Năm Hàm Hòa thứ mười hai, Lương bộ Tây Sở xâm lăng, giữa đêm lội sông trèo núi, tướng quân Tây Bắc Thường Xương mất mạng dưới loạn đao của địch, nội trong một ngày tội thần điều quân từ biên giới phía bắc, viện trợ phía nam núi Mang, đại thắng toàn diện, được tấn phong làm Trấn Bắc Hầu. Chỉ tiếc vì trận chiến đó mà lưng của tội thần bị thương không chữa khỏi, không thể lại ra sa trường, đóng quân ở biên giới phía bắc ba năm, đến năm Hàm Hòa thứ mười sáu, tội thần được gọi về kinh sư, đảm nhiệm chức Chưởng sứ binh phòng tại Xu Mật Viện.
Một võ tướng không thể cầm đao khác gì phế nhân, may mắn tội thần xuất thân từ thế gia nhà võ, nắm rõ việc phân quân đóng quân của các bên và quá trình điều binh, chức quan Chưởng sứ binh phòng chính là công việc điều binh khiển tướng, từ trấn áp bắt cướp cho đến áp giải phạm nhân, đều phải được tội thần phê duyệt.
Cuối năm Chiêu Hóa thứ mười một, lần đầu tiên đế đề nghị xây dựng đền Tiển Khâm, tuy đại đa số triều thần ủng hộ song cũng có người phản đối, nhất là các nhân sĩ. Bọn họ nói rằng sau trận chiến sông Trường Độ, Cật Bắc lâm vào cảnh lầm than, sau mười năm, tuy Cật Bắc có vẻ đã khôi phục nhưng kỳ thực vẫn còn rất nhiều người sống trong khổ nạn, xây đền hao tài tốn của, chi bằng dùng nó cứu tế dân. Nói thật, trong triều đại Chiêu Hóa quốc khố khá dồi dào, xây dựng đền hay cứu tế dân chúng đều có thể thực hiện song song, nên dù có lời ra tiếng vào thì tiên đế vẫn bỏ ngoài tai, nhất là khi được những người như lão thái phó hay Trương Chính Thanh ra sức ủng hộ. Đầu năm Chiêu Hóa thứ mười hai, triều đình nhanh chóng quyết định xây dựng đền Tiển Khâm ở núi Bách Dương.
Tin tức vừa truyền đi, đại bộ phận nho sĩ thấy phản đối cũng vô ích nên đã bỏ cuộc, nhưng vẫn còn một số ít rất cực đoan, quyết định của triều đình đã kích động bọn họ nổi dậy. Bọn họ kéo ra đầu đường Chu Tước, tuyên bố trận chiến sông Trường Độ không phải là lựa chọn giữa chủ chiến hay chủ hòa, mà là giữa bách tính và lãnh thổ, cuối cùng triều đình đã từ bỏ người Cật Bắc, bảo vệ đất Cật Bắc. Các nhân sĩ làm loạn trên đường hai ngày, còn xung đột với cả Kinh Triệu Phủ, khiến một quan sai bị thương, tiên đế hay tin nổi giận, lập tức hạ lệnh tống giam bọn họ. Chính tội thần dẫn binh bắt người, thậm chí còn không lên công đường mà bị đưa thẳng vào đại lao, ít ngày sau định tội, xử lưu đày bảy năm. Ắt hẳn chư vị vẫn còn nhớ chuyện này.”
Nói đến đây, Khúc Bất Duy dừng một lúc, có lẽ vì đã quỳ quá lâu nên hai chân ông ta tê rần, đầu gối xê dịch khiến gông cùm trên chân kêu *lẻng xẻng*, “Lưu đày, dẫu chỉ có bảy năm nhưng thật sự quá nặng, chỉ là do tiên đế giết gà dọa khỉ nên toàn triều không ai dị nghị, ngoại trừ lão thái phó phản đối. Đương nhiên tội thần cũng thế, những chuyện ấy liên quan gì đến tội thần? Song vào lúc ấy, Chương Hạc Thư lại đến tìm tội thần…”
***
“… Xin Hầu gia nới tay, sau tiết Khánh Minh, giao các nhân sĩ ấy lại cho vị quan họ Cù mà Chương mỗ đã đề cập.”
Đến tận hôm nay Khúc Bất Duy vẫn nhớ rõ như in, ngày hôm ấy Chương Hạc Thư tìm đến cửa, chưa uống hết chung trà mà đã nói lời trên.
Lúc bấy giờ Khúc Bất Duy đang là Chưởng sứ binh phòng tại Tây phủ, áp giải phạm nhân là bổn phận của ông ta, chỉ định viên quan phụ trách dọc đường cũng không khó, chẳng qua…
“Việc gì bổn hầu phải nghe Chương đại nhân? Họ Cù này là người của Chương đại nhân à?”
“Nếu Khúc Hầu đã hỏi, Chương mỗ đành nói thật vậy.” Chương Hạc Thư khép nắp trà, thở dài một hơi, “Chẳng dám giấu gì, Chương mỗ muốn cứu những sĩ tử ấy, cho bọn họ một lối thoát…”
***
“Chương Hạc Thư nói lưu đày mấy năm chỉ là chuyện nhỏ, nhưng một sĩ tử trong sạch dính phải vết nhơ ấy thì coi như chấm hết, nha môn không nhận, thậm chí cũng không ai dám mướn làm thầy dạy học. Xét cho cùng, tội lỗi của bọn họ cũng đâu có lớn, chỉ vì có người thân bạn bè ở Cật Bắc, lên tiếng bất bình thay nên mới lỡ lời vài câu. Mười năm miệt mài học tập coi như đổ sông đổ bể.
Chương Hạc Thư bảo, chỉ cần tội thần chỉ định viên quan họ Cù ấy áp giải phạm nhân là được, không cần để ý đến những chuyện khác, ông ta sẽ tự giải quyết. Ông ta còn giao cho tội thần thư liên lạc với viên quan ấy, nói lỡ sau này có biến, tội thần cứ giao thư ra, ông ta sẽ gánh chịu trách nhiệm, tuyệt đối không dính dáng đến tội thần.”
“Nên ông đã đồng ý?” Giọng Tạ Dung Dữ sang sảng.
Một lúc lâu sau, Khúc Bất Duy mới gật đầu, “Đúng thế. Vì Chương Hạc Thư đã hứa với tội thần một chuyện: sau này khi đền Tiển Khâm được xây xong, trong số công thần theo ngự giá cúng tế sẽ có một suất dành cho Mậu nhi.”
“Tội thần chinh chiến gần nửa cuộc đời, con cái không ít, nhưng khi bốn đứa đầu chào đời thì tội thần đang ở trên chiến trường, không quá thân thiết với các con. Còn Mậu nhi chào đời đúng lúc tội thần bị thương phải trở về, đó là lần đầu tội thần cảm nhận được niềm vui làm cha, hơn nữa vì vết thương ở lưng nên cũng không còn chú tâm đến sa trường. Lúc ấy tội thần chỉ muốn dạy dỗ Mậu nhi trưởng thành nên người, tiếc rằng…” Khúc Bất Duy cười khổ, “Tiếc rằng dạy không đúng cách, lúc cần chiều lại quá cưng chiều, lúc cần nghiêm lại quá nghiêm khắc, vốn đã không phải măng non tốt, càng dạy càng hỏng.”
“Thời gian ấy tội thần rất buồn, tuy Hầu phủ có thể nuôi được Mậu nhi cả đời, nhưng làm người chí ít vẫn phải có bản lĩnh riêng, như vậy mới được người ta coi trọng. Mậu nhi văn dốt võ nát, không lẽ định ngồi không kế thừa tước vị? Nên lúc Chương Hạc Thư hứa hẹn điều ấy, tội thần đã đồng ý. Tội thần nghĩ, chí ít như thế còn chứng tỏ Mậu nhi là người được tiên đế chọn, con đường mai sau thằng bé đi cũng sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên mùa xuân năm ấy, tiên đế đổ bệnh, thái y nói tiên đế cần tĩnh dưỡng một năm, không thể đi đường xa tránh bệnh tình trở nặng, vì vậy tiên đế không thể đến đền Tiển Khâm. Lúc này tiên đế đổi ý, sửa đền Tiển Khâm thành Tiển Khâm Đài, cho gọi đại kiến trúc sư Ôn Thiên rời núi giám sát chỉ huy, chờ ngày hoàn thành sẽ tuyển chọn sĩ tử lên đài cúng tế. Mậu nhi không phải nhân sĩ nên chắc chắn không thể lên Tiển Khâm Đài, Chương Hạc Thư cũng không thể thực hiện lời hứa với tội thần được nữa. Ngày hôm ấy, tội thần đến tìm Chương Hạc Thư tìm cách xoay sở, nhưng Chương Hạc Thư lại rất hưng phấn…”
***
“Khúc Hầu à, đấy rõ ràng là chuyện tốt chứ còn gì nữa! Như vậy những sĩ tử học hành gian khổ sẽ có cơ hội lên đài, ông không biết con đường mây xanh có ý nghĩa như thế nào với một người bị vùi trong bùn đất đâu, bọn họ không cần phải giống tôi như ngày trước…”
Nói đến đây, Chương Hạc Thư dừng lại, nhưng ông ta vẫn hưng phấn vỗ tay, đi qua đi lại.
***
“Tội thần không rõ ông ta đang mừng điều gì, nhưng thấy ông ta như thế, tội thần lại rất tức giận, cảm thấy ông ta nuốt lời. Nhưng Chương Hạc Thư lại thuyết phục tội thần, nói rằng tiên đế là minh quân, còn thái tử… chính là Quan gia, cũng là hạt giống tốt, biên cương đã yên, triều đình phồn thịnh, là lúc văn sĩ đứng ra võ tướng lùi về, nếu chỉ dựa vào một mình Mậu nhi thì có thể đi được bao xa? Nhưng nếu có người dìu dắt thì lại khác. Tội thần và ông ta đã già, nâng đỡ được lúc này lúc kia chứ không thể nâng đỡ cả đời, tương lai mai sau phải dựa vào đồng lứa tuổi trẻ. Chỉ cần chúng tội thần chọn ra những búp măng tốt, ban cho chúng ít ơn huệ, đến ngày chúng thành tre xanh, ắt sẽ tự biết phải báo đáp. Nhưng ơn huệ nào mới khiến một người khắc ghi cả đời?”
Toàn điện im phăng phắc, chỉ có Tạ Dung Dữ nói: “Ơn tri ngộ.”
“Đúng thế, chính là ơn tri ngộ. Chương Hạc Thư nói ông ta có thể lấy được danh sách sĩ tử lên đài, tới lúc đó sẽ chia cho tội thần vài suất, tội thần nhắm được ai thì ông ta sẽ tìm cách để người đó lên Tiển Khâm Đài. Tội thần là võ tướng thô kệch, chỉ biết rất ít đạo lí nông cạn, lúc đó vẫn chưa hiểu hết lời của Chương Hạc Thư, không biết có nên đồng ý hay không. Song, đúng lúc này lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Chư vị có còn nhớ vào năm Hàm Hòa thứ mười hai, khi Thường Xương tướng quân mất mạng bởi loạn đao của địch, tội thần gấp rút đến núi Mang viện trợ không? Khi tội thần đến nơi, sở dĩ núi Mang vẫn chưa bị tấn công là nhờ một Hiệu úy họ Mao dưới trướng của tướng quân Thường Xương, chính người đó đã dẫn tàn binh chống trả quân địch, về sau Mao Hiệu úy được phong làm Du Kỵ tướng quân, hắn cũng giống tội thần, bị thương trong trận chiến ấy, mấy năm sau được triều đình gọi về. Hắn không xuất thân từ thế gia, nửa chữ bẻ đôi cũng chẳng biết, nhậm một chức quan hão ăn bổng lộc, sống chẳng ra gì. Nhưng nguyên nhân thực sự khiến cuộc sống hắn thay đổi là vào năm Hàm Hòa thứ mười bảy, mười ba tộc Thương Nỗ xâm lăng, hắn nhờ người viết thư, mười bảy lần dâng tấu xin hòa. Tội thần thừa nhận, trong số các đại thần chủ hòa hồi ấy có rất nhiều người sợ không chiến, nhưng Mao tướng quân lại khác, nếu hắn sợ chiến thì đã không bị thương nặng như vậy. Hắn đóng quân ở Tây Bắc nhiều năm, biết rõ nỗi cơ cực của dân chúng Cật Bắc, chắc chắn bọn họ không thể chịu thêm một cuộc chiến nào nữa. Trong tấu thiếp của Mao tướng quân có ghi, nghị hòa chỉ là kế hoãn binh, hắn hi vọng triều đình cử sứ thần đàm phán với mười ba tộc Thương Nỗ, sau đó di tản bách tính Cật Bắc tới phía nam núi Mang, đến lúc đó đánh vẫn chưa muộn.”
“Trong triều đại Hàm Hòa,” Khúc Bất Duy cười khổ, “Lấy đâu ra bạc để di tản dân chúng? Nếu có tiền thật thì đã chẳng có cảnh bán con đổi lương thực. Mà giả sử có bạc để di tản đi chăng nữa, quân quỹ bị trễ mấy tháng tính thế nào đây? Nhưng như tội thần đã nói, Mao tướng quân là người ít học, hắn không lường được những chuyện này, trong lòng trong mắt hắn chỉ có mảnh đất Cật Bắc và người dân ở đó. Hắn chỉ là tướng quân cấp thấp, không có tư cách gặp vua, cũng không thể lên chầu, hắn nhờ người viết tấu thiếp rồi đến Xu Mật Viện quỳ, đến Khinh Triệu Phủ quỳ, đến những phủ đệ nhà tướng mà hắn quen để quỳ. Có người đã bị hắn làm cho cảm động, đã chuyển lời đến hoàng đế Hàm Hòa, thậm chí hắn còn bị phái sợ chiến chủ hòa lợi dụng, dùng làm ngọn thương sắc bén nhất.
Đáng tiếc thay, ngay khi toàn triều tranh cãi, sĩ tử lại nhảy sông.
Một trăm ba mươi bảy sĩ tử trầm mình dưới sông Thương Lãng. Nước sông Thương Lãng rửa sạch cổ tà, thiên hạ chấn động, phái chủ hòa trong triều không dám ho de, tướng quân Nhạc Xung lập tức xin đánh. Chiến hay không chiến đã có câu trả lời, nhưng ai sẽ trả lại tính mạng của một trăm ba mươi bảy sĩ tử ấy đây? Bách tính và các sĩ đại phu lập tức chĩa mũi dùi vào các tướng quân chủ hòa, chỉ trích bọn họ hèn nhát bất tài, ích kỷ hư vọng, nếu bọn họ không khăng khăng chủ hòa thì đã không ép các sĩ tử phải nhảy sông. Để xoa dịu nỗi bất bình của người dân, triều đình ắt phải ra tay, không ít võ tướng bị cách chức phạt bổng, bao gồm vị Mao tướng quân nọ.
Mà chính chuyện này đã gieo mầm bệnh vào lòng của rất nhiều đại thần xuất thân từ binh nghiệp, cảm thấy triều đình trọng văn khinh võ, trước kia khi Quan gia mới kế vị, trong triều đã có tướng quân lạm quyền, có lẽ nhân quả cũng từ đó mà ra. Có điều những chuyện đó để sau hẵng nói, trở lại năm Chiêu Hóa thứ mười hai, lúc triều đình muốn xây dựng Tiển Khâm Đài.
Năm Chiêu Hóa thứ mười hai, tiên đế quyết định sửa đền Tiển Khâm thành Tiển Khâm Đài, đồng thời tuyển chọn sĩ tử lên đài, Chương Hạc Thư nói rằng có thể phân cho tội thần vài suất chọn sĩ tử. Tội thần vẫn còn do dự, không phải sợ phạm tội mà chỉ là không biết danh sách ấy có ích lợi gì hay không. Nhưng, chính vào lúc đó lại xảy ra một chuyện, vị Mao tướng quân kia… đã qua đời.”