Phần II - Loạn Phong Vũ
Sử sách có ghi lại, Phong Vũ đại lục hơn ngàn năm trước chỉ có một thế lực duy nhất tồn tại, đó là Trần quốc. Dưới sự cai quản của các đời Trần đế, Trần quốc phồn vinh, nông thương mọi mặt đều phát triển. Nhờ đó mà Trần quốc bá tánh đều có được cuộc sống no đủ.
Mùa thu Thiên Cổ lịch năm 497, Trần quốc đại đế Trần Long Quân bỗng dưng biến mất trong chính hoàng cung của mình.
Trần quốc trong thời gian ngắn liền tan vỡ. Thiên hạ đại loạn. Lãnh thổ của Trần quốc bị chia cắt thành thập nhị phương do thập nhị sứ quân cai quản. Dẫn đầu các sứ quân là mười hai vị Tiết độ sứ, trước vốn là các thổ hào, quan lại dưới thời Trần.
Thiên Cổ lịch năm 498, Trưởng tử của Trần đế là Trần Huyền Minh dẫn đầu thủ hạ trung thành của Trần đế một mình đàn áp mười hai phương thế lực.
Thiên Cổ lịch năm 500, Trần Huyền Minh dựng cờ xưng đế, lập nên Tân Thiên quốc.
Tân Thiên lịch năm thứ 3, Tân đế Trần Huyền Minh bị ám sát, thiên hạ chưa bình yên được bao lâu lại rơi vào cảnh hỗn loạn. Mười hai sứ quân nắm bắt thời cơ tiếp tục phân tranh, không màng tới bách tính lầm than.
Tân Thiên lịch năm 21, ba phương thế lực mới hoành không xuất thế, dẫn đầu dân chúng đứng lên chống giặc sứ quân. Ba vị đại tướng quân vốn chỉ là dân chúng tầm thường chịu khổ đày trong loạn lạc, vì tức giận mà vùng dậy khởi nghĩa. Tam phương thế lực bởi được lòng dân mà nhanh chóng lớn mạnh, liên tiếp trong giao chiến đánh bại các sứ quân.
Tân Thiên lịch năm 27, thập nhị sứ quân hoàn toàn thất bại, cùng nhau lui về vùng sơn lâm phía nam lẩn trốn. Gần ba mươi năm Phong Vũ loạn lạc tới đây là kết thúc.
Tân Thiên Lịch năm 28, ba vị tướng quân dẫn đầu tam phương thế lực lần lượt xưng đế lập quốc.
Sau nhiều năm chiến tranh liên miên, gần một nửa số bách tính của Trần quốc trước kia đã tử mạng. Phong Vũ đại lục xưa phồn vinh giờ chỉ còn lại cảnh tượng hoang tàn. Máu tươi nhuộm đỏ Hoàng Hà, xác người chồng chất, dân chúng đói khổ.
Tam quốc đánh đuổi giặc sứ quân xong thì bắt tay ký hiệp định đồng minh, cam kết trong vòng trăm năm sẽ không xảy ra tranh đấu.
Trịnh quốc chiếm giữ vùng Tây Bắc của Phong Vũ đại lục, phía bắc giáp đại hải, phía tây là sâm lâm. Trịnh đế rời kinh đô về nơi đắc địa, đặt tên là Lạc An, mong muốn dân chúng Trịnh quốc sẽ có được cuộc sống an lạc, đủ đầy.
Tề quốc chiếm giữ vùng Đông Bắc, phía bắc cũng là đại hải, phía đông là đại sơn. Kinh đô Hoa Lư trước mặt hướng một nhánh của Hoàng Hà, sau lưng dựa Trường Sơn, là kinh đô có sức phòng thủ mạnh mẽ nhất trong tam quốc.
Tấn quốc chiếm dải đất đồng bằng nơi trung tâm, bắc giáp Trịnh Tề, nam giáp hoang mạc, Tây Nam còn có các tiểu bộ tộc là dư đảng của thập nhị sứ quân. Tấn đế đóng đô ở kinh đô cũ của Trần quốc và Tân Thiên quốc, đổi tên lại thành Thăng Long thành.
Thiên Cổ đại chính thức khép lại, nhường chỗ cho tân thời đại. Trần Long Quân là đế vương cuối cùng của Trần quốc, được người đời tụng xưng là Cổ đế. Cho tới bây giờ, sự biến mất của ngài vẫn là một bí ẩn lớn của nhân loại.
Thiên hạ đều biết Tân đế là trưởng tử của Cổ đế, nhưng không mấy ai biết được các hoàng tử còn lại của ngài sau biến cố ấy đã đi đâu.
Có cổ thư ghi lại, Cổ đế năm đó sinh hạ được ba nhi tử và một nhi nữ. Đại hoàng tử Trần Huyền Minh dẫn quân dẹp loạn, lập nên Tân quốc, đánh dấu sự mở đầu cho Tân Thiên đại.
Ít người biết được, năm đó, để tránh bị quân phản loạn đuổi gϊếŧ, Nhị hoàng tử Trần Huyền Trang và Tam hoàng tử Trần Huyền Hàn đều đổi họ, chia nhau chạy trốn.
Nhị hoàng tử Trần Huyền Trang trong một lần bị kẻ địch đuổi gϊếŧ thì được một vị sư trụ trì cứu giúp. Sau này hắn nhận người đó làm sư phụ, đổi sang họ Thích, lại tới Trường Sơn ở phía đông khai môn lập phái. Thích Huyền Trang chính là tổ tông khai phái của Đại Lâm tự sau này. Cả đời hắn ăn chay niệm phật, không hề có con cái.
Tam hoàng tử Trần Huyền Hàn thì chạy về phía tây, đổi sang họ Chiến, cưới vợ sinh con rồi lập nên Chiến gia. Dựa vào võ điển bí tịch mà Chiến Huyền Hàn mang theo từ kho tàng của Trần quốc, thực lực Chiến gia tăng nhanh như diều gặp gió, sau mấy trăm năm thì trở nên ngang hàng với các cổ thế gia của Phong Vũ đại lục.
Còn vị công chúa duy nhất kia tên là Trần Uyển Như, năm đó có lẽ đã bỏ mình trong loạn thế.
***
Mùa hè Tân Thiên lịch năm 998, cái tên Cổ đế vốn đã rơi vào lãng quên gần ngàn năm bỗng dưng lại trở thành chủ đề nóng hổi nhất Phong Vũ đại lục.
Cổ đế mất tích, bảo tàng của ngài năm đó cũng biến mất theo. Không ai có thể ngờ được rằng, bảo tàng hơn ngàn năm trước của vị Thiên Cổ đế vương cuối cùng cũng sắp sửa hiện thế. Tam quốc bắt đầu rục rịch. Bá tánh của Phong Vũ đại lục liệu có tiếp tục rơi vào cảnh lầm than như ngàn năm trước hay không?
Đã hai tháng trôi qua kể từ khi Quần Long hội ở Long Hổ thành kết thúc. Tin tức về Cổ đế bảo tàng đã loan tới toàn bộ Phong Vũ đại lục.
Động thái của tam quốc bị cả đại lục nhìn chằm chằm. Ba vị đế vương đối ngoại thì tỏ ra bình thản, bên trong lại cử rất nhiều nhân thủ đi tìm kiếm dấu vết của bảo tàng.
Tam quốc trong tay có tàng bảo đồ, nhưng hai tháng nay nhân mã tam phương lại được chia ra phân tán khắp nơi, rõ ràng là không biết bản đồ chỉ tới địa phương nào.
Không chỉ có tam quốc, các nhân sĩ giang hồ dẫn đầu là ngũ đại môn phái cũng bắt đầu rục rịch, nghe ngóng tìm kiếm thông tin về bảo tàng.
Lại nói về ngũ đại môn phái, lịch sử của mấy môn phái này cũng lâu đời như lịch sử của tam quốc vậy.
Sau thời đại Thiên Cổ, các môn phái võ đạo mọc lên như nấm. Gần nghìn năm phát triển, thực lực của ngũ đại môn phái ngày càng lớn mạnh, đủ để tam quốc phải kiêng dè. Mỗi một môn phái trong ngũ đại môn phái đều có sở trường và thế mạnh riêng.
Thượng Thiên kiếm phái chủ tu kiếm thuật. Nhờ kiếp pháp thần diệu, Thượng Thiên kiếm phái được coi là môn phái đứng đầu Phong Vũ đại lục. Đây cũng là môn phái cổ xưa nhất Phong Vũ đại lục, từ Thiên Cổ đại đã tồn tại, không ai biết bọn họ được thành lập từ khi nào.
Thái Sơn môn tu luyện khá hỗn tạp, toàn bộ thập bát ban binh khí đều có môn hạ học tập. Môn phái này được thành lập vào những năm cuối cùng của Cổ Thiên đại. Có tin đồn là trưởng môn khai phái của Thái Sơn môn là võ tướng dưới trướng Cổ đế. Lại có tin đồn nói rằng việc Tân Thiên vương dẹp loạn và việc Tam quốc đánh bại mười hai sứ quân đều có liên quan rất lớn tới môn phái này.
Đại Lâm tự chủ tu chưởng pháp và quyền thuật, không dùng vũ khí. Môn phái này được thành lập cùng lúc với Thái Sơn môn, nhưng năm đó lại không hề can dự tới chuyện của thập nhị sứ quân, bây giờ cũng không có chút dính dáng gì tới tam quốc. Đây cũng là môn phái thần bí nhất trong ngũ đại môn phái, rất hiếm khi môn nhân của bọn họ xuất hiện trong giang hồ.
Thần Nông phái xuất thân từ bình dân bá tánh, gồm có hai nhánh chính: một nhánh dùng liềm và một nhánh dùng cung tên. Hai nhánh này một xa một gần phối hợp chặt chẽ. Môn hạ của bọn họ khi xuất sơn làm việc thường đi theo cặp hoặc nhóm cũng là bởi lẽ này. Thần Nông phái này được thành lập vào khoảng Tân Thiên Lịch năm thứ 20, do dân chúng vì bị cường hoành ác bá chèn ép mà lập nên.
Môn phái cuối cùng là Thiên Môn đạo. Môn phái này thực lực cá nhân của từng môn nhân yếu hơn tứ phái còn lại, nhưng bọn họ chủ tu võ trận, trong các trận chiến quy mô lớn có nhiều ưu thế hơn các môn phái khác. Đây là môn phái có lịch sử ngắn nhất trong ngũ đại môn phái, mới chỉ thành lập cách đây khoảng 400 năm.
***
Bách Phong Linh hai tháng nay ở Hạo Hiên phủ tìm hiểu thêm về Cổ Thiên đại và ngũ đại môn phái. Những thông tin này trước kia nàng không tiếp xúc tới, bây giờ nhờ vào chức vụ Quốc tử giám Tư nghiệp của Hạo Hiên vương gia mà có được những văn thư này.
Lại nói, Tấn quốc Thăng Long thành trước kia là kinh đô của cả Cổ quốc và Tân Thiên quốc. Bởi vậy, văn thư từ cổ thời đại giữ lại đến bây giờ cũng không ít, chỉ tiếc là Thiên Cổ văn Bách Phong Linh nàng đọc không hiểu. Chính vì vậy, chuyện Tân Thiên đại nàng đã biết không ít, nhưng chuyện Thiên Cổ đại thì nàng không rõ được bao nhiêu.
Vân Vụ các hai tháng nay vẫn luôn án binh bất động, ngồi một bên theo dõi cổ tàng chi biến. Vân Vụ các hàng ngày đều gửi tình báo tổng hợp tới cho Bách Phong Linh nên tình hình thăm dò cổ tàng nàng vẫn luôn nằm rõ trong lòng bàn tay.
Hiện tại, Trinh quốc cho người tập trung thăm dò phía tây hướng sâm lâm, Tề quốc nhân thủ tập trung ở phía đông hướng đại sơn, Tấn quốc lại đi về phía nam nơi hoang mạc. Ba bên vừa tìm tòi, lại vừa canh chừng lẫn nhau. Quân đội tam quốc đều đang tập trung đóng trại ở biên giới. Chỉ cần một nước tìm được bảo tàng, hai nước còn lại sẽ phát động chiến tranh gây rối.
Bởi tam quốc đều nắm rõ chuyện này, bọn họ vừa muốn tìm được bảo tàng nhưng không biết liệu tìm được bảo tàng rồi thì có bị hai nước còn lại hợp tác tấn công hay không, nên nhân thủ tam phương chỉ dám chậm rãi tìm tòi, chờ ba vị đế vương suy tính phương án giải quyết.
Tam quốc kiềm chế lẫn nhau, lại phải để ý tới cả ngũ đại môn phái đang ở bên như hổ rình mồi. Đến Đại Lâm tự bình thường không quan tâm tới chuyện thế sự cũng đã cử đệ tử tới Quần Long hội tranh đoạt tinh thần bí kíp mà Chiến gia đưa ra thì có thể hiểu được tầm quan trọng của chuyện này đối với bọn họ.
Bởi nhân thủ của môn phái đều rất đơn bạc so với quân đội của một quốc gia, ngũ phái đang có xu hướng bắt tay hợp tác cùng tìm kiếm Cổ đế bảo tàng.
Bách Phong Linh nhận được tin, đúng nửa tháng sau, võ lâm đại hội sẽ được tổ chức ở Thái Sơn môn để bàn bạc về vấn đề này.
Hoàng Thiên Du là Thái Sơn môn nhân, mấy ngày nữa cũng sẽ khởi hành tới tham gia đại hội này, còn hứa sẽ mang Bách Phong Linh theo. Bách Phong Linh tuy không muốn nhúng tay vào tranh chấp của Cổ đế bảo tàng, nhưng vì bản tính tò mò mà đã ngay lập tức đồng ý. Ngũ đại môn phái đối với nàng thần bí, nàng đương nhiên muốn biết thực hư thực lực của bọn họ.
Chuyến đi này cả hai người đều không đem theo thủ hạ, nhưng với thực lực của Hoàng Thiên Du, trên đại lục không có được mấy ai có thể gây nguy hiểm tới bọn họ. Dù vậy, Bách Phong Linh vẫn cẩn thận sắp xếp nhân thủ ở các thành trấn dọc đường và ở mấy thành trấn phụ cận Trường Sơn, để nếu có nguy hiểm còn có người tiếp ứng.
Hoàng Thiên Du thì không lo lắng nhiều như vậy. Thái Sơn môn cũng như là nhà của hắn. Thời gian hắn ở trong môn có khi còn nhiều hơn thời gian hắn ở tại Hạo Hiên vương phủ. Trong mấy ngày này, hắn chăm chỉ đi thu mua một vài vật phẩm quý giá làm quà tặng cho mấy vị trưởng lão trong môn. Đúng hai ngày sau, hai người dịch dung rồi cưỡi ngựa lén lút rời thành, hướng về phía đông mà đi.
Danh Sách Chương: