Tiết Tử Dung từ chối bày tỏ ý kiến về lời dạy của đại sư huynh. Y vẫn làm như ngày thường, bê nước ấm cho sư huynh rồi thu dọn giường chiếu.
Mãi đến lúc Ly Tương nhắm nghiền mắt, Tiết Tử Dung mới bận bịu xong mớ việc hàng ngày. Lúc y quay lại giường đã thấy cảnh Ly Tương nằm ngay ngắn, chăn kéo đến đỉnh đầu ngủ vùi rồi.
Y nhẹ nhàng cởi giày ngồi lên giường, kéo chăn khỏi đầu Ly Tương tránh cho hắn khỏi bị ngộp rồi mới lấy y thư ra đọc thêm vài trang, nhưng đến khi nghe cơn gió luồn qua khe cửa, y bất giác thấy Ly Tương trong cơn ngủ mê lại kéo chăn trùm lên đầu bèn thở dài, quyết định nằm xuống ngủ.
Trản đèn cũng bị Tiết Tử Dung che kín lại, chỉ để lại trên đó một viên ngọc sáng lờ mờ.
Ly Tương không thích ngủ trong bóng tối, Tiết Tử Dung bị y chèn ép suốt tám năm cũng đã quen ngủ với ánh sáng, chẳng mấy chốc đã chìm vào giấc ngủ.
Mãi đến khi tiếng thở của Tiết Tử Dung đều đặn hơn, Ly Tương mới kéo chăn khỏi đầu để ngồi dậy.
Nhưng chỉ mới ngồi được nửa người, da đầu hắn đã nhói đau.
Ly Tương dở khóc dở cười nhìn về hướng "phát ra" của cơn đau, hắn thấy mấy lọn tóc của mình bị đè dưới gối của sư đệ thì bỏ cuộc nằm lại giường.
"Chuyến này về mình sẽ bế quan." Y nhủ thầm, "Mặc kệ bế ra cái gì, chỉ cần tránh xa tầm mắt mọi người là được. Môn vụ cứ để Tử Dung chấp chưởng, đệ ấy có thể hỏi sư phụ nếu gặp chuyện khó xử."
Tám năm qua, Ly Tương không ngừng bồi dưỡng Tiết Tử Dung thành người đứng đầu một đỉnh, những lúc đi gặp tiền bối các phái, các đỉnh hắn cũng đưa Tiết Tử Dung theo. Đứa trẻ chỉ hơn mười tuổi mà tu hành không chểnh mảng, giải quyết công việc cũng rất có chính kiến và dứt khoát, lại có trưởng bối nâng đỡ quả thật khiến kẻ làm sư huynh như hắn yên tâm phủi tay, huống chi giờ Tử Dung đã mười lăm, hắn càng không còn gì vướng bận.
"Đêm nay chỉ ở ngoài trời có một chút mình đã mất khống chế thế này rồi, sau này sợ là càng dọa mọi người." Ly Tương thở dài trong lòng rồi từ từ vỗ về giấc ngủ, "Chắc đêm nay đệ ấy thất vọng về đại sư huynh này lắm…"
Quả thật, cảm xúc của Tiết Tử Dung dành cho Ly Tương đã thay đổi từ đêm nay.
Tiết Tử Dung tự cho là mình làm việc dứt khoát nhưng hóa ra y lại không biết suy xét mà bỏ mặc Ly Tương ở lại nơi ấy một mình. Y vẫn luôn cho rằng Ly sư huynh không sợ bóng tối đến vậy, thậm chí những năm qua y chỉ chiều theo khi sư huynh ầm ĩ đòi để lại ánh sáng lúc đi ngủ chứ chưa hề coi đó là mong muốn nghiêm túc mà đối đãi.
"Còn may mà nơi ấy là ở núi Thúy Vi." Y thầm nghĩ.
Nếu như là một nơi xa lạ, những người xa lạ liệu sư huynh y có an toàn không? Liệu có xảy ra chuyện gì khiến y phải hối hận hay không?
"Ba năm nữa, chỉ ba năm thôi. Bí cảnh Lạc Nguyệt sẽ mở ra sau ba năm nữa. Đợi đến khi đó…"
Ai cũng mang theo suy nghĩ và nỗi sợ chìm vào giấc ngủ.
Ba ngày sau, Ly Tương và Tiết Tử Dung rời khỏi núi Thúy Vi.
Tiễn hắn xuống núi chỉ có lão Nhị, lão Tứ được Bùi Nhu đưa đến và lão Thất, Đề Sương không biết đã đi đâu mất.
"Môn vụ tạm giao cho đệ." Ly Tương vỗ vai Kiều Trác Việt dặn dò lại, "Có việc gì cứ gửi tin cho huynh, đừng phiền đến sư phụ. Hẳn cũng không có gì to tát đâu."
Kiều Trác Việt nhăn nhó: "Huynh về sớm đấy, đệ còn phải bế quan."
"Bế cái gì, đệ ra ngoài nhìn cho biết núi Thúy Vi trông như thế nào đi, nhớ đừng đánh vỡ bệ đá nhà lão Thất."
Kiều Trác Việt gật đầu.
"Cũng chỉ có huynh với Thập Nhất vừa mới đánh vỡ bệ đá của đệ thôi." Mặc Nghiên lầm bầm.
Thính lực Ly Tương khá tốt, hắn nghe Thất sư đệ mình u oán nói thế thì quay sang sửa miệng: "Đánh vỡ cũng được, huynh không trách đâu."
"Sư huynh!" Mặc Nghiên nghiến răng kêu.
Bùi Chi An vẫn chưa thân thiết với các sư huynh khác, nó chỉ đứng sau Bùi Nhu nhìn mọi người bằng ánh mắt tò mò.
Ly Tương chép miệng, cảm thấy Bùi Nhu tẩy não lão Tứ cũng nhanh quá rồi bèn vẫy tay gọi Tứ sư đệ mình lại dặn dò: "Ngoan, khi nào về huynh sẽ đón đệ về đỉnh Túc Phong. Nhớ lên lớp đầy đủ, làm quen với mọi người, đừng suốt ngày làm phiền Bùi sư tỷ."
Bùi Chi An gật đầu.
Sau đó Ly Tương kéo theo Tiết Tử Dung rời đi trong ánh mắt căm phẫn của Mặc Nghiên, vẻ chán chường của Kiều Trác Việt và vẻ mặt giận dữ của Bùi Nhu.
Hai người đi bộ khoảng nửa canh giờ thì rời khỏi phạm vi linh sơn, bắt đầu ngự kiếm đi về phía đồng hoang cách đó ba mươi dặm.
Quãng đường ba mươi dặm hai người ngự kiếm chỉ chốc lát đã đến nơi. Vừa đến nơi Ly Tương đã vội vã ném kiếm Ngọc Tán đã hóa về hình chiếc ô cho sư đệ mình rồi chen vào giữa đám người đông đúc, biến mất hút.
Bấy giờ Tiết Tử Dung mới có dịp nhìn kỹ nơi đây.
Kể từ khi lên núi đến nay, nơi xa nhất y đặt chân đến là trấn nhỏ dưới núi.
Ly Tương không thường dẫn đệ tử ra ngoài, còn Tiết Tử Dung thì chưa đủ tuổi để theo các sư huynh khác xuống núi làm nhiệm vụ. Đây là lần đầu tiên y đi xa đến nơi này và sẽ đi xa hơn nữa, đến tận Yêu Châu.
Ly Tương nói y dẫn linh nhiều năm, cũng cần có vũ khí thuận tay, không thể cứ dùng thanh kiếm gỗ sứt sẹo này làm vũ khí nên quyết định đưa y đến chỗ Thập sư đệ mình, tìm cho một thanh kiếm tốt.
Tiết Tử Dung không hề chê bai thanh kiếm gỗ y đã quen dùng nhiều năm, còn tìm sư huynh đỉnh khác luyện hóa cho nó hình dạng thứ hai là chiếc ô cầm tay nhưng y cũng không từ chối nhã ý của sư huynh mình.
Ra ngoài một chuyến cũng không phải chuyện xấu gì cả.
Đường đến Yêu Châu xa xôi, ngự kiếm đi quả thật rất tốn sức lại mất thời gian. Mặc dù Ly Tương là kẻ đốc thúc sư đệ mình tu luyện nhưng hắn cũng không phải kẻ cố chấp như sư thúc phái Phù Dao phải vừa đi vừa vất vả. Hiếm khi có dịp ra ngoài, dĩ nhiên hắn tìm phương tiện đi lại thuận tiện nhất.
Đối với quyết định này của sư huynh mình, Tiết Tử Dung không phản đối chút nào, bởi vì dù Ly Tương có bảo y ngự kiếm đưa hắn tới Yêu Châu thì y cũng vui vẻ làm theo.
Mấy năm nay, huyền môn và phàm gian vẫn giữ khoảng cách và sự bí ẩn với nhau. Nhưng từ khi trận pháp có bước nhảy vọt đáng kể, linh khí theo một cách nào đó bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của phàm nhân chứ không còn dừng lại ở việc hiện hữu, nuôi dưỡng hơi thở của nhân gian như trước. Kể từ khi trận pháp "linh tuyến" - chính là trận pháp dẫn linh khí thành một sợi dây được củng cố, có thể kéo dài đến vạn dặm ra đời, khoảng cách xa xôi giữa các châu, các thành đã không còn là vấn đề nữa, huyền môn cũng không còn chìm sâu khỏi tầm mắt người thường, chỉ hiện ra khi có thiên tai, nhân họa.
Dựa vào linh tuyến đó, trên trời có linh thuyền, dưới đất có linh xa, cái đầu thì để đi đến nơi cách xa ngàn dặm mà cái sau là để đi lại giữa hai thành cách nhau mấy chục dặm.
Đáy linh thuyền hoặc linh xa có pháp trận, là loại pháp trận chỉ tương thích với phù chú nạm trên linh tuyến. Thuyền xe sẽ nương theo linh tuyến trượt dài đến điểm cuối. Nếu ngự kiếm mất mười ngày nửa tháng thì đi thuyền xe cũng chỉ cần vài ngày mà thôi.
Đó cũng là lý do mấy năm nay Bát sư huynh núi Thúy Vi rời khỏi núi.
Pháp trận khắc dưới đáy thuyền xe và phù chú nạm trên sợi linh tuyến mỏng manh đó là do y nghĩ ra.
Mấy năm đầu, những thứ này không được ứng dụng rộng rãi bởi phàm nhân nghi kỵ và sợ hãi, còn linh sơn thì e ngại nó sẽ lấy đi linh khí ở nhân gian làm ảnh hưởng đến phàm nhân nhưng lại cảm thấy bản thân không dư dả linh thạch để ban phát vô tư. Sau cùng, sự kiên trì của một thế hệ tu sĩ phù chú, luyện khí đã đưa ra đường linh tuyến ít hao tổn linh thạch, một viên linh thạch có thể duy trì linh tuyến hàng năm mà không ảnh hưởng chút nào đến linh khí ở phàm gian, linh thuyền, linh xa mới bắt đầu xuất hiện rộng rãi.
Lần này đi tới Yêu Châu nên hẳn nhiên bọn họ sẽ đi bằng linh thuyền.
Linh thuyền, tên đúng với vật. Từ đằng xa, Tiết Tử Dung nhìn lên đài cao chót vót thấy ngay mấy chiếc thuyền khổng lồ. Đài cao có vẻ nhỏ nhắn so với linh thuyền khổng lồ đó nhưng không hề chao đảo giữa trời, hẳn là đã có hàng tá phù chú, pháp trận nới rộng, gia cố.
Đài cao này nằm ở nơi đồng hoang nhưng người tới kẻ đi dập dìu không ngớt, có tu sĩ mà cũng có phàm nhân.
Khi Ly Tương và Tiết Tử Dung vừa đến thì đúng lúc có một linh thuyền đáp xuống. Không cần gắn linh khí vào mắt Tiết Tử Dung cũng thấy xung chấn do vật khổng lồ đáp xuống gây ra, chỉ là xung chấn ấy được một kết giới vây lấy, từ từ tiêu hóa rồi biến thành một luồng linh tuyến màu vàng bé như sợi chỉ nhanh chóng chui xuống đáy thuyền, hòa vào đường linh tuyến to cỡ dây đàn, là linh tuyến trục nối liền hai điểm đầu cuối.
Linh tuyến vàng và linh tuyến trục dưới đáy linh thuyền là do Tiết Tử Dung gắn linh khí vào mắt để nhìn mới thấy được, đối với người phàm thì xung lực khi linh thuyền đáp xuống vội vã biến mất vào hư vô.
Tiết Tử Dung đợi cách đó lúc lâu mới thấy Ly Tương quay lại, hắn vui vẻ nắm tay Tiết Tử Dung rồi nói: "Nhanh lên, hôm nay chúng ta may mắn đó, huynh tìm được linh thuyền một khắc nữa sẽ khởi hành còn trống chỗ, chúng ta không cần chờ thêm đến đêm hoặc ngày mai. Nhanh lên."
Tiết Tử Dung bị hắn lôi kéo thì hơi bất ngờ: "Sao gấp vậy sư huynh?"
Ly Tương dẫn hắn chen vào dòng người đi ngược chiều ùa xuống từ linh thuyền vừa đáp xuống ban nãy, hắn luôn miệng nói: "Thường thôi, không gấp, hành trình xa xôi, chúng ta cứ tranh thủ thì hơn."
Suýt soát giờ, cả hai người mới kịp lên đến đài cao.
Xung quanh đài cao này được kết giới bao trọn, không lo ngã xuống đất. Lần đầu tiên bước lên đài linh thuyền, Tiết Tử Dung nhận ra đây là một khoảng đất trống thật rộng, có thể chứa cùng lúc mấy chục linh thuyền cỡ lớn. Pháp trận gia cố bên dưới hẳn là phí không ít tâm tư.
Ly Tương cũng chưa bao giờ đi lại bằng linh thuyền, vậy là hai sư huynh đệ núi Thúy Vi như hai kẻ trong núi vừa ra thành thị, vừa đi hỏi người ta vừa nghểnh cổ tìm số linh thuyền.
Chốc sau, cuối cùng Ly sư huynh cũng tìm ra linh thuyền, hắn lôi tiểu sư đệ mình vào chỗ đợi lên thuyền.
Linh thuyền chia ba tầng, tầng dưới cùng là nơi có tu sĩ và phàm nhân đi theo kiểm tra suốt quá trình di chuyển. Dù sao đi lại trên trời cũng nguy hiểm vô cùng.
Tầng giữa là nơi người phàm nghỉ lại trong suốt chặng đường, còn tầng trên cùng dành cho tu sĩ. Suy cho cùng tu sĩ và phàm nhân vẫn phải giữ khoảng cách với nhau. Truyện Dị Giới
Ngay lúc Tiết Tử Dung nhìn thấy nơi các tu sĩ đang ngồi đợi, y định rẽ vào đó thì bị Ly Tương nắm tay dắt sang chỗ phàm nhân đang rồng rắn xếp hàng.
Phàm nhân vẫn là nhóm người đi lại bằng linh thuyền nhiều nhất.
"Sư huynh…"
"Suỵt!" Ly Tương đưa ngón trỏ lên môi ra dấu, "Cứ đi theo huynh."