Edwin đã bặt tăm bốn ngày. Trên thực tế, bọn họ ai bận việc nấy. Nhằm chuẩn bị cho đại học, Edwin nghe lời anh họ kiêm cựu sinh viên cùng trường truyền thụ rằng, các khoá học trên đó tạo điều kiện tối đa cho sinh viên “tự bơi”. Cậu xem bài trước, củng cố một số kiến thức chuyên ngành và cải thiện thói quen học tập cố hữu của mình. Cậu chưa từng cho mình là thiên tài, thậm chí từ kinh nghiệm học tập quá vãng, cậu cảm thấy mình hay mắc tật “Dễ phức tạp hóa vấn đề dẫn tới hiểu sai cốt lõi”, đây cũng là nguyên do cậu chạy tới Venice. Cậu thấy mấy bữa tới mình rảnh nên buộc bản thân học nhiều thêm. Giang Miểu cũng cần thời gian riêng để sắp xếp suy nghĩ, dẫu cô chẳng nói chi. Hai người ăn ý không đề cập đến cái hẹn tiếp theo, hoạ hoằn lắm họ sẽ ngẫu nhiên gửi đi một bức ảnh đời thường vô thưởng vô phạt: có khi là một ngọn đèn bị lá cây che khuất; có khi là món kem vừa ăn; có thể là một cụm từ trần thuật khách quan như tiêu đề; hoặc giả là một ý tưởng vu vơ bất chợt. Thoảng khi sẽ là bức ảnh đối thoại giữa hai cây cầu; một đứa trẻ đứng ở phía bên kia quảng trường cầm bóng bay và học tiếng chó sủa; hiệu sách trên con đường đi dạo tối —— cửa đóng chặt, sách bày bên ngoài, một cái hộp bạc được đóng đinh vào cột gỗ có hoa kế bên, giá cả không nêu và để khách hàng quyết định. Edwin hiếm khi lưu ảnh, cậu thích dùng ngôn từ, thường là một câu ngắn gọn nhưng hết mực thú vị. Nếu những bức ảnh nhận được gợi cậu về điều gì đó, cậu sẽ dùng kỹ thuật vụng về nhưng rõ ràng để vẽ một bản phác thảo. Hai người họ rất hưởng thụ kiểu tương tác này.
Đã năm ngày trôi qua kể từ lần gặp cuối, dẫu có nhớ nhung, nhưng Edwin không muốn tỏ ra quá mức vồ vập. Kỳ diệu làm sao, Giang Miểu gửi tin nhắn, nói rằng mình đã đặt vé-3-ngày cho Biennale ngày mốt, hỏi cậu có hứng thú không, Edwin lập tức đáp đi. Hai người chốt địa điểm và thời gian gặp mặt. Buổi sáng Edwin thức dậy với khóe miệng cong tớn.
(*) Biennale: Biennale trong tiếng Anh có nghĩa là “hai năm một lần”, nhưng nó được dùng như một thuật ngữ rất phổ biến trong giới mỹ thuật quốc tế, chỉ hoạt động triển lãm và giao lưu mỹ thuật được tổ chức định kỳ, nhiều Biennale có lịch sử lên đến cả trăm năm và thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật toàn thế giới. Biennale mở cửa cho tất cả các loại hình mỹ thuật và không có ranh giới quốc gia. Ngày nay, vượt qua ranh giới mỹ thuật, biennale còn được coi là một sự kiện văn hóa kết hợp với quảng bá du lịch.
Venice Biennale được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1894, đến nay đã có lịch sử trăm năm. Các gian hàng chính của lễ hội nghệ thuật tập trung ở một nơi, còn nhiều gian hàng địa phương nằm rải rác khắp thành phố. Giang Miểu và Edwin dự dịnh tham quan khu chính trong hai ngày và khám phá thành phố vào ngày cuối cùng. Giang Miểu ngưỡng mộ Thị trưởng Venice có tầm nhìn xa. Ngẫm về Ô Trấn, hiện đã có căn cơ vững để tổ chức liên hoan hí kịch, cô cảm thấy công cuộc hỗ trợ văn nghệ sĩ và giới nghệ thuật, đồng thời quy hoạch thành phố du lịch một cách bền vững thật sự tuyệt vời.
Hành trình hai ngày đầu tương tự nhau. Bước vào khu triển lãm sau khi dùng bữa-nửa-buổi (brunch) lúc 10 giờ và rời đi khi nghe thấy thông báo đóng cửa, tìm nhà hàng, cơm tối xong xuôi là chừng 8-9 giờ. Nếu Giang Miểu còn hăng, Edwin sẽ tản bộ cùng cô. Giang Miểu khịt mũi coi thường chất Kitsch ngập ngụa phố chính, nhà nào nhà nấy bán y chang nhau, chất lượng cũng rất thô kém tệ lậu. Có Edwin đồng hành, hai người chọn đi lối nhỏ. Ánh đèn bên ngoài phố chính chấp choáng, hầu hết con đường được chiếu sáng nhờ những cửa hàng bật đèn suốt đêm. Cô tinh mắt, nhìn ra những thứ này được làm bằng cái tâm, gặp mấy món “có hồn”, cô không thể không dừng chân trầm trồ. Giang Miểu thường dùng từ “dễ thương” để khen ngợi, thỉnh thoảng giải thích những chi tiết về đồ thủ công mà mình đã học được. Edwin sóng vai đứng ngắm cùng cô, khi thoảng cậu sẽ chỉ ra mình thích một món khác trong số ấy, Giang Miểu nhìn kỹ hơn. Cô nương vào quan điểm của Edwin để suy ra sở thích của cậu, đồng thời giải thích lý do vì sao mình không thấy sự hấp dẫn tương đồng, có thể do chủ đề hoặc bởi chi tiết. Edwin đưa ra một số kiến giải về phản hồi của cô, chẳng hạn như giải thích nguyên tắc quy trình hoặc giả những hạn chế của bản thân vật liệu, cùng nhau thảo luận về nguyên nhân gây nên những thiếu sót mà cô chỉ ra. Khi họ lững thững rảo bước, một ngọn đèn vàng ấm toả ra, chiếu lên những viên gạch đá trước nhà thờ nhỏ, một cây non xác xơ cành lá đung đưa trong gió. Họ nhất trí thả chậm bước chân, Giang Miểu ngẫm về đoạn đường đầy rẫy hàng rởm, thấy thương cảm cho những người thợ thủ công đương thời đã hết lòng hết dạ tiếp nối nghề làm nước hoa, mặt nạ, Triangel, đồ thuỷ tinh, v.v. Edwin nhớ đến ngày nọ, gặp vị khách trên bàn ăn kể về đạo luật mới vừa được dự thảo, ba năm sau sẽ hạn chế buôn bán vỉa hè trên phố chính, cậu kể việc này cho Giang Miểu. Cô thật lòng hy vọng điều luật này sẽ mở rộng không gian phát triển cho những nhà nghệ thuật hơn. Nối theo đó, cô nghĩ đến Trương Lương Kế, ông ấy từng tạo ra điện toán đám mây, nhưng nhà cung ứng vẫn có thể bán nó cho một công ty nước ngoài.
(*) Trương Lương Kế (hoặc Trương Lương Kê) 张良计 – một nhà khoa học máy tính
Tiếng chuông điểm 0 giờ ngân lên, nhấn chìm tiếng thở dài của Giang Miểu.
Hết ngày thứ ba, hai người đi ngang qua quầy rau quả, chủ sạp sắp đóng cửa, ắt nơi này đắt khách lắm, Giang Miểu quyết định chóng vánh, tay chân lanh lẹ chọn vài túi, nói với Edwin trong khi thanh toán: “Đi, ghé chỗ tôi ăn cơm.” Edwin tất nhiên không chối từ.
Suy cho cùng Giang Miểu có dạ dày Trung Quốc, mấy ngày nay tọng cơm Tây miết hơi bị dội. Đã có rau cải nên cần mua thịt phù hợp, còn nước chấm có sẵn ở nhà. Ngang qua khu nước giải khát, Giang Miểu xách một lốc Coca không đường cho Edwin, cố ý xụ mặt: “Ai uống người đó trả”. Lúc thanh toán, Giang Miểu cợt nhả ám chỉ cậu lấy ‘áo mưa’, Edwin trố mắt, sắc mặt nhoáng cái đỏ rần, Giang Miểu đẩy xe cười cợt cậu, cậu lừng khừng lóng ngóng chân tay, vội gom một mớ nhét vào dưới hộp thịt, ứ dám nhìn cô.
Trở về căn hộ, Giang Miểu phân loại nguyên liệu, thứ chưa cần thì cất tủ lạnh. Bấy giờ Edwin đã khôi phục như thường nhưng vẫn chả dám đối mắt với cô, hệt như chàng vợ, hỏi ý từng món cần dùng, răm rắp rửa sạch thớt và rau cải. Bàn tay mảnh khảnh sờ vào hộp vuông, nghe thấy tiếng hộp giấy loạt xoạt va vào nhau, tay Edwin nhặt rau đứng khựng, vành tai khó lắm mới phai màu nay đỏ bừng trở lại. Giang Miểu vờ vô tình xẹt ngón tay qua eo cậu, thấy cậu vùi đầu sâu hơn, cô hả dạ nghênh ngang cầm hộp bước vào phòng ngủ.
“Dì cậu không lo à?” Giang Miểu đột nhiên nhớ ra trong khi pha nước sốt.
“Tôi xin phép rồi.” Cậu đỏ mặt, xắt rau, “Cơm nước xong tôi về.”
“Ồ.”
Nước sôi ọc ạch. Giang Miểu đổ thịt vào nước chần, chú tâm nấu cơm.
Do suy xét đến đặc điểm ẩm thực Đức – Áo, Giang Miểu nêm món mặn hơn mọi khi. Hai đĩa chay, hai món mặn và một món canh, Giang Miểu gắp vài đũa rồi thôi, chủ yếu húp canh, Edwin phụ trách vét món. Cơm được hấp chín, gạo siêu thị và gạo thường luôn có sự chênh lệch, bản thân Giang Miểu không ôm kì vọng, nuốt được là được. Món thừa cô bọc màng kính, bỏ vào tủ lạnh, định bụng sáng mai nấu đồ ăn chan canh.
Ăn xong, Edwin tự giác đi rửa chén. Giang Miểu dợm xếp chén đĩa vào máy rửa chén, phát hiện xà phòng đã hết, cô chực thở dài, Edwin duỗi tay nhận chồng chén dĩa như thể gắn mắt sau lưng. Một cảm giác khác lạ dậy lên trong lòng Giang Miểu, đó là cảm giác an ủi hiếm thấy, hiếm hoi đến mức cô đã quên lần cuối cùng mình cảm nhận được là khi nào. Cô đeo găng tay cao su, ghé vào cạnh cậu, Edwin dùng miếng bọt biển, cô dùng tay xả sạch, hai người chen nhau cùng rửa chén trước bồn nước, thân kề thân, lòng ấm sực.
Kế đó lau bàn, Edwin vắt giẻ lau treo lên móc, Giang Miểu nằm trên sô pha tựa đang ngủ, cậu đắp chăn cho cô. Cậu định về nhà, Giang Miểu nghe thấy tiếng mở cửa bèn nhổm dậy, cô không giữ cậu mà chỉ dụi mắt bảo tiễn cậu xuống lầu. Edwin cản, để cô ngủ tiếp nhưng Giang Miểu nằng nặc đổi giày.
Trái với cái nóng thiêu đốt ban ngày, gió thổi làn tóc rối, Giang Miểu nhớ tới bài〈Gió Đêm Ngày Hè〉, cô vừa ngâm nga vừa dẫm lên cái bóng của Edwin.
“Lên lầu đi.” Cậu nói.
Giang Miểu ứ chịu, cúi đầu dẫm lên bóng cậu: “Đi xíu nữa.”
Edwin thấy cô chơi vui, làm bộ cũng dẫm bóng cô, Giang Miểu né lẹ, Edwin vươn tay túm được eo cô, gãi gãi, khều nên một tràng tiếng cười rộn.
“Tới kia đi.” Edwin hất cằm về phía con hẻm hẹp. Cuối đường là dòng kênh, Giang Miểu không thấy rõ mà chả sinh nghi, cô đi thẳng về phía trước, bị Edwin ghìm chặt cổ tay kéo về sau, xoay người ấn cô lên tường, hôn ngấu nghiến. Sóng nước lay động, những mảnh sáng vụn dập dềnh trên mặt sông, tựa như rắc một vốc tinh tú vào nước, trôi nổi theo tiếng đập bờ se sẽ.
“Đừng về, nhé?” Giữa răng môi lôi ra sợi chỉ bạc, Giang Miểu câu lấy cổ cậu, ngước mắt nhìn cậu.
Chú thích:
— Triangel: búp bê duyên phận của Ý