Thời Kính Chi không trì hoãn thêm, hắn gọi Diêm Thanh, Tô Tứ đến và kể lại đầu đuôi thảm kịch vừa phát sinh trong chùa.
Diêm Thanh mới có được kiếm Từ Bi nên tâm trạng còn khá hồ hởi. Dù có phải bất ngờ xuống núi thì cậu ta cũng chỉ cho rằng đó là chuyện đột xuất của Thời chưởng môn. Nay nghe được tin dữ của phương trượng, Diêm Thanh chỉ biết ngây người tại chỗ, vành mắt thoáng chốc đỏ bừng.
Phương trượng Giác Phi bất quá mới chừng năm mươi tuổi, hãy còn độ tráng niên. Trong mắt Diêm Thanh- một thanh niên mới hai chục tuổi đầu, thì những cao thủ như phương trượng chẳng khác nào những bức tường sừng sững không bao giờ sụp đổ.
Dù có là hai mươi năm, hay ba mươi năm nữa, phương trượng Giác Phi hẳn cũng nên mỉm cười mà chờ đợi ở chùa, đợi gặp mặt một người hữu duyên nào đấy.
"Ta... ta vốn định..." Diêm Thanh không thể nói hết câu.
Vốn định làm gì kia chứ? Doãn Từ im lặng.
Trong nhóm người phái Khô Sơn thì Diêm Thanh có duyên phận với hòa thượng Giác Phi sâu đậm nhất. Cậu ta muốn cầm kiếm Từ Bi mà thành danh chốn giang hồ, sau đó đổi lấy một lời tán dương từ ông hòa thượng mập. Hay là muốn không ngừng làm việc thiện, để rồi được quang minh chính đại ghé thăm Giác Phi một lần, coi như báo đáp phần thiện duyên mà ông trao tặng?
Nhưng bây giờ, bất luận Diêm Thanh từng ấp ủ quyết tâm gì, thì quyết tâm ấy cũng sẽ không bao giờ tìm được kết quả của nó.
Cuối cùng Diêm Thanh vẫn không nói hết câu. Cậu ta mím chặt môi, buông kiếm, rồi lao nhanh ra khỏi phòng.
So sánh với Diêm Thanh thì Tô Tứ tỉnh táo đến mức đáng sợ. Hắn ta không đuổi theo mà chỉ đưa mắt liếc nhìn Diêm Thanh.
Sau đó Tô Tứ ngồi thẳng lưng và nghiêm túc nói: "Tam Tử sẽ không nghĩ nhiều, nhưng ta còn có việc muốn hỏi."
Thời Kính Chi không lấy làm ngạc nhiên: "Hỏi."
"Đại sư Giác Phi bị người khác hạ chú từ mười năm trước. Chưởng môn dựa vào suy đoán này để cho rằng chùa Kiến Trần là mục tiêu chính của kẻ ác, ta đồng ý. Dù không nói rõ với chùa Kiến Trần nhưng ta đoán chưởng môn cũng biết bản thể chân chính của lời chú là gì."
Thời Kính Chi im lặng.
Tô Tứ cười yếu ớt: "Hai gốc nối liền, đồng sinh cộng tử. Dùng độc, thì kẻ cho máu sẽ chết vì trúng độc. Dùng lửa, thì kẻ cho máu sẽ chết vì bị thiêu. Chẳng phải chúng ta mới thấy gốc song sinh cách đây không lâu đấy à?"
Cũng chính Tô Tứ là người giải thích về gốc song sinh ở thôn Nguyên Tiên ngày trước. Với danh nghĩa Thiếu giáo chủ giáo Xích Câu, hắn ta đã được tiếp xúc với tất cả những kiến thức dù cần học hay không.
Gốc song sinh là tà vật, hương Phật tâm lại là vật phá tà.
Khi tiễn khách phương trượng đã chạm vào hương Phật tâm, khiến cho cây yêu trong cơ thể phản ứng. Biết được điều này, kẻ ác có thể tung những đòn sát thủ bất đồng- kiếm khí xuyên tim, nội lực tan vỡ, hoặc là dương hỏa thiêu thân.
Một khi trận Phật tâm được khai triển, thì vô luận người đến thăm là ai, kẻ ác cũng có thể mượn cớ đó giết chết Giác Phi và Giác Hội.
Quá nửa võ lâm đều biết chuyện Thời Kính Chi giết chết Trịnh Phụng Đao rồi lên núi Hồi Liên. Như vậy không đáng ngạc nhiên khi kẻ ác có thể sắp xếp ra tình huống hiện giờ.
Chỉ dựa vào suy luận ấy thì có vẻ phái Khô Sơn chỉ là xui xẻo nên mới bị người ta lợi dụng thôi, tuy nhiên...
"Tuy nhiên thời gian thật sự quái."
Tô Tứ nắm chặt cán đao, miệng liên tục lẩm bẩm.
"Điều kiện tiên quyết để lấy hương Phật tâm ra tiễn khách là trận Phật Tâm phải mở trước đã. Lần hoạt động gần nhất của trận Phật Tâm là vào trăm năm trước, nghĩa là nó không thường xuyên được mở. Lần này trận mở là do 'Kinh Vô Mộc' trở về... mà 'Kinh Vô Mộc' chỉ trở về khi quỷ mộ đã bị phá hủy."
"Vì sao từ mười năm trước mà kẻ ác đã biết quỷ mộ sẽ bị phát hiện khi phương trượng Giác Phi còn sống, và còn biết quỷ mộ sẽ bị phá giải? Sao gã lại biết chắc sẽ có người lên núi tìm phương trượng trong ba tháng diễn ra hội tẩy kinh? Hơn nữa hành động vu oan lần này cũng chứng tỏ kẻ ác hiểu quá rõ về tình trạng của phái Khô Sơn..."
Càng nói sắc mặt Tô Tứ càng trắng toát.
Nếu suy đoán của hắn ta là thật thì nước cờ ấy đã được đặt xuống từ hơn mười năm trước, khi đại sư Giác Phi mới trở thành phương trượng. Sau đó, kẻ ác lặng lẽ đợi quỷ mộ xuất hiện, giang hồ loạn lạc, rồi thừa cơ nhổ cây đinh ba là chùa Kiến Trần đây...
Người trần mắt thịt có thể tính toán được chuyện này à?
"Thời chưởng môn, trên người ngài có phong ấn tiên môn, đấy rốt cuộc..."
"Được rồi Tô Tứ, ngươi lại làm to chuyện rồi, trên đời làm gì có âm mưu khoa trương thế?"
Thời Kính Chi ôn hòa an ủi.
"Phương trượng Giác Phi không xuống núi nhưng mỗi năm cũng tiếp khách mấy lần. Hung thủ chỉ cần mua được tin tức và giết người trong thời kỳ tiếp khách là được. Chẳng qua có trận Phật tâm thì vu oan sẽ thuyết phục hơn thôi."
"Mười năm trước ta còn là một thằng nhãi mười bảy tuổi vắt mũi chưa sạch. Ngày nay xông xáo giang hồ cũng chỉ vì bỗng dưng nổi hứng, không thể nào bị hung thủ cố tình nhắm đến được. Còn chuyện phong ấn chưa chắc đã liên quan đến vụ việc lần này, mà gốc song sinh cũng không phải vật hạ chú của mình tiên môn... Khả năng hung thủ là một tên điên thích nhìn thiên hạ nổi sóng, nên mới nhân sự xuất hiện của thị nhục để khuấy động giang hồ."
Tô Tứ không phục: "Dù có muốn khuấy động giang hồ thì làm gì có người bình thường nào lại ủ mưu những mười năm cơ chứ?"
"Thế mới bảo là kẻ điên."
Tô Tứ: "..."
Thấy đối phương cố tình không muốn đào sâu, Tô Tứ đành phải đứng dậy: "Được rồi, ta đi xem xem Tam Tử thế nào vậy."
"Tô Tứ, nếu ngươi còn muốn rời khỏi phái Khô Sơn thì bây giờ chính là cơ hội tốt nhất. Sau khi chuyện hôm nay bị lan truyền, phái Khô Sơn sẽ không thể hành động suôn sẻ trên giang hồ được nữa." Thời Kính Chi bỗng nói.
Bước chân Tô Tứ hơi ngừng.
"Quên chuyện này đi chưởng môn. Ta rời phái hay ở lại thì cũng đều hành động không suôn sẻ cả, có gì khác nhau đâu chứ?"
Nói đoạn hắn ta bật cười rồi bước ra ngoài cửa.
Tô Tứ vừa đi, Thời Kính Chi đã lập tức nằm thõng cả người. Trong suốt buổi trò chuyện vừa rồi Doãn Từ vẫn chỉ khoanh tay đứng một bên mà yên lặng không nói.
Thấy tâm trạng Thời Kính Chi không vui, y đã đặc biệt mượn bếp của nhà trọ để làm ít kẹo cho hắn. Nào ngờ sư phụ gà mờ còn chẳng buồn động đến, quả là khó dỗ dành.
Thời Kính Chi đang bộn bề tâm sự.
Lời chú từ gốc song sinh cho thấy sự tình không chỉ đơn giản là "xui xẻo nên mới bị người ta lợi dụng". Nhưng Thời Kính Chi không nói rõ chuyện này, không phải vì không chắc chắn mà vì hắn đang cân nhắc những vấn đề khác nữa.
Tuy nhiên bất luận là hắn tính toán điều gì thì Doãn Từ cũng không muốn ép hắn phải mở miệng.
Bởi lẽ, trên phương diện mưu lược Thời Kính Chi không thua kém mình bao nhiêu, do đó khi đối mặt với những sự kiện trọng đại thì phải để cho bản thân hắn tự suy luận và hiểu rõ. Nếu chuyện gì y cũng tùy tiện gặng hỏi thì chẳng khác nào "xem thường" một vị cao thủ khác.
Sau đó thấy Thời Kính Chi lại bắt đầu ngẩn ngơ, Doãn Từ liền để kẹo xuống và rót hai chén trà ấm: "Ăn."
Giọng y không hề khách khí.
"A Từ, vất vả cho ngươi phải làm nhiều vậy rồi... vi sư không có hứng ăn." Thời Kính Chi nói với vẻ bồn chồn.
"Bữa trưa người đã không ăn được bao nhiêu, giờ còn không ăn thì sẽ tích bệnh."
Doãn Từ tàn nhẫn bóp má Thời Kính Chi, buộc hắn há miệng.
"Chặng đường về sau nhiều biến số, nếu người không giữ cho tinh thần tỉnh táo, thể lực sung mãn, thì chưa biết sẽ xảy ra rắc rối gì đâu."
Dứt lời y lại nhét cho Thời Kính Chi một viên kẹo.
Thời Kính Chi nhai và nuốt kẹo với điệu bộ mè nheo, kẹo xuống dạ dày rồi hắn mới bật cười: "Bón kẹo mà như ép người ta uống thuốc độc ấy, sợ rằng trên đời có mỗi A Từ hành động thế này."
Kẹo Doãn Từ làm trong veo mà không ngán, ăn rất đã miệng. Thời Kính Chi chậm rãi nhấm nháp mấy viên là khẩu vị lại lần nữa được khơi dậy, thành ra cuối cùng hắn vẫn chén sạch đĩa kẹo được mang lên, thậm chí còn đòi thêm hai đĩa nữa.
Khi uống xong trà, tâm trạng Thời Kính Chi đã vui lên rõ ràng: "Ta thèm ăn cái gì chua chua ngọt ngọt ấy, A Từ, ngươi biết làm kẹo sơn tra không? Hay là tối ăn thịt sốt chua ngọt?"
Doãn Từ lập tức từ chối: "Hôm nay sư tôn ăn đủ nhiều rồi. Đệ tử chỉ nuôi người, không nuôi lợn."
Thời Kính Chi: "..."
Thời Kính Chi lấy làm chua xót: "Đồ nhi ngoan, những lúc thế này ngươi nên chiều vi sư chứ."
"Được rồi, nhưng tối chỉ có cá sốt chua ngọt thôi."
"Vi sư sẽ trợ giúp ngươi. Còn kẹo sơn tra..." Thời Kính Chi phát huy đầy đủ tính "nghiện vật" của mình một cách vô cùng kiên nhẫn.
Doãn Từ nhìn Thời Kính Chi với vẻ buồn cười, y nghi ngờ tên này chỉ giả vờ đòi ăn để tranh thủ làm nũng.
Thời Kính Chi tựa lưng vào cửa sổ, nắng chiều chiếu lên tóc hắn, phủ cho hắn một màu cam vàng ấm ấp. Nhìn Thời Kính Chi đang dần bình tĩnh lại, Doãn Từ bỗng thấy lòng mình chùng xuống.
Nếu thân phận "kẻ áo trắng" của mình không bại lộ trước mắt nhà chùa, thì sau cùng Giác Hội sẽ chỉ dẫn một mình Thời Kính Chi vào ra mắt phương trượng.
Như vậy, khi dương hỏa bùng lên, sẽ không ai có thể cản được Thời Kính Chi.
Thảm kịch vì thế tức khắc xảy ra, Thời Kính Chi sẽ tự tay xé nát lòng tốt của chùa Kiến Trần dành cho hắn, giết chết Tri Hành- người chứng kiến duy nhất, rồi mang họ chạy trốn trong hoảng hốt.
Oan khuất sinh hận, tội ác đục ngầu. Đến lúc đấy, liệu tâm ma của Thời Kính Chi có còn giữ được màu trắng tinh khiết nữa không?
Đối mặt với những lời chửi rủa nghiêng trời lấp biển, liệu hắn còn giữ được sự tỉnh táo mà đi đau buồn vì cái chết của phương trượng Giác Phi không?
Chớp mắt, Doãn Từ đã nảy sinh cảm giác quái lạ trong lòng rằng- mình đang thử gom góp từng mảnh "lòng người" vụn vặt về cho Thời Kính Chi. Nhưng cùng lúc đó lại có kẻ đang lặng lẽ ra tay nhằm khiến cho "lòng người" của hắn vỡ tan triệt để.
... Chắc hẳn đó chỉ là ảo giác.
Có lẽ dạo này mải miết suy nghĩ chuyện của Thời Kính Chi nên tâm tư Doãn Từ thường xuyên rối loạn.
"Người của nhà trọ đang dùng bếp nên chúng ta không thể làm kẹo sơn tra. Hay là để đồ nhi mua cho sư tôn hai xâu kẹo, sư tôn thấy thế nào?"
Doãn Từ giũ giũ đầu rồi bắt đầu trêu ghẹo sư phụ gà mờ.
Nào ngờ Thời Kính Chi không hùa theo lời đùa của y mà sắc mặt lại từ từ trở nên nghiêm túc, đôi mắt cũng sáng lên.
"A Từ, nếu ngươi dùng hết sức mình thì có thể đến thành Vĩnh Thịnh trong bao lâu?"
Doãn Từ ngẩn ra: "Nếu không mang theo Diêm Thanh và Tô Tứ thì mất nửa canh giờ. Người hỏi vậy làm gì?"
"Ta và ngươi cùng đi Vĩnh Thịnh, không cần mang theo gì khác." Thời Kính Chi nheo mắt với bộ dạng gian xảo ngày xưa, "Chúng ta vào thành mua kẹo hồ lô, lén ăn thôi, không cho ai phát hiện."
Doãn Từ bình tĩnh thò tay sờ trán Thời Kính Chi.
Không sốt mà nhỉ?
Thời Kính Chi gạt tay Doãn Từ: "Chuyện của đại sư Giác Phi ấy, bất kể sự thật có ra sao thì chắc chắn chúng ta cũng đang bị người khác theo dõi rồi. Trong tình cảnh ấy bốn người cùng đi Vĩnh Thịnh sẽ để lại dấu vết, nên chi bằng tránh các thành thị lớn ra rồi chạy thẳng đến tông Mật Sơn. Vào thành rồi ta sẽ viết thư cho Thi Trọng Vũ để hỏi mượn pháp khí 'tiễn mã' của phái Thái Hành."
(*tiễn mã: mã là ngựa, tiễn là mũi tên)
"Đường nào thì đến tông Mật Sơn cũng phải đi về hướng bắc, nghĩa là phải tạt ngang qua phái Thái Hành. Chùa Kiến Trần sẽ chưa loan tin vội đâu nên ta sẽ viết trong thư là kế hoạch có biến, ta phải tự tay đưa bản khắc địa đồ cho phái Thái Hành; rồi chúng ta sẽ cưỡi tiễn mã rời đi..."
Doãn Từ lập tức hiểu ý hắn: "Sau đó chờ đến khi tin tức thảm án loan ra thì chúng ta cũng đã cuỗm ngựa chạy mất rồi?"
"Gì vậy chứ, vi sư nhất định sẽ trả ngựa mà! Chẳng qua nếu không có tiễn mã thì riêng đến được vùng tuyết phủ phía bắc thôi là chúng ta đã mất hai tháng rồi. Mượn dùng chút đỉnh... hẳn Thi tiền bối sẽ hiểu cho thôi. Rồi sau ta sẽ bồi thường cho tỷ ấy." Thời Kính Chi càng nói càng nhỏ.
Lại còn bồi thường, Thi Trọng Vũ mà tin họ giết phương trượng Giác Phi thì chỉ e hai người bọn họ phải xách đầu đến bồi thường mới đủ.
"Nếu chỉ để đưa tin thôi thì không cần phải đến Vĩnh Thịnh. Người có ý định gì khác hả?"
Thời Kính Chi chớp chớp mắt với Doãn Từ: "A Từ, đến cả gốc song sinh cũng xuất hiện rồi, chúng ta cũng nên xác nhận một vài manh mối khác chứ... Chậc chậc cái nét mặt này, ta biết ngay là ngươi vẫn nhớ mà!"
Ban đêm, thành Vĩnh Thịnh.
Hai bóng đen nhanh nhẹn nhảy vào qua bức tường thành.
Mang theo mũ với màn che, Thời Kính Chi chạy đến phái Thái Hành đưa tin. Doãn Từ chờ trong ngõ tối, tranh thủ quan sát bốn bề thay hắn. Sau khi thấy Thời Kính Chi trở lại, Doãn Từ vừa toan xách hắn rồi khinh công rời đi thì lại bỗng thấy một thứ đồ xuất hiện trong tay...
"Đi thôi." Thời Kính Chi lén lút dúi một xâu kẹo hồ lô cho Doãn Từ, bản thân hắn cũng đang hớn hở gặm một chiếc.
Doãn Từ: "..."
Xem ra chứng nghiện vật của tên nhóc này không phải chuyện đùa, hắn đã bảo muốn ăn là nhất định phải ăn cho bằng được.
Doãn ma đầu nhìn chằm chằm xiên kẹo hồ lô, cảm giác tự đào hố chôn mình lại trở về trong tâm trí. Xem ra việc dạy Thời chưởng môn biết mức độ ưu tiên của vấn đề còn cả một chặng đường dài phía trước.
Cứ vậy, hai thầy trò bọn họ trở thành kẻ gian đầu tiên trong lịch sử Đại Duẫn dám ngậm kẹo hồ lô bước vào đền Thần.
Đền Thần của Thần quân Đế Ốc được xây trong khu vực phồn hoa nhất thành Vĩnh Thịnh. Thời gian bái Thần đã kết thúc từ lâu, giờ đây đại sảnh chỉ còn lại một số binh lính canh phòng.
Đền Thần rộng rãi và yên tĩnh. Trên bàn đặt một giá cắm nến bằng vàng kim lóa mắt với ánh nến lập lòe. Bên cạnh là hoa quả cúng còn tươi nguyên như vừa được hái xuống.
Tượng Thần quân Đế Ốc đứng trên bục thờ, tướng mạo không thể hiện rõ đặc điểm của đàn ông hoặc đàn bà, chỉ biết là vô cùng hoàn mỹ. Khuôn mặt ấy tràn đầy vẻ thương xót, giống y đúc tượng thịt Thần họ đã thấy ở thôn Nguyên Tiên.
Thời Kính Chi treo mình trên xà nhà, giật một viên sơn tra trên xâu kẹo rồi ném mạnh vào cánh cửa. Đám vệ binh nghe thấy tiếng động, vừa quay đầu đi xem đã bị Doãn Từ bịt mặt nhảy xuống đánh gục.
"A Từ, ngươi đi kiểm tra tượng Thần, còn ta đi làm giả dấu vết ăn trộm."
Nói đoạn, Thời Kính Chi móc từ ngực áo ra một bọc vải rồi bọc giá nến bằng vàng trên bàn lại. Xong xuôi hắn thọc tay vào hòm công đức, lôi ra được một nắm tiền đồng, còn cố tình làm rơi vãi mấy đồng trên mặt đất.
Cùng lúc, Doãn Từ vòng ra sau lưng bức tượng Thần.
Y ngưng tụ kiếm khí vào đầu ngón tay và cắt một miếng vỏ ngoài trên bệ đỡ tượng Thần- thứ trông tầm thường nhất ở nơi đây.
Trước đấy Doãn Từ đã thử gõ lên mình tượng, y biết nó không rỗng ruột. Y chỉ hy vọng bên trong là bùn đất bình thường hoặc là các loại chất độn thường hay thấy.
Thế nhưng sau khi rạch ra một kẽ hở, một thứ mùi tanh nhạt nhòa mà quen thuộc lại xộc ra ngoài.
Qua kẽ hở rộng chừng một ngón tay trên bệ đỡ, Doãn Từ thấy bãi thịt nát đỏ lòm quen thuộc và một nhãn cầu đã biến dạng- nó hơi teo nhỏ, tròng đen vừa nhanh chóng co lại vì gặp phải ánh sáng bất ngờ.
Đền Thần Vĩnh Thịnh đã đứng sừng sững trên mảnh đất này hơn hai trăm năm. Tượng Thần chưa bao giờ thay đổi trong khoảng thời gian hai trăm năm ấy.
Song con mắt này vẫn sống, trong bức tượng kia.