• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Phần IX: Lỡ nhau một kiếp

***

Sáng nay lên triều ta không cách nào tập trung được. Nông bộ Thượng thư đã trình bày hai lần về đề xuất nhập giống lúa mạch của Cao Kê. Loại lúa này năng xuất gấp hai lần lúa truyền thống trong nước. Tuy nhiên Cao Kê là một vương quốc xa xôi, chúng ta không hiểu nhiều về nó, đường đi lại gian nan, phải vượt qua sa mạc cùng hẻm núi hiểm trở... Triều thần có người tán đồng, có người phản đối, tiếng tranh luận rất ồn ào. Ta mơ hồ nhìn những cái miệng liên tục mấp máy, hoàn toàn không theo kịp họ đang nói cái gì.

- Được rồi! Chuyện này ngày mai sẽ bàn tiếp. Các khanh lui ra đi!

Cái tổ vò vẽ lập tức yên tĩnh, ta có thể hiểu vì sao bọn họ kinh ngạc như vậy. Suốt mười bốn năm ta tại vị, chưa có buổi thiết triều nào họ được về nhà sớm, phải đứng chầu qua giờ cơm trưa là chuyện bình thường.

- Thế nào? Không muốn ngừng?

Ta cảm thấy hơi buồn cười. Vào những năm đầu khi ta lên ngôi, bọn họ rất sợ đi chầu. Phần vì phải đứng tê cả chân, phần vì phải lau mồ hôi nghe mắng chửi, lúc dâng tấu thì lo đông lo tây chỉ sợ viết sai chính tả hay có chi tiết nào không hợp lý sẽ khiến ta nhíu mày... Ta biết bọn họ sợ, dù chỉ một cái chớp mắt của ta. Trẫm hung ác lắm sao...?

Nhiều năm qua đi, đôi chân họ trở nên khỏe hơn, đứng bao nhiêu canh giờ cũng không thành vấn đề. Rồi lúc làm sai bị mắng thì giữ được bình tĩnh, cảm giác được mắng là một vinh quang. Thiết triều trở thành khoảng thời gian rất kích thích, ai cũng muốn phát biểu, hiến kế chỉ để đối lấy một ánh mắt hài lòng. Trẫm khó tính vậy sao...?

Các thần tử của ta, ta đều hiểu họ. Tuy đối với họ ta cao xa vời vợi, lạnh nhạt khó gần nhưng chính ta lại biết rất nhiều, cái tốt và xấu của từng người. Chẳng hạn như Ngô Phán sự có đầu óc nhanh nhạy, rất thông minh và nhiều sáng kiến nhưng ông ta bản tính tham lam, dễ bị tiền của dụ hoặc. Ta từng phát hiện không ít vụ tham ô nhỏ lẻ nhưng không vì thế mà cắt chức lão ấy. Thay vào đó lão lập công ta thưởng nhiều bổng lộc, thỉnh thoáng nói bóng nói gió dọa lão ta hồn kinh phách lạc. Con người ai cũng có một thành tố sai trái, mấu chốt ở chỗ nó có được kiềm chế kịp thời hay không. Dần dần, tất cả bọn họ đều hiểu ra, trẫm ngồi ở cao nhưng thấy rất nhiều góc khuất. Muốn sinh tồn thì phải thành thật cùng trung quân. Một hoàng đế tốt không chỉ lo nước thương dân là đủ mà còn phải khiến triều thần dù tốt hay xấu cũng trở nên hữu dụng. Chỉ cần họ không vượt qua giới hạn, ta sẽ có cách khiến họ ngoan ngoãn ngồi đúng vị trí.

Khi Lưu Hải cao giọng hô “Bãi triều”, quan tướng lúc này mới tỉnh ngộ, bất an hành lễ rồi lui xuống. Đại điện chốc lát đã vắng tanh, cổng thép vàng khép lại. Ta vẫn ngồi im trên ngai, Lưu Hải bẽn lẽn cúi đầu chờ phân phó.

- Ngươi không có điều gì cần báo cáo với trẫm sao?

Lúc nãy ta đã nhìn thấy tiểu thái giám của Hà cô cô, hắn lén lút nấp sau rèm ra dấu với Lưu Hải. Lưu Hải không tiếng động rời chỗ đứng, hơi nghiêng đầu nghe tên kia thì thầm vào tai. Ta có thể đoán họ đang nói chuyện gì. Thế nhưng Lưu Hải lại không lập tức đến bẩm báo... Kể từ lúc đó, ta không tài nào tập trung được, làm hại Nông bộ Thượng thư phải trình bày lần nữa.

Lưu Hải cúi thấp đầu, bàn tay bất an vuốt vuốt cây phất trần. Hắn theo ta nhiều năm, ta cũng biết đó là thói quen khi hắn lo sợ.

- Bẩm bệ hạ... Bên Thượng Cung báo tin đã đem thuốc đến chỗ Dung phi nương nương...

Hắn nói rất chậm, bàn tay ta siết lại trên thành ghế.

- Nàng... Đã uống rồi!

Đã uống rồi...

Đã uống rồi...

Ta hít sâu một hơi, dần nhắm hai mắt lại. Phải, nàng nên uống, đó là lệnh của trẫm.

Nhưng sao trẫm lại ân hận thế này? Sao lại tức ngực thế này?

Ta vờ dời cánh tay, chỉ nhẹ xoa lồng ngực một chút, giọng nói vẫn thản nhiên:

- Uhm, thế Dung phi ra sao rồi?

Ta thừa nhận, chỉ mới nãy thôi ta đã mong Lưu Hải nói rằng nàng không chịu uống. Hóa ra đây mới là điều ta hy vọng!

- Tiểu thái giám kia không rõ tình hình lắm, chỉ nói Thượng Cung gọi ba y nữ tới Trúc Uyển, đến giờ vẫn chưa rời đi...

Khi ta đến đó thì Hà cô cô đang bất an đi qua đi lại, nhìn thấy ta cũng quên hành lễ mà vội vàng nói:

- Hoàng thượng! Dung phi không tốt lắm. Thần không biết chuyện ngày hôm qua nàng vừa bị ngã nên thai đã không ổn. Bây giờ lại uống thuốc...

Ta không đợi bà ấy nói hết, lập tức đá cửa phòng bước vào. Ngay lập tức có mùi máu nồng nặc ập tới, cảm giác như mảnh thủy tinh ghim vào phổi. Ta không nghe thấy tiếng kêu của nàng, chỉ có ba y nữ đang vây quanh giường, nhìn thấy ta bèn sợ tái mặt.

- Tránh ra! Một lũ ăn hại!!!

Ta biết mình không nên quát tháo vào lúc này vì người có lỗi nhất là ta mới đúng. Thế nhưng mọi thứ nghẹn ứ trong cổ họng, nếu không trút giận vào ai đó thì sẽ không chịu nổi. A Dung nằm trên giường, đắp tấm chăn mỏng. Da mặt nàng xanh mét, môi trắng bệch, băng vải lót dưới đệm đã nhiễm đỏ máu. Huyết sắc tương phản dữ dội với chiếc giường màu trắng, giống như mạt cưa đâm vào tròng mắt. Ta thật không muốn nhìn!

- A Dung... Xin lỗi, xin lỗi...

Khi lên triều ta ghét nhất là nghe thần tử nhận lỗi, bởi vì có xin lỗi nghìn lần vạn lần thì cái sai cũng không biến thành đúng. Bây giờ ta hiểu hơn một điều, nói “xin lỗi” không chỉ mang hàm ý nhận trách nhiệm mà còn thể hiện sự bất lực và yếu đuối.

Trẫm xin lỗi...

Trúc Uyển hôm ấy rất loạn, ta chẳng nhớ mình đã gào thét cái gì nhưng Thái y viện đã đổ xô tới chỉ trong ít khắc. Người ngoài không rõ chuyện còn tưởng hoàng đế sắp băng hà rồi. A Dung mất máu quá nhiều nên mê man hai ngày. Trong hai ngày đó ta cũng không làm được chuyện gì ra hồn. Từ khi nào nàng lại trở nên quan trọng như vậy?

Huệ phi đến thăm A Dung, nói rằng hai người là tỷ muội nên muốn ở lại túc trực. Nàng ta có cái tên rất hay: Sở Tâm Huệ, tiếc rằng tâm hồn không bao giờ có thể thuần khiết như hoa huệ được. Nếu ở hậu cung này tồn tại một loài hoa thì chỉ có thể là hoa sen. Ta mất ba năm để hiểu ra điều đó!

- Huệ phi, nàng quá đề cao bản thân hay quá xem nhẹ quyền uy của trẫm? Nàng chẳng qua chỉ là một công chúa hòa thân đến từ tiểu quốc, làm con cờ thí bỏ trong tay Sở Chính Hàn thì vẻ vang lắm sao? Hãy nhớ, nơi này không phải Trung Lương của nàng mà là Khương La của trẫm. Nhất cử nhất động trong kinh thành không phải trẫm không biết, chẳng qua là không rảnh bận tâm mà thôi!

Khi nói những lời này ta đang cố tìm cách cho A Dung uống thuốc. Nàng như con chim nhỏ nép trong khủy tay ta, trông ngoan ngoãn nhưng lại rất bướng bĩnh, bao nhiêu thuốc đút vào đều chảy ra hết. Huệ phi quỳ ở giữa phòng, mặc một bộ hồng y chói mắt. Ta cảm thấy màu này thật xấu, vừa khêu vừa tục, không bao giờ thanh khiết và trinh bạch như màu hồng của A Dung... Huệ phi sửng sốt thật lâu, biểu cảm giống hệt những nữ nhân khác khi hồi tỉnh từ giấc mộng đẹp.

- Hoàng... Hoàng thượng... Sao chàng lại nặng lời với thiếp như vậy? Thần thiếp đã làm gì sai sao? Dung nhi là muội muội thân sinh, ở nơi này không ai gần gũi với thiếp hơn nàng ấy. Hai chúng ta đều lạc lỏng trong hậu cung, phải nương tựa lẫn nhau để sinh tồn... Bệ hạ, ngài nghi oan cho thiếp như vậy, thử hỏi thiếp làm sao sống được? Huhuhu...

Ta thừa nhận Sở Tâm Huệ rất có khiếu diễn xuất, nàng khóc đến thương tâm, mắt lệ long lanh, tiếng nấc nghẹn ngào... Nếu không phải hiểu rõ mười mươi có lẽ ta cũng sẽ áy náy dỗ nàng mấy câu. Ba năm nay đúng là Huệ phi và A Dung rất thân thiết, có lúc khiến ta cảm tưởng tình thân vẫn tồn tại giữa cám dỗ lọc lừa. Tiếc rằng sự kiên trì của Huệ phi chỉ vỏn vẹn ba năm, bây giờ đã lộ bộ mặt thật. Đáng buồn, cái ao bẩn thỉu mang tên “hoàng cung” không bao giờ trồng nổi một loài hoa tinh khiết. Có lẽ chỉ mỗi hoa sen mới không bị ám hôi mùi bùn...

Tiếng khóc ray rứt vẫn không dừng, vài tiểu cung nữ dám dùng ánh mắt trách móc lén hướng về phía ta. Khá lắm, các nàng là nô tì của ai? Đã không bảo vệ được chủ tử lại còn hùa theo phe giặc! Ta có một mong muốn phải đổi hết cung nhân trong Trúc Uyển này đi! Công nhận Sở Tâm Huệ rất khéo lấy lòng người, ít nhất trong ba năm nay nàng ta đã khiến A Dung và những người kề cận tin tưởng hết mức. Thậm chí nghe theo Huệ phi xúi giục, dám qua mặt trẫm để cho mình có thai!!!

Càng nghĩ ta càng thấy tức giận. Một bên là tiếng khóc phiền toái của Huệ phi, một bên là A Dung không chịu nuốt thuốc vào... Long bào đã bị nàng làm ướt đẫm... Ta không nghĩ mình sẽ kiên trì được hơn...

- KHỐN KHIẾP! Câm miệng lại! Cút hết cho trẫm!!!

Ta nổi khùng ném cây muỗng đi, rất vừa vặn trúng vào trán Huệ phi. Nàng ta sợ quên cả khóc, tay ôm trán hớt hãi chạy ra ngoài. Khi trong phòng không còn kẻ dư thừa nào ta mới thấy bình tĩnh một chút. Cô gái nằm trong lòng thì vô tư ngủ, không biết sợ là gì, dám thách thức sự nhẫn nại của ta...

- A Dung... Trẫm xin nàng đấy, uống thuốc vào được không...?

Cây muỗng ném đi rồi, ta ngửa cổ uống một ngụm dược đắng, thật cẩn thận nâng đầu nàng lên. Bình thường người A Dung luôn ấm áp, khiến ta rất thích áp lại gần. Bây giờ nàng lại rất lạnh, tay lạnh, cổ lạnh, cả làn môi cũng giá buốt... Từng chút, từng chút, ta cố gắng đẩy thuốc vào, thật chậm và nhẫn nại để không làm nàng sặc. Dược rất đắng, ngậm lâu trong miệng chẳng còn thấy hương vị gì... Tựa như đau đớn trong lòng, giữ lại lâu ngày cũng không còn mùi vị...

***

Bây giờ A Dung không cười nữa. Ta chẳng nhớ nổi lần cuối cùng nhìn thấy nàng cười là khi nào. Thái y nói sức khỏe và tinh thần của nàng không ổn định, tốt nhất đừng để nàng kích động. Khổ nổi nàng chỉ phát điên khi nhìn thấy ta, cho nên muốn nàng không kích động thì ta phải xéo đi chỗ khác! Tình trạng này đã ba tháng rồi, ta không bén mảng đến Trúc Uyển nữa, hậu cung bảo rằng Dung phi bị thất sủng, ta lại cảm thấy người bị “thất sủng” là mình mới đúng!

Lúc nàng tỉnh dậy không nói một câu nào, ánh mắt vô hồn như nhìn xuyên mọi vật. Khi ở một mình nàng sẽ vô thức đưa tay sờ bụng, còn ta thì lập lại động tác ấy khi nàng đã ngủ say. Ở đó từng có một hài tử, không biết là trai hay gái nhưng ta đã chọn từ bỏ... Về sau ta luôn tự vấn trong lòng, nếu năm ấy đứa bé được sinh ra thì sẽ thế nào? Chúng ta không chỉ bạc mệnh mà còn vô duyên với con cái.

Ngày hôm ấy ta đang bận rộn duyệt tấu chương trong thư phòng. Lưu Hải đẩy cửa xông vào, vội đến mức giẫm phải tà áo.

- Bệ... Bệ hạ, không xong rồi! Dung phi nương nương nhảy xuống hồ!!!

Cây bút lông trên tay ta liền gãy làm đôi. Khi ta chạy đến thì nàng đã được cứu lên, nửa mê nửa tỉnh. Ta xô đám thị vệ sang một bên, vừa sai người gọi thái y vừa bế nàng chạy về Trúc Uyển cách đó không xa. Đem than đốt nóng căn phòng, dùng chăn bọc kín nàng lại. A Dung vừa ôm ngực ho vừa lạnh lùng hất tay ta ra, cơn buồn bực nhiều ngày tích tụ lập tức bùng phát.

- DUNG PHI!!! Liên tục thách thức trẫm vui lắm sao? Trẫm nói cho nàng biết, không phải chết là xong đâu. Nếu nàng dám tìm chết một lần nữa trẫm sẽ...

A Dung quay quắt lại, mở to mắt nhìn ta:

- Hoàng thượng sẽ làm gì? Cùng lắm là trút giận lên hạ nhân trong Trúc Uyển viện này. Mạng người trong tay bệ hạ chả đáng bằng ngọn cỏ, sau khi nhỏ sạch chỉ việc trồng lại là xong!

Mỗi khi nàng ngoan cường đôi mắt sẽ nhìn ta không nhân nhượng, sau cơn ho hai gò má đỏ bừng, trông có sức sống hơn hôm qua rất nhiều. Ta nhớ da diết A Dung của ba năm về trước, nhớ vẻ mặt vừa thẹn vừa giận khi ta mặc bạch y nửa đêm lẻn vào khuê phòng. Nàng cáu kỉnh như con vật nhỏ bị xâm phạm, sau khi đánh rồi cắn lại quay sang bao che cho ta. Khi ấy ta vô cùng tự tin đến mức tự phụ, nghĩ rằng mình đã hoàn toàn thu phục nữ nhân này, nàng sẽ phải bất chấp mọi thứ chạy theo “tiếng gọi tình yêu” như bao cô gái dại dột khác. Ta đã đúng, nàng xuất hiện trong bữa tiệc đề thân là muốn đưa một câu trả lời. A Dung của ba năm trước táo bạo quỳ trước vua cha, cầu xin được gả đi. Nàng cũng kiên quyết thu dọn hành lý trong khi mẫu phi vừa khóc vừa can ngăn. Nữ nhân! Chính là “khờ si” như vậy!

Ta cứ nghĩ mình thả miếng mồi bé bằng hạt ngô, thu về một con cá kình lớn. Ai ngờ cá kia ta không kéo nổi lên bờ mà chính nó lôi ta xuống nước... Hả hê, khinh thường, thích chí vì không tốn công sức gì cũng dụ được nàng đến Khương La. Thế nhưng ta phát hiện mình đang rung động. Thế gian này nữ nhân tơ tưởng ta rất nhiều, đàn bà trong hậu cung mỗi ngày đều nói nhớ thương nhưng thiết nghĩ có mấy ai “yêu” giống như nàng – chỉ nhìn thấy Hạ Hầu Vĩnh Khang chứ không phải một Thiên Vĩnh đế! Đó là sự khác biệt rất lớn. Nếu trên người ta không có long bào, trong tay không có giang san, dưới chân không phải cung vàng điện bạc thì ta chẳng là ai, chẳng là cái gì trong mắt bọn họ. Các nàng cứ nghĩ mình thật lòng thật dạ, nếu ta không đáp lại chân tình thì là vô tâm, lạnh nhạt thì vô tính... Họ chỉ thấy cái vỏ bề ngoài, yêu một hoàng đế, một quân vương chứ không phải bản thân ta!

A Dung quay mặt đi, chỉ chừa lại một tấm lưng hao gầy. Nàng vốn mảnh mai, sau khi sảy thai lại ốm yếu hơn nữa. Ta xót xa ngồi xuống giường, vừa nhẹ nhàng vừa quyết tuyệt ôm nàng vào lòng. Tựa như cái đêm không trăng không sao ở Trung Lương, nàng dùng hết lực đánh ta, cắn ta, mắng mệt lại khóc... Con người là một loài mâu thuẫn, họ chỉ bị tổn thương bởi người mình yêu, giống như ta giày vò nàng, nàng lại hành hạ ta... Những kẻ khác thì trở nên vô nghĩa.

- A Dung, chúng ta quên hết đi, làm lại từ đầu được không?

Khi nàng đã khóc mệt ta mới có cơ hội tựa đầu nghe nhịp tim thình thịch, hơi thở nàng nhanh và mỏng, cứ nửa đêm tỉnh giấc ta lại nhung nhớ mùi hương này. A Dung tránh né nụ hôn của ta, nàng không còn là thiếu nữ ngây ngô chỉ vì một cái chạm nhẹ là hồn bay phách lạc. Nhưng ta thì khác, ta trở nên dễ dao động và thất thần, dù chỉ một ánh mắt của nàng. Cẩn Thiện thích sưu tầm mấy câu “triết lý” vớ vẩn, hắn từng bảo rằng: Về mặt tình cảm, đàn bà nặng lòng hơn đàn ông, người yêu trước sẽ là kẻ thua cuộc! Ta cảm thấy câu này hoàn toàn sai, ít nhất là đối với ta.

A Dung vô hồn để ta mặc sức ôm ấp, khi sắp bị lột trần cũng không phản ứng gì, ngây dại như xác chết. Tay ta dừng lại trên sợi dây yếm, không cách nào kéo nó ra được... Bên dưới lớp vải yếm thấm nước là cơ thể ta khao khát hàng đêm, gần như thành một cơn nghiện không có thuốc trị. Ta vuốt ve những chiếc xương sườn gồ lên sau làn da nhợt nhạt, dục niệm đều tan đi hết...

- A Dung... Đừng như vậy... Chẳng lẽ nàng muốn trốn tránh trẫm cả đời?

Ánh mắt của nàng hơi dao động, rất khẽ và chậm, chạm vào ánh mắt ta. Tóc nàng ướt rượt bếch vào chiếc cổ trắng nõn, từng đường nét lồi lõm hoàn hảo,... Điều duy nhất ta cảm thấy tự tin trong lúc này là nàng thuộc về mình, nếu không phải tâm hồn thì cũng là thể xác. A Dung bình tĩnh nhìn ta trong chốc lát, có lẽ nàng sẽ nhận ra sự thành khẩn và cầu xin trong đôi mắt này. Chí ít cũng nghe được tiếng lòng của ta, những lời yêu mà ta sẽ không bao giờ nói...

- Bệ hạ, ngài có thể trả lời ta vài vấn đề không?

- Chuyện gì...?

A Dung nuốt xuống, cẩn thận lựa lời.

- Vì sao năm đó ngài lạnh nhạt với ta, sau khi ta theo ngài về Khương La thì chẳng hề ngó ngàng tới?

Ta quyết định giữ im lặng. Phải nói gì đây? Rằng tất cả chỉ là một kế hoạch điên rồ, rằng ta cực hận mẹ ruột của nàng, không tin bà ta đã hoàn toàn biến mất, muốn thông qua A Dung vừa trả thù vừa ôm cây đợi thỏ. Người đàn bà đó mãi mãi là một ẩn số. Ta vẫn không biết làm cách nào hai mẹ con họ thoát khỏi vụ hỏa hoạn, lẻn khỏi kinh thành không để lại dấu vết. Riêng về Lâm Xương thì có chút tin tức. Hắn mang tội mưu phản trên vai, chật vật trốn đến Khương La thì gặp nạn. Năm ấy hoàng hậu đi lễ chùa, vừa khéo cứu được một tên khất cái ngã núi gãy chân. Cả đời bà ta giết hại bao nhiêu người, chỉ cứu duy nhất một người thì lại cứu được kẻ trọng tình trọng nghĩa. Cái vận bả chó gì vậy? Lâm Xương này không hề tầm thường, chẳng rõ vì sao hắn thoát chết rời khỏi Trung Lương. Sau khi nhận giao phó của hoàng hậu thì đem Bảo Ngọc công chúa quay về cố hương, vào chùa nương náu. Cũng chính ở đây Lâm Xương gặp được Lăng tần, vậy là tình cũ không rủ cũng tới. Thời nay chùa chiền có lắm nhân duyên thật đấy! Lăng Thuần Mỹ thay mận đổi đào, đem Bảo Ngọc thế chỗ cô con gái đã chết, từ đó nàng trở thành Sở Phù Dung. Suốt 3 năm nay ta luôn tìm cách thăm dò, có thể khẳng định A Dung không hề biết gì về thân thế uẩn khúc của nàng, chỗ Lăng Thuần Mỹ cũng không biết nốt... Tất cả đầu mối đều biến mất, chỉ còn lại ta với nàng đối mặt nhau trong vận mệnh éo le, giữa yêu hận và một mối tình ngang trái...

A Dung chờ mãi không thấy ta trả lời cũng đành thôi, nàng cười giễu lại hỏi tiếp:

- Vậy tại sao bệ hạ luôn ép ta uống Tuyệt Tự Canh? Tại sao lại tàn nhẫn muốn vứt bỏ đứa bé? Nó cũng là máu mủ của ngài mà!

Câu hỏi này còn khó hơn câu trước, ta há miệng lại ngậm miệng, chẳng đáp nổi một lời. Phải nói gì đây? Rằng nàng là muội muội của ta, chúng ta đang đi trên con đường mang tên “tuyệt vọng”... Không, ta sẽ không bao giờ nói ra, cái bí mật đó ta sẽ ôm theo cả đời, cùng với dằn vặt và cay đắng, rồi đến một ngày chôn kín ở hoàng lăng...

Cho nên

Tất cả đáp án nàng muốn biết

Sẽ mãi mãi là im lặng bất tận...

***

Khi A Dung biết tin mình mang thai cũng là lúc quân lính Khương La tấn công nhà Mạc. Ta luôn ở trên triều không trở về hậu cung, Lưu Hải mỗi ngày vẫn báo cáo tình trạng của Dung phi. Qủa đúng như ta dự đoán, nàng cẩn thận chăm sóc chính mình, không bỏ ăn bỏ uống, cũng không khóc lóc than vãng. A Dung rất trân trọng đứa nhỏ, nàng sẽ là một người mẹ tốt. Tạm thời yên tâm, ta đặt hết tâm trí vào cuộc chiến, ngày ngày dõi về chiến trường nơi xa, một chút biến cố đều đích thân xử lý. Vị trí Nguyên Soái ta tin tưởng giao cho Tả Minh, đại tướng thống lính có năm người, đều là anh tài đã bồi dưỡng hơn mười năm. Ta biết bọn họ sẽ không phạm sai lầm ngớ ngẩn, cũng tin tưởng cách hành sự khôn ngoan. Bốn mươi chín ngày là con số không thể vượt qua, khi chiếm được miền Đông nước Mạc đã là ba mươi ngày, quân vận gấp như lửa xém lông mày. Ta ngồi trên triều lạnh lùng nghe thần tử kháng nghị, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh khó mà thực hiện, bởi vì Trung Lương kịch liệt chống trả, gần như muốn đồng vu quy tận, toàn dân đều đổ ra chiến trường, tinh thần cứu quốc cao ngất ngưỡng... Xem ra phen này Tả Minh gặp cửa ải khó qua rồi, ta đã dự phòng trước mọi nguy cơ, chỉ chờ đến lúc bọn họ hoàn toàn bế tắc thì chỉ dẫn một chút. Dù có thế nào cũng nhất định thắng.

Nghe báo Dung phi đã quỳ ở ngoài cửa hai canh giờ, ta sai Lưu Hải đem than củi đốt nóng sân gạch, tránh cho nàng cảm lạnh. Ta không biết nàng sẽ kiên trì đến khi nào nhưng chắc chắn không kiên trì hơn ta. Đến nửa đêm ta buộc lòng dùng chút thủ đoạn làm nàng ngủ mê rồi đưa về Trúc Uyển. Mấy ngày sau trong thức ăn cũng hạ dược lành tính, cốt yếu khiến nàng ngủ nhiều hơn. Chỉ cần kiên trì vượt qua thời gian này, rồi mọi chuyện sẽ ổn. Có hôm ta đi ngang Phù Dung Trì, nghe tiếng đàn não nề và tiếng hát thê lương. Trong bài hát của nàng ta là đế vương tuyệt tình, nàng là bông hoa dần tàn bên trong bốn bề thành quách...

Ngày thứ bốn mươi chín tin chiến thắng truyền về, cả triều hừng hực nhuệ khí. Tả Minh ở lại trấn thủ, nhanh chóng đặt nền thống trị mới, sáp nhập vào lãnh thổ Khương La. Từ bây giờ Trung Lương là sân sau của ta, Đại Thế bại trận chỉ là sớm muộn. Đầu tháng tám phó tướng đem chiến lợi phẩm trình lên triều đình, vàng bạc châu báu là những thứ tầm thường ta không để mắt tới. Thế nhưng ngay lúc hắn dâng mâm bạc phủ tấm lụa đỏ ta chợt có linh cảm chẳng lành...

- Muôn tâu bệ hạ, chúng thần khống chế được kinh thành, đích thân bắt Sở Chính Hàn, chặt đầu đem về kính biếu!

Nhìn vẻ mặt phó tướng ta hiểu ra mọi chuyện. Trước khi xuất quân ta đã dặn dò Tả Minh không đụng đến Lăng Thuần Mỹ và Sở đế. Ta không tin Tả Minh dám trái lệnh. Thế nhưng tên phó tướng này là huynh đệ của Trịnh Sảnh, phe phái bọn họ mâu thuẫn với Tả Minh từ lâu. Ta cho rằng cạnh tranh sẽ khiến quân đội ngày một mạnh nên không can thiệp. Nào ngờ bọn họ háo thắng tranh công, tưởng chặt được đầu Sở đế thì giỏi hơn một bậc. Nhìn vật nằm bên dưới tấm lụa, ta chỉ thấy sống lưng tê rần... Hình như ông trời đang trừng phạt, không bao giờ để mọi chuyện xảy ra đúng dự tính.

Triều thần không nghe ta khen ngợi bèn nghi hoặc nhìn lên. Không thấy thì thôi, vừa thấy đã hốt hoảng quỳ xuống.

- Ngươi... Các ngươi...

Ta không nói nổi một câu trọn vẹn, giống như chẳng còn chút sức lực nào. Lưu Hải đỡ vai ta không ngừng hô hoàng thượng. Vừa lúc đó ta thoáng thấy một bóng hồng đứng bên cửa điện, chưa kịp kêu một tiếng thì bóng lưng ấy đã chạy vụt đi. Sao nàng có thể vào đây, lại đúng khoảnh khắc này... Lẽ nào vận mệnh đang chơi một trò đùa quái ác? Ta đẩy Lưu Hải ra, từ đài cao bước xuống, giẫm lên đống châu báu la liệt dưới sàn, giữa đường thuận tay tuốt thanh kiếm bên hông Cẩm y vệ. Một tiếng thét chói tai, chỉ thấy long bào ta tung tóe máu, hai hàng văn võ ngỡ ngàng dạt ra xa. Đúng, các người tốt nhất nên biến đi, bởi vì trẫm đang điên, rất điên, trẫm muốn đốt cung điện này, muốn đốn ngọn cờ Khương La dựng ở đầu thành, muốn chém đầu những kẻ vừa thắng trận lập công. Sử sách sẽ ghi lại Thiên Vĩnh đế là tên hôn quân điên loạn!

Sau khi phó tướng chết tại chỗ ta ném thanh gươm đi, vuốt máu trên mặt chạy ra khỏi điện. Ta chạy rất nhanh, băng qua Tây môn đuổi kịp bóng dáng nàng. Thời tiết tháng tám thường mưa rào bất chợt, tóc nàng nhanh chóng ướt đẫm, vừa khóc vừa vùng vẫy, đánh đấm loạn xạ. “Ma quỷ, ngươi là ma quỷ, ngươi không phải người!” Bộ dạng của ta giống ma quỷ thật, nước mưa làm máu khô trên mặt loang lổ, vì dằn do với nàng nên cả người lấm bùn. Ta không có gì để bào chữa hay giải thích, vì nàng sẽ không bao giờ tin. Ta chỉ biết ôm nàng thật chặt, nhỏ giọng nhắc nhở đừng kích động làm con bị thương.

Ngày hôm ấy ảm đạm và tệ hại nhưng chỉ là một khởi đầu. Trong số tù binh bị bắt về có Thống lĩnh quân đội Khương La, chính là Lăng Quân. Hắn xảo quyệt chạy thoát trên đường lưu đày, ám vệ không tìm ra manh mối. Ta có cảm giác nguy hiểm chực chờ, suy nghĩ một lát bèn phái thêm sáu người ngày đêm túc trực ở Trúc Uyển. Qủa nhiên ta đoán chẳng sai, một đêm nọ Lăng Quân mạo hiểm đưa A Dung bỏ trốn. Ta thừa nhận hắn là một đối thủ đáng gờm, chỉ tiếc sinh ra sai thời, lại còn mơ tưởng đến nữ nhân của ta.

Rạng sáng hôm ấy ta điềm nhiên cưỡi ngựa ra cổng thành, cả kinh đô vẫn còn say ngủ. A Dung mảnh mai bé nhỏ đang đứng giữa vòng vây, kiên quyết che chắn cho Lăng Quân, khiến hàng trăm mũi tên lên dây mà không dám bắn. Ngự lâm bất động, mồ hôi chảy ròng ròng. A Dung run run cầm thanh đao kề bên cổ, lưỡi sắt phạm vào da ứa ra vệch máu chói mắt. Khi ta đến nơi chính là chứng kiến cảnh tượng dằn do kịch liệt này. Quăng dây cương nhảy xuống ngựa, ta rẽ vòng vây bước vào trong. Lúc này chỉ có Lăng Quân, ta và nàng, xung quanh là tầng tầng lớp lớp cung đã căng dây, chỉ cần một cử động của ta thì mọi chuyện sẽ chấm dứt.

- Phù Dung, em đừng nghịch nữa, theo trẫm trở về đi!

Ta nhìn lom lom thanh đao sắt bén và bàn tay trắng nhỏ vốn không cân sức với thứ vũ khí nặng nề. Nàng muốn ta mở cổng thành để hai người rời đi, đó là mơ tưởng viễn vong. Từ rất lâu rồi Hạ Hầu Vĩnh Khang ta nhận định, Sở Phù Dung chỉ có thể sống bên cạnh ta, chết với ta chung huyệt. Đứng phía sau nàng là “Chiến thần” của Trung Lương, hắn nhìn ta bằng đôi mắt đen kịt, không sợ hãi, không căm hận, chỉ có thầm lặng dò xét. Ánh mắt ấy khiến ta khó chịu, giống như mình đang ở thế yếu, bị lột trần và săm soi đủ kiểu. Kẻ địch này ta chưa bao giờ xem trọng, từ nhiều năm trước khi hắn bị ta chém một nhát ở Phù Hoa cung, ta cảm giác Lăng Quân chẳng qua là một công tử thế gia còn non đời lắm. Sau khi A Dung gả đến Khương La, Lăng Quân vứt bỏ sự học đi đầu quân dưới trướng Lăng Kì. Bao nhiêu năm ta có nàng là bấy nhiêu năm hắn lăn lộn trong chốn binh đạo, trưởng thành qua gian khổ để làm nên huyền thoại thứ hai sau người anh cả, được dân chúng xưng tụng “Chiến thần”. Tên nay nghe rất kiêu nhưng chính xác, ít nhất là về dũng hắn giỏi hơn Tả Minh, hơn Trịnh Sảnh; Về trí cũng vượt Cẩn Thiện một bậc... Đáng tiếc, Lăng Quân sinh cùng thời với ta, hạng hai là vị trí cao nhất hắn chiếm được! Bao nhiêu năm qua đi, trừ đánh đấm và mưu lược thì hắn không cưới vợ không sinh con, ai nhìn vào cũng hiểu hắn si tình với Thập nhị công chúa cỡ nào. Càng như thế, ta càng căm ghét, càng muốn diệt trừ. Không nên tồn tại một người để nàng có cơ hội đem ra so sánh, trong lòng nàng ta phải là độc nhất vô nhị!

Rõ ràng A Dung không giỏi ra giá và thương lượng, yêu cầu của nàng không thuyết phục gì cả, ta có thể nhẹ nhàng lừa gạt một phen. Cả đời ta luôn tự hào mình hành sự quang minh lỗi lạc, lấy dân làm gốc, cốt cách đế vương. Tuy nhiên, đối mặt với A Dung mọi chuẩn mực cùng quy tắc đều vứt đi hết. Tình yêu của ta xây nên từ trăm nghìn dối trá và hứa hẹn không bao giờ thực hiện, mục đích cuối cùng là giam nàng bên cạnh mặc kệ tâm hồn nàng thuộc về nơi đâu. Lần này cũng vậy, ta cho mở cửa thành, lại cấp một con ngựa tốt. Chỉ cần nàng ngoan ngoãn hạ đao xuống, tiếp tục ngây ngốc làm Dung phi, Lăng Quân sẽ được tự do và ta không bao giờ truy cứu chuyện cũ nữa. A Dung nhìn ta chăm chú, cắn môi do dự, ánh mắt tràn đầy hoài nghi.

- Bệ hạ nói lời giữ lời chứ?

À, chỉ trách ta nuốt lời quá nhiều lần, kẻ mang tiền án không đáng tin tưởng...

- Quân vô hí ngôn!

Lời vua không nói bừa, cũng như thánh chỉ đã ban dù sai cũng không thu hồi lại. A Dung tạm yên tâm, nàng lại thuyết phục Lăng Quân rời đi. Cảnh tượng chia ly này đáng ghi vào sử sách là một “thiên cổ tình ca”. Cái gì mà “hữu duyên vô phận”? Duyên phận của nàng đều thuộc về ta, chẳng liên quan đến tên họ Lăng. Cái gì mà “hạt sen nhỏ”? Ai cho phép hắn đặt biệt danh như vậy? Ta phải siết chặt nắm tay để ngăn mình xông lên làm thịt y tại chỗ. Cuối cùng A Dung cũng thành công đẩy hắn lên ngựa, vừa sốt ruột vừa lo lắng nhìn quân đội bao vây. Nàng đã thông minh hơn một chút, vẫn cầm đao chờ Lăng Quân chạy xa khuất bóng.

- Được rồi, đưa thứ đó cho trẫm, em nghĩ mình có thể ôm được bao lâu?

Ta thận trọng tiến từng bước, dịu dàng chậm rãi chạm vươn bàn tay ra. Những trò cân não loại này A Dung đâu phải đối thủ của ta. Nàng cảnh giác nhưng không lùi lại, chốc lát quay đầu nhìn về phía xa, Lăng Quân đã không thấy nữa. Cảm giác A Dung đã hoàn toàn lơi lỏng, ta lập tức đoạt lấy món vũ khí, quăng mạnh ra xa khiến nó cắm sâu xuống đất, kim loại run rẩy. Ta kéo nàng vào lòng, xé ống tay áo đè lên miệng vết thương. Sắc mặt nàng tái nhợt vì cả đêm không ngủ, bên dưới lớp vải thô là cái bụng đã to một vòng. Chưa bao giờ ta thấy đắng chát như vậy, thê tử đem theo hài nhi chạy trốn với tình lang!!!

Ta vuốt lại mái tóc lòa xòa, bí mật đưa tay ra sau điểm lên hai huyệt vị làm nàng chìm vào giấc ngủ, cái này có thể giải thích là mệt quá thiếp đi. Lưu Hải ôm áo lông sợ sệt tiến tới, ta bao nàng kín mít, dè dặt bế lên, sau đó ngẩng đầu nhìn ra cửa thành nở nụ cười trào phúng. Lúc nhỏ ta không được tiên đế yêu mến, chưa từng theo sư phó học chữ như các hoàng tử khác, vì thế chưa ai dạy ta thế nào là “Quân vô kí ngôn”...

- Lâm Trang Lân, dốc hết lực lượng, đem xác hắn về cho trẫm!

***

Trải qua chiến dịch “Ngự Bắc chế Tây”, cả triều đình trên dưới hân hoan nhưng cũng không thảnh thơi. Quân đội hao tổn nguyên khí, phải gấp rút phục hồi. Quân lương đã vơi một nửa, phải nhanh chóng bổ sung. Thuế chiến tranh tăng thêm năm văn tiền so với các năm khác, phần này không làm nên gánh nặng kinh tế cho dân nhưng đòi hỏi nhà nước phải chi tiêu cẩn thận. Mỗi ngày tấu chương đưa đến long án vẫn chất cao như núi. Vì thói quen không dồn ứ công việc, ta luôn cố gắng làm xong trong ngày, không để thừa qua hôm sau. Cuộc sống bận rộn cũng có cái hay, đám nữ nhân hậu cung không dám đến làm phiền, khuya về có thể lăn ra ngủ mà không cần nghĩ ngợi linh tinh... Hành trình của ta cố định ba nơi: Chính điện, Thái Hệ cung và Trúc Uyển. Sáng sớm lên triều, nghe nghị sự đến giữa trưa, ngồi ở thư phòng duyệt tấu đến tối muộn. Khi trăng lên cao ta mới lê lếch về ngủ với A Dung. Mỗi ngày dường như nhàm chán, cũng dường như yên bình.

Dung phi mang thai tháng thứ sáu, bụng phồng lên như trái bóng, tròn vo đáng yêu! Đây không phải lần đầu ta có con nhưng cảm giác rất đặc biệt. Khi hoàng hậu mang thai trưởng công chúa ta cũng mong chờ, tháng đầu tiên cứ ba ngày lại đến Phượng Cát cung một lần nhưng về sau thưa thớt rồi không đi nữa. Không nói đến nhan sắc phụ nữ có thai xuống dốc trầm trọng, cả tính khí của họ cũng thay đổi, bắt đầu làm trời làm đất, đeo bám không rời. Đứa con đầu tiên chào đời, ta cũng đến nhìn xem, biết là máu mủ ruột rà nhưng một chút cảm giác thân thuộc hay yêu thương cũng không có. Sau này lại thêm vài nhi tử nữa, ta rất ít bồng bế chúng, mà chúng cũng không thích gần gũi ta. Chắc do mặt mũi ta lạnh nhạt khó coi, nhìn xa đã sợ, nhìn gần càng tệ hơn. Lúc trước ta từng nghe Hiền phi dạy dỗ Tứ hoàng tử: “Con phải chăm đọc sách, học thuộc Kinh thư, như vậy phụ hoàng mới khen thưởng.” Về sau nàng ta đổi lại: “Hôm nay không thuộc bài ngày mai mẫu phi sẽ đưa con đến thỉnh an phụ hoàng!” Hà cô cô từng khuyên ta bỏ thói quen chau mày, bởi vì chân mày ta vừa dày vừa đậm, nhìn hơi dữ tợn. Bà còn nói ta nên mỉm cười với bọn trẻ, để chúng không phải lo lắng, căng thẳng mỗi khi gặp ta. Đề nghị này có vẻ hợp lý nhưng hơn ba mươi năm nay ta đều một dạng như vậy, sửa đổi không dễ và ta cũng chẳng muốn sửa.

Mãi đến khi A Dung mang thai lần nữa, ta xác định đứa trẻ này sẽ phải sinh ra, cảm giác về tình thân bất chợt ùa đến khiến ta không kịp chuẩn bị. Không phải bản chất ta nhạt nhẽo, chẳng qua chưa có ai làm động chân tâm. Không phải ta thích chau mày, chẳng qua chưa từng có một niềm vui khiến ta giãn ra nét mặt. Khi ôm A Dung ngồi ở bờ hồ, bàn tay từ phía sau xoa xoa bụng nàng, ta nhìn thấy bóng mình phản xạ nơi mặt nước. Một khuôn mặt hiền lành và nồng ấm, đây rõ ràng là dáng vẻ của một người cha!

Gần đây Lưu Hải thường cười lén, tên nô tài này ngày một lớn gan! Ta có quyển sách nhỏ dùng để ghi chép chuyện vặt vãnh dành cho hài tử sắp chào đời, thỉnh thoảng tâm trạng tốt sẽ đem ra coi, còn dễ tính bàn luận với hắn một chút.

- Ngươi xem mấy cái tên này cái nào hay nhất? Thiên Quân? Minh Vương? Vĩnh Đế?

Lưu Hải: À... Ngoài “quân”, “vương”, “đế” bệ hạ không nghĩ ra cái gì khác sao? Nếu nương nương sinh tiểu công chúa thì làm thế nào?

- Uhm... Công chúa? Vậy gọi là Thiên Ngọc, Minh Châu, Quế Ngân?

Lư Hải: À... Ngoài “ngọc”, “châu”, “ngân” bệ hạ không có sáng kiến khác sao?

**

- Ngươi cảm thấy Lâm tướng quân và Tạ tướng quân người nào thích hợp làm thầy dạy võ cho hoàng tử hơn? Còn có sư phó dạy văn thì nên chọn Thái tiên sinh hay Hà tiên sinh?

Lưu Hải: Chuyện này đợi tiểu điện hạ bốn tuổi tính vẫn chưa muộn ạ!

- Uhm... Cũng đúng, chuyện này không cần gấp. Vậy ngươi để ý một chút trong các nhà thế gia, có nam hài tử nào thông minh lanh lợi thì nói trẫm biết, lỡ như sinh công chúa thì phải bồi dưỡng phò mã từ nhỏ!

Lưu Hải:

Lưu công công dường như bị tâm trạng phấn khích của ta kích động, một hôm nọ chả biết từ đâu tha về đôi giày lụa bé tí teo, hoa văn tinh xảo, đường kim mũi chỉ lung linh. Ta nhìn mà yêu thích không buông tay, ngắm nghía suốt nửa canh giờ. Tối hôm ấy ta chạy đến Trúc Uyển, dâng “chiến lợi phẩm” khoe với nàng. Kết quả A Dung nhìn ta bằng vẻ mặt quái lạ...

- Làm sao thế?

Ta rất mất hứng, như quả bóng xẹp hơi co quắp lại. A Dung mím môi cúi đầu, nàng nhặt chiếc giày lên, tinh tế nhìn một cái rồi bỗng bật cười:

- Không ngờ bệ hạ lại thích con nít như vậy...

Nụ cười xuất phát từ thâm tâm cho nên vô cùng chân thật và dịu dàng, đã bao lâu rồi nàng không hòa nhã với ta như thế? Đôi giày bé nhỏ rơi xuống đất, A Dung bị đè trên giường, mở to mắt ngơ ngác, tóc đen dài trôi nổi theo từng nếp cong của lớp chăn trắng tuyết. Ta luôn cảm thấy nàng khác biệt so với đám nữ nhân ngoài kia, sau khi có bầu hai gò má đầy đặn hơn tí, da căng bóng bẩy, bụng to tròn tròn đang chứa chấp cốt nhục của ta... Nàng đáng yêu đến mức không kiềm lòng được!

Ta cúi xuống chạm nhẹ bờ môi hơi mở, dùng thanh âm dịu dàng nhất của mình:

- Trẫm chưa bao giờ thích trẻ con, nhưng vì là em sinh ra nên mới thương yêu đến vậy...

A Dung khẽ cắn môi, hơi né sang một chút. Mùi hương của nàng quanh quẫn bên cánh mũi, làm ta như mê như say. Nàng vụng về và bối rối, trải qua bao nhiêu năm vẫn giống hệt thiếu nữ chưa hiểu sự đời, luôn run rẩy mỗi khi ta vuốt ve. Hôm ấy ta chỉ muốn gần nàng một chút, hoàn toàn không có ý nghĩ xa vời, sợ làm nàng phản cảm lại đâm ra chán ghét. Thế nhưng nghĩ và làm là hai chuyện khác nhau, tựa như củi khô lâu ngày bén mồi lửa, ta mơ hồ không kiểm soát được mình, cho đến lúc nghe tiếng nàng la toán mới bàng hoàng tỉnh lại.

- Em sao thế?

Sắc mặt nàng trắng bệch, ta luống cuống bò dậy, cứ tưởng đè nhầm bụng rồi... Kết quả nàng lại ôm ngực than đau, sau khi kéo vạc áo ra chính ta cũng bị dọa hết hồn.

- Sao lại thế này??? Y nữ đã biết chưa?

A Dung đỏ bừng mặt, luýnh quýnh đem chăn che lại, rất mất tự nhiên giải thích:

- Không phải vậy! Vì thần thiếp muốn tự nuôi con nên nhờ các mama Bảo Sinh Viện đến khám. Họ nói... Nói... Cấu tạo không thích hợp cho trẻ con bú... Phải... Phải... Dùng dụng cụ mỗi ngày kéo ra...

Ta chỉ cảm thấy mặt mày say sẫm, trên đời còn có loại chuyện này nữa sao?

- Kéo? Kéo tới mức bầm xanh bầm tím thế đó hả?

A Dung còn ngoan cố chống chế:

- Tuần đầu phải chịu khó một chút, về sau sẽ tốt. Phụ nữ ở nông thôn đều làm như vậy! Nếu không lúc con sinh ra sẽ không thể bú!

- Vậy thì để bà vú cho nó ăn!

- Sữa mẹ mới tốt!

Ta lừ lừ nhìn nàng – bộ dạng bướng bỉnh quyết tranh cãi đến cùng. Ta thừa nhận mấy chuyện con mọn mình không có kinh nghiệm. Bình thường chẳng phải cứ chờ mấy tháng rồi hài tử ra đời, lại chờ mấy năm là chúng tự động lớn sao? Vấn đề này quá nan giải, sáng hôm sau ta lập tức triệu Hà cô cô đến hỏi thăm. Bà ấy nghe xong cũng sửng sốt, vẻ mặt hình như nén cười... Dạo gần đây hạ nhân ở Thái Hệ cung thường xuyên có biểu hiện này, không lẽ quyền uy của trẫm đang giảm sút? Hà cô cô tuổi cao dày dạn kinh nghiệm, bà tườm tận giải thích:

- Dung phi không nói sai. Trẻ sơ sinh phản xạ và sức lực đều yếu, nếu vú mẹ có đầu ti quá ngắn trẻ sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa khi căng sữa còn có thể bị thụt, sau đó bị nghẽn tuyến thì rất nguy hiểm, bệnh nặng sẽ chết người!

Ta bần thần ngồi nhìn Hà cô cô một lúc lâu, cho dù vỡ đê hay nội chiến cũng không căng thẳng như lúc này.

- Vậy... Phải làm sao?

Hà cô cô tỏ ra cao thâm khó lường

- Cách truyền thống xưa nay người ta vẫn dùng dụng cụ để kéo, tuy nhiên khuyết điểm là dễ bị tổn thương. Bệ hạ đau lòng nương nương chi bằng ngài tự thân đến giúp đi...

Ta không rõ cách của bà có hiệu quả tới đâu nhưng chỉ riêng phần lợi lộc thì quá hậu hĩnh, bất cứ giá nào cũng phải làm! A Dung hàng đêm đều mặt đỏ tía tai, nhìn rất vui mắt. Sự thân mật tuyệt đối này chỉ thuộc về vợ chồng, ta tưởng tượng khi hoàng nhi chào đời, nó sẽ vui sướng uống sữa no nê ở nơi phụ hoàng vất vả nhiều tháng để giúp nó thoải mái...

Bao nhiêu mộng tưởng và ngọt ngào...

Bao nhiều mong chờ và xao động...

Tất cả vỡ tan khi ta nhìn thấy hình hài đứa trẻ bị moi ra vứt trên cái đĩa to lạnh lẽo...

Cảm giác mãnh liệt nhất không phải tức giận mà là đau thắt cõi lòng. Khi ta ôm nàng lập lại động tác quen thuộc, khi môi chạm đến bờ ngực, nước mắt trong ba mươi năm cuộc đời hiếm hoi chực trào... Rơi xuống... Lăn chậm theo làn da trắng nhợt, đi qua phần bụng phẳng lì... Con ta không còn ở đó!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK