____________
Ai đó hôm qua mới mệt lử người hôm nay lại dậy sớm.
Giờ dần đã đến, Thời Kính Chi trở mình mấy lần bên cạnh Doãn Từ rồi dùng dằng gượng dậy. Nào ngờ tên học trò cao thủ của hắn cũng không dính giường như mọi khi mà chui tuột khỏi chăn theo sau hắn, nhanh nhẹn như bóc vỏ lạc.
Không có bóng dáng Diêm Thanh trong phòng. Từ khi được giao kiếm pháp Ngọc Khánh và kiếm Từ Bi, Diêm Thanh như thể bị ai đó cột dây pháo ra sau đầu và hẳn nó sẽ nổ mỗi lần cậu ta biếng nhác. Thành ra giờ này chỉ còn mình Tô Tứ là nằm dạng háng trên đệm, cộng thêm Bạch gia trắng bóc đè lên ngực hắn.
Thời Kính Chi đá đá chăn, đắp lại phần tay chân lộ ra ngoài cho Tô Tứ. Sau đó hắn kéo cậu học trò còn lim dim buồn ngủ ra ngoài sảnh.
Người già ngủ ít, lúc họ ra thì bà Vệ đã lúi húi trong phòng khách. Ngoài cửa sổ sắc trời chưa rạng, ánh tuyết khiến bầu trời mờ mờ một mảng xanh lam êm dịu.
Không biết lão Trần chưa ngủ hay đã dậy sớm, chỉ biết lão vẫn dính chặt trước bàn để nghiên cứu con đường thành tiên của lão.
"Cậu bé mắt đỏ ra ngoài luyện kiếm rồi."
à Vệ vừa cười vừa đun nước nấu canh. Canh trong nồi là cùng một loại với món hôm qua họ được chiêu đãi, mùi giống hệt, không biết có thả thêm muối hay không.
Thời Kính Chi liếc nhìn Trần Thiên Phàm. Lão dầu gì cũng xuất thân từ chùa Kiến Trần, còn từng bị kiếm Từ Bi hành hung nên chắc chắn sẽ không có chuyện không nhận ra nó. Tuy nhiên thấy hậu duệ nhà họ Diêm khuân kiếm ra cửa, lòng lão lại vững như núi Thái Sơn, bình thản và nhàn nhã, không hề tỏ vẻ bàng hoàng
Phải nói rằng tâm lão rất chan hòa.
Chắc đã cảm giác được hành động nhòm ngó của Thời Kính Chi nhưng lão Trần không buồn nhấc mắt: "Hôm nay ta sẽ dẫn nha đầu kia đi kiếm vật liệu, các ngươi cũng cần góp sức, bảo tiểu tử mặt xác chết theo ta. Còn ngươi, cứ ở đây nghĩ kỹ xem bản thân muốn rũ bỏ ký ức hay đánh cược mạng mình."
Thời Kính Chi lập tức quyết định: "Ta cũng đi."
Cuối cùng lão Trần cũng nhìn hắn: "Ngươi đi làm gì? Rảnh quá hả? Lão phu cần một trong số các ngươi là đủ, nhiều hơn ta thấy phiền."
"Tiên sinh thạo xem bệnh mà giải quyết cũng dứt khoát gọn gàng. Chẩn bệnh không giống người trong giang hồ, lại không thu thù lao gì kỳ lạ. Kỳ thực vãn bối còn một chứng bệnh lạ, muốn nhờ tiên sinh xem giúp."
"Tiểu tử ngươi tài thật, có thế thôi cũng nhịn không nói hết cả ngày. Được thôi, đúng là lão phu ghét thể loại nói một tràng một loạt yêu cầu, lại đây đi."
Nửa nén hương sau.
"Không trị được không trị được, hoặc chờ kỳ ngộ, hoặc chờ chết." Trần Thiên Phàm tuyên bố.
Thời Kính Chi, Doãn Từ: "..."
Trần Thiên Phàm lườm: "Làm sao? Đây là bệnh hiểm nghèo trời sinh. Ta già thế này rồi, có cầu gì cũng cầu thành tiên thôi chứ ai đi vùi đầu nghiên cứu bệnh bẩm sinh của người khác hả? Nhưng bệnh của ngươi quái dị quá, e rằng cả Trung Nguyên cũng không ai giải thích được."
Thời Kính Chi vốn không ôm nhiều hy vọng nên hiển nhiên không thất vọng: "Tiền bối tinh tường. Đúng là bệnh này quái lạ, nên vãn bối mới muốn tìm thị nhục thử xem sao."
Thời Kính Chi không làm ồn, không gây khó dễ, thành ra Trần Thiên Phàm cũng trả lời bằng thái độ ôn hòa: "À, cũng coi như một cách. Lão phu khá hứng thú với thị nhục, tiếc rằng già rồi tranh không lại người trẻ tuổi."
Nói đoạn lão để lộ vẻ mặt tiếc nuối: "Chỉ còn thọ được nửa năm à... Đáng tiếc, sức sống dồi dào thế này rõ ràng là nguyên liệu tốt để làm phép."
"Tiền bối quá khen. Không dám giấu gì tiền bối, vãn bối muốn theo tiền bối ra ngoài cũng có ý học tập..."
Lão Trần chắp tay sau lưng, trở lại trước bàn và tiếp tục mày mò xác yêu: "Ta không khen ngươi, ta bảo thể chất ngươi tốt, hợp dùng chế tạo pháp khí pháp trận các kiểu kìa."
Thời Kính Chi: "..."
Thì ra là "nguyên liệu" nghĩa đen thật.
Hóa ra lão già này không thương thay cho một thiên tài chết yểu, mà tiếc vì hắn không chết ở đây để cho lão ta còn lột da lóc xương ra nghiên cứu.
Thời Kính Chi lùi phắt về sau hai bước, nấp nửa người sau lưng học trò, giọng lễ phép đã có xu hướng ngả nghiêng: "... Vãn bối vẫn muốn đi cùng."
Lão Trần nhìn hắn một lượt từ trên xuống dưới, bộ râu không dài không ngắn của lão rung lên, giọng hiền từ hơn chút ít: "Được."
Thời Kính Chi nghi ngờ sự hiền từ của lão không phải dành cho hắn, mà là đối với xác thịt của hắn. Có lẽ lão đã nghĩ đường nào cũng không có được nguyên liệu quý hiếm, thôi thì để gần ngắm nghía cho đỡ thèm. May còn có cái danh chùa Kiến Trần bảo lãnh, chắc Trần Thiên Phàm không đến nỗi là một tay giết người đoạt xác, nghĩ vậy thì Thời Kính Chi mới thoáng yên lòng.
Canh sáng hôm nay có bỏ muối, vị ngon một cách đáng ngạc nhiên.
Sau bữa ăn, bà Vệ vừa thêu thùa như thường lệ, vừa ngâm nga một điệu hát dân gian tục tằn không biết học được từ đâu: "Gió tình tang lay qua đào mướt, nước sông xuân tĩnh lặng như tờ, nhà ai rộn ràng xuân sắc..."
Tiếng phổ thông của bà không chuẩn nhưng bà hát bài này chính xác vô cùng. Dù giọng là giọng người già nhưng vẫn dịu dàng, đúng âm đúng điệu, còn nhấn nhá những âm kéo dài đầy lưu luyến như thể thổi vào đất bắc hơi nước Giang Nam.
Mỗi tội chẳng khác đàn gảy tai trâu, Trần Thiên Phàm không buồn thưởng thức. Cầm theo đồ ăn bà Vệ chuẩn bị, lão biến bản thân thành móc treo quần áo rồi khệnh khạng bước ra ngoài mà không thèm nói tiếng nào.
Đoàn người đi giữa trời tuyết đọng không quá bắp chân, Trần Thiên Phàm dẫn đầu, tốc độ cả đoàn tương đối thong thả.
Doãn Từ im lặng suốt đường đi. Y đã nhẫn nhịn không để ý đến sự hào hứng của Thời Kính Chi mà vẫn chưa nghĩ ra phải làm sao để nhúng tay vào chuyện của hắn một cách hòa hảo. Thương thay cho y mấy trăm năm rồi chưa từng làm cha, để đến giờ mới được trải nghiệm cảm giác luống cuống thế này.
Tuy xưa kia y cũng nhặt Tôn Hoài Cẩn về, nhưng bấy giờ Tôn Hoài Cẩn mới mười một, mười hai. So sánh với tình huống hiện giờ Doãn Từ cứ cảm thấy không giống nhau ở đâu đấy...
Thời Kính Chi không thật sự "dựa dẫm" vào y.
Tôn Hoài Cẩn hoàn toàn là người trần mắt thịt nên sẽ cần y dạy bảo từng bước. Còn nhóc câm lại không thật sự nhận y làm cha, mà Thời Kính Chi cũng không cần y chăm sóc lắm... hắn là kẻ linh hoạt và sẽ làm việc hiệu quả một khi các điều kiện của hắn được đáp ứng. Dù vẫn hay tự gây thương tích cho mình thì hắn vẫn có giới hạn, sẽ không làm tổn hại đến tính mạng bản thân.
Tâm ma sinh ra từ cõi tục, trong khi hiểu biết của Thời Kính Chi về tình cảm thế gian lại phát triển quá nhanh.
Còn Doãn Từ, bẩm sinh y đã không biết cư xử với người khác bằng cung cách dịu dàng, kể cả lúc xót ruột vì hắn bị thương thì hành xử của y vẫn có tính cưỡng ép.
Dám chắc Thời Kính Chi tiếp nhận thái độ ấy không phải vì hắn thiếu quyết đoán, mà đơn giản là vì hắn không muốn họ xảy ra mâu thuẫn.
Không biết rốt cuộc là ai chăm sóc cho ai, Doãn Từ càng nghĩ càng nản chí.
Chuyện nhỏ cũng thôi đi, đây nếu y bắt Thời Kính Chi phải đưa ra quyết định theo ý mình vào thời khắc quan trọng thế này, thì có lẽ tình nghĩa vất vả gom được giữa hai người đến đây là chấm dứt.
Những u ám và hỗn loạn trong tay trở nên ấm áp đầy sống động, khiến cho Doãn ma đầu chẳng thể vung đao, quả là đau đầu bể óc.
Trên thực tế, người trăn trở không chỉ có Doãn Từ. Thi Trọng Vũ mải lo nghĩ cho sư môn nên ba hồn bảy vía cũng bay đi quá nửa, đầu gối gần như cứng ngắc. Thời Kính Chi đứng chót đội ngũ, khổ không sao tả nổi.
Rõ ràng mình mới là người phải đối diện với lựa chọn sinh tử, thế mà giờ lại phải hóa thân làm thợ xua xác – xua hai thi thể xinh đẹp tiến về phía trước. Cộng thêm cả lão Trần nín thinh là hắn trông sao cũng giống người bừng bừng sức sống nhất đoàn.
Mỗi tội sức sống của Thời Kính Chi không tồn tại được lâu.
Mặt trời mới nhú, sắc trời trong xanh, cảnh tuyết chẳng khác gì tiên cảnh. Đáng tiếc Trần Thiên Phàm luôn giữ vị trí u ám nhất đường, đoàn người càng đi càng lặng ngắt, gió rét mỗi lúc một âm u. Bầu không khí dần nhuốm màu ma quái, cơn rét lạnh thấm sâu vào xương cốt mỗi người.
Lão Trần dừng chân trước một dòng sông băng.
Đụn tuyết trắng xóa trước sông băng đang dần vùi sâu một con hươu chết. Hươu có vẻ già, chắc đã chết vì đông cứng. Xác nó ẩn trong tuyết nên còn khá nguyên vẹn, xung quanh không có vết máu.
Trên sừng hươu mọc vô số bướu thịt tròn quá dị, đoán chừng đây là một con yêu quái hươu chưa hóa hình triệt để.
Trần Thiên Phàm lầm bầm gì đấy rồi lấy sổ ghi chép ra đánh dấu: "Hôm nay sẽ dùng cái này chỉ dẫn."
Ban đầu nghe bảo đi tìm nguyên liệu nên Thời Kính Chi cho rằng họ sẽ cần bắt yêu quái, mà đã là bắt yêu quái thì chỗ nào khó ta cứ dùng kinh nghiệm bù vào. Nhưng giờ, đối mặt với một con hươu chết, hắn đờ người ra: "Chỉ dẫn?"
Trần Thiên Phàm mỉm cười: "Cái khó khi làm bùa chú ta xử lí nhờ kinh nghiệm là xong. Nhưng cái khó khi tìm nguyên liệu thì thanh niên các ngươi cũng phải góp sức. Đừng mở miệng bừa bãi, im lặng quan sát là được. Xác yêu lớn thế này không dễ tìm đâu, đừng bỏ lỡ cơ hội nào, lát nữa các ngươi chăm chỉ làm việc cho ta."
Ba người còn lại đứng nghiêm chỉnh tại chỗ.
Trước hết, Trần Thiên Phàm rắc hoa quả khô được nhuộm màu đỏ đen xuống xác hươu. Tiếp theo, lão dùng tuyết sắc một nồi thuốc đặc, lấy xác hươu làm trung tâm, lão rải số nước thuốc thành thành một hình vẽ màu đỏ thẫm. Sau khi tiếp xúc với tuyết, chất lỏng màu máu không chìm vào tuyết mà ngưng tụ thành những dấu vết rõ ràng.
Trần Thiên Phàm tiếp tục lặp đi lặp lại bức tranh tỉ mỉ của mình với bước chân nhẹ nhàng, không hề làm nhòe vết thuốc.
Khi pháp trận hoàn thành, người ta có thể thấy được sự cầu kỳ đến độ hoa mắt – không khác pháp trận trên tay bà Vệ – của nó.
Không rõ điều này được gây ra bởi ảo giác hay thứ gì đó khác, mà Thời Kính Chi cứ cảm giác cái xác hươu nọ có vẻ tươi hơn, không cứng đờ như ban nãy, thậm chí còn tỏa nhiệt như mới chết không lâu.
Trần Thiên Phàm hì hục một hồi thì lấy ra bốn nén hương to lớn màu nâu sẫm và đâm xuyên mắt con hươu. Đoạn lão châm lửa, lửa bén vào đầu hương, khói đen không lượn lờ theo gió mà hướng thẳng tắp lên cao khiến người xem dựng ngược tóc gáy.
Thời Kính Chi hít sâu, hàm răng ê buốt. Nhìn từ góc độ nào thì cái thứ quái này cũng giống tà thuật hơn là tiên thuật.
"Xong."
Trần Thiên Phàm nhảy khỏi pháp trận. Lão giũ bọc vải, một lọ thuốc bẩn thỉu rơi xuống, lão lại dốc bốn viên thuốc ra tay mỗi người, bất chấp cái tay dính đầy tro hương của mình.
Mấy viên thuốc này bốc lên một mùi chua thối đến độ gay mũi và có vẻ ngoài bóng loáng một cách khả nghi.
Lão Trần chẳng quan tâm, tự nuốt một viên trước, còn nhai rôm rốp.
Thời Kính Chi kiềm chế tiếng kêu gào thảm thiết. Ban đầu hắn vẫn nuôi hy vọng rằng thuốc ngửi ghê thôi chứ vị sẽ không tệ quá. Nào ngờ nó vừa chạm vào đầu lưỡi, vị gì như bùn nhão, vừa đắng chát vừa dớp dính đã xâm chiếm vị giác của hắn.
Hắn phải nhồi hai nắm tuyết vào miệng thì mới tạm trung hòa được hương vị quái đản kia. Ngay cả Thi Trọng Vũ cũng méo mặt, mỗi Doãn Từ là vẫn mất tập trung cho được.
"Cái đấy gọi là tức đan (tức = hơi thở). Về lý thuyết chúng ta sẽ cần nhịn thở trong thời gian dài, nhưng dám chắc đám trẻ con các ngươi không chịu được lâu... Trong trường hợp ấy, loại đan này có thể giảm nhẹ hô hấp. Nhớ là đừng gây ồn ào, không được thở dốc."
Thời Kính Chi hỏi nhỏ: "Tiền bối có thể nín thở trong thời gian dài ạ?"
"Dĩ nhiên rồi."
"Thế thuốc này..."
"Chắc để được dăm ba năm rồi, mà cũng chẳng sao đâu."
Thời Kính Chi khóc không ra nước mắt.
Đúng lúc đó, hương cắm mắt hươu chợt sáng bừng. Khói đen đột ngột đổi hướng, toàn bộ đều chỉ về phía dòng sông băng cách họ không xa như thể bốn sợi dây được kéo căng hết cỡ.
"Bí điển về thuật pháp của nữ vương Mật Lam đến rồi kìa." Trần Thiên Phàm nói, "Lát nữa các ngươi nghe ta chỉ đạo, đừng bộp chộp... Nhất là tiểu tử mắt hồ ly, nội lực của ngươi quá mạnh, nếu làm bí điển bị thương nặng thì sẽ trở thành kẻ địch của toàn bộ tông Mật Sơn đấy."
Doãn Từ ngạc nhiên: "Bí điển?"
Y từng nghe nhắc tới thứ này. Theo cách gọi của người tông Mật Sơn, bí điển là thứ ghi chép một số thuật pháp cao siêu và phức tạp. Bản thân bí điển cũng tương đối nguy hiểm, nếu không thật sự cần kíp thì người trong tông sẽ không muốn đụng chạm vào.
Doãn Từ không biết triển khai thuật pháp, cao nhân tông Mật Sơn thì chuyên nghiên cứu một loại thuật cố định hơn, rất hiếm người sẵn lòng tập trung mày mò bí điển. Vậy nên y đành bỏ qua manh mối này để điều tra các thuật pháp có sẵn trong tông Mật Sơn.
Ai ngờ hôm nay chó ngáp phải ruồi thế nào lại gặp trúng nó.
Mỗi tội việc bí điển không được cất giữ ở một vị trí cơ mật nào đấy thì hơi chệch ra khỏi dự đoán của y.
Mọi người nhẩm tính thời gian, cuối cùng bốn nén hương cũng tàn.
Bấy giờ, không cần Trần Thiên Phàm giải thích dư thừa, Doãn Từ cũng hiểu vì sao không cất được "bí điển", đồng thời biết rõ đâu là chỗ nguy hiểm của nó...
Một đội ngũ quy mô trung bình đang ồ ạt kéo tới.
Thành phần chủ yếu của đội ngũ là các loại trùng yêu, chuột yêu có hình thù quái lạ xen lẫn mấy trăm con yêu quái kích cỡ to hơn. Lũ yêu vật di chuyển với hàng ngũ ngay ngắn như cảnh đưa ma ở dân gian.
Điểm đặc biệt là, chúng bao quanh một con... quái vật cao năm, sáu trượng.
Xem xét hình thể thì con quái vật này có dạng đàn bà, nhưng không phải một cơ thể hoàn chỉnh mà là tập hợp của vô số thi thể trần truồng. Tương tự, đầu ả được tạo thành bởi hàng nghìn cái đầu, những khuôn mặt đan xen chằng chịt trông như vật thể trồi ra từ ác mộng.
Thi thể không rữa, không phình trướng, không có mùi lạ. Trên lớp da trắng ởn của chúng là chi chít những chữ viết màu đỏ sậm hệt một đám sâu bò lúc nhúc, không khác gì vật sống.
Quái vật lết theo đội hình bằng tư thế quỳ. Tiếp theo, đống đầu người trên "đầu" quái vật chen chúc, để lộ một kẽ hở chính giữa. Quái vật dùng cánh tay khổng lồ của mình bốc xác hươu yêu lên rồi nhét vào kẽ hở nọ.
Sau khi thong thả nhai xong, nó nhổ một đống xương vụn xuống, đám tiểu yêu xung quanh liền thi nhau đánh chén đống xương.
"Đây là bí điển của nữ vương Mật Lam. Đám xác cổ trên mình bí điển là nguyên liệu không thể thiếu để làm bùa chắn họa. Thuật pháp sử dụng xác cổ này là phiên bản của một mình nữ vương: bà ta nhảy xuống sông băng, dùng thân xác mình làm nhân dựa theo kiến thức và kinh nghiệm cả đời rèn luyện được, để rồi tạo ra pháp khí độc ác nhất Mật Lam.
Trần Thiên Phàm khẽ giải thích.
"Tài nguyên khoáng sản ở đây rất dồi dào, chẳng qua sau hai trăm năm, người dân Mật Lam đã di cư toàn bộ, mỗi tông Mật Sơn có sở trường về thuật pháp là còn trụ lại. Đám nhóc này, tông Mật Sơn không bao giờ tập trung cùng một chỗ là có nguyên nhân cả đấy."
"Hai trăm năm trước, bất kể là người hay động vật tụ tập lại thì cũng đều thu hút bầy yêu quái dẫn pháp khí. Pháp khí sẽ chiếm đoạt sức sống của người có tinh khí mạnh nhất nhằm duy trì trạng thái hoạt động, sau đấy yêu vật lo xử phần bã, hai bên cộng sinh. Ban đầu, nó không tên là bí điển mà được gọi là 'đội đưa tang của Nữ vương' mới đúng."