“Tiểu Dục anh về rồi…”. Hình Khải gọi khẽ, rón rén đi vào phòng khách.
Trước mặt đồng nghiệp và cấp trên anh luôn tỏ ra chững chạc nhanh nhẹn, nhưng vừa về đến nhà, anh lập tức ném chiếc mặt nạ nghiêm túc xuống, chỉ muốn trở lại làm con người lười biếng và hay cáu kỉnh trước kia.
Nhưng Hình Khải gọi mấy tiếng vẫn không thấy Hình Dục trả lời, anh có thể chắc chắn Hình Dục ở nhà, bởi vì trong bếp đang hầm một nồi canh xương thơm phức, anh chỉ là không nói cho Hình Dục biết buổi chiều mình sẽ về mà thôi.
Hình Khải thấy cửa phòng ngủ của Hình Dục đóng chặt, cười gian tà, lén lén lút lút quay nắm đấm cửa, đúng như anh nghĩ, nha đầu này không khóa cửa, đột nhiên, anh đẩy mạnh cửa, cùng lúc hét lên dọa Hình Dục: “Á…” Tiếng hét kinh dị!
Vớ vẩn, không có trong phòng.
Hình Khải xụ vai xuống, nhìn quanh căn phòng sạch sẽ tinh tươm một lượt, hít một hơi thật sâu, cảm giác được về nhà thật tuyệt.
Anh tiện tay đặt bó hoa hồng lên bàn, không để ý đến cốc nước trên đó, khiến chiếc cốc bị nghiêng đổ xuống bàn, Hình Khải kinh ngạc nhìn nước trong cốc từ mặt bàn chảy xuống kẽ hở của ngăn kéo, thế là, anh vừa dùng khăn mặt chặn dòng nước lại, vừa luống cuống kéo mạnh tay nắm ngăn kéo, có lẽ anh đã dùng sức hơi mạnh, khiến chiếc ngăn kéo ở giữa vốn bị khóa, lại bị anh giật tới mức bật cả khóa bung ra, sức nặng đột ngột vượt qua cả sức chịu đựng của anh, “rầm” một tiếng, cả cái ngăn kéo văng ra đất.
Hình Khải nhìn một đống đồ lặt vặt vãi tung dưới nền, vò vò tóc, làm thế nào bây giờ. À! Lau khô bàn, nhanh chóng thu dọn, đẩy ngăn kéo vào, đóng cửa phòng lại, coi như chưa có chuyện gì xảy ra!
Nghĩ đến đây, anh rón rén như một tên trộm, lau khô bàn và ghế, ngồi xổm dưới nền thu dọn đồ đạc vương vãi.
Đầu tiên anh nhìn thấy hai tờ chứng nhận liệt sĩ, nhưng anh lại liên tưởng tới một việc khác: ngày trước khi anh ghét Hình Dục, vì vậy mới vứt đôi giày thể thao màu trắng mà Hình Dục yêu quý đi. Nhưng sau này, khi anh biết đó là món quà cuối cùng mà bố mẹ Hình Dục tặng cho cô, anh lại cảm thấy tội lỗi vô cùng, để chuộc tội, anh đã đi khắp cả Bắc Kinh, mới mua được một đôi giày trắng giống như đôi giày ấy. Để khiến nó trông như đôi giày cũ, anh còn cố ý lau đi lau lại cho nó sờn cũ, rồi lẳng lặng đặt lại vào phòng Hình Dục.
Lần đó, cũng là lần đầu tiên anh vào phòng ngủ của Hình Dục. Khi ấy Hình Dục không có nhà, anh vì tò mò, mới lật xem những đồ trong ngăn kéo của cô, lần đầu tiên biết tên thật của Hình Dục là “An Diêu”, được ghép từ họ của bố và mẹ. Sau đó, đúng lúc ấy Hình Dục về đến nhà, nên anh không tìm được tin tức đáng giá nào từ ngăn kéo nữa.
Có điều hôm nay… ha ha, dù sao cũng sẽ bị mắng, sao không thử đào bới nó một lần?
Hình Khải quỳ trước ngăn kéo, kéo mấy quyển sổ phía trên ra, lại một lần nữa nhìn thấy cái hộp gỗ bị khóa.
Anh lấy chiếc hộp ra lắc lắc, rất nặng. Anh lại nhìn thấy cấu tạo của ổ khóa, là một kiểu khóa móc đơn giản.
Hình Khải sờ sờ cằm, khóa móc thuộc loại khóa dễ mở nhất, chỉ cần uốn một sợi théo nhỏ lại tạo thành cái móc, thò vào trong lỗ khóa, khẽ gạt một hai cái, là sẽ mở được ngay. (Khi còn ở trường quân sự, anh và đám bạn quỷ đói trong ký túc xá thường xuyên dùng cách mở khóa này để lấy trộm bánh bao trong bếp).
Hình Khải có dự cảm, trong chiếc hộp nhất định giấu bí mật liên quan tới Hình Dục…
… Suy nghĩ không bằng hành động! Mở rồi nói sau!
Hình khải nhanh chóng tìm được một sợi thép trong hộp dụng cụ, vừa lấm la lấm lét nhìn quanh đề phòng Hình Dục về đột ngột, một mặt bắt đầu mở khóa… cạch một tiếng, không đến hai ba lần hất lật, chiếc hộp dễ dàng được mở ra.
Anh mở hộp, thấy một quyển sổ dày kiểu cũ, bìa da màu đỏ, kiểu sổ này rất thịnh hành ở đầu những năm bảy mươi, bình thường được dùng làm phần thưởng cho học sinh hoặc là sổ ghi chép của người lao động. Thấy vỏ bọc bên ngoài cũ kĩ của nó, ít nhất cũng hơn mười lăm năm rồi.
Hình Khải cẩn thận mở trang đầu tiên ra:
“Cho tới tận khi cuộc sống kết thúc mới dừng việc ghi chép này” – An Diêu, ngày 18 tháng 7 năm 1990, sinh nhật năm mười tuổi.
Hình Khải đột nhiên cười ngất, ngồi dựa vào thành giường, mới mấy tuổi đầu mà đã lắm tâm tư thế cơ đấy.