• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thừa Càn Cung vào đúng ngọ luôn vắng vẻ im lặng. Trước nay, các cung nữ thái giám hầu hạ Lê Nhân Tông luôn được cho phép nghỉ ngơi một canh giờ vào lúc đúng ngọ như là một đặc ân dành cho những người có công đầu trong việc chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho vua.

Hôm nay vẫn không ngoại lệ, giữa đại sảnh chỉ có thừa tướng Lê Thụ đứng cúi đầu chờ nghe đối sách của Nhân Tông. Ngoài cửa phòng, ngự tiền thị vệ Phan Tường đứng canh giữ cho vua và thừa tướng bàn luận việc cơ mật.

Cầm tấu sớ của tri huyện Thọ Xuân do Lê Thụ dâng lên, vị vua trẻ khẽ chau mày đầy suy tư. Hiện trong dân gian đang truyền tai nhau một bài thơ châm biếm:

"Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa,

Bất thức hà nhân chủng bảo đa.

Chủ kháo Tống khai vi linh dược,

Cựu binh tân tửu thịnh y khoa."

(Dịch:

"Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa

Dòng máu ai đây quý báu à?

Núp bóng Thái Tông làm linh dược

Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha")

Xếp bảng tấu sớ để xuống bàn, Lê Nhân Tông nhìn thừa tướng Lê Thụ bằng đáy mắt trống rỗng:

- Các triều thần hôm nay phản ứng thế nào?

- Bẩm Hoàng Thượng, chỉ vài ngày gần đây khắp huyện Thọ Xuân già trẻ lớn bé đâu đâu cũng nghe dân chúng bàn tán về bài thơ này. Triều thần kẻ tin người nghi, thần đã truyền lệnh cho quan tri huyện Thọ Xuân điều tra làm rõ bài thơ này là bắt nguồn từ đâu. Mười ngày sau thần sẽ cho Hoàng Thượng câu trả lời. Nhưng.. - Lê Thụ đang nói bỗng nhiên ngập ngừng, e dè nhìn Nhân Tông. Đoạn ông đánh bạo nói hết ra những nghi ngại trong lòng:

- Hoàng Thượng! Xin Người hãy mau chóng đưa ra bằng chứng để bố cáo thiên hạ rằng Thái Hậu hoài thai chín tháng mới sinh ra Hoàng Thượng! Chỉ có như vậy mới phục chúng được.

Nhân Tông nghe xong im lặng trong giây lát, chàng khẽ liếc mắt nhìn sang bức màn ngăn cách đại sảnh và hậu điện – Nơi Thu Đào đang nấp trong đó, và có lẽ đã nghe hết những gì thừa tướng Lê Thụ bẩm báo. Đoạn chàng đứng lên đi đến trước mặt Lê Thụ, đưa tay lên vỗ vai ông ta và nói giọng cảm kích:

- Lê thừa tướng! Đa tạ ông trước nay luôn đứng về phía Trẫm! Yên tâm, ba ngày sau Trẫm nhất định cho ông lời giải thích ổn thõa!

Lê Thu nhận được cử chỉ thân tình của vua trong lòng cảm động, ông quỳ sụp xuống mà bày tỏ lòng trung thành:

- Thần nguyện vì Đại Việt và Hoàng Thượng mà quyết làm rõ việc này, sớm ổn định lòng dân để Hoàng Thượng được an lòng!

Sau lời vái chào cáo lui của Lê Thụ, Thừa Càn Cung chìm trong cái im lặng nặng nề, im lặng đến nỗi vị thừa tướng đáng kính ước chừng đã ra đến cửa cung nhưng tiếng bước chân vẫn còn vang lên rõ rệt xoáy vào lòng Thu Đào nhức nhối:

- Chuyện này quả thật đã đến! – Thu Đào tựa lưng vào vách ngửa mặt lên trời khẽ thốt lên.

Nàng vẫn đứng im nghe ngóng. Hơi thở nặng trĩu của Lê Tuấn bất chấp không gian mà truyền vào tai Thu Đào rõ rệt tựa như đang phát ra từ chính tâm khảm của nàng. Thời gian chậm rãi trôi qua, đủ lâu để ai đó uống hết một tách trà và cảm thụ được hết hậu vị đắng ngọt của nó.

- Đào Biểu! Mau dọn ngọ thiện!

Lê Nhân Tông lên tiếng gọi Đào Biểu, chân bước đến phía Thu Đào đang đứng sau bức màn.

* * *



Tẩm điện của Tuyên Từ Thái Hậu thuộc Thọ Khang Cung, chỉ cách An Khánh Điện một con đường nhỏ dài chưa quá trăm bước chân, hai bên vệ đường trồng đầy Tử Thảo – một loại cỏ cho hoa nhỏ màu tím quanh năm bất kể ngày hè thiêu đốt hay trời đông rét cắt da cắt thịt.

Xế chiều, mặt trời dần khuất sau mái ngói thanh lưu ly xanh biếc để lại một khoảng trời đỏ rực bao phủ khắp bầu trời Thọ Khang Cung. Thái Hậu ngồi trên chiếc phản dài trãi chăn bông màu vàng rực rỡ, hai chân hơi co lại nằm sóng đôi nhau. Bà tựa hẳn lưng ra phía sau, khuỷu tay tỳ lên chiếc gối kê cao, mu bàn tay đỡ lấy thái dương, mắt nhắm hờ, thản nhiên chờ đợi..

- Hoàng Thượng giá đáo!

Giọng viên thái giám gác cửa vang lên bất chợt phá tan bầu không khí đang yên tĩnh. Thái Hậu như đã biết trước, bà vẫn thản nhiên ngồi đó lắng nghe tiếng bước chân của Nhân Tông đang đều đều càng lúc càng gần. Chàng đứng lặng lẽ trước mặt Thái Hậu quan sát một lúc lâu, vừa là để thăm dò thái độ của mẹ, vừa để suy nghĩ nên mở lời như thế nào. Thấy Hoàng Thượng mãi không lên tiếng, Thái Hậu chậm rãi mở mắt rồi ngồi thẳng lại chỉnh trang tư thế, đoạn nói:

- Việc hôm nay hẳn đã làm con lo nghĩ nhiều rồi, đến nổi gặp bổn cung cũng quên hành lễ!

Lê Nhân Tông nhìn Thái Hậu bằng ánh mắt hồ nghi, chàng hành lễ bằng câu nói sáo rỗng chẳng mang một ý nghĩa gì ngoài thể hiện quy cũ khô khan chốn cung đình:

- Mẫu hậu vạn phúc!

Thái Hậu khẽ gật đầu như thường ngày, bà bình thản nâng tách trà lên nhấp một ngụm rồi im lặng chờ đợi câu hỏi từ con trai mình. Không thể trì hoãn thêm, Lê Nhân Tông dùng lời lẽ thận trọng trực tiếp thưa với mẹ:

- Mẫu hậu! Trẫm sinh vào mùng chín tháng sáu năm Đại Bảo thứ hai (1441). Theo ghi chép của Nội Giám Phủ, mẫu hậu nhập cung hầu hạ tiên đế vào tháng chạp năm Đại Bảo thứ nhất (1440).. Dám hỏi mẫu hậu..

Càng đến đoạn cần hỏi thì giọng nói của Nhân Tông càng nhỏ lại như để né tránh. Vốn là một người cẩn trọng, trước khi đến chất vấn Thái Hậu, chàng đã kỹ càng dùng nửa ngày để đọc lại sổ sách tại Nội Giám Phủ. Ngày tháng nhập cung của Thái Hậu năm xưa đập vào mắt từng chữ một như có ai đó tạt thẳng vào mặt chàng một gáo nước lạnh. Từ lúc trưởng thành hiểu chuyện đến nay, Lê Nhân Tông tất nhiên biết Thái Hậu năm xưa đã tranh giành quyết liệt như thế nào mới có được hoàng vị của chàng ngày hôm nay. Việc Thái Hậu hãm hại Lệ Phi bị phế vị (*), bức ép Ngô Tiệp Dư xuất cung nương nhờ cửa Phật, chàng đã nghe không ít. Bởi thế, Nhân Tông luôn đối đãi thật hậu với Lê Nghi Dân và Lê Hạo, hành xử khiêm tốn thận trọng mong thay mẹ bù đắp lại chút ít cho hai vị huynh đệ cùng cha. Thái Hậu vì con trai của mình làm bao nhiêu chuyện trái lương tâm chàng đều biết, đều âm thầm thay mẹ làm nhiều việc tốt mong chuộc lại nghiệp chướng. Nhưng lần này mọi việc đã vượt quá giới hạn, làm loạn huyết thống hoàng thất là tội lớn, Nhân Tông tự cảm thấy hổ thẹn với Lê Nghi Dân, với Lê Hạo, quyết tâm làm cho rõ ràng đen trắng, dẫu có mất cả hoàng vị chàng cũng chấp nhận.

Thái Hậu như đọc được nỗi khổ trong lòng của chàng, bà âu yếm nhìn con giải thích:

- Hoàng Thượng có thể nghi ngờ bổn cung bất cứ điều gì, nhưng con tuyệt đối không được nghi ngờ thân phận của mình! Bổn cung thề có trời đất làm chứng, Lê Bang Cơ con đích thị là con cháu của Thái Tổ, nếu có sai lời cho vạn tiễn xuyên tâm, voi giày ngựa xéo, bổn cung sẽ chết không toàn thây!

Lời thề độc của Thái Hậu cũng chưa đủ sức thuyết phục, vì so với ngày nhập cung năm xưa thì rõ ràng bà chỉ mang thai Nhân Tông sáu tháng đã sinh. Việc này quá vô lý để chấp nhận được, chàng cố kiềm nén cơn sóng dữ trong lòng, phất mạnh tay áo ra sau lưng và hỏi Thái Hậu giọng hồ nghi ấm ức:

- Thái Hậu! Người xem Trẫm là đứa trẻ lên ba sao? Trên đời làm gì có ai mang thai sáu tháng đã sinh chứ?

Đứng trước chất vấn của Lê Nhân Tông, Thái Hậu khẽ ngước lên nhìn con trai vẻ đăm chiêu. Bà vốn không muốn nhắc đến những sai lầm thời còn trẻ dại, nhưng nay có vẻ không đưa ra lời giải thích thõa đáng thì chẳng những tình mẫu tử bị tổn thương, mà ngôi vị của Nhân Tông cũng phần nào bị lung lay.

- Ta đã quen biết tiên đế trước khi vào cung! – Bà hạ giọng miễn cưỡng thừa nhận hành động vi phạm lễ giáo của mình trong quá khứ.

- Ai có thể chứng minh lời của mẫu hậu nói là thật?

Nhân Tông tiếp tục đào sâu thắc mắc, bởi chàng hiểu chẳng thể nào đứng trước quần thần lại đưa ra câu trả lời không đầu không cuối thế này được. Thái Hậu tiến gần đến nhìn thẳng vào mắt Nhân Tông quả quyết:

- Trên đời này chỉ có hai người có thể chứng minh Hoàng Thượng đúng là con cháu hoàng tộc. Một, chính là Thái Tông Hoàng Đế - phụ hoàng của con! Chẳng lẽ Người là thiên tử lại hồ đồ đến mức không biết bổn cung có phải mang thai con của mình hay không sao?

Thái Tông nay đã không còn tại thế, chẳng thể nào giúp chàng giải nổi oan khuất, sốt ruột trước cách ăn nói mập mờ của Thái Hậu, Nhân Tông sốt ruột hỏi dồn:

- Người thứ hai là ai?

Lại im lặng một lúc lâu, Thái Hậu mới trả lời trong tiếng thở dài:

- Lê Mỹ Nhàn, tiểu thiếp thứ năm của Nguyễn Trãi! Trong án tru di mười lăm năm trước nàng ta đã được cướp ngục cứu thoát, nay đã lưu lạc phương nào bổn cung cũng không biết!

* * *

Như đã nhận lời Lê Tuấn trước đây, ngày Thu Đào chính thức vào cung làm tú nữ cũng chính là ngày Lê Hạo cùng Ngô phu nhân hồi cung. Lê Tuấn hạ chiếu phục vị cho Ngô phu nhân thành Ngô Thái Sung Viên (*), ban điện Thừa Hoa để bà an hưởng phần đời còn lại.

Lê Hạo đi chầm chậm sau lưng mẹ bước vào tẩm điện sau một ngày mệt mỏi với vô số nghi thức rườm rà. Ngô phu nhân mắt đỏ hoe lặng nhìn từng ngóc ngách trong Thừa Hoa Điện, bà cảm động quay lại nhìn Lê Hạo cố kiềm nén tiếng khóc vì cảm động:

- Hoàng Thượng có lòng rồi! Mẹ sẽ chọn một ngày tốt đến tạ ơn Hoàng Thượng!

Ngạc nhiên trước biểu cảm của mẹ, Lê Hạo khẽ nắm tay vỗ về, rồi dịu dàng hỏi:

- Điều gì làm mẹ cảm động đến như vậy?

Đưa tay lau một giọt nước mắt đang chực chờ nơi khoé mắt, bà cười hiền, mắt xa xăm vô định mà đáp:

- Thừa Hoa Điện là nơi ở của mẹ khi còn là Sung Viên của tiên đế, mọi bày trí ở đây gần như không có thay đổi gì! Đây chắc chắn là Hoàng Thượng cố tình sắp xếp!

Lê Hạo khẽ "ồ!" lên một tiếng với giọng cảm kích pha lẫn ngạc nhiên thích thú:

- Tam ca quả nhiên là một vị vua hiền! - Lê Hạo nhìn mẹ nói như reo.

Ngô phu nhân cũng gật đầu xác nhận.

Nụ cười trên môi của Lê Hạo chưa kịp tắt, Phan Tường không biết ở đâu bất ngờ xuất hiện ngoài cửa tẩm điện. Tuy cách một lớp cửa nhưng Lê Hạo vẫn nghe rõ tiếng thở dồn dập của hắn, cứ như thể Phan Tường vừa chạy một mạch mấy dặm đường để vào cung vậy!

- Bình Nguyên Vương, Phan Tường có việc gấp cần bẩm báo!

Lê Hạo nhìn theo cái bóng đen đứng chấp tay bẩm báo ngoài cửa, chàng khẽ nhíu đôi mày hỏi lại:

- Có việc gì mà trời đã tối ngươi còn đến tìm bổn vương?

Phan Tường giọng như hối thúc:



- Hôm nay mạt tướng theo hầu Hoàng Thượng nên biết tiền triều có biến! Nay cả gan mời Bình Nguyên Vương ra ngoài để thần bẩm báo!

Ngô phu nhân hiểu ý bèn xua tay nói:

- Con mau giải quyết việc của triều đình đi, mẹ muốn nghỉ ngơi sớm!

Lê Hạo vừa từ biệt Ngô phu nhân rồi bước ra cửa, Phan Tường liền ghé tay chàng thì thầm điều cơ mật. Đôi mắt chàng liên tiếp chuyển biến từ thắc mắc hồ nghi đến bàng hoàng kinh ngạc khi nghe từng lời từng chữ từ đang văng vẳng bên tai.

- Sao lại như thế được? - Lê Hạo nhìn Phan Tường trân trân rồi thốt lên khẽ khàng vì sợ ai đó nghe thấy.

Tay trái đấm vào tay phải một cái rõ mạnh, Lê Hạo thở hắt ra một hơi nặng nhọc. Đoạn chàng nhìn Phan Tường dặn dò:

- Ngươi lập tức báo với Đinh Liệt mau phân phó cho thuộc hạ trấn giữ biên cương, còn ông ta phải chuẩn bị sẵn một vạn quân chờ lệnh của bổn vương. Phòng có kẻ lợi dụng chuyện huyết thống mà tạo phản, một vạn quân đó trong vòng hai ngày phải về hoàng thành bảo vệ Hoàng Thượng!

- Mạt tướng tuân lệnh!

Phan Tường đáp xong liền xuất cung đi báo tin cho Đinh Liệt.

Lê Hạo khẽ quay đầu nhìn vào tẩm điện một lần, phân vân không biết có nên hỏi Ngô phu nhân về việc năm xưa Thái Hậu nhập cung như thế nào hay không. Nhưng suy đi nghĩ lại chàng quyết định tự mình điều tra trước để tránh cho mẹ khỏi phải va chạm với Thái Hậu hoặc nhớ về quá khứ mà buồn phiền.

Trăng đã lên cao. Một gốc hoa quỳnh Lê Hạo cất công mang vào cung giữa đông không nở hoa, chỉ còn trơ trọi tấm thân gầy rộc đang uốn lượn gồng mình chống chọi với sương đêm lạnh lẽo, chờ đến hè để gặp lại những đóa hoa trắng muốt ngát hương. Chàng đưa tay lên khẽ vuốt ve một thân cây xanh biết gai góc, đoạn cười nhạt tự nhủ:

- Đẹp đến mấy cũng chỉ nở một đêm ngắn ngủi, cớ sao ta cứ phải trông đợi để nhìn thấy hoa của ngươi? Ta thật ấu trĩ ngu ngốc!

Sau tiếng thở dài, Lê Hạo tự kéo mình về thực tại, chàng về phòng riêng lấy tấm áo choàng có mũ trùm che kín đầu khoát lên rồi vội vã đi đến Thừa Càn Cung.

* * *

Thu Đào trở về Diên Ninh Cung sau buổi ngọ thiện cùng Lê Tuấn, nàng không thôi day dứt trong lòng khi nghĩ đến ánh mắt ưu tư của chàng trong lúc dùng bữa. Dù cố tỏ ra vui vẻ, lâu lâu lại gắp bỏ vào bát cho Thu Đào miếng rau miếng thịt, nhưng bản thân chàng lại chẳng có vẻ gì quan tâm đến việc ăn uống, chỉ qua loa vài đũa rồi dùng một bát canh sâm là xong. Câu hỏi "Làm thế nào để giúp chàng?" cứ quanh đi quẩn lại làm Thu Đào chẳng thể chú tâm vào việc gì khác được.

- Á! Xin lỗi tiểu thư, thêu xong chiếc khăn này em sẽ giặt thật kỹ cho cô!

Tiếng kêu khẽ của Xuân Mai khi vô tình bị kim đâm trúng tay cùng lời nhận lỗi của nàng ta làm Thu Đào giật mình bừng tỉnh. Nàng nhìn Xuân Mai nét mặt méo xệch đang cầm chiếc khăn tay bị dính một giọt máu đỏ tươi, ánh mắt khẽ lay động rồi chợt sáng lên tia hi vọng. Thu Đào không quan tâm gì đến chiếc khăn tay, nhoài người tới thật gần Xuân Mai hỏi nhỏ:

- Xuân Mai, trong dân gian em có từng nghe đến việc làm thế nào để biết được quan hệ huyết thống giữa hai cha con, hai mẹ con hoặc anh em không?

Vốn là một tỳ nữ bình thường không biết gì về chính sự, Xuân Mai tất nhiên không hiểu nguyên nhân vì sao lại bị hỏi một câu vừa lạ vừa khó, nàng tròn mắt ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời Thu Đào:

- Sao tiểu thư lại quan tâm đến việc ấy? Em chỉ biết sẽ dựa vào diện mạo, nếu chưa tin thì có thể tính toán thời gian khi mang thai! Ngoài ra thì em không biết cách nào nữa cả!

Thu Đào lại càng ngạc nhiên hơn khi là người thời cổ mà Xuân Mai lại không biết đến cách mà nàng vừa nghĩ ra do trót xem phim cổ trang hơn một trăm tám mươi phút một ngày, như cái cách dân cư mạng thường đùa giỡn với nhau. Thu Đào chớp chớp đôi mắt to đen láy hỏi xác nhận:

- Sao? Em chưa từng nghe nói đến "nhỏ máu nhận thân" à?

- Nhỏ máu nhận thân là gì? - Xuân Mai bày ra bộ mặt tò mò hỏi lại.

Thu Đào nhíu mày cố gắng giải thích rõ hơn một chút:

- Đại khái là hai người cùng nhỏ một giọt máu vào bát nước sạch, hễ là người có cùng huyết thống hai giọt máy ấy sẽ hòa vào nhau!

Xuân Mai nghe xong vẫn trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu:

- Quả thật em chưa bao giờ nghe nói, có thể do em hiểu biết nông cạn, tiểu thư thử hỏi đại nhân xem, hoặc những ai đọc nhiều sách như nhị tiểu thư, tứ điện hạ ấy!

Thu Đào "à!" một tiếng rồi gật gù đồng ý.

Cuộc sống này thật sự có nhiều điều con người không thể nào ngờ đến. Tùy theo văn hóa của từng quốc gia, dân tộc, có những việc chúng ta vô tình bị nhồi nhét vào đầu từ tấm bé nên nghĩ là nó đúng, nghĩ nó là chân lý, nhưng sự thật có khi ngược lại hoàn toàn. Chẳng hạn như việc "nhỏ máu nhận thân" của Thu Đào vậy! Qua phim ảnh, cứ tưởng phương pháp này rất thịnh hành thời cổ, nào ngờ "phỏng vấn" ngay một vị cô nương sống triều Hậu Lê thì lại bảo chưa từng nghe nói bao giờ! Thu Đào thật sự bị kinh ngạc và nôn nóng gặp được những người khác để kiểm chứng, rằng những con người sống ở thời đại này có thật là chưa nghe qua cách kiểm tra huyết thống này hay không, vì chỉ dựa vào một mình Xuân Mai cũng chưa chắc là đúng.

Ngoài ra, theo một tài liệu y học cổ đại mà Trà My khi làm nhân viên quản lý thư viện tình cờ đọc được, việc nhỏ máu để xác định quan hệ huyết thống thực chất chỉ được nói đến trên phim ảnh là nhiều, chưa có ghi chép nào có thấy cách làm này được áp dụng rộng rãi trong giới y học cổ hết. Xét về mặt khoa học thì cách làm này tuy cũng có áp dụng nguyên lý cùng nhóm máu sẽ hòa tan, khác nhóm máu sẽ không hòa tan, nhưng vấn đề là cha mẹ chưa chắc có cùng nhóm máu với con cái bởi vì còn sự ảnh hưởng của các gen lặn của cha và mẹ nữa. Vì vậy cách này dẫu có thực hiện đi nữa thì kết quả cũng không đáng tin cậy.

Đêm đông sương lạnh, nến trong phòng đã cháy gần hết chỉ còn lại ngọn lửa yếu ớt khẽ lay động mỗi khi có cơn gió vô tình luồng vào song cửa. Xuân Mai kéo chăn đắp lên tận cổ cho Thu Đào xong cũng nằm xuống chiếc phản bên cạnh mà nghỉ ngơi, tiếng thở vang lên đều đều báo hiệu một giấc ngủ ngon lành.

Thu Đào nằm trên giường hết xoay sang trái lại xoay sang phải, không tài nào chợp mắt, tâm trí cứ đắm chìm trong vô vàn câu hỏi:

- Làm thế nào để chứng minh Lê Tuấn là con của Thái Tông đây? Lê Nhân Tông có phải là con ruột của Lê Thái Tông hay không? Bí mật này đến tận thời hiện đại các sử gia vẫn còn đặt dấu chấm hỏi thì làm sao mình biết được đây? Nhỏ máu nhận thân rốt cuộc có được tin cậy ở thời đại này không nhỉ?

Trong lúc chuyển người nằm nghiêng cho đỡ mỏi, tay nàng bất chợt chạm vào quả cầu lông chim trên đầu giường. Cầm món đồ chơi do Lê Tuấn tặng trong tay, Thu Đào vuốt vẽ từng sợi lông vũ mịn như tơ thầm nghĩ:

- Có lẽ giờ này chàng đang buồn phiền lắm! Làm vua cũng chưa chắc là chuyện vui vẻ nhất đời người!

Đưa mắt nhìn ra cửa, rồi lại nhìn về phía Xuân Mai đang thở đều đều, Thu Đào rón rén bước xuống giường, nàng mặc thêm hai lần áo giao lĩnh trong dài ngoài ngắn, khoát tấm áo choàng dài chạm gót chân cho ấm, mái tóc dài chỉ cột nửa tóc bằng một chiếc nơ màu thiên thanh tao nhã. Đoạn Thu Đào cầm theo đèn lồng lén ra khỏi phòng..

Thiếu nữ tuổi mười lăm vẫn thường như thế, tình cảm ngây thơ vụng dại, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì! Nhớ đến chàng thì cứ thế mà đi tìm chàng, cần chi để tâm việc khác? Nghe đâu đó từng có câu: "Thanh xuân như một cơn mưa rào. Dù có bị ướt ta vẫn muốn đắm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa!" Đúng vậy! Trà My đã hai mươi lăm tuổi, cũng bị vị đắng tình yêu làm cho đảo điên tâm trí một lần rồi. Ấy vậy mà lần thứ hai được trở về cái tuổi mười lăm xinh mộng này, nàng vẫn chọn một lần nữa đi theo tiếng gọi của trái tim kia kìa!

* * *



Bước ra khỏi Thọ Khang Cung, Lê Tuấn thấy lồng ngực nặng trĩu như đá đè. Chàng lệnh cho Phan Tường và Đào Biểu cùng các cung nữ thái giám theo hầu lui về trước rồi một mình đi đến Thái Miếu trong Điện Lam Sơn.

Khi còn tại vị, Lê Thái Tổ (*) dù đóng đô tại Thăng Long nhưng lòng vẫn hướng về quê hương tại Thanh Hóa, Lam Sơn, ông đã cho xây dựng nơi ở riêng trong cung, bày trí theo phong cách nhà ở riêng của mình khi xưa, đặt tên là điện Lam Sơn. Khi Thái Tổ qua đời, điện Lam Sơn được trùng tu thành một tòa Thái Miếu, bài vị của Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông đều được thờ phụng tại đây.

Cắm ba nén hương vào bát, Lê Tuấn cung kính cúi đầu lạy ba lạy. Đoạn chàng đứng lên hít một hơi sâu để kiềm nét u uất trong lòng, thầm khấn nguyện:

- Tiên đế, Thái Tổ! Nhi thần lẽ nào lại không phải là con cháu họ Lê? Nếu quả thật như thế, nhi thần xin tổ tiên họ Lê chỉ điểm, giang sơn này xin hoàn về cố chủ! Còn nếu nhi thần là huyết thống hoàng thất, cũng xin tiên đế và Thái Tổ phù hộ cho nhi thần sớm vượt qua biến cố, ổn định lòng người, tránh nạn loạn đảng tạo phản mà khổ cho muôn dân!

Lê Tuấn đứng trước bài vị một lúc lâu như đang chờ đợi điều gì. Quả nhiên ít lâu sau, Lý Lăng (*) – Chỉ Huy Sứ Mã Bế Vệ bước vào chấp tay hành lễ, đoạn thưa:

- Hoàng Thượng! Thần đã phụng mệnh điều tra được, quả nhiên năm xưa hai tiểu thiếp đang mang thai của Nguyễn Trãi đã được cứu..

Lê Tuấn vẫn đứng xoay lưng về phía Lý Lăng mà nghiêng đầu qua lắng nghe. Thấy thái độ ngập ngừng của Lý Lăng, chàng cũng chậm rãi hỏi:

- Có điều tra được là ai đã cứu họ không?

Lý Lăng khẽ liếc mắt lên nhìn Lê Tuấn một cái, rồi đành tặc lưỡi nói tiếp:

- Bẩm Hoàng Thượng, dựa vào mối giao tình của Nguyễn Trãi và Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Công Duẫn năm xưa, ông ấy đã dùng quyền canh giữ trong ngoài hoàng thành mà lén mở đường cho người khác vào cướp ngục. Nay Đô Chỉ Huy Sứ đã qua đời, tung tích của hai vị phu nhân và hai đứa trẻ đó e là chỉ có con trai duy nhất của ông ấy nắm rõ..

Nghe xong, Lê Tuấn lập tức quay lại nhìn thẳng vào Lý Lăng, ánh mắt chàng khẽ động ra chiều suy tư. Bởi vì Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Công Duẫn năm ấy chỉ có một người con trai ra làm quan cho triều đình, giữ chức đội trưởng Cấm Vệ Quân, người duy nhất có đủ sức nội ứng ngoại hợp mà cướp ngục thành công, nay đã thăng làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ - Nguyễn Đức Trung!

* * * Hết chương 27 ----

Chú thích:

1. (*) Lệ Phi bị phế vị: Ý chỉ Dương Thị Bí, lúc xưa ỷ sủng sinh kiêu nên bị Thái Hậu dùng mưu kế hãm hại khiến Thái Tông không còn yêu thích bà. Dương Thị Bí bị Thái Tông phế làm thứ dân, tước bỏ ngôi vị Thái Tử của Lê Nghi Dân.

2. (*) Sung Viên: Là một cấp bậc trong hậu cung triều Lê Sơ.

Các cấp bậc hậu phi lúc bấy giờ như sau:

Tam phi (三妃) gồm:

Quý phi (貴妃), Minh phi (明妃), Kính phi (敬妃).

Cửu tần (九嬪) gồm:

A. Tam chiêu (三昭): Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛).

B. Tam tu (三修): Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛).

C. Tam sung (三充): Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛).

Lục chức (六職) gồm:

Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Tuyên vinh (宣榮), Tài nhân (才人), Lương nhân (良人), Mỹ nhân (美人).

3. (*) Lê Thái Tổ: Tức Lê Lợi

4. (*) Lý Lăng: Cha của Lý Lăng là Lý Triện – là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn có công lớn, sau được Lê Lợi ban họ Lê. Sử còn gọi là Lê Triện và Lý Lăng cũng có tên khác là Lê Lăng.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK