➻➻➻
Tạ Tri Vi phì cười: "Xây kênh đào là phúc của vạn dân. Muội chỉ hưởng ké thôi."
"Mặc kệ huynh nói sao, tóm lại muội xem là bệ hạ xây vì muội." Tạ Trường Yến mừng rơn, tiếp tục vuốt tóc.
Tạ Tri Vi nhìn gương mặt như chẳng biết buồn lo của nàng, cảm khái muôn vàn: "Tin tốt nói xong rồi, giờ tới tin xấu."
"Còn có tin xấu nữa à?"
"Cha xem thành tích ở Tộc Học Quán của muội rồi, ông ấy rất lo lắng nên quyết định bắt đầu từ ngày mai sẽ dạy học riêng cho một mình muội, bắt buộc trong vòng một năm phải để cả bảy môn của muội đều đạt Giáp." Tạ Tri Vi cười cười, "Chúc mừng, sau này muội tha hồ mà vào thư phòng của cha."
"Hả?!" Tạ Trường Yến hét ầm lên.
Tạ Trường Yến xông thẳng vào nhà, nhìn thấy mười mấy chiếc rương to đặt trong phòng, nàng mở rương ra xem, bên trong toàn là sách vở. Nàng chết tâm rồi.
Làm thật đấy à!
Tạ Tri Vi theo sau nàng, hài lòng trước biểu cảm mếu máo của nàng, nhịn cười nói: "Thập Cửu muội, giờ Mão ngày mai nhớ đến thư phòng cha ta đúng giờ nhé. Cáo từ."
Tạ Trường Yến đáng thương hướng mắt đưa tiễn hắn ra về, sau đó quay đầu nhìn từng chiếc rương, cảm thấy tuyệt vọng muôn ngàn lần.
Ngay lúc này, Trịnh thị đến.
Tạ Trường Yến ấm ức nói: "Mẹ, ngũ bá bá không vừa lòng với con vậy sao?"
Trịnh thị thở dài, lòng trĩu nặng tâm sự.
"Mẹ, con không phải đứa lười biếng nhưng cầm kỳ thư họa thật sự không phải sở trường của con." Tạ Trường Yến giơ hai tay ra, trên bàn tay trắng nõn có vết xước nho nhỏ, "Mẹ xem, ba năm qua con luyện đàn mỗi ngày, ngón tay cũng bị xước rách da, con không lơ là chểnh mảng tí nào."
Nàng bước đến bức tường phía Bắc, bức tường bên đó một màu đen kịt chẳng giống những nơi khác. Trước tường đặt thư án, trên án có bút lông và nước.
"Còn thư họa, nhằm luyện lực ở cổ tay và tiết kiệm tiền, con toàn dùng bút lông chấm nước vẽ lên tường. Bức tường này bị con viết vẽ đến đen nhẻm rồi."
Trịnh thị ngồi xuống giường, vẫy tay gọi nàng. Tạ Trường Yến đi đến, ngồi xổm cạnh chân bà, ngẩng mặt lên. Trịnh thị ôm mặt con gái ngắm nghía hồi lâu.
"Con gái ta cần cù, làm sao mẹ không biết chứ? Nhưng con giống cha con, giỏi võ không giỏi văn." Nhắc đến người chồng đã khuất, khóe mắt Trịnh thị ửng đỏ.
Trái tim Tạ Trường Yến nảy lên một nhịp, nàng nắm lấy tay bà cọ cọ: "Mẹ đừng buồn, nếu ngũ bá bá đã nói vậy thì con ngoan ngoãn nghe theo là được."
"Hôm qua, sau khi nghe tin bệ hạ chọn con làm hậu, mẹ chỉ biết vui mừng, nay càng nghĩ càng thấy sầu." Trịnh thị vuốt ve mấy sợi tóc con trước trán Tạ Trường Yến, ánh nhìn ấm áp nhưng thoáng nét bi ai.
"Vì sao ạ? Chẳng lẽ đấy không phải chuyện tốt ư?"
"Có ba chuyện làm mẹ sầu muộn. Một là, gần vua như gần hổ. Mẹ rất tự trách, cha con mất sớm, để con bơ vơ, mẹ lại quá yêu chiều con khiến con không rành thế sự, ngây thơ không hiểu chuyện."
Tạ Trường Yến hơi bất mãn chớp chớp mắt.
"Hai, gia tộc của cha con vốn dĩ nên tiếp sức cho con. Nhưng có Phồn Y trước đó, mọi người nhìn con đều sẽ nhớ đến con bé, so sánh con với Phồn Y và hà khắc hơn với con."
"Đúng là con không bằng tam tỷ tỷ. Những gì họ nói đều là sự thật, con không vì thế mà buồn lòng đâu." Tạ Trường Yến cụp mắt.
"Bây giờ con không buồn nhưng ngày qua ngày, lần này qua lần khác, nước chảy đá mòn, lòng người luôn có kẽ hở, sương mù khó tan. Mẹ lo con sẽ không chịu đựng nổi.".
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Mùa Xuân Trong Đôi Mắt Tôi
2. Đại Sư Linh Châu
3. Năm Tháng Yêu Thương
4. Tôi Mắc Bệnh Chỉ Có Thể Nói Sự Thật
=====================================
Tạ Trường Yến thoáng ngạc nhiên nhìn Trịnh thị, một lát sau mới đáp: "Con lại không nghĩ giống mẹ."
Lần này đến lượt Trịnh thị ngạc nhiên.
"Mẹ thương con gái nên mới cho rằng Phồn Y là sương mù. Nhưng đối với con gái, tam tỷ tỷ là người còn thân thiết với con hơn cả tỷ tỷ ruột. Con lẻn vào khuê phòng của tỷ ấy, tỷ ấy không những không quở trách con còn tặng yên chi cho con. Con bất cẩn làm đổ mực lên váy tỷ ấy, mọi người đều trách con, chỉ có tỷ ấy nhấc bút vẽ lên váy một đóa hoa mặc lan, giải vây giúp con. Còn một lần khác, nhà bếp chậm trễ không nấu thuốc đúng giờ cho con, tỷ ấy biết được liền bẩm báo tộc trưởng phạt nghiêm người nô tỳ ác độc kia, ra mặt giúp con. Một người tốt đẹp như thế, không may tạ thế, con rất không nỡ cũng rất buồn. Mọi người mang tỷ ấy ra so sánh với con là cái sai của họ, không phải cái sai của tam tỷ tỷ. Cho dù con có oán hận cũng chỉ oán bọn họ chứ không phải tam tỷ tỷ." Tạ Trường Yến nói chậm rãi nhẹ nhàng, gương mặt còn non nớt nhưng có phần kiên định không hợp với tuổi.
Trịnh thị hoàn toàn ngỡ ngàng, nhất thời không biết nói gì.
Tạ Trường Yến chớp mắt với bà: "Huống hồ chi, nếu con thành hoàng hậu, mọi người nào dám hà khắc với con nữa? Người có thể trách con chỉ có bệ hạ mà thôi."
"Đó cũng chính là nỗi lo thứ ba của mẹ."
"Xin mẹ hãy chỉ rõ ạ."
Trịnh thị im lặng một lúc mới nói: "Con gái trên khắp Yên quốc có ngàn vạn, con biết vì sao bệ hạ lại chọn trúng con không?"
Tạ Trường Yến không trả lời được câu hỏi này.
"Yên vương chọn Tạ Trường Yến không ngoài ba lý do." Công tử áo trắng bước đi giữa rừng trúc, đại hán theo sát phía sau.
"Thứ nhất, Yên vương bất mãn trước sự chuyên quyền của các thế gia, có ý làm suy yếu đảng phái của Bàng Nhạc. Thế nên hắn không thể vừa cưới quý nữ vừa giúp sức cho gia tộc nhà gái. Mà Tạ gia, tuy có danh tiếng nhưng truyền thống thi văn, không có quan cao, không nắm thực quyền, là lựa chọn liên hôn thích hợp."
Đại hán gật đầu: "Nên ban đầu Yên vương chọn Tạ Phồn Y."
Công tử áo trắng thở dài nói: "Nhưng hồng nhan bạc mệnh, Tạ Phồn Y đứt duyên tại đấy, Yên vương bèn nhân thời cơ kéo dài hôn sự. Sau khi đăng cơ, lấy thế lực của Lôi Đình đánh lui đảng phái của Bàng Nhạc, đám con cháu của Bàng Nhạc kẻ thì tước quan kẻ thì sung quân."
"Vậy bây giờ?"
"Bây giờ vương quyền đã hoàn toàn nằm trong tay, nhất hô bá ứng không kẻ nào dám bất tuân. Song, suy cho cùng là một quân vương đã đến tuổi sao có thể không có thê tử con cái? Vậy nên, để dễ ăn nói với triều thần và bách tính, hắn vẫn phải đại hôn, và hắn vẫn chọn Tạ gia. Nhưng vì sao lại chọn Tạ Trường Yến..." Công tử áo trắng bật cười, "Hẳn là chơi chưa đủ nhỉ."
"Mẹ cho rằng, bệ hạ chọn con là vì tuổi con còn nhỏ, phải ba năm nữa mới có thể thành thân, nhưng cũng không tính là quá nhỏ, có thể chặn được miệng các triều thần..."
Tạ Trường Yến bỗng nhớ ra một chuyện, "Phải rồi mẹ, con nghe nói bệ hạ yêu thích nam..."
Chưa nói hết câu Trịnh thị đã vội bịt miệng nàng: "Cẩn thận lời nói vào! Chuyện này là đại bất kính đấy!"
"Con cũng chỉ dám hỏi mẹ thôi mà."
Trịnh thị trừng mắt với nàng. Tạ Trường Yến chỉ đành nuốt những lời sau đó vào bụng.
"Chuyện chỉ là lời đồn bóng gió, không nhất thiết phải nghe phải tin. Vả lại, cho dù là thật đi chăng nữa cũng không có liên quan gì tới con."
Tạ Trường Yến hờn dỗi nói: "Sao lại không có liên quan tới con ạ? Sau này con phải gả cho y, y không thích con thì phải làm sao?"
Nét bi sầu hiện lên trong mắt Trịnh thị, bà xoa đầu con gái: "Vậy thì cũng phải nhẫn nhịn."
Cõi lòng Tạ Trường Yến lạnh đi.
"Vãn Vãn, con phải nhớ, hoàng hậu chỉ có hai chức trách, một là sinh con đẻ cái cho bệ hạ, hai là quản lý hậu cung thay bệ hạ. Còn những chuyện khác, không cần nghĩ, cũng không cần cầu mong."
Tạ Trường Yến mở to mắt, đôi mắt đen lấp lánh như những vì sao trên trời chứa đầy ngỡ ngàng và khó hiểu.
"Làm vợ người đã khó, làm vợ đế vương càng khó hơn, Vãn Vãn à."
Tiếng trống canh điểm giờ Mão đã đến, Tạ Trường Yến có mặt trước thư phòng Tạ Hoài Dung.
Thư phòng của Tạ Hoài Dung nằm giữa một khoảng rừng trúc, trên bức hoành viết hai chữ "Huyền Các". Ông thường nói: "Người sống trên đời sinh mệnh như treo trên một sợi dây, phải suy tính trước hiểm nguy mới có thể an cư." Vì thế Tạ Tri Vi thầm nói đùa ông ấy là Kỷ Nhân(*) đương thời.
(*) "Kỷ Nhân Ưu Thiên" là một câu chuyện ngụ ngôn trích từ sách Liệt Tử. Nội dung: Ở nước Kỷ có người chỉ sợ trời sập xuống, thiên hạ sẽ chết hết. Điển tích này ngụ ý châm biếm những người "lo bò trắng răng" hay lo chuyện không đâu.
Tạ Trường Yến nhìn chữ Huyền(*) trên cao như có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, lòng cảm khác cái tên đặt hay thật.
(*) Huyền (悬): treo, treo lơ lửng, treo lủng lẳng.
Tạ Hoài Dung là gia chủ của Tạ gia tam phòng, biệt hiệu là Tam Tài tiên sinh, sở trường bói quẻ, luyện đan và thư pháp. Đặc biệt về chương thư trong thư pháp được xưng tụng là đệ nhất đương thời, không kiếm được người thứ hai.
Mà Tạ gia rất coi trọng truyền thống thi văn, con cháu bất kể nam nữ trong tộc từ bé đã phải đi học, tiếp nhận nền giáo dục, từ tu tâm dưỡng tính tề gia đến trị quốc bình thiên hạ. Nhưng dần dần kế thừa tư tưởng Vô vi của Đạo giáo, chẳng còn màng chính trị.
Trừ cha của Tạ Trường Yến Tạ Duy Thiện.
Tạ Duy Thiện thích múa kiếm nghịch thương từ nhỏ, khả năng văn thơ bút mực rất bình thường. Năm Vĩnh Tân thứ chín, sau khi tòng quân, từ từ leo đến chức Thứ sử Tân Châu nhưng đáng tiếc mãi không được trọng dụng.
Đến tận khi Trình vương chấn hưng quân đội, nhiều lần xâm phạm hải cảnh, tuy mục tiêu là Nghi quốc nhưng Tân Châu là nơi tiếp giáp giữa Nghi quốc và Yên quốc nên cũng chịu liên lụy. Ngư dân không thể ra biển, khổ không lời nào kể xiết. Tạ Duy Thiện dẫn thủy binh xuất kích, hộ tống ngư dân ra biển, trên đường đụng độ Trình Khấu, giết ba trăm tên địch, hy sinh vì nước.
Tin dữ truyền về, Trịnh thị quá đau buồn dẫn đến băng huyết sinh non. Lúc ai nấy đều cho rằng bà ấy cũng sắp theo chồng ra đi thì Trịnh thị cắn răng hạ sinh Trường Yến.
Tạ Hoài Dung thương bà ấy không chỗ nương tựa, cho phép bà ấy tái giá. Trịnh thị nhìn đứa con gái nằm trong tã lót, lắc đầy. Bà ấy quyết tâm ở lại Tạ gia thủ tiết, chuyên tâm nuôi dưỡng con gái.
Thoắt cái đã mười hai năm.
Tạ Trường Yến lớn lên dưới bàn tay nuôi nấng của gia tộc. Thỉnh thoảng gặp chút chông gai nhưng nhờ gia quy nghiêm chỉnh của Tạ gia, nàng được sống cuộc sống an nhàn đủ đầy.
Tạ gia hiện tại đang đứng trên đỉnh cao thời kỳ hưng thịnh, đời này tổng cộng có năm mươi sáu đứa con trai và ba mươi đứa con gái. Giữa một đám đường tỷ đường muội đường huynh đường đệ, Tạ Trường Yến không hề xuất chúng, cũng vì Trịnh thị ít quản thúc nên nàng càng được sống tự tại vô ưu vô lo. Vì thế, trong mắt mọi người, nàng là một đứa trẻ tùy tiện và bình thường.
Không ai ngờ rằng một lời khâm điểm của thiên tử, vận mệnh lại thay đổi chóng mặt như thế.
Có kẻ ngưỡng mộ, kẻ ganh tị, kẻ chúc phúc và cả kẻ làm ngơ.
Đối với bản thân Tạ Trường Yến, từ vui mừng lúc ban đầu đến thất vọng, đến sợ hãi, đến giờ khắc này đứng trước cửa thư phòng nhìn chữ Huyền mà Tạ Hoài Dung viết mấy trăm lần mới vừa ý đem ra treo lên này, trái tim trong lòng ngực dường như cũng bị treo lên cao, khó lòng hít thở.
Nàng hít sâu thở ra mấy cái liền, sau đó mới gõ cửa.
"Vào đi." Giọng nói này không phải của Tạ Hoài Dung.
Tạ Trường Yến mở cửa bước vào, ngạc nhiên: "Cửu ca ca, sao lại là huynh?"
Bấy giờ, người đứng trước giá sách đang lật giở mấy trang sách là thiếu niên Tạ Tri Vi.
"Cha có chuyện gấp phải ra ngoài, ngày về chưa rõ nên dặn dò ta dạy học thay. Ngồi đi."
Tạ Trường Yến thở phào nhẹ nhõm: "Tốt quá đi! Mỗi lần nghĩ tới phải ngồi học với ngũ bá bá là đầu muội muốn phình to luôn."
Tạ Tri Vi cuộn quyển sách lại gõ lên cái chân đang đặt trên giường của nàng. Tạ Trường Yến vội vàng bỏ chân xuống, ngồi ngay ngắn.
Tạ Tri Vi đưa một tờ giấy cho nàng.
NNPH lảm nhảm:
Hồi đó tui từng ship cặp Chương Hoa - Hách Dịch đó cả nhà.:))