✈️✈️✈️
“Trần Gia Dư, anh xem thời sự chưa? Đài kiểm soát Phố Đông xảy ra chuyện rồi.” Lúc nhận được cuộc điện thoại này của Phương Hạo, Trần Gia Dư đang ở sân bay Thủ Đô chờ máy bay tới Tokyo cùng Trần Chính và Tào Tuệ.
Phương Hạo gọi cả họ cả tên của anh, giọng điệu nghiêm trọng và gấp gáp, tim Trần Gia Dư lập tức thắt lại: “Anh chưa, làm sao vậy? Anh vừa tới sân bay.” Anh đè thấp giọng nói, còn liếc mắt qua nhìn Trần Chính, cũng may ông đang xem điện thoại của mình, không để ý việc anh nghe điện thoại.
“Sân bay chúng ta sao?” Phương Hạo lúc này mới nhớ ra chuyện này, bèn hỏi.
“Không, sân bay Thủ Đô. Làm sao vậy?” Trần Gia Dư hỏi lần hai.
“Anh kiếm chiếc TV nào xem thời sự đi, trong nhóm chat cũng đang bàn luận đấy. Một chiếc tàu bay A330 của hãng Đông Phương lăn vào theo huấn lệnh của Đài kiểm soát đã xâm phạm đường lăn đang được sử dụng, đúng lúc gặp phải tàu bay A320 của hãng Nam Phương đang cất cánh. Cơ trưởng của hãng Nam Phương khi đó đã đẩy cần ép cất cánh nhưng vẫn va chạm với thân tàu A330. Tàu bay của Nam Phương đã thành công hạ cánh khẩn cấp rồi nhưng tình trạng thương vong bên tàu A330 của Đông Phương thì tạm thời còn chưa rõ.” Phương Hạo dùng vài câu giải thích ngắn gọn toàn bộ sự việc.
Sau khi cậu ấy nói xong, Trần Gia Dư cũng lập tức ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc. Sự cố xâm phạm đường băng đứng tốp đầu trong các sự cố về an toàn. Vì tần số Đài kiểm soát là tần số công khai nên gần như ngay khi sự việc xảy ra là đã biết rõ nguyên nhân. Nhân viên kiểm soát không lưu trực ca lúc ấy đã phạm sai lầm khi cấp huấn lệnh, quên mất tình trạng di chuyển của các tàu bay. Hai năm nay tuy hàng không trong nước thi thoảng cũng có những sự cố nhỏ như tiếp đất ngoài đường băng hay do huấn lệnh không rõ nên vi phạm khoảng cách an toàn nhưng trong vòng năm năm trở lại đây, thậm chí là mười năm trở lại đây, chưa từng xảy ra vụ tai nạn nào do kiểm soát viên không lưu mắc sai lầm khiến hai tàu bay va chạm, hơn nữa còn có thương vong. Dư âm từ vụ thảm họa sân bay Tenerife[1] năm ấy vẫn còn khiến bất kỳ ai trong ngành hàng không khiếp sợ, xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng như ngày hôm nay, không chỉ lên thời sự trong nước mà có lẽ cả thế giới đều đã hay tin.
Bản thân là một phi công, Trần Gia Dư hiểu rõ hơn ai hết mức độ nguy cấp của vụ việc này. Chỉ qua mấy câu kể của Phương Hạo, anh đã có thể mường tượng được toàn bộ vụ tai nạn. Cơ trưởng tàu A320 chắc chắn đã đạt vận tốc quyết định – vận tốc cất cánh trên 130 nút – thì mới đột nhiên nhìn thấy chiếc tàu A330 chắn ngang ở phần đường băng phía trước, vậy nên anh ta lập tức quyết định đẩy cần vào vị trí TOGA để ép cất cánh[2]. Mũi tàu bay ngóc lên, vừa vặn tránh được phần thân chiếc tàu bay A330 của hãng Đông Phương, tuy nhiên vẫn còn thiếu một chút, phần đuôi tàu vẫn quệt phải nửa sau khoang hành khách của tàu A330. Cũng may là bản thân tàu A320 không bị hư hại quá nghiêm trọng, vậy nên vẫn có thể bay quay đầu một vòng rồi hạ càng máy bay.
“Trời ơi,” Trần Gia Dư lập tức nhớ ra, “Bên Lư Yên…”
“Em có gọi mấy lần cho chị Lư Yên rồi, cuộc gọi không thể kết nối.” Phương Hạo thở dài, “Gia Dư, anh cũng gọi thử xem.”
Trần Gia Dư không nói nhiều qua điện thoại nhưng anh có thể cảm nhận được sự lo lắng của Phương Hạo. Dù là bất kỳ kiểm soát viên không lưu nào xảy ra chuyện thì đều sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của tất cả các kiểm soát viên không lưu. Anh chỉ có thể an ủi cậu ấy: “Em đừng sốt ruột, để anh gọi thử. Nếu em cảm thấy trạng thái không ổn thì tìm người đổi ca đi.”
Phương Hạo đáp “Dạ”, giọng có chút ủ rũ, phải một lúc sau anh mới nói tiếp: “Em không sao. Anh lên máy bay trước đi, cũng đừng để bị quá ảnh hưởng.”
Phương Hạo gọi cuộc điện thoại này thứ nhất là vì chuyện có liên quan tới Lư Yên. Anh chưa rõ buổi sáng lúc xảy ra tai nạn liệu Lư Yên có trực ở Đài kiểm soát hay không nên trong lòng thấp thỏm không nguôi. Trần Gia Dư dù sao cũng đã làm bạn với Lư Yên mười năm, lúc này đây có lẽ anh ấy có thể gọi được cho Lư Yên. Thứ hai là vì anh quả thực cảm nhận được thứ áp lực từ trên trời giáng xuống. Phương Hạo trong lòng bất an, muốn nghe thấy giọng Trần Gia Dư. Anh cũng đã làm cái nghề này nhiều năm, từ trực giác nhận thấy tất cả mọi người đều sẽ chịu ảnh hưởng từ vụ việc lần này. Thật ra Phương Hạo có lịch làm việc của Trần Gia Dư, biết hôm nay anh ấy sẽ khởi hành, thế nhưng giây phút biết tin vụ việc xảy ra, phản ứng đầu tiên của anh là gọi cho Trần Gia Dư. Phương Hạo quả thực quên mất lúc này Trần Gia Dư đang cùng bố mẹ chờ máy bay đi Tokyo.
Chuyến đi Nhật Bản của Trần Gia Dư cũng gặp rất nhiều trắc trở. Kế hoạch ban đầu chỉ có hai người là anh với mẹ. Về sau Tiểu Triệu báo với anh rằng năm nay em gái duy nhất của cậu ta kết hôn dưới quê, cậu ta đã hai năm chưa về rồi nên năm nay muốn xin nghỉ để về quê. Trần Gia Dư mềm lòng, hiển nhiên không thốt nổi chữ “Không”. Vậy là Tiểu Triệu về quê, chẳng còn ai có thể trông bố anh nữa. Trần Chính nói ngang bảo mình ở một mình cũng chẳng sao, đảm bảo sẽ không uống rượu cũng không về muộn, hoặc ông có thể tìm tới em trai mình, Trần Kỳ. Thế nhưng Trần Gia Dư vẫn khăng khăng mua vé cho Trần Chính, dự định để cả nhà cùng đi Tokyo.
Về sau, Tào Tuệ lại gặp vấn đề hít thở khó khăn, Trần Gia Dư thậm chí còn không rõ với tình trạng sức khỏe của mẹ anh hiện tại liệu có phù hợp để đi du lịch hay không. Anh cẩn thận hỏi thăm bác sĩ, sau khi nhận được sự tán thành của bác sĩ thì lại tìm hiểu rất nhiều các phương án dự phóng như nếu gặp vấn đề ở Nhật Bản thì đi bệnh viện như nào, gọi xe cứu thương ra sao… Sau tất cả, Trần Gia Dư mới quyết định sẽ tiếp tục theo kế hoạch ban đầu, không thay đổi. Thu dọn hành lý mình cần mang theo chỉ là chuyện thứ yếu. Trần Gia Dư là phi công, anh có thể dọn xong hết tất cả đồ đạc cần thiết chỉ trong ba phút. Tốn thời gian là ở mấy việc cần chuẩn bị trước khi đi. Vì thế, nhiều ngày liền sau hôm năm mới anh không gặp Phương Hạo, phải tới gần trước khi khởi hành đi Tokyo, Trần Gia Dư mới có thời gian rảnh để gặp Phương Hạo một thoáng.
Vì bảy giờ sáng hôm sau Trần Gia Dư còn có chuyến bay nên tối hôm đó hai người họ trò chuyện một lúc, gọi đồ ăn bên ngoài về rồi ngủ một giấc. Buổi tối Phương Hạo vừa tan ca tối, rất đỗi mệt mỏi nên hai người cũng không nhắc tới cuộc gọi không đầu không đuôi mà Trần Gia Dư hôm ở Thiên Tân đã gọi tới cho Phương Hạo, cũng không nói đến buổi tối năm mới anh lỡ hẹn kia. Trần Gia Dư nghĩ vì thời gian có hạn nên nói chuyện gì vui vẻ, ít áp lực, không muốn ngay trước khi đi còn nhắc tới vấn đề vướng mắc trong lòng.
Sáng sớm hôm sau, Phương Hạo còn đang ngủ, Trần Gia Dư mò tay lấy điện thoại soi đèn rồi khẽ khàng dậy rửa ráy. Bên trong chăn ấm áp, Trần Gia Dư chẳng nỡ rời đi nhưng anh không đi không được. Anh ngừng lại mấy giây, suy nghĩ không biết có nên gọi Phương Hạo dậy để chào tạm biệt hay không, dù sao đi chuyến này là mười mấy ngày trời không gặp nhau. Nhưng rồi anh cúi xuống, nhìn thấy Phương Hạo đang ngủ rất say giấc, đến mí mắt cũng không hề chuyển động, đầu lún trong lớp gối mềm mại, tay phải kê dưới gối. Anh chẳng nỡ gọi cậu ấy dậy.
Thực tế chứng minh trực giác của Phương Hạo hoàn toàn chính xác. Vụ tai nạn xâm phạm đường cất hạ cánh tại sân bay Phố Đông bị lan truyền khắp nơi trên mạng Internet, tuy không có cảnh quay thực tế nhưng có kênh truyền thông dựng lại video mô phỏng hai tàu bay va chạm. Trong phút chốc, tất cả các trang mạng đều tập trung vào tin tức này, mức độ quan tâm còn thậm chí gần như gấp đôi so với vụ việc Trần Gia Dư điều khiển tàu bay CA416 hạ cánh ở Hồng Kông ba năm trước. Người dân dường như đều ý thức được ngoài phi hành đoàn thì còn một nhóm người khác đang nắm trong tay quyền sinh quyền sát điều khiển tàu bay ổn định theo kế hoạch, đó là kiểm soát viên không lưu. Bọn họ trước đây ở trong bóng tối, mỗi năm có lẽ xử lý thành công hàng trăm sự cố, chỉ một sự cố xử lý không tốt như hôm nay nhưng độ nghiêm trọng của hậu quả, hiện tại cả nước đều thấy được.
Hôm ấy sau khi xảy ra sự cố, mấy người Phương Hạo bị triệu tập tham gia cuộc họp dài hai ngày hai đêm, ngay cả Quách Tri Phương cũng phải kết thúc sớm đợt nghỉ thai sản để quay lại vị trí. Kỳ sát hạch hàng năm sẽ tổ chức vào tháng Ba chỉ trong một đêm đã cập nhất các tiêu chuẩn, trở nên nghiêm ngặt hơn so với trước đây. Rất nhiều sự cố đã được xử lý trước đó đều phải bổ sung báo cáo lại từ đầu. Nếu kiểm soát viên xử lý không thỏa đáng thì sẽ phải tự kiểm tra bổ sung. Những điều này cũng chỉ là thách thức về khối lượng công việc, thách thức lớn hơn nằm ở áp lực tâm lý.
Hai ngày sau, tin tức từ bên Phố Đông truyền tới. Vụ tai nạn khiến 09 hành khách bị thương, trong đó có 02 người chấn thương nghiêm trọng hiện vẫn đang nằm trong ICU, may mắn là không có tử vong. Kể cả như vậy, mây đen vẫn bao trùm tất cả các phòng trực và Đài kiểm soát, từ Thượng Hải đến Quảng Châu tới Bắc Kinh, sân bay nào cũng vậy. Thêm vào đó đợt du lịch Tết đã gần kề, các đợt cao điểm về lưu lượng bay cứ liên tục nối tiếp nhau. Sân bay Đại Hưng hoạt động được ba năm, lưu lượng hàng khách tăng đều hàng năm, vậy nên gần như ngày nào cũng đạt mức cao kỷ lục.
(ICU: viết tắt của “Intensive Care Unit”, là nơi đặc biệt trong bệnh viện nhằm điều trị, chăm sóc đặc biệt nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhân bị bệnh hay chấn thương nghiêm trọng)
Ngày thứ ba sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phương Hạo và vài người bạn cuối cùng cũng liên lạc được với Lư Yên. Đã có kết quả xử lý của Đài kiểm soát Phố Đông. Những người có trách nhiệm liên quan, cho dù thời điểm đó không trực thì đều bị cách chức. Mức độ phủ sóng của vụ việc lần này rộng tới mức vượt quá sức tưởng tượng của tất cả mọi người, dường như nếu không xử phạt liên đới thì không thể khiến công chúng hài lòng. Trong số những người không trực nhưng chịu trách nhiệm liên quan có Lư Yên.
Khoảnh khắc nghe thấy giọng cô qua điện thoại Phương Hạo cũng có chút không thể kiềm lòng. Lư Yên trước giờ luôn điềm tĩnh, hào sảng, cho dù là trong công việc hay trong mối quan hệ với mọi người, anh chưa từng nghe thấy giọng điệu này ở cô. Tuy trước lúc cúp máy, Lư Yên vẫn nói: “Em nhớ chăm sóc bản thân cho tốt, đừng quá áp lực. Bọn chị… Chuyện bên bọn chị đã quyết định vậy rồi, không nên tiếp tục liên lụy tới mấy đứa nữa. Chị vẫn còn anh Lỗi. Chị có lẽ… sẽ xem thử xem còn có thể làm gì nữa.”
Dù đã cố giấu nhưng vẫn nghe thấy được sự lo âu và buồn bã trong giọng Lư Yên. Phương Hạo muốn an ủi cô cũng không an ủi nổi, trong lòng càng thêm khó chịu.
Hai hôm nay anh vẫn kiềm chế không gọi điện cho Trần Gia Dư, hai người chỉ liên lạc qua Wechat vì anh biết Trần Gia Dư đang đi du lịch Nhật Bản cùng bố mẹ nên không tiện. Anh cũng biết, vụ việc hai tàu bay va chạm ở sân bay Phố Đông không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc của kiểm soát viên không lưu – Quyết định đẩy cần ép cất cánh của cơ trưởng chuyến CZ581 là đúng hay sai, đây cũng là một điểm nóng gây tranh cãi. Khi gặp tai nạn, người cơ trưởng bị yêu cầu đưa ra quyết định trong 1/10.000 mili giây, sau đó lại phải gánh chịu hậu quả từ quyết định đó cả đời, thật quá giống cảnh ngộ của Trần Gia Dư khi đưa tàu bay CA416 hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông ngày ấy.
Thế nhưng sau khi chấm dứt cuộc gọi với Lư Yên, Phương Hạo cuối cùng không nhịn nổi nữa, nhấc máy gọi cho Trần Gia Dư trò chuyện. Trần Gia Dư nghe có vẻ như đang ở trong phòng khách sạn chuẩn bị ra ngoài, vậy nên hai người không nói rõ ràng mọi chuyện cũng không nói với nhau được quá lâu.
“Em vừa gọi cho chị Yên…” Phương Hạo mở đầu câu chuyện, Trần Gia Dư tiếp lời: “Sáng anh cũng gọi được cho cô ấy rồi, đã biết kết quả. Thật sự…” Anh cũng chẳng nói nổi lời hay ý đẹp nào, tâm trạng hai người đều như nhau.
“Nên tới thăm cô ấy.” Trần Gia Dư nói, “Lúc trước sau vụ hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, cô ấy vẫn luôn hỗ trợ anh. Kể cả khi anh không tới tìm thì cứ cách vài tuần là cô ấy lại hỏi thăm xem anh thế nào.” Bây giờ đã đến lúc anh trả ơn, nhưng vì đang ở Tokyo cách quá xa nên chưa thể thực hiện được.
Phương Hạo ngừng lại một lúc, cuối cùng quyết định báo trước với Trần Gia Dư: “Em tính thứ Ba, thứ Tư tuần sau sẽ tới Thượng Hải thăm chị Yên.”
Trần Gia Dư có phần ngạc nhiên, nói: “Bên em kỳ du lịch Tết bận như vậy…”
“Em tính đi thăm cùng anh Sâm, có thể ở lại đó một ngày một đêm, vừa đủ để gặp mặt một lần. Dù sao thấy người vẫn hơn là gọi điện thoại mà không gặp được.” Phương Hạo đáp, “Lúc trước chưa kể với anh nhưng chị Yên có ơn với em, mấy năm nay chị ấy cũng giúp đỡ em rất nhiều trong công việc, em tới Đại Hưng cũng là…”
Phương Hạo đang nói dở, Trần Gia Dư cắt ngang lời cậu ấy: “Em mua vé chưa? Để anh tìm chuyến bay cho em.” Ý định ban đầu của anh là dùng quyền lợi của mình để mua vé hãng thương gia bên hãng của anh cho Phương Hạo, như vậy dù không có anh ở bên thì ít nhất Phương Hạo vẫn có thể bay thoải mái hơn một chút.
Thế nhưng Phương Hạo lại bảo: “Không sao đâu. Vừa đúng lúc anh Sâm cũng bay đi Thượng Hải, hai bọn em đi cùng nhau, em ngồi chuyến bay của anh ấy.”
Trần Gia Dư cảm thấy trong chuyện này mình chậm hơn cả nửa nhịp, xem ra Phương Hạo đã quyết định và sắp xếp xong hết mọi việc. Anh chỉ có thể hỏi: “Vé cũng mua rồi?”
“Vâng, đã chốt rồi, em cũng đổi ca trực xong rồi.” Phương Hạo chỉ bảo, “Anh yên tâm, bọn em sẽ gửi lời chúc phúc của anh tới chị Yên.”
Phương Hạo nói với giọng điệu chắc nịch khiến Trần Gia Dư nhớ tới đêm hôm ấy ở ban công nhà cậu ấy, Phương Hạo vừa hút thuốc vừa hờ hững nói với anh “Nếu sớm thì anh đã chẳng gặp em rồi.”
So với những đối tượng có quan hệ thân mật với anh trước đây, Phương Hạo có chút quá biết điều. Anh thích sự mạnh mẽ này của cậu ấy nhưng đôi lúc chính sự kiên cường này lại khiến bản thân anh cảm thấy không có chỗ cho mình. Trần Gia Dư khẽ thở dài, nhưng rồi thấy Tào Tuệ và Trần Chính đã chuẩn bị xong xuôi đang đợi mình thì anh cũng không tiện nói thêm nhiều, chỉ đành bước ra ngoài trước, nhỏ giọng dặn dò qua điện thoại: “Không yên tâm được. Em bay an toàn, đến nơi báo anh.”
Phương Hạo vốn dĩ muốn tỉ tê vài lời đường mật nhưng tình hình trước mắt quả thực rất nghiêm túc, anh cũng không rõ bên phía Trần Gia Dư có những ai. Cuối cùng, anh chỉ đành đáp một tiếng rồi cúp máy.
Tác giả: Vụ tai nạn trong chương này được tham khảo từ vụ việc xâm phạm đường cất hạ cánh tại sân bay Hồng Kiều ngày 11/10/2016. Trên thực tế hai máy bay của hãng Đông Phương chưa xảy ra va chạm, song cách biệt cũng chỉ là ba giây.