HAI MƯƠI LĂM: Cuộc sống mới
Miếng ngọc này đưa ta trở về những chuyện xưa xa xôi, đưa ta trở về tuổi mười lăm.
Phút trước ta vẫn còn đang làm nũng trong lòng mẫu phi, phút sau ta đã trở thành một quân cờ.
Rồi trong những tính toán khác nhau, ta trở thành thê tử của Thiệu Đường.
Kể từ khi ta rơi xuống hồ, miếng ngọc này đã bị lạc mất, ta cũng không để tâm.
Có quá nhiều chuyện đáng để ý tới, ai sẽ quan tâm đến một miếng ngọc bội chứ.
Nghiêm Thiệu Ngọc giữ miếng ngọc này làm gì, hắn cảm thấy hổ thẹn sao?
Ta đã buông bỏ hết mọi chuyện từ lâu rồi, ta và Thiệu Đường từng trở lại thăm hồ Bích Ba. Cầu tre đã được sửa chữa, ta và Thiệu Đường đã đi hết quãng đường chưa đi xong trước đây. Chúng ta còn ngắm cây hợp hoan nổi danh, hái về một bó hoa hợp hoan rất lớn.
Thời thế đổi thay, Tiết Nguyệt Hoa liều mạng để ta xem miếng ngọc bội này làm gì?
Ta không muốn đoán, cũng không muốn nghĩ nhiều, nghĩ nhiều chỉ tự chuốc phiền não. Ta thừa nhận mình không chịu nổi sóng gió nữa, cuộc sống hiện tại rất tốt rồi.
Chẳng có ý nghĩa gì cả, ta chợt hối hận vì đã không để tên thủ lĩnh đuổi theo kia mang chiếc hộp đi.
Ta suy nghĩ một lúc, bèn ra lệnh cho người mang chiếc hộp này gửi về phủ Thái tử. Người đã khuất không thể trở về, chuyện xưa cũng không thể đuổi theo.
Ta đã trải qua đủ nhiều chuyện rồi, cuộc sống sau này ta nhất định phải để nó trở nên đơn giản hơn, yên lặng chờ đến khi sinh mệnh kết thúc, ta sẽ vui vẻ đi gặp Thiệu Đường.
Trong cung truyền chỉ bảo ta vào cung diện kiến. Ta lấy cớ bệnh vì không muốn đi, nhưng người đến truyền chỉ nói với thái độ rất kiên quyết, ta nghĩ thế thì đành đi một chuyến vậy.
Có những lời chỉ cần nói ra một lần là xong.
Dù sao ta cũng đã quen, từ sau khi phụ hoàng mất, ai làm hoàng đế cũng muốn gặp ta, mặc dù ta chẳng có tác dụng gì.
Giữa đường thì ta bị chặn lại, là Nghiêm Thiệu Ngọc.
Ta bị đưa đến phủ Thái tử. Do Nghiêm Thiệu Ngọc đã trưởng thành nên không ở trong Đông Cung của Thái tử mà trực tiếp ra ngoài tìm một nơi làm phủ Thái tử.
Mọi chuyện thật hoang đường, bao nhiêu năm trôi qua, họ còn định lôi những chuyện cũ vô nghĩa ra để làm khó người ta sao?
Ta trực tiếp hỏi Nghiêm Thiệu Ngọc: "Có phải Nghiêm gia các người cho rằng ta vẫn còn hận chuyện năm xưa không? Cho rằng ta có ý định báo thù? Nếu các người cảm thấy người tiền triều như ta chướng mắt thì tìm lý do gì để loại bỏ ta cũng được, chứ các người dùng lý do này thì đúng là quá đỗi nực cười."
Nghiêm Thiệu Ngọc hỏi ta: "Ví như một chiếc lồng, ban đầu định nhốt hai người, sau đó một người được tự do, còn người kia vẫn bị giam cầm. Ngươi nói xem người bị giam cầm có khi nào sẽ nổi điên vào một ngày nào đó, muốn kéo người tự do kia trở lại không?"
Ta nói: "Ta chưa bao giờ cảm thấy giữa Thiệu Đường và ta ai giam cầm ai, mỗi ngày chúng ta đều rất hạnh phúc."
Nghiêm Thiệu Ngọc nói: "Trần Tố Ngọc, bao nhiêu năm nay ngươi thật sự quá tự do rồi."
Ta ở trong phủ Thái tử hai ngày, sóng yên biển lặng.
Chuyện vào cung không còn được đả động đến nữa, không biết Nghiêm Thiệu Ngọc đã giải thích thế nào với phụ hoàng của hắn.
Ta muốn hỏi Tiết Nguyệt Hoa đã đi đâu, thì được cho biết là Thái tử phi đang dưỡng bệnh.
Nàng bị bệnh hay là bị điên, ai mà biết được. Những năm gần đây ta đã thấy nhiều người điên quá rồi, cũng chẳng còn hiếm lạ nữa.
Sau khi ta trở về Nam Ẩn Viên, Thiệu Phong đến đón ta đi thăm thú tân kinh, nói là công trình sắp hoàn thành, để ta xem cơ nghiệp đã sắp xếp cho Vô Ưu và Cảnh Minh có tốt không.
Ta vui vẻ đồng ý, dẫn theo các con hân hoan rộn ràng lên đường.
Tân kinh rất tốt, trông khí thế hơn hẳn cố đô.
Thiệu Phong và Thiệu Tuyên, hai vị thúc thúc này rất đáng tin cậy. Họ sắp xếp cơ nghiệp quá tốt, phủ Quốc công của Cảnh Minh rất khang trang.
Nếu Vô Ưu gả đi từ đây, ai mà chẳng nhìn con bé với con mắt khác chứ.
Họ còn chuẩn bị cho Vô Ưu một số cửa hiệu và thôn trang, làm hậu thuẫn cho Vô Ưu sau khi gả đi.
Họ nói, dù sao cũng là đứa trẻ mà họ đã từng tự tay bế ẵm, tên cũng do họ đặt, nếu Vô Ưu gả đi thì không được phép chịu bất kỳ tủi nhục nào.
Đương nhiên trong phủ Quốc công có chỗ cho ta ở, mặc dù ta không định cư ở tân kinh.
Tuy nhiên đợi đến khi Cảnh Minh có thê tử mới, sinh con đẻ cái, ta cũng phải về đây thăm chúng.
Nơi ta ở được xây dựng rất lộng lẫy.
Ta tưởng tượng nếu mình già đi thì khi mình ở nơi này sẽ là cảnh tượng gì.
Phía sau là bức bình phong sơn thủy bằng ngọc, phía trước là sập gỗ nam, ta nằm trên đó, những thị nữ xinh đẹp dùng nắm đấm mỹ nhân đấm chân cho ta.
Nghĩ đến đó, ta không nhịn được bật cười.
Làm một lão thái thái được nuông chiều đúng là một chuyện tuyệt vời biết bao.
Đến lúc đó nhi tử của Cảnh Minh được sinh ra, thằng bé sẽ bế cho ta xem, sau đó ta sẽ nhìn nó rồi nói: "Ôi chao, trông nó giống tổ phụ đã qua đời của nó quá."
Ta sẽ vừa chảy nước mắt, vừa đeo cho đứa trẻ một ổ khóa vàng lớn.
Khung cảnh này rất ấm áp, ta chợt cảm thấy mình không cần phải cố chấp với Nam Ẩn Viên, ta cũng có thể có cuộc sống rất tốt ở đây.
Chú ý: Các trái tim yếu đuối hãy dừng ở đây. Đọc tiếp mà buồn mà khóc là Meo không chịu trách nhiệm đâu à nha!
HAI MƯƠI SÁU: Nghiêm Thiệu Ngọc lên ngôi
Khi trở về Nam Ẩn Viên, ta muốn sắp xếp lại mọi thứ, từ nay nơi này sẽ là nơi ta nghỉ ngơi tránh nóng. Ta cần giữ lại người để hầu hạ nhưng không cần nhiều như trước nữa.
Tô phu tử rất thích nơi này, ta để ông muốn đến ở lúc nào thì đến, muốn ở bao lâu thì ở. Ông cũng đồng ý, nhưng Quốc Tử Giám ở tân kinh thành sắp xây xong, ai cũng muốn mời ông làm Trấn Giám Đại Nho, ông không thể từ chối được.
Lão Trình và các nữ tỳ mà mẫu phi cho ta sẽ ở lại đây dưỡng già và trông coi vườn tược. Họ đã thành đôi nên về già cũng có một mái ấm. Ta để lại vài người trẻ tuổi để họ sai phái, đều là những người có thân thích ở cố đô nên tạm thời chưa thể đi được.
Những người khác có thể theo ta rời đi, vì phủ Quốc công mới rất lớn, Cảnh Minh cũng cần người. Hoắc Tu Nghi và Tào Tuyết Lan an ủi ta rằng như vậy rất tốt. Họ từng nghĩ ta sẽ ôm bài vị của Thiệu Đường và ở lại Nam Ẩn Viên sống với kỷ niệm đến già, họ rất lo lắng.
Ta nói: "Bài vị có thể mang đi bất cứ đâu, ta có thể nhớ về Thiệu Đường ở bất cứ nơi nào. Lúc còn sống chàng ấy đã là người tướng công cưng chiều thê tử, đương nhiên ta đi đâu thì chàng ấy sẽ đi theo đó. Nếu chàng ấy còn sống, cũng chỉ nghe theo ý ta mà thôi."
Tân kinh đã xây dựng hơn ba năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, tuy nhiên đã có nhiều người lục tục chuyển đến đó. Cung thành đã hoàn thành được đại khái, việc dời đô là điều tất yếu. Một kinh thành có khi phải mất hơn mười năm mới xây xong, thông thường người ta sẽ dời đô trước rồi từ từ xây dựng nốt phần còn lại.
Ta cũng đã chuẩn bị xong mọi việc để chuyển nhà. Sau đó ta đi tảo mộ và nói chuyện với Thiệu Đường. Tại mộ của Thiệu Đường, ta gặp Nghiêm Thiệu Ngọc. Đúng là không ngờ tới thật, ta không hiểu hắn đến đây làm gì. Sắp dời đô rồi, có biết bao nhiêu việc phải lo, hắn không cần đến đây tưởng nhớ tình huynh đệ vào lúc này.
Nghiêm Thiệu Ngọc lạnh lùng nhìn ta nói: "Ta cứ tưởng ngươi sẽ ở lại bên cạnh Thiệu Đường, không ngờ ngươi cũng chỉ một lòng hướng về thế giới phồn hoa nơi kinh thành mới."
Nghe xong ta vừa tức giận vừa không hiểu nhưng chỉ nhẹ nhàng đáp: "Con người luôn phải tiến về phía trước."
Hắn bỏ đi, để lại một câu: "Ngươi đi quá xa rồi."
Ta chưa từng nghĩ tính cách của Nghiêm Thiệu Ngọc lại có một mặt đâm bị thóc chọc bị gạo như vậy. Ta có ở lại bên Thiệu Đường hay không là chuyện của phu thê hai người chúng ta, liên quan gì đến hắn?
Đại lễ dời đô diễn ra đúng hẹn, trong buổi lễ, Hoàng thượng tuyên bố thoái vị, Nghiêm Thiệu Ngọc sẽ lên ngôi kế thừa đại thống. Mọi người có chút ngạc nhiên nhưng phản ứng không quá mạnh mẽ. Nửa năm nay nghe nói long thể thực sự có phần bất an, Hoàng thượng cũng từng bóng gió nói có ý muốn dưỡng già.
Vị lão nhân này đã mưu tính mấy chục năm, từ một Phò mã không mấy nổi bật Hách gia, trưởng thành thành Đại học sĩ đứng đầu triều đình, quyền lực khuynh đảo triều dã, rồi sau đó uy hiếp thiên tử chi phối chư hầu. Bình nhật không nhanh không chậm, không nóng không vội nhưng chắc trong lòng cũng có chỗ mệt mỏi.
Vị Thái thượng hoàng này còn nói, dù tân kinh tốt nhưng Nghiêm gia vốn xuất thân bình dân ở kinh thành cũ, mồ mả tổ tiên không dời đi, nhà cũ vẫn còn. Ông muốn ở lại giữ gìn cội nguồn của Nghiêm gia, dưỡng già trong cung cũ.
Mọi người đều kinh ngạc phản đối nhưng vị Thái thượng hoàng này khoát tay nói thuận theo ý nguyện của ông chính là đạo hiếu lớn nhất. Ta lại có phần hiểu được suy nghĩ của ông, nơi đây là chốn ông đã tranh đấu cả đời, là chiến trường của ông.
Ông quen thuộc từng viên gạch cột đá nơi triều đường, lần lượt tiễn đưa ba vị đế vương. Việc thành công lên ngôi báu trong mắt ông đã là đỉnh cao lý tưởng, thời gian còn lại chẳng qua là để tạo nền móng cho Nghiêm Thiệu Ngọc. Dù tân kinh tốt nhưng ông không để tâm.
Ông đã già, thích được nhớ về dĩ vãng trong chiến trường năm xưa hơn là đắm mình trong tân kinh, như vậy ông mới thấy thỏa lòng. Ông có thể ở trong triều đường trống vắng mà trò chuyện với những đối thủ năm xưa. Chẳng hạn như phụ hoàng của ta, ông nằm trên long sàng phụ hoàng đã từng nằm, ngồi trên long ỷ phụ hoàng đã từng ngồi, cảm giác thỏa mãn tự nhiên dâng lên.
Có lẽ ông sẽ hỏi phụ hoàng ta, có phải thấy rất đau lòng, rất không cam tâm không. Nửa đêm có lẽ ông sẽ mong đợi hồn ma đến rồi chỉ vào từng hồn ma mà nói, ngươi, các ngươi, đều là kẻ thua dưới tay ta.
HAI MƯƠI BẢY: Không được vào tân kinh
Sau đại lễ, ta cũng chuẩn bị chuyển nhà. Tuy từ cố đô đến tân kinh không xa nhưng có một số thứ lặt vặt cũng mất một thời gian để chuyển. Dù đã quyết tâm bắt đầu cuộc sống mới nhưng ta vẫn có chút không nỡ. Vì vậy ta để Vô Ưu và Cảnh Minh đi đến nhà mới trước, dù gì cũng có các thúc thúc chăm sóc cho chúng.
Ta muốn ở lại Nam Ẩn Viên thêm hai ngày nữa. Tuy nhiên chính trong hai ngày này, ta nhận được một đạo thánh chỉ bảo ta ở lại trông coi Nam Ẩn Viên, tạm thời không được vào tân kinh.
Ta rất tức giận, cũng rất bất lực. Có phải Nghiêm Thiệu Ngọc nghĩ rằng ta đến tân kinh là có lỗi với Thiệu Đường không? Khổ tâm thay cho hắn, lo lắng giúp đệ đệ của mình như vậy, không sao, ở lại thì ở lại. Chẳng qua là trở về kế hoạch ban đầu của ta, sống cả đời bên cạnh những kỷ niệm của mình với Thiệu Đường mà thôi.
Vô Ưu và Cảnh Minh gửi thư cho ta nói mọi thứ đều ổn. Chúng đã cầu xin hai vị thúc thúc, nhờ các thúc ấy đi cầu xin Hoàng thượng bá phụ, mong ta sớm đến tân kinh. Ta hồi âm, nói cầu xin ai cũng vô ích, ta bảo Vô Ưu và Cảnh Minh chăm sóc tốt bản thân, đừng lo cho ta nữa.
Chắc Nghiêm Thiệu Ngọc nghĩ rằng đệ đệ của hắn đã dùng mạng mình để đổi lấy mạng sống của ta - một dư nghiệt tiền triều, thật sự không đáng phải không? Có lẽ giờ hắn bắt đầu thấy hối hận vì đã không từ bỏ ta lúc đó.
Người cũ ở chốn xưa, cũng tốt thôi. Hoa cỏ trong Nam Ẩn Viên, mặt trời mọc lên rồi lặn xuống trông rất đẹp, ta vẫn ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ. Dù Nghiêm Thiệu Ngọc không coi trọng ta nhưng hắn không động đến tài sản của ta, cũng không động đến bổng lộc của ta.
Bổng lộc một năm của Vệ Quốc phu nhân không ít, ta sống vẫn thoải mái như cũ. Trước kia Thiệu Đường từng cười ta, chàng ấy nói nếu trái tim ta là một viên xúc xắc ngà, cho dù có đặt một cân đậu đỏ lên cũng không đủ dùng. Ý chàng ấy là lòng ta quá rộng rãi, ta còn khá tự hào, bao dung rộng lượng cũng là một loại bản lĩnh.
À, đúng rồi, bộ cờ song lục vẫn còn, khi rảnh ta sẽ tự chơi với chính mình. Bất kể ta ở đâu, Thiệu Đường đều bên cạnh ta.
Đương kim Thái thượng hoàng, phụ thân của Nghiêm Thiệu Ngọc muốn gặp ta. Ta đã quen với việc người này người kia muốn gặp mình, dù cũng không biết họ gặp ta để làm gì. Dường như ta là một vật may mắn nào đó, gặp ta có thể giúp họ chuyển hung thành cát, phi thăng ngay tại chỗ.
Một lần nữa trở lại cung điện cũ, ta vẫn thạo đường, nơi này là nhà của ta từ nhỏ đến lớn. Vị Thái thượng hoàng Nghiêm gia này tiếp đãi ta trong Ngự hoa viên, Ngự hoa viên vẫn không thay đổi gì mấy.
Lão nhân gia vẫn còn minh mẫn, dù thân hình gầy đi nhiều nhưng tinh thần trông vẫn không tệ. Ông tùy ý vẫy tay ý bảo ta lại gần, ta cũng không sợ hãi, trên danh nghĩa thì ông là cha chồng của ta, nhưng thực tế ta là cháu dâu của ông.
Ông nói: "Ngươi cứ gọi ta là thúc công đi, hôm nay chúng ta nói chuyện như bậc trưởng bối với hậu bối."
Được thôi, vậy ta cứ xem ông là thúc công vậy.
Thành thân với Thiệu Đường nhiều năm, ta và cha chồng vẫn luôn khách sáo với nhau. Số lần chúng ta tiếp xúc chỉ giới hạn trong các lễ nghi, trò chuyện xã giao hầu như không có. Nghe nói khi Nghiêm Uyển Xu chưa xuất giá, ông rất thương yêu nàng ta.
Ông rót cho ta một chén trà. Ta vừa định uống thì bên cạnh có một vị thái giám trung niên đi đến, nói: "Trà này hơi nguội rồi, để nô tài đổi cho Thái thượng hoàng và phu nhân bình khác." Nói xong hắn lập tức bưng trà đi.
Ta bất ngờ, cũng không hiểu.
Thái thượng hoàng nói: "Đây là người do nhi tử ta để lại, chăm sóc ta tận tâm tận lực, nhưng vì sợ ta đầu độc ngươi nên hắn luôn theo dõi ta."
Ta vô cùng kinh ngạc. Ta hỏi: "Người đầu độc ta để làm gì, vì ta là dư nghiệt tiền triều sao?"
Ông nói: "Ngươi là đứa trẻ đại trí nhược ngu*, thực ra chắc ngươi đều hiểu rõ. Ngươi không nói, không thừa nhận, giả vờ không biết, người khác cũng chẳng làm gì được ngươi cả."
*thông minh nhưng giả ngốc
Ta lắc đầu, ta thật sự chẳng biết gì cả.
Thái thượng hoàng tiếp tục nói: "Ta còn sống một ngày, Thiệu Ngọc sẽ kiềm chế được một ngày nhưng ta sắp không trụ được nữa rồi. Ta không còn nữa, có lẽ nó sẽ không kìm nén được ngọn lửa trong lòng, lúc đó ngươi còn giả ngốc thì cũng sẽ không thoát được đâu."
Ta đột ngột đứng dậy, vì làm như vậy quá thất lễ nên ta vội vàng tạ tội, định rời đi.
Thúc công nói: "Nghe ta nói hết đã, Tiết Nguyệt Hoa liều mạng muốn cho ngươi xem miếng ngọc bội đó, ngươi thực sự không hiểu sao? Con ta, Nghiêm Thiệu Ngọc là người sinh ra để làm đế vương, nó tiêu dao như gió, trong trắng như bạch ngọc. Nó lên kế hoạch từng bước từng bước vì muốn đạt được mục đích, tính toán không sai một nước nào.”
“Đời này nó chỉ có một điều tiếc nuối và không thỏa mãn, đó chính là vì một người. Nó không để lộ cảm xúc, tưởng có thể che trời giấu biển. Nó tự cho rằng mình có thể kìm nén được dục vọng trong lòng nhưng càng kìm nén càng phản phệ.”
“Ta đã nói với nó, ta còn sống ngày nào thì ta sẽ ràng buộc nó ngày đó. Ta là phụ thân và cũng là người duy nhất có thể giam cầm nó. Ta không còn nữa, nó là người cao quý nhất thiên hạ hiện tại, nếu nó vẫn còn tiếc nuối thì trái tim đế vương của nó sẽ không bao giờ thỏa mãn."
Ta đờ đẫn nhìn ông, bất chợt thốt ra: "Ngài không đầu độc ta, ta cũng có thể tự đầu độc ta."
HAI MƯƠI TÁM: Sự nhẫn nhịn của Nghiêm Thiệu Ngọc
Thúc công thở dài, thoáng chốc trông ông như già đi mười tuổi. Khi ta vừa vào Ngự hoa viên, ông vẫn còn dáng vẻ của Thái thượng hoàng, nhưng giờ đây trông ông thực sự giống như một bậc trưởng bối sắp qua đời hơn.
Vị lão nhân này tiếp tục nói: "Công chúa, ta luôn rất thích ngươi. Nếu ngươi là nam nhi của Nghiêm gia ta, ta nhất định sẽ nghiêm túc bồi dưỡng ngươi."
Ta cười khổ: "Ta chỉ là kẻ vô dụng chẳng biết làm gì cả."
Ông tiếp tục nói: "Công chúa, trong số những người con của phụ hoàng ngươi, chỉ có Công chúa là có phong thái hoàng gia nhất. Bất kể nghịch cảnh thuận cảnh, không kiêu không nịnh, khí độ thong dong.”
“Khi ngươi thành thân với Thiệu Đường, Nghiêm gia luôn theo dõi ngươi. Nghĩ rằng nếu ngươi kiêu căng ngỗ nghịch giống các huynh đệ ngươi, nói thật, lúc đó chúng ta nhất định sẽ tìm cách khiến ngươi thân bại danh liệt mà ch. Khi đó Thiệu Đường sẽ lấy tư cách nạn nhân quay lại quan trường, sau đó Nghiêm gia sẽ dùng công danh lợi lộc bồi thường nó. Nhưng ta phát hiện ra Thiệu Đường thực sự bị ngươi chinh phục, quan trường đối với Thiệu Đường đã không còn quan trọng nữa."
Nước mắt ta trào ra. Ta muốn nói với ông rằng ta chẳng nghĩ nhiều như vậy, Thiệu Đường nói muốn làm phu thê bình thường với ta, ta cũng chỉ làm vậy thôi.
Lão nhân gia tiếp tục nói: "Sau đó ta phát hiện, không chỉ Thiệu Đường bị chinh phục. Ta tưởng lúc đầu Thiệu Ngọc chỉ đùa giỡn với ngươi, nhưng rồi ta phát hiện ra nó đã sớm mắc kẹt trong tình cảm mà nó dành cho ngươi. Thiệu Phong đến Nam Ẩn Viên là do ta bảo nó đi, để nó xem xem bình thường ngươi và Thiệu Đường sống như thế nào. Thực ra Nam Ẩn Viên luôn có mật thám của Nghiêm gia ta, chắc Công chúa cũng biết.”
“Dù Thiệu Đường và Thiệu Phong là huynh đệ ruột nhưng những gì chúng nó thấy và cảm nhận lại khác nhau. Thiệu Phong vốn cảm thấy không phục trong lòng khi ca ca của nó cưới ngươi, nhưng từ Nam Ẩn Viên trở về, nó cũng nói thẳng rằng dường như Thiệu Đường rất mãn nguyện.”
“Rồi ta phát hiện, Thiệu Ngọc để Thiệu Tuyên đi theo Thiệu Phong ở lại Nam Ẩn Viên, vừa cố ý vừa vô tình hỏi han Thiệu Tuyên về tình hình Nam Ẩn Viên. Lúc đó ta chỉ nghĩ có lẽ nó áy náy với Thiệu Đường.”
“Từ khi về nhà ta, Thiệu Đường đã đọc sách cùng Thiệu Ngọc, chúng trạc tuổi nhau, thân thiết hơn cả huynh đệ ruột bình thường. Lúc hai đứa đi du ngoạn đều cưỡi ngựa đi song song với nhau, có khi đọc sách mệt mỏi, hai đứa nó cũng từng cùng nằm nghỉ trên giường trong thư phòng.”
“Thiệu Tuyên kể đủ thứ về ngươi và Thiệu Đường ở Nam Ẩn Viên, ai nghe cũng không khỏi thấy an ủi cảm thán cuộc sống thần tiên quyến lữ. Nhưng biểu cảm của Thiệu Ngọc lại như đang nhẫn nhịn.”
“Thiệu Ngọc với tài hoa và tâm tính như vậy, là thiên chi kiêu tử, từ khi nó còn nhỏ ta chưa từng thấy nó ghen tị với ai. Nhưng lúc đó ta mơ hồ cảm thấy nó đang ghen tị với Thiệu Đường. Không ai hiểu con bằng phụ thân, nó tự cho rằng mình đã giấu đủ sâu nhưng không qua mặt được ta đâu. Công chúa, ngươi và Thiệu Đường quá đỗi ân ái. Ngươi một lòng một dạ với nó, hai đứa lại có con với nhau, nếu không thì có lẽ lúc đó ta đã nghĩ cách trừ bỏ ngươi rồi. Lạnh lùng như người Nghiêm gia cũng không nỡ phá hủy cuộc sống của ngươi và Thiệu Đường, khói lửa ấm áp, khiến người ta phải ngưỡng mộ."
Ta yêu Thiệu Đường, không ngờ tình yêu này đã bảo vệ được mạng sống của chính mình. Nhưng ta không thể đối mặt với cái gọi là tình cảm của Nghiêm Thiệu Ngọc dành cho ta. Thứ tình cảm này quá nguy hiểm, cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Ta nói: "Đương kim thiên tử vừa sinh ra đã có tài hoa xuất chúng. Ngài ấy đã có thể nhẫn nhịn được thì chắc sau này ngài ấy vẫn có thể tiếp tục nhẫn nhịn."
Lão nhân cười: "Nó đã lên được vị trí cao rồi, người ngồi trên vị trí đó ghét nhất là phải nhẫn nhịn."
Ta phản bác: "Năm đó phụ hoàng ta cũng đã phải nhẫn nhịn rất nhiều việc."
Phụ thân của Nghiêm Thiệu Ngọc - Thái thượng hoàng, đột nhiên vung tay áo: "Người Nghiêm gia ta sẽ không làm thiên tử như phụ hoàng ngươi. Thiệu Ngọc nhất định phải làm cho quần thần khâm phục, xưng bá thiên hạ."
Trong khoảnh khắc đó, cả người ta run rẩy.
Đúng vậy, Nghiêm Thiệu Ngọc không còn là bề tôi nữa mà là một đế vương ngạo nghễ thiên hạ. Hắn muốn có thứ mà mình không có được, việc này quả thật là điều một đế vương không thể nhẫn nhịn.
Ta run rẩy hỏi: "Vậy thì sao, ta phải làm thế nào?"
Khoảnh khắc tiếp theo, vị Thái thượng hoàng đối diện ta đột nhiên lại trở về dáng vẻ trưởng bối hòa nhã.
Ông nói: "Ngươi vẫn luôn sống yên ổn thuận lợi, Thiệu Ngọc cũng đã làm rất nhiều chuyện trong âm thầm. Thái tử phi khó dễ với ngươi, nó lập tức cho người giúp Thái tử phi có thai, dĩ nhiên đây cũng là một phần của kế hoạch. Khi vụ việc của Thái tử bị phát giác, ngươi không có ở kinh thành cũng là do Thiệu Ngọc sắp xếp. Nhị Hoàng tử nổi điên, lúc đó mật thám của Nghiêm gia trong hậu cung tiện thể để ý đến tình hình mẫu phi ngươi, để ngươi an tâm.”
“Nghiêm Uyển Xu giam giữ mẫu phi ngươi trong cung, lẽ ra Nghiêm gia có thể ép ngươi rời khỏi kinh thành. Nhưng chúng ta biết ngươi sẽ không từ bỏ mẫu phi, nếu không ngươi chắc chắn sẽ đau lòng không nguôi. Vì vậy dù biết ngươi vào cung là một cái bẫy, Thiệu Ngọc vẫn không ngăn cản. Không biết từ khi nào Nghiêm Uyển Xu đã biết được tâm ý của Thiệu Ngọc dành cho ngươi.”
“Ban đầu Nghiêm gia cũng không ngờ cuối cùng Nghiêm Uyển Xu lại nhắm vào ngươi. Ngươi đã làm rất tốt, ngươi lập tức đưa con cái vào Nghiêm gia không chậm trễ một khắc nào. Ta đã không nhìn nhầm ngươi, ngươi thông minh hơn đám nam nhân Trần gia các ngươi nhiều. Tuy nhiên chúng ta cũng vì thế mà sơ sót việc của mẫu phi ngươi. Thiệu Ngọc và Thiệu Đường đều vô cùng hối hận về việc này. Thiệu Đường vì cứu ngươi mà không tiếc hy sinh tính mạng của chính mình.”
“Ta biết ngươi muốn nói gì, cũng biết thực ra ngươi thà ch trong cung. Nhưng Thiệu Ngọc không hy vọng ngươi ch, Nghiêm Uyển Xu đã đoán đúng điều này. Nó thông minh từ nhỏ, thông minh như ngươi vậy. Người đời nghĩ nữ tử yếu đuối nhưng thực ra về tài trí thì nữ tử không thua kém nam nhi. Uyển Xu quá cố chấp rồi, so với ngươi, nó thiếu vài phần mềm dẻo, về điểm này nó không bằng ngươi. Đáng tiếc, đáng tiếc..."
Ta mới phát hiện, vị lão nhân tưởng chừng có lòng dạ sắt đá này, sâu thẳm trong nội tâm của ông cũng không phải không có bất kỳ tình cảm ấm áp nào.
Tuy nhiên, câu tiếp theo ông nói: "Nó muốn lợi dụng tình cảm Thiệu Ngọc dành cho ngươi để gây sóng gió, nó phải ch."
Danh Sách Chương: