Sáng hôm sau, chọn ra giờ lành, tắm rửa dâng hương, Bạch Tiên Tiên hoàn thành hết nghi thức quy y và dâng ba nén hương trước tượng tổ sư gia, xem như chính thức nhập môn.
Các nghi thức quy y của các pháp phái dân gian đơn giản hơn so với quy trình chính thức được phát triển bởi Hiệp hội Đạo giáo ngày nay, nhưng nói chung tất cả đều quy về Tam bảo Đạo Môn. Tam bảo là nói đến Đạo bảo, Kinh bảo, Sư bảo, Quy thân, Quy thần, Quy mệnh.
Nhưng sau khi quy y, người đó không phải là Đạo sĩ, chỉ có thể coi là cư sĩ Đạo Môn thôi. Nếu muốn trở thành Đạo sĩ chân chính thì còn cần phải “truyền độ”.
Hiện tại Hiệp hội Đạo giáo quy định sau khi quy y phải tu trì ít nhất ba năm trở lên mới có thể tiếp nhận truyền độ. Tuy nhiên, các pháp phái dân gian không chú trọng những thứ này, chỉ cần tổ tiên có nhân vật bậc tông sư, tóm lại miễn tổ tiên có tiên vị thì con cháu đời sau có thể không theo quy định của chính phủ mà trực tiếp truyền độ tu hành.
Với thân phận của sáu tổ sư gia nhà họ Bạch, Bạch Tiên Tiên có thể đi đường tắt bất cứ lúc nào.
Tam trưởng lão bưng tách trà Bạch Tiên Tiên dâng lên, hỏi Nhị trưởng lão: “Hay là chúng ta truyền cho nó đi?”
Bạch Tiên Tiên không hiểu những thứ đạo này, quỳ gối trước tượng tổ sư gia, trong đầu hiện lên một dấu chấm hỏi lớn.
Vẫn có thể thuận tiện vậy được sao?
Nhị trưởng lão hoà nhã đáp: “Mặc dù có thể được nhưng Tiên Tiên mới vừa nhập môn, mọi sự không thể nóng vội, trước tiên cho nó làm quen một khoảng thời gian đi.” Ông nhìn tượng thần của sáu tổ sư gia, thở dài: “Nhà họ Bạch chúng ta kế thừa dòng dõi Thiên Sư, nhưng lại lụi tàn khỏi Đạo giới cả trăm năm, không được người đời biết đến. Nếu Tiên Tiên có thể truyền độ chính thống ở Long Hổ, được ban thưởng pháp danh Tam Sơn Trích Huyết, đó cũng là may mắn của nhà họ Bạch rồi.”
Là một “newbie” của Đạo Môn, Bạch Tiên Tiên lơ mơ ngẩng đầu hỏi nhỏ: “Nhị trưởng lão, Tam Sơn Trích Huyết là gì ạ? Là vừa trích máu vừa đọc tụng pháp danh của mình trước ba ngọn núi à?”
Nhị trưởng lão: “...?”
Tam trưởng lão: “...?”
Tam trưởng lão giơ tay lên định cốc đầu cô, nhưng nghĩ bụng sáu tổ sư gia cũng đang quan sát, bèn giận dữ rút tay về: “Trước kia bảo con đọc nhiều kinh văn, học chút thường thức con không làm! Con nghe thử câu hỏi của con đi kìa?! Mặt mũi của tổ sư gia bị con làm mất hết rồi!”
Bạch Tiên Tiên: “QAQ.”
Không hiểu mới hỏi cũng không được à...
Tam trưởng lão nghẹn một lúc lâu mới giải thích: “Tam Sơn Trích Huyết chỉ tự bối (*), sau khi truyền độ sẽ lấy tự bối Tam Sơn Trích Huyết ban thưởng cho làm pháp danh, đệ tử chính phái chúng ta thờ phụng Tam Sơn Trích Huyết và lấy đó làm truyền thừa. Nhưng nhà họ Bạch có tự bối, nếu con đồng ý thì đến lúc đó cũng có thể được ban pháp danh tự bối của nhà họ Bạch.”
(*) Tên thế hệ hay Tự bối (字輩) là một loại tên gọi dùng cho phần tên đệm trong tên người Trung Quốc hay của người dân một số quốc gia Á Đông. Gọi là "tên thế hệ" (tên lót) là vì tất cả những thành viên trong cùng một thế hệ của gia tộc đó (ví dụ như anh chị em ruột hay anh chị em họ) đều sử dụng chung tên đệm này.
Rốt cuộc Bạch Tiên Tiên đã hiểu.
Tam Sơn Trích Huyết là tự bối thuộc phía nhà nước. Tự bối của nhà họ Bạch là tư nhân, tuy đại học công lập hay đại học tư nhân đều là đại học cả nhưng nếu có thể học công lập thì người ta sẽ không vào trường tư làm gì.
Cô tò mò hỏi: “Vậy pháp danh của Nhị trưởng lão và Tam trưởng lão cũng lấy từ tự bối nhà họ Bạch ạ? Tên gì vậy ạ?”
Nhị trưởng lão đáp: “Pháp danh của ông là Trọng Minh Tử.”
Tam trưởng lão đáp: “Pháp danh ông là Huyền Dương Tử.”
Bạch Tiên Tiên: “Vậy pháp danh của con chẳng phải là...” Cô ngẫm nghĩ: “Tiên Tiên tử à?”
?
??
???
Ai hiểu thì biết đây là pháp danh, không biết còn tưởng cô đang tuyển tú đấy.
Tam trưởng lão chợt trở nên bực bội bởi sự ngốc nghếch của cô: “Những chuyện này đợi con truyền độ thì lại bàn tiếp đi! Giơ tay lên!”
Bạch Tiên Tiên ngoan ngoãn giơ hai tay trước mặt.
Nhị trưởng lão và Tam trưởng lão nâng kiếm Lục Linh trịnh trọng đặt vào tay cô: “Từ nay về sau, trọng trách chấn hưng truyền thừa gia tộc sẽ giao cho con!”
Cầm kiếm Lục Linh, Bạch Tiên Tiên nghiêm túc gật đầu.
Không biết có phải do ảo giác của cô không, nhưng kiếm Lục Linh trong tay trông sáng bóng hơn trước rất nhiều.
Chẳng hiểu sao tâm huyết Bạch Tiên Tiên bỗng chốc hơi dâng trào, vừa ra khỏi tổ quan cô đã nóng lòng hỏi: “Nhị trưởng lão, bây giờ con phải làm gì? Đọc sách kinh, học kinh văn hay sao ạ?”
Tam trưởng lão ở bên cạnh ngoắc tay mang ba bộ bàn ghế ra sân đặt dưới cây bách: “Đừng nóng vội, tắm nắng một lát, rồi ông kể cho con nghe về lai lịch của nhà họ Bạch chúng ta. Kẻo sau này khi con ra ngoài, người ta hỏi con về lai lịch truyền thừa gia tộc mình, mà con lại chẳng biết gì!”
Bạch Tiên Tiên “ờm” đáp lại, ôm kiếm Lục Linh đàng hoàng qua đó ngồi.
Nhị trưởng lão đi vào pha một bình trà mang ra, rồi bày bốn chén trà.
Bạch Tiên Tiên thoáng nhìn mà trong lòng chua xót, khẽ dụi mắt nghe Tam trưởng lão nói: “Thật ra khi con còn nhỏ, các ông đã kể cho con nghe những chuyện này trước khi đi ngủ rồi, nhưng bây giờ nếu con đã không nhớ thì ông sẽ kể lại lần nữa.”
Bạch Tiên Tiên nghiêm túc gật đầu, nghe Nhị trưởng lão mở lời: “Thật ra tổ tiên của nhà họ Bạch chúng ta ở Đông Châu. Sáu tổ sư gia chính là người Đông Châu, tộc sử ghi lại lúc sáu tổ sư gia ra đời trời từng giáng dị tượng.” Giọng trầm lắng, ông nói: “Giống hệt ngày con ra đời.”
Bạch Tiên Tiên bị sặc nước trà không ngớt.
Sao cơ?!
Lúc cô ra đời, trời còn trời giáng dị tượng nữa à?!
Nếu là ở cổ đại, chẳng phải cô có mệnh làm hoàng đế sao?
Tuy vậy, cũng vì lẽ đó, Bạch Tiên Tiên bị ba vị trưởng nhắm ngay khi cô vừa ra đời. Vừa đầy tháng, các ông đã bảo Bạch Hướng Vọng và mẹ Bạch dẫn Bạch Tiên Tiên - còn đang quấn tã - quay về.
Nhị trưởng lão nheo mắt lại như có điều suy nghĩ: “Quả thật là thế, lúc ấy con vừa vào tổ quan thì kiếm Lục Linh đã có cảm ứng.”
Nhìn đứa bé trong tã lót đang ngậm tay, lại nhìn sang kiếm Lục Linh bị long đong nhiều năm nay đã có cảm ứng, mấy trưởng lão kích động đến mức suýt tăng huyết áp.
Lại kể về sáu tổ sư gia.
“Sáu tổ sư gia có thần lực bẩm sinh, khác hẳn với người thường, nhưng vì tuổi trẻ lỗ mãng, khụ khụ…” Tam trưởng lão ho khan một tiếng, rồi nói tiếp như không có chuyện gì: “Họ đã làm ra vài chuyện không tốt lắm.”
Bạch Tiên Tiên: “...?”
Tam trưởng lão xua tay: “Nhưng không quan trọng! May thay sáu ông gặp được tổ Thiên Sư, lạc đường biết quay đầu, đạp đất quy y và trở thành sáu trong ba nghìn đệ tử của tổ Thiên Sư, dốc lòng theo tổ Thiên Sư tu tập đạo pháp, một lòng hướng đạo!”
Bạch Tiên Tiên: “...”
Hiểu rồi, là bị tổ Thiên Sư đánh bại chứ gì.
Tam trưởng lão kể sơ về tuổi trẻ nổi loạn của sáu tổ sư gia, rồi tập trung thuật lại chuyện sau khi họ quy y Đạo Môn: “Các tổ sư gia bắt quỷ hàng yêu, bảo vệ dân chúng, ngăn chặn tà ma phát sinh và truyền bá những đạo pháp của tổ Thiên Sư rộng khắp Thần Châu, danh tiếng vang xa và trở thành thần tiên sống trong lòng nhiều dân chúng vào thời điểm đó.”
Sau đó sáu ông đến đây, thấy cảnh núi non này thì rất thích, bèn lập nhà tu đạo trong núi rồi đắc đạo thành tiên. Sáu linh miếu được dựng dưới chân núi và được thờ cúng qua nhiều thế hệ. Con cháu nhà họ Bạch coi đây là nhà thờ tổ và tiếp nối truyền thừa gia nghiệp.
Vậy nhưng, thời thế đổi thay, quy hoạch mỗi triều mỗi thế khác nhau, đầu mối giao thông then chốt một thời dần biến thành trấn nhỏ không ai thăm viếng, dân chúng dời đi, thế là hương khói trong sáu linh miếu cũng từ từ quạnh quẽ.
Chẳng những vậy, bởi vì kinh sách và thần chú nhà họ Bạch không truyền ra ngoài mà chỉ truyền miệng, không được ghi chép lại. Nhưng số lượng hậu duệ đủ tư chất qua các thế hệ ít dần và không đủ đạo thuật, nên hoàn toàn không nhớ nổi.
Vì vậy, hết đời này sang đời khác, những chú pháp bất khả chiến bại từng đánh thắng quỷ ma của nhà họ Bạch cứ thế bị thất truyền.
Đến nỗi tới nay trong miệng ba trưởng lão cũng chỉ còn lại ba bốn câu, trong đó có thần chú Thiên Sư mà Đại trưởng lão dùng đối phó với bà cụ Trương.
Danh tiếng nhà họ Bạch không còn, những người đương thời biết về người nhà họ Bạch đã ít lại càng ít. Sáu tổ sư gia từng được hương khói nghi ngút, hiện nay ngoài nhà họ Bạch ra, không còn ai khác thờ cúng nữa.
Mấy năm trước hiệp hội Đạo giáo tổ chức sự kiện mời các môn phái dân gian tới tham gia tụ tập giao lưu đạo thuật. Lúc ba trưởng lão nghe tin tức còn đặc biệt đi xuống chân núi cắt tóc làm đẹp, rồi giặt sạch, hong khô và ủi phẳng đạo bào, chỉ chờ thư mời tới nữa thôi.
Kết quả đợi đến khi hội nghị kết thúc, mà chẳng ai tới mời họ.
Từ lâu Đạo Môn đã không nhớ rõ nhà họ Bạch rồi, dù nhớ cũng chỉ đành ngậm ngùi than một câu đáng tiếc, nhưng không biết trên đời này vẫn còn ba truyền nhân nhà họ Bạch đang khốn khổ giữ gìn.
Nhắc đến những chuyện này, Tam trưởng lão bỗng chốc buồn bã khó nén, hốc mắt đỏ hoe, ông vội vàng cầm tách trà lên uống một ngụm nhằm che giấu sự thất lễ.
Bạch Tiên Tiên vờ như không thấy, chỉ ôm kiếm Lục Linh thầm hạ quyết tâm: Nếu đã nhận lấy truyền thừa gia tộc, cô nhất định phải cố gắng tu tập, làm rạng rỡ truyền thống gia tộc! Giúp danh tiếng của nhà họ Bạch lại vang vọng khắp đất Thần Châu! Cô còn phải xây dựng lại sáu linh miếu ở dưới chân núi, để sáu tổ sư gia lại được hưởng hương khói nhân gian! Cô còn phải đúc tượng vàng cho các ông nữa! Vàng ròng mới được!
Nghe hết cả trưa, cuối cùng Bạch Tiên Tiên mới hiểu rõ tổng thể lịch sử gia tộc.
Sau bữa trưa, bài học lịch sử kết thúc. Nhị trưởng lão dẫn Bạch Tiên Tiên đến đền thờ tổ.
Nhà họ Bạch nhiều đời sống ở đây, một nửa ngọn núi là của họ, trên núi có rất nhiều căn nhà ẩn nấp giữa những bức tường trong rừng cây, thoạt trông vừa thần bí vừa đáng sợ, trước kia Bạch Tiên Tiên tình cờ gặp trúng cũng phải đi đường vòng.
Tam trưởng lão dẫn cô đến nhà thờ tổ nhận mặt vài vị đại thần tổ tiên và dâng hương, rồi đưa cô đến Tàng Thư Lâu.
Khi vào bên trong, Bạch Tiên Tiên lập tức bị hắt hơi bởi mùi sách ẩm ướt và nồng nặc trong phòng.
Toà nhà ba tầng trông khá âm u lạnh lẽo, cùng vài tia nắng chiếu xuống từ đỉnh giếng trời. Tam trưởng lão nói: “Kinh văn sách đạo nhà họ Bạch nhiều đời tích luỹ và lưu truyền đều ở đây. Theo phương pháp tam lỗ tứ bổ thập nhị phẩm (*), từ ngoài vào trong, từ thấp tới cao.”
(*) “Tam lỗ, tứ bổ, thập nhị phẩm” là cách phân loại và sắp xếp trong “Đạo Tạng” hiện có.
Bạch Tiên Tiên đi vào nhìn một vòng, có “Đạo Đức Kinh”, “Nam Hoa Kinh” là quen mắt, và “Bão Phác Tử” cô từng học trong sách giáo khoa lịch sử, nhưng hầu hết những cuốn còn lại cô chưa từng nghe đến.
Cô nuốt nước bọt: “Nhị trưởng lão, những thứ này... Con không cần phải học thuộc lòng hết đâu nhỉ?”
Cô chẳng phải người học hành chăm chỉ gì!
Bạch Tiên Tiên bình thường, chỉ là một sinh viên khoa học tự nhiên bình thường thôi!
Cứu mạng!
Nhị trưởng lão cười nói: “Thật ra không hẳn, một số bộ sách con chỉ cần hiểu rõ một hai là được, nhưng những cuốn sách đạo thuộc dòng dõi Thiên Sư Đạo thì con cần phải thuộc lòng. Ngoài ra còn có những kinh văn thông thường trong Đạo Môn như ‘Đạo Đức Kinh’, ‘Thanh Tĩnh Kinh’ là những điều cơ bản trong tu hành thường ngày.”
Bạch Tiên Tiên thở phào nhẹ nhõm: “Vậy có bao nhiêu ạ?”
Nhị trưởng lão: “Không nhiều lắm, chỉ tầng một thư viện thôi.”
Bạch Tiên Tiên: “...?”
???
Nhị trưởng lão hiền từ vỗ vai cô: “Tiên Tiên, con có thiên phú dị bẩm, phải tin tưởng vào bản thân.”
Bạch Tiên Tiên: “...”
Nhị trưởng lão nói tiếp: “Trước đây con chỉ nghe các ông tụng đã có thể trì tụng chú mở thiên nhãn và thần chú Tịnh Thiên Địa rồi, vậy rõ ràng là con tinh tường đạo này, hay bây giờ xem thử đi?”
Bạch Tiên Tiên thầm nghĩ đến giờ không thể lùi bước nữa, gánh vác gia tộc rồi không thể tháo xuống! Sớm muộn gì cũng phải học! Tới đây đi! Học luôn meo meo!
Bạch Tiên Tiên hùng tâm tráng chí cầm cuốn sách gần nhất trên giá sách lên.
Sách tên là “Thái thượng chính nhất tảo vãn công khóa kinh”.
Nhị trưởng lão giải thích: “Đây là kinh văn dành cho đệ tử lên lớp tụng niệm mỗi sớm tối, cũng là cái cần thiết cho tu hành hằng ngày.”
Bạch Tiên Tiên gật đầu, mở sách ra đọc thử.
Trong những nghi thức truyền khí cụ, có một mục là “Ban thưởng kinh văn”, ban thưởng này không phải chỉ đưa cho bạn một quyển kinh văn hay sách kinh, mà sau khi trở thành Đạo sĩ thực thụ, sẽ có giáo viên giảng kinh cho bạn và giải đáp những thắc mắc của bạn.
Nó giống như bạn nhận được sách giáo khoa khi còn đi học, dù bạn có thể tự mở ra đọc nhưng vẫn cần giáo viên giảng giải vậy.
Bạch Tiên Tiên những tưởng mình chưa từng tiếp xúc với mấy thứ này thì sẽ mù mờ khó hiểu khi mới đọc, bởi vậy cô đã thể hiện ra lòng quyết tâm tốt nghiệp trung học để chuẩn bị chiến đấu.
Nào ngờ vừa lật một trang, cô lại tiếp thu rất nhanh, chỉ đọc hai lần đã thuộc nằm lòng, lúc khép sách lại cô cũng có thể đọc làu làu.
Chính Bạch Tiên Tiên cũng sắp ngất tới nơi rồi.
Cô còn có tài lẻ này cơ á???
Vì vậy, cô lại mở quyển khác, tiếp tục đọc.
Chẳng biết Nhị trưởng lão đã đi khỏi đây từ lúc nào, chỉ còn lại âm thanh Bạch Tiên Tiên đang nghiêm túc lật từng trang sách trong Tàng Thư Lâu.
Mấy ngày sau, Bạch Tiên Tiên ở suốt trong Tàng Thư Lâu. Hai trưởng lão luân phiên đến để trả lời các câu hỏi của cô và dốc sức truyền dạy cho cô mọi thứ họ đã học được trong đời mình.
Bạch Tiên Tiên cảm thấy trước đây mình chưa từng thích đọc sách như vậy, nếu cô biết mình có thiên phú đã gặp rồi là không quên được thì ngay từ đầu cô đã chọn khoa văn rồi! Nhưng Nhị trưởng lão nói cô tinh tường đạo này, nên có lẽ khả năng gặp một lần sẽ không quên được chỉ có tác dụng với kinh văn sách đạo thôi, không có hiệu quả với chính trị hay lịch sử gì đâu.
Chạng vạng, Tam trưởng lão đeo một túi du lịch tới.
Bạch Tiên Tiên thấy vậy, còn cho rằng ông rất giống kiểu dân phượt đi bộ xuyên qua Lop Nor (*), thì chợt nghe Tam trưởng lão nói: “Lớp lý thuyết đã kết thúc, tối nay chúng ta sẽ bước vào huấn luyện thực chiến!”
(*) Lop Nor: Lop Nur hay La Bố Bạc là một nhóm các hố, hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. Ngày 6 tháng 10 năm 1964, Trung Quốc đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại khu vực này.
Bạch Tiên Tiên thầm nảy sinh dự cảm không lành: “Thực chiến ở đâu ạ?”
Tam trưởng lão ném túi du lịch đựng túi ngủ và lều vào lòng cô: “Bãi tha ma, phía sau núi!”
- -------------------