• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


Cả hai ăn ý không ai nói ai, bắt đầu đọc sách.

Thư viện giờ trưa vắng lặng.

Một số bạn học mệt quá đã ngã đầu lên bàn, chợp mắt một tí.

Chỉ còn hai con người khó hiểu là Thụy Khanh và Đình Thành.

Đã quá giờ ăn trưa, nhưng không ai buồn đứng dậy.
Đình Thành thật sự đói bụng nhưng cô bạn trước mặt không động.

Cậu muốn xuống căn tin ăn rồi mua bánh lên cho cô.

Tiếc là thư viện không cho mang đồ ăn vào.

Mời cô xuống cùng cô lại không chịu đi.

Tiếp tục ngồi đọc sách trong tình cảnh bụng trống rỗng thế này đúng là hành hạ tinh thần và thể xác cậu.
"Xuống ăn trưa đi Khanh.

Hơn 1 giờ rồi đó."
Thật lòng Thụy Khanh cũng đói, cô định ngồi lại đợi cậu đi ăn trước.

Khi nào cậu quay lên, cô sẽ xuống ăn sau.

Thế mà người này cố tình ngồi chờ cô.

Nếu cứ tiếp tục thi gan như vậy, cả hai đều ngược đãi bao tử của chính mình.
Thụy Khanh xếp sách vở lại, cô chỉ chuyên tâm làm việc của mình không hay ở phía đối diện Đình Thành âm thầm thở ra, khóe môi cong nhẹ.

Trời biết đất biết, nãy giờ cậu đói rã ruột.

Nếu Thụy Khanh mà tiếp tục ngồi đó, chắc cậu không trụ nổi nữa.
Thụy Khanh đi phía trước, Đình Thành theo phía sau.

Cứ như vậy ngồi đối diện cô, gọi một phần ăn giống phần của cô, khuôn mặt cậu ngời ngời hạnh phúc.

Chẳng biết do được ngồi ăn cùng cô, hay là bao tử được thỏa mãn nên cậu thăng hoa.

Nhìn biểu cảm vui sướng của cậu, cô không tài nào hiểu nổi.

Vất vả nuốt xong phần cơm trưa, Thụy Khanh lên thư viện tập trung học tiếp.

Đối diện vẫn là cậu bạn thỉnh thoảng mang nước, hoặc giả vờ thảo luận một đề tài nào đó với cô, buộc cô phải tương tác với cậu.

Thật ra học cùng bạn cũng có cái hay, dễ cho Thụy Khanh nhớ bài.
Ngồi thêm một lúc cũng đến giờ cô phải chạy sang nhà Vân Tú dạy kèm.

Lần này có thể thoát khỏi sự theo đuôi của Đình Thành.

Đến được nhà Vân Tú, nhìn thấy cô bé rồi, tinh thần Thụy Khanh mới thả lỏng một chút.

Giao tiếp với trẻ con, cô chẳng cần phải gồng mình nữa.
Đó là lý do cô thật lòng thích dạy Vân Tú.

Cô thích bé con và dùng tình cảm đối đãi với bé.

Con nít nhạy cảm, ai thương bé thật lòng, bé có thể cảm nhận được.

Cho nên Vân Tú bám Thụy Khanh vì cảm nhận được cô yêu thương và chiều bé.

Cô dạy cho bé điều hay và chẳng bao giờ la mắng bé.

Khi nào bé bướng bỉnh, cô vô cùng phối hợp, cho bé nghỉ một chút.

Đợi cơn bướng qua đi, cô lại dạy bé học.
Thụy Khanh ở bên nhà Vân Tú cũng được sự yêu quý của ba mẹ bé, nên mỗi khi dạy học cô cảm thấy thời gian qua rất mau.

Ngồi một lúc đã đến giờ phải về nhà, lúc đó tâm trạng cô lại chùng xuống.

Ba mẹ và Trúc Khanh chẳng thể nào biết được họ đã gieo vào lòng cô nỗi sợ hãi thế nào khi phải về nhà.
Dạy Vân Tú xong, anh chị Toàn muốn Thụy Khanh ở lại dùng cơm tối.

Thụy Khanh ăn không nổi bèn xin phép ra về.

Chạy trên đường, lòng cô bắt đầu thấy không an ổn.

Quả nhiên vừa về đến nhà, không khí quỷ dị đã tràn ngập màn phổi.

Chị Tâm mở cửa cho cô, nhìn cô đầy ý tứ.
"Có chuyện gì nữa hả chị Tâm?" Thụy Khanh hỏi với vẻ bất an.
Ngày nào cũng lo lắng và hồi hộp như vậy, có ngày con tim tội nghiệp của cô sẽ thôi đập, chứ không phải yếu ớt như Trúc Khanh nữa đâu.


Thật sự cô cảm thấy ngột ngạt khổ sở lắm rồi.
Gần đây trong đầu cô đã manh nha ý nghĩ dọn qua chỗ Hải Băng ở.

Nhưng hai mươi mấy năm sống trong truyền thống gia giáo của gia đình, cô chẳng dám nổi loạn, chỉ có thể âm thầm chịu đựng sự bất công.
"Cô Trúc lại không vui.

Chẳng biết đã xảy ra chuyện gì giữa cô ấy và cậu Hoàng.

Từ buổi tối đi xem hòa nhạc với nhau đến giờ chẳng thấy cậu ấy ghé lại." Chị Tâm nhỏ giọng thì thầm bên tai cô: "Hình như cậu Hoàng không muốn qua lại với cô Trúc nữa.

Tôi nghe ông bà chủ khuyên cô Trúc quên cậu ta đi, nhưng mấy hôm nay cô Trúc không chịu.

Cô ấy cứ buồn, có vẻ cô ấy thương cậu Hoàng."
Hai chị em cứ đứng ngoài sân nói chuyện với hai mắt căng chặt, sợ ba mẹ xuống phòng khách nhìn ra sân bất thình lình.

Chị Tâm ở nhà nhiều hơn cô, nên chị biết rõ tường tận mọi chuyện.

Tánh chị không phải nhiều chuyện, chỉ vì nhiều lần nhìn thấy sự bất công của ba mẹ dành cho Thụy Khanh, nên khi có chuyện sẽ báo động cho cô biết.
Không phải mình chị ấy bất mãn, đã có nhiều người làm trước đây cũng bất mãn sự thiếu công bằng của ba mẹ dành cho hai chị em.

Có thể nói trong nhà này, những người quan tâm Thụy Khanh nhất chỉ là mấy người giúp việc cho gia đình cô.

Cuộc đời của cô có thể nói là thảm không nỡ nhìn.
Người bên ngoài chỉ thấy Thụy Khanh là cô tiểu thư được lên xe xuống ngựa.

Đi học có xe đưa đi đón về, không phải chịu nắng mưa, sương gió.

Mấy ai biết những đặc ân này là nhờ vào Trúc Khanh.

Ba mẹ vì xót em gái, nên chuyện gì cũng chiều em.

Sợ em không chịu nổi một cơn gió, nên bảo vệ vô cùng kín kẽ.

Cô vì đi theo em, nên cũng được đãi ngộ ké.
"Mấy bữa nay cô Trúc giống thất tình.

Chị thấy lạ, mới có mấy tháng không lẽ cô ấy yêu cậu Hoàng đến mức chết đi sống lại?" Chị Tâm không hiểu được nên đăm chiêu: "Cô Trúc không thèm đến trường dù sức khỏe không có vấn đề.


Chị nghe ông bà chủ dỗ cô Trúc ngoài kia còn nhiều người đẹp trai, tài giỏi hơn cậu Hoàng, ông bà sẽ sắp xếp cho cô ấy.

Nhưng cô Trúc không chịu, cứ buồn bã khiến trong nhà rối ren."
Chị Tâm vẫn đang thắc mắc sao chỉ gặp nhau mấy tháng mà Trúc Khanh lại yêu anh ta.

Tại chị không biết từ bao lâu nay, ba mẹ đã cố ý gieo vào suy nghĩ Trúc Khanh rằng anh ta là người tốt nhất.

Tự ba mẹ đã xây dựng nên hình tượng người đàn ông tài ba, giỏi giang trong đầu Trúc Khanh.

Em gái đã nhận định người đó sẽ là chồng tương lai và là người ưu tú nhất, nên đặt tình cảm vô anh ta là điều hiển nhiên.
Cô không chắc em gái thích anh ta đến mức nào, nhưng có một điều cô rất hiểu em gái, em ấy là kiểu người không chịu bị bỏ rơi.

Trước giờ chưa từng bị trái ý, lần này bị anh ta từ chối, cảm giác này với người bình thường đã không dễ chịu, thì làm sao với một người có trái tim không khỏe mạnh và chưa từng bị trái ý như Trúc Khanh có thể chịu đựng được.
Cô chắc chắn nếu là một món đồ, ba mẹ sẽ cố gắng lấy về cho Trúc Khanh ngay, hoặc mang về cho em ấy một sự lựa chọn khác tốt hơn.

Nhưng đây là một con người và theo cô cảm nhận người này cực kỳ khó đối phó.

Anh ta sẽ không chịu bất kỳ sự sắp xếp của người khác.
Anh ta ghét cuộc hôn nhân sắp đặt và anh ta đã thể hiện ý mình từ trước.

Chẳng phải anh ta muốn từ hôn lâu lắm rồi sao? Anh ta cho cơ hội tìm hiểu Trúc Khanh trước khi quyết định là có lòng rồi.

Chẳng thể bắt ép anh ta được nữa, nếu không tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.
"Giờ mọi người đâu hết rồi chị?" Giọng Thụy Khanh thấp thỏm không yên.
"Ở trên phòng dỗ cô Trúc.

Hôm nay cô ấy buồn bực, nên tim có hơi mệt."
Rồi chị Tâm nhìn Thụy Khanh quan tâm: "Mặt cô gần đây cũng xanh đó cô Thụy.

Cô đạp xe mỗi ngày mười mấy cây số, chị phục cô thật.

Giờ cô vô ăn tối đi, chị dọn cho cô ăn."
"Dạ thôi đừng dọn, em lấy chén ăn ít cơm là được rồi."
Giờ không có ba mẹ và lâu rồi không ai quản cô, kiểu cách ăn uống sang trọng, nề nếp đã biến đi đâu mất rồi.

Thụy Khanh của bây giờ cực kỳ tùy tiện, đâu còn cô tiểu thư cành vàng lá ngọc nữa.

Một ngày chạy bên ngoài, vừa học vừa làm, chỉ có ăn vội uống vội.

Cũng đâu có ai quan tâm, kiểu cách để làm gì.
Chị Tâm không nghe Thụy Khanh, vẫn bày đủ thức ăn ra bàn.

Chị thật lòng quý Thụy Khanh.

Sợ cô chán, chị ngồi xuống bàn, nhìn cô ăn và trò chuyện cho cô đỡ buồn.


Thụy Khanh mệt mỏi cả ngày, nuốt cơm không trôi nhưng chị Tâm không cho cô buông đũa, ép cô ăn thêm chút nữa.
Để làm loãng sự chú ý của cô vào chén cơm, chị còn kể cho cô nghe những chuyện lý thú ở quê chị.

Thụy Khanh vừa nghe, vừa cố gắng nuốt cơm.

Đúng lúc này ông Hưng bất chợt đi xuống nhà bếp, không biết ông ấy cần gì.

Thấy ông ở cửa, cả hai đều giật mình.

Chị Tâm tỉnh hồn trước tiên.
"Ông chủ cần gì tôi làm cho?"
Ông Hưng chưa vội trả lời chị Tâm, chỉ nhìn con gái lớn nghiêm khắc: "Ngày nào cũng chạy ngoài đường, đi sớm về muộn.

Con làm cái gì bên ngoài, thật chẳng ra làm sao."
Chị Tâm nghe giọng ông chủ gay gắt với Thụy Khanh mà bất nhẫn.

Với con gái nhỏ thì dịu ngọt, hà cớ gì nhìn con gái lớn là giở giọng trách mắng, trong khi con bé chẳng làm gì sai.

Có lộn không vậy? Hai vị cha mẹ này chắc uống nhằm thuốc gì.

Nhưng chuyện gia đình nhà chủ, phận làm công như chị chẳng dám hó hé, chỉ giả vờ mắt điếc, tai ngơ.
"Con đi học và đi làm thêm, không phải chạy rong ngoài đường đâu ạ." Thụy Khanh tủi thân.
Ông Hưng không buồn phản ứng, chỉ yêu cầu chị Tâm pha ly sữa nóng cho Trúc Khanh.

Đối xử với con gái lớn thì khó chịu, nhưng chuyện của con gái nhỏ lại đích thân đi làm mọi thứ, thái độ kiên nhẫn yêu chiều.

Không ai có thể hiểu được suy nghĩ của ông bà Hưng.

Xem như Thụy Khanh mắc nợ gia đình này từ kiếp trước, nên giờ chỉ cần thấy cô, ông bà đã mất kiên nhẫn.
Đang ăn ngon lành chỉ vì ông Hưng xuất hiện khiến tâm trạng Thụy Khanh u ám.

Cô buông đũa, nhờ chị Tâm dọn dẹp rồi lủi lên phòng.

Nói là sẽ xem nhẹ mọi chuyện, vậy mà lòng vẫn buồn.

Thụy Khanh ngồi trên bàn học nghĩ về gia đình, trong đầu cô manh nha ý định thoát ly.
Muốn sống cuộc đời riêng, trước tiên cô phải cố gắng học thật giỏi, tốt nghiệp loại ưu để có nhiều cơ hội tìm được việc làm.

Nghĩ ra hướng giải quyết rồi, Thụy Khanh như thấy được tia sáng cuối đường hầm, đang thắp lên niềm hy vọng mong manh cho cuộc đời.

Cô bỗng chốc như được tiếp thêm động lực, bắt đầu ngồi vào bàn học chăm chú.

Tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước.

Thụy Khanh bỗng thấy lạc quan yêu đời.
(Còn tiếp).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK