Tôi không biết mình đã đến bệnh viện thế nào, chỉ thấy đầu óc hoảng loạn, tai đầy những âm thanh ù ù.
Khi đến nơi tôi thấy cái Phương đang ôm Sam ngồi ở ngoài liền vội vã lao đến. Gương mặt nó thất thần, mắt vẫn đỏ hoe. Không đợi nó lên tiếng tôi đã hỏi:
– So đâu rồi?
– Con bé đang trong phòng cấp cứu.
Tôi túm lấy cánh cửa phòng cấp cứu, nhìn thấy So đang nằm trên chiếc giường lạnh lẽo, cả cơ thể tím tái đang được các bác sĩ ra sức hồi sức. Cái Phương ở bên cạnh giọng cũng nghẹn đi:
– Đang học thì con bé lăn đùng ra, tím tái không thở được lên rồi ngất đi. Lúc chờ xe cấp cứu đến tao đã làm hồi sức nhưng con bé không tỉnh…
Tôi nghe từng câu từng chữ nghẹn ngào ấy, bỗng cảm thấy không sao thở nổi, cảm tưởng như trời đất sụp xuống. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình huống này, cả người đờ đẫn như người mất hồn, nỗi sợ hãi mơ hồ càng lúc càng lớn lên. Bên trong một người y tá chạy ra ngoài, hớt hơ hớt hải gọi:
– Ai là người nhà của bệnh nhân Tuệ Nhi?
Tôi ngước lên nhìn y tá, giọng nói cũng khản đặc đi:
– Tôi là mẹ của Tuệ Nhi
– Tình trạng của Tuệ Nhi giờ không được tốt, cũng không thể làm phẫu thuật, người nhà… hãy chuẩn bị tâm lý.
Câu nói cuối cùng của y tá như một tia sét đánh ngang tai. Cả người tôi không đứng vững, tôi gần như sụp đổ túm lấy tay y tá bỗng cảm thấy có thứ gì đó mặn chát chảy vào miệng van xin:
– Xin hãy… cứu con tôi. Tôi xin chị…
Y tá nhìn tôi, ánh mắt có chút thương hại gỡ tay tôi ra rồi đáp:
– Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức… chỉ là tình hình của bệnh nhân không khả quan… mong mẹ Tuệ Nhi hãy cố gắng…
Tôi không nghe nổi những từ ngữ ấy cảm thấy như ai đó bóp chặt lồng ngực, rồi cuối cùng oà khóc nức nở. Từng giọt, từng giọt sượt qua má, chảy xuống cả cổ. Câu nói của y tá như đòn đả kích nghiêm trọng khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi đưa tay lên lần nữa túm lấy vạt áo của y tá như túm lấy hy vọng mong manh vừa khóc vừa lặp lại:
– Cứu con tôi… cứu con tôi.
Y tá liền nói gì đó nhưng tôi đã không còn nghe rõ, tai ù đi chỉ thấy những tạp âm hỗn loạn chỉ biết điên cuồng giữ mãi không buông. Mãi đến khi cái Phương và Sam đến kéo tôi ra tôi mới gần như buông chiếc áo y tá ra. Sam nhìn tôi, vừa khóc vừa ôm lấy tôi rồi nói:
– Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc! Em So không sao đâu mẹ nhỉ?
Tôi ngẩng đầu lên nhìn Sam, không kìm nổi choàng ôm lấy con. Từng giọt nước lã chã rơi xuống mái tóc Sam, trái tim đau đớn như chết đi rồi. Tôi bế Sam lên, nhìn qua lớp cửa kính thấy So vẫn đang nằm trong ấy. Thân trên của So không mặc gì, da thịt nhợt nhạt, sắc mặt trắng bệch dù cho đang thở khí oxy. Nhìn thấy con như vậy lồng ngực tôi lại như có ai siết chặt, đau đến tan nát cõi lòng, nước mắt lại thi nhau lăn dài. Tôi thương con, thương đến kiệt quệ tâm can. Giá mà có thể đánh đổi mọi đau đớn con đang chịu để tôi chịu thay con thì tốt biết mấy. Nhưng số mệnh lại bấy công như vậy, con gái bé bỏng lại phải chịu ngàn khổ sở. Rất nhiều bác sĩ vây quanh So, từng giây từng phút với tôi như cả ngàn thế kỉ trôi qua. Sam đưa tay chạm lên mắt tôi, ngón tay nhỏ bé lau những giọt nước đang rơi rồi lặng lẽ cùng tôi chờ đợi.
Không biết tôi đã chờ đợi bao lâu, dường như cả một ngàn vạn giây phút, cuối cùng rất lâu sau bác sĩ Trung cũng đi ra, hai tay vẫn đeo găng tay, gương mặt cũng tái nhợt khẽ nói:
– Tạm thời Tuệ Nhi đã tỉnh, qua cơn nguy kịch nhưng không thể nói trước được điều gì cả.
Tôi loạng choạng suýt ngã, cũng may có cái Phương đỡ lấy rồi bế Sam. Bác sĩ Trung đưa tay vỗ lên vai tôi rồi nói tiếp:
– Cô xuống đóng tiền tạm ứng, làm thủ tục nhập viện cho Tuệ Nhi. Chúng tôi đưa cháu vào phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi, nếu ổn định hơn sẽ đưa về phòng bệnh. Giờ không thể phẫu thuật mà cần điều trị trước đã, đến khi nào ổn định mới có thể phẫu thuật. Chi phí điều trị lần này còn cao hơn những lần trước vì con bé diễn biến khá nặng.
Lúc này tôi cũng mới dần bình tĩnh lại khẽ nói:
– Có thể cho tôi nhìn con bé một lúc được không?
– Tạm thời chưa được, Tuệ Nhi cần theo dõi sát sao ít cũng phải đến sáng mai người nhà cũng mới được vào thăm. Tôi biết cô nóng ruột nhưng vì sức khoẻ của con cô cố gắng chờ đợi, qua cơn nguy kịch rồi nên cũng không lo lắng quá đâu, chúng tôi túc trực 24/24. Giờ cô đi làm thủ tục nhập viện đi đã sau đó chuẩn bị tiền đề điều trị cho con. Chưa tính đến tiền phẫu thuật tôi từng nói đến thì cũng cần vài chục triệu điều trị trước, cũng không biết phải điều trị bao lâu mới ổn nên gia đình cần chủ động thu xếp nhé.
Tôi bất giác đưa tay chạm vào túi áo, chỉ có vài đồng bạc lẻ. Số tiền tôi gom góp bao năm nay bị Việt lấy đi hết, Liên Anh cho tôi năm triệu thêm hai ba triệu tiền lương cũ lại phải lo sinh hoạt phí nên cả nhà cả cửa chỉ còn hai ba triệu. Cái Phương móc hết trong ví ra được hơn một triệu rồi nói:
– Tao còn có một triệu, cầm tạm lấy… Để tao về vay mẹ tao, nhưng bà về hưu rồi, có cho vay chắc cũng chỉ có một hai triệu.
Bản thân tôi chưa từng nghĩ chuyện lại xảy ra đột ngột như vậy, chưa từng nghĩ con lại bị thế này lúc tôi túng thiếu nhất. Tôi nhìn cái Phương, mắt ngân ngấn nước đáp lại:
– Thôi, để tao tìm cách xoay cũng được. Tao nợ mày quá nhiều rồi. Phương! Mày có bận gì không?
– Không, ở trường tao báo hiệu trưởng rồi! Mày định đi đâu à? Để tao ở đây cũng được.
– Vậy giúp tao trông Sam nhé. Còn So sáng mai mới được vào thăm, có gì bác sĩ sẽ gọi.
Nói rồi tôi đi về phía phòng trực ban tìm bác sĩ Trung. Thấy tôi anh ta kinh ngạc hỏi:
– Sao cô chưa đi làm thủ tục nhập viện cho Tuệ Nhi nữa?
– Hiện tại tôi chỉ có mấy triệu…
– Mấy triệu thì không đủ.
– Anh có thể cho Tuệ Nhi nhập viện trước, tôi đi xoay tiền được không?
Bác sĩ Trung ngẩn người nhìn tôi, cuối cùng rất lâu sau mới đáp:
– Được rồi, thế cô đi đi, tôi sẽ làm thủ tục nhập viện cho cháu.
Tôi gật đầu, đi thẳng xuống dưới sảnh bệnh viện. Thế nhưng khi bước ra ngoài tôi cũng mới không biết mình phải đi đâu nữa. Tôi đưa tay chạm vào túi lần nữa, ngay cả sức lực để nghĩ tôi cũng không thể nghĩ. Nhưng dẫu có vậy tôi vẫn phải tìm cách xoay tiền. Nghĩ rất lâu, rất lâu cuối cùng tôi cũng bắt xe ôm về nhà bố mẹ đẻ tôi.
Khi về đến sân, bố mẹ tôi đang xem ti vi trong nhà. Nhìn thấy tôi mẹ có chút sững lại. Lúc này tôi cũng mới thấy qua tấm cửa kính, mái tóc tôi rối bù, đôi mắt sưng đỏ, quần áo cũng nhàu nhĩ. Mẹ tôi đứng dậy đi ra phía hiên rồi lạnh tanh hỏi:
– Mày bị làm sao thế kia? Có chuyện gì mà mang cái bộ mặt như đưa đám đến đây?
Tôi nhìn mẹ, giọng khàn đi:
– Mẹ! Mẹ có thể cho con vay ít tiền được không? So nhập viện, tình trạng của con bé không ổn lắm, cần điều trị đặc biệt.
– À! Hoá ra là đến vay tiền. Tao không có cho vay, tao nói bao nhiêu lần rồi mày vẫn mặt dày thế à?
– Mẹ! Con xin mẹ… giờ So đang rất cần tiền… con bé… nếu không con bé…
Thế nhưng tôi chưa dứt lời mẹ tôi đã ngắt ngang:
– Tao bảo không cho vay là không cho vay. Sống chết mặc kệ mẹ con nhà chúng mày.
– Mẹ, coi như con cầu xin mẹ… cầu xin bố mẹ hãy dang tay cứu con của con. Dù sao cũng là cháu mẹ, cũng là máu mủ của mẹ… con xin mẹ.
Mẹ tôi cười nhạt, không hề có chút thương tình nào kiên quyết nói:
– Mày đừng có đứng đây khóc lóc phí công vô ích. Tao không có cho vay! Đừng có tìm đến tao, ngay từ lúc mày chọn chúng nó tao đã coi như không có đứa con như mày rồi. Con cái mày có sao thì kệ mày tự lo, một cắc tao cũng không cho.
Tôi ngước đôi mắt sưng mọng lên, gần như khóc nấc lên. Ngay cả khi mấy mẹ con tôi bị dồn ép đến đường cùng mẹ tôi vẫn không hề có chút xót thương nào. Tôi cũng không thể hiểu sao mẹ tôi chỉ vì giận mà có thể máu lạnh đến như vậy. Dẫu sao tôi cũng là con gái bà, mang nặng đẻ đau vứt bỏ dễ dàng đến thế sao? Dù tôi có van xin cỡ nào mẹ tôi vẫn không hề mềm lòng, cuối cùng tôi cũng chỉ có thể xoay người đi ra ngoài. Khi ra đến ngoài tôi thấy thằng Tú cũng đang chạy vào. Nhìn thấy tôi, nó liền bảo:
– Em gọi chị không được, lên công ty thì mọi người bảo chị nghỉ vào viện, gọi chị Phương mới biết So nhập viện cần tiền. Chị vay được tiền bố mẹ không?
Tôi nhìn thằng Tú, nước mắt lưng tròng lắc đầu. Nó thấy vậy thì nói với tôi:
– Chị lên xe đi! Em vừa mượn xe của thằng Toàn, không vay được bố mẹ thì vay chị Liên Anh. Kiểu gì chị Liên Anh cũng cho vay thôi.
Thật ra tôi cũng không muốn vay bất cứ ai, dù là bố mẹ tôi hay Liên Anh. Nhưng trong lúc túng quẫn này tôi không còn nghĩ được nhiều nữa. Ngoài Liên Anh ra tôi cũng biết mình không vay ai được nữa.
Thằng Tú lái con xe Kia morning mượn của bạn theo đường cao tốc chở tôi lên Hà Nội. Đầu óc tôi trống rỗng, thằng Tú hỏi gì tôi trả lời nấy như một cái máy.
Khoảng một tiếng rưỡi tôi và thằng Tú cũng có mặt ở Hà Nội. Vào đến trung tâm thằng Tú gọi cho Liên Anh nhưng nó không nghe máy. Suy nghĩ một hồi nó liền bảo với tôi:
– Giờ này chắc chị Liên Anh vẫn đang đi làm, mình cũng không có thời gian nữa, hay chị em mình cứ đến thẳng tập đoàn thép nhà chị ấy. Từ đây đến đấy em gọi chị ấy thêm vài cuộc nữa xem.
Tôi gật đầu hai tay đan vào nhau rồi khẽ thở dài. Thằng Tú lái xe đến một toà nhà rất cao lớn sừng sững ngay ở trung tâm thủ đô rồi đỗ ngay ở cổng. Tôi ngẩng đầu lên nhìn thấy mấy chữ
“TẬP ĐOÀN THÉP VẠN THỊNH”
Thằng Tú cũng nhìn lên rồi lẩm bẩm:
– Tập đoàn này to thật đấy, biết chị Liên Anh là con cháu nhà giàu mà không nghĩ là giàu cỡ này. Chị! Mình đi xuống đi đã, xuống hỏi thử chứ em vẫn chưa gọi được cho chị Liên Anh.
Khi tôi và thằng Tú vừa bước xuống còn chưa biết phải đi đâu hỏi thì cũng thấy bóng dáng Liên Anh từ trong bước ra. Thằng Tú nhìn thấy Liên Anh thì liền ngắt điện thoại nhét vào túi rồi kéo tôi đi vào. Lúc này Liên Anh cũng ra khỏi cửa, cạnh nó còn có một cô gái vô cùng xinh đẹp. Tôi nhìn cô gái bên cạnh nó, trong giây lát bỗng cảm thấy vô cùng quen mắt, dường như tôi đã gặp ở đâu đó rồi thì phải. Có điều lúc này tâm trạng tồi tệ nên tôi cũng không thể nghĩ ra mình từng gặp ở đâu chỉ cùng thằng Tú đi thẳng về phía Liên Anh.
Khi nhìn thấy tôi và thằng Tú bước chân của Liên Anh cũng khựng lại. Trong giây lát tôi thấy nó có chút sửng sốt quay sang nhìn cô gái bên cạnh ánh mắt rồi nói:
– Chị Như, chị về trước đi em có chút việc đã.
– Em không về luôn à? Hay chị chờ em?
– Chị cứ về trước đi, em chắc còn lâu mới về.
Cô gái tên Như nhìn Liên Anh, lại liếc mắt mắt nhìn tôi, ánh mắt sượt từ trên đầu xuống chân tôi một lượt. Tôi không biết ánh mắt ấy có nghĩa là gì chỉ cảm thấy ánh mắt không mấy thiện cảm nhưng rồi vẫn quay sang nói với Liên Anh:
– Vậy chị về trước, lát em cầm hợp đồng qua cho ông xem nhé.
– Vâng!
Khi cô gái tên Như đi khuất, Liên Anh mới đi về phía tôi và thằng Tú rồi hỏi:
– Sao hai người lại đến đây?
Tôi không biết mở lời thế nào, cuối cùng khó khăn lắm mới nói được ra mấy chữ:
– Liên Anh! Em có tiền không cho chị vay tạm một ít. So… So nhập viện chị không đủ tiền lo thuốc thang và viện phí cho nó.
Để nói được ra mấy lời như vậy, tôi gần như không dám ngẩng đầu lên. Liên Anh nhìn tôi, gương mặt thoáng chốc trở nên lạ kỳ, tôi cũng không rõ nó nghĩ gì chỉ thấy nó đáp:
– Tháng vừa rồi em lại mới mua sắm nhiều quá nên hết sạch tiền, có vét cũng chỉ được hơn chục triệu… có đủ không ạ?
Thằng Tú nghe vậy thì nói xen vào:
– Chục triệu thì không đủ được, hay chị quan hệ rộng vay tạm ai cho chị ấy thêm chút được không? Đây chỉ là tiền điều trị thôi, chưa tính còn phải gom tiền phẫu thuật cho So nữa.
– Nhưng giờ chị cũng không thể vay ai được. Đùng cái nói vay thì làm sao mà chuẩn bị sẵn kịp được, sao chị Trân không vay bố mẹ?
– Vay được bố mẹ thì đã không phải lên vay chị. Chị thừa biết bố mẹ đối với chị ấy thế nào mà. Nhưng chẳng lẽ chị có đúng chục triệu thôi sao? Chị Liên Anh, chị có thì cho chị ấy vay đi.
– Chị không có, có thì chị đã cho vay rồi. Em nghĩ chị lắm tiền vậy à? Chị nói thật chục triệu là chị gần như vét sạch rồi ấy. Chị làm ở đây lương cũng chỉ được ông nội chị trả cho như nhân viên bình thường. Mang tiếng là cháu gái chủ tập đoàn thép nhưng ông muốn chị tự lực cánh sinh nên không chỉ coi như một nhân viên bình thường thôi, lương của chị cũng chỉ hơn hai mươi triệu
– Vậy chị vay ông chị không được à?
Liên Anh nhìn thằng Tú cười đau khổ nói:
– Chị nói rồi, chị vay được thì chị đã vay. Bao năm nay em chẳng lẽ không biết tính chị, không có thì thôi có chị tiếc gì đâu?
Tôi thấy Liên Anh đã nói như vậy cũng không muốn làm khó nó thêm nữa nên kéo tay thằng Tú lại. Dù sao nó cũng không phải có trách nhiệm cho tôi vay tiền. Bao năm nay mỗi lần về nó cho mẹ con tôi bao nhiêu thứ đã đủ tôi thấy mắc nợ nó rồi. Liên Anh nhìn tôi, lục hết trong ví ra được hơn mười triệu đưa cho tôi nói tiếp:
– Chị! Chị cầm tạm cho cháu trước.
Tôi đưa tay nhận lấy tiền, hèn mọn không dám nhìn thẳng vào mắt nó khẽ đáp lại:
– Cảm ơn em. Chị sẽ cố gắng xoay trả cho em sớm nhất.
– Chị cứ lo cho cháu trước đã, tiền này em cho cháu.
Thằng Tú thở dài bảo tôi:
– Chị ra xe trước đi. Em có chuyện muốn nói với chị Liên Anh chút đã.
Tôi đoán Tú nó có chuyện cần nói riêng nên đi ra xe trước. Cũng không biết nó với Liên Anh nói chuyện gì với nhau chỉ thấy gương mặt nó đỏ phừng phừng, còn Liên Anh cũng mang đầy bực tức. Tôi sợ hai đứa nó lại vì tôi mà cãi nhau nên cuối cùng lại phải mở cửa xe đi xuống. Vừa xuống đã nghe tiếng Liên Anh gắt gỏng:
– Mà từ lần sau có chuyện gì thì gọi điện đừng có tự ý đến đây nữa.
– Gọi chị cả mấy chục cuộc không được thì chả đến à? Chị sợ cái quái gì vậy? Sợ mang tiếng có chị gái em trai nuôi nghèo hèn à? Lúc chị bị bỏ rơi cả nhà tôi cưu mang chị, từ nhỏ đến lớn chị Trân cũng yêu thương chị, nay gặp khó khăn tí chị đã muốn phủi trách nhiệm rồi.
– Mày đừng có nói cái giọng ấy, mày nên nhớ bao năm nay tao đi tao vẫn cố gắng tích cóp gửi về cho bố mẹ nuôi mày với chị ấy. Còn chuyện chị Trân, năm ấy cũng là do chị ấy tự lựa chọn thôi, ai bảo lại cãi bố mẹ làm gì. Tao mang ơn bố mẹ chứ mang ơn gì chị ấy với mày? Tao như vậy còn đòi hỏi gì nữa, mày không thấy tao cũng biết mệt mỏi à?
Bỗng dưng tôi thấy trong lòng áy náy vô cùng, chỉ vì tôi mà hai đứa em cãi nhau như vậy thật không đáng. Thằng Tú đang định nói gì đó nhìn thấy tôi cuối cùng lại thôi. Nó không nói không rằng đi về phía tôi rồi bảo:
– Chị em mình về đi. Hôm nay em xin nghỉ, em vào xem cháu thế nào.
Liên Anh có vẻ cũng giận thằng Tú nên đi thẳng vào trong. Tôi với Tú cũng đành lên xe đi về. Về đến viện trời đã xế chiều, cái Phương cho Sam về ăn cơm rồi ngủ trưa từ bao giờ. Lúc lên tôi mới biết hoá ra Việt cũng ở trong viện. Thấy tôi với thằng Tú anh ta liền xông vào hỏi:
– Con bị thế này sao cô không gọi tôi?
Thằng Tú nghe vậy thì cười nhạt:
– Gọi anh thì giải quyết được gì? Anh có vay mượn được tiền lo viện phí cho So, lo tiền phẫu thuật cho nó được không? Từ sớm chị tôi phải chạy đôn chạy đáo vay tiền khắp nơi giờ anh mới có mặt. Con thì con chung, mà anh thấy có khác gì con của mình chị tôi không?
Việt có chút sững người sau đó kéo tôi vào một góc rồi hỏi:
– Tiền viện của con hết nhiều không?
– Anh Trung nói hết vài chục triệu, không biết cụ thể số tiền, điều trị đến đâu biết đến đấy.
– Cô lấy tiền đâu lo cho nó rồi?
– Tôi không lấy đâu cả, tiền anh mang đi hết rồi, tôi chỉ vay tạm Liên Anh được mười triệu với Phương cho tôi vay một triệu. Số còn lại chưa biết xoay ở đâu.
Nói đến đây, tôi cũng nghẹn lại. Ánh mắt Việt chợt trầm xuống, lần đầu tiên sau suốt hai năm nay tôi thấy anh ta nói với tôi bằng giọng đàng hoàng nhất:
– Tôi xin lỗi. Tôi chơi chứng khoán cũng là mong thắng được vố lớn… không ngờ càng chơi càng thua lỗ, cũng không ngờ So lại trở bệnh nhanh như vậy.
Tôi không đáp lời Việt, lặng lẽ ngồi xuống ghế. Giờ nói những lời này có ích gì chứ? Giờ kiếm đâu tiền để lo cho So những ngày tiếp theo mới là vấn đề. Việt lại nói tiếp:
– Tạm thời cô ở viện lo cho So, Sam để tôi đưa đón đi học. Cô mang nó vào viện mãi cũng không được, ở đây nhiều bệnh tật nhỡ lây chéo rồi ốm vào lại khổ. Tôi bảo cả thằng Tú sang nhà vài hôm, lúc nào tôi bận thì có thằng Tú, trên lớp thì có cái Phương bạn cô.
Tôi ngước lên nhìn Việt, bình thường anh ta đối với tôi rất tệ, nhưng với Sam, So thì khác. Tất nhiên anh ta không quan tâm hai đứa được như những ông bố khác nhưng tôi biết anh ta cũng rất yêu quý Sam, So. Giờ mình tôi ở đây cũng không thể mang Sam vào như trước kia, mặc dù thương con vô cùng nhưng không còn cách nào nữa. So cần điều trị cho ổn định nên cuối cùng tôi cũng nhờ thằng Tú sang với Việt vài ngày để lo cho Sam. Căn bản Sam đi học suốt ngày, có cái Phương tôi cũng yên tâm hơn.
Buổi chiều tôi tranh thủ đón Sam về nhà, tắm táp cho con một chút. Tôi biết bản thân không thể dành nhiều thời gian cho con nên giờ chỉ có thể tranh thủ từng phút, từng giây. Thằng bé hiểu chuyện đến mức tắm xong liền bảo:
– Mẹ vào viện với em So đi, con ở nhà với cậu Tú với bố Việt. Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa nhé!
Lúc con nói xong câu ấy sống mũi tôi cay xè, lòng dạ như có ai cắt. Đến khi tôi ra xe vào viện với So thằng bé vẫn dặn đi dặn lại mẹ đừng khóc. Bao năm nay rồi tôi chưa từng khóc, nhất là trước mặt hai đứa con. Thế nhưng chuyện hôm nay khiến tôi không khống chế nổi cảm xúc của mình, tôi chỉ sợ rằng So xảy ra chuyện gì tôi thật sự không sống được.
Khi đến viện tôi vẫn chưa được vào thăm So, chỉ có thể nhìn con qua mấy lớp kính. Con nằm đó, cả người đầy những mây móc, dây dợ, nhìn thôi cũng xót xa vô cùng. Bác sĩ Trung sau khi vào thăm khám cho con thêm một lượt thì nói:
– Hiện tại Tuệ Nhi phải truyền thuốc, điều trị bằng máy móc, tình trạng cũng khả quan hơn chút rồi. Hôm nay tôi làm thủ tục nhập viện rồi nhưng chưa đóng viện phí. Sáng cô qua quầy đóng tiền đặt cọc trước nhé. Cô vay được tiền rồi đúng không?
– Vâng… nhưng tôi mới vay được mười triệu, tính ra mới chỉ có mười mấy triệu thôi.
– Cô cố gắng xoay xở, tôi là bác sĩ điều trị cho Tuệ Nhi nên tôi hiểu tình cảnh của cô. Nhưng nếu hết tiền thì viện cũng dừng điều trị, bản thân tôi không có cách gì giúp đỡ cô. Tôi cũng nuôi mẹ già và hai con nhỏ… vợ tôi lại thất nghiệp.
Tôi nhìn bác sĩ Trung đáp lại:
– Vâng! Tôi hiểu mà. Anh giúp đỡ mẹ con tôi vậy là quá nhiều rồi. Sáng mai tôi sẽ lo đủ viện phí.
– Được rồi. Cô ở lại với Tuệ Nhi một lúc rồi cũng nghỉ ngơi đi.
Khi bác sĩ Trung đi khuất tôi cũng ngồi lặng lẽ bên ngoài rất lâu. Tôi không ngủ nổi, không thể ngủ nổi. Thật ra tôi cũng không hề biết xoay thêm tiền ở đâu nữa. Cả một đêm ấy tôi thức trắng, không rõ mình có khóc không chỉ biết sáng hôm sau mắt cũng sưng mọng lên. Vì anh Trung thông báo với tôi hôm nay bác sĩ phải hội chẩn lại ca bệnh của So nên phải chín giờ tôi mới được vào thăm con.
Tôi đắn đo rất lâu cuối cùng xuống lái xe đến công ty. Hôm qua tôi đã báo với thư ký Hà nhưng để nghỉ tôi vẫn phải đến công ty ký đơn. Lúc đến thư ký Hà kinh ngạc nhìn tôi hỏi:
– Sao mới một hôm không gặp nhìn cô như biến thành người khác thế này? Tình trạng của con gái cô nghiêm trọng thế sao?
Tôi cầm lá đơn trên tay, suy nghĩ rất lâu mới thốt được ra câu:
– Thư ký Hà, tôi muốn ứng trước lương thì phải làm sao?
– Ứng lương? Cái này cô phải gặp sếp. Sếp ở trên phòng đấy, được duyệt thì xuống báo bộ phận kế toán.
Thật ra tôi cũng đường cùng rồi, nhưng không còn cách nào khác lê từng bước chân nặng nhọc lên phòng của Dương. Lúc đưa tay mở cửa bước vào, tôi cố gắng giữ bình tĩnh nhất khẽ nói:
– Sếp Dương, tôi đến ký đơn xin nghỉ tiện có chuyện muốn xin ý kiến anh.
Dương ngước lên nhìn tôi, khi nhìn thấy đôi mắt sưng mọng của tôi anh có chút sững lại, nhưng rồi rất nhanh trở lại dáng vẻ xa lạ hỏi:
– Có chuyện gì?
– Tôi… muốn ứng trước lương được không? Tôi có chút việc cần tiền.
– Lương tháng này của cô bị trừ 70%. Coi như cô đi làm đủ thì cũng chỉ còn hơn ba triệu huống hồ giờ cô còn xin nghỉ.
– Anh có thể cho tôi ứng lương nguyên tháng, có thể phạt sang tháng sau được không?
Nói đến câu này tôi biết mình phải mặt dày cỡ nào, thật ra tôi không hy vọng gì nhiều, nhưng chỉ cần có một cơ hội nhỏ tôi cũng phải thử. Có điều Dương không để tâm đến chuyện riêng của tôi mà đáp:
– Không thể! Vả lại đây mới là tháng thử việc của cô, quy tắc của công ty không có chuyện như vậy.
– Sếp Dương… coi như anh phá lệ một lần…
– Phá lệ? Phá lệ vì cô?
Câu hỏi cuối cùng mang đầy sự mỉa mai, tôi cúi gằm mặt xuống. Bao năm trôi qua rồi, tôi không còn là công chúa của anh. Tôi với anh giờ đây đến làm người xa lạ còn khó. Nhưng giờ tôi còn cách nào nữa đây? Tôi hít một hơi ngẩng đầu lên, nói một cách rõ ràng và lưu loát:
– Dương! Nếu không thể phá lệ vì những nguyên tắc của công ty thì anh có thể cho tôi vay tiền được không? Tiền của anh, chắc là tôi vay được chứ? Nể mặt từng là người yêu cũ của nhau, anh cho tôi vay chút tiền được không?
Lần này Dương bỗng im lặng rất lâu, anh nhìn tôi ánh mắt bỗng hằn lên vài tia đỏ. Tôi biết mình khi mình nói ra câu ấy bản thân cũng trở nên vô liêm sỉ, lòng tự trọng cũng không còn nhưng tôi không còn thiết tha những thứ ấy. Dương nhìn tôi gương mặt anh trở nên chán nản, thất vọng, và cả khinh bỉ cực độ. Thật ra tôi cũng rất khinh bản thân mình, nhưng tôi cũng không còn nghĩ thêm được nữa, đầu óc trống rỗng, tuyệt vọng. Anh nhìn tôi rất lâu, rất lâu rồi cuối cùng mới hỏi lại:
– Bao nhiêu?
Bao nhiêu? Vì không chuẩn bị tâm lý trước anh sẽ hỏi câu này nên tôi có chút lúng túng mãi sau mới đáp được:
– Một trăm triệu! Một trăm triệu chắc anh có chứ?
– Có phải cô đánh giá bản thân mình quá cao rồi không? Một trăm triệu, cô hoang tưởng à?
– Vậy anh có thể cho tôi vay bao nhiêu?
Dương nhìn tôi đứng dậy ra khỏi bàn làm việc rồi lạnh nhạt nói:
– Đi!
– Đi đâu ạ?
– Không phải cô muốn vay tiền sao? Muốn vay tiền thì đi.
Tôi không biết đi đâu nhưng cũng vẫn phải đi theo Dương xuống sảnh rồi ra ngoài bãi đỗ xe. Cả đoạn đường trên xe Dương không nói gì, tôi cũng không dám hỏi. Mãi đến khi đến một biệt thự anh cũng rẽ vào. Vào đến bên trong, Dương đóng rầm cửa lại rồi túm lấy tôi. Tôi sợ hãi vội vã đẩy anh ra rồi hỏi:
– Anh làm gì vậy?
Dương nhìn tôi, sự khinh miệt dường như đến cực điểm. Anh dùng toàn bộ sức lực để siết lấy tôi, giọng nói đầy nhục mạ:
– Cô muốn tiền thì tôi cho cô tiền. Hai mươi triệu một lần, cô cần bao nhiêu thì phục vụ tôi bấy nhiêu lần. Cô không cần vay! Tôi mua cô!
Trên đời này có hàng ngàn, hàng vạn cách hành hạ nhau. Nhưng dùng tiền để mua liêm sỉ có lẽ là sự coi thường kinh khủng nhất. Từng câu, từng chữ Dương nói ra giống như những nhát dao xuyên qua cơ thể tôi, đau đớn mà hổ thẹn. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, tất cả mọi thứ tốt đẹp giữa tôi và anh đều đã hoá hư vô. Đứng trước anh bây giờ… tôi có lẽ chỉ là dạng đàn bà mạt hạng, chẳng đáng để anh trân trọng.
Danh Sách Chương: