• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Suốt một đêm chập chờn trong ác mộng, Thu Đào tỉnh lại với đôi mắt sưng húp. Không buồn động đậy, nàng chỉ nằm đó quan sát khắp căn phòng nhỏ rồi cay đắng nghĩ thầm:

- Đây đúng là biệt viện ở hồ Ngưng Bích, đêm qua đúng là Lê Tuấn đã đưa mình về đây. Quảng Hằng Các đúng là đã bị cháy.. Xuân Mai! Xuân Mai tội nghiệp của mình..

Mặt trời chưa ló dạng, ngọn đèn leo lét trên bàn đang cố phát ra những tia sáng cuối cùng trước khi dầu cạn. Nồm ẩm thấp làm không khí trong gian phòng se lạnh, Thu Đào đưa tay sờ lên cây cột gỗ cạnh đầu giường, hơi nước ẩm ướt trên đầu ngón tay mát lạnh làm dấy lên trong lòng nàng một nghi vấn:

- Thời tiết như thế này thì làm sao có hỏa hoạn được?

Lúc ấy dầu trong bát đèn đã cạn, ánh lửa thoi thóp vài lần rồi vụt tắt, cả căn phòng chỉ còn lại ánh sáng lờ mờ của buổi sớm mai. Thu Đào đưa mắt nhìn bát đèn dầu đã trông thấy đáy mà tâm trí bay về tận gian phòng của Kim Ngọc ở Quảng Hằng Các, nơi nàng vẫn thường xuyên lui tới, miệng lẩm bẩm:

- Cũng không thể nào do cung nữ bất cẩn làm đổ dầu được! Kim Ngọc vẫn ngại mùi dầu lạc (*) hôi nên thường chỉ dùng nến mà?

Mối hồ nghi khiến Thu Đào nôn nóng ngồi bật dậy, các cung nữ thấy nàng tỉnh giấc bèn cùng nhau bước đến định hầu hạ rửa mặt thay y phục, nhưng Thu Đào đã xua tay từ chối rồi tự mình làm lấy. Ngẫm ra, Thu Đào đã lạc về Lê Triều được gần nửa năm, nhưng nàng vẫn chưa quen, và cũng không muốn quen với việc để người khác hầu hạ từng miếng ăn giấc ngủ, như thế vừa ngượng vừa cảm giác bản thân mình chẳng khác nào đứa trẻ lên ba cần người chăm sóc. Nàng tự tay chải gọn mái tóc, vấn một búi đơn giản trên đỉnh đầu rồi khoát áo ngoài rảo bước ra ngoài.

Cửa phòng làm bằng gỗ trúc bị Thu Đào đẩy nên phát ra âm thanh kẻo kẹt. Đào Biểu lúc ấy đang dọn dẹp bàn sách cho vua, ông ta vừa cho giá nến hình hoa đào vào tủ đóng cửa lại xong thì nghe có tiếng động mới quay lưng lại nhìn. Trông thấy Thu Đào bước ra khỏi phòng, Đào Biểu nhoẻn cười hiền lành, ông trầm giọng ân cần:

- Nguyễn tú nữ tỉnh rồi! Nào! Mau đến ăn hết bát cháo hành hoa này đi, Hoàng Thượng sáng nay đã căn dặn lão nô phải chờ nàng ăn xong mới được rời khỏi đấy!

Thu Đào đưa mắt nhìn xuống bàn sách theo bàn tay Đào Biểu đang chỉ, thấy nghiêng mực bên cạnh hãy còn ẩm ướt như có ai đó vừa mới dùng xong, nàng nhếch môi lên cố gắng nở nụ cười nhạt đáp lời:

- Đa tạ Hoàng Thượng và Đào công công!

Thu Đào bước lại bàn sách ngồi xuống, nàng cầm cây bút lông gác trên nghiên lên chấm vào mực khuấy đều mà chẳng để làm gì, rồi hạ giọng hỏi:

- Đào công công, tối qua Hoàng Thượng không về cung nghỉ ngơi sao?

Đào Biểu như bị gãi trúng chỗ ngứa, Thu Đào chưa kịp dứt lời ông ta đã nóng lòng kể lể:

- Không dám giấu tiểu thư, Hoàng Thượng lo lắng cho nàng nên cả đêm ngồi ở đây phê tấu chương. Gà còn chưa gáy thì Người đã căn dặn cung nữ nấu cháo mang cho tiểu thư giải cảm, bây giờ đã thượng Triều rồi.

Sau tiếng thở dài, Đào Biểu lại nhỏ giọng tự trách:

- Nô tài vô dụng, đêm qua mệt quá nên ngủ thiếp đi, để Hoàng Thượng tự mình rót nước thắp đèn, vảy nến vương đầy ra bàn. Lão nô chỉ vừa mới dọn dẹp xong đấy..

Đang nói say sưa, bỗng Đào Biểu phát hiện ra mắt Thu Đào đang sưng húp, nàng ngồi bên bàn dùng ngón tay xoa lên những đốm sáp nến tối đêm qua Lê Tuấn bất cẩn làm vương vãi. Cảm giác áy náy làm Đào Biểu khựng lại, ông trộm nghĩ nỗi đau mất đi tỳ nữ bồi giá hãy còn chưa nguôi ngoai, không nên khiến Thu Đào cảm thấy mình là tội nhân khiến vua lo lắng thêm nữa. Để chữa thẹn, Đào Biểu lắp bắp chuyển chủ đề:

- Cháo còn nóng, tiểu thư hãy mau ăn đi! Đừng để cảm lạnh Hoàng Thượng sẽ lo lắng..

Đào Biểu bỏ dở câu nói, ông ta ngượng đến nỗi cái miệng há hốc mãi không bình thường lại được, chỉ biết đấm ngực tự trách bản thân ăn nói chẳng ra làm sao. Vốn định lựa lời để Thu Đào không nghĩ mình là kẻ báo hại, ngờ đâu càng nói lại càng sai trầm trọng.

Hiểu được tâm ý của Đào Biểu, Thu Đào cười nhạt nhìn ông an ủi:

- Ta sẽ ăn hết cháo, sẽ không ngã bệnh, sau này sẽ luôn khiến Hoàng Thượng của ông được vui! Có chịu không nào?

Nói xong, nàng cầm bát cháo lên ngoan ngoãn húp từng muỗng. Đào Biểu hài lòng gật gù:

- Phải! Phải! Tiểu thư nên như thế!

Đứng nhìn Thu Đào ăn xong, Đào Biểu căn dặn cung nữ chăm sóc nàng cẩn thận, rồi xin cáo lui để đến điện Thái Hòa đón vua thiết triều trở về mà không hề nghĩ về ẩn ý sâu xa trong câu nói của Thu Đào.

Tia nắng đầu ngày lọt qua khe cửa, Thu Đào nhìn theo bóng lưng Đào Biểu mà nghe nhói lòng, nàng nhắm mắt thở dài cảm thán:

- Đào Biểu! Ông chính là người bầy tôi trung thành đã dùng tính mạng để cứu chàng trong đêm chính biến đó sao? Còn Xuân Mai của mình, rõ ràng em ấy là người vô tội bị uổng mạng, rất có thể trận hỏa hoạn đó là để giết mình và Kim Ngọc! Bởi thời tiết như thế này thì rất khó xảy ra hỏa hoạn, hơn nữa lại đám cháy lại bắt đầu từ phòng của Kim Ngọc. Làm sao lại có chuyện trùng hợp như thế được? Mười phần chắc chín là do kẻ nào đó cố tình phóng hỏa!

Khoé mi cay cay, nàng gục đầu xuống bàn để che giấu hai hàng lệ châu, tâm can như bị ai dày vò đau nhói.

- Mình phải làm sao ngăn chặn tấn bi kịch này? Phải làm sao để những người mình quan tâm được yên ổn đây! Có cách gì khiến Lê Nghi Dân không làm chính biến, để chàng và Đào Biểu được bình an sống hết một kiếp không?

Để mặt cho cảm xúc dâng trào một lúc lâu, Thu Đào khẽ ngước nhìn bức chân dung Lê Tuấn vẽ nàng. Bất giác mỉm cười, nàng lau nước mắt hít một hơi thật sâu, tự nói với chính mình:

- Không! Ta nhất định không để mất đi ai nữa, không được để thảm cảnh ấy được xảy ra. Ông trời cho mình trở về đây để làm gì, chẳng lẽ chỉ để đứng trơ mắt nhìn chàng bị hãm hại? Mình phải nghĩ cách chặn đứng âm mưu của Lê Nghi Dân, cho dù có phải đổi mạng để làm trái mệnh trời!

Nhớ đến Lê Nghi Dân, điều duy nhất nàng có thể nghĩ được ngay lúc này là phải cùng Lê Tuấn đi trước một bước, chính là tìm ra Châu Mẫn và bảo vệ an toàn của ông ta. Gặp được Châu Mẫn thì thân thế của Nhân Tông sẽ được hé lộ. Nếu chàng thật sự là con của Thái Tông thì ông ta là một nhân chứng sống, cái cớ cướp ngôi của Lê Nghi Dân sẽ bị sụp đổ. Hoặc giả, chàng không phải con cháu hoàng tộc thì..

- Thì sẽ thế nào đây? – Thu Đào tự hỏi.

Đưa ngón tay sờ lên bức tranh người thiếu nữ đang nhảy nhót cùng quả cầu lông chim, Thu Đào bỗng mơ về một ngôi nhà nhỏ dân dã chốn núi rừng, sớm sớm chiều chiều cùng nhau cấy cày trồng trọt, nàng mơ về một nơi xa xăm có ánh nắng dịu dàng ban ngày cùng hương hoa hồng thoang thoảng, nơi có làn gió mát dịu ban đêm với khóm quỳnh hoa nở rộ.. ở bên chàng, bình bình an an qua một kiếp người!

- Lê Tuấn, nếu chàng không phải là Hoàng Đế, chúng ta sẽ như vậy có đúng không? - Một câu hỏi vu vơ bất chợt len lỏi trong tâm trí Thu Đào.

Mang theo quyết tâm bảo vệ cho bằng được người mình yêu thương, cô gái bé nhỏ bước ra khỏi biệt viện bên hồ Ngưng Bích. Nắng sớm in bóng nàng nghiêng nghiêng trên mặt đất, y phục màu lam hòa với màu trời biên biếc.. Thu Đào đặt những bước chân đầu tiên trên con đường chống lại định mệnh.

* * *

Sau trận hỏa hoạn, Quảng Hằng Các bị thiêu rụi quá nửa, dù chỉ còn lại đống tro tàn nhưng sức nóng của nó vẫn đủ để khiến người ta sởn gai ốc vì kinh sợ.

Lê Nhân Tông đứng giữa sân, đích thân đôn đốc cung nhân thu dọn tàn dư của đám cháy. Ba cái xác cung nữ thiệt mạng đêm qua được mang ra đặt nằm ngay ngắn trước mặt, các cung nữ Quảng Hằng Các dựa vào chiếc vòng bạc Xuân Mai vẫn mang trên tay mà nhận ra nàng, rồi đến bẩm báo cho vua được rõ.

Tiếng thở dài thườn thượt không làm vơi đi nỗi áy náy xót thương, Nhân Tông bước đến bên cạnh xác Xuân Mai định bụng sẽ quan sát thêm để tránh nhầm lẫn. Bỗng giọng nói phía sau lưng phát ra làm chàng phải quay đầu lại nhìn:

- Cung nữ Phạm Thị, có công cứu mạng tú nữ Nguyễn Thị, bổn vương nhận nàng ta làm nghĩa muội, sau khi hỏa táng thì mang tro cốt đến Huy Văn Tự an nghỉ.

Lê Hạo đứng dưới ánh nắng ban trưa, chàng giao chiếc hủ làm bằng gốm thấu quang (*) quý giá cho một nội giám quan dặn dò. Tiếng nói trầm ổn ấm áp đánh động đến tâm tư của Nhân Tông. Vua khẽ cười rồi chầm chậm bước đến vỗ vai em trai:

- Xem ra nghĩa muội có thể an tâm nơi chín suối rồi! Gia quyến được đệ che chở hẳn là không còn gì đáng lo nữa!

Lê Hạo thấy vua liền vái chào, đoạn cười nhạt nói:

- Xuân Mai quả thật là một cung nữ trung thành dũng cảm..

Ngưng lại một chút, ánh mắt chàng bất giác sáng lên như chợt nghĩ đến điều gì, liền nhìn về hướng hồ Ngưng Bích hạ giọng hỏi một cách rụt rè:

- Nàng.. thế nào rồi?

Lê Nhân Tông nén tiếng thở dài không đáp, chỉ chậm rãi bước vào căn phòng của Kim Ngọc vốn đã bị thiêu rụi, Lê Hạo cũng rảo bước theo sau cùng anh trai xem xét hiện trường. Nhân Tông đứng giữa đống đổ nát đảo mắt khắp nơi mấy lượt rồi dừng lại nơi chiếc giá nến bị cháy xém đen ngòm. Nhặt chiếc giá nến lên, Nhân Tông nét mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Lúc ấy, Lê Hạo chìa ra trước mặt vua mảnh vỡ của một chiếc bình vôi tráng men xanh sơ sài, chàng đưa ra nhận định:

- Loại bình vôi này thường chỉ có ở dân gian, trong cung ít khi dùng những thứ thủ công sơ sài như thế này!

Nhân Tông đón lấy mảnh vỡ nhíu mày quan sát, chàng lục tìm trong ký ức một lúc rồi nói như reo:

- Đây là kiểu bình vôi Trẫm thường thấy ở hàng bán dầu lạc lúc đi chợ phiên trong thành! Đây là kiểu bình ở dân gian, trong cung hiếm khi gặp, hơn nữa đây hẳn là dùng để chứa dầu lạc..

Lời nói của Nhân Tông chưa kịp dứt thì một giọng nói đầy căm phẫn vang lên từ phía sau lưng:

- Quả nhiên là do dầu lạc!

Thu Đào thình lình xuất hiện trước sự ngạc nhiên của hai chàng trai. Nhân Tông nhìn nàng trách cứ bằng một giọng điệu khẽ khàng:

- Nàng không nghỉ ngơi thêm vài hôm, đến đây làm gì?

Không để tâm đến lời nói của Nhân Tông, nàng tiến nhanh đến trước mặt chàng giằng lấy mảnh vỡ bình vôi nói như sắp khóc:

- Kim Ngọc sợ dầu hôi nên trước nay chỉ dùng nến. Bình vôi kiểu này ta và Xuân Mai đúng là từng gặp ở hàng dầu lạc trong kinh thành. Rõ ràng có kẻ mang dầu đến đây phóng hỏa.. hắn.. hắn muốn giết ta và Kim Ngọc.. Xuân Mai bị oan..

Bị tiếng nấc nghẹn ngăn không cho nói tiếp, hơi thở đứt quãng bởi nước mắt, Thu Đào chỉ còn biết bóp chặt mảnh vỡ đến nỗi lòng bàn tay suýt bật máu. Nhân Tông giật mình lập tức gỡ tay nàng lấy lại mãnh vỡ, rồi chỉ biết ôm ghì đôi vai gầy vỗ vỗ an ủi, chẳng nói được lời nào.

Lê Hạo đứng lặng người theo dõi câu chuyện một lúc, nghe đến việc "hắn" nào đấy muốn lấy mạng Thu Đào và Kim Ngọc thì ánh mắt chàng đượm vẻ tò mò nhìn Nhân Tông:

- Ai chứ? Vì sao lại muốn hại nàng và Kim Ngọc?

* * *

Hậu điện Thừa Càn Cung ngày cuối năm được trang hoàng kỹ lưỡng. Trái cây, hoa tươi, câu đối đỏ được bày trí khắp tẩm điện của vua. Trên bàn thì cơ man là đủ các loại bánh mứt thủ công thời phong kiến mà Thu Đào chưa một lần nhìn thấy hay được đọc qua đâu đó trong sách vở, bởi Lê triều đã cách thời đại của nàng tận sáu trăm năm, mọi thứ chi tiết đời thường gần như trôi hẳn vào quá khứ mà không để lại bất kỳ ghi chép nào. Nếu bây giờ Xuân Mai vẫn còn sống, thảm kịch này chưa từng xảy ra, thì có lẽ Thu Đào đang vui vẻ chạy khắp nơi trong tẩm điện mà sờ nắn từng món đồ vật, nàng sẽ vừa nhai nhóp nhép bánh trái trên bàn vừa trầm trồ bình phẩm rồi. Nhưng số mệnh khắt nghiệt đã cướp đi Xuân Mai, để lại trong lòng Thu Đào buồn đau day dứt. Nàng dừng ánh mắt nơi bình hoa bách hợp đang tỏa hương trên bàn, lặng im để Nhân Tông kể lại toàn bộ sự việc nàng cùng Kim Ngọc chạm trán thích khách ở Quảng Hằng Các đêm hai mươi ba tháng chạp.

Nghe xong câu chuyện, Lê Hạo không nói gì, chỉ lặng im hướng ánh nhìn về phía Thu Đào. Bỗng nàng đứng bật dậy nhìn ra bầu trời ngoài cửa sổ bằng ánh mắt dè chừng, đoạn quay lại nói với Nhân Tông:

- Hoàng Thượng, thiếp chắc chắn kẻ muốn đâm sau lưng chàng là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân. Thiếp tin cả hai chàng đều cùng chung một ý nghĩ, chỉ là không muốn nói ra mà thôi!

Cả gian phòng chìm trong im lặng một lúc lâu. Thu Đào hồi hộp nhìn lên bầu trời trong xanh thầm cầu mong cho sấm chớp đừng nỗi lên. Quả nhiên, khi nàng đưa ra nhận định phù hợp với hoàn cảnh thực tế, không mang ý tiết lộ thiên cơ thì tự nhiên trời yên biển lặng đến lạ.

Lê Hạo cầm tách trà nhấp một ngụm, rồi hạ giọng hỏi Thu Đào:

- Nàng cho rằng Lạng Sơn Vương đang muốn giết nàng và Kim Ngọc để diệt khẩu?

Cái gật đầu của Thu Đào dứt khoát đến nỗi làm Lê Hạo thấy chột dạ. Chàng tự thấy trước nay vì giữ kín tâm tư mà tất thảy mọi chuyện chàng đều nhẫn nhịn Nghi Dân, nhưng nay hắn lại có ý làm tổn hại người chàng quan tâm, như thế là đến lúc bắt buộc chàng phải ra tay phản kháng hay sao? Mà phản kháng cũng không được! Bởi Thái Hậu luôn đề phòng Nghi Dân và Lê Hạo, nay nếu Lê Hạo có hành động gì chống lại Nghi Dân thì Thái Hậu sẽ cho rằng chàng có dẹp đi rào cản để từng bước đoạt vị. Thật là nhất thời không thể nghĩ ra cách gì để có thể âm thầm giấu mặt bảo vệ hai vị cô nương được. Lúc ấy, Nhân Tông đưa ra nhận định làm nỗi của Lê Hạo liền vơi đi một nửa:

- Tên thích khách đêm ấy vốn không muốn hại nàng! –

Nhân Tông nhìn Thu Đào, giọng trầm trầm nhắc lại những gì chàng đã chứng kiến đêm ấy:

- Lúc nàng rơi trên mái nhà xuống, hắn đã lao đến cứu, chỉ là không kịp mà thôi! Chính mắt Trẫm đã nhìn thấy.

Lê Hạo khẽ nghiêng thắc mắc:

- Lạ thật! Hắn lại không muốn giết người diệt khẩu?

Nhân Tông lắc đầu:

- Không! Hắn muốn giết người diệt khẩu, nhưng chỉ là không muốn giết Thu Đào. Lúc ấy chỉ có nàng và Kim Ngọc ở đó, e rằng bây giờ người gặp nguy hiểm chỉ là Kim Ngọc thôi!

Thu Đào sốt ruột vì cách nói chuyện đầy ẩn ý khó hiểu của Nhân Tông, nàng hỏi dồn:

- Nhưng giết mỗi Kim Ngọc cũng vô nghĩa, vì ta vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, hắn không sợ bí mật bị lộ sao?

Nhân Tông quay sang nhìn Thu Đào, chàng bỗng nở một nụ cười ẩn ý rồi đến bên cạnh Lê Hạo ngồi xuống, chậm rãi giải thích:

- Nàng nắm giữ bí mật lớn như vậy mà hắn vẫn không muốn giết nàng, chắc chắn nàng ở trong lòng hắn rất quan trọng. Hơn nữa, theo lời nàng kể thì đếm ấy rõ ràng có hai tên, nhưng lúc hành hung thì chỉ có một tên xuất hiện..

Nghe đến đây, ánh mắt Lê Hạo sáng lên, chàng cười nhạt rồi tiếp lời thay anh:

- Cho nên, giả sử như một trong hai tên thần bí đó là đại ca, thì tên còn lại chắc chắn là thân tính của huynh ấy. Đại ca căn bản không biết được ai đang ở trên mái nhà nghe lén, sau này mới nghe tên thuộc hạ ấy bẩm báo lại thôi! Lại nữa, có vẻ người hắn nhắm vào hiện giờ là Kim Ngọc.. Hắn muốn để Kim Ngọc chết thay Thu Đào?

Lê Nhân Tông cầm bình trà tự rót lấy một tách, mắt nhìn từng giọt rơi loong toong, chàng nở nụ cười kín đáo và khen:

- Lời khen của thiên hạ rằng tứ hoàng tử của Thái Tông thông mình xuất chúng quả không ngoa!

Lê Hạo cúi đầu khiêm hạ:

- Lần này thì tất cả do Hoàng Thượng gợi ý cho thần đệ thôi!

Lời suy đoán của Lê Hạo làm Thu Đào sợ phát run, nàng không cần quan tâm lần này rốt cuộc là do ai thông minh hơn, chỉ biết vừa mất đi Xuân Mai, bây giờ Kim Ngọc lại rơi vào tầm ngắm của kẻ ác thủ, phút nóng lòng nàng chạy đến bên cạnh Nhân Tông cầu xin:

- Không được! Chàng phải nghĩ cách bảo vệ Kim Ngọc!

Đoạn lại nhìn sang Lê Hạo khẩn thiết:

- Kim Ngọc sắp trở thành thê thiếp của chàng, chàng nhất định phải bảo vệ nàng ta!

Lê Hạo trầm mặc hồi lâu, chàng bước đến cửa sổ nhìn ra hàng dương liễu đang thả mình đong đưa theo chiều gió, đoạn khẽ ngoái đầu về phía Nhân Tông xin ý kiến:

- Việc này có liên quan đến Lạng Sơn Vương, hành sự bất cẩn sẽ liên quan đến chính sự trong triều. Hoàng Thượng! Xin huynh cho ý kiến!

Nhân Tông cũng như Lê Hạo, trong lúc này nếu sơ suất trong cách ứng xử, thì sử sách ngàn đời sau có khi sẽ gán cho chàng tội hãm hại anh ruột để trừ hậu họa. Đặt tách trà trong tay xuống, Nhân Tông đáp:

- Nếu đúng như chúng ta suy đoán thì bây giờ Lạng Sơn Vương không chú ý đến Thu Đào, chỉ có thuộc hạ của huynh ấy mới biết sự có mặt của nàng đêm hôm ấy.

Dừng lại một lúc, Nhân Tông nhìn Thu Đào hỏi:

- Nàng có giao hảo tốt với người nào trong phủ Lạng Sơn Vương không?

Thu Đào khổ sở than:

- Từ lúc đến đây ta có được đi bao nhiêu chỗ đâu? Làm sao có quan hệ gì với thân tính của vị vương gia nào..

Đang nói thì giọng Thu Đào từ từ bé lại, rồi ánh mắt nàng chợt sáng lên và nói như reo:

- Phan Tường! Nếu nói là có quen thân với thị vệ của vương gia thì thiếp chỉ biết có Phan Tường!

- Tất nhiên không phải Phan Tường rồi! - Lê Nhân Tông hạ giọng, trong câu nói có lẫn khuất nét cười biểu đạt lòng tin dành cho người thị vệ có công báo tin ở trận Bồn Man.

Lê Hạo vốn tâm tư cẩn mật nên dù Phan Tường là thủ hạ thân tính nên cạnh hơn năm năm, nhưng chàng vẫn cần một lý do mới có thể tin tưởng được, chàng nghiêng đầu hỏi vua:

- Sao Hoàng Thượng lại khẳng định như thế?

Lê Nhân Tông đáp ngay không chần chừ:

- Phan Tường đi dự tuyển vào cấm vệ quân theo lệnh của đệ đúng không?

Bất ngờ bị hỏi, Lê Hạo ánh mắt khẽ động không dám nhìn thẳng vua, bởi chàng không muốn thừa nhận mình có chút lòng riêng tư nên mới phái Phan Tường vào đội ngũ cấm vệ quân để tiện bề nắm được tin tức bên cạnh Nhân Tông. Khựng lại một chút, Lê Hạo khẽ gật đầu rồi đáp:

- Phan Tường là người có chí hướng, đệ không nỡ để hắn chỉ làm thị vệ bình thường cho một vương gia, bên cạnh Hoàng Thượng hắn sẽ có cơ hội trở thành một tướng quân chưa biết chừng!

Nhân Tông nở nụ cười nhàn nhạt, vua không truy cứu tiếp về thâm ý bên trong việc Phan Tường tham gia cấm vệ quân, chàng chỉ tập trung vào vấn đề chính và nói tiếp:

- Hôm Phan Tường đến võ đài ứng tuyển, Trẫm đích thân quan sát hắn rồi, trên ngực hắn không có vết thương do Trẫm ném đá vào ngực tên thích khách đêm hôm ấy.

Lê Hạo gật gật đầu, cố giấu đi tia sáng vừa vụt qua trong tâm trí khi nhận ra lý do đêm ở Thang Tuyền Cung cứ bị vua nhìn trân trân vào ngực áo. Hơn thế, nguyên nhân sâu xa đằng sau vòng thử thách cởi trần đứng giữa đấu trường của đợt tuyển quân này cũng đã được chàng thấu rõ.

Thu Đào thấy hai người cứ nói qua nói lại một thôi một hồi vẫn chưa có cách gì đối phó với Lê Nghi Dân, nàng sốt ruột:

- Tên thích khách ấy là ai, hắn quan tâm thiếp hay không thì mặc kệ! Điều quan trong là phải làm sao ngăn chặn Lạng Sơn Vương làm hại Hoàng Thượng và Kim Ngọc. Động cơ tạo phản của hắn quá rõ ràng rồi, hai người còn suy đoán làm gì nữa?

Lê Nhân Tông nhìn Thu Đào, chàng híp đôi mi lại hỏi giọng dò xét:

- Vì sao nàng cứ chắc chắn đó là Lạng Sơn Vương? Tân Bình Vương Lê Khắc Xương cũng là hoàng tử của phụ hoàng, huynh ấy cũng có động cơ lật đổ Trẫm vậy?

- Thiếp.. - Thu Đào phùng má định giải thích.

Câu nói bị bỏ dở, Thu Đào chỉ còn biết thở dài. Bởi theo tình thế hiện nay thì đúng là Tân Bình Vương Lê Khắc Xương cũng có động cơ giống hệt Lê Nghi Dân.

- .. Để thiếp suy nghĩ thêm đã. Thiếp chắc chắn sẽ tìm ra chứng cứ vạch mặt Lê Nghi Dân!

Mảnh vỡ của chiếc bình vôi đựng dầu từ nãy đến giờ vẫn nằm yên trên bàn như sắp bị quên hẳn đi. Chợt Thu Đào nhìn thấy nó và ánh mắt nàng sáng lên tia hi vọng. Bước đến cầm lấy mảnh vỡ quan sát hồi lâu, Thu Đào khẳng định chắc nịch:

- Thiếp chẳng những sẽ lừa được Lê Nghi Dân ra mặt, mà còn lôi cả cái tên thích khách đêm hôm ấy ra cho hai người xem!

* * * Hết chương 44 ----

Chú thích:

1 (*). Gốm thấu quang: Hay còn còn gọi là sứ thấu quang, là dòng sứ cực kỳ mỏng, chất sứ rất tinh khiết, phải đạt tới khả năng ánh sáng đèn có thể xuyên qua được lớp sứ. Sứ thấu quang được ứng dụng để sản xuất các kiểu đèn trang trí, đèn ngủ trong cung đình thời phong kiến. Hiện nay làng nghề Bát Tràng vẫn còn sản xuất loại gốm này trong việc sản xuất các loại đèn ngủ, đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK