Sau khi kinh ngạc, Trịnh Tĩnh Nghiệp cười thầm trong bụng, vẫn ngồi thật thẳng trên ghế. Trên đời có tam công (tam công này là tước đầu trong năm tước phong kiến) được ‘ngồi bàn chính sự’ cùng Hoàng đế, ý bày tỏ sự xem trọng của Hoàng đế đối với đại thần. Thế nên Tể tướng được một ghế, đãi ngộ này, đến hoàng tử chư vương cũng không có. Sau khi sửa đổi quan chế, sự tôn trọng dành cho đại thần vẫn như vậy, chẳng qua tăng giảm số người được ngồi mà thôi.
Thấy lão nhảy vào trong hố như vậy, sao Trịnh Tĩnh Nghiệp không vui trong lòng cơ chứ?
Quý Phồn luôn muốn xử lý việc này, Trịnh Tĩnh Nghiệp biết, từ khi Quý Phồn vào triều đến nay, quả là chưa làm nên chuyện lớn gì. Nguyên nhân cũng đơn giản, vốn Trịnh Tĩnh Nghiệp đã xúi giục Hoàng thượng xem lão như một tấm biển sống, không có ý để lão làm chuyện gì nghiêm túc, cũng không phân nhiệm vụ cụ thể. Trịnh Tĩnh Nghiệp đào hố để Quý Phồn nhảy vào, không ngờ Quý Phồn lại nỗ lực gây chuyện đến thế.
Chuyện này cũng không thể trách Quý Phồn, danh sĩ có cách làm của danh sĩ, quan lại có đường riêng của quan lại. Nhìn một khóm hoa rực rỡ bên ngoài, nào ai biết bùn đất ở trong? Đầu tiên không có cấp dưới, phải tuyển mộ nhân viên chứ sao, nhưng đều là đề cử, là những kẻ dùng không thuận tay. Rồi thảo luận chính sự chẳng hạn, lão không có một nghiệp vụ cụ thể nào, gọi chung là cố vấn, nhưng không cho lão tham gia phát biểu bất kì ý kiến nào. Ngự sử còn có trách nhiệm đi mắng người, còn lão chỉ có thể đứng một chỗ xem trò vui.
Nếu Quý Phồn là một lão ngốc thì lão không thể trở nên nổi tiếng như bây giờ. Cho dù có già đi, đầu óc suy nghĩ chậm chạp, thì cũng từng có thời gian được cọ xát.
Nhưng khi biết thì đã muộn!
Quý Phồn đâm lao phải theo lao. Rút cuộc cũng hiểu rõ một quy tắc ngầm trong chính trị: Cho dù có quy định nào đó không muốn chấp hành, cũng không nói hủy, thì cứ kéo nó xuống, cứ kéo, kéo đến khi nào chịu thua, đành phải mặc kệ mới thôi. Cũng như dân gian luôn hi vọng tam tòng tứ đức gì gì đó ở phụ nữ, nhưng nếu bạn mặc đồ nam trang, mang nô tì ra đường, thì người ta cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.
Thật ra thế gia cũng có tìm lão tố khổ, cũng chẳng phải đưa vật quý gì, rõ ràng, ngay cả người nhà Hoàng đế cũng bị chế độ kế thừa phong tước áp chế, thì ngài nào quản kẻ đó thuộc nhà thế gia nào! Hoàng đế hiện nay không như những vị vua ngày trước, trước nay Hoàng đế không sống lâu, quá năm mươi thì đã coi là thọ lắm rồi, tại vị trên hai mươi năm thì đúng là hiếm hoi. Còn ngài thì ngược lại, từ nhỏ đã khỏe mạnh, ăn toàn đồ ngon, lên ngựa có thể chém, xuống ngựa có thể chửi, bây giờ sống tới tuổi sáu mươi, còn có tâm tình ôm nàng thiếp như hoa tựa ngọc bên người.
Đăng cơ ba mươi năm có lẻ, mở rộng biên cương, khai hoang đất trồng, giữ gìn ranh giới, vỗ về nhân dân, thành tựu về văn hóa giáo dục võ công đều có, trong triều cũng nhiều tâm phúc. Một người ở vị trí càng lâu thì càng ngốc, trong khi ngài lại càng lúc càng tăng uy tín, có thể làm những chuyện vượt khỏi mọi giới hạn. Ngài, gánh được!
Nhưng ngay từ đầu khi Quý Phồn lên kinh, đầu óc đã mê muội, một chân bước vào, quan hệ quá gần gũi với thế gia, cmn, còn đáp ứng bọn họ nữa chứ. Ban đầu lão không hề dự đoán được Trịnh Tĩnh Nghiệp sẽ tiến cử mình ra làm quan, bây giờ leo lên rồi lại không xuống được, một danh sĩ hàng đầu, lão muốn được nhắc tới như thế, không thể nói không giữ lời, Quý Phồn còn sĩ diện lắm. Vì những điều này trong lòng khiến lão không thể hận ra mặt, lão cũng quên hẳn cái hố Trịnh Tĩnh Nghiệp đào cho.
Hoặc là tạm hoãn yêu cầu của thế gia, hoặc cắt xén các khoản quân lương, cứu trợ thiên tai, chi tiêu của Hoàng đế… Dù thế nào, thì cũng sẽ có xung đột. Quý Phồn là người thức thời. Dù sao lão cũng chỉ cần cho thế gia một câu trả lời thỏa đáng, hoặc, một loại thái độ. Vậy thì lão lên lớp giảng bài cho xong, không cần làm việc nữa.
Quý Phồn đứng dưới nói xong mặt đầy xúc động, nhìn lên thấy mặt mày của nửa số người bên trên vô cùng bi thảm. Đúng thế, người ta cố gắng công tác để đổi lấy tước vị, nhỡ bà vợ ở nhà mệnh xấu không sinh được con, con của thiếp cũng là con, sao không cho người ta được tập tước chứ? Cái này khác gì làm không công? Rất nhiều vị xây dựng đất nước ngay những ngày đầu liều mạng hùa theo.
Đương nhiên Hoàng đế không thể nào đồng ý rồi! Đáp ứng thì chẳng khác nào tự vả vào mặt mình còn gì? Còn phải tự móc tiền túi của bản thân. Mặc, kiên quyết mặc kệ! Hoàng đế đưa tay xoa một quyển sổ nhỏ, đã được trình lên cách đây hai ngày trước, lo lắng về thu hoạch của kinh kì (kinh đô và vùng lân cận) – mùa đông năm nay không có tuyết rơi.
Khốn khiếp! Một đám già đầu mà kiến thức không bằng một cô bé con! Nước lấy dân làm gốc, biết không hả?!
Quý Phồn cũng giận dữ trong bụng, một lũ khốn khiếp, để lão ra mặt, sao các người không phụ họa theo như thế hả? Trịnh Tĩnh Nghiệp ho khan một tiếng: “Có phục hồi chế độ cũ hay không, cũng chỉ là một câu nói của Thánh nhân, làm thần tử nên vì ngài mà phân ưu, khoản tiền kia phải kiếm từ đâu?” Đứng dậy khom người trước Hoàng đế nói tiếp: “Thần kinh hoảng, chỗ Hộ bộ hiện nay không có khoản tiền này.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp chuyên nghiệp xiết bao, năm trước nhà nước thu vào bao nhiêu, dùng bao nhiêu, năm nay sẽ dùng vào phần nào đều liệt kê ra cả, quan trọng nhất là, Trịnh Tĩnh Nghiệp bày tỏ: “Tuổi của chư vương đã lớn, cũng cần xây dựng phủ đệ, phân đất phong.”
Các người nói đi, những khoản bổng lộc được phát từ đâu mà ra, từ đâu mà cộng qua xớt lại để có hơn mấy chục vạn phong hộ. Cắt xén quân lương? Khấu bớt lại khoản cứu trợ thiên tai? Để Hoàng thượng không có cơm ăn sao? Nói đi, các người nói đi, nói!
Sau khi Trịnh Tĩnh Nghiệp ra làm quan, điều có lợi to lớn đối với Hoàng đế chính là, ông đã ngăn chặn phản đối của rất nhiều người về chính sách của Ngụy Tĩnh Uyên. Không ai dám hó hé, dừng việc cấp quân lương, sẽ có tạo phản; mặc kệ nạn dân sống chết, bọn họ tạo phản hay không chưa biết, nhưng bảo không cứu trợ thì chính là không quan tâm dân chúng, thanh danh sẽ tiêu tùng. Còn con cái Hoàng thượng à, tự bạn suy nghĩ xem. Nếu ai có ý gì hay, mời nói ra xem nào.
Chức Huyện quân của Trịnh Diễm, phân nửa là nhờ công lao, ngày trước Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng kéo kéo kéo, dùng mọi cớ kéo xuống, cũng có ý ‘nuôi cướp bên cạnh’ (ý bảo không tiêu diệt hết kẻ địch, lâu lâu diệt vài tên, thế mới hòng đề cao tầm quan trọng của mình với cấp trên), khiến Hoàng đế không thể thiếu ông, lại được lợi. Bấy giờ bị Đông cung để ý ghi sổ, vậy thì không thể chỉ làm mấy chuyện loanh quanh như trước đây, phải tập trung nhắm vào Thái tử mới được.
Hoàng đế nở nụ cười: “Không cần ầm ĩ, vừa hết năm đã cãi nhau thế kia, không ra thể thống gì cả.” Rồi bảo Quý Phồn viết kế hoạch rồi trình lên, đọc xong hẵng tính.
Trịnh Tĩnh Nghiệp lại giúp Hoàng đế ngăn chặn tai họa này, trong lòng ngài, ông là một người rất được việc.
Trịnh Tĩnh Nghiệp trở về nhìn con gái vài vòng. Lòng thầm nghĩ, nếu nha đầu này là một con trai, lớn hơn một chút nữa thì tốt quá rồi.
***
Hoàng đế vui vẻ, Trịnh Tĩnh Nghiệp thì hơi tiếc nuối, Quý Phồn sôi máu. Đột nhiên Quý Phồn cảm thấy, ở lại trong kinh chẳng có ý nghĩa gì nữa, Trịnh Tĩnh Nghiệp làm ông phát lạnh toàn thân, vị lão tiên sinh khôn khéo mấy chục năm đã trở lại, mau! Mau đi thôi! Nếu không chạy thật mau, thanh danh mấy chục năm sẽ tiêu tùng!
Quý Phồn hiểu, cho dù quốc khố có tiền, Hoàng đế cũng không muốn phát, có đủ mọi lí do lấy lệ, thường dùng nhất chính là vì nước vì dân! Nếu những lời hôm nay bị thêm mắm dặm muối rồi truyền ra, mang tiếng bảo rằng không để ý sống chết nhân dân, chỉ để ý nịnh nọt thế gia, Quý Phồn sẽ không muốn sống nữa!
Nay trên triều có không ít những quan viên xuất thân hàn môn, rất nhiều người dòng dõi không bằng thế gia, nhưng gia tài chẳng kém. Nói cách khác, khả năng cũng không kém, nhất định bọn họ sẽ mừng rỡ khi thấy con cháu thế gia vì tập tước mà có ấm phong bậc thấp, hoặc không có ưu đãi, ngày nổi danh của bọn họ đã đến! Nhất định bọn họ sẽ rất vui vẻ truyền tin này ra, mượn dư luận trong dân gian để trấn áp những trở ngại kia. Cho dù không có những người này, thì tên học trò tâm địa gian trá của lão cũng không bỏ qua cơ hội này. Thức thời nhanh chóng thì mau chạy, không chừng Trịnh Tĩnh Nghiệp sẽ không đến mức đuổi cùng giết tận, nếu chậm chân…
Quý Phồn run rẩy, lão thừa nhận, lão đã già, hãy để lão được an tâm dưỡng lão.
Về hưu mà chưa nộp báo cáo lên, những kẻ ra mặt thúc giục lão cũng xấu hổ rụt lại, một đống người chạy đến nhà Quý Phồn hỏi thăm. Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không muốn làm người tuyệt tình, ông chỉ nhẹ nhàng khéo léo lôi chuyện này trước mặt Hoàng đế mà thôi.
Mọi người đều biết một sự thật, bấy giờ người trên triều một nửa là thế gia, mà cũng phải thừa nhận rằng con cái thế gia được nuôi dạy tốt, Hoàng đế để Thái tử tự chọn người, hơn nửa cũng từ thế gia. Quý Phồn ra mặt vì bọn họ, đương nhiên sẽ muốn hồi báo. Thái tử cũng muốn mượn thân phận của Quý Phồn để trấn áp Trịnh Tĩnh Nghiệp, bôi xấu ông thì càng tốt.
Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải kẻ ngốc, ông cảm thán trước mặt Hoàng thượng rằng: “Thần những tưởng, thầy là danh sĩ trong nước, vào triều làm quan chính là giúp đỡ triều chính, không ngờ thầy lại ngây thơ chân chất đến vậy. Bản tính người cao thượng, không ngờ có kẻ nham hiểm, mang thầy đi kiếm tiền thay người khác.”
Hoàng đế vốn cũng coi Quý Phồn là vật trang trí thôi, bấy giờ gật đầu bảo: “Cũng không thể trách được khanh.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp lắc đầu: “Thần cứng đầu mới bái được người thầy này, coi như cũng là uy hiếp để thành học trò của người, Quý sư tự nhập kinh, không vui khi gặp thần, đây cũng có nguyên do. Vốn nghĩ, lúc đó xử lí không chính gốc, nói ra cũng chẳng tiện, nên cũng đáp lại thầy. Thầy là danh sĩ trong nước, hẳn sẽ có ích cho bệ hạ, hai cái tiện nghi, thần cũng được thơm lây, còn về thầy, được đền đáp thánh nhân, tiện cả đôi đường. Ai lại ngờ…” Thở dài than ngắn, “Tiên sinh vào kinh, thần cũng hơi ngại khi gặp thầy, sau khi tiên sinh làm quan, muốn đến nhà thăm hỏi, lại sợ khách của thầy ở đó. Lần này, rời đi đúng là thị phi. Vì thế kính mong Thánh nhân viết cho một bức thư tay, lấy làm bùa hộ mệnh, nếu sợ bị đánh thì lôi ra. Đánh thì cũng không sao, đó là thầy, nhưng nếu bị người ngoài thấy thì thần cũng xấu hổ, khụ khụ, mà Tể tướng bị đánh, thì cũng như đánh vào mặt Thánh nhân, hằng ngày có không ít người làm quan trên triều như thần đến chỗ thầy xin thỉnh giáo.”
“Lão thì có khách nào?” Vì Trịnh Tĩnh Nghiệp đã đem đề nghị của Quý Phồn phủi đi, nên tâm tình Hoàng đế rất tốt.
Trịnh Tĩnh Nghiệp lắc đầu: “Thánh nhân, viết đi.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp mang tờ giấy trấn an của Hoàng đế đến nhà Quý Phồn, trước cửa Quý Phồn một đống xe ngựa. Trịnh Tĩnh Nghiệp không khách khí bước vào, khánh sáo gặp Quý Phồn, còn mang theo vài nội quan hộ tống mà Hoàng đế có thiện ý cho mượn, hòng không để Tể tướng mất mặt bị đuổi ra.
Khi nào về những nội quan kia sẽ kể gặp được những ai ở chỗ Quý Phồn cho Hoàng đế nghe, đó không phải là chuyện Trịnh Tĩnh Nghiệp có thể khống chế được, không phải sao?
Thầy trò gặp nhau, xúc động muôn vàn. Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn kính cẩn như trước, sau khi truyền lại lời dặn dò của Hoàng đế, lập tức chắp tay làm cái lễ của học trò.
Quý Phồn thở dài: “Đông xuân giao mùa, ấm lạnh xen kẽ, lão phu không còn dùng được, để gió độc vào người, trò phải cẩn thận hơn, uống canh gừng nhiều vào.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp thưa: “Trò xin nghe.”
Sau đó Quý Phồn tỏ ý muốn về hưu, Trịnh Tĩnh Nghiệp khuyên can cũng không được, đành nói: “Thầy vừa có gia nghiệp này, còn cấp dưới nữa, bọn họ đang trông vào thầy mà kiếm cơm…”
“Không sao cả, đều là bọn hắn đưa lên, trả lại thôi,” cười lạnh, “Người cũng thế.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp không nói.
“Tư Huyền cứ ở lại kinh thành đi.”
Điều này khiến Trịnh Tĩnh Nghiệp rất cảm tạ, trả lời thành khẩn hơn nhiều. Rút cuộc Quý Phồn không nhịn được mà nói: “Chuyện đã qua nhất thời sơ xót mà tính sai. Trên dưới cả triều không dễ đối phó, trò phải cẩn thận, đừng rơi vào con đường cũ của Ngụy Tĩnh Uyên! Lời ngày hôm nay, nhớ kĩ. Chỗ Đông cung, trò phải cẩn thận, chớ gây thù kết oán.”
Làm học trò của lão mấy chục năm, đến hôm nay mới nghe được một câu tình nghĩa! Trịnh Tĩnh Nghiệp lệ nóng tràn mi.
Quý Phồn chạy cũng khá nhanh, không đầy hai ngày sau, đã viết đơn xin về hưu gửi lên. Hoàng đế thấy lão cũng gần tám mươi, cũng không muốn sai bảo gì nữa! Nhìn xem ngươi có dám nói nói xằng nói bậy gì nữa không, à mà không đúng, là ra ngoài nói thì cũng chẳng ai tin.
Hoàng đế giả vờ cảm thông, khanh là danh sĩ cả nước, không thể giữ lại trong triều đúng là tổn thất, nhưng khanh cũng nói mình lớn tuổi, trẫm quả thật cũng không tiện khiến khanh mệt nhọc hơn, khanh về nhà đi, có điều, tiền lương cứ phát như cũ.
Như khi Quý Phồn đến, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn mang cả nhà già trẻ lớn bé đến tiễn đưa, còn hào phóng đưa tới mười mấy cái xe. Cố Ích Thuần cũng dắt Cố Nại tới, Quý Phồn nhìn quanh rồi nói: “Các trò phải giúp đỡ lẫn nhau.” Sau đó quẳng hết cho Cố Ích Thuần.
Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ, quyết định sau này sẽ tốt với thầy hơn.
Cố Ích Thuần nói với Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Cũng chớ so đo với Lý Tuấn nữa.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp nghiêm túc đáp ứng.
***
Trịnh Tĩnh Nghiệp biết, qua chuyện này, Quý Phồn sẽ không đối nghịch với mình nữa, cũng không cần lo lắng bị người ta lấy đạo nghĩa áp chế, tâm tình Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ vô cùng.
Niềm vui này được kéo dài cho đến khi sư huynh và con trai ông phân nhau đến chất vấn. Cố Ích Thuần rất không khách khí hỏi: “Sao Quý sư đi vội thế?”
Trịnh Tĩnh Nghiệp nói trắng ra: “Thế thì tốt hơn là thầy trò tương tàn.” Vốn là ông có thủ đoạn ác hơn nữa kìa, giả như nếu Quý Phồn ở lâu thêm một chút, để Thái tử đi lại với Quý Phồn gần hơn, cả hai người vội vàng khôi phục chế độ thế tập hơn, đến lúc đó Hoàng đế nổi trận lôi đình, mang ra đem chưng thịt.
Sau đó vẫn thu tay lại, dù gì cũng là thầy của Cố Ích Thuần. Còn nữa, Quý Phồn được ông đề cử, nếu phá hư chuyện này, ông cũng không tránh khỏi liên quan, đến lúc đó trộm gà không thành lại mất nắm gạo thì khổ. Nhanh, để lão quay về cho mau.
Dù là thế, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn muốn mượn Quý Phồn để gài bẫy Thái tử một phen. Chắc rằng Hoàng đế đã biết Thái tử đang làm chuyện tốt gì, kết giao với danh sĩ thì không sao, nhưng Thái tử kết giao với đại thần thì có vấn đề, lại còn là đại thần đưa ra đề nghị đối nghịch với phụ hoàng anh ta nữa chứ.
Ranh con, cha mi nghi ngờ mắt nhìn của mi rồi đấy.
Cố Ích Thuần cười lạnh nói: “Coi như đệ cũng có bận tâm đến tình thầy trò!” Ông cũng bực lắm, Trịnh Tĩnh Nghiệp ra tay hung ác thế nào, ông biết cả – không đến chết sẽ chẳng thôi. Năm đó có một kẻ cùng trường, cậy tài kinh người, cho rằng Trịnh Tĩnh Nghiệp khó coi. Trịnh Tĩnh Nghiệp không nói hai lời, nhằm vào thư pháp người ta đắc ý nhất khiến người nọ từ đó về sau không dám động vào bút, cầm đũa trong tay cũng run, ăn cơm phải dùng thìa, thành bóng ma tâm lí.
Nay như vậy, cũng là nể tình rồi.
“Nếu đệ cố tình để ý chuyện ngoài, thì để ý trong nhà chút đi.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp nghe Cố Ích Thuần nói thế, đại khái là không hỏi lại: “Sao thế?”
“Đại lang có chút không thích hợp.” Đây là nói Trịnh Đức Hưng. Cố Ích Thuần phát hiện Trịnh Đức Hưng và Cố Nại có qua lại với nhau, vốn cảm thấy Trịnh Đức Hưng được giáo dục tốt, có điều còn hơi thiếu sự tu dưỡng sâu rộng, ở chung với Cố Nại, được soi sáng cũng hay, nào ngờ học theo người chẳng thành, lại quên cái vốn có.
Trong lòng Trịnh Tĩnh Nghiệp dự tính trước, chưa kịp nói chuyện cùng cháu trai, thì con trai lại đến. Dạo gần đây điều Trịnh Tú hay nói nhất chính là chuyện của Đông cung, anh cảm thấy rằng cứng rắn như cha mình là không tốt: “Cha vì Đông cung là tốt, nhưng cũng không thể xử lí nghiêm khắc vậy, tránh Đông cung hiểu lầm. Là khuyên can, chứ đừng khuyên pháp.”
Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ: “Con cũng có tiến bộ đấy! Đánh mấy roi rồi mà không rõ sao!”
Sau khi phát tài rồi, khó nhất là giáo dục con cái. Coi như Trịnh gia cũng không đến nỗi, trên cơ bản, Trịnh Tĩnh Nghiệp được xem là người toàn năng, trừ sanh con thì chuyện gì cũng có thể làm. Nhưng, Trịnh Tú vẫn muốn khuyên cha, còn Trịnh Đức Hưng vẫn đang ngây ngốc học khoác bộ da lông.
Gầy dựng sự nghiệp thì dễ, giữ vững quá gian nan!
Thế gia, ở phương diện truyền thừa, quả là đáng kính nể.
Trịnh Tĩnh Nghiệp không phải lo đến vấn đề giáo dục, ông biết mình làm việc có hơi cương ngạnh, đó vì có nơi cậy vào, biết mình có thể đối phó được rồi tiếp tục mở rộng. Nhưng con cháu thì lại không làm được. Con cháu của ông không ngốc, nhưng vẫn kém hơn ông rất nhiều, kẻ ngu dốt mà làm chuyện ác thì đúng là tự tìm đường chết, chi bằng cứ giáo dục nhẹ nhàng thôi. Còn nữa, tính tình phải tốt hơn, làm người phải quy củ, ít gây họa!
Chỉ đạo tư tưởng thế là tốt, ít ra con cháu Trịnh gia đến giờ không gây chuyện gì lớn, không gà bay chó sủa như bên Vu gia. Thế nhưng cũng đều nhờ có Trịnh Tĩnh Nghiệp làm trụ cột. Phương châm giáo dục, từ bây giờ sẽ đổi.
May mà Trịnh Tú không phải người quá ngây thơ, ra làm quan, nhìn những cảnh thối nát bên cạnh Hoàng thượng, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng thường phân tích vài ví dụ cho anh, cuối cùng cũng nói đúng ý Trịnh Tĩnh Nghiệp. Trịnh Tú ban đầu khó hiểu, sau lại thành quen, đầu chẳng phải ở tứ phương, nhưng cứ lo ngại về việc cha mình sẽ đương đầu với Thái tử.
Không giết Thái tử hay chuẩn bị giết người của Thái tử thì được mọi người coi là người tốt, cho dù Thái tử là kẻ ngốc nghếch yếu kém đi chăng nữa, dù bạn thành công hay thất bại, thì cũng chẳng hay ho gì. Tiêu diệt Hoàng đế, có thể lật ngược vấn đề, bảo là vì dân; còn Thái tử, chính là truyền thừa chính thống, tuy Thái tử thì kém hơn Hoàng đế, nhưng nghĩ đến chuyện này thì đúng là không muốn làm.
Trịnh Tĩnh Nghiệp cảm thấy, bây giờ nói chuyện này cùng con không phải là thời điểm tốt. Đang muốn mở miệng, thì nghe tiếng của tay giữ cửa bên ngoài: “Lục lang, Thất nương, Tướng công đang nói chuyện cùng Đại lang bên trong.”
Con gái đúng là tri kỉ, tới thật đúng lúc, Trịnh Tĩnh Nghiệp ho khan một tiếng: “A Diễm đấy à? Vào đây nói đi.”
Trịnh Diễm bước vào phòng, chỉnh đốn trang phục rồi hành lễ với cha và anh. Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Giờ học của con thì sao?” Rồi hỏi tới Trịnh Thụy đang khoanh tay đứng: “Em gái con về nhà học nữ công, còn con về làm gì?”
Trịnh Thụy lí nhí nói: “Có một số việc không ổn.”
Trịnh Tú sừng sộ hỏi em trai: “Có chuyện gì mà vội vã trở về thế, không thể nói buổi tối sao? Nếu có việc gấp như vậy, sao quẳng cháu trai ở ngoài? Đệ gây chuyện?”
Đầu óc anh cũng sáng suốt, nghĩ ra rất nhiều khả năng. Trịnh Tĩnh Nghiệp thong thả ngồi xem, thầm nghĩ, chắc không phải chuyện lớn gì.
“Con huynh sắp ngốc đến nơi rồi kìa!” Trịnh Diễm cười tủm tỉm trả lời nói với người anh cả.
Trịnh Tú: “…”