Bầu không khí vốn đã ngượng ngùng giờ rất khó xử.
Khải làm việc dưới trướng Tú cũng mấy năm không phải ngày một ngày hai, anh còn lạ gì thói khinh người của đối phương nữa.
Khải vừa giận lại vừa thương, giận vì ba mẹ bị Tú cười cợt, giận bản thân cố gắng chưa đủ, mãi là nhân viên quèn.
Sau lại thương vì Trà My phải chịu đựng con người tệ hại này suốt thời gian qua, cô ắt đã chịu nhiều tủi hờn
lắm.
Gương mặt già nua vì sương gió cuộc đời đỏ lên, ba Khải lúng túng không buông tay ông Thành ra.
Ông đã làm gì sai ư? Ông tự xem lại mình, áo quần chỉnh tề, cử chỉ cũng hợp lẽ, sao người ta cứ cười mỉa là thế nào?
Trà My đã từng là nạn nhân của Tú, cô hiểu rõ cảm giác của Khải và ba mẹ anh, oan ức, tủi hổ xen lẫn tức giận.
Cô nhìn ông Thành, thấy ông ấy vẫn còn treo nụ cười hờ hững trên môi, lòng lạnh đi hơn nửa.
Vì mọi thứ cứ diễn ra yên ả nên cô đã lơi lỏng cảnh giác mà quên rằng mình đang trong cuộc chơi với cáo già.
Tú cái tôi lớn hơn trời, dù sợ ông nội nhưng bị đàn áp mãi cũng đến lúc bùng nổ.
Người ở đây anh ta không đụng tới được vậy thì chỉ có thể trút lên đầu ba mẹ Khải.
Một nước cờ đầy mưu mô!
Ông Thành dùng gậy gõ vào đầu gối cháu trai, vờ trách:
"Nói cái gì đấy thằng này, anh đang chê cười ông anh già còn cậy mạnh hay sao? Người lớn tới tại sao còn ngồi, tôn ti trật tự để đâu?"
Vợ chồng bà Quyên và Tú nghe vậy liền đứng dậy, họ sống với ông Thành đủ lâu để nhận ra lời cảnh cáo được che đậy bằng sự bông đùa.
Tú vẫn chưa hiểu bản thân bị lợi dụng, sau khi ánh mắt ông Thành liếc qua liền ngoan ngoãn im miệng.
Ông Thành nói với ba mẹ Khải:
"Tuổi trẻ nông cạn mong cô chú đừng trách, nào ngồi đi, trước sau đều là người một nhà cả mà, xa lạ làm chi."
"Không sao, không sao!"
Ông đã mở lời, ba mẹ Khải dẫu có muốn truy cứu cũng không tiện.
Và nói thật là họ chẳng nghĩ đến dù bị xúc phạm.
Ngồi xuống ghế được làm từ gỗ đắt tiền, cặp vợ chồng già một mực giữ im lặng.
Nhà quê lên phố, họ đâu dám nói gì, không lại làm con trai mất mặt.
Đây đâu chỉ là nhà gái, còn là sếp của Khải nữa, căn bản không thể đắc tội.
"Mời cô chú dùng trà, hai người cứ tự nhiên như ở nhà đi, không cần gò bó!", ông Thành tự tay rót trà mời khách, một đặc quyền ít người được hưởng.
Nếu không phải trước đó biết ba mình muốn gả Trà My cho Gia Phúc, ắt hẳn ông Tuấn sẽ tin là ba mẹ Khải rất được xem trọng.
Còn như giờ, ông Tuấn chỉ thấy lạ.
Ông già định giở trò gì vậy?
"Dạ, vâng! Bác cứ để chúng tôi tự nhiên.", ba Khải uống ngụm trà nóng, lấy lại tinh thần.
Tạm gác bỏ những cảm xúc tiêu cực sang một bên, ông ấy thực hiện vai trò của một người cha, đứng ra bàn chuyện cưới vợ cho con.
"Dạ thưa bác và anh chị đây, hôm nay vợ chồng tôi đến là để xin cưới cháu My cho thằng Khải con tôi.
Bọn trẻ yêu nhau ba năm, đã biết tính biết nết, thiết nghĩ đây là thời điểm thích hợp.
Không giấu gì bác, trước lúc anh Tâm - ba cháu My mất, chúng tôi đã đề cập chuyện này với nhau mấy lần, đôi bên đều nhất trí, chỉ đợi hai đứa trẻ lên tiếng thôi.
Không biết ý bác và anh chị đây như thế nào?"
Ba của Khải giả vờ bình tĩnh nhưng thực tế rất khẩn trương, lòng bàn tay toát mồ hôi.
Ông sống tới tuổi này, đầu hai thứ tóc rồi, còn chưa bao giờ uốn lưỡi nhiều như hôm nay, mỗi lời thốt ra đều suy nghĩ kỹ càng.
Những người trước mắt nghe bảo là cha và anh trai của ba Trà My, cùng huyết thống nhưng rõ là khác nhau một trời một vực.
Người quá cố thông thái và phúc hậu trong khi ông cụ sắc sảo khiến người kiêng dè còn người anh thì lại có vẻ mưu mô.
Bàn chuyện cưới xin với bọn họ, tim ông đập thình thịch liên hồi, không biết huyết áp khi nào tăng cao.
Ông Thành chưa trả lời nhưng có người đã nóng vội giành trước.
Ông Tuấn lên tiếng phản đối:
"Không được! Cháu gái tôi cành vàng lá ngọc sao có thể gả cho con ông.
Gả cho thứ lương ba cộc ba đồng để chịu khổ ca đời sao? Đũa mốc mà chọc mâm son, xứng sao?"
Bây giờ không lên tiếng thì còn đợi đến khi nào? Phải biết rằng một khi ba ông gật đầu thì coi như ván đã đóng thuyền, không thể làm gì khác, lúc ấy có mà tức chết.
Ông tốn bao nhiêu tiền để hô biến Trà My từ cô đứa con gái tầm thường thành tiểu thư danh giá, không phải để làm lợi cho thiên hạ.
"Ơ hay! Ông này buồn cười nhỉ? Nhà chúng ta có của ăn của để, hà cớ gì không cho con bé gả cho người trong lòng? Hay ông muốn con My cô độc suốt đời ở với ông?", bà Quyên xem ra bực dọc.
Bà Quyên đứng ra nói đỡ hoàn toàn là chuyện bất ngờ với Trà My.
Bà ta uống lộn thuốc ư? Bình thường bà ấy ghét cô hơn gì, lần nào gặp cũng lườm cũng nguýt, cứ như thể thiếu nợ từ kiếp trước.
Bà ấy chống đối chồng vì cô,
chuyện lạ, đây chắc là sai sót kỹ thuật do vợ chồng chưa bàn bạc rồi.
Trà My không phải bà Quyên nên không hiểu được những rối rắm trong đó.
Bà ta ghét cô tới mức không muốn thấy thêm một phút giây nào nữa, gả đi càng sớm càng tốt.
Những đã bảo là ghét, có thương miếng nào đâu, Trà My lấy một nhân viên quèn, sống quãng đời vất vả, tối ngày bận tâm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền coi như đúng ý bà.
Phần khác, chiếm vai trò trọng yếu, xuất phát từ vướng mắc trong quá khứ.
Chuyện ông Tuấn yêu thầm vợ của em trai, chính là mẹ của Trà My, là một bí mật, ngoài bà và ông Tâm ra không ai biết.
Chồng cứ giữ Trà My chằm chặp bên người khác nào đồng nghĩa với việc nhớ thương người cũ.
Bà Quyên mỗi khi thấy bác cháu như hình với bóng bà cứ nhớ tới mẹ Trà My, trong lòng rất khó chịu.
Giờ có cơ hội, bà chỉ muốn tống cổ Trà My đi ngay lập tức, khuất mặt bớt phiền.
"Bà nói gì nghe buồn cười, bà làm như thuê chồng cho con My chắc, có cần định mức giá luôn không? Con cháu nhà này kết hôn là phải môn đăng hộ đối, không cùng đẳng cấp sống làm sao được?"
Ông Tuấn nạt vợ, một công đôi chuyện đá xéo gia đình Khải.
Bà vợ ông hôm nay giở chứng, nếu không phải đang trước mặt bao người, ông đã chửi cho một trận nên thân.
Thứ đàn bà ngu muội, chỉ mỗi việc ngáng chân chồng là giỏi.
"Ông có cần nói khó nghe vậy không? Tôi là bác, không lẽ lại hại cháu?"
Bà Quyên gân cổ cãi lại, sự tức giận của chồng trong mắt bà chính là có tật giật mình, vấn vương người cũ.
Tú không hiểu tại sao mọi chuyện lại thành ra như vầy.
Anh nghĩ có lẽ mình nên nói gì đó để thể hiện vai trò.
"Con cũng nghĩ là không nên, nếu để Trà My lấy một tên phó phòng quèn, nói ra không phải chuyện cười giới thượng lưu sao? Loại hình này căn bản không thể đem ra ngoài được."
Tình yêu giữa Trà My và Khải đối với Tú chỉ co bốn từ, đĩa đeo chân hạc.
Nếu anh không ngăn cản, để kẻ tham vọng như Khải bước chân vào nhà, chỉ sợ mai sau chẳng còn chỗ đứng, năng lực của Khải cũng khá, ông mà vừa mắt lại thiệt.
Khải không nhịn được nữa, xài xề anh, anh có thể nhẫn nhịn.
Tuy nhiên đụng chạm đến gia đình anh đã là giới hạn cuối cùng.
Anh hỏi:
"Có gì mà không thể gặp người? Tôi dựa vào năng lực của mình ngồi lên vị trí này không như bao người nhờ giỏi đầu thai mà có được chức cao.
Anh Tú trước khi trở thành phó giám đốc hình như cũng từng đảm nhiệm vị trí phó phòng kinh doanh thì phải? Quãng thời gian đó chắc khó khăn với anh lắm!"
"Mày ăn nói láo toét thế thằng kia!", Tú như giẫm phải đinh, nhỏm dậy chỉ tay vào mặt Khải.
Anh ta mặt mũi hung tợn, trông như thể sắp đánh người tới nơi.
Ông Thành gõ gậy xuống sàn nhà, lên tiếng phá vỡ tình thế giằng co.
Ông bảo:
"Có thôi đi không thì bảo, nói năng như thế phép tắc lễ giáo bỏ đâu, tôi chết rồi chắc? Anh Tú mà im cũng không ai bảo anh câm, nói năng hàm hồ."
Người nắm quyền tối cao ở đây không vui, Tú bị trách mắng, cúi gằm mặt.
Vợ chồng ông Tuấn dẫu đang thiết tha cần được trút hết cơn giận ra nhưng vì sợ ông Thành, không tình nguyện tạm đình chiến.
"Chuyện hôn nhân này tôi đồng ý!", ông Thành nhìn ba mẹ Khải, khẳng định chắc nịch.
"Ba!", ông Tuấn không phục kêu lên.
"Bác nói thật sao?", ba Khải vui mừng hỏi lại.
Ông cứ nghĩ chuyện hôn nhân của con trai sao mà lận đận quá, lần này chắc gãy gánh, không thành được.
"Đó là tất nhiên, cháu gái tôi yêu, con trai quá cố đã đồng ý không lý gì tôi lại phản đối!"
Ông Thành phớt lờ ánh mắt phản kháng của con trai.
Có được sự đảm bảo, Khải và ba mẹ mừng lắm.
Trà My nhìn ba người vui như tết đến, cũng gắng gượng cười theo.
Diễn biến tiếp theo như thế nào nhỉ? Muốn bắt bài một con cáo già là điều không tưởng.
"Nhưng mà tôi có hai điều kiện!"
Ông Thành chọn ngay lúc ba mẹ Khải vui đến đỉnh mà lên tiếng phá đám.
Mọi người đều thắc mắc, nhất là Khải.
Anh thấp thỏm hỏi dò:
"Dạ thưa ông, chẳng hay hai điều kiện là gì ạ?"
"Đừng khẩn trương, không có gì to tát đâu!", ông Thành cười nhạt, "Đám cưới phải tiến hành sớm nhất có thể.
Tôi coi ngày rồi, nếu không lấy trong tháng này là phải đợi tới ba năm nữa.
Điều thứ hai, vì cha mẹ Trà My mất chưa lâu, không tiện tổ chức rình rang nên chỉ cần bàn tiệc nhỏ thôi, đợi khi thích hợp sẽ công bố ra ngoài.
Anh chị đây và cháu Khải thấy thế nào?"
Khải và ba mẹ cứ ngỡ điều kiện là nhằm vào của hồi môn hoặc chuyện ở rể.
Quyết định như vầy tính ra họ chẳng chịu thiệt gì.
Khải không có ý kiến, anh nhìn sang ba mẹ, chờ đợi.
Hai vợ chồng già không đắn đo lâu, vui vẻ gật đầu, tưởng chuyện chi chứ hai việc này quá dễ với họ.
"Dạ được chứ bác! Chúng tôi hiểu mà, quan trọng bọn trẻ sống thế nào thôi, lễ tiệc chỉ là hình thức, bỏ được cứ bỏ!"
"Đúng vậy chỉ là hình thức, là thứ yếu!", ông Thành gật gù bảo.
Trong phòng khách, cùng một chỗ mà kẻ khóc người cười.
Cha con Tú tức giận nghiến răng, bọn họ không muốn điều này xảy ra.
Họ đâu biết ý ông Thành bảo hình thức thì đúng là hình thức theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Đằng nào thì Khải cũng không ở bên Trà My được, đặt lắm điều kiện làm gì?
Danh Sách Chương: