Vượt Qua Bão Giông
Phần 13
Mãi đến tận chiều ngày hôm ấy, du thuyền của Antony mới quay về đảo Cát Bà. Anh ta lên bờ nói chuyện với Việt thêm một lúc nữa, còn hẹn nhất định lần tới gặp sẽ phải phục thù ở trên bàn cờ bạc mới chịu thôi. Việt cũng chẳng buồn chấp anh ta mà chỉ bảo:
– Nếu cậu mang thêm vài cái hợp đồng giá trị đến thì mình sẽ xem xét.
– Cậu cứ chờ đấy. Kiểu gì mình cũng thắng cậu cho mà xem.
– Được rồi, quay về tàu đi. Lần tới sang Mỹ tớ sẽ gọi cậu.
– Nhớ đấy nhé. Bên Mỹ có nhiều em xinh lắm, Âu Á gì đều có cả. Cậu thích em nào tớ lôi lên giường giúp cậu.
– Trong đầu cậu ngoài chuyện chơi gái thì còn cái gì tốt đẹp không? Chỉ nghĩ đến được mỗi chuyện đó thôi à?
– Nếu cậu muốn chơi đồng tính cũng được.
Ở đây có đông người, toàn nhân vật cao cấp của công ty tôi mà cái gã Antony kia nói chuyện chẳng biết nể nang gì cả. Việt cũng hết cách với hắn, chỉ quắc mắt lườm một cái, Antony tự biết ý ngậm miệng ngay tức thì:
– Haha, đùa tý thôi, làm gì phải nóng thế? Tớ biến đây, biến đây. Lần tới sang Mỹ nhớ gọi tớ đấy.
– Biến đi.
Sau khi tàu của Antony rời khỏi, đoàn của chúng tôi cũng từ Cát Bà quay về Hà Nội. Hai ngày trời lênh đênh trên biển ai cũng mệt, về tới nơi cũng đã gần tám giờ tối rồi nên Việt bảo không họp hành gì nữa, có gì ngày mai tính sau.
Dương và mấy phó giám đốc về đến công ty mà vẫn còn nôn, bà Tâm thì cảm lạnh nên suốt từ đêm hôm đó đến khi về vẫn im re không nói chuyện. Trong đoàn ngoài Việt ra thì tôi là người tỉnh táo nhất, lại là trợ lý của sếp nên đành phải đứng ra sắp xếp gọi Taxi chở từng người về nhà.
Xong xuôi hết rồi, tôi biết kiểu gì lát nữa Việt cũng lái xe qua đây nên không đặt Grab về mà cứ đứng ngoài sảnh công ty chờ. May sao chỉ chưa đầy năm phút sau thì cũng thấy anh ta đi ra, lần này không phải Posrche cũng không phải Mercedes mà là một chiếc Bentley 4 chỗ màu xanh dương.
Gã này đúng là dân chơi xe chính hiệu, nhà chẳng có gì ngoài tiền nên toàn xài xe sang.
Anh ta hạ kính xe xuống rồi bảo tôi:
– Muốn về cùng không?
Tôi gật đầu, cười tươi rói rồi nhanh chân chạy lại trèo lên xe của anh ta. Nhìn một vòng quanh xe xong, tôi phấn khích nói:
– Hình như đây là Bentley Musane bản giới hạn đúng không ạ? Nội thất nhìn đẹp quá.
– Biết nhìn xe đấy nhỉ?
– À…
Tôi hơi ngượng ngập, bình thường làm gì cũng cẩn thận mà cứ nhìn thấy siêu xe là hưng phấn quên hết mọi thứ trên đời. Trước đây ở Sài Gòn tôi cũng có đam mê xe cộ, anh hai tôi cũng vậy, trong gara chất đầy xe sang nên mỗi lần tôi được nghỉ là anh tôi sẽ bắt tôi mang từng cái ra cọ. Tôi cau có kháng nghị thì anh hai sẽ ngay lập tức cốc đầu tôi bảo:
– Ngoan ngoãn rửa xe cho anh, sau anh xài chán anh sẽ cho một chiếc.
– Em mách ba anh bắt nạt em, anh bắt em cọ xe.
– Muốn mượn xe đi phượt không?
– Có.
– Thế thì cọ xe đi.
Không phải tôi không có tiền mua xe, mà là học trinh sát toàn phải ở ký túc xá nên mua xe cũng chẳng để làm gì. Cuối cùng mỗi lần được về nhà toàn phải cọ xe cho anh hai rồi mới được mượn xe đi. Rửa siêu xe mãi cũng quen, dần dần chỉ cần nhìn lướt qua là biết xe nào là xe xịn.
Nhớ lại chuyện cũ, trong lòng tôi có hơi buồn cười. Nhưng tôi không thể kể cho Việt nghe chuyện của gia đình tôi được nên đành nói dối:
– À, ngày xưa ở đầu ngõ nhà em có một anh đại gia chuyên chơi siêu xe. Được thấy siêu xe nhiều nên em biết sơ sơ.
– Ừ.
Tôi không nói nữa, chỉ cựa đi cựa lại để xem ghế của Bentley êm hay Porsche êm. Thấy tôi cựa mãi như một con sâu, cuối cùng sau một hồi im lặng, Việt mới đành lên tiếng:
– Không êm bằng Vinfast của cô.
– Bản giới hạn sao so sánh với bản phổ thông được. Xe của em không so được với xe anh đâu.
– Với tôi, xe bản limited không so sánh được với xe của đất nước.
Nghe một nghi phạm về “rửa tiền” nói một câu như thế này, tôi không nhịn được ngẩng lên nhìn anh ta. Thấy sắc mặt Việt vẫn duy trì một vẻ bình thản, giống như những lời vừa nói không phải là cố ý diễn cho tôi thấy mà chỉ đơn giản là anh ta nghĩ gì nói vậy.
Nhưng tại sao anh ta lại nghĩ như vậy? Chẳng lẽ anh ta cũng yêu đất nước này không kém cảnh sát hình sự chúng tôi?
Đang thắc mắc thì xe đã về đến sảnh chung cư, tôi chuẩn bị xuống xe thì đột nhiên nhớ ra một chuyện, cho nên quay đầu bảo anh ta:
– Em định nấu cháo gà ăn đêm. Anh có muốn ăn không?
Việt hơi liếc đồng hồ, bây giờ đã gần 10 giờ khuya rồi, mấy hôm nay anh ta uống rượu cả ngày chắc cũng đã thấm mệt, có lẽ cũng chỉ muốn về nhà đi ngủ. Nhưng chẳng hiểu nghĩ sao mà đắn đo một lát rồi cũng gật đầu:
– Ừ, cũng được.
– Thế em lên trước nấu cháo. Tý nữa anh qua ăn nhé.
– Tôi biết rồi.
Trong khi anh ta đỗ xe thì tôi vào siêu thị 24h dưới tầng 1 mua một con gà nhỏ và một ít hành hoa đem về nấu cháo. Tay nghề nấu nướng của tôi khá tệ, loay hoay mãi mới có thể chặt gà được, nhưng không những đứt mấy miếng tay mà còn bị phỏng nữa. Lúc Việt sang thấy mấy ngón tay tôi băng kín Urgo thì nhíu mày:
– Làm sao thế?
– Em chặt gà, bị xương ức của nó cắt qua tay ấy mà. Anh đói không? Chờ tý nhé, em nấu sắp xong rồi.
– Đứng ra ngoài đi, để đó tôi nấu.
– Không. Lần này anh để em nấu. Lần trước anh nấu mì rồi còn gì.
– Nghe lời.
Sếp đã phát chỉ thị thế thì làm sao tôi dám không nghe, đành ngoan ngoãn đi ra ngoài rồi ngồi xuống chờ anh ta nấu nướng. Lát sau, ngửi thấy mùi hành thơm ngào ngạt tôi mới chạy đến ngó vào, thấy Việt đang loay hoay múc cháo. Dáng vẻ anh ta khi đeo tạp dề nấu cơm trông vừa buồn cười mà lại vừa đáng yêu.
Tôi cười tủm tỉm nói:
– Xong rồi hả sếp?
– Ừ, ngồi xuống bàn đi. Thử nếm xem có ngon không?
– Vâng.
Nói là nói thế nhưng tôi vẫn chờ anh ta ngồi vào bàn, đưa thìa muỗng đã được tôi trùng qua nước nóng cho Việt rồi mới dám ăn. Công nhận anh ta nấu mì đã ngon, nấu cháo lại còn ngon hơn nữa, có điều cháo miền bắc không nấu sánh như miền nam chúng tôi nấu mà hơi loãng, mẹ tôi ở nhà cũng toàn nấu như này, tôi ăn mãi rồi cũng quen rồi nghiện cháo loãng đến giờ luôn.
Được sếp nấu cho ăn nên tôi quen miệng nịnh nọt:
– Anh nấu gì cũng ngon. Ngon hơn em nấu nhiều.
– Thích thì ăn nhiều vào.
– Anh cũng ăn nhiều vào. Mấy hôm nay uống rượu nhiều còn gì? Ăn cháo thế này đỡ đau dạ dày mà giải rượu tốt đấy.
– Ừ.
Việt múc một thìa cháo đưa vào miệng, anh ta ăn rất từ tốn và lịch sự, dù không phải một người xuất thân từ môi trường được giáo dục của con nhà giàu nhưng tôi có cảm giác như mẹ anh ta đã nuôi dạy con trai rất tốt. Cả về tính cách, cả về cách đối nhân xử thế, và cả về chuyện ăn uống này nữa.
Tôi buột miệng hỏi:
– Tết năm nay anh định ăn tết ở đâu?
– Ở đây. Cô thì sao?
– Em định về Sài Gòn.
– Ừ.
– Anh có thích ăn đồ gì ở Sài Gòn không? Nghỉ tết xong em mang ra biếu hàng xóm?
– Tôi không ăn được đồ miền nam. Không cần mang gì đâu.
Thấy anh ta có vẻ không vui khi nhắc đến chuyện ngày Tết, tôi cũng không nói đến nữa mà chỉ bảo:
– Thế thì để nghỉ tết xong em lại bay ra chờ sếp nấu đồ miền bắc cho ăn vậy. Năm nay công ty mình nghỉ tết lâu không ạ?
– Khoảng 5 ngày, từ 30 đến hết mùng 4. Cô ở xa thì nghỉ lâu hơn vài ngày cũng được.
– Vâng. Anh ăn đi không nguội.
Thấm thoắt cũng đến cận tết, nhìn những người nô nức đi sắm tết về bày biện mà tôi nhớ nhà vô cùng. Bình thường cứ 29 tết là tôi sẽ theo mẹ ra chợ đi mua một cành mai, có năm mẹ cũng mua thêm một cành đào, vậy mà đến bây giờ 28 tết rồi tôi vẫn đang ở Hà Nội, nhớ nhà muốn về mà không biết phải làm sao.
Đang đứng trước cửa sổ ngẩn ngơ nhìn người đi đường thì bỗng nhiên Dương vỗ vỗ vai tôi:
– Này, sao thần người ra thế em?
– À, em đang nhìn người đi đường. Ngoài Bắc thích chơi đào ngày tết hơn chơi mai anh nhỉ?
– Ừ. Bắc thích đào, Nam thích mai mà. Hôm nào em về?
– Hết ngày mai mới được nghỉ nên sáng 30 em mới về.
– Thế thì cận ngày quá nhỉ?
– Vâng. Nhưng được về là tốt rồi. Nhiều người ở vùng dịch Hải Dương còn không được về nhà ấy. Mình vẫn có cơm ăn, vẫn về được nhà là còn may mắn chán anh nhỉ?
– Ừ.
– Anh định hôm nào về? Quê anh ở Tuyên Quang đúng không?
– Ừ, tối 29 anh nhảy xe giường nằm về. Đi một đêm là đến ấy mà.
– Vâng. Anh đang cầm cái gì thế? Cần em làm giúp không?
– Hồ sơ của bà Tâm. Sếp bảo làm hết 29 tết này cho bà ấy nghỉ nên anh đang đến phòng kế toán để tính tiền cho bà ấy đây.
– Ơ, sao tự nhiên lại thế ạ? Chị Tâm làm sai gì hả anh? Mà em tưởng sếp với chị ấy…
Tôi nói một nửa, nửa vế sau không cần phải nói ra thì Dương cũng tự hiểu. Anh ta cười cười, bảo tôi:
– Có những cái nhìn thế nhưng chưa chắc đã phải thế đâu. Thôi, anh đi xuống phòng kế toán đây. Trưa đợi anh ăn cơm với nhé.
– Vâng.
Sau khi Dương đi rồi, tôi vẫn cứ thắc mắc mãi về nguyên nhân bà Tâm bị đuổi việc. Nghĩ kỹ lại mới thấy từ hôm đi Cát Bà về, bà ấy không bén mảng lên tầng 8 thêm lần nào nữa, gặp tôi cũng tỏ ra như không quen biết rồi đi thẳng qua, tuyệt đối không nhắc lại chuyện ở hồ bơi hôm nọ.
Tôi nghĩ bà ấy say rượu làm càn nên xấu hổ, nhưng bây giờ thấy Việt đuổi việc bà ấy, tôi lại có cảm giác như anh ta dứt khoát như vậy là bởi vì không thích loại phụ nữ hành động không suy nghĩ, làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của anh ta.
Phải rồi, nếu hôm đó không phải là Việt mà là Antony phát hiện ra chúng tôi đang vật lộn dưới bể bơi, chắc chắn cả công ty này sẽ bị cười thối mũi. Dù là bồ của sếp đi chăng nữa thì cũng không nên làm ra loại chuyện ngốc ngếch như thế, huống hồ xưa nay Việt không thiếu phụ nữ, chán bà Tâm rồi thì có thể đá đi ngay.
Haizzz… đúng là mù quáng, tự làm tự chịu.
Tôi thở dài một tiếng rồi quay người vào tiếp tục làm việc, đến buổi chiều vừa đi photo tài liệu về thì lại nghe Dương phấn khởi thông báo:
– Diệp ơi, được đổi lịch nghỉ rồi nhé. Từ chiều nay công ty bắt đầu nghỉ, mùng 4 đi làm. Thế là được nghỉ thêm một ngày để về sắm tết rồi.
– Thật hả anh?
– Ừ, sếp vừa mới nói với anh xong. Giờ anh đi thông báo lại cho mọi người không muộn. Em post lại lịch nghỉ lên bảng tin của công ty đi nhé.
– Vâng.
Nghe Dương nói xong, tôi sung sướng như mở cờ trong bụng, vội vội vàng vàng ngồi vào bàn làm việc, post lịch nghỉ lên web rồi chạy đi sửa bảng tin dưới sảnh công ty. Lúc tôi đứng dưới sảnh, mấy nhân viên bu lại xem lịch nghỉ rồi hồ hởi bàn tán:
– Eo ơi, năm nay sếp mình đổi tính hay sao ấy. Cho nghỉ từ 29 này. Sau 4 năm đi làm thì đây là năm đầu tiên tôi được nghỉ từ 29 luôn.
– 4 năm đã là gì? Tôi 7 năm đây. Năm nào cũng trưa 30 mới được nghỉ, có năm bận việc còn đến tối 30 luôn ấy. Năm nay được nghỉ trước hẳn 2 ngày, tha hồ thời gian mà đi sắm tết nhé.
– Nhanh nhanh, quay về bàn dọn dẹp nhanh để còn nghỉ tết.
– Ừ, dọn nhanh còn nghỉ.
Thấy không khí của mọi người phấn khởi, tôi cũng phấn khởi theo. Chạy lên tầng 8 làm nốt việc rồi dọn dẹp mọi thứ xong, tôi mới gõ cửa phòng Việt rồi đi vào.
Trái lại với vẻ hào hứng vì được nghỉ tết sớm của những người ngoài kia, anh ta vẫn chăm chỉ làm việc, dường như chẳng hề quan tâm đến “Tết” là gì. Mà thấy anh ta như vậy, chẳng hiểu sao trong lòng tôi lại cứ cảm thấy thương thương.
– Sếp ạ.
– Ừ. Sao thế?
– Em mới thông báo lại lịch nghỉ cho mọi người rồi. Nghỉ từ ngày mai ạ.
– Ừ. Cả năm làm việc vất vả rồi, mọi người đến phòng tài vụ nhận thưởng rồi nghỉ ngơi sớm một ngày cho phấn khởi.
– Vâng. Em thông báo rồi ạ.
Thấy tôi cứ đứng đó mãi không dám nói vào chủ đề chính, Việt mới chịu dừng tay gõ phím, ngẩng đầu lên nhìn tôi:
– Cô muốn nói gì à?
– À… em muốn hỏi sếp xem trong hôm nay còn việc gì nữa không?
Tôi nghĩ với một người thông minh như anh ta, kiểu gì cũng hiểu tôi hỏi như vậy nghĩa là muốn sếp giao việc luôn đi để hoàn thành xong rồi nghỉ sớm một chút. Ai ngờ Việt chẳng buồn giao thêm gì cho tôi mà chỉ bảo:
– Không còn việc gì nữa. Cô cũng đến phòng tài vụ nhận lương rồi về đi thôi.
– Không còn việc nữa hả anh?
– Ừ. Hết rồi.
Tôi sung sướng cười toe cười toét, gật đầu nói “Vâng” một tiếng rồi chào anh ta ra về.
Việc đầu tiên sau khi tôi rời khỏi phòng giám đốc là đổi vé máy bay. Tôi phải đổi vé máy bay để sáng 29 tết còn ra chợ mua đào mua mai cùng mẹ tôi, cứ tưởng sẽ phải khóc thút thít vì nhớ nhà thêm một đêm nữa, ai ngờ tối nay được về luôn rồi…
Cũng may là vé máy bay vẫn còn đổi được lên hạng thương gia để về kịp chuyến tối nên sau khi tan làm xong, tôi chạy về nhà lấy đồ rồi lên sân bay vẫn còn dư thời gian.
Giữa Hà Nội và Sài Gòn, ngồi máy bay hơn hai tiếng là đến, mới buổi chiều vẫn còn ở ngoài Bắc mà đến tối tôi đã trở về nhà với mẹ rồi. Không khí ở đây ấm áp khác hẳn với mùa đông giá rét ngoài Hà Nội, mẹ vừa thấy tôi quàng khăn đi vào đã lật đật chạy ra mắng tôi:
– Sao về mà không nói một tiếng để mẹ bảo anh hai đi đón? Con đi gì về đến đây?
– Con bắt Taxi. Con không nói để về cho mẹ bất ngờ đấy.
– Cha bố cô, bất ngờ cái gì mà bất ngờ. Cô về một mình, tôi không đuổi cô đi là may rồi, còn đòi tôi bất ngờ à?
– Mẹ, lại bắt đầu rồi đấy. Con đói rồi, buổi tối còn chưa được ăn gì, mẹ nấu mì hoành thánh cho con ăn đi.
– Tháo khăn đi đã, ở trong này nóng chứ có lạnh như Hà Nội đâu mà quàng khăn. Đi vào nhà tắm rửa đi, mẹ nấu mì cho.
Anh hai và ba tôi bận nên đi suốt, mười giờ tối rồi mà vẫn còn chưa về đến nhà. Mãi lúc tôi tắm xong, vừa bước xuống cầu thang thì mới thấy hai người họ về. Ba tôi lâu ngày gặp con gái, vừa nhìn thấy tôi đã cười thật tươi:
– Con gái về rồi đấy à?
– Ba ơi…
Ở trong nhà ba là người chiều tôi nhất, ngày trước tôi đòi học trinh sát, mẹ nhất định không chịu nhưng chính ba là người lén lút đồng ý cho tôi tham gia lực lượng vũ trang. Tôi lớn bằng chừng này rồi mà với ông vẫn như một đứa con gái nhỏ, ba ôm tôi vào lòng, hỏi tôi ở ngoài Bắc ăn uống thế nào, có quen với môi trường ngoài đó chưa, có nhớ ba không.
Tôi nhăn mũi nói:
– Nhớ ba chứ. Nhưng con chưa về được, mãi đến hôm nay mới trốn về được đấy.
– Hay là thôi, ba xin cho con về Sài Gòn lại nhé?
– Không không, con đang làm nhiệm vụ mà. Đợi làm xong nhiệm vụ, ba dẫn con đi ăn gà tiềm hạt sen cô Bảy là được rồi.
– Ừ, ừ. Sớm làm xong nhiệm vụ, ba dắt con đi ăn.
Anh hai tôi ngồi bên cạnh lẩm bẩm nói:
– Còn mấy cái xe trong gara chưa cọ. Mai rảnh cọ đi nghen Út.
– Em không thèm đi xe anh, em đi xe ba.
– Xe ba anh đi rồi.
– Ba ơi anh hai bắt nạt con.
Cả nhà tôi nghe đến đây thì bật cười thành tiếng, cùng lúc này mẹ tôi bưng mấy bát mì hoành thánh ra đặt lên bàn, nhìn quanh một lượt rồi bảo ba cha con chúng tôi:
– Mì được rồi. Cả nhà ăn thôi!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!