Hôm nay tôi lại gặp anh ấy trên hành lang.
Nhìn theo anh ấy đi lướt qua tôi, rồi gõ cửa văn phòng giáo sư trước.
Mùa hè năm nay đến sớm, tôi thậm chí còn chưa thoát khỏi cái lạnh tê tái của mùa đông, thì ánh mặt trời gay gắt và cơn gió ẩm ướt đã nhanh chóng tràn vào, đến bên cành hoa khô héo dở sống dở chết trong văn phòng giáo sư Tống. Đó là một không gian lạnh lẽo, không có hơi người, thứ mà tôi thích, xét về mặt nào đó thì nó rất giống tôi, vĩnh hằng và vô vọng, một sự tồn tại mâu thuẫn.
Hôm nay anh ấy mặc áo thun màu sẫm mà bình thường ít thấy, sau lưng có in logo của một nhãn hiệu nào đó mà tôi không biết, bị mồ hôi túa ra dưới nắng hè thấm ướt, dán chặt lên cơ thể. Anh ấy còn nhét vạt áo vào trong quần jean thủng lỗ, giúp đôi chân vốn đã dài trông càng dài hơn. Hai cái nút trên cổ không cài, dù chỉ vô ý nhưng vẫn thấy rõ xương quai xanh, chứ càng đừng nói đến tôi đang vờ như vô tình, mà thật ra cứ cố ý nhìn vào. Tôi hiểu nhìn chằm chằm cơ thể của người khác như thế là bất lịch sự, nên vội vàng cúi đầu, quay đi trước khi anh ấy dường như đã phát hiện ra ánh mắt của mình.
Từ cuộc nói chuyện giữa anh ấy và giáo sư Tống, công thêm sự mệt mỏi hiện rõ trong mắt, có vẻ như anh ấy đã thức vài đêm liền để chuẩn bị cho bản thảo thiết kế tốt nghiệp.
Hoặc cũng có thể do tôi vô thức, nhưng một khi nhận thấy có thể anh ấy đã phát hiện ra ánh mắt gần như trần trụi của mình, thì tôi cũng mất đi can đảm để nhìn lên lần nữa. Có trời mới biết lần tiếp theo được nhìn ngắm anh ấy ở khoảng cách gần này là khi nào.
Anh ấy và mẹ tôi, à không, giáo sư Tống nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Từ nụ cười vui vẻ và đôi mắt cong cong hiện rõ nếp nhăn của bà, có thể thấy họ nói chuyện rất thoải mái, mà vậy cũng đúng thôi, dù sao thì anh ấy cũng là con nhà người ta mà, là sinh viên được giáo sư Tống Vân tâm đắc nhất. Tôi nghĩ nếu không phải vì Thẩm Vân Hoài không có quan hệ huyết thống với bà, mà cha mẹ đều còn, thì giáo sư Tống nhất định sẽ nhận anh ấy về nhà luôn cho danh xứng với thực, “người thừa kế thiên tài” mà.
[Thứ bảy, ngày 5 tháng 6 năm 2011, trời trong]
Hôm nay đi tái khám.
Bác sĩ Trần Trần hình như vẫn xem tôi là đứa bé chưa lớn, lần nào nói chuyện cũng cho tôi kẹo ăn. Tôi nói với bà, tôi đã 20 tuổi rồi, không còn ở tuổi khóc lóc đòi kẹo nữa, dù cho trước kia tôi có khóc thảm thiết đến đâu, cũng không có ai cho tôi kẹo cả.
Bác sĩ Trần nói hình như gần đây tôi đã khá hơn, hỏi tôi có phải đã gặp chuyện vui gì không. Tôi suy nghĩ rất lâu, đến nỗi những viên đá trong ly thủy tinh tan hết thành nước, rồi chảy tràn ra ngoài thành ly. Tôi hỏi bác sĩ Trần, gặp được một người mà tôi cứ chú ý đến thì có phải chuyện vui không?
Bác sĩ Trần hỏi có phải tôi thích người ta không, nhưng tôi thấy không giống. Tôi chỉ vô thức nảy sinh sự ỷ lại đối với tất cả những người có thiện chí với mình như xưa thôi, không phải do cái thứ đang đập mạnh mẽ trong lồng ngực trái của tôi, mà do một thứ dị dạng, không nên tồn tại ở trong đầu óc. Lần này, tôi hỏi bác sĩ Trần, hỏi rằng, sau này tôi sẽ thích một người nào đó sao?
Bà khẳng định là đúng.
Tôi cười, nhưng tôi không tin. Vì tôi đã 20 tuổi rồi, tôi hiểu rõ chướng ngại trên người mình sẽ thay đổi điều gì, tôi không thể đắm chìm trong một mối quan hệ thân mật được. Dù cho người đó liên tục nói yêu tôi, dùng hành động để tôi toàn tâm toàn ý tin tưởng, thì sau cùng tôi vẫn sợ bị vứt bỏ, sợ thời gian trôi qua dần, vẫn chỉ còn lại một mình tôi.
[Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 năm 2011, trời mưa]
Tôi ghét mùa hè, không chỉ vì những cơn gió ẩm ướt dính nhớp, mà còn vì những cơn mưa trút xuống không hề báo trước. Tôi không có mang dù.
Khi ra khỏi thư viện, bên cạnh tôi còn một vài nữ sinh cũng lưu lạc chân trời như mình, nhưng không lâu sau khi họ gọi một cuộc điện thoại, sẽ xuất hiện những sinh vật gọi là “bạn trai” hoặc là “đối tượng mờ ám” mang dù đến đón. Mới thoáng chốc mà trước cửa thư viện chỉ còn lại một mình tôi, tôi quyết định chờ mưa tạnh, dù sao thì tiếp theo đó tôi cũng chẳng có việc gì cần làm cả.
Chỉ hơi tiếc là, giáo sư Tống nói hôm nay anh ấy sẽ đến thảo luận vấn đề gì đó.
Tôi lại mất đi một cơ hội để gặp anh ấy rồi.
Thế mới nói là tôi ghét mùa hè.
[Thứ ba, ngày 15 tháng 8 năm 2011, trời trong]
Bác sĩ Trần phát hiện đã lâu tôi không biết nhật kỳ rồi. Bà hỏi tôi có phải đã gặp chuyện gì không, thật ra thì không, chỉ là một giai đoạn ngắn cảm thấy cuộc đời quá bình an, không có sóng gió gì, nên cũng chẳng có gì đáng để tôi ghi lại.
Viết nhật ký thật sự không phải để thúc giục bản thân sống sao cho có ý nghĩa hơn đâu, tất cả những điều bé nhỏ này, nói theo cách của bác sĩ Trần, thì là để dành cho một ngày sau này, khi tôi gặp được người độc nhất vô nhị có thể đi cùng tôi suốt cả cuộc đời, người đó sẽ hiểu được tôi đã trưởng thành như thế nào.
Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ để cho bất cứ ai đọc nhật ký, chứ nói gì đến khoảng thời gian sau này cũng có khác gì bây giờ đâu, sẽ không có ai đi cùng tôi cả.
[Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2011, nhiều mây]
Tôi biết quyển nhật ký này toàn là những điều vô bổ vô nghĩa, nhưng tôi nghĩ hôm nay thì không, ít nhất thì chuyện xảy ra hôm nay sẽ là thứ mà tôi muốn lật lại vô số lần trong tương lai.
Hôm nay tôi tình cờ gặp anh ấy ngồi ở bàn đối diện hoàn thành bản thảo trong thư viện.
Đã sắp vào thu rồi, nhưng anh ấy vẫn mặc rất mát mẻ, hình như là anh ấy vừa đi cắt tóc cách đây không lâu, phần tóc mai khá ngắn, càng giúp cho gương mặt sắc sảo góc cạnh hơn. Anh ấy vẽ không được thuận lợi lắm, cứ cau mày nhìn vào máy tính, cho đến tiếng thở dài thứ năm bắt đầu từ khi tôi quan sát, anh ấy đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi.
Tôi thò tay vào balo, chai sữa mua để dành làm bữa sáng đã hết lạnh, trở về nhiệt độ bình thường, những hạt nước chảy dọc từ lòng bàn tay tôi xuôi theo những đường vân xuống đầu ngón tay. Tôi cầm nó trong tay một lúc, nó đã không còn lại nhiệt độ thường nữa, mà như nhận được một phần hơi nóng từ bàn tay tôi.
Sau cùng tôi vẫn quyết định sẽ cho anh ấy chai sữa này, nhân lúc anh ấy không có mặt ở đây.
Tôi viết một tờ giấy, “Cuối hạ đầu thu, từ từ mà tiến, vạn vật đều có thứ tự, khi thời cơ đến ắt được chào đón.” Đây là lời an ủi duy nhất mà tôi nghĩ ra, cũng là một chút lòng thành, tôi hy vọng anh ấy được thuận lợi, dù sao thì thành công cũng rất khó.
Vốn tôi đã viết một chữ “Tống” làm chữ ký với chút tâm tư riêng của mình, nhưng cuối cùng lại gạch bỏ đi, hơi mạnh tay quá, giấy bị tôi làm rách. Tôi không biết anh ấy có uống sữa không, có đọc lời nhắn không, dù sao thì với tôi nó cũng chẳng quan trọng lắm.
[Thứ hai, ngày 13 tháng 7 năm 2012, trời trong]
Tạm dừng một khoảng thời gian, cuối cùng tôi lại cầm bút, lật quyển nhật ký này ra.
Thật ra cũng hơi buồn cười, tôi không có gì để miêu tả về bản thân cả, nếu sau này tôi chết đi, trên bia mộ của tôi có lẽ chỉ còn lại một lời nhắn nhủ: riêng một cõi trời, thế thôi. Nhưng anh ấy thì khác, hôm nay là lễ tốt nghiệp của anh ấy, từ nay về sau anh ấy sẽ đi đến bờ bên kia của đại dương, nơi mà tôi không thể với tới được.
Tôi đã suy nghĩ trong rất nhiều tháng, thậm chí còn không tránh né việc kể cho bác sĩ Trần nghe, từ đầu đến cuối tôi vẫn không hiểu mình có thích người này hay không. Tôi nghĩ đến việc trong mắt chỉ có hình bóng của anh ấy, cũng hy vọng nụ cười của anh xuất hiện là vì mình, muốn gạt đi lo sầu trên mi mắt anh, nhưng chỉ có một điều duy nhất mà tôi không làm, là hy vọng anh ấy thuộc về mình. Đây là thích sao? Tôi không biết. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được những điều vu vơ này, không biết nên định nghĩa tình cảm này là gì.
Tôi nói với bác sĩ Trần: Tôi không muốn sở hữu, vì có được thì sẽ mất đi; chỉ khi nào chưa bao giờ thuộc về mình, thì không cần bàn đến níu giữ.
Hôm nay tôi làm một việc rất lớn.
Tôi tặng hoa cho anh ấy, không phải là hoa hướng dương đâu đâu cũng thấy, tôi tặng anh một bó hoa hồng. Thậm chí tôi còn nghe tiếng bàn tán của các đàn anh đàn chị xung quanh, nói hoa hồng là để tặng người yêu, tôi thấy xấu hổ, nhưng khi định lấy lại hoa thì anh ấy đã giành trước, lấy đi mất. Hoa trong vòng tay anh ấy, nở rộ ở nơi tràn ngập sức sống nhất trên cơ thể đó: trái tim trong lồng ngực.
Anh ấy thì thầm nói với tôi: “Cảm ơn.”
Nói rằng anh rất thích.
Tôi run giọng chúc anh ấy tiền đồ rộng mở, dù sóng gió đến đâu vẫn đến được bờ bến; anh cười nói với tôi, chúc sau này tôi luôn bình an vui vẻ. Tôi nghĩ anh ấy nhớ mình rồi, cậu đàn em từng lặng lẽ khó trên hành lang không người giữa giờ học; cũng nhớ lời mà anh từng nói, từ nay về sau bình yên vui vẻ; nhớ tôi tên là Tống Dĩ Lạc.
***
Thẩm Vân Hoài khép lại quyển nhật ký mà trang bìa trong đã ố vàng, nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía vệt nắng hoàng hôn cuối cùng khuất sau những dãy núi trùng điệp, thoáng cái đã xuất thần.
Anh vô thức co ngón áp út lên, ngón cái cọ vào vòng kim loại lạnh băng trên tay. Đó là nhẫn kết hôn của họ. Anh còn nhớ ngày cầu hôn Tống Dĩ Lạc, họ vẫn ngủ bên nhau như bao ngày bình thường. Vừa nghe tiếng hít thở đều đạn của cậu, Thẩm Vân Hoài vừa lấy chiếc nhẫn đã giấy kỹ trong ngăn kéo từ lâu ra.
Anh nhẹ nhàng nâng tay Tống Dĩ Lạc lên, chậm rãi đeo nhẫn vào ngón áp út của cậu. Chiếc vòng bạc không tô điểm thêm chi tiết nào khác lóe sáng dưới ánh trăng vừa lẻn vào phòng, tia sáng dạo một vòng trên đó, rồi giấu mình dưới bóng đen.
“Anh Thẩm, ăn cơm!”
Tống Dĩ Lạc đứng dưới lầu gọi lớn, làm chú mèo vốn đang ngủ gật trên đùi anh giật mình nhảy dựng, chui tọt xuống dưới gầm bàn.
Thẩm Vân Hoài định thần lại, nhét nhật ký xuống một ngăn bí mật trong tủ ở bàn làm việc, khóa lại.
Ngày dài rồi cũng tận, đường dài sẽ về nhà, mà anh đã có được nửa đời còn lại của em.
*
Hết