Ở nơi thấp nhất của núi non có cửa ải đầu tiên đi vào đất Kiềm – Thắng Cảnh quan. Nó được gọi là “chìa khóa của đất Kiềm” và được hình thành từ thời xa xưa thông qua những người kinh doanh lá trà.
Chỗ cửa quan có bia đá ghi mốc giới, trên đó ghi 4 chữ to “Thắng cảnh Điền Nam”, tên cổ là Thắng Cảnh quan. Cột mốc giới này ở phía tây, chỉ về phía đông. Phía tây là Điền, phía đông là Kiềm, một con đường núi hẹp nhỏ xây bằng đá gắn liền với tường thành nơi cửa quan, hai bên là triền núi dựng thẳng và tường thành cao cao, quả thực là thế “một anh giữ ải, vạn anh khó vào”. Những lầu các, đền miếu trên triền núi đều có mái cong, chín tầng đấu củng lồng vào nhau, bên dưới là một cửa lớn kèm hai cửa nhỏ đặt song song. Con đường núi xuyên từ tây sang đông, chạy thẳng tới ngọn núi mênh mông nơi xa, cực kỳ khí phách.
Kỳ lạ là màu đất hai bên cũng lấy con đương kia làm ranh giới mà phân chia bất đồng. Phía Điền đông đất màu nâu hơi lộ đỏ, phía Kiềm tây đất màu đen lộ đỏ sẫm. Trước sau có hai đôi sư tử đá, một bên mọc đầy rêu xanh, một bên phủ đầy bụi đất. Khí hậu hai bên cũng khác nhau, một bên khô hạn nhiều gió, một bên mưa nhiều ướt át, sương mù mênh mông. Mà càng kỳ quái hơn chính là ở một dòng suối nhỏ không xa, cỏ hai bên sườn cũng nghiêng về phía trong mà mọc. Người dân bản xứ ở đây gọi đây là cỏ phân giới, bởi vậy trên cột mốc giới còn có một câu đối ——
“Trong gang tấc mới thấy tình cảm, đủ thấy nhân tình ấm lạnh – Điền Kiềm vốn như môi và răng, cần gì phân rõ ràng.”
Con đường núi cũng chỉ có một phần lát đá dài chừng 400 – 500 mét còn đá những chỗ khác đã bị dân bản xứ mang đi dùng việc khác. Nơi đây không còn cảnh ngựa xe như nước phồn hoa như thời xưa. Hai bên sườn hoặc là đất ruộng hoặc là núi non mênh mông, ngẫu nhiên mới thấy nông dân từ ruộng nhà mình về hoặc khách du lịch bị cảnh quan nơi này hấp dẫn tới.
Nơi cao nhất của Thắng Cảnh quan có một cửa hàng bán món canh thịt dê nổi tiếng. Vì nơi này giao thông không tiện nên nguyên liệu trong cửa hàng đều do chủ tự nuôi trồng. Dê ở đây là loài được nuôi ở địa phương, rau dưa cũng được hái ngay từ vườn rau của nhà, đảm bảo tươi non. Tuy giao thông hạn chế nhưng khi trời rét vẫn có du khách nghe tiếng mà không ngại vất vả tới ăn.
Lúc Diệp Hàng và A Ly vào cửa hàng thì đúng lúc chạng vạng lạnh giá nhất. Không trung che kín một tầng u ám, mây như chồng chất lên nhau tới tận chân trời. Gió như muốn thổi mà không được, mưa như muốn rơi mà không được, cả không gian tranh tối tranh sáng lộ vẻ u tối.
Mấy cái bàn nhỏ trong quán đã ngồi đầy người. Trong không khí ấm áp bọn họ vừa ăn vừa cười đùa vui vẻ, còn chưa tới cửa mùi canh thịt dê thơm nồng đã chui vào mũi. Diệp Hàng thấy A Ly hơi hé miệng thì chân vội ngừng lại, trong lòng hiểu rõ thế là anh cầm tay cô đi tới cây to ở bên ngoài. Lúc sau anh vào cửa hàng tìm ông chủ, chỉ chốc lát sau ông chủ đầu đầy mồ hôi cười ha hả nâng một cái bàn vuông cùng ghế nhỏ chạy tới đặt dưới tàng cây lớn. Sau đó ông chạy ra chạy vào nhiều lần thế là trên bàn nhỏ đã có thêm rau xanh, canh dưa, còn có bánh bao bắp nóng hổi ngọt mềm.
“Uống chút canh dưa ấm bụng đã.” Diệp Hàng đặt một bát canh suông với lá rau xanh biếc trước mặt A Ly.
“Được.” A Ly hé miệng cười với anh sau đó dùng thìa bắt đầu ăn canh. Cô cũng không nói lời cảm ơn một cách khách sáo như trước kia.
Hai người ở trong huyện một đêm mới vào núi. Diệp Hàng vốn là người cẩn thận, khi nói tới A Ly anh càng chu đáo hơn. Anh biết cô quen dùng lá bùa làm từ một loại cây nhất định vì thế anh nhờ người lấy cho mình một ít sau đó tự tay đưa cho A Ly. Dọc đường vào núi anh càng chăm sóc cô chu đáo hơn, che mưa chắn gió, ăn uống cũng là anh rửa bát. Ngay cả lúc nghỉ ngơi trên đường anh cũng tranh thủ lấy hoa quả mua trên đường cho cô ăn, không hề khiến cô phải chịu chút khổ nào.
A Ly thấy hết và trong lòng cũng vô cùng ấm áp.
Cô đã sớm quen với việc cô độc, cũng cho rằng bản thân sẽ mãi mãi cô độc như thế. Nhưng không ngờ chàng trai như ánh mặt trời này lại tới rồi tìm mọi cách che chở cho cô, dù anh vẫn chưa nhớ lại chuyện trước kia.
**********
Hai người cứ thế ngồi bên ngoài cửa hàng mà yên lặng dùng cơm, ngay cả con mèo đen kia cũng tự dùng vuốt ấn một cái bánh bao nóng hổi và thong thả ung dung gặm. Chủ tiệm vừa làm việc vừa thi thoảng nhìn về phía này. Trong lòng ông ấy cảm thấy khách ở bàn này thực kỳ quái.
Hai người này tới quán nhỏ của ông nhưng lại chê canh thịt dê mà ngược lại trả tiền gấp đôi để ông rửa tay làm thức ăn chay cho họ. Người khách nam thực sự đẹp trai, còn cô gái kia quả thực nhìn hơi khiếp người. Đặc biệt là vừa rồi lúc cô lẳng lặng đứng dưới tàng cây không nhúc nhích, dưới chân còn có một còn mèo to màu đen, quần áo màu đen của cô theo gió tung bay trong buổi chiều chạng vạng khiến ông sởn tóc gáy.
Đang nghĩ ngợi thì cô gái ngồi dưới tàng cây chợt ngước mắt nhìn về phía này một cái. Chủ tiệm chỉ thấy cổ mình lạnh ngắt và vội rụt cổ về.
Lúc này có một bàn ở trong cửa hàng đã ăn xong, một người trong số đó tìm ông chủ tính tiền còn mấy người khác thì ra ngoài chờ. Trong đó có một bé trai chừng mười tuổi với bộ dạng hoạt bát thấy con mèo đen dưới chân A Ly đang ăn bánh bao thì thấy thực thú vị. Đứa nhỏ không nhịn được chạy tới ngồi xổm ở một bên nhìn. Khuôn mặt đứa nhỏ đáng yêu, trong lúc ấy A Ly cũng nghiêng đầu nhìn cậu một cái và bỗng hơi nhíu mày.
Mẹ đứa bé không thích con mình chạy lung tung, đồng thời chị ta cảm thấy hai vị khách ngồi ở kia thực kỳ quái. Cô gái kia chắc mới mười mấy tuổi nhưng lại ăn mặc như bà già, cả người đều tối tăm. Vì thế chị ta nhíu mày đi tới lôi đứa nhỏ đi. Lúc này A Ly lại khẽ nhúc nhích lông mi sau đó mở miệng nhẹ hỏi người mẹ kia, “Con chị có phải từng bị ngã không?”
Người mẹ kia sửng sốt sau đó cúi đầu thấy trán con mình sưng đỏ thì nhíu mày nói, “Đúng là bị ngã, nhìn là biết không phải sao?” Trong lời chị ta nói có mang theo chút đề phòng.
A Ly lại làm như không thấy phần đề phòng trên mặt người phụ nữ kia. Cô lấy một lá bùa hộ mệnh hình tam giác đặt ở góc bàn và nghiêm túc nói, “Trên trán đứa nhỏ này có vết thương, xương bên trong đã lõm vào, giữa trán mang theo tối đen, ắt có đại nạn. Chị để thằng bé mang lá bùa này theo người, hẳn có thể độ đứa nhỏ một kiếp.”
Người mẹ kia vừa nghe thế sắc mặt đã tối sầm, tức giận cực kỳ, “Cô này nói hay nhỉ? Cái gì mà đại nạn, con tôi đang tung tăng nhảy nhót thế này cơ mà! Mặc như bà già còn giả thần giả quỷ là để dọa ai thế? Cô còn dám nói lung tung thì tôi ——”
“Bang!” Một tiếng vang truyền tới, Diệp Hàng đập mạnh đôi đũa lên bàn, mắt lạnh lẽo nhìn người phụ nữ kia.
Chị ta hơi kinh ngạc, lại bị anh nhìn chằm chằm thì nghĩ mà sợ và không dám nói gì nữa. Chị ta chỉ lầm bầm mấy lời rồi hậm hực kéo con mình nhanh chóng trở về chỗ mọi người. Mãi tới khi thanh toán xong rời đi chị ta vẫn mang vẻ mặt giận dữ. A Ly lẳng lặng nhìn đoàn người mang theo đứa nhỏ xuống núi, càng đi càng xa sau đó không nhịn được thở dài. Cô duỗi tay thu lá bùa kia về cất trong tay áo. Thấy khuôn mặt tuấn tú của Diệp Hàng vẫn lạnh lẽo thế là cô lắc đầu nhẹ giọng nói, “Không sao. Anh đừng tức giận. Chị ta mắng em nhưng bản thân lại phải chịu nỗi đau mất con… Đứa nhỏ kia… Đáng tiếc em không cứu được nó……” Trong mắt cô hiện lên thương hại.
Diệp Hàng nhíu mày gắp cho cô một đũa rau xanh và trầm giọng nói, “Mọi người có mệnh của chính mình.”
Trong lòng hai người đều không thoải mái, thức ăn cũng không thơm ngọt được như trước. Bọn họ nhanh chóng tính tiền và rời đi. Ai biết Diệp Hàng mới vừa xách ba lô lên thì điện thoại trong túi đã vang lên.
Tín hiệu trên núi không tốt, tiếng lão Dũng bên kia đứt quãng vang lên. Diệp Hàng cực kỳ vất vả mới nghe xong ý ông ấy nói. Sau khi ngắt máy anh bước nhanh tới chỗ A Ly đang ôm con mèo và nói ra yêu cầu của lão Dũng.
Hóa ra lão Dũng lại nhận được một vụ án cổ quái.
Vốn dĩ ông còn đang vội vàng kết thúc vụ án ở thôn nhỏ trước đó nhưng sáng sớm nay phía trên đột nhiên để ông bỏ qua vụ án đã được phá kia mà tới một chỗ sâu trong núi Hắc Sơn gọi là Hạt Dẻ mương để xử lý một vụ án.
Vụ án kia kỳ thực đã xảy ra vài ngày trước.
Ở Hạt Dẻ mương bên kia có một thôn nhỏ tên là Tùng Gia thôn. Vào buổi tối mấy ngày trước có một hộ đột nhiên bị cháy, lửa kia cực lớn, dù trời đang mưa nhưng cả ngôi nhà vẫn bị thiêu rụi. Sau khi lửa tắt người trong thôn tìm thấy năm cỗ thi thể trong phòng. Ngoài một bà lão chừng 70 tuổi nằm ngất trong sân được người dân cứu và cô con dâu thứ hai không biết tung tích còn những người khác đều chết hết. Người chết có ông lão họ Tùng, vợ chồng con cả và vợ chồng đứa cháu.
Sau khi bà lão họ Tùng được cứu tỉnh thì trở nên điên khùng, mà năm cỗ thi thể kia cũng không bình thường. Hai trong số đó đều bị rạch bụng, lục phủ ngũ tạng không còn.
Người của Tùng Gia thôn đều cho rằng chính cô con dâu thứ hai là hung thủ giết người phóng hỏa. Mà cô con dâu kia lại là người của Lý gia truân cách đó mấy ngọn núi. Hai bên vốn thường xuyên qua lại nhưng vì chuyện tranh chấp giữa hai nhà mà lan ra cả hai thôn. Vì chỗ đó là thôn xóm dân tộc thiểu số nên dân phong cực kỳ hung hãn, vì chuyện này mà thậm chí đã đánh nhau. Hai thôn lúc nào cũng có khả năng huy động mọi người vác hung khí tẩn nhau, thôn trưởng sợ quá mới báo án, hy vọng có thể điều tra rõ xem có chuyện gì đã xảy ra.
Trong cục nhận được báo án thì cực kỳ coi trọng. Bọn họ đều biết vụ án kiểu này mà không xử lý tốt ắt sẽ dẫn tới mâu thuẫn làng xóm. Lão Dũng biết rõ đường núi, lại là người địa phương nên dễ lấy được sự tin tưởng của thôn dân, bản thân ông cũng nói được tiếng địa phương của vài chỗ, kinh nghiệm phá án lại phong phú thế nên đương nhiên trở thành người được chọn. Cấp trên lập tức để lão Dũng bỏ lại việc dang dở mà lập tức chạy tới Tùng Gia thôn.
Lệnh đã ra thì lão Dũng chỉ có thể nhận củ khoai lang bỏng tay này. Trực giác nói với ông rằng vụ án này có quái dị. Ông nhớ ra Diệp Hàng và A Ly cũng đang đi tới khu vực gần đó nên thử vận may xem có thể liên hệ được anh hay không. Việc khác không dám nói nhưng nếu cô gái tên A Ly kia có thể dừng lại nơi đó một chút thì dù hung thủ kia là người hay quỷ lòng ông cũng có vài phần tự tin.
A Ly nghe xong Diệp Hàng nói thì rũ lông mi tinh tế tính toán thời gian sau đó gật đầu nói với anh, “Vốn chúng ta cũng phải đi qua gần đó, vậy đi thêm hai đỉnh núi nhìn một chút xem sao.”
Diệp Hàng đương nhiên là theo cô vì thế anh gật đầu đồng ý, “Được, anh đã hỏi thì thấy bảo cách đây mấy km có một nhà nghỉ, chúng ta tới đó chờ lão Dũng.”
**********
Chân trời chỉ còn một chút ánh sáng nhạt, hai người nhanh chóng rời khỏi tiệm cơm nhỏ sau đó theo con đường nhỏ hẹp quanh co mà đi.
Ông chủ tiệm vừa nhìn bóng hai người đi xa vừa thu dọn chén bát. Trong lòng ông nghĩ đến đám khách mang theo con nhỏ vừa rồi tính tiền rời đi sau đó phẫn hận chửi nhỏ.
Ông cảm thấy cô gái mặc đồ đen vừa nãy không giống loại người giả thần giả quỷ lừa tiền mà bọn họ nói. Nhưng những việc này cũng chẳng liên quan gì tới ông vì thế chủ tiệm nhanh chóng vào nhà tiếp đón đoàn khách khác. Không bao lâu sau tất cả khách đã ăn xong và rời đi, ông và người giúp việc cùng nhau thu dọn mấy bàn còn lại.
Buổi tối vợ ông cõng một sọt muối ăn và gạo mua từ dưới chân núi lên cửa hàng. Vừa buông sọt bà ấy đã vỗ ngực nói bô bô, “… Aizzz, đứa nhỏ kia đúng là đáng thương mà… Trời thì tối, đèn pin không dùng được thế là hắn giẫm phải rễ cây… Hắn cứ thế trượt chân, cả cái đầu và mặt bị cành cây xuyên qua … Mẹ ơi… Lúc ấy cứu không kịp nữa, mẹ hắn khóc thảm thiết… Tôi xem mà lòng cũng khó chịu…”
Vừa rồi bà đi tới lưng chừng núi thì thấy việc này, đứa nhỏ kia đúng là thảm không nỡ nhìn. Mẹ thằng bé thì ôm con khóc rung trời, thực quá thảm……
Chủ tiệm lập tức bật dậy.
Ông trừng mắt nhìn vợ mình sau đó vội nhìn qua cửa sổ về phía tàng cây lúc trước bày cái bàn nhỏ mà há miệng nửa ngày không nói được một lời……
- -----oOo------