Nhà bà Hoài ở ngay sát vách ngôi biệt thự ấy nhưng chưa lần nào bà bắt gặp chủ của nó cả, bà nghĩ có lẽ người giàu họ chỉ xây cho vui thôi chứ ai lại muốn đến cái nơi nghèo rớt mồng tơi này sinh sống. Thế nhưng sáng sớm hôm nay, khi bà xách làn chuẩn bị đi chợ lại thấy người xe tấp nập trước cổng lớn nhà họ. Sẵn tính tò mò bà đánh bạo đi về phía đó.
Trước cửa nhà họ Hoàng đậu mấy chiếc xế hộp sang trọng đấy là thứ bà chỉ từng nghe kể chứ chưa tận mắt thấy bao giờ. Có rất nhiều người cả nam lẫn nữ đều đang bận rộn khuân vác đồ đạc từ trên xe xuống, chẳng ai để tâm đến sự xuất hiện của một người lạ như bà.
Bỗng, cửa chiếc xe đậu chính giữa đột ngột được mở ra, từ trong xe bước xuống một người. Đó là lần đầu tiên bà gặp mặt Cẩm Tú - bà ba nhà họ Hoàng.
Phải nói dung mạo vợ lẽ của lão Hoàng cũng là người được lão thương yêu chiều chuộng nhất chắc chắn không tầm thường. Cẩm Tú mới độ hai mươi, tuổi xuân mơn mởn, gương mặt lại như hoa như ngọc chỉ cần một ánh mắt thôi cũng có thể khiến bất cứ gã đàn ông nào đổ gục dưới chân cô. Khó trách lão Hoàng dù tiêu tốn ngàn vàng cũng phải xây lầu ngọc đổi lấy nụ cười mỹ nhân.
Hôm nay Cẩm Tú chỉ mặc một bộ bà ba đơn giản, tóc vấn ra sau đầu nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi phong thái quý phái của mình. Cô đưa mắt nhìn ngôi biệt thự to lớn khẽ nở nụ cười hài lòng. Bà Hoài biết mình nhiều chuyện đang định rời đi thì bị gọi lại:
"Này, chị gì ơi!"
Bà giật thót quay người lại thì thấy Cẩm Tú đang vẫy tay với mình, cô mỉm cười thân thiện bước về phía bà.
"Chị ơi, chị là người làng này ạ?"
Bà Hoài nhanh miệng đáp:
"Vâng, nhà tôi ở ngay kia. Hôm nay thấy nhiều người quá nên tôi định sang xem có giúp được gì không ấy mà."
Đối với người quyền quý trước mắt bà Hoài có phần e dè, cũng phải thôi những người đó luôn tự cho mình là cao quý ghét nhất là phải tiếp xúc với lũ dân đen như bà. Đang định qua loa cho xong chuyện thì lại nghe Cẩm Tú nói tiếp:
"Vậy là hàng xóm rồi, nếu chị không ngại thì vào nhà em uống chén nước đã rồi hẵng về. Cũng coi như là làm quen luôn, sau này ở đây chị em có gì còn tiện đường giúp đỡ."
Thấy cô niềm nở lại còn lễ phép ấn tượng của bà Hoài về người hàng xóm này lại càng tốt hơn. Thêm nữa chưa bao giờ bà được bước chân vào một nơi sang trọng như vậy, sự hiếu kỳ thôi thúc rất nhanh bà liền đồng ý với lời đề nghị của người phụ nữ.
Sau buổi chuyện trò ngày hôm ấy bà Hoài với bà ba nhà họ Hoàng liền trở lên thân thiết. Thi thoảng có dịp rảnh rỗi bà ba lại mời bà đến nhà làm khách, chị em cùng uống trà kể chuyện bầu không khí hòa hợp đến kỳ lạ.
Cẩm Tú thường kể với bà về cuộc sống của mình. Được biết khi xưa vì cha nợ nần chồng chất mà cô bị bán vào sòng bạc gạt nợ, và cũng tại đây cô gặp lão Hoàng - người chồng hiện tại của mình.
Vì say mê nhan sắc người đẹp mà vị phú thương kia không tiếc bỏ ra hàng trăm ngàn đồng mua về một đêm xuân cùng nàng. Sau khi được gả cho lão cuộc sống của Cẩm Tú cũng coi như là một bước lên mây, ngoại trừ vấn đề tuổi tác thì mọi thứ vật chất đều được lão chu cấp đủ đầy.
Mấy năm gần đây Cẩm Tú mắc một chứng bệnh lạ, cơ thể suy ngược rất dễ ốm yếu. Thế là lão Hoàng bèn lệnh xây lên ngôi biệt thự này để cô yên tĩnh dưỡng bệnh, lưu luyến bấy lâu đến tận ngày hôm nay lão mới để người trong lòng đến ở.
Nghe xong câu chuyện bà Hoài lại thêm phần cảm thương cho người con gái hiền lương này. Bà cũng kể cho cô nghe về nỗi ưu tư của mình. Suốt mấy năm nay chưa ngày nào bà được sống thảnh thơi, nỗi khổ tâm về căn bệnh hiếm muộn cùng sự xấu hổ với bà con dòng họ luôn dày vò bà. Cũng may bà có một người chồng luôn thấu hiểu, an ủi vợ nếu không sợ rằng bà đã sớm không trụ nổi.
Cẩm Tú vốn đã coi bà Hoài như chị em trong nhà, không lỡ để chị mình chịu khổ thêm nữa cô bèn nói:
"Chị à, em có cách này có lẽ sẽ giúp được chị. Không dấu gì chị cụ bên ngoại em trước kia từng hầu hạ trong cung vua, cũng được cân nhắc làm đến chức đại cung nữ chuyên đi hầu hạ mấy vị phi tử chốn hậu cung. Mà mấy vị ấy vì để tranh giành sự sủng ái ai cũng muốn mình sẽ mang long thai. Họ thử rất nhiều cách kỳ lạ được lưu truyền trong dân gian, trong đó có một cách vô cùng hữu hiệu mà cụ em sau này về đã truyền lại cho con cái chuyên dùng để trị căn bệnh hiếm muộn."
Bà Hoài nghe đến đây dường như đã thấy được ánh sáng hy vọng, bà vội hỏi:
"Cách gì thế em, nếu thật sự có thể giúp được chị thì suốt đời này chị nguyện làm trâu làm ngựa đền đáp cho em!"
Cẩm Tú đặt tay lên vai bà nhẹ nhàng đáp:
"Em đã coi chị như chị gái mình thì tất nhiên sẽ dốc lòng giúp đỡ… chỉ là cách thực hiện có chút nguy hiểm. Chị cứ về suy nghĩ thêm, nếu đồng ý thì đêm rằm sắp tới đến gặp em."
Đêm ấy bà Hoài về nhà trằn trọc mãi mà không ngủ được. Nhìn người chồng đầu ấp tay gối sẵn sàng bảo vệ mình trước sự chỉ trích của gia đình, dù cho mang tiếng bất hiếu vẫn không phụ bạc này trong lòng bà đã có sẵn một quyết định.
Thời gian trôi qua rất nhanh chẳng mấy chốc ngày hẹn đã đến. Nửa đêm bà Hoài rời giường, nương theo ánh trăng lạnh ngắt bước vào khuôn viên ngôi biệt thự. Người hầu dẫn bà đến một cái đình nhỏ nơi hậu viện.
Đó là một mái đình nghỉ mát theo kiểu phương tây, nóc đình làm bằng kim loại uốn hoa văn vừa vặn đón ánh trăng đã lên đến đỉnh đầu. Trong đình Cẩm Tú đã đợi sẵn, thấy bà cô liền hỏi:
"Chị suy nghĩ kỹ rồi chứ?"
Bà Hoài quả quyết gật đầu:
"Chị nghĩ kỹ rồi, mong cô giúp chị."
Ánh mắt Cẩm Tú cũng đanh lại cô đáp:
"Được, chị mau nằm xuống đây. Nghi thức phải được cử hành đúng vào giờ tý mới mong thành công."
Chẳng hiểu lúc ấy vì cớ gì, có lẽ là lòng mong mỏi có con mà bà Hoài tin tưởng Cẩm Tú không chút hoài nghi. Bà nằm xuống chiếc sập gỗ được kê chính giữa căn chòi. Sau khi đã sắp xếp ổn thỏa nghi lễ cũng bắt đầu.
Cẩm Tú chẳng biết lấy từ đâu ra một vật che bằng khăn đỏ, kích thước có vẻ giống một bức tượng đặt lên bàn nhỏ phía trên đầu bà Hoài. Sau đó cô rút ra ba nén hương đốt rồi cắm vào cái đỉnh đồng gần đó. Xong xuôi liền vén áo bà Hoài lên để lộ ra phần bụng phẳng lì, kế đó cô ra hiệu cho người hầu mang đến một chiếc bút lông cùng một khay mực có màu đỏ thẫm như máu, chấm rồi vẽ từng nét nguệch ngoạc lên phần da bụng.
Cuối cùng Cẩm Tú lấy ra một bộ ngân châm chuyên dùng trong Đông Y, từng chiếc kim dài nhọn được cô cẩn thận rút ra khỏi bọc.
Nâng một chiếc kim lên cao Cẩm Tú bắt đầu đọc chú, từng dòng chú dài chạy vào não bà Hoài kiến đầu bà đau âm ỉ. Giữa mỗi khoảng dừng từng chiếc lại được đâm xuống vùng bụng, nỗi đau như tan xương nát thịt thống khổ vô cùng. Mà điều kỳ lạ nhất là bà Hoài không thể kêu la cũng không thể giãy dụa, cả người cứ như bị đinh ghim chặt xuống tấm phản. Còn cơn đau cứ mỗi lúc một tăng, cho đến khi cây kim cuối cùng cắm xuống cũng là lúc bà mất đi ý thức.