơi có phát ra âm thanh chàng nghe thấy được.
Lê Hạo tất tả chạy theo, không quên khoát tay gọi theo mười người thuộc hạ thân tính.
Đang kéo theo tên to xác Phan Tường, lại phải chốc chốc hét gọi Lê Hạo, Thu Đào đuối sức, giọng chỉ còn là thều thào đứt quãng, đang lúc mệt sắp đứt hơi, nàng nhìn thấy từ phía doanh trại có những chiếc lồng đèn phát sáng lơ lửng đang chuyển động càng lúc càng đến gần mình bèn mừng rỡ cố hết sức hét tiếp:
- Bên này! Phan Tường bên này!
Lê Tuấn lúc này không còn nghi ngờ gì nữa, chàng dám chắc đó là Thu Đào. Không cần biết nguyên nhân tại sao nàng lại xuất hiện ở đây, trước mắt chàng chỉ hận không thể cưỡi gió để đến bên nàng thật nhanh xem đã xảy ra chuyện gì mà thôi!
Lê Hạo nghe thấy tên "Phan Tường" thì đã biết chắc đoàn kỵ sĩ đưa chiếu thư đã gặp chuyện chẳng lành nên cũng gấp rút cùng Lê Tuân chạy như bay đến nơi phát ra tiếng kêu cứu.
Vì dùng sức quá nhiều nên Thu Đào cảm thấy như bị hụt hơi, hoa mắt chóng mặt, trong phút chốc nàng cứ như người sắp ngất, xiêu vẹo vài bước rồi ngã xuống đất. Lịm đi vài giây, nàng từ từ mở mắt thấy ánh sáng của những chiếc lồng đèn đã đến rất gần, tiếng bước chân thình thịch của đoàn người đang chạy đến làm nàng cảm thấy rất yên tâm.
- Trời ơi, được cứu rồi! Mệt quá rồi!
Rồi cơn đau tim lại kéo đến, giống hệt lúc đứng sau lưng Lê Tuấn ở Huy Văn Tự mấy hôm trước. Thu Đào nhăn nhó đưa tay lên ôm ngực thở dồn dập. Vừa nghĩ đến Lê Tuấn thì bên tai nàng đã văng vẳng giọng của chàng:
- Thu Đào! Đúng là nàng! Thu Đào!
Qua khe mắt khép hờ và ánh sáng lồng đèn yếu ớt, nàng thấy gương măt của Lê Tuấn đang dần hiện ra, mùi thơm của hoa hồng khô lại thoang thoảng trong không khí.
- Lê Tuấn, là chàng à? – Thu Đào thều thào hỏi.
- Đúng, là ta đây! Không sao rồi, không sao rồi!
Thu Đào không cưỡng nỗi nữa hai mắt nhắm nghiền, bên tai vẫn văng vẳng giọng chàng đang lay gọi mình.
* * *
Bí Cai chính là tên sát thủ đã chặn đường hạ sát năm kỵ sĩ nhằm đoạt chiếu thư chiêu hàng, không cho thủ lĩnh Bồn Man là Lư Cầm Công có cơ hội về phe Đại Việt mà chống lại hắn. Mười năm trước bị bại dưới tay Lê Triều, tuy được vua Lê tha mạng nhưng Bí Cai chưa bao giờ quên mối hận này và luôn muốn trả thù. Tiếc thay quốc vương Chiêm Thành hiện tại đang rất thuần phục Đại Việt, một mình hắn chẳng thể làm gì nổi. Chỉ có cách kích động tham vọng mở rộng bờ cõi của thủ lĩnh Bồn Man, hắn mới có thể lợi dụng binh lực của dòng họ Lư Cầm mà trả thù Đại Việt được. Vì vậy sau khi được tha, hắn đã đến Bồn Man, dùng danh nghĩa cựu quốc vương Chiêm Thành mà ở lại hiến kế bày mưu cho dòng họ Lư Cầm cai quản vùng đất của họ. Nào ngờ Hoàng Đế Đại Việt túc trí đa mưu, dùng kế chiêu hàng và hứa đời đời cho dòng họ Lư Cầm cai quản Bồn Man, tuyệt không xâm phạm. Bồn Man vốn có phần nể sợ Đại Việt, nay lại được hứa bảo hộ đời đời, Bí Cai sợ Lư Cầm Công sẽ thuần phục Đại Việt mà không giúp đỡ hắn nữa, nên mới muốn đoạt lấy chiếu thư, cắt đứt liên lạc giữa Đại Việt và Bồn Man. Như thế mới lừa được Lư Cầm Công xuất binh tiến đánh Đại Việt được.
Tại vương cung của Bồn Man.
Đặt hai cái thủ cấp lên bàn, Bí Cai nói với Lư Cầm Công:
- Đại Việt biết chúng ta đã có ý tuyên chiến, nay đã xua quân đánh trước. Ta đã đích thân chém được đầu hai tên lính tiên phong của chúng về làm bằng cớ cho tù trưởng (*) xem đây! Xin tù trưởng mau chóng bố trí thiên la địa võng và xua quân đánh úp giết sạch quân Đại Việt, cho chúng không kịp trở tay. Nếu chậm trễ chỉ e viện binh của chúng sẽ đến, lúc đó Đại Việt có Hoàng Đế thân chinh, lại binh hung tướng mạnh ta sẽ khó chống trả. Chi bằng ra tay trước chém đầu vua Lê, mở rộng bờ cõi, xưng vương xưng đế!
Không nhận được thư chiêu hàng nên tù trưởng Lư Cầm Công không biết bản thân ngài có cơ hội được Đại Việt bảo hộ, mà cứ tin lời Bí Cai rằng Hoàng Đế Đại Việt luôn có ý muốn xóa sổ Bồn Man như cách đã làm với Chiêm Thành. Vì thế Lư Cầm Công đã đồng ý cho Bí Cai mượn binh lực chống trả với Đại Việt.
* * *
Sau khi tỉnh dậy, Phan Tường đã thuật lại đầu đuôi việc bị chặn đánh hòng cướp chiếu chỉ, khuyên quân ta nên đề phòng có mai phục khi vào lãnh địa Bồn Man, mặc khác hãy tìm cách gửi cho bằng được thư chiêu hàng để giảm bớt thương vong. Nhân Tông nghe xong lập tức truyền lệnh toàn bộ quân sĩ không hành quân đi tiếp đến Bồn Man trước khi gửi được thư chiêu hàng, đồng thời ngày đêm đều phải luôn trong tư thế cảnh giác, đề phòng mai phục.
Về phía Bí Cai, sau khi được Lư Cầm Công trao binh quyền, hắn lập tức bố trí quân mai phục sẵn khắp các tuyến đường chủ chốt đẫn vào Bồn Man, còn hắn đích thân dẫn đầu một vạn quân với mục đích cố tình áp sát khiêu chiến rồi giả vờ thua bỏ chạy, dẫn dụ quân Đại Việt vào ổ phục kích.
Từ hoàng thành Thăng Long, đại tướng quân Đinh Liệt sau khi nhận được cấp báo đã tức tốc dẫn theo năm vạn quân tinh nhuệ xuất chinh tiếp ứng cho đoàn quân của Nhân Tông.
* * * Hết chương 16 ----
Chú thích:
1. (*) Tù trưởng: Vị trí thủ lĩnh của một bộ tộc, bộ lạc.