Trần Thiên Phàm lập tức lên tiếng chặn lời phát biểu điên rồ của Thời chưởng môn. Lão đứng dậy khỏi đài gỗ và vận động gân cốt. Thời gian không bỏ quên một ai, tập trung tinh thần giải phong ấn hết sáu, bảy giờ khiến dù tài năng thì lão cũng không chịu nổi.
Trận phòng vệ bên ngoài có dấu hiệu bất thường. Về lý thuyết nó phải chống chọi được đôi ba ngày, vậy mà trên thực tế trận pháp lại suy yếu nhanh hơn lão tưởng. Cũng may phe họ chó cùng rứt giậu, càng đánh càng hăng. Kế hoạch giải trận trong ba ngày của lão đã được rút gọn đến nỗi hoàn thành chỉ trong già nửa ngày.
Lão Trần không phải chịu khổ lâu nên cũng hiếm được lúc khách khí với Thời Kính Chi: "Ăn gì đấy đi rồi hẵng nói, trông ngươi bây giờ mong manh đến mức có thể treo lên cột làm cờ được rồi đấy. Cứ mang cái phong độ đấy đi đánh nhau rồi có mệnh hệ gì, đồ đệ ngươi lại chẳng xé xác lão phu ra."
Bà Vệ thấy đèn ở tiền sảnh tối dần thì quay lại. Như thường lệ, bà pha một ấm trà nóng cho Trần Thiên Phàm, đoạn lại vắt khăn nóng rồi vừa thở dài vừa lau vết bẩn trên cổ cho Thời Kính Chi.
Trần Thiên Phàm nhấp những ngụm trà chậm chạp, nhìn cậu trai trẻ suy yếu trên đài gỗ.
Sau khi Doãn Từ đi khỏi, Thời Kính Chi không cậy mạnh thêm. Hắn nôn ra máu, cả người lả đi, thở ra nhiều mà hít vào thì ít, mất rất lâu mới thấy đỡ hơn.
Chẳng trách hắn phải vội vã đuổi học trò... thầy trò nhà này tình cảm đến mức làm lão cay cả mắt.
Trước lời dạy bảo của Trần Thiên Phàm, Thời chưởng môn không nói gì mà chỉ nghe lời súc miệng rồi ăn ít cháo chay. Hắn bưng bát cháo bằng hai tay, nét mặt bình thản như thể một giây sau sẽ ôm bát cháo bay lên trời vậy.
Trần Thiên Phàm không khỏi nhướng mày.
Chứng kiến màn bám dính nhau ban nãy của cặp thầy trò, lão còn tưởng Thời chưởng môn lại định diễn vở kịch bi thương nào đấy cho đồ đệ ngoài cửa xem, ai ngờ hắn ngay thẳng ngoài ý muốn, chỉ ngồi đó tập trung ăn cháo.
Trên thực tế, hắn cũng chỉ lấy lại được ký ức từ trước năm ba tuổi chứ chưa thể trị tận gốc căn bệnh hiểm nghèo, không biết hắn lấy đâu ra cơ sở để yên lòng như thế.
Thời Kính Chi ăn xong cháo rồi điều chỉnh tư thế, chuẩn bị nghỉ ngơi trên đài gỗ. Trần Thiên Phàm lại bắt đầu căn bệnh thích chọc ngoáy của mình: "Người ta bảo càng để ý đến ai thì càng hành động ngớ ngẩn, không ngờ tên nhãi nhà ngươi lại bình tĩnh khác thường." Trước kia sợ chết, Thời chưởng môn trông như chỉ ước được chống cự việc lên đài gỗ bằng cả hai tay hai chân. Bây giờ khi sắp phải ra ngoài khiêu chiến bí điển trực diện, tính mạo hiểm cao không kém, thế mà cậu ta lại vô cùng thong thả.
Kỳ lạ thật. Tướng tá cậu ta không phải phường đại gian đại ác song yêu khí lại rất nồng, không phải loại người trong sạch thiện lành gì.
Vì vậy tuy tin Thời Kính Chi không đến mức bội bạc nhưng Trần Thiên Phàm vẫn nói năng không nể mặt: "Đừng bảo ngươi vừa hứa hẹn với đồ đệ xong đã định chạy mất đấy nhé?"
Thời Kính Chi cười nói: "Vậy chẳng phải phụ ý tốt của tiền bối ạ?"
"Ý tốt? Lát nữa lời nguyền rối sống in dấu trong trí não ngươi thì ngươi không tự do được nữa đâu."
"Vậy là lời nguyền này sẽ khiến vãn bối không thể tự điều khiển cơ thể hả?"
"Nghĩ cái gì vậy, để lão phu mệt chết à? Ta chỉ tạm thời ghi dấu kinh nghiệm lên trí não ngươi và cho ngươi một mục tiêu công kích – lão phu đã cảnh cáo từ đầu rồi. Để đổi lấy kinh nghiệm tạm thời này thì ngươi cũng đã phải chịu đủ lúc truyền lực. Hơn nữa một khi lời nguyền giáng xuống, bí điển sẽ không ngừng truy lùng ngươi cho đến một trong hai bên bỏ mạng."
Thời Kính Chi: "Ra là vậy."
Hắn vẫn không để lộ nét mặt sợ hãi, trái lại còn có vẻ hào hứng.
Thôi xong, không khéo giải phong ấn gây ra tác dụng phụ rồi, hỏng cả đầu rồi. Tên nhãi này chưa đến mức ngốc nhưng đã bắt đầu hơi điên.
Trần Thiên Phàm lấy làm xót xa: "Ngươi không sợ chết thật hả?"
Thời Kính Chi: "Sợ, nhưng đến giờ thì sợ cái vô tri, cái sống chỉ để tồn tại hơn."
Trần Thiên Phàm tặc lưỡi: "Chưa gì đã giác ngộ rồi, ngươi sống trong miếu đến năm ba tuổi hả?"
Thời Kính Chi mỉm cười: "Không phải, chẳng qua nay vãn bối đã có sức mạnh để quyết chiến, đã có người đáng tin cậy sát cánh cùng mình. Giờ còn sợ hãi thoái thác số trời nữa thì thật sự không hay."
Tiếc rằng lão Trần suy đi tính lại mà vẫn không hiểu một đứa nhóc ba tuổi thì lấy đâu ra khí phách thế này, chỉ đành quy cho tác dụng phụ của việc giải phong ấn. Không bận tâm về Thời Kính Chi thêm, lão rót cho mình một chén trà rồi xắn tay áo chuẩn bị thuật rối sống.
Qua thời gian nửa nén hương, sau khi xới tung đống đồ đạc, Trần Thiên Phàm móc từ đâu đấy ra một cái đầu người chết nhiều nếp nhăn và giơ lơ lửng trước mặt Thời Kính Chi.
Cái đầu này khô queo giống một quả bầu héo quắt. Phần đứt ở cổ của nó được khâu liền với một cơ thể nhỏ được bệnh bằng tóc. Mùi tanh hôi quái dị xộc thẳng lên mũi, hình dạng nó trông vừa khôi hài vừa kinh dị.
Hào khí của Thời chưởng môn đông cứng trong thoáng chốc, hắn nuốt nước miếng, người rụt vào bằng tốc độ mắt thường thấy được. Dù sao thất tình lục dục của hắn cũng nặng, sợ tí cũng không ảnh hưởng gì.
Đằng này, Trần Thiên Phàm thấy Thời Kính Chi run rẩy thì thở phào: "Được rồi, đừng nhắm mắt, nhìn cho kỹ, lão phu sắp bắt đầu đây."
"Vãn... vãn bối đã rõ."
Âm khí bên ngoài che lấp mặt trăng. Thi Trọng Vũ ôm cánh tay bị thương trong im lặng. Nàng và Diêm Thanh gắng gượng cản đòn tấn công của bí điển và cũng xử lí được không ít xác khô. Sợ làm gián đoạn quá trình giải trận nên họ chỉ dám ném xác vào nhà qua cửa sổ. Tuy nhiên sự thành công của họ không phải do sức mạnh của bản thân, mà là do bí điển có mục đích riêng của nó...
Hình như bí điển có trí tuệ, nó rất khôn ngoan. Nó chưa hề nhắm thẳng vào hai người, cũng không dùng chiêu phá hủy từng phần nhỏ lẻ một, mà ẩn nấp giữa bầy yêu rồi thi thoảng giáng một cú toàn lực vào trận phòng hộ.
Mỗi đợt tấn công của nó sẽ lại khiến ánh sáng từ trận phòng hộ yếu hẳn đi. Mà nó thậm chí sẵn sàng vứt bỏ một phần thân thể để chuẩn bị cho cú đánh này.
Đêm càng khuya, yêu khí từ bí điển càng thịnh. Thể lực của Thi Trọng Vũ và Diêm Thanh cạn dần, họ không tấn công được nữa. Thi Trọng Vũ bị gãy tay và xương sườn, mất già nửa sức chiến đấu. Diêm Thanh cũng mệt lả, máu túa ra từ một vết thương sâu trên đùi. Tay cầm kiếm của cậu ta hơi run, lòng nóng như lửa đốt. Rõ ràng bí điển dự định trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi.
Đến khi trận phòng ngự không chống trụ được nữa, đám yêu sẽ lập tức hóa thân thành bầy châu chấu háu đói và càn quét toàn bộ sinh vật sống trong trận. Không còn cơ hội quay về trong trận để nghỉ ngơi và hồi sức, họ sẽ bị tận diệt như một lẽ đương nhiên.
Họ đã đánh hết sức, không phạm sai lầm, thậm chí còn liều mạng hơn hai ngày trước, vậy mà tình thế lại xấu đi.
Họ thấy tuyệt vọng. Khi ý chí còn tác dụng, họ đã xử lí được không ít xác khô trên mình bí điển nhưng lại chỉ đổi lấy phản ứng hời hợt của kẻ thù.
Yêu khí nồng nặc như sắp hóa thực thể.
Hèn chi việc đã đến nước này mà tông Mật Sơn không phái bất cứ một ai qua chi viện – cho dù không phải lo lắng về quy định "cấm phá hủy bí điển" thì họ cũng sẽ chùn chân trước thứ quái quỷ không dành cho con người xử lí ấy nhanh thôi.
Ngươi phải chết để ta được sống, hy sinh một hai môn đồ để tránh bị bí điển để mắt hoàn toàn thuộc phạm vi "tổn thất" chấp nhận được.
Có lẽ bí điển đã phát hiện ra sự nản lòng của họ, vô số con mắt của nó nheo lại, đầu hơi nghiêng, ánh nhìn thoáng lộ vẻ chế giễu.
Đôi mắt quỷ của Diêm Thanh đỏ quạch, cậu ta vẫn luôn được Thi Trọng Vũ âm thầm che chở nên vẫn còn chút ít thể lực. Cậu ta chưa bao giờ phải đánh một trận liên tục như thế. Bầy yêu lảng vảng quanh kiếm Từ Bi, cảnh tượng địa ngục như đang bôi nhọ cái tên Không Thạch.
Bầy yêu đánh hơi thấy mùi máu của Diêm Thanh thì đồng loạt trợn tròn những con mắt có hình thù quái dị, những tiếng rầm rì phát ra chói tai. Bí điển vẫn ung dung trấn thủ ngoài rìa trận, chỉ chờ tên nhãi con không biết trời cao đất dày tự lao đầu vào chỗ chết.
Một bàn tay ghì vai cậu ta xuống.
"Phong ấn được phá giải thuận lợi, chẳng qua mất chút thời gian chăm sóc chưởng môn. Xác khô hai vị kiếm được còn thừa, thậm chí đủ dùng cho thuật pháp kế... Hai vị vất vả rồi."
Doãn Từ trầm giọng nói.
"Đã đến lúc hủy diệt thứ yêu vật không biết điều này."
Trái tim rã rời của Thi Trọng Vũ đập trở lại rồi mà vẫn không thể yên lòng – thừa xác khô nghĩa là chí ít không cần lo lắng chuyện phù chắn họa. Chỉ có điều hiện giờ có mỗi Doãn Từ bước ra, y hoàn toàn không có nội lực, sẽ chẳng thể lật ngược thế cờ.
Doãn Từ không giải thích gì thêm, y cầm kiếm Điếu Ảnh xông thẳng vào giữa bầy yêu không ngừng gào rú.
Y không giấu thực lực nữa, bước chân không còn cảnh giác hay chần chừ. Thoáng chốc cảm nhận được luồng khí thế như thể của đội kỵ binh trên sông băng, yêu-và-sát khí của chúng yêu bay tán loạn giữa không trung lập tức nhạt đi kha khá.
Lưỡi kiếm đen vung lên dưới ánh trăng.
Lần này đến cả Diêm Thanh cũng có thể cảm nhận được bầu không khí khác thường. Doãn Từ bước lướt trên đầu chúng yêu và nhắm trúng bí điển. Mỗi một chiêu kiếm ảo diệu của y đều đâm thẳng vào điểm yếu của kẻ địch. Kiếm của y nhanh đến mức giống ảo ảnh, thế nhưng nó đã thật sự lưu lại một vết thương trên bí điển.
Có thứ gì đó đã khác đi.
Chiêu thức kiếm Tảo Cốt quỷ quyệt và không thể đoán trước. Mà nó nổi danh nhất ở chỗ chiêu thức phản ánh chính xác cái tên – đường kiếm nồng nặc mùi chết chóc như bắt nguồn từ địa ngục. Hệ thống chiêu và thức của nó móc nối chặt chẽ với nhau, dẫn tới việc hễ vung kiếm là phải phát lực toàn thân và do đó rất khó để nhất thời thay đổi chiêu thức.
Kiếm pháp này mạnh bao nhiêu thì áp lực bấy nhiêu. Trong đó, ngoại trừ sát ý muốn dồn đối thủ vào chỗ chết ra thì không còn cảm xúc nào khác cả.
Thi Trọng Vũ bắt đầu nghi ngờ thị lực của mình, bởi nàng thấy có hồn trong đường kiếm. Đó là sức sống của tuyết chảy, của một làn gió mát sinh ra giữa tiết xuân se lạnh. Chẳng lẽ kẻ được giải phong ấn không phải Thời Kính Chi à? Vì sao cảm xúc của Doãn Từ thay đổi nhiều đến vậy?
Doãn Từ cũng không bình tĩnh hơn Thi Trọng Vũ được bao nhiêu. Đứng giữa tiếng thét thé tai của bầy yêu và dưới tầm nhìn nhớp nháp của trăm ngàn con mắt người chết, y lại thấy chưa bao giờ đã đời như vậy. Dòng máu lạnh lẽo trở ấm kéo theo cơn đau từng đợt, tưởng như cảm giác lúc băng trong cơ thể tan ra.
Hai ngày trước, đây chỉ là một trận đấu bất đắc dĩ dưới cái nhìn của y, nhưng bây giờ có thứ gì nổi lửa trong cơ thể y, nó cháy rừng rực, vô số cảm xúc hỗn loạn vướng mắc vào nhau rồi bị phóng ra ngoài theo mũi kiếm.
Doãn Từ đã sớm đoán ra Thời Kính Chi là nhóc câm, chẳng qua y nghĩ chuyện "từng quen biết Thời Kính Chi" sẽ không ảnh hưởng nhiều đến y hiện giờ. Vậy mà cuối cùng thế giới của y lại gần như long trời lở đất.
Bất luận là sự lợi dụng ban đầu hay sự bảo vệ hiện tại; trêu đùa của ngày xưa và hứa hẹn của ngày nay, thì y đều không cần Thời Kính Chi phải thấu hiểu và đáp lại.
Bất tử là một lồng giam bằng ngọc lạnh lẽo, chỉ cho phép y quan sát thế gian. Nhưng vào khoảnh khắc Thời Kính Chi ôm lấy mình, cuối cùng, sau trăm năm, y cũng gắn kết với trần gian triệt để.
Hóa ra cảm giác khi "lo lắng" cho một ai đó lại dễ chịu đến thế?
Chiêu kiếm phản chiếu lòng người, y thấy nó loáng thoáng ánh lên sức sống. Thậm chí khi bí điển dùng thuật pháp phản công, y còn nhiệt tình tránh né trong vô thức.
Doãn Từ đã bỏ quên khao khát tìm đến cái chết. Y chỉ nhớ mình có nơi phải quay về. Tuyết phủ trăm năm trên đỉnh núi nứt toạc, sóng lớn trỗi dậy trong vũng nước tù. Doãn Từ hóa thân thành ngọn gió đẫm máu ngập tràn ý chí chiến đấu, y đâm liên tiếp vào bí điển, mỗi lần rút kiếm lại kéo theo sự rơi rụng của một cái xác. Kiếm khí và tà khí xoắn lấy nhau, gây ra những tiếng nổ dữ dội.
Bí điển không chạm được vào trận phòng hộ nữa.
Doãn Từ như không biết mệt, chiêu thức ngày một tự do, ngày một thỏa mãn, y chưa từng phải lánh mặt trong trận phòng hộ. Bí điểm chậm rãi mở mắt, thay đổi thái độ thong dong và trở nên cảnh giác rõ ràng.
Đằng xa, Diêm Thanh quan sát chiến trận không chớp mắt.
Khi bắt gặp trận chiến của cao thủ bậc nhất thì càng nhìn được nhiều càng có lợi. Cậu ta nín thở, quên cả đau rát trên đùi, tập trung đến mức suýt nổ đom đóm mắt.
Sẽ thật tuyệt vời nếu Doãn Từ có nội lực, cậu ta nghĩ. Các đòn tấn công vật lí của Doãn Từ ngang cơ với pháp thuật của bí điển, nhưng thể lực của huynh ấy đã đạt đến cực hạn. So với lối đánh nước chảy đá mòn của cậu ta và Thi Trọng Vũ, Doãn Từ giống một cơn sóng dữ xô mạnh lên vách đá, tiếc rằng đá vẫn là đá, không thể bị phá hủy trong một sớm một chiều.
Nửa đêm đã đến, đây là lúc âm-dương giao hòa. Thoáng chốc dương khí đã suy tàn, âm khí thì hưng thịnh.
Rất hiếm khi bí điển lùi hơn mấy chục trượng như bây giờ. Nó ẩn mình giữa bầy yêu rồi ngẩng đầu nhìn không trung. Cánh tay hợp thành từ hai cái xác bắt chéo trước ngực trông như cầu nguyện. Hình xăm nguyền rủa trên người nó di chuyển, làm phát ra ánh sáng màu đỏ máu chói lòa. Một khắc sau, tư thế ngồi quỳ của nó thay đổi. Hàng loạt chân tay dị dạng của đống tử thi giơ lên, hình xăm bọc lấy chúng theo hình xoắn ốc và khiến chúng kéo dài ra một cách bất thường.
Tốc độ của bí điển hai ngày trước không khác rùa bò. Bây giờ vô số chân tay mọc dài và chống đỡ cơ thể của nó, khiến người ta thấy tởm. Nó trông giống một con rết dị tật có tốc độ cực nhanh, nhanh hơn cả tiểu yêu nhỏ nhất.
Trên đầu bí điển, đầu tử thi lại bắt đầu cựa quậy. Những vết rách dùng để ăn nứt toạc và phát ra tiếng cười chói tai.
Doãn Từ ngăn cản đợt tấn công của nó.
Y và bí điển chiến đấu gần hai canh giờ, xác của đám yêu quái bị cuốn vào đã chất thành ngọn núi. Doãn Từ đứng trên đỉnh núi xác, nhìn bí điển với vẻ đề phòng.
Tình hình rất bất thường.
Dù có xóa bỏ phong ấn thì bí điển cũng chỉ là một pháp khí không có tư duy. Nhiệm vụ hàng đầu của nó phải là tự vệ chứ không phải lôi kẻ thù cùng chết. Đất Bắc hoang vu, không biết nó đã phải tích lũy bao lâu mới có được nhiều xác cổ để cung cấp năng lượng đến thế. Lúc trước ý thức tự vệ của nó không hề thua ý thức tấn công, mà một kẻ địch giao chiến trực diện như Doãn Từ hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Ấy vậy nhưng hiện tại nó như con chó dại ngửi được mùi máu để rồi tiêu hao năng lượng bất chấp.
Giữa quầng sáng của hình xăm máu, dòng tử thi chảy dọc mình bí điển. Nó bỗng nhảy vọt vào một góc trận phòng hộ - mà vốn đã yếu đi rất nhiều, tiếng răng rắc báo hiệu sụp đổ vang lên, toàn bộ vùng đất rung lên ba lần.
Hình xăm tạm thời rời khỏi mình bí điển và chuyển động tán loạn xung quanh nó. Doãn Từ mới thoáng chạm qua mà quá nửa cánh tay đã bắt đầu thối rữa. Y đang thử.
Tuy không biết nguyên nhân của sự thay đổi quái lạ này nhưng y vẫn phải tiếp tục trận chiến. Thế trận khốc liệt làm y không có thời gian lo lắng cho bản thân mình. May có bóng đêm và bầy yêu che chắn, miễn y "chết" cẩn thận một chút là hai người Diêm, Thi sẽ không phát hiện ra.
Doãn Từ điều chỉnh nhịp thở, mũi kiếm vừa định vung lên...
Có lọn tóc lướt qua má Doãn Từ, bóng đêm bị kim hỏa tách làm hai nửa.
Khoác áo tông Mật Sơn trên người, Thời Kính Chi xông thẳng ra một đầu pháp trận với lá cờ thuốc đến bệnh đi cháy rừng rực trong tay.
"A Từ thế này là chỉ cho quan phóng hỏa, không cho ta thắp đèn. Bất công thật đấy."
Giọng nói hắn có ý trêu ghẹo vui vẻ như thể không nhìn thấy bí điển biến dị. Không giống hơn hai mươi năm trước nữa, Thời Kính Chi bây giờ không hề núp sau lưng y, hắn nhẹ nhàng nhảy lên núi thây và đứng bên cạnh Doãn Từ.
"Trần tiền bối cho ta mượn kinh nghiệm thi thuật, sau đó ta nảy ra ý tưởng tuyệt vời này... ghé tai vào, ta bật mí ngươi nghe."
Thời gian nửa chén trà sau.
Thời Kính Chi dùng xác yêu làm vật dẫn, từ đó lập pháp trận trên khoảng trống trước mặt. Dương hỏa không lan tứ tán như bình thường mà tụ thành một quả cầu lửa cỡ lớn lững lờ trong không khí, rồi nhẹ nhàng xoay xung quanh kiếm Điếu Ảnh.
Thời Kính Chi ngồi sừng sững trên núi xác yêu. Tuy bí điển ngay gần kề nhưng hắn không hề có ý định tránh né – hắn đang làm hai việc cùng lúc. Tay trái khống chế quả cầu lửa, tay phải vẽ trận pháp phức tạp giữa không trung.
Trận pháp chưa hoàn thành mà uy thế đã gây chấn động. Bên cạnh Thời Kính Chi, tinh khí bắt nguồn từ xác yêu biến thành lốc xoáy, mang theo cảm giác bị áp bách như núi lở.
Bí điển như cảm nhận thấy rủi ro, nó không tiếp tục tấn công trận phòng hộ mà lao thẳng về phía Thời Kính Chi nhằm ngăn cản hắn. Nhưng nó thất bại.
Doãn Từ đứng trước Thời Kính Chi vài bước, chuyển từ tấn công sang phòng thủ. Mười quả cầu lửa xoay xung quanh y nổi lên theo mũi kiếm của y, bù chính xác vào điểm yếu của kiếm Tảo Cốt, không lệch phân nào. Những nơi tiếp xúc với kiếm, hình xăm hộ thân trên mình bí điển sẽ lập tức bị kim hỏa thiêu cháy. Chỉ trong thoáng chốc mà đã lại có thêm mấy cái xác rơi xuống và hóa thành nguyên liệu thi thuật cho Thời Kính Chi.
Nếu bí điển quay sang công kích Doãn Từ, những quả cầu lửa sẽ tự động tụ tập và biến đòn công kích thành làn gió bỏng.
Chúng giống như một bộ giáp sống.
Mây đen cuồn cuộn hình thành lốc xoáy trên đầu Thời Kính Chi. Mạt băng và thịt vụn bị gió xốc ngược từ mặt đất lên bầu trời. Thời Kính Chi ngồi bất động trên núi xác, nét mặt hoàn toàn bình thản, ống tay áo phần phật bay. Hai chân hắn giẫm trên vũng máu thịt, hai tay điều khiển trận pháp trong trạng thái linh hoạt và nhuần nhuyễn. Sau lưng hắn, các vòng trận pháp vàng kim lần lượt được thiết lập nên, khiến nhìn từ xa trông hắn như một pho tượng tà thần.
Mà đứng trước "tượng thần" là Doãn Từ nhấc ngang thanh kiếm. Kim hỏa quanh y mỗi lúc dày và nhanh, đi cùng với đó là sự biến hóa ngày càng khôn lường trong đường kiếm của y – mặc dù không có pháp thuật, nhưng nó thất thường đến mức không giống một vật thuộc về trần thế.
"Họ muốn lập chiến trận cỡ lớn." Thi Trọng Vũ lẩm bẩm, "Hai người cân một chiến trận cỡ lớn... Thời chưởng môn thật sự..."
Điên cuồng.
Nàng tin chắc Trần Thiên Phàm cho Thời Kính Chi mượn thuật pháp dự trữ không phải để ngài ta ngông cuồng như vậy. Thông thường, một chiến trận cỡ lớn cần sức vài người cùng thiết lập trong vài ngày với độ chính xác cực cao, tuyệt đối không thể mới nghĩ đã làm như hiện tại. Trận phải được tạo ở gần mục tiêu, tuy nhiên do quá trình tạo trận sẽ gây ra dị tượng trên trời nên buộc phải có nhiều người bảo vệ trận.
Bây giờ thì hay rồi, một người dám thi thuật, một người dám giữ trận. Nhất thời Thi Trọng Vũ không biết nên nhận định ai điên dại hơn ai.
Tà và sát khí ập xuống từ phía bí điển đều bị ngăn cản ở khoảng cách năm bước chân trước Thời Kính Chi chỉ bằng một thanh kiếm đơn độc.
Bất thình lình bí điển không nhúc nhích.
Ánh vàng kim của trận pháp phản chiếu trong muôn vàn con ngươi đục ngầu của nó, nó giữ chặt những chi dài vươn ra, không tiếp tục tấn công bất chấp.
Vô số đầu tử thi run bần bật, ngoác cái mõm đen xì và thè lưỡi xanh đen như muốn nôn. Tuy nhiên sau thời khắc hỗn loạn ban đầu, những cái mõm không phun ra dịch tử thi mà thay vào đó lại phát ra giai điệu quái dị, giai điệu này dần trở nên rõ ràng và bay bổng giữa màn đêm.
Nó đang hát.
Trăm nghìn đầu người chết mấp máy môi, đồng loạt cất giọng khô khốc. Hình như lời ca là ngôn ngữ cổ của Mật Lam, nhịp điệu bài hát cũng rất kỳ quặc.
Những người nghe được đều dựng ngược tóc gáy.
"Bịt tai!" Thi Trọng Vũ lập tức gào lên với Diêm Thanh hẵng còn đang ngẩn người, do đó bỏ lỡ thời cơ tốt nhất để ngăn chặn âm thanh. Cũng bởi vậy nên nội lực bị giọng ca kích thích, nàng nôn ra máu đen, suýt tẩu hỏa nhập ma tại chỗ.
Diêm Thanh phản ứng chậm nên cũng loạng choạng, cơn đau đớn cuộn trào trong cơ thể. Thời Kính Chi nhíu mày, hai tay run rẩy.
Nhưng Doãn Từ lại cười.
Y thu kiếm và rút về đứng sau lưng Thời Kính Chi. Kiếm Điếu Ảnh cắm xuyên núi xác, Doãn Từ dịu dàng dùng hai tay rảnh rỗi bịt tai Thời Kính Chi. Chớp mắt, vẻ thống khổ trên mặt Thời Kính Chi không còn nữa, hai tay lập trận ổn định trở lại.
Cứ thế, Doãn Từ nghe hết khúc hát ma quỷ mà không biến sắc lấy một lần. Y đã chứng kiến những cảnh tuyệt vọng hơn cả tẩu hỏa nhập ma, một bài ca phúng điếu từ cõi khác chưa đủ tư cách đày y xuống vực.
'... Ngươi không làm hại được hắn.' Doãn Từ nói với bí điển trong âm thầm.
Ánh sáng vàng kim lại bùng nổ. Lần này thứ đốt lửa không phải kim hỏa mà là hàng nghìn xích lửa dày bằng ngón tay. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện, xuyên thấu cơ thể khổng lồ của bí điển và khóa chặt nó giữa đất trời.
Hình xăm đỏ máu dữ tợn bao vây xích lửa như muốn vặn đứt nó, tiếc rằng dương hỏa vốn khắc âm tà, mà dương hỏa của Thời Kính Chi lại cực kỳ tinh khiết. Hình xăm bốc khói đen, sau đó hòa tan vào tuyết.
Cùng đường, bí điển duỗi những cánh tay yêu về phía Thời Kính Chi cách nó không xa. Các loại pháp thuật đồng thời bùng nổ, chiếu sáng đêm đen.
Tiếng hát và lời nguyền đều không dừng lại. Thời chưởng môn tái mặt, tuy đã có xác cổ và xác yêu làm nguyên liệu nhưng chiến trận vẫn rút cạn năng lượng của hắn. Tay bí điển sắp chạm được vào Thời Kính Chi mà hắn thậm chí không có thời gian để run rẩy. Thời Kính Chi hơi ngoảnh đầu, cảm nhận độ ấm từ lòng bàn tay Doãn Từ. Tiếp theo hắn vẩy mạnh hai ngón tay phải với toàn bộ số sức lực còn dư.
Xích lửa chậm rãi xoắn chặt và cắt thân thể bí điển như lưỡi cưa. Hàng loạt mắt xích đồng thời lay động. Tử thi bị tróc khỏi mình bí điển một cách nguyên vẹn – không một sai sót – như lá mùa thu rời cành.
Dù chỉ có vốn kinh nghiệm mượn dùng từ Trần Thiên Phàm nhưng Thời Kính Chi vẫn tận dụng chúng ở mức tối đa. Hình xăm máu tan biến, "nữ vương" ngã khuỵu, bầy yêu tán loạn cũng đứng sững sờ.
Xác cổ vương vãi trên mặt đất, chúng cứng đờ mà hoàn chỉnh. Bí điển đứng tại chỗ, chỉ là xem ra... nó đã không còn giống bí điển nữa.
Nữ vương Mật Lam – Hứa Lạc, một ả đàn bà thoát tục, quốc sắc thiên hương.
Thi thể ả đứng thẳng như thần tiên trên núi tuyết đất Bắc. Đôi mắt đục ngầu của Nữ vương nhìn xoáy vào Thời Kính Chi, khuôn mặt cứng ngắc không để lộ biểu cảm gì. Y phục trên ngực ả mục rữa, để lộ non nửa bầu ngực và một nốt ruồi đen hình nhện lẳng lặng nằm trên làn da trắng tuyết.
Nữ vương đứng lặng hồi lâu, sau đó dang tay với hai người đối diện.
"Cười... với trẫm."
Dây thanh quản của ả đã nát, âm thanh phát ra bởi thế rất khó nghe, song cũng lại có sự hoang mang và trong trẻo kỳ lạ.
"... Cười với trẫm đi."
Doãn Từ không hề có cảm xúc thương tiếc, y tiện tay rút kiếm Điếu Ảnh. Nữ vương Mật Lam đã chết từ lâu, kẻ đứng trước mặt họ hiện giờ chỉ là thuật pháp đơn thuần, là hạt nhân của pháp khí giết người.
Song Thời Kính Chi lại như cảm nhận được điều gì đấy, hắn vội giữ cổ tay Doãn Từ và khẽ lắc đầu.
Càng đến gần Thời Kính Chi, giọng của Nữ vương càng rõ, nét mặt càng sống động. Chẳng ngờ trên mặt một xác chết lại có thể lộ ra nét hận thù thoang thoảng.
"Đồng bào... trẫm... có thể đánh bại trẫm... tốt lắm..."
Đầu Nữ vương hắt lên quầng sáng màu đỏ máu rất nhạt, khiến ả giống một kẻ bi thương hơn là một hung thần. Thời gian dần trôi, quầng sáng thu hẹp rồi ngưng tụ một chỗ. Nó hóa thành chuỗi ký tự nguyền rủa nửa sống nửa chết và đáp xuống lòng bàn tay Nữ vương. Nữ vương chụm hai tay, vươn tay về phía Thời Kính Chi, sau đó sắc mặt ả lại cứng đờ như cũ.
"Cười... với trẫm..."
"A Từ, ta biết thuật này qua lời nguyền rối sống. Thứ Nữ vương Mật Lam để lại không phải pháp khí giết người mà là lời trăng trối cho 'đồng loại' của bà ấy... Chúng ta loại bỏ được phong ấn tông Mật Sơn nên pháp khí mới nhận ra ta."
Thời Kính Chi thở dài rồi nhắm mắt. Kế đó hắn chậm rãi chạm tay vào chuỗi ký tự sắp tiêu tan của kẻ địch.
"Ta không sao, tin ta."
Doãn Từ hướng mũi kiếm xuống đất.
Khoảnh khắc đụng đến Thời Kính Chi, chuỗi ký tự lập tức biến mất. Doãn Từ yên lặng đỡ lấy Thời Kính Chi vừa ngã xuống – cơ thể hắn vẫn ấm, hơi thở đều đặn, có lẽ là chìm vào giấc ngủ sâu.
Thi thể của Nữ vương Mật Lam cũng đổ sụp. Ả ngã xuống nền tuyết đẫm máu rồi hóa thành tro theo gió bay xa. Bầy yêu chưa tản đi, trận phòng hộ đã mỏng như cánh ve nhưng vẫn lập lòe sáng.
Cách đấy không lâu, trong phòng.
Khi đám tiểu bối đánh nhau sống dở chết dở bên ngoài thì Trần Thiên Phàm đã chuẩn bị xong pháp khí để chạy trốn. Giờ rảnh phát ngán lên được, lão liền lựa ít xác dưới cửa sổ về làm hai bộ phù chắn họa.
Bà Vệ dùng chỉ nhuộm bằng hoa yêu khâu hai chiếc túi gấm cầu bình an. Bà không quan tâm Doãn Từ thật sự nhờ bà hay chỉ là lấy cớ, bà chỉ hỗ trợ hết mình. Rồi bà đấm bóp cái lưng cứng còng của mình bằng nét mặt thản nhiên, không màng danh lợi.
"Đêm rồi, bọn trẻ vẫn ở bên ngoài hở?"
"Ừ." Trần Thiên Phàm cất phù chắn họa và dụng cụ trên bàn, "Tiểu Xuân, đóng gói ít quần áo và đồ ăn đi, lát nữa mình sẽ chạy."
"Vì sao?"
"Bọn nó có thắng thì cũng chỉ kéo dài được thêm chút thời gian thôi. Bên ngoài quá nhiều yêu quái, trận phòng hộ không trụ được lâu, chúng ta trốn xa xa rồi tìm chỗ ở mới."
Bà Vệ ngơ ngác nhìn lão, hồi lâu lại hỏi: "Đêm rồi, bọn trẻ vẫn ở bên ngoài hở?"
Trần Thiên Phàm khựng lại, hiếm có khi lão không cáu bẳn mà chỉ kiên nhẫn trả lời, "Ừ... nơi này sắp thành ổ yêu quái, bà nhớ dọn đồ đạc đi cùng với tôi."
"Hầy." Bà Vệ chợt áy náy, "Tôi lại tự tiện ra ngoài nữa thì lão gia sẽ đánh tôi."
Trần Thiên Phàm đứng thẳng người, bắt mạch cho bà Vệ. Mí mắt lão hơi giật, lão không lên tiếng nữa.
Sau đó bà Vệ bỗng hoàn hồn. Nhìn sắc mặt Trần Thiên Phàm, bà bỗng thấy buồn bã. Bà cứ đứng sững hồi lâu như một đứa trẻ mắc lỗi.
Trần Thiên Phàm bình tĩnh hỏi: "... Lại phát bệnh khờ à?"
Bà Vệ cụp mắt, mỉm cười: "Chỉ là thi thoảng quên mấy chuyện thôi, cũng hay quên mà, chẳng qua dạo này tình trạng diễn ra thường xuyên hơn chút. Không đáng ngại, tôi đi xếp đồ đây."
Trần Thiên Phàm im lặng, tiếp tục thu dọn hành trang. Kết quả chưa tới nửa canh giờ lão lại nghe thấy một tiếng động nặng nề. Trần Thiên Phàm quay đầu, thấy bà Vệ ngã nhào xuống đất, bà cứ chật vật mãi dưới đất như thể quên cách bò dậy.
Trần Thiên Phàm chỉ mất chừng mười bước chân để đến cạnh bà nhưng bà vẫn chưa thể đứng lên. Bà Vệ nằm thẩn thơ tại chỗ, miệng vô thức ngâm nga điệu hát dân gian. Nhiệt độ xung quanh như giảm xuống, có mùi khai của nước tiểu quanh quẩn trong không khí.
Tiếng hát khản đặc váng vất giữa phòng, đem đến cảm giác thê lương thoang thoảng.
Trần Thiên Phàm cầm một mảnh xác yêu và cẩn thận đỡ bà Vệ dậy. Mấy hàng hoa văn đỏ máu quấn quanh trán bà. Trần Thiên Phàm lập tức kết trận, có điều lão đã phải hết giải cấm chế đến thi thuật rối sống suốt một ngày, hiện giờ là nỏ mạnh hết đà, mặt mày xám ngoét.
Bấy giờ bà Vệ mới sực tỉnh, há hốc mồm: "Đêm rồi, bọn trẻ vẫn ở bên ngoài hở?"
Dứt lời, bà lại như phát hiện ra điều gì, hai hàng nước mắt chậm rãi chảy xuống. Rồi bà lau sạch nước mắt.
"Phu tử, đây có phải cái các thầy gọi là 'bị trời ghét' đấy không?"
Trần Thiên Phàm bình tĩnh đáp: "Phải."
Bệnh nan y thường có một ranh giới. Chưa chạm đến giới hạn này thì trị liệu sẽ như làm ít công to, làm chơi ăn thật; song một khi đã vượt ranh giới thì cố thế nào cũng khó cứu được. Tiếc rằng mỗi người đều có một giới hạn riêng, không ai biết đâu mới là giới hạn chính xác.
"Tôi chỉ tạm thời chưa nghĩ ra cách giải khuyết bệnh khờ thôi." Trần Thiên Phàm lấy quần mới cho bà, giọng điệu vẫn bình đạm, "Đi trước đã, thể nào cũng có cách giải."
Ruột nát thì lão đổi cho bà ruột mới. Dạ dày có bướu thì lão làm dạ dày mới cho bà. Cứ thế lặp đi lặp lại thì dẫu là người trần cũng sẽ có cơ thể bất tử.
Nhưng nếu đầu óc hồ đồ thì sao?
Trần Thiên Phàm vắt não rất lâu mà vẫn không biết nên thay thế kiểu gì. Chứng bệnh này hơi khó trị, lão cần thêm thì giờ.
Nhưng thời gian như nước chảy, sẽ không vì ai mà chững lại.
Bà Vệ lảo đảo đứng dậy. Cơ thể bà như vừa rách ra một lỗ hổng nơi sức sống xói mòn không thể kiểm soát. Bà đưa tay ba bốn lần mà không tiếp được chiếc quần Trần Thiên Phàm đem đến. Cuối cùng nắm được trong tay, bà lại hoang mang nhìn nó, không hiểu vì sao mình lại muốn lấy thứ đồ lạ kỳ này. May sao còn dư kha khá xác yêu, Trần Thiên Phàm dùng một lần bốn, năm cái xác rồi lập trận lên hơn nửa khuôn mặt bà.
Bà lại tỉnh. Bà chạm lên dấu vết sần sùi trên khuôn mặt, không nói câu nào.
Trần Thiên Phàm khẽ thở ra, tiếp tục dọn hành lý. Bên cạnh lão, bà Vệ thay quần áo sạch rồi sửa soạn vật dụng hàng ngày. Xong xuôi bà lại ngồi vuốt ve nhánh hoa đào mình thêu.
"Phu tử còn nhớ ngày đầu mình gặp nhau không?"
"Không nhớ."
"Thầy nhớ vì sao tôi lại gọi thầy là 'phu tử' không?"
"Không nhớ."
"Không nhớ thì tốt." Nếp nhăn trên mặt bà nhíu chặt rồi giãn ra, không biết là vui mừng hay khổ sở. Bà cẩn thận vuốt phẳng nếp áo rồi cứ thế ngồi ngẩn ngơ. Không lâu sau bà mới định thần, nhẹ nhàng nói, "Đêm rồi, tôi đi nấu ấm trà đây."
Chiếc ấm nhỏ đặt trên bếp lửa, hương trà ngào ngạt khắp không gian.
Lại đợi thêm một lúc, có bốn người loạng choạng vào nhà. Thi Trọng Vũ bị thương nặng, cả ngoại thương lẫn nội thương. Diêm Thanh đỡ nàng, chân cậu ta đầm đìa máu, màu da khỏe mạnh đã thành trắng bệch.
Doãn Từ dìu Thời Kính Chi hiện đã hôn mê, y cũng là người duy nhất trong đám giữ được mặt mũi: "Tiền bối, chúng ta đã phá hủy bí điển. Hạt nhân pháp khí bị tổn hại nhưng hình xăm nguyền rủa trên xác cổ vẫn còn."
Trần Thiên Phàm: "Ừ, các ngươi đã tách rời được pháp khí, nơi đây sắp náo nhiệt rồi. Tuy hạt nhân vỡ vụn nhưng coi như công và tội bù đắp lẫn nhau, không phải chuyện lớn."
"Vậy trận phòng hộ..."
"Trận phòng hộ không chịu được bao lâu nữa, yêu khí từ bí điển chưa tan, bầy yêu sẽ không dễ rút lui đâu."
Trần Thiên Phàm bình thản vuốt râu.
"Các ngươi nhẫn nại thêm chút, lát chúng ta ngồi pháp khí rời khỏi, bầy yêu sẽ không cố chấp đuổi theo."
Sắc mặt Diêm Thanh hơi thay đổi: "Tô Tứ chưa về, nhỡ đâu..."
"Tình hình hiện giờ của chúng ta không ổn, muốn tìm cậu ta cũng không tìm được." Doãn Từ lắc đầu, "Tô Tứ có ngỗng yêu trông, bản thân cậu ta lại biết cách bảo vệ mình. Đợi đến nơi an toàn rồi tìm cậu ta cũng không muộn."
Diêm Thanh nhìn người bạn đồng hành đầy thương tích bên cạnh rồi gục đầu xuống, không nói được gì thêm. Phán đoán của Doãn Từ luôn rất lý trí, trong khi hành động của cậu ta lại không khác nào quấy rối vào thời khắc quan trọng, hành động ấy sẽ chỉ rước thêm phiền cho đối phương. Chưa cần lo cho ai, ngay bản thân cậu ta với chiếc chân bị thương này cũng sẽ không đi được bao xa.
Cậu ta vẫn nhớ kỹ chiến trận kim hỏa của Thời Kính Chi và kiếm thuật quái dị của Doãn Từ. Cậu ta biết trình độ giữa mình và họ như trời và vực.
Nếu cậu ta mạnh, phải chăng cậu ta sẽ không cần tạm bỏ rơi bạn bè?
Doãn Từ không quan tâm nỗi dằn vặt của Diêm Thanh, y đặt Thời Kính Chi lên pháp khí trước. Pháp khí là một vật giống thuyền gỗ, trước thuyền không có tiễn mã hay bất kỳ yêu quái nào, đuôi thuyền gắn hai hộp pháp trận phức tạp, cạnh hộp chất đầy xác yêu, bản thân hộp cũng thoang thoảng mùi hôi thối của xác chết.
Thuyền gỗ lơ lửng giữa không trung, pháp trận dưới thuyền lấp lóe, cho thấy nó đang trong quá trình khởi động.
Doãn Từ để Thời Kính Chi ở đuôi thuyền rồi đắp một chiếc áo dày cho hắn. Trần Thiên Phàm công khai đưa phù chắn họa cho Thi Trọng Vũ sắp hôn mê, sau đó lão âm thầm dúi một đôi cho Doãn Từ: "Như lời ngươi nói lúc giải phong ấn. Chúng ta còn một thỏa thuận phải không?"
"Ta biết tìm thân bất diệt ở đâu, cũng sẽ cho tiền bối một cái xác để nghiên cứu." Doãn Từ nhận phù chắn họa, mỉm cười, "Phiền tiền bối sớm loại bỏ trận pháp rối sống còn dư lại."
Hàng ria của Trần Thiên Phàm rung lên, lão ôm chặt sổ ghi chép trong lòng, ánh mắt ngời sáng: "Quyết định vậy đi."
Chừng nửa canh giờ sau, thuyền gỗ khởi động.
Trần Thiên Phàm dắt thuyền ra khỏi nhà, bầy yêu ngoài trận thấy vậy thì rục rịch. Người xưa có câu nhiều kiến cắn chết voi, tuy sự biến mất của bí điển làm chậm quá trình sụp đổ của trận phòng hộ, nhưng nó cũng không chịu nổi những đòn tấn công liên tục của bầy yêu, nó đã xuất hiện vết nứt.
Trần Thiên Phàm bước lên thuyền gỗ: "Đi nào, Tiểu Xuân."
Bà Vệ đến chỗ Doãn Từ: "Cậu bé, đây là túi gấm bình an cháu cần. Cháu cất kỹ, lên đường bình an."
Đường thêu trên túi gấm rất xinh đẹp và tỉ mỉ, hiển nhiên đã được làm bằng cả tấm lòng. Doãn Từ nói lời cảm ơn. Lúc ấy y chỉ lấy cớ để bà Vệ ra ngoài, chắc hẳn bà cũng hiểu. Nhưng bà vẫn khâu túi một cách nghiêm túc giống như cách bà bài trí chiếc khăn trải bài, cách bà thắt cành khô thành một đóa hoa nhỏ dù không ai thưởng thức.
Doãn Từ cảm thấy có điều gì đó bất thường trên khuôn mặt hiền từ của bà lão.
Bà Vệ dịu dàng nhìn y, hồi lâu quay đầu nói: "Phu tử, đây là túi đựng nồi bát, đây là túi đựng áo quần, còn đây là..."
Năm người đã ngồi trên gỗ, xung quanh họ là mười mấy túi hành trang căng phồng. Vậy mà bà Vệ vẫn chưa từ bỏ ý định, bà lại kéo một túi lớn lên: "Cái này đựng vật dụng thường ngày của phu tử đấy."
"Tha cho lão phu đi," Có tiếng nứt vỡ từ trận phòng hộ vọng về, Trần Thiên Phàm muốn sớm đi nên giọng điệu cũng gấp gáp, "Mất rồi thì mua, phiên phiến là được rồi."
Bà Vệ nhìn bầy yêu cách họ không xa: "Ừ."
"Đi lên đi, lát chúng ta sẽ bay ra ngoài theo hướng này. Sau đó..."
"Tôi không đi." Bà Vệ cười nói.
Trần Thiên Phàm im bặt, lão nhíu mày như thể vừa nghe một điều gì đó rất đỗi hoang đường: "Bà nói cái gì vậy Tiểu Xuân?"
"Phu tử mới dùng nguyên liệu quý hiếm trị cho tôi chưa được bao lâu thì tôi đã lại hồ đồ rồi... Bây giờ tôi còn tỉnh táo được chút, lát nữa sẽ lại nói mớ thôi."
Bà cười rất ôn hòa.
"Đa tạ phu tử cho tôi trộm của ông trời thêm ngần ấy năm, cho tôi cuộc sống yên bình hơn ba mươi năm tại chốn này... Người ta nói lá rụng về cội, bản thân tôi cũng muốn chết ở nhà."
Trần Thiên Phàm: "Việc gì rồi cũng sẽ có cách."
"Nếu trị được thầy đã bảo với tôi lâu rồi." Bà Vệ lắc đầu, "Không sao đâu, tôi không phải người quan trọng như chưởng môn, không cần giằng co với việc 'bị trời ghét'. Còn sống là còn khổ, chẳng thà ra đi một cách vẻ vang."
Trần Thiên Phàm yên lặng, hồi lâu lão thản nhiên hỏi: "Bà nghĩ kỹ chưa?"
"Nghĩ kỹ rồi."
Bà Vệ vô cùng bình tĩnh.
Thời Kính Chi chưa tỉnh, Thi Trọng Vũ ôm phù chắn họa nằm mê man, Diêm Thanh cũng rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh vì mất máu. Doãn Từ không nói gì, ánh mắt ẩn chứa nhiều suy nghĩ.
Không ai giữ bà, bà bởi vậy cũng thở phào nhẹ nhõm.
"Đi đi." Bà phất tay rồi xoay gót vào nhà.
Trần Thiên Phàm đã đánh giá thấp bà, Doãn Từ nghĩ. Bà liếc nhìn bầy yêu, khuôn mặt giăng kín pháp trận không gợn sóng, không chùn bước.
Trần Thiên Phàm nghiêm mặt khởi động thuyền. Chiếc thuyền gỗ chật chội nặng nề bay lên, chòng chành, nhìn là biết không chịu nổi gánh nặng. Trận phòng hộ cách đấy không xa chập chờn sắp tắt. Có lẽ Trần Thiên Phàm đã gạt phăng chuyện về bà Vệ sang một bên, lão tặc lưỡi: "Nặng quá không bay nổi, ném bớt đồ đi vậy."
Những người còn lại không có bao nhiêu đồ đạc, lời lão nói để cho chính mình nghe. Lão lạnh lùng lục lọi trong đống dụng cụ nghiên cứu trông không khác gì đống rác của mình, bới ra chiếc túi đựng nồi niêu bát đũa. Phong cách xếp đồ gọn gàng của bà Vệ giúp lão tiện bỏ đồ. Túi đồ rơi xuống tuyết, những tiếng vỡ vụn liên tiếp vang lên. Thuyền gỗ ổn định hơn nhưng vẫn chưa bay cao được.
Trần Thiên Phàm lại lấy túi quần áo sạch. Quần áo mềm mại rơi xuống đất chỉ phát ra một tiếng bịch nặng nề.
Thuyền bay cao hơn, nhưng chưa đủ.
Lão Trần hít sâu, lần này cởi đến chiếc túi đựng "vật dụng thường ngày". Lão nhìn vào bên trong túi một lúc, sau đó mở phanh miệng túi và dốc ngược xuống sàn. Nhất thời nào ấm nào hộp trà với đủ loại kiểu dáng nằm lăn lóc.
Không có vật nào đáng giá, tất cả chỉ là những vật dụng bên lề. Định thần, lão giũ túi mạnh hơn. Trong dòng vật phẩm hỗn độn, một chén trà dính bụi tuột khỏi túi, rơi xuống đất.
Trần Thiên Phàm đỡ lấy nó theo phản xạ.
Doãn Từ nhớ chén trà này – hằng đêm, bà Vệ đều kiên trì rót cho Trần Thiên Phàm một chén trà, và kia chính là chén uống trà của lão.
Bàn tay lão run lên như bị chén trà làm bỏng nhưng những ngón tay lão lại chẳng chịu buông. Lão cứ nắm chặt chiếc chén, đờ ra, trầm ngâm.
Ngay sau đó Trần Thiên Phàm lạnh lùng thi thuật. "Ta phải loại bỏ tạp niệm nên không rảnh ghi chép. Lát nữa nhờ Doãn tiểu huynh đệ kể rõ tình hình bên dưới cho ta."
Trần Thiên Phàm quả xứng danh đại sư, động tác thi thuật của lão nhuần nhuyễn và chính xác. Thế nhưng pháp thuật chợt dừng. Trần Thiên Phàm thất bại.
"Tiền bối?"
"... Nhỏ lẻ quá." Lão Trần có vẻ hoang mang, "Nhỏ lẻ quá, thế này thì phải xóa làm sao?"
Giữa lão và Vệ Xuân không có nổi sự kiện nào to tát. Lúc mới gặp nhau cũng có một vài chuyện đặc biệt, nhưng lão đã quên bằng sạch. Từ đó về sau, mỗi ngày họ chỉ tiếp xúc với nhau đôi ba canh giờ, nói một hai câu giao tiếp thông dụng.
Thêm một bát cơm nóng, một chén trà nóng, ngoài ra không còn gì khác.
Trừ những lúc chữa bệnh ra thì cùng lắm là Trần Thiên Phàm cho bà mấy đóa hoa yêu, để bà nhuộm chỉ thêu thùa.
Càng nghĩ, lão càng không thấy giữa họ có gì đặc biệt. Chẳng qua ba mươi năm kéo theo vô vàn mảnh vụn ký ức li ti khiến lão không tài nào xóa bỏ được, lão không biết nếu bất chấp loại bỏ chúng thì lão sẽ còn lại cái gì.
Trần Thiên Phàm cúi đầu nhìn mái nhà rách nát lão đã ở suốt ba mươi năm bên dưới. Lão nhớ từng xó xỉnh của nó. Ở đó, nửa nhà lộn xộn, nửa nhà gọn gàng và ấm áp, hai bên tách biệt nhau một cách rạch ròi.
Chẳng lẽ họ không nên rạch ròi à? Không thể nào chứ.
Đa phần bệnh tật nhân gian đều như vậy. Bình thường mi sẽ không phát hiện ra, để rồi đến khi thấy đau thì nhất định sẽ đau đằng đẵng.
Trần Thiên Phàm lắc đầu, lão bỗng bật cười. Giữa tiếng trận phòng hộ nứt vỡ, lão cất giọng bình thản dù không biết đang nói với ai.
"Hay thật, lão phu thay được ruột gan lòng mề cho người sống, vứt bỏ được sóng gió đời người mà lại chẳng thể ném một cái chén."
Nói đoạn lão nhìn Diêm Thanh đang ôm chặt kiếm Từ Bi, sực nhớ ra nhiều năm về trước, lão từng bị thanh kiếm này đánh bay.
Bấy giờ lão đã nghĩ, chắc lão không hợp làm hòa thượng.
Giờ lão lại nghĩ, chắc lão cũng không hợp làm tiên.
Sau thời gian uống cạn một chung trà, Trần Thiên Phàm thở dài đánh thượt.
"Cứ vậy đi, Doãn tiểu huynh đệ." Lão chỉnh ria mép, nói bằng giọng ủ rũ, "Tự dưng lão phu không thấy hứng thú với thân xác bất diệt gì lắm."
"Bạn bè cậu không khỏe, cần tìm chỗ an toàn cho chúng nghỉ ngơi. Cậu không biết thuật pháp cũng không sao, pháp trận sẽ tự động tiêu hao xác yêu, cậu để ý phương hướng là được... Sổ ghi chép của lão phu... cậu giao lại cho sư phụ cậu đi, vất vả mãi mới tích góp được ngần ấy, để lãng phí thì tiếc lắm."
Trần Thiên Phàm vẫn trưng ra ngữ khí trào phúng thường lệ.
Dù biết rộng hiểu nhiều thì Doãn Từ cũng phải ngẩn ngơ giây lát: "Tiền bối định..."
Trần Thiên Phàm lắc đầu, đoạn lấy ôm chén trà. Lão nhìn kỹ vào mắt Doãn Từ rồi cười nói.
"Dù có thân xác bất diệt thì lão phu cũng không phải nhân tài có thể dứt bỏ tình cảm và dục vọng. Trời sinh đã không hợp thì miễn cưỡng làm gì."
"Cứ vậy đi."
Lão nói.
"Cứ thế này cũng tốt."
Doãn Từ chưa kịp trả lời, Trần Thiên Phàm đã vịn mép thuyền nhảy xuống. Bớt đi một người, thân thuyền lập tức rung lên rồi phóng thẳng vào giữa không trung.
Sau khi tiếp đất, Trần Thiên Phàm chắp hai tay sau lưng và thong thả vào nhà.
"Đêm chưa hết, châm thêm chén trà đi."
Trận phòng hộ vỡ, bầy yêu - mang theo yêu khí còn dư của bí điển - ập tới. Một thuật pháp được khởi động dưới trời sao. Nó hút sạch lũ yêu quái dám xâm nhập vào nhà rồi duỗi mình, nhổ chồi và nở rộ thành một chuỗi những đóa hoa rực rỡ.
Một cây đào lặng lẽ trổ bông giữa tuyết băng phương bắc nửa canh giờ.
Cuối cùng tan biến giữa hư vô.