Nhớ hồi nhỏ, lúc vừa mới chập chững đi được vài bước, trong một phút hứng chí thế nào cắm đầu cắm cổ chạy thiệt nhanh để vấp ngã nằm xải lai, mặt mày lem luốc, trầy xước toàn thân. Lớn lên một tí, học đòi đạp xe, những vòng quay đầu tiên lăn cũng là khi té chỏng ngọng, tươm máu, vết sẹo đầu đời trên cùi chỏ vẫn còn đến bây giờ. Rồi khi những cảm xúc của tuổi mới lớn bắt đầu, vì một nụ cười ánh mắt của ai đó mà dám đánh đổi bằng cả một buổi chiều dầm mưa ước sũng cho “ra vẻ” lãng mạn, dù thực chất đổi lại chỉ là cơn sốt li bì kéo dài ba ngày sau đó. Thậm chí khi đã lớn lên và khoác lên người biết bao vỏ bọc của trưởng thành, chín chắn thì cũng có lúc bét nhè trong bia rượu để tạm quên đi những phiền hà của cảm xúc thường nhật, rốt cuộc chỉ mang lại những cơn buồn nôn và đau đầu, thậm chí bầm mình vì say xỉn té xe.
Bởi vậy mới nói, bất luận là vết thương nhỏ hay loang máu, khắc sâu hay mau lành… thì cốt yếu, cũng chỉ tự mình rước nỗi đau ấy vào thân. Ở đời này, đâu có ai gây khổ cho mình, chỉ tự mình mới làm khổ mình nhất thôi. Ngẫm cũng đúng, thật ra những vết thương ngoài da hay vết thương lòng chăng nữa, nếu không phải do chính bản thân dễ dãi ngay từ lúc đầu, thì dễ gì nó ghi khắc được trên mình hay trong tim về sau? Hôm nay bạn vô tình làm trật khớp tay trong một lúc quờ quạng mơ hồ, rồi biết đâu ngày mai bạn cũng chẳng mảy may nhận ra mình đang để trật nhịp trái tim, vì một người-dưng-thân-thương nào đó. Xét cho cùng, yêu một người chẳng có gì sai, dù không đến được với nhau hay sau đó buộc phải buông tay, thì cũng chẳng phải lỗi do ai – nhưng nỗi đau còn lại phải đeo mang vốn dĩ không thể tránh khỏi. Thật ra chúng ta cũng chỉ là những kẻ mang đôi mắt trần gian nhất, làm sao biết được đâu là những hố sâu cần né tránh, nếu như không tự giẫm bước vào bằng chính sự trải nghiệm lần đầu của mình? Nói theo kiểu của Colleen McCulough khi viết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” thì con người khi yêu cũng như loài lông vũ trong truyền thuyết ấy.
“… Cả đời nó chỉ bay đi tìm một bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca hay nhất thế gian và phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Nhưng con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn cho đến chết mà vẫn hót. Còn chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!”
Và tôi tin, vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ thấy trước mắt bụi mận gai của riêng mình. Chúng ta có thể chọn, lao vào bụi mận gai để một lần dốc hết yêu thương hoặc lẳng lặng quay lưng, bỏ lại những lời thật lòng chưa kịp nói. Dù biết nó ra hay giữ kín cho mình – thì cũng chỉ đều mang đến một kết quả y chang nhau: Đau!
Nhưng một lần nữa, như Colleen McCulough đã từng tin, chúng ta biết mình đang đeo mang những niềm đau xứng đáng.
Sẽ mãi mãi như thế!
Bởi buồn hay vui, đầy hay vơi, gần hay xa, vẫn là yêu thương cả…