Tôi về nhà giữa cái trời gió hanh hanh đó, vừa đi vừa miên man nghĩ ngợi về cái gọi là bất công ở trên đời này. Ngẫm ra thì cũng chẳng có gì là tự nhiên cả. Trong cái cơ quan của tôi đó, thời của tôi ra trường, cũng nhiều sinh viên giỏi lắm mà cuối cùng cũng đâu có nhiều người được trúng tuyển. Nhìn cảnh bạn bè khóc ấm ức bên cái bảng thông báo kết quả rồi gạt nước mắt về quê, tôi cũng xót xa lắm. Ôm nhẹ những người bạn của mình, tôi chỉ biết an ủi họ rằng nhiều thứ trên đời này không phải lúc nào cũng công bằng. Trong cái bảng kết quả tuyển dụng kia còn đầy con cháu, sau đó mới đến những người thân cô thế cô như chúng tôi, thành ra cuối cùng chỉ có những người thấp cổ bé họng tự “chiến đấu” với nhau mà thôi.
Thế đấy, đó là chuyện đời, chuyện bình thường. Thế thì tại sao tôi lại phải thắc mắc cũng như dằn vặt về chuyện bị đối xử tệ bạc ở nhà Phương? Đời cho tôi may mắn trong công việc và học hành rồi thì đừng đòi hỏi nhiều nữa. Khổ nỗi lòng tham con người là vô đáy, được 1 lại muốn được 2...
Về đến nhà chẳng thấy ai, tôi dắt xe vào rồi lên thẳng giường ngủ. Thực sự tôi cũng không biết phải đối mặt với bố mẹ như thế nào bây giờ nữa. Nói thật cũng không được, nói dối thì vô ích vì đã bao giờ qua mặt được bố mẹ cái gì, mà tôi cũng không phải người như thế.
Điện thoại kêu inh ỏi, tôi cầm lên thì thấy Phương gọi.
- Anh về nhà chưa?
- Rồi em. Anh vừa về.
- Anh ơi nhắn tin nhé, em không nói to được.
Hóa ra là phải nhắn tin trộm à? Giờ đến gọi điện cũng phải lén lút như thế đấy! Giá như bố mẹ em chưa biết chuyện thì tôi sẽ lấy làm vui lắm vì cái trò trùm chăn nhắn tin với người yêu như thế này, nó đáng yêu và rất kích thích. Còn giờ đây thì chuyện nhắn tin thế này trở thành vụng trộm! Tôi ghét cái gì không minh bạch.
- Huy nói chuyện với bố mẹ, muốn em vào trường lão ấy
- Bố mẹ em nói sao?
- Bố mẹ đồng ý ngay chứ sao! Cũng định xin vào bằng cửa ngày xưa lão ấy xin vào mà.
- Thế em có thích làm giáo viên không?
- Ý anh là sao đấy? Em đang cuống sắp khóc rồi đấy.
- Anh đùa đấy. Đừng lo nhé, mai lên anh đón rồi nói chuyện tiếp.
Thêm một bước đi nữa của Huy làm tôi thấy lão cao tay. Chẳng nói nhiều, cũng không thể hiện tình cảm gì, cái cách làm của lão chứng tỏ một cái gì đó rất người lớn và biết lo toan. Về phương diện suy nghĩ cho tương lai và lấy lòng người lớn, tôi nể phục lão. Còn việc ton hót và nói xấu để đạt mục đích thì chẳng có gì để bàn nữa. Nếu Phương có lấy Huy thì sau này đời em cũng khổ vì một người quân phiệt và gia trưởng không coi vợ con ra gì mà thôi.
Tối hôm ấy, tôi có một buổi nói chuyện với bố mẹ. Vẫn như thường lệ, mẹ tôi là người phản ứng mạnh nhất khi mà người ta lại dám đối xử như thế với “con trai bà”!. Bố tôi thì bình tĩnh hơn để phân tích cho tôi nhiều thứ. Kết luận cuối cùng thì cũng vẫn là để mọi chuyện tự nhiên, tôi sẽ tập trung lo cho sự nghiệp trước đã. Nghe cái câu “không có đứa này còn đứa khác” mà tôi thấy lòng quặn lại. Trong thâm tâm, tôi chẳng muốn “đứa nào” khác ngoài em. Bố mẹ tôi cũng vậy, cũng yêu quý em, nhưng sự đời mà, khi mà người ta không tôn trọng con trai mình, thì khó bắt bố mẹ tôi phải nhìn thiện cảm về gia đình em. Tôi cũng không chắc em có còn được chào đón ở gia đình mình nữa hay không.
Mang tâm trạng trĩu nặng như thế, tôi quay trở lại trường để buổi chiều còn đi đón em. Đón Phương ở bến xe, hai đứa chẳng nói với nhau câu nào. Phương ôm tôi chặt như sợ mất từ lúc lên xe. Hai mắt thì đỏ hoe, chắc là lại khóc nhè rồi. Cứ nhìn thấy cái mắt đỏ hoe ấy là tôi thấy giận bố mẹ và căm tức thằng mặt dày Huy.
- Huy cứ đòi đưa em lên. Em phải hét toáng cả xóm lên thì lão ấy mới thôi đấy. Người đâu mà trơ trẽn.
- Không có người o bế thì lão sao dám làm cái gì! – tôi gằn giọng.
- Còn mấy hôm nữa là Tết, em không muốn nhà mất vui nên cố nhịn. Qua Tết thì em sẽ không để lão ấy muốn làm gì thì làm đâu.........mà qua Tết thì anh đi rồi còn đâu! Xụt xịt...
- Đừng khóc em. Anh đi anh lại về mà.
- Không cho anh đi đâu! Anh đi rồi em biết làm thế nào? - Phương òa khóc trên vai tôi.
Đây là lần đầu tiên em tỏ thái độ với chuyện đi học của tôi mạnh mẽ như thế. Có lẽ là tức nước vỡ bờ. Lâu quá rồi em cứ phải cố giấu nỗi buồn và lo sợ ấy đằng sau bộ mặt tươi cười kia để tôi yên tâm không lo nghĩ. Em nức nở như đứa trẻ lên ba, khóc hu hu giữa phố đông người, mặc kệ bao ánh nhìn xung quanh.
Phương khóc to quá nên tôi đành phải đưa về nhà dù trước đấy định đưa đi mua ít đồ cho em. Từ ấy về đến nhà em chẳng ôm tôi nữa, về đến nơi cũng không nói một lời, lẳng lặng đi vào nhà thay quần áo rồi lên giường nằm. Tôi lại gần nịnh nọt thế nào cũng không thèm phản ứng, cứ quay mặt vào trong tường, chẳng nói chẳng rằng.
- Anh về đi, em muốn ở một mình.
- ......Ừ, anh về nhé. Chiều anh qua đón.
Lúc ấy, tôi nghĩ rằng không cứ phải lúc nào cũng kè kè ở bên cạnh nhau mới là tốt. Có khi cũng nên để cho nhau khoảng riêng để suy nghĩ, để chiêm nghiệm lại nhiều thứ. Nhưng có vẻ là nó chỉ đúng với tôi thôi, vì vừa bước ra đến cửa thì đã nghe thấy tiếng “uỵch” một cái, Phương nhảy từ trên giường xuống chạy đến phía tôi. Vừa kịp quay người lại nhìn em thảng thốt thì Phương đã ôm ghì tôi và nức nở.
- Anh không cần em rồi đúng không?!!
- Linh tinh!
- Sao em bảo anh về anh lại về?
- Ừ, anh xin lỗi, thế giờ anh ở lại với em.
Tôi nhớ lại cái nhân vật trong bài thơ của ai đó “Em bảo anh đi đi – Sao anh không đứng lại?” – giờ tôi đang trong cái cảnh dở khóc dở cười như thế đây.
Ôm em, tôi cố dỗ giấc cho em ngủ sau mấy hôm khóc đỏ mắt và căng óc ra đối phó với bố mẹ. Nhìn em ngủ say trong tay mình mà tôi cũng thấy cay cay mắt vì thương. Vài tuần nữa là tôi xa em rồi. Ước gì cứ có em trong tay mình như thế này mãi.
Cứ ngủ được 10,15 phút Phương lại giật mình thon thót – điều thường thấy ở những người bị sang chấn tâm lí dạng nhẹ. Giờ tôi còn ở đây, em còn có tay để mà gối, có người để mà gác chân, chứ rồi sau biết ôm ai.... tôi đang rất lo về chuyện ấy.
Nhoài người ra, tôi với lấy quyển nhật kí của em. Lần thứ 2 tôi đọc trộm nhật kí. Mỗi trang giấy là mỗi tâm trạng khác nhau của em từ ngày hai đứa là của nhau. Và càng gần đây, tôi thấy có những nét chữ cứ nhòe đi vì nước mắt....
Phương đã tỉnh dậy từ bao giờ và cứ nằm đó nhìn tôi trân trân.
- Anh. Anh có chắc chắn về tình cảm với em không?
- Anh phát chán với những câu như thế rồi đấy nhé!
- Thế thì......mình có em bé đi.
- ..........
- Em muốn thế à?
- Chứ em biết làm sao bây giờ? – Phương lại chực khóc.
- Không được. Anh không muốn.
- Sao không muốn? Anh không dám chắc chứ gì?!! – em òa lên.
Ôm lấy Phương để dỗ dành, tôi chẳng biết giải thích với em thế nào bây giờ nữa. Chẳng lẽ nói toẹt ra rằng: ”Anh không muốn em mất trinh!” – sỗ sàng và lố bịch.
Trong tôi từ lúc bắt đầu với Phương đã có cái gì đó mơ hồ và lo sợ rồi. Đấy là lí do vì sao chúng tôi chưa bao giờ dám để cảm xúc của mình đến cao nhất. Tôi là người hiện đại, nhưng ai biết được chồng em – nếu không phải là tôi – có phải là một người quảng đại để bỏ qua hết những gì thuộc về quá khứ? Thế nên tôi nghĩ, em vẫn nên còn một “cái gì đó” để tự tin, để kiêu sa về nhà chồng nếu như không thể đến với tôi. Tôi đã từng trải qua cái chuyện đó, còn em thì không. Cái cảm giác kìm hãm nó chẳng bao giờ thoải mái cả, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn thấy mình đúng đắn và kìm chế tốt khi không để mọi chuyện đi quá giới hạn.
Tôi chưa bao giờ coi chuyện đó là cái gì để đánh giá bản chất con người. Tình yêu thì phải có ôm, có hôn, có nắm tay, và cao hơn nữa khi 2 con người hòa quyện được với nhau là lúc thăng hoa thì cũng chẳng có gì là quá đáng cả. Nhưng đấy là tôi nghĩ. Tôi chấp nhận. Còn người khác có chấp nhận hay không thì ai biết?! Vẫn còn đầy cảnh chồng đay nghiến vợ vì trót trao thân cho ai đó trước anh ta, hay đang vui vẻ thì đấm đá vợ túi bị vì cái cảnh vợ mình đang ân ái với người khác bất chợt hiện ra trong đầu..... Cái xã hội, cái định kiến nó làm cho phụ nữ nó trở nên rẻ rúng trong mắt đàn ông như thế đấy! Tất nhiên tôi đã loại trừ ra những loại phụ nữ rẻ mạt theo đúng nghĩa đen.
Mất rất lâu để Phương vui vẻ trở lại. Em cũng hiểu ra tôi đang nghĩ gì trong đầu về chuyện đó nên cũng cố gắng để nó qua đi thật nhanh, như cơn mưa bóng mây ngoài trời, không nhắc lại để làm khó xử cho cả hai. Nếu thèm khát chuyện đó đến thế, tôi đã không chờ đợi đến lúc em mở lời với mình.
.................
Qua tìm hiểu, tôi biết cái học bổng của mình chỉ đủ cho cuộc sống cá nhân. Tôi đã nghĩ đến mọi cách kiếm thêm tiền để có thể mang em sang với mình, từ việc sẽ xin giáo sư làm T.A cho đến đi làm thêm, nhưng những cái đó giờ chẳng có gì chắc chắn cả, phải sang đó mới biết. Tôi không chắc chắn nên tôi không hứa, tôi chỉ nói sẽ cố gắng hết sức. Phương biết điều đó vì chẳng ai hiểu tôi bằng em. Hai đứa chỉ nhìn nhau thật sâu và thầm hứa đều phải cố gắng để không phải buông tay nhau. Nói cho cùng thì tốt nhất là không nên nói nhiều, hãy để thời gian trả lời và kết quả của hành động.
Phương lại quay về với sở thích nấu nướng của em. Tôi lại làm xe ôm đưa em đi chợ. Trên đường đi, Phương suýt nữa thì ném cái điện thoại vì Huy cứ gọi điện cho em liên tục. Hóa ra giờ nó mới bắt đầu hiện nguyên hình là một thằng nhâng nháo, sẵn sàng tấn công dồn dập rồi đây. Bao nhiêu suy nghĩ tôn trọng nó giờ tôi chẳng còn gì. Cầm điện thoại của Phương, tôi vừa lái xe vừa nghe.
- Alo!
- Ai đấy?
- Ai gọi cho người yêu tôi?
- Cường hả? Anh Huy đây. Anh gọi để hỏi xem Phương lên đến nơi chưa thôi.
- Cảm ơn anh. Anh quan tâm em gái quá.
- Bố mẹ Phương nhờ anh ý mà em.
- Vâng, thế anh nhắn với hai bác hộ em. Mà để em bảo Phương lưu tên anh lại, sao lại lưu thế này làm em nhầm.
- Phương lưu tên anh thế nào Cường? – chột dạ.
- À, giống mấy thằng trẻ trâu mất dạy suốt ngày làm phiền ý mà anh. Thôi em chào anh!
Thực ra Phương lưu Huy trong điện thoại là “A.Huy”, nhưng tôi cứ nói thế vì muốn chửi vào mặt nó lắm rồi mà chưa bao giờ nói được câu nào. Dập máy, hai đứa cười nhe nhởn vì cái trò đùa láo toét của mình. Tôi là người không hiền lành gì, nhưng lúc nào cũng muốn dĩ hòa vi quý hết mức có thể, có lẽ vì thế mà nó nghĩ nó làm gì trước mặt tôi cũng được sao?
Quả thực là nó dính bẫy, vì chỉ vài giây sau thì Phương có tin nhắn của Huy “Em lưu tên anh là gì vậy? Anh thực sự thất vọng. Em coi anh là cái gì vậy?”. Phương giơ lên cho tôi xem rồi hai đứa lại cười hỉ hả ở trên đường.
Nhưng hai đứa cũng lại chỉ cười được vài phút, vì Phương lại nhận được cuộc gọi từ....mẹ em sau khi đã có một thằng thái giám bơm đểu. Nghĩ đến thằng này tôi lại nhớ đến chuyện ngày xưa đã bị một thằng giảng viên khác tơn hớt với bố mẹ rồi cướp mất người yêu.
- Sao Cường nó lại cầm máy con?
- Anh ấy vẫn cầm máy con mà, bọn con dùng chung.
- Sao Cường nó lại chửi anh Huy như thế? Thầy giáo mà thế à?
- Ôi mẹ ơi, thầy giáo cũng là người. Mà anh ấy không chửi. Con ngồi bên cạnh nghe thấy hết. Mẹ tin con hay tin Huy thì tùy mẹ. Thế mẹ nhé!... – rồi em tắt máy.
................
- Anh xin lỗi, tại anh nóng quá.
- Em chẳng ngại. Chỉ ngại là mẹ lại thêm thành kiến với anh thôi.
Ngẫm lại, tôi mới thấy mình vừa để cảm xúc chi phối nhiều quá. Cái thế của tôi và Huy bây giờ nó khác nhau hoàn toàn: Huy có thể diễu võ giương oai trước mặt tôi thế nào cũng được, chẳng ai quan tâm, nhưng tôi chỉ cần chửi nó, hay nói xấu nó, thậm chí không làm gì nó đi chăng nữa thì bao nhiêu cái xấu xa, tồi tệ của tôi cũng sẽ đến tai bố mẹ Phương hết. Đúng là chó má. Cứ phải căng óc ra mà chống lại đối thủ trong trận chiến mà mình bất lợi đủ đường thế này đúng khốn nạn thật. Giờ tôi mới thấy, hóa ra cái mình cứ tự tin nắm giữ nhiều khi chưa chắc đã là điều quyết định, giống như tôi bây giờ đây. Tôi tự tin có Phương, nhưng thực ra cả 2 đứa lại đều đang yếu thế trước sức ép của bố mẹ và cái cách tấn công trâng tráo vì được hậu thuẫn.
Chỉ cần một chuyện nhỏ như thế mà Huy nó đã làm cho chúng tôi mất hết cả cảm xúc. Hai đứa đi chợ mà tâm trạng nặng như chì, chẳng còn những câu đùa vui như mọi khi nữa. Chỉ đến lúc về nhà và quay cuồng với nấu món này món kia thì em mới vui vẻ hơn. Hai đứa cũng tíu tít như muốn quên đi cái ngày quái quỷ vì những chuyện không đâu để dành thời gian cho nhau.
Thế nhưng cái con quỷ ám kia nó chưa muốn buông tha cho chúng tôi ngày hôm nay thì phải? - Hai đứa lại có chuyện để cãi nhau, và lần này là từ phía tôi.
Đang nhặt rau, tôi thấy Phương lù lù tiến đến, dí thẳng vào mặt tôi cái tin nhắn của Yến rồi ném điện thoại xuống ghế salon.
“Tối nay đi cafe với em nhé. Tự nhiên em thấy nhớ anh!” – tin nhắn dở hơi thường xuyên của một đứa sinh viên vô lo vô nghĩ. Nhưng mà trong những lúc nhạy cảm thế này thì nó bỗng lại trở thành một trong những lí do để hai đứa có những suy nghĩ thiếu tin tưởng về nhau.