- Đạo trưởng, con mang thuốc đến cho ông!
Tấm chăn bị kéo xuống, lộ ra mái tóc bạc phơ của lão già gầy yếu. Ông hơi run chống tay ngồi dậy, ngửi thấy mùi thuốc nồng nặc mà nhíu mày. Một năm trở lại đây lão sống dựa vào chỗ thuốc này, mỗi ngày ba chén, thuốc đắng làm vị giác tê liệt, không cảm nhận được chua ngọt gì nữa.
- Đạo trưởng, Lỗ đại ca nói ông hãy cố gắng một chút, hết tháng này huynh ấy sẽ đem Ngọc Hồi về chữa bệnh cho ông!
Lão già nâng chén thuốc đến miệng nhưng không vội uống, ông quay sang hỏi tiểu đồng:
- Con nói cái gì? Ngọc Hồi à?
Thằng bé gật đầu.
- Dạ vâng, đạo trưởng không biết sao? Ngọc Hồi là nhân sâm nghìn năm mà Khương La đang cất giữ. Qúy giá lắm đấy, bệnh gì cũng trị được!
Lão già thở dài:
- Nếu quý báu như vậy thì người ta không dễ dàng đem cho mình đâu! Huống chi bệnh của lão là do vi phạm luật trời, hao tổn nguyên khí, chỉ chờ tới ngày chết thôi!
Đúng vậy, lão đạo này chính là Thủy Tức Chân Nhân năm xưa, có điều bây giờ không ai nhận ra ông ta nữa. Lão quá già, thân mang trọng bệnh, cơ thể gầy còm, ngoại trừ đôi mắt sáng còn lấp lánh trí tuệ thì mọi thứ đã tổn hao cạn kiệt. Năm đó ông dùng rất nhiều tu vi để đưa Thái Minh đế về tiền kiếp, nhìn lén câu chuyện cũ của họ rồi ngồi xem tử vi tìm ra ngôi sao phù hợp nhất. Ông tính mệnh, chọn được “Triệu Phi Liên”, nàng ta có bảy phần hao hao giống Sở Phù Dung, ở đời này người giống người rất nhiều nhưng giống y đúc thì rất ít. Trải qua năm lần dịch dung, Triệu Phi Liên bây giờ giống đến chín phần, phải nhìn rất kĩ mới phát hiện một chút khác biệt. Thủy Tức Chân Nhân vô cùng hài lòng trước thành tựu y thuật của mình, thì ra đến cuối đời ông còn tạo ra một bước đột phá lớn như vậy. Hiện tại mọi chuyện đều đã xong, ông giao lại cho Lỗ Tông Phi, coi như đã hết lòng hết dạ với hắn. Về sau hắn thành công hay thất bại đều không liên quan đến ông nữa!
Thủy Tức Chân Nhân là đạo trưởng ở núi Côn Luân, lẽ ra ông không nên tham dự vào chuyện thế gian, nhất là chuyện chính trị đấu đá. Khi trẻ ông được Lỗ Kiến Cao cứu mạng một lần, về sau hắn trở thành hoàng đế đưa con trai đến Côn Luân bái sư. Thủy Tức Chân Nhân xem tử vi, nhìn thấy con rồng vàng, biết được hắn là chân mệnh thiên tử. Chịu ơn người như núi đè, ông dạy dỗ Tiểu Phi nhiều năm, hy vọng hắn trở thành vị vua anh minh, có lòng thương người để dân tình bớt khổ.
Rồi một ngày nọ lão đạo nằm mơ, nhìn thấy Diêu Trì Kim Mẫu ngồi ở cung Bắc Hải vuốt ve một con rắn trắng có vảy lục giác. Bà nói chuyện với con gái thứ hai mươi ba:
- Đứa nhỏ này sinh ra làm ngưng băng bốn biển, thật là kì quái! Ta đã nhờ Khôn Minh thần quân xem mệnh giúp nó. Hắn xem không được gì, vậy mà còn bảo Tiểu Long về sau nên tránh xa Hoa giới. Ta thực lo lắng nó gặp phải kiếp số nào đó liên quan tới Hoa Thần!
Con gái thứ hai mươi ba đáp lời Tây Vương Mẫu:
- Mẹ đừng lo lắng, Long vương đã nói với con sẽ đưa Tiểu Long đến Bắc Cực Quang, có Bắc Đẩu tinh quân dạy dỗ nó, về sau nhất định bình an lớn lên!
Tây Mẫu nương nương thở dài:
- Đành vậy...
Đạo trưởng tỉnh dậy từ cơn mơ, cảm thấy đây là một điềm báo quan trọng. Ông lấy thẻ tre và bản đồ ra tính toán. Vài ngày sau có kẻ lạ mặt tìm tới Côn Luân, thỉnh ông đi Khương La gặp Thái Minh đế. Thủy Tức Chân Nhân vuốt râu cảm thán, vừa nghĩ tới người thì người tìm tới ta!
Hành trình nhiều tháng ròng rã, khi được diện kiến Thái Minh đế ông mới cảm thấy sức lực bỏ ra không uổng phí! Tuy chỉ là một tu chân giả nhưng thiên nhãn của ông không tồi, ông đã trông thấy một con bạch long có vảy lục giác. Những gì Thủy Tức Chân Nhân làm sau này đều xuất phát từ sứ mệnh. Ông là người tu hành, không muốn quấy phá nhân duyên. Ông trả hết ơn cho Lỗ Kiến Cao, hoàn thành công việc Diêu Trì Kim Mẫu giao cho, sau đó bình thản chờ ngày quy tiên! Có lúc ông ngồi nghĩ lại chuyện đời ly kỳ, chợt phát hiện dung mạo của Tây Mẫu rất giống một người. Chính là vị hoàng hậu sinh ra Sở Phù Dung – Hạ Hầu Bảo Ngọc năm đó! Thần tiên xưa nay làm việc thật khó hiểu...
Vào tháng cuối cùng trước khi ông chết, Lỗ Tông Phi đưa đến cây sâm Ngọc Hồi đựng trong hộp gỗ quý giá. Nghe nói Triệu Phi Liên kia giờ đã thành Hoàng quý phi, rất được sủng ái. Thủy Tức Chân Nhân nhíu mày lo lắng. Lẽ nào Thái Minh đế trúng kế thật rồi? Đây là một thử thách, nếu hắn không vượt qua thì có chút kém cỏi!
Khi tiểu đồng mở hộp hỏi ông phải sắc thuốc thế nào, Thủy Tức Chân Nhân nhìn Ngọc Hồi rồi phá lên cười:
- Cứ cắt nhỏ đem hầm xương thôi!
Tiểu đồng khó hiểu gãi đầu, đến khi thằng bé cầm cây nhân sâm đặt lên thớt mới kinh ngạc thốt lên:
- Ủa? Cái này không phải củ cải muối sao???
Vậy là hôm đó nhà bếp trên núi Côn Luân nấu món củ cải muối hầm giò heo, củ cải đem từ Khương La về, vượt mấy trăm dặm đường cho nên rất ngon!
***
Lại một mùa thu nữa, khi cây bàng trong sân thay lá vàng, Tư Tư liền giục Tiểu Mai gói ghém đồ đạc, chờ xe từ kinh thành đến đón. Năm nay nàng lên mười bảy, các bà mối bắt đầu đạp cửa vương phủ, tháng nào Thế tử phi cũng tiếp đón hết đám này tới đám khác. Hòa An vương xoa đầu con gái thở dài: “Nữ nhi rồi cũng phải gả!”
Sức khỏe vương gia hai năm trở lại đây kém đi nhiều, có khi Lệ Hà thấy chồng im lặng rơi nước mắt, tuy không dám hỏi nhưng nàng đoán vương gia sắp phải rời xa bọn họ rồi. Hòa An vương che giấu rất khéo, sáng sáng ông vẫn ra vườn tưới cây, chiều chiều múa bài quyền dưỡng lão, trời hơi lạnh thì mặc áo bông dày, khó nhìn ra ông đã gầy hơn trước. Mười bảy năm, cũng bằng số tuổi của Tư Tư, cả tinh thần và thể xác Chu Lạc Trinh vô cùng mòn mỏi. Ông vẫn canh cánh cô con gái út, sợ chưa kịp tìm cho nàng tấm chồng tốt thì phải đi chầu trời. Vương gia cảm thấy mâu thuẫn, ông không muốn gả con sớm, ở nhà được yêu thương nuông chiều bao nhiêu thì sang nhà người càng khó thích nghi bấy nhiêu. Tư Tư còn trẻ dại ngờ nghệch, chưa hiểu được sự đời ấm lạnh, chưa biết quan hệ trong hôn nhân phức tạp, nàng lại không giỏi đối nhân xử thế. Vương gia lo lắng con bé gả đi rồi sẽ chịu nhiều ủy khuất. Ông tính toán muốn tìm quận công đến ở rể, không cần tài giỏi kiệt xuất, chỉ cần thật thà chất phát là được. Thế nhưng suy đi nghĩ lại, con gái mình phải lấy một người chồng tầm thường thì quá thiệt thòi! Trăm tính nghìn tính đều không thỏa đáng!
Hòa An vương thở dài, chống gậy trúc đi ra sau vườn, nhìn thấy Tư Tư ngồi trên xích đu, vừa đan khăn vừa ngâm nga hát. Mấy ngày nay tâm trạng nàng phơi phới, cũng vì sắp lên kinh. Tư Tư học được cách đan len, làm cho Niệm Nhất cái áo bông, làm tặng Khanh Ca tẩu tẩu đôi găng tay giữ ấm. Nàng đan khăn choàng cho vương gia, màu xám tro viền trắng. Nàng lại làm một cái khác cho Ca Dương, hoa văn hơi phức tạp, bỏ không ít công mày mò. Tư Tư luôn làm những điều nàng thích, cha và các anh chị không ép nàng phải học cầm kì thi họa, múa hát cũng không cần. Ca Dương chú trọng nét chữ, ngoài dạy nàng tập viết thì không có yêu cầu gì khác. Một cách ăn ý ngầm, bọn họ đều cảm thấy không tài mới có phúc, cứ để Tư Tư vui vẻ thoải mái là được.
Khi Tư Tư còn nhỏ, Ca Dương từng sắp xếp một nhạc sư dạy nàng đánh đàn. Về lĩnh vực âm luật nàng có thiên phú đặc biệt, khiến cho nhạc sư vui mừng hớn hở, tưởng đã tìm được đệ tử chân truyền. Tư Tư quý mến vị nhạc sư này, cũng ra sức học tập một thời gian. Cho tới một ngày Ca Dương phát hiện những đầu ngón tay nàng xuất hiện nhiều vết xước nhỏ, có cũ có mới. Vậy là chuyện học đàn lập tức bị bãi bỏ. Vị nhạc sư tràn trề thất vọng, Tư Tư cũng chạy đến chất vấn hắn. Nàng không đam mê âm nhạc nhưng tình cờ đây là lĩnh vực duy nhất nàng có năng khiếu, nếu không bồi dưỡng thì hơi tiếc. Lúc đó hoàng đế nói thế này:
“Muội không cần phải giỏi bất cứ thứ gì, chỉ cần biết qua là được. Đánh đàn cũng tốt, khi rảnh rỗi thì chơi nhưng dốc sức học cao thì không cần thiết! Trên đời này có mấy người thông thạo cầm kì thi họa vì yêu thích đâu? Nữ nhân cố gắng đàn hay vẽ đẹp, chỉ vì họ muốn nâng cao giá trị bản thân và mua vui cho đàn ông mà thôi! Tư Tư của trẫm chính là Minh Châu quận chúa, muội không cần mua vui cho ai cả, hãy làm những gì mình thích, đừng làm những gì mình giỏi!”
Tương Tư biết múa một chút, biết thêu thùa một tẹo, nàng cũng biết vẽ tranh và làm thơ bốn chữ. Đúng như Ca Dương nói, cái gì nàng cũng biết nhưng chỉ tình nguyện làm những điều yêu thích mà thôi. Đan len chẳng hạn!
Tiết thu bước sang tháng cuối cùng, đoàn xe từ kinh thành đến muộn, đây là chuyện chưa từng xảy ra. Tiểu Mai thở dài khuyên quận chúa đi ngủ sớm, có lẽ dọc đường không thuận lợi, mùa này hay có bão nhiệt đới. Trễ bảy ngày, đoàn hộ tống khoác phong sương tới được Sa Đà, cây bàng sau vườn đã rụng hết lá. Nghỉ ngơi ba ngày để ngựa dưỡng sức, ngày thứ tư hành lý được chất lên khoang. Vương gia thở dài dặn dò con gái chăm sóc bản thân, chị dâu Khanh Ca làm cho nàng một túi cá khô và bánh hạnh nhân, chị dâu Lệ Hà đích thân kiểm tra hành lý,... Mọi người có vẻ lo lắng kì lạ. Trước lúc khởi hành anh cả còn gọi nàng vào thư phòng, nói quanh co một hồi. Chu Lạc Thán Khúc vẫn thường nghe ngóng chuyện trên kinh, hắn luôn không yên tâm về cậu em thứ tư. Tuy Phủ Hòa An vương không tham chính nhưng Tịch Tề hiện tại là một trọng thần, Tư Tư hàng năm hồi kinh nghỉ đông, muốn không dính líu cũng khó. Hắn đã nghe phong phanh ít chuyện thị phi, biết rằng lần này tình hình phức tạp. Tư Tư thì ngây ngốc, quen bám lấy hoàng thượng, được nuông chiều quá trớn. Hắn sợ con bé lại giở thói tiểu thư, cuối cùng rước họa vào thân!
Thái độ khẩn trương của mọi người tất nhiên Tương Tư cảm nhận được, nàng đã mười bảy rồi, không phải bảy tuổi! Tư Tư sờ mặt dây chuyền trên cổ, ngọc Tu Loan phát ra ánh sáng đỏ hồng. Nàng ngồi trước gương, nói với Tiểu Mai ở phía sau:
- Tỷ mở rương trong kho, lấy theo mấy bộ trâm ngọc và trang sức mà hoàng thượng tặng, gói chung với son phấn nhị tẩu mang tới. À, lần này muội sẽ dẫn Nha Nha theo!
Tiểu Mai đang xếp y phục, nàng ngẩng đầu lên nhìn đôi mắt của Quận chúa phản chiếu từ tấm gương, trong veo, lóng lánh và... Một tia sắc sảo. Đoàn xe xuất phát vào một buổi sáng trời quang mây tạnh, ròng rã ba ngày mới đến Đế đô. Tư Tư quen những chuyến đi dài, sức khỏe nàng rất tốt, không ốm đau èo uột như xưa nữa. Nàng ôm Nha Nha vén một góc rèm, hoàng thành sừng sững ở phía trước, trong những giấc chiêm bao Tư Tư thường mơ thấy nơi này...
- Bệ hạ... Muội đã về rồi...