• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

“Bệ hạ, việc mở kho lương cứu dân, thần không đồng ý, xin bệ hạ thu hồi lại thánh lệnh.”

Vẻ mặt của Tạ Lâm ôn hòa bình thản, nhưng lại ẩn giấu vẻ sắc bén. Tạ Thừa tướng dường như không hay biết rằng những lời này sẽ dẫn tới một cơn sóng to gió lớn cho triều đình, bách quan ồ lên. Lúc Thừa tướng còn thiếu niên, vì quê hương bị lũ lụt, nên nhà tan cửa nát, chuyện này tuy rằng mọi người trong triều không nhiều người biết, nhưng chuyện cứu tế nạn dân, suy cho cùng là cũng là việc lớn. Tuy trước đây, tham quan ô lại thường ngấm ngầm tham ô hàng cứu trợ, nhưng bề ngoài, thì đây vẫn là đại sự cứu tế vạn dân, nghiêm trọng ít thì liên quan đến tính mạng của bách tính, nghiêm trọng nhiều thì lung lay xã tắc, nên không thể coi thường.

Hành động này của Tạ Lâm, quả thực vô cùng hoang đường.

Cho dù là tham quan ô lại, cũng hoàn toàn chẳng hiểu được hành động của hắn. Gian thần nịnh nọt không tham ô, thì đúng là sai lầm lớn của thế gian. Tạ Lâm thường thường không có việc gì cũng tham ô rất nhiều vàng bạc, hầu hết những tham quan ô lại gặp phải Tạ Lâm, bị tham quan cướp của quan tham một khoản, cũng chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng ngay cả vật tư cứu giúp nạn dân mà cũng không chịu phát, không bột đố gột nên hồ, không có vật tư, tham kiểu gì?

Không có tên tham quan nào cho rằng Tạ Lâm không cùng một chiến tuyến với mình, bọn họ tham, hắn cũng tham, mọi người cùng tham, có phúc cùng hưởng, có họa cũng chia, có vàng bạc Thừa tướng nhặt trước, bị tống vào ngục mọi người cũng nhau trốn, vui vẻ cả làng.

Nhưng rốt cuộc là hôm nay Tạ Lâm đã xảy ra chuyện gì vậy?

Hôm nay giờ phút này, suốt mấy ngày đóng cửa kiểm điểm không gặp, mặt mày rạng rỡ, ấn đường đỏ tươi, dường như đang ẩn chứa may mắn. Nếu như chiếu lên sách xem tướng, thì đây là tướng hồng loan tinh động, hoặc tướng tốt lành.

(Theo sách tướng số thời cổ đại, thì người có tướng hồng loan tinh động nghĩa là sắp kết hôn.)

Nhớ đến hôm qua nghe nói Tạ Lâm lại ôm ca nữ lầu xanh vào lòng cùng nhau ngủ, Minh Trọng Mưu nhìn đến nghiến răng nghiến lợi, quát hỏi: “Những lời của Thừa tướng nói vậy là sao hả?” Nếu hôm nay ngươi mà không nói cho rõ ràng, thì sẽ không xong với trẫm đâu!

Quần thần chỉ chờ đợi khí thế hùng hồn tranh luận của Tạ Lâm, nói ra những lời khiến quần thần tin phục, nhưng lại thấy Tạ Lâm khom người, cung kính đáp: “Mở kho lương cứu nạn dân, quả thực là chuyện tốt.”

Mọi người ngẩn ra.

Đã là chuyện tốt, thì ngươi bác bỏ thánh lệnh làm gì?

Minh Trọng Mưu cười lạnh nói: “Cứu tế nạn dân là chuyện lớn của quốc gia, há lại giống trò đùa thế à? Không mở kho lương cứu dân, lẽ nào Thừa tướng muốn con dân của Đại Sở ta, chết đói hết cả sao?!”

Vạn Triệu hoàng đế luyện được một thân sức lực khỏe mạnh, nội công tu vi thâm hậu, tiếng quát hỏi này, khiến quần thần thầm cảm thấy có một tảng đá bất thần đè xuống, gần như nghẹt thở. Những lời này của bệ hạ vô cùng nghiêm trọng, long nhan tức giận, Minh Trọng Mưu mới ngồi lên hoàng vị, tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng đã có được khí thế của bậc đế vương rồi. Cơn thịnh nộ của thiên tử, quần thần không dám tiếp chiêu, vì thế đều lao nhao quỳ sụp xuống, khấu đầu nhất loạt nói: “Bệ hạ bớt giận……”, “ Bệ hạ bớt giận……”

Trong khoảng thời gian đó, tiếng “bớt giận” vang lên ồn ào không dứt, nhiễu lương đã tấu được ba lượt rồi, nhưng bệ hạ vẫn không kêu quần thần đứng dậy, triều đình nhất thời yên tĩnh vô cùng.

(Nhiễu lương là một trong tứ đại danh cầm, có một câu rằng: “Dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt” nghĩa là dư âm tiếng đàn vương vấn mãi ba ngày không dứt. Theo truyền thuyết, nhiễu lương là lễ vật của một người tên Hoa Nguyên dâng lên Sở Trang Vương, không rõ niên đại chế tác. Sở Trang Vương từ khi có được nhiễu lương, cả ngày đàn tấu làm vui, say mê trong tiếng nhạc. Có một lần, Trang Vương liên tiếp bảy ngày không lâm triều, đại sự quốc gia gác lại. Vương phi Phàn Cơ vô cùng lo lắng, khuyên can Trang Vương. Sở Trang Vương nghe theo, nhưng lại không có cách nào kháng cự lại sự mê hoặc của nhiễu lương nên đành phải sai người đập vỡ cây đàn đi.)

Vì Tạ Lâm đã có lệnh của tiên hoàng, không cần phải ba quỳ chín lạy, nên sống lưng vẫn thẳng tắp như quản bút, giống như số đao sắc dao nhọn trong bộ sưu tập dưới mật thất của Minh Trọng Mưu, sắc bén vô cùng, hàn khí ép người, lộ ra tính cách cương cường không bao giờ chịu khuất phục. Văn võ bá quan trong triều đều quỳ, duy chỉ có mình Tạ Lâm đứng ở trước tiên, vị trí vừa dễ chú ý đến nhất lại vừa gai mắt nhất, thái độ tuy rằng vẫn cung kính như trước, nhưng lại khiến người ta ghét cay ghét đắng.

Tuy Minh Trọng Mưu không thấy ghét cay ghét đắng, nhưng trong lòng lại thấy có một nỗi phiền muộn không hiểu vì sao.

Chỉ nghe Tạ Lâm trả lời: “Đại Sở ta tuy rằng quốc vận thịnh, nhưng biết làm sao được nước ta chinh chiến với nước Di, hao tổn của cải quá lớn, nếu như bồi dưỡng lấy lại sức, thì mới không có gì đáng ngại. Vậy mà triều đình lại muốn dùng số tiền bạc đó để cứu nạn dân sao? Ý định mở kho lương cứu dân của bệ hạ đúng ra rất tốt, nhưng không tiền không bạc không lương thực, vậy vật tư cứu nạn dân, lấy ở đâu ra?” Tạ Lâm nhấc tay, gọi chủ sự Hộ bộ Hồ Du nói: “Nếu như bệ hạ không tin, thì đích thân hỏi thử Hộ bộ đi.”

Ánh mắt lạnh thấu xương của bệ hạ bắn thẳng tới chỗ Hồ Du, Hồ Du trong lòng run rẩy, cúi đầu càng thấp hơn, lẩy bẩy đáp: “Bệ hạ…… Thừa tướng…… Những lời Thừa tướng nói rất phải ạ.”

Ánh mắt giết người của Minh Trọng Mưu thấp thoáng thấy lúc Hồ Du quỳ phục trên sàn khẽ động đậy năm ngón tay, vừa hay hắn đứng ngay bên cạnh Tạ Lâm, động tác này, dường như là muốn nắm lấy vạt áo Tạ Lâm, nhưng được nửa đường thì bỏ cuộc.

“Nếu thực sự như vậy là tốt nhất,” Minh Trọng Mưu trầm giọng nói, “Thì đây vẫn là chuyện liên quan đến con dân của Đại Sở, không được bê trễ, Hồ Du,” Hắn thân thiết gọi một tiếng, nhưng lại khiến cả người Hồ Du run rẩy, “Chuyện tiền bạc lương thực cứu tế nạn dân, tạm thời sẽ do khanh đảm nhận, làm tốt, trẫm sẽ trọng thưởng.”

Làm không tốt thì……

Minh Trọng Mưu liếc mắt nhìn khuôn mặt toát lên vẻ hờ hững của Tạ Lâm.

Thì khanh có cầu xin Thừa tướng cứu mạng, cũng vô dụng thôi!

“Ngoài ra,” Biểu cảm của Minh Trọng Mưu lộ ra vẻ ủ ê, “Tạ khanh đóng cửa tự kiểm điểm suốt nửa tháng, cũng phải có chút thu hoạch gì chứ?”.

Tạ Lâm ngẩn người, đang định mở miệng xuất khẩu thành thơ thao thao bất tuyệt tiếp, thì Minh Trọng Mưu đã giơ tay lên cắt ngang, “Trẫm không muốn những lời sáo rỗng bên ngoài đó, cũng không cần những thứ văn chương không cần thiết ấy. Bức thư lần trước, trẫm đã đọc rồi, rất không hài lòng, trẫm không muốn đọc lại nữa. Thiết nghĩ Tạ khanh đóng cửa tự kiểm điểm nửa tháng, sẽ có rất nhiều điều muốn nói, chi bằng dùng bút pháp nói hết ra, ba ngày nữa, trẫm muốn đọc.”

Minh Trọng Mưu vốn dĩ còn muốn bảo Tạ Lâm giúp mình phê duyệt tấu chương, không ngờ ngay ngày đầu tiên lên buổi triều sáng, đã khiến mình tức giận đầy cả một bụng. Bởi vậy buổi triều sáng vừa kết thúc, Minh Trọng Mưu đã truyền gọi tên thái giám Lại Xương, rồi quay người bỏ đi.

Tạ Lâm vốn dĩ là giám quốc lại từng đảm nhiệm chức vụ thái phó của thái tử, vốn dĩ nên đi theo. Nhưng Tạ Lâm lại không làm thế, cũng không cần thiết phải làm thế.

Minh Trọng Mưu trong nửa tháng thoát khỏi sự khống chế của Thừa tướng, làm việc lại càng quyết đoán hơn, càng có uy nghiêm của bậc đế vương hơn, càng thấu hiểu đạo lý hơn, càng hiểu tầm quan trọng của bách tính hơn, càng nắm rõ tính quan trọng của việc tự lực cánh sinh hơn.

Và cũng càng hiểu thuật đế vương hơn.

Suốt nửa tháng Tạ Lâm đích thân xin đóng cửa tự kiểm điểm, nhưng đâu có thật sự kiểm điểm?

Nửa tháng không nhập cung, không nhìn thấy bệ hạ, thật ra là vì muốn khiến cho bệ hạ không có người giúp đỡ, phải tự mình xử lý chuyện chính sự.

Trong lịch sử các triều đại, Thừa tướng là xương cánh tay của hoàng đế, chia sầu giải khó cho hoàng đế, triều đình nào cũng vậy. Nhưng Tạ Lâm mang cái danh gian nịnh, không chỉ vì hắn lộng quyền, mà còn vì hắn gánh trách nhiệm giám quốc, lúc mới đầu khi bệ hạ ngồi lên hoàng vị, thủ đoạn thế lực vẫn chưa đủ, Tạ Lâm khó tránh khỏi bao biện làm thay, vì bệ hạ mà đao to búa lớn, cắt bỏ hết tầng tầng lộn xộn, lột ra lớp lớp vỏ kén của quyền lực, phơi bày bản chất bên trong, dâng lên cho bệ hạ nhai nuốt nghiền ngẫm. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc phải gánh cái thanh danh chẳng tốt đẹp gì.

Năm Vạn Triệu thứ hai, Tạ Lâm vốn tưởng năng lực của bệ hạ đã chín muồi, là thời cơ tốt để tự mình chấp chính, chi bằng dần dần buông tay, rất nhiều việc đều do bản thân Thừa tướng mình thay bệ hạ dẫn dắt kiểm soát, về tình về lý đều không thích hợp chút nào. Nhưng suy cho cùng bệ hạ cũng chưa bao giờ thực sự trải qua những ngày tháng chưa có Tạ Lâm phò trợ.

Nếu nói Thừa tướng buông tha quyền lực, chẳng qua là giữ đạo hiếu chịu tang mà thôi. Năm đó bản thân thi đố thám hoa, nhưng quê hương lại bị lũ lụt nhấn chìm, nhà tan cửa nát, vốn dĩ phải hồi hương chịu tang trong ba năm, sau ba năm, công danh còn đó, vẫn có thể quay trở lại kinh đô làm quan.

Nhưng Vĩnh Lưu hoàng đế năm đó, là huynh trưởng của tiên hoàng, lại chỉ cho Tạ Lâm nghỉ phép ba tháng, lệnh cho hắn ba tháng sau lập tức về kinh báo cáo tình hình công tác. Tạ Lâm đã từng nghi ngờ hỏi lại, Vĩnh Lưu hoàng đế liền cho tả hữu lui hết ra ngoài, chậm rãi nói: “Kiến giải của ngươi rất độc đáo, hoàn toàn khác với những thần tử trong triều đình, và những thí sinh khác cùng khoa thi. Thế sự biến ảo, quãng thời gian ba năm, thật ngắn mà cũng thật dài, ba năm sau, ngươi ra sao, trẫm thế nào, giang sơn đi về đâu, trẫm không thể giải thích được, và trẫm nghĩ, ngươi cũng không thể giải thích được.”

Tạ Lâm trầm mặc.

Vĩnh Lưu hoàng đế nhìn Tạ Lâm chăm chú, nhìn đến xuyên thấu, “Khoa cử khiến những người đọc sách trong thiên hạ tre già măng mọc, trẫm biết ngươi vô ý làm làm quan, trẫm nhìn ra được. Nhưng trẫm cũng không có ý thăm dò bí mật riêng tư của ngươi. Sau này hãy cứ coi như trẫm không muốn bỏ qua nhân tài đi, thế cục kinh đô thay đổi, trẫm tuy là hoàng đế, nhưng cũng không phải lúc nào cũng nhìn thấu mọi thứ, ngươi vốn là một tờ giấy trắng, sống ở nơi kinh thành xô bồ phức tạp, sẽ biến đổi thành ra thế nào, trẫm cũng rất muốn biết.”

Năm ấy, bản thân Tạ Lâm xin để tang ba năm giữ đạo hiếu, thực ra cũng định sẽ không ra làm quan nữa. Nhưng không ngờ là bị Vĩnh Lưu hoàng đế nhìn ra, chỉ phê chuẩn cho nghỉ ba tháng. Sau ba tháng, Tạ Lâm không biết rốt cuộc mình phải mang theo tâm trạng như thế nào để quay lại. Tuy rằng ngày đó Tạ Lâm là nhất giáp đệ tam, danh thám hoa, nhưng kỳ thực sau cuộc thi đình của Đại Sở, chỉ có duy nhất mình hắn được giữ lại kinh đô giữ chức tiến sĩ. Tài năng của những trạng nguyên, bảng nhãn khác còn ưu tú hơn hắn, vậy mà đều bị điều đi nơi khác làm quan.

Quả thực Vĩnh Lưu hoàng đế đã nói rất chuẩn. Trong ba năm thời cục biến ảo, Nam có Lưu Cầu quấy nhiều, Bắc có nước Di hùng mạnh, họa bên ngoại khiến tình hình trong nước rối ren, tham quan ô lại hoành hành, nội vụ hủ bại, chính trị hỗn loạn, Vĩnh Lưu hoàng đế không thể chịu nổi mối phiền não này, lại không có con cái nối dõi, nên qua vài năm, bèn truyền ngôi cho đệ đệ, rồi nhắm mắt xuôi tay.

(Lưu Cầu hay vương quốc Lưu Cầu, là một vương quốc thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Các vua Lưu Cầu đã thống nhất đảo Okinawa và mở rộng lãnh địa vương quốc đến quần đảo Amami là một phần của tỉnh Kagoshima ngày nay, và quần đảo Yaeyama gần Đài Loan.)

Còn bản thân hắn thì sao, trong ba năm, với đám quần thần thì giả tình giả nghĩa, với bệ hạ thì tận lực xa cách, ba năm nói dài thì không dài, nói ngắn cũng chẳng ngắn, đủ cho hắn học được sự lõi đời khéo đưa đẩy, học được sự thâm sâu khó dò, học được thói lộng quyền, học được cách dùng mưu kế.

Trong suốt mấy năm đó, đã có quá nhiều thứ thay đổi. Bản thân hai mươi sáu tuổi, là một gian thần bợ đỡ một tay che trời. Có gì khác biệt với đám quần thần kia?

Thật sự là hổ thẹn với thánh ân của Vĩnh Lưu hoàng đế.

Thời cuộc hiện giờ, Tạ Lâm đi không được, vứt chẳng xong, tuy hắn hiểu rằng chỉ cần hắn tiếp tục ngồi ở cái vị trí Thừa tướng này, thì cái danh xưng gian thần hắn còn phải cõng tiếp, vũng bùn quyền mưu này, hắn càng lún càng sâu, cũng không thể nào thoát ra được.

Vì để đương kim bệ hạ tự mình chấp chính mà buông tay suốt ba năm, không khỏi quá lâu rồi, Thừa tướng đại nhân không chờ được, mà cũng không chờ nổi. Hắn chỉ có thể giành ra thời gian nhiều nhất là hai tháng, để bệ hạ tự mình xử lý chính sự, tiện bề thích nghi với những tháng ngày không có Thừa tướng.

Không ngờ là Giang Tô và Chiết Giang lại xảy ra lũ lụt, phá hỏng hết cả kế hoạch. Tạ Lâm đành phải quay lại trung tâm của triều đình, nắm chặt lấy thời cuộc, và cả thời cơ nữa.

Cũng may bệ hạ trưởng thành rất nhanh, dần dần quả quyết hơn, đã có sự uy nghiêm của bậc đế vương rồi. Đáng vui đáng mừng.

Quần thần đã nối đuôi nhau đi ra khỏi đại điện từ lâu, nhưng Tạ Lâm vẫn đứng mãi nhìn ngai vàng đến ngây người. Hành động này, rơi vào trong mắt người có tâm cơ, thì sẽ là đại bất kính.

Ánh mắt của Úy Trì Chính quét tới, bèn khựng lại không đi nữa, lúc liếc mắt nhìn về phía Tạ Lâm, lại thấy tuy rằng ánh mắt hắn sáng lấp lánh nhìn chăm chú vào ngai vàng, nhưng tuyệt không mảy may mang theo vẻ lạnh lẽo buốt giá, cánh môi mềm mịn khẽ mím lại, cong lên thành hình vòng cung nhẹ nhàng.

Nụ cười của Thừa tướng đại nhân, thường bị người đời giễu cợt ví giống với rắn độc, chỉ vì tuy thường xuyên cười, nhưng nụ cười lại không hấp dẫn, cũng không khiến cho người ta cảm thấy ấm áp, mà chỉ thấy một luồng hàn ý từ dưới chân dâng lên.

Còn lần này, Tạ Lâm cũng đang cười, nhưng nụ cười lại……

Không giống như thế.

Ánh mắt Úy Trì Chính lóe lên, khẽ gọi: “Tạ đại nhân.”

Tạ Lâm nghe thấy tiếng gọi, hơi quay đầu lại, khóe miệng hơi cong lên giật giật. Nhưng cánh môi vẫn mím chặt, vẫn là khuôn mặt thanh tú trong trẻo, tựa hồ như vẫn đang cười, nhưng lại khiến cả người Úy Trì Chính phát run, liền rùng mình một cái.

Nếu sau này có ai nói Tạ Lâm cười rất ấm áp, thì Úy Trì Chính hắn là người đầu tiên không tin!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK