NĂM: Nam Ẩn Viên
Sau khi trở thành Phò mã, Thiệu Đường được ban cho một chức quan danh nghĩa là "Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu*," một chức vụ nhàn hạ, bổng lộc rất cao, chỉ cần điểm danh là được.
Với ta thì có lẽ vì cảm thấy áy náy, Phụ hoàng cũng ban thưởng cho ta rất hậu hĩnh, bao gồm vô số điền trang, ruộng đất.
*Đại Phu: (chức quan to thời xưa, dưới quan khanh, trên quan sĩ)
Ta nói với Thiệu Đường:
"Hai chúng ta chỉ là đôi phu thê vô công rồi nghề đường đường chính chính hưởng thụ mồ hôi nước mắt công sức của nhân dân thôi.”
Thiệu Đường nghe vậy liền cười lớn, nắm tay ta nói:
"Được lợi mà còn giả bộ khiêm tốn, tiền tài bất khả. Sau này chúng ta phải hành xử khiêm tốn, không thôi người ta sẽ ghen tị. Ta và nàng chỉ có thể âm thầm mò bạc thôi*."
*Ý nói là đếm bạc nhưng tắt đèn nên chỉ có thể lần mò mà đếm
Ta không ngờ công tử như ngọc như Thiệu Đường lại có thể nói ra những lời tùy ý trêu đùa như thế, đếm tiền mà cũng phải lần mò cơ đấy.
Nhưng mà ở kinh thành chúng ta quả thực không quá gây chú ý, không phải đến mức cố ý tằn tiện nhưng việc nên làm thì làm, y phục nên mặc thì mặc, không làm rình rang khua chiêng gõ trống là được.
Có người trêu ghẹo Công chúa và Phò mã, hai nhân vật lớn như vậy phải tiêu xài phóng khoáng chút mới thể hiện được khí phách hoàng gia. Giờ hai người giữ bo bo cái núi vàng, dùng tiền cũng chi li cẩn thận, không phải là hai con tì hưu đầu thai đấy chứ.
Ai mà biết được là do nhất thời chúng ta không tìm ra được nên tiêu nhiều tiền vào đâu.
Dù ta đã gả vào Nghiêm gia rồi nhưng cũng chỉ coi như là đi lướt qua mà thôi, Nghiêm Đại học sĩ cũng chẳng phải là cha chồng thật của ta.
Phụ hoàng xây cho ta phủ Công chúa tráng lệ, ngay cả xe ngựa cũng đã được chuẩn bị hết rồi, Nghiêm Thiệu Đường cứ vậy hân hoan tung tăng vào ở, chỉ cảm thấy vạn sự như ý. Thiệu Đường nói:
“Làm một Phò mã, làm Phò mã của một Công chúa xinh đẹp, lại còn là làm Phò mã của một Công chúa vừa xinh đẹp vừa giàu có thật là chuyện không gì vui bằng!”
Ta vội bịt miệng chàng lại. Lời này để người ngoài nghe được kiểu gì cũng nói chàng không có tiền đồ.
Theo lý mà nói chúng ta sẽ tài trợ cho cô nhi viện, cứu giúp người nghèo, viện dưỡng lão hay là san sẻ gánh nặng với những gia đình nghèo khó có nhi tử hiếu học, nhưng loại chuyện này có chút ngại bị nói mua danh chuộc tiếng. Thân phận hai chúng ta như vậy cũng không tiện gióng trống khua chiêng. Bằng không người ta lại có cớ nghĩ ta là Công chúa đã là dựa vào danh nghĩa Hoàng gia rồi, chẳng lẽ giờ còn muốn dựa vào cả Nghiêm gia để lấy tiếng nữa? Không thì cũng sẽ suy đoán Nghiêm Thiệu Đường lợi dụng Công chúa để kiếm danh tiếng nhằm mục đích gì?
Thiệu Đường đề nghị, nếu chúng ta không dùng được tiền thì cứ ở trong thành ngây ngốc mãi cũng chán, mua một mảnh vườn ở ngoại ô thì sao.
Cứ như vậy, chúng ta đã xây một khu vườn lớn ở phía nam ngoại ô thành, gọi là Nam Ẩn Viên với mong muốn được khoái lạc ẩn cư “Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn*”.
*Đây là câu thơ trích trong bài Âm tửu kỳ 5, dịch thơ:
Giậu đông hái đoá cúc nhà
Nam sơn thanh thản cho ta ngóng về
Phòng ốc thì không có gì đáng nói, chỉ là cả ta và Thiệu Đường đều nghĩ rằng cách sắp xếp bố cục trong khuôn viên vườn không nên làm quá tinh xảo; tự nhiên, thú vị một chút mới tốt. Điều này đã khiến cho lão Trình gặp chút khó khăn.
Lão Trình là người hầu trong nhà Thiệu Đường trước đây. Sau khi phụ thân Triệu Đường qua đời, người hầu đã mỗi người một nẻo, chỉ có lão Trình là vẫn ở lại hầu hạ bên cạnh Thiệu Đường. Ông ấy xuất thân từ nhà nông, thái độ làm người cũng trung hậu, chất phác.
Ta và Thiệu Đường thành thân xong, ông ấy lại tiếp tục theo Thiệu Đường vào phủ Công chúa làm ít việc quản gia. Giờ đây chuyện trong Nam Ẩn Viên này đương nhiên sẽ phải giao cho ông ấy rồi.
Lão Trình hỏi ta thế nào mới là “tự nhiên, thú vị”.
Ta nghe vậy không cần nghĩ đã nói:
“Không cần câu nệ gì cả, chỉ cần những thứ chưa từng thấy ở trong cung và Nghiêm phủ như cỏ dại, hoa dại, cây dại mọc trên núi và ruộng lớn, thêm cả một ít cây ăn quả nhà nông nữa là được rồi.”
Lão Trình vỗ đùi cái đét nói hay, hóa ra là thế.
Thiệu Đường khen ta cái gì mà nương tử vừa thông minh vừa tài trí.
Ta bảo chàng bớt lẻo mép lại.
Chàng không gọi ta là Công chúa mà gọi nương tử.
Ở Nam Ẩn Viên ta nói hạ nhân gọi ta là phu nhân.
Ta thích làm Thiệu Đường phu nhân vì so với làm Công chúa thì thú vị hơn một chút.
Trong Nam Ẩn Viên mọc đầy hoa cúc dại vì ta nghĩ rằng có lẽ nơi đây không ưa mấy thứ hoa lộng lẫy được thợ làm vườn ở kinh thành tỉa tót cầu kỳ.
Ta còn trồng thêm một mảng lớn hoa cúc sao (thuộc loài thược dược dại). Loài hoa này sức sống rất mạnh mẽ, nghe nói sống được ở cả vùng Thổ Phồn, người địa phương gọi là Cát Tường.
Hoa cúc sao nở từ mùa xuân đến tận cuối thu, khô hạn hay ngập úng cũng chẳng sao, nở thành một biển hoa, trông rất hoành tráng.
Những chỗ khác thì ta cho trồng lộn xộn cây dâu dại, trà hoa dại... Khắp các góc là cỏ lan dễ sống, còn dưới hiên nhà là dạ lan hương thường thấy ở thôn quê.
Trên tường cây thường xuân bò kín, sáng sớm nở bung ra thành cả một mảng xanh mát.
Ven ao, cỏ lác đỏ mọc um tùm, điểm xuyết thêm nhiều loài như thạch hộc dại và mã lan.
Trong vườn còn dành riêng một góc để trồng cây ăn quả và rau củ. Trong đó giàn nho là đẹp nhất, đến mùa quả chín còn thu hút rất nhiều chim đến chơi.
Rất ít bàn tay con người can thiệp, chẳng có quy hoạch gì cả, lão Trình sai người cứ thế trồng tùy ý. Ta và Thiệu Đường vui mừng vỗ tay tán thưởng, rảnh rỗi thì chỉ thích nằm trong vườn, chẳng buồn đi đâu nữa.
SÁU: Không chỉ chúng ta mà đệ đệ của Thiệu Đường - Nghiêm Thiệu Phong, Nghiêm Thiệu Tuyên - cũng thích Nam Ẩn Viên.
Ban đầu là đệ đệ ruột của Thiệu Đường - Nghiêm Thiệu Phong - chạy thẳng đến vườn, sau lại thêm đệ đệ ruột của Nghiêm Thiệu Ngọc - Nghiêm Thiệu Tuyên - cũng làm ầm lên đòi đi theo.
Thiệu Phong lớn hơn Thiệu Tuyên mấy tháng nhưng về độ bướng bỉnh thì đúng là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, ông hầm ông hừ.
Hai người hùng trẻ này không biết tìm đâu ra một con rùa đen nuôi trong hồ. Mỗi khi đọc sách mệt là sẽ đi trêu rùa khiến cho con rùa vừa thoáng nghe thấy tiếng người là đã trốn vội vào dưới khóm lan dạ hương.
Đến mùa hè thì ăn dưa hấu. Nếu là ở Nghiêm phủ, nhất định dưa sẽ được cắt thành miếng tam giác nhỏ, bỏ hết hạt rồi đựng bằng đĩa sứ mạ vàng, xiên bằng cây tăm làm từ ngà voi.
Ở trong vườn này thì bổ dưa làm đôi, mỗi tiểu tử một nửa, mỗi người một cái muỗng để múc. Chúng còn vừa ăn vừa nhổ hạt dưa vừa bướng bỉnh giải thích cho hành động này là:
“Nghe nói người trên phố đều ăn vậy, bọn đệ chỉ muốn thử một lần mà thôi.”
Hạt dưa nhổ ra mọc rễ nảy mầm trong sân. Đến năm sau đó cây dưa đã kết quả, nhìn vẫn còn chưa chín lắm đã bị hai tiểu tử kia hái xuống. Đã vậy còn nói chưa từng ăn dưa ngon như vậy bao giờ. Thiệu Đường ăn thử một miếng, nói chẳng có mùi vị gì cả.
Trong vườn có rất nhiều muỗi. Trời nhá nhem tối ta phải sai người đốt ít ngải cứu, khói lan ra bao trọn cả khu vườn.
Kết quả hai tiểu tử này thừa lúc không ai để ý, cũng cầm cây ngải đã đốt lửa chạy loạn khắp nơi, còn bắt chước điệu múa đuốc của người Nam Man từng dâng lên trong điện một năm nọ, tay chân khua loạn, miệng thì hét ầm ĩ.
Tất cả đều là do người làm tẩu tử là ta cố ý dung túng, còn Thiệu Đường thì không chịu nổi nữa rồi.
Thực ra, ra khỏi vườn, hai tiểu thúc này trông cũng nghiêm túc không khác gì Nghiêm Thiệu Ngọc, chỉ khi ở trong vườn mới dám nghịch ngợm đôi chút.
Cuối cùng Thiệu Đường mời Tô lão phu tử đến Nam Ẩn Viên để "trấn áp" hai con khỉ nhỏ này.
Tô lão phu tử tên đầy đủ là Tô Vô Nhai, "vô nhai" trong câu "học hải vô nhai" (biển học vô bờ), học vấn uyên bác, không màng danh lợi, tính cách nghiêm túc, ít nói ít cười.
Nghiêm gia coi lão phu tử như thượng khách, đặc biệt kính trọng, xem như bậc hiền tài.
Tô lão phu tử thấy trong vườn có trồng rau quả liền hỏi lão Trình rằng trong đám hạ nhân có ai biết trồng đậu que không.
Lão Trình đáp: "Cái đó có gì khó đâu."
Lão phu tử nhớ quê, muốn ăn một loại đậu que của quê mình. Gần đây ông ấy có nhờ người mang được một túi hạt giống lên đây. Nhưng vì ông sống và dạy học ở kinh thành nên không biết trồng ở đâu, nay cuối cùng cũng tìm được nơi gieo hạt trong Nam Ẩn Viên.
Hạt giống quý giá, rốt cuộc lão phu tử vẫn không yên tâm giao cho hạ nhân nên ông nhân lúc rảnh rỗi sau giờ đọc sách dẫn Thiệu Phong và Thiệu Tuyên tự mình xới đất, bón phân, bắt sâu. Nói là để hai công tử hiểu được sự vất vả của việc trồng trọt.
Hai tiểu tử làm việc hăng say, vui đến quên trời quên đất. Đến mùa thu thì thu hoạch lớn, lấy thịt ba chỉ hầm chung với đậu thật thơm ngon vô cùng.
Hai tiểu tử này ăn như rồng như hổ, không đủ còn đòi thêm.
Lão phu tử nổi giận: "Công tử nhà ngươi ăn uống thế này... chỉ có ngần ấy đậu thôi mà cũng… hừ!"
Chuyện hai vị công tử được "nuôi thả" trong vườn nhà ta, ta ít nhiều cũng có phần áy náy.
Nhưng sự thật chứng minh ta đã đánh giá quá thấp Thiệu Phong và Thiệu Tuyên rồi.
Người khác hỏi, họ lại trả lời rằng ở Nam Ẩn Viên, Công chúa đã dạy họ hiểu thế nào là niềm vui tự nhiên, thế nào là sự sống sinh sôi, thế nào là đạo pháp tự nhiên, thế nào là nỗi vất vả của việc canh tác.
Ai nấy đều khen ta, nói xem ra Công chúa rất giỏi dạy dỗ hậu bối.
Trời đất chứng giám, xét cho cùng ta cũng chỉ lớn hơn Thiệu Phong và Thiệu Tuyên có mấy tuổi thôi mà...
Thiệu Đường nói hai đệ đệ này của chàng mồm mép như vậy, sau này nhất định sẽ thuận lợi trên đường làm quan.
Ta biết mình làm tẩu tử, lại là Công chúa mà không hề có chút uy nào trước mặt hai tiểu thúc, nhưng ta biết họ thực lòng yêu quý ta.
Thiệu Đường trước mặt ta thì cười nói dịu dàng, nhưng trước mặt hai người đệ đệ luôn không nhịn được mà tỏ ra uy nghiêm của bậc huynh trưởng.
Bộ dạng chàng nghiêm mặt trách mắng người khác trông cũng rất đáng sợ.
So ra thì tính tình ta vẫn dễ chịu hơn nhiều.
Khi ta mang thai, Thiệu Phong và Thiệu Tuyên sợ làm ồn đến ta nên không dám đến vườn chơi nữa.
Ta bảo họ đừng câu nệ, vườn mà thiếu họ thì không đủ náo nhiệt.
Con đầu lòng của chúng ta là nữ nhi. Để tiện mời thái y, trước khi sinh và lúc ở cữ ta ở trong phủ Công chúa, sinh xong hai tiểu thúc liền đến ở vườn để giúp trông nom cháu gái.
Nói là trông nom, thật ra đã có bà vú, ma ma lo liệu nên cũng chẳng đến lượt họ làm gì.
Nhưng hai con khỉ nhỏ đó lại có kiên nhẫn vô tận với đứa bé. Hai huynh đệ ngồi bên nôi yên lặng đọc sách, hễ đứa bé tỉnh, khóc, hoặc cử động thì lập tức đứng dậy gọi người. Có lúc còn hái hoa trong vườn chọc con bé vui. Hai tiểu cữu cữu lại còn đẹp mắt nữa, nữ nhi nhà ta nhìn họ thì luôn nhoẻn miệng cười.
Ngay cả cái tên của con bé cũng là họ đặt.
Vì muốn tìm được một cái tên đẹp mà hôm nay họ tìm thơ, ngày mai tra điển cố, còn đến chỗ Tô lão phu tử nhờ đánh giá xem ai đặt hay hơn, làm phiền lão phu tử đến đau đầu.
Cuối cùng, cái tên được đặt lại hết sức quê mùa: Nghiêm Vô Ưu.
Thôi thì mặc vậy. Cái tên ấy thể hiện lòng chúc phúc vô hạn của bậc trưởng bối đối với con cháu, ta và Thiệu Đường đành cắn răng mà chấp nhận.
Đến khi ta sinh nhi tử là Nghiêm Cảnh Minh, hai tiểu thúc mới không thể tiếp tục nghịch ngợm trong vườn nữa.
Con cháu Nghiêm gia khi đến khoảng mười sáu tuổi, qua một đêm liền trở nên trưởng thành, thành thục bước vào con đường làm quan, bắt đầu sống một cuộc đời nghiêm túc mà cẩn thận.
BẢY: Thế sự hỗn loạn
Mấy năm ta trốn ở Nam Ẩn Viên, bên ngoài kia đã xảy ra rất nhiều chuyện, ta đều làm bộ không để ý, không quan tâm.
Yêu cầu của Phụ hoàng đối với Thái tử càng nghiêm khắc, Thái tử càng mắc nhiều lỗi sai. Tiết Hoàng Hậu càng lúc càng đề phòng Nghiêm gia hơn, còn nảy sinh ý định muốn để nữ nhi Nghiêm gia làm Thái tử Trắc phi.
Tuy nhiên ngoài suy đoán của mọi người, cuối cùng Tam Hoàng tử lại cưới muội muội ruột của Nghiêm Thiệu Ngọc - Nghiêm Uyển Thù. Bỗng chốc quan hệ giữa Thái tử và Tam Hoàng tử lập tức trở nên căng thẳng.
Hành vi của Nhị Hoàng tử thì mỗi lúc càng trở nên kì quái hơn.
Vẻ ngoài hoàn mỹ không chút sơ hở của Tiết Hoàng hậu đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt.
Thái tử và Nhị Hoàng tử đều là con đẻ của Tiết Hoàng hậu nhưng lại không hề thân thiết với nhau. Tử nhỏ Thái tử đã được bồi dưỡng để trở thành Thái tử, vẫn luôn không dám làm bừa. Thế nên Tiết Hoàng hậu chỉ đành dành tình thương của người mẹ cho Nhị Hoàng tử nhiều hơn chút, nhưng đến khi Nhị Hoàng tử lớn lên rồi bà lại sợ Nhị Hoàng tử tranh giành với Thái tử.
Người ngoài nhìn vào thì có vẻ Nhị Hoàng tử rất được cưng chiều, thực ra lúc nào gã cũng bị áp đặt. Chờ đến khi ai cũng nhận ra tính cách hắn có chút quái dị thì cây đã thành hình, khó mà có thể uốn nắn được nữa.
Mẫu thân của Tam Hoàng tử xuất thân nghèo khó, cũng là cung nữ. Tuy nhiên mẫu thân hắn không được trải qua dạy dỗ dành cho cung nữ bên người Thái hậu như mẫu phi ta, thậm chí mẫu thân hắn còn không biết cả mặt chữ, ngay từ đầu vốn chỉ có thể làm việc chân tay.
Khi mới vào cung, mẫu thân Tam Hoàng tử còn nhỏ tuổi, hai năm sau đó dung mạo mới trở nên vô cùng diễm lệ. Nhờ đó được Phụ hoàng phát hiện ra, sủng hạnh vài lần thì có thai. Nhưng sau khi sinh nở xong, dẫu gì tuổi cũng vẫn còn quá trẻ, xương chậu quá nhỏ, khó sinh mà qua đời.
Từ đó về sau Tam Hoàng tử được bế đến giao cho Đức phi nuôi nấng. Đức phi tính tình dịu dàng, chỉ có điều là sức khỏe không được tốt cho lắm. Năm Tam Hoàng tử sáu tuổi bà cũng đã rời xa trần thế.
Thái hậu cảm thấy xót thương thay cho Tam Hoàng tử nên liền đón hắn về dạy dỗ bên người. Kết quả là ba năm sau Thái hậu cũng bệnh mà mất.
Người trong cung vụng trộm bàn tán nói hắn xui xẻo. Đúng lúc này Gia Quý phi đã đồng ý nhận hắn làm con mình.
Gia Quý phi xuất thân Tào gia, là võ tướng thế gia nhưng nàng tiếng cung đã nhiều năm vẫn mãi chưa thể sinh hạ một mụn con nào.
Tam Hoàng tử lớn hơn ta một tuổi. Trước khi ta xuất giá có từng nghe nói Gia Quý phi đã vì hắn mà chọn cô nương Tào gia làm chính phi. Có điều hình như hắn thực sự đem lại sự xui xẻo bởi vì không lâu sau đó Gia Quý phi cũng đã qua đời. Mà Vương phi vốn đã định cho hắn cũng bị Hoàng Hậu biến thành chính thê của Nhị Hoàng tử.
Chẳng ai ngờ tới Tam Hoàng tử đang chơ vơ kia lại có thể lấy được đích nữ Nghiêm gia. Không biết đây là hắn tìm ra đường đi trong ngõ cụt hay là một nước cờ của Nghiêm gia nữa đây.
Càng khiến người ta không ngờ tới nữa chính là Nghiêm Thiệu Ngọc lại cưới nữ nhi Tiết gia.
Tiết gia vẫn luôn coi Nghiêm gia là mối uy hiếp lớn nhất đối với mình. Cả hai nhà đều là quyền thần, hai phe Tiết - Nghiêm gần như chia triều đình thành nửa, mỗi bên thống trị nửa giang sơn. Từ thế cục mà nói, Tiết gia có vẻ mạnh hơn một chút, nhưng về thực quyền mà nói, Nghiêm gia lại có vẻ nhỉnh hơn. Hai kẻ đối đầu lớn nhất trên triều lại kết thành thông gia, đương nhiên là điều này khiến phụ hoàng rất vui.
Thái tử phi cũng là nữ nhi Tiết gia. Vậy là Thái tử và Nghiêm Thiệu Ngọc trở thành huynh đệ đồng hao.
Hoàng hậu thở phào nhẹ nhõm một chút, chỉ là chuyện tam hoàng tử cưới đích nữ Nghiêm gia vẫn khiến bà không vui, nhưng cuối cùng vẫn không thể nói gì được.
Dù sao Tam hoàng tử cũng xuất thân không tốt. Phụ hoàng đồng ý để tam hoàng tử cưới nữ nhi Nghiêm gia cũng không khỏi có ý cảnh cáo đối với Nghiêm gia.
Dù thế nào, mọi chuyện cũng giống như không liên quan gì đến ta. Ta chỉ yên lặng ăn tiệc cưới cùng Thiệu Đường thôi.
Sau khi Nghiêm Thiệu Ngọc thành thân, con đường làm quan của hắn lại càng thuận lợi hơn, đã bắt đầu đảm nhận chức vụ trong Lại bộ.
Những hậu bối khác trong Nghiêm gia cũng bắt đầu rèn luyện ở những vị trí phù hợp.
Cưới nữ nhi Tiết gia đại diện cho sự nhún nhường của Nghiêm gia. Bầu không khí căng thẳng trên triều đình dịu đi, phụ hoàng cũng bớt lo lắng khi sử dụng người Nghiêm gia hơn. Dù sao cũng không thể để Tiết gia tiếp tục bành trướng, cần phải kiềm chế lại.
Thê tử của Nghiêm Thiệu Ngọc, Tiết Nguyệt Hoa rất đẹp, rất có khí chất, viết chữ tiểu khải tinh tế, tài quản lý nội vụ cũng rất giỏi.
Còn ta thì không được như vậy. Phủ Công chúa là do phụ hoàng giao cho Trương công công và Lưu trưởng sử quản lý thay ta.
Nam Ẩn Viên dựa vào Tiểu Lê - cung nữ thân cận trước đây của ta - cùng với ma ma và lão Trình do mẫu phi đưa đến để chăm lo. Nghiêm gia cũng gửi vài quản sự đến giúp ta. Những trang viên khác đều do người của phụ hoàng cử đến quản lý.
Còn những việc khác, ta giao hết cho Thiệu Đường.
Ta chỉ biết sống một cuộc đời đơn giản, phức tạp hơn một chút cũng không được.
Thiệu Phong và Thiệu Tuyên trong vườn cũng chỉ có thể sống giản dị như vậy với ta. Còn ở phủ Nghiêm gia, dưới sự quản gia của Tiết Nguyệt Hoa, hai vị công tử mọi mặt từ ăn mặc, sinh hoạt đều toát lên sự sang quý.
Ta cảm thán trong lòng, Nam Ẩn Viên và Nghiêm Thiệu Đường mới là nơi phù hợp với ta, cũng như Nghiêm Thiệu Ngọc và Tiết Nguyệt Hoa mới xứng đôi.
Nghiêm Thiệu Ngọc chưa từng đến Nam Ẩn Viên, ngay cả một lần cũng chưa từng đặt chân tới.
Ta không ngại mời hắn đến, thậm chí còn từng nhắc với Tiết Nguyệt Hoa, đã là người một nhà, phu thê họ có thể thường xuyên đến Nam Ẩn Viên nhà ta làm khách chơi.
Tiết Nguyệt Hoa từ chối ta thay mặt Nghiêm Thiệu Ngọc với thái độ rất đoan trang:
"Thiệu Ngọc bận rộn công vụ, lại là người cứng nhắc, không thích vui chơi, có chút nhàm chán, để đệ muội chê cười rồi."
Nghe vậy ta cảm thấy rất xấu hổ.
Ta và Thiệu Đường quá nhàn rỗi, so với Nghiêm Thiệu Ngọc vì nước vì dân, dường như mùi vô dụng toả ra càng nồng hơn.
Vì vậy, mỗi lần gặp Nghiêm Thiệu Ngọc, ta đều thể hiện kính trọng một chút dù cũng không gặp hắn nhiều. Hắn cũng lịch sự hàn huyên với ta, lễ nghi chu toàn khiến ta cảm thấy không thoải mái, luôn khiến ta nhớ đến ma ma dạy dỗ nghiêm khắc duy nhất hồi nhỏ.
Nghĩ lại, trước đây hắn còn phải giả bộ tươi cười để đối phó với ta, thật có chút cảm thấy có lỗi.
Ta kể cảm giác này với Thiệu Đường, chàng nói đại ca chàng không đáng sợ như vậy.
Ta nói: "Ma không dọa người, người còn tự dọa mình. Đại công tử Nghiêm gia đúng là không tầm thường, chẳng trách phụ hoàng kiêng dè, cũng không trách được phụ hoàng muốn tính kế hắn."
Thiệu Đường nói: "Người tính không bằng trời tính, cuối cùng chẳng phải ta là người được lợi hay sao. Kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc."
Hừ, cuối cùng, ta lại thành món hời.
Thiệu Đường bồi tội với ta, còn vẽ mày giúp ta.
Thực ra, tài hoa của Thiệu Đường cũng xuất chúng, ta biết chàng là vì ta mà cam lòng làm kẻ vô dụng.
TÁM
Mấy năm gần đây mẫu phi đặt một bàn thờ Phật nhỏ trong cung, bình thường không bước chân ra ngoài nữa, thành tâm lễ Phật. Phụ hoàng biết cũng không thể hiện thái độ gì, chỉ nói xưa nay Hiền phi vẫn luôn thích yên tĩnh, nhân phẩm Công chúa và Phò mã cũng đáng quý, im lặng chút cũng tốt.
Thỉnh thoảng khi vào cung vấn an mẫu phi, ta và người sẽ cùng cơi vài ván cờ song lục.
Cờ song lục chính là mẫu phi đã dạy ta. Đêm trong cung dài đằng đẵng, song lục chính là công cụ gi thời gian hữu hiệu nhất. Cung nữ Mạt Hương bên người mẫu phi cũng đã sớm là một cao thủ cờ song lục. Dân gian coi song lục là trò cờ bạc đỏ đen nhưng trong cung đình hay khuê các vẫn rất phổ biến trò chơi này, dẫu gì thì cũng cần có thứ gì đó để chơi giải khuây.
Ta từng đùa với mẫu phi:
"Với kỹ nghệ của Mạt Hương, ra khỏi cung có thể dựa vào cờ song lục mà thắng được cả một gia sản lớn ấy."
Mạt Hương không chịu rời cung, nhất quyết ở lại bên cạnh mẫu phi. Nàng nói rằng nếu nàng rời đi, mẫu phi trong cung sẽ cô đơn lắm.
Thỉnh thoảng ta đem hoa quả từ Nam Ẩn Viên đến cho mẫu phi thưởng thức. Mẫu phi rất thích, bà luôn cầu nguyện trước Phật cho ta và Thiệu Đường được dài lâu.
Mẫu phi cảm thán rằng người hoàng gia có được một mối nhân duyên tốt thật chẳng dễ dàng. Ngay cả một người ít ra khỏi cung như bà cũng nghe phong thanh rằng nhị hoàng tử và thê tử của huynh ấy hình như không hòa hợp.
Tính khí của Nhị hoàng tử ai ai cũng biết. Nhiều người thầm thương cảm cho tiểu thư Tào gia nhưng ngoài mặt không ai dám xì xào bàn luận.
Tào gia cũng không thể lên tiếng thay nữ nhi, người ngoài càng chẳng làm được gì.
Nói cho cùng, việc tiểu thư Tào gia gả cho nhị hoàng tử, bề ngoài là do hoàng hậu Tiết thúc đẩy nhưng chiếu chỉ ban hôn lại là phụ hoàng hạ. Phụ hoàng dung túng Tiết hoàng hậu là để áp chế thế lực của các võ tướng.
Ta cố ý không tiếp xúc quá nhiều với gia quyến các hoàng tử, chỉ cần giữ mặt mũi và lễ nghi chu toàn là đủ.
Có một lần ta gặp Thái tử phi, nàng cố ý đến trò chuyện với ta:
"Nghe nói khu vườn của muội đầy vẻ đồng quê thú vị, rất độc đáo. Thế mà muội đây lại keo kiệt, không mời chúng ta đến thăm."
Ta đáp:
"Thái tử phi nói đùa rồi, khu vườn đó chỉ xây lung tung đầy muỗi lớn. Chỉ là phu quân ta đặc biệt yêu thích Đào Uyên Minh nên nhất quyết muốn sống ở đó, ta cũng không có cách nào."
Đẩy trách nhiệm sang Thiệu Đường chắc chàng sẽ không phiền đâu.
Thái tử phi nghe xong cười:
"Không ngờ Công chúa lại nghe lời Phò mã đến vậy."
Ta đáp:
"Phụ hoàng trước khi gả ta đi đã dặn đi dặn lại phải ‘xuất gia tòng phu ’."
Thái tử phi bất chợt hỏi:
"Vườn của muội có chim không?"
Ta không hiểu câu hỏi này có ý gì, bèn thật thà trả lời có.
Thái tử phi nói:
"Muội có biết rằng dưới tổ lật, làm gì còn trứng lành."
Nói xong, nàng vỗ nhẹ tay ta rồi rời đi.
Tổ có lành hay không ta không biết nhưng ta hiểu ý của thái tử phi.
Hiện tại chỉ có nàng và thái tử là lợi ích gắn kết chặt chẽ nhất. Nàng là biểu muội của thái tử, Tiết gia và thái tử không thể tách rời.
Còn như ta và Thiệu Đường, Nghiêm Thiệu Ngọc và Tiết Nguyệt Hoa, tam hoàng tử và Nghiêm Uyển Xu, nếu xảy ra biến cố lớn, trong phu thê nhất định sẽ có một gia tộc bị diệt vong.
Muốn bảo toàn bản thân một cách trọn vẹn, có lẽ phải từ bỏ người thân bên cạnh để chọn phe.
Nửa đêm tỉnh mộng, đôi khi ta nghĩ, ta và Thiệu Đường có thể trốn tránh được bao lâu? Hơn nữa, nếu không có ta, liệu Thiệu Đường có cơ hội để thể hiện tài năng của mình trong những biến động phong ba đó không?
Ta không kìm được mà kể lại lời của thái tử phi cho Thiệu Đường nghe.
Thiệu Đường hỏi:
"Nương tử sợ không?"
Ta đáp:
"Thiếp chỉ muốn trốn được ngày nào hay ngày đó."
Thiệu Đường nói:
"Ta sẽ trốn cùng nương tử, trần thế không trốn được thì đến bên kia bờ, mang theo Vô Ưu và Cảnh Minh. Nếu cảm thấy trong lòng áy náy vì thân làm cha mẹ, chúng ta sẽ mang lại thật nhiều niềm vui cho bọn trẻ. Thiệu Đường được làm phu quân của nương tử, tâm ý đã mãn nguyện, nguyện cùng nương tử đi chung một đường, không còn gì hối tiếc."
Ta không biết mọi chuyện có tồi tệ đến mức đó không, dù gì ta cũng là một kẻ nhát gan chỉ biết trốn tránh hiện thực làm liên lụy đến Thiệu Đường. Nhưng Thiệu Đường lại nói rằng đó là may mắn của chàng.
Một ngày nọ, một bằng hữu của Tô lão phu tử đến kinh thành.
Đó là một đạo sĩ, tên là Tần Bạch Vân, lão phu tử hiếm khi xin chúng ta tiếp đãi bằng hữu ở lại Nam Ẩn Viên một thời gian.
Đó cũng không phải việc gì khó khăn, hơn nữa Tần Bạch Vân là một người thú vị. Y tinh thông mọi trò chơi trên đời, bao gồm cả song lục.
Nhắc đến song lục, Thiệu Đường cũng thường xuyên chơi cùng ta nhưng chàng luôn là người thua. Ta gieo xúc xắc rất giỏi, chỉ vài lượt là chàng đã bại trận rồi.
Thiệu Đường không phục, từng lén phá xúc xắc ra xem có phải ta gian lận không.
Ta tức giận vô cùng, chàng bèn đền ta một cặp xúc xắc mới, còn nói sau này sẽ sưu tầm những cặp xúc xắc tốt nhất thiên hạ để làm ta vui.
Thế mà ta lại rất khó thắng được Tần Bạch Vân. Lão đạo sĩ này trông có vẻ tươi cười hài hước, thật ra kỹ thuật chơi song lục lại vô cùng cao siêu.
Gọi là lão đạo sĩ nhưng thực ra y không già lắm, thêm vào đó lại có khí chất nghịch ngợm như một đứa trẻ, khiến người ta không đoán được tuổi thật.
Đôi mắt của Tần Bạch Vân rất sâu nhưng hành động lại khá tùy ý, phóng khoáng.
Tay của y rất khéo léo, một khúc gỗ chỉ cần vài nét khắc đã thành một chú ngựa gỗ nhỏ, còn có thể làm đèn thỏ xinh xắn có cơ quan chuyển động. Ta nhìn còn hứng thú nên Vô Ưu và Cảnh Minh cũng rất thích.
Ta cảm thấy Tần Bạch Vân không phải một đạo sĩ bình thường, bèn hỏi y đến kinh thành làm gì.
Tần Bạch Vân không trực tiếp trả lời, chỉ nói rằng đạo sĩ đến kinh thành không chỉ có mình y.
Ta im lặng.
Danh Sách Chương: