Một ngày đẹp trời, cô bé lính mới lại lướt facebook nhìn ngó lung tung.
Ở trên đó nhóm bạn cô đang truyền nhau đường link bài báo viết về mấy trẻ em người dân tộc đi học.
Những học sinh này rất nghèo, nhà ở vùng sâu cách xa thành phố.
Để đến trường tìm kiếm con chữ, các em phải băng rừng vượt suối.
Nhưng cuộc sống đói nghèo, cha mẹ phải làm rẫy mưu sinh, bụng còn không đủ no nên sẽ đến lớp bữa đực bữa cái.
Thầy cô giáo thường phải vào tận nhà năn nỉ phụ huynh cho con em đến trường.
Những người tình nguyện thương hoàn cảnh của các bé, kêu gọi đóng góp trên các trang mạng xã hội.
Họ tạo ra chương trình nuôi em vùng cao đi học.
Mạnh thường quân có thể chọn bé mình thích nuôi, góp tiền cho bữa ăn của bé, để bé đủ năng lượng đến trường.
Nhân viên mới vào này lướt mạng một lúc lại lướt ra bài báo mới gần đây của một phóng viên nào đó, viết về cuộc sống của các trẻ em dân tộc Hmông thuộc huyện Liêng Srônh, nằm lọt thỏm giữa rừng núi sâu.
Bài viết ca ngợi những thầy cô giáo đã dành hết tâm huyết cho nghề gõ đầu trẻ, tận tụy truyền dạy đàn em thân yêu.
Lớp học vô cùng giản đơn, không bục giảng cũng chẳng hình thức cầu kỳ.
Giữa nơi hoang sơ này, các thầy cô giáo muốn trụ được, ngoài lòng đam mê với nghề còn phải có sự kiên nhẫn mà không phải người thường nào cũng có được.
Dạy học ở đây phải chấp nhận bị tụt hậu.
Học trò không phải học theo tiến độ, mà là học kiểu mưa dầm thấm lâu.
Dạy một buổi chưa hiểu thì lại dạy buổi thứ hai, thậm chí thứ ba.
Dạy đến khi nào học trò hiểu và có thể phát âm được thì thôi.
Một phòng học với hai ba lớp khác khối ngồi chung với nhau, tấm bảng được chia đôi.
Bài viết ca ngợi các thầy cô giáo nơi đó rất nhiều, nhưng điểm thu hút cô bé nhân viên là bức hình trong bài báo.
Đó là tấm ảnh cô giáo đang đứng trong lớp học hoang vu giữa rừng sâu.
Cô giáo này không phải mặc áo dài như giáo viên miền xui thường mặc, mà trong trang phục giản đơn với áo len màu trắng, quần dài phủ kín đôi chân.
Thời tiết vùng cao lạnh lẽo, trên cổ cô giáo còn quấn khăn len, ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn vì lạnh mà đỏ au.
Nhân viên mới thấy khuôn mặt cô giáo rất quen, nhưng nhất thời không thể nhớ đã từng gặp nơi nào.
Cô bé cố nhớ lại mà chẳng tài nào nhớ nổi đành vứt ra sau đầu.
Một thời gian sau, thư ký Lan lại nhờ cô bé này vào trình ký hồ sơ.
Rút kinh nghiệm đợt trước, cô bé không dám nhìn ngang liếc dọc khi đi vào phòng sếp.
Lúc cô bé bước vào thấy sếp đang nâng người ngồi dậy, tay nhấc khuôn hình để trên ngực xuống đặt trên mặt bàn.
Hành động của sếp lại gợi bản tính tò mò của cô bé.
Không nhịn được cô bé kín đáo nhìn phớt qua tấm hình.
Vừa nhìn xong trong lòng lập tức đánh bộp.
Khuôn mặt người con gái trong bức ảnh rất giống cô giáo trong bức hình của bài báo cô bé đã xem hôm trước.
Chả trách cô bé cứ nghĩ mình đã gặp cô giáo ở đâu đó.
Vậy ra là có người giống người.
Nhưng đàn chị đã dặn không được tò mò, nên cô bé chẳng dám hó hé.
Đợi sếp ký xong, cô bé cầm hồ sơ ra khỏi phòng giao cho đàn chị.
Lúc này cái miệng nhịn không được lại thỏ thẻ với thư ký Lan:
"Chị có từng gặp cái chị trong hình trên bàn sếp lần nào chưa ạ? Chị ấy có hay đến đây không chị?"
Thư ký Lan giật mình.
Hôm trước mình đã khuyên không được tò mò, mới không bao lâu đã quên lời chị nói.
Phải biết điều cấm kỵ nơi này là tránh nói về người con gái trong bức ảnh.
Đây là niềm đau chôn dấu của sếp, đã nói bao nhiêu lần rồi mà vẫn tò mò.
Lần này thư ký Lan nghiêm khắc giáo huấn đàn em:
"Chị đã nói không được tò mò, sao em lại hỏi lung tung nữa rồi? Còn muốn làm ở đây nữa không?"
"Xin lỗi chị! Thật ra không phải em nhiều chuyện.
Tại em ngạc nhiên khi có người giống người thôi." Cô bé nhỏ giọng phân trần.
"Em nói cái gì người giống người?" Đến lượt thư ký Lan ngạc nhiên.
"Em thấy có cô giáo kia giống hình người con gái trên bàn sếp, nên em tò mò chút thôi ạ.
Từ giờ em không dám hỏi nữa.
Em đi làm việc đây ạ."
Lần này đến lượt thư ký Lan bị sốc, cô kéo tay cô bé lại: "Em vừa nói gì? Em nói cô giáo nào giống hình người trong phòng sếp? Nói lại cho chị nghe coi."
"Chị cũng nhiều chuyện nữa sao?"
Rồi như nhận ra mình lỡ lời, cô bé rối rít: "Ý em không phải vậy.
Không phải nói chị nhiều chuyện.
Em xin lỗi chị!"
Thư ký Lan như không để ý đến lời xin lỗi.
Cô vội vàng đứng dậy lôi cô bé vào phòng sếp.
Hành động của thư ký khiến cô bé hoảng loạn.
Không lẽ chỉ tò mò một chút giờ thành mang trọng tội sao? Chị ấy kéo mình vào để sếp đuổi việc sao? Thật là hối hận không còn bút mực nào tả xiết.
Cô bé sợ hãi phân trần:
"Chị ơi, em hứa không nói lung tung nữa, chị đừng báo cáo sếp."
Thư ký Lan dường như không nghe, tiếp tục lôi cô bé đi xâm xâm vào phòng sếp, quên luôn nguyên tắc cơ bản là phải gõ cửa.
Thư ký kéo cô bé đến trước mặt sếp, giọng gấp gáp: "Sếp Hoàng, cô bé này đã thấy Thụy Khanh."
Minh Hoàng đang chuẩn bị lên án sao hai người vào phòng anh tự tiện như vậy thì nghe mấy lời sét đánh ngang tai, anh lập tức ngậm chặt mồm, nhảy khỏi ghế: "Cô Lan vừa nói gì?"
"Dạ, cô bé này nói đã thấy Thụy Khanh." Thư ký Lan lặp lại.
Cô bé thấy biểu hiện kỳ quái của hai cấp trên, nội tâm vô cùng hoảng loạn bất an.
Cô có nói thấy Thụy Khanh nào đâu, sao chị Lan nói bậy nói bạ với sếp, vậy là muốn cô bị đuổi việc thật sao?
Trong lòng cô bé không ngừng tự trách bản thân, biết vậy lúc nãy không tò mò làm chi, giờ hối hận cũng đã muộn màng.
Nhìn sếp như muốn ăn tươi nuốt sống, cô bé thầm ước thôi bị đuổi ngay lập tức cũng được, đỡ sợ hơn đứng trước mặt vị lãnh đạo này.
"Chị ơi, em không biết Thụy Khanh nào.
Em đâu có nói là thấy chị ấy." Giọng cô bé run run, cố gắng vì bản thân giải thích lần cuối.
"Lúc nãy em nói thấy cô giáo nào giống người trong bức ảnh trên bàn sếp phải không?" Thư ký Lan gặng hỏi lại.
"Cô đã nói vậy phải không? Cô giáo ấy ở đâu?" Minh Hoàng chồm nhanh tới, dọa cô bé muốn khóc.
Chỉ vì tò mò mà thành ra đại họa.
"Dạ sếp ơi em chỉ đọc bài báo nào đó mấy tuần trước.
Em thấy hình chụp cô giáo trong lớp học rất giống cái chị trên bàn này.
Không phải em nhiều chuyện."
Sếp tha cho em một lần đi ạ.
Em thề lần sau em sẽ không dám tò mò, hay nhìn ngang liếc dọc nữa đâu.
Trong lòng cô bé không ngừng mặc niệm.
Cô bé nghĩ phen này mình tiêu chắc rồi.
Ai bảo nhiều chuyện cho lắm vào, giờ sắp sửa mất việc.
Công ty này đãi ngộ không tồi, nếu hôm nay bị đuổi, chẳng biết có xin được việc khác ngay không.
Môi trường làm việc của công ty mới biết có tốt bằng chỗ này không.
Thật là hối hận quá đi thôi.
Dù sao chuyện đã lỡ rồi, đành đợi cơn giông giáng xuống đầu.
Cô bé âm thầm suy tính nộp đơn vào công ty nào sau khi rời khỏi chỗ này.
Nhưng ai biết được chữ ngờ, chị thư ký và sếp tổng dường như bị chạm phải sợi dây thần kinh nào đó, hai người cứ đứng bất động nhìn cô bé.
Sau vài phút bị định chú, sếp tổng mở miệng trước tiên:
"Cô nhanh chóng tìm lại bài báo đó cho tôi được không?" Giọng sếp như van nài: "Cô tìm ngay giúp tôi đi."
Cô bé nghe sếp nói hoang mang đứng im như phổng.
Thư ký Lan phải lắc người cô bé: "Em tìm lại bài báo cũ ngay đi."
"Dạ, dạ, vậy em đi ra ngoài lên mạng tìm ngay."
"Không cần ra ngoài.
Cô sử dụng máy tính bàn tôi ngay đi." Giọng sếp gấp rút.
Cô bé hết hồn, run rẩy lợi hại hơn.
Cô cũng được sử dụng máy tính của sếp nữa sao? Trước ánh mắt khẩn cầu của sếp, cô bé đành phải căng da đầu ngồi trên ghế da của sếp, tay run run gõ chữ, tìm lại đường link bài báo cũ.
Vì quá run nên từ khóa không chuẩn xác, tìm hoài không ra.
Cô nàng phải đi đường vòng gọi cho bạn nhờ gửi lại đường link.
Vừa định chạy ra ngoài lấy điện thoại thì bị sếp ngăn lại, bảo dùng điện thoại của sếp luôn.
Con tim của cô bé xém chút nữa ngừng đập.
Tìm được link rồi, vội vàng nhấp chuột vào bài báo, kéo xuống giữa trang, cô bé chỉ vào hình cô giáo đang giảng bài giữa lớp học hoang sơ ở một vùng rừng núi hẻo lánh.
Mắt sếp đỏ hoe, xem ra là xúc động không nhẹ.
Cô bé muốn tiếp tục ngồi ghế da phát huy tiềm năng hóng hớt.
Vả lại cái ghế này êm ái quá, đang muốn hưởng thụ nhiều hơn, thì bị thư ký Lan không phúc hậu kéo xuống ghế.
Từ nãy giờ cứ như đi trong sương mù, giờ bị lôi sền sệt ra khỏi phòng mới tỉnh táo lại đôi chút.
Lòng bắt đầu nơm nớp lo sợ, hy vọng mình đã không gây ra sai lầm nghiêm trọng gì.
Bẵng đi một thời gian, cô bé mới biết mình mèo mù đánh bậy đánh bạ lại vớ phải cá rán ngon.
Bỗng dưng được may mắn từ trên trời rơi xuống, tự nhiên được tăng lương cố định, còn được thưởng thêm vài tháng lương mà chẳng hiểu lí do gì.
Mãi sau này khi sếp dẫn người bằng xương bằng thịt đi đến bàn cám ơn, khiến cô bé sốc chết lâm sàng.
Cô gái lúc trước còn trong ảnh giờ đã đứng trước mặt, hai tròng mắt cô bé muốn rớt ra ngoài.
Cho đến lúc người đã đi vào phòng sếp rồi, cô bé vẫn còn chưa tỉnh hồn.
Chị Lan phải đập vào vai: "Nè, hoàn hồn đi."
"Chị Lan ơi, chị này là cái chị trong hình lúc trước em xem đó hả?" Cô bé vẫn chưa thể tin đó là sự thật.
"Ừ, em là ân nhân của sếp đó.
Sếp đã tìm Thụy Khanh ba năm, đăng tin trên tất cả các phương tiện đại chúng.
Chỉ cần nơi nào có thông tin giống giống cô ấy, sếp đều chạy đến nhìn.
Thế mà ròng rã ba năm trời chẳng có tin tức gì."
"Vậy là nhờ em nên sếp thưởng cho em đó hả chị?" Cô nhỏ vui sướng.
"Này, nói nhỏ thôi.
Đừng để người khác ghen tị." Chị Lan tốt bụng nhắc nhở.
"Nhờ em lướt facebook trong giờ làm việc mới thấy cái link này." Cô nhỏ cười hì hì khuếch trương thêm: "Lướt mạng cũng có lợi.
Mai mốt chị cho em lướt nữa nha."
"Nín! Đi làm việc ngay.
Có tin chị vào tố sếp rút hết tiền thưởng của em không?"
Lời dọa quả nhiên có tác dụng.
Cô nhỏ nhanh chóng ngồi xuống nhìn chăm chú vào màn hình máy tính, bắt đầu tập trung vào công việc.
Tuy nhiên đó là chuyện về sau.
Còn giờ sếp họ vẫn đang bị sốc khi biết người thương của mình thật sự vẫn còn sống trên cõi đời.
Vui sướng, xúc động, nhẹ nhõm, hân hoan, kích động, đủ mọi cảm xúc đan xen trong lòng.
Lúc này trong phòng riêng, Minh Hoàng vẫn còn ngồi thẫn thờ nhìn thân ảnh mình đã nhớ nhung ba năm.
Chỉ cần phớt qua, anh có thể nhận định đó là cô gái của anh.
Cô đã vào tận rừng sâu hoang vu, điều kiện kinh tế khó khăn, không nước sạch, không ánh sáng điện lưới hay mạng internet, tivi báo đài cũng chẳng có.
Chả trách ba năm qua bao nhiêu lần đăng tin, bao nhiêu thông báo tìm người, vẫn không hề truy ra manh mối.
Cũng có lẽ Thụy Khanh quyết tâm không muốn quay về, nên sống ẩn dật.
Một người cố tình thì làm sao ai có thể tìm được.
Anh đọc từng dòng chữ được viết trong bài báo, đọc xong nước mắt tự động rơi đầy trên mặt.
Trong lòng như vừa bị ai khoét mất quả tim.
Đau và nhớ người day dứt.
Chờ cho tâm trạng bình ổn lại, anh mới gọi cho ông Hưng.
Không mào đầu hay dông dài, anh chỉ thông báo trực tiếp ngắn gọn:
"Ba, con tìm thấy Thụy Khanh rồi."
Ở bên kia đầu dây, tim ông Hưng như ngừng đập và rồi giọng ông xúc động:
"Con tìm thấy con bé ở đâu?"
"Ở một xã vùng sâu thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng ba ạ."
Nước mắt ông Hưng chảy dài trên khuôn mặt già nua.
Giọng ông run rẩy: "Chúng ta đi đón con bé về ngay bây giờ luôn hả con?"
"Dạ, con muốn bay ngay bây giờ.
Đường đi không mấy thuận lợi ba ạ.
Chúng ta sẽ vượt qua hành trình hơn 60 ki-lô-mét với gần nửa quãng đường xuyên rừng.
Con không muốn lãng phí thời gian đợi ở sân bay.
Con sẽ thuê máy bay riêng."
"Ba đi cùng con.
Bây giờ ba gọi điên thoại cho mẹ con ở nhà.
Con cũng gọi báo ông cụ một tiếng nhé Hoàng."
"Dạ!"
Hai gia đình bây giờ là một.
Vì chuyện Thụy Khanh bỏ đi và sự cố chấp của Minh Hoàng, nếu không phải cô, anh không kết hôn, nên hai gia đình đã là sui gia của nhau.
Ba năm qua, bao nhiêu ngày lễ tết, chỉ có ba người già và Minh Hoàng cùng nhau trải qua tâm trạng tang thương mất mát.
Khi con người có cùng nỗi đau, tự nhiên sẽ xích lại gần nhau.
Minh Hoàng gọi cho ông nội, ông nội cũng đòi theo anh và ông Hưng lên Lâm Đồng.
Chỉ là anh lo lắng cho sức khỏe của ông, nên không để ông theo cùng.
Ông nội không thuyết phục được, buồn bực dặn dò mọi người cẩn thận, và sớm mang cháu dâu về cho ông.
Ông Hưng báo vợ, tim bà Hưng ngừng một giây và rồi bà mếu máo muốn theo hai người.
Dù không chắc lúc gặp Thụy Khanh, cô có bài xích bà không nhưng bà vẫn đòi đi cùng, kiểu gì cũng phải gặp lại đứa con gái đáng thương này.
Cô không tha thứ cho bà cũng được, nhưng bà phải thấy cô bình an.
Ông Hưng không muốn vợ đi theo, nhưng bà quá cương quyết, ông đành phải mang bà lên máy máy.
Vì là máy bay riêng nên không cần phải đợi thủ tục rườm rà, bay thẳng một chuyến đến sân bay Liên Khương.
Người dẫn đường đã được liên lạc trước, đón cả ba người tại cổng ra.
Sợ bây giờ bắt đầu từ Đà Lạt đến được điểm trường trong vùng sâu, nơi Thụy Khanh dạy trời đã tối.
Người dẫn đường bảo tốt hơn ở lại trung tâm, sớm mai sẽ bắt đầu di chuyển.
Tiếc rằng tâm trạng ba người đều mong gặp Thụy Khanh, nhất là Minh Hoàng.
Anh không còn bình tĩnh được nữa, mỗi một giây phút đều muốn bay đến bên người con gái anh yêu, muốn thấy cô ngay lập tức.
Người dẫn đường khuyên không được, đành phải cắn răng dẫn họ đi.
Xui là thời tiết không thuận lợi, trời mưa đường trở nên trơn trượt.
Họ chẳng còn cách nào, đành phải ở lại và rồi trải qua một đêm không ngủ.
Sáng mai khi trời còn chưa sáng hẳn, ba người đã giục người dẫn đường mang họ theo lộ trình đã định, bắt đầu di chuyển.
Để đi được trên con đường trơn trượt này, người dẫn đường phải quấn xích vào bánh xe.
Ông bà Hưng và Minh Hoàng nhìn cảnh trước mặt trong lòng lại nhói đau.
Hai người đàn ông có thể nuốt ngược nước mắt vào lòng, nhưng bà Hưng không còn kìm nén được nữa.
Bà ngồi trên xe khóc ngất gọi tên Thụy Khanh.
Bà tự trách bản thân bị che mờ lý trí mới khiến con gái bỏ nơi thành thị, tha hương ở một nơi rừng sâu nước độc, chấp nhận cuộc sống tụt hậu để tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
Bà khóc như chưa bao giờ được khóc.
Minh Hoàng nghe bà khóc, sự giận dữ của anh cũng tìm về.
Anh cảm thấy phiền chán với tiếng khóc than của bà.
Giờ mới cảm thấy ăn năn hối hận thì cô gái của anh đã khổ sở thê thảm rồi.
Nhưng phận làm con cháu, anh không tiện thể hiện thái độ, chỉ có thể cuộn chặt tay lại, tự kiềm chế chính mình.
Trong lòng xót thương người yêu trân quý của anh.
Anh thầm tự hỏi ở một nơi thiếu thốn cơ sở vậy chất thế này, cô làm cách nào để tồn tại trong mấy năm qua.
Trong lòng anh không ngừng gọi tên cô.
Khi anh ở nơi nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm, thì cô bé của anh phải chịu đựng ở nơi rừng sâu giá lạnh, thiếu thốn mọi bề.
Càng nghĩ đến tình cảnh của Thụy Khanh, lòng anh càng đau như cắt.
**Ghi chú: Địa danh trong chương là có thật, một huyện hoang sơ ở Lâm Đồng, nơi người dân còn nghèo, lạc hậu, trẻ em không có tiền đến trường, nhưng nhân vật trong truyện là sự tưởng tượng của tác giả, không cần kiểm chứng img
(Còn tiếp).
Danh Sách Chương: