Mặc dù lễ chải tóc ấn định vào buổi chiều nhưng sáng sớm Tư Tư đã bị hai vị mama phòng lễ gọi dậy. Hoàng gia tổ chức chải tóc cho công chúa rườm rà phức tạp hơn nhiều, đến Nữ Linh Miếu chỉ là bước cuối cùng mà thôi. Buổi sáng có lễ tẩy trần, mặc yếm, pha trà, gói nem. Buổi trưa có lễ đơm cúc, bế trẻ, ủ giường. Buổi chiều là lễ đề danh, lạy Thánh Nữ, chải tóc là phần sau cùng.
Tư Tư bị xoay cả một ngày, vội vội vàng vàng gần như không ăn kịp bữa cơm. Từ sớm nàng đã bị ném vào thùng nước đầy tinh dầu và hoa cỏ. Có hai nữ quan chịu trách nhiệm giúp nàng tắm rửa, vừa cọ tróc một lớp da vừa giải thích lễ tẩy trần mang ý nghĩa thay da đổi thịt, từ bé gái trở thành xương cốt thiếu nữ.
Tiếp theo là lễ mặc yếm vô cùng khó chịu. Trước mười bốn tuổi, con gái mặc yếm bốn dây, thuần màu trắng, không có hoa văn. Lên mười bốn tuổi, yếm thành sáu dây, có màu sắc và thêu họa tiết. Chiếc yếm đầu tiên này thường do mẹ làm tặng con gái nhưng vì Vương phi mất sớm nên hoàng thượng đến cầu Thái hậu giúp. Phượng Loan Thái hậu ẩn cư trong Từ Hi cung nhiều năm, sức khỏe không còn tốt như xưa nên bình thường bà chỉ lộ diện vào ngày tết và bái Tổ.
Lễ quan chưởng sự không đồng tình với Hoàng thượng. Theo ông nói, Thái hậu cách quận chúa hai thế hệ, không tương xứng bằng Hoàng hậu, làm như thế vừa sai quy củ, vừa gieo thị phi. Ở Khương La có nhiều sự tích về chiếc yếm trong ngày chải tóc, ví dụ như câu chuyện Hồ phu nhân và nàng Linh Lan. Sự tích kể rằng nàng Linh Lan nết na hiền thục, mẹ mất sớm ở với dì ghẻ. Ngày ngày nàng chăm chỉ làm việc, lớn lên xinh đẹp giỏi giang nên Hồ phu nhân nhà bên vô cùng yêu mến. Năm mười bốn tuổi Linh Lan làm lễ chải tóc mà không có yếm đẹp. Dì ghẻ chỉ để dành vải tốt may yếm cho con gái ruột. Hồ phu nhân thấy nàng đáng thương nên bảo con trai ra chợ làng mua tấc gấm đào, bà tự tay may tặng Linh Lan chiếc yếm đỏ. Về sau nàng Linh Lan gả cho con trai Hồ phu nhân, được mẹ chồng yêu thương, sống an ổn hạnh phúc.
Xuất phát từ điển tích này, chuyện may yếm trở thành một quy tắc ngầm, giống như đặt hôn ước. Phu nhân nhà này may yếm cho con gái nhà kia tức là bà ấy có ý định chọn nàng dâu. Tương lai không nên duyên cũng chẳng sao nhưng nếu nên duyên thì càng thêm tốt đẹp. Dù không ai nói thẳng nhưng mọi người đều hiểu chuyện may yếm có nhiều tầng nghĩa, không thể tùy tiện qua loa. Quận chúa cũng tương tự công chúa. Hoàng hậu may yếm cho quận chúa là phải đạo, lẽ nào bệ hạ chưa từng nghe câu chuyện Linh Lan?
Ca Dương nghe Lễ quan chưởng sự dài dòng một hồi mà phát bực, hắn thừa nhận mình có thiếu văn hóa nhưng cái chuyện cỏn con này khác gì vẽ chuột thành voi? Chỉ cắt tấm vải, khâu mấy đường, người này làm với người kia làm thì kết quả vẫn như nhau thôi! Huống chi Thái hậu nhận lời rồi, một câu truy vấn cũng không có vậy mà đám lễ quan kia cứ nhảy chồm chồm lên. Lý do Ca Dương không chọn hoàng hậu thì rất đơn giản, hắn vốn không xem Triệu Tiếu Vy là vợ mình, cùng lắm nàng ấy chỉ là một thần tử mà thôi. Cho nên cái danh “trưởng bối” làm sao để nàng ấy đảm đương được? Triệu hoàng hậu còn có mối bận tâm riêng, nàng chẳng rảnh xen vào quyết định của bệ hạ. Nhiều năm ngồi ở cương vị này, Triệu Tiếu Vy rất am hiểu cái gì nên và không nên.
Về phần Thái hậu nương nương, Tiểu Ninh Tử là người hiểu rõ. Hôm hắn đến Từ Hi cung tìm bà, tâm trạng cũng thấp thỏm lo âu. Thái hậu mấy năm nay già đi thấy rõ, bà bạc đầu cũng vì chuyện con cháu. Không thể nào tưởng tượng một hoàng đế tại vị mười bốn năm mà không có lấy một mụn con, hậu cung lưa thưa mấy bông hoa héo, bệ hạ thì chẳng mấy khi bước vào. Ban đầu bà lo lắng sức khỏe hắn có vấn đề, kêu Thái y sắc thuốc nửa năm trời. Thời gian đó mấy chậu cảnh trong Dụ Kiến cung liên tục bị thay. Cứ một tháng là nô tài bưng cây chết ra, đổi chậu mới vào. Việc này cuối cùng đến tai Thái hậu, khiến bà giận phun máu, ra lệnh hoàng thượng mỗi ngày phải đến Từ Hi cung, uống hết thuốc trước mặt bà. Khổ thân hoàng đế gia, bị tráng dương một thời gian không lúc nào ngủ yên, cứ vài canh giờ là phải tắm nước lạnh, tính khí khó chịu, dễ dàng nổi giận. Mãi đến khi hắn chảy máu cam, chính thức ngất trên điện, Thái hậu mới từ bỏ kế sách này. Bà ấy thực sự bó tay với thằng con. Mấy lão thái y cũng lắc đầu hết cách. Có người bí quá hóa liều, mách với thái hậu:
- Vi thần cảm thấy... Hạ xuân dược là tiện lợi nhất. Lần trước hoàng thượng thị tẩm Hiền phi cũng nhờ xuân dược đó thôi! Chúng ta bào chế với liều lượng nhỏ, pha trong rượu không dễ phát hiện, cùng lắm là “mượn rượu làm bậy” thôi! Hoàng thượng hiếu thuận như vậy, dù biết sự thật cũng không dám trách móc Thái hậu!
Cái ý tưởng này thật là... Đê tiện hết biết! Nhưng mà Thái hậu lại vuốt cằm do dự. Quân tử khi gặp khó cũng phải biết chút trò tiểu nhân, huồng hồ đây là chuyện hương khói Hoàng tộc. Đám ngự y có người đã gật đầu hưởng ứng, Thái hậu sắp hạ quyết tâm, may là Chu thái y sớm hơn một bước lên tiếng nói:
- Việc này tuyệt đối không nên, thưa Thái hậu! Xuân dược bào chế có nhiều thành phần, nếu dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó, thần còn nghiên cứu thấy được, bào thai hình thành khi giao hợp bằng xuân dược có tỷ lệ dị tật rất cao! Nói cách khác là thiếu tay thiếu chân hay thiểu năng trí tuệ... Rượu cũng có hại, không biết Thái hậu còn nhớ tới Lục hoàng tử hay không? Bởi vì tiên hoàng say rượu thị tẩm cung nữ nên Lục hoàng tử sinh ra yếu ớt, sống không bao lâu đã chết!
Thái hậu nghe xong thì toát mồ hôi, lập tức mắng các thái y một trận, không dám nhắc đến xuân dược và rượu nữa. Ca Dương đập bàn cười khoái chí, khen ngợi xong còn thưởng Chu thái y một hòm bạc. Cuối cùng thì chuyện con cái vẫn thành khúc xương mắc trong cổ họng Thái hậu, nuốt không trôi, khạc cũng không ra, bứt rứt buồn lo vô cùng.
Lại nói chuyện hôm ấy Tiểu Ninh Tử đem ý tứ của bệ hạ nói với Thái hậu. Bà nghe một lần không hiểu, cái gì mà chải tóc rồi may yếm? Ninh công công kiên nhẫn nhắc lại:
- Vài ngày nữa Minh Châu quận chúa làm lễ chải tóc. Bởi vì vương phi mất sớm nên bệ hạ thỉnh cầu Thái hậu giúp điện hạ may chiếc yếm đỏ, thiết nghĩ đồ qua tay Thái hậu nương nương không chỉ đẹp mà còn quý giá!
Phượng Thái hậu bần thần một lúc, hỏi vào vấn đề:
- Ai là Minh Châu quận chúa?
Bà thực sự không nhớ rõ nhân vật này, ẩn cư ở Từ Hi cung quá lâu, trừ chuyện cháu nội thì bà không quan tâm gì hết.
- Thưa, Minh Châu quận chúa chính là con gái út của Hòa An vương với vương phi. Nàng ra đời năm Thái Minh thứ nhất, được bệ hạ phong hào Minh Châu!
- Con của Chu Lạc Trinh?
Thái hậu thì thào nhắc lại, bà chợt nhớ rất lâu rất lâu trước kia, Lục hoàng tử Chu Lạc Trinh từng say mê yêu bà. Bà cũng cảm động trước tấm chân tình của hắn nhưng quyền lực càng có sức hấp dẫn hơn. Từ chối Chu Lạc Trinh gả cho thái tử, lòng bà ít nhiều xót xa. Về sau nghe nói hắn cưới một cô gái dòng họ Hạ Hầu, bị tiên hoàng phạt đến Sa Đà, ở luôn nơi đó. Thì ra vương phi kia đã qua đời, họ còn có một đứa con gái út.
Thái hậu thở dài, nhìn xuống bàn tay nhăn nheo. Năm tháng không tha cho bất cứ ai, thanh xuân một thời chỉ còn lại hồi ức. Là bà phụ ông ấy, họ có duyên vô phận. Mong là lớp cháu con may mắn hạnh phúc hơn...
- Quận chúa đó tên khai sanh là gì?
- Bẩm, điện hạ tên đủ là Chu Lạc Tương Tư.
- Tương Tư... Tương Tư...
Thái hậu có phần ngẫm nghĩ, lại hỏi Ninh công công:
- Hiện tại vương gia đã tái hôn chưa?
- Bẩm, Hòa An vương đối với vương phi rất tốt, không hề tái hôn, trong phủ cũng không có nữ nhân khác. Ngài ấy chỉ ở vậy nuôi các con trưởng thành!
Thái hậu lúc này mới tỉnh ngộ. À, thì ra ông ấy cũng thương vợ lắm, trước kia bà còn nghĩ ông giận bà nên mới vội vã cưới người khác. Thế thì tốt, thế thì tốt!
- Quận chúa chải tóc, tại sao không nhờ hoàng hậu mà nhờ ai gia làm yếm hả?
Ninh công công có phần khó xử, trả lời quanh co:
- Chuyện này... Chuyện này... Nô tài chỉ biết là ý chỉ của bệ hạ!
- Dương nhi chủ ý?
Thái hậu lại tiếp tục trầm tư. Một lát lâu sau bà tự nhiên cười tươi rói, lập tức sai Tú mama đến Ti thải phường chọn lụa gấm, đem các mẫu hoa văn ra xem, còn hỏi nữ quan nên chọn chim uyên hay chọn hoa cúc vàng. Thái hậu tỏ vẻ rất nhiệt tình, may liền ba bốn cái yếm để quận chúa xài dần. Trong lòng bà nghĩ gì thì không ai dám đoán, chỉ biết Thái hậu không từ chối việc hoàng thượng nhờ, còn bảo mấy đại cung nữ đến tán chuyện với bà, hỏi về Hòa An vương, hỏi về tiểu quận chúa. Phượng Loan Thái hậu cũng không ngờ mình có ngày may yếm cho con gái của Chu Lạc Trinh. Nhớ năm xưa trà bà pha đều nhờ ông ấy uống, có đắng cỡ nào cũng khen ngon. Bà thấy an tâm khi biết Ca Dương trọng dụng nhà Hòa An vương, ít nhất bà tin vào nhân cách của Chu Lạc Trinh, người như ông ta chắc sẽ dạy ra con trai tài giỏi, con gái ngoan hiền. Dự tính sau khi Tư Tư làm lễ chải tóc, bà phải triệu con bé đến gặp mặt một lần. Đứa nhỏ này xuất thân đặc biệt nhưng cái bà để ý là hoàng thượng rất gần gũi với nó. Năm nay lên mười bốn cũng không nhỏ nữa, thái hậu ngầm tính trong lòng... Chuyện cháu nội có hy vọng rồi!!!
Ba ngày sau, cung nữ nâng khay vàng, trên khay đặt yếm lụa màu thanh thiên, vừa trẻ trung vừa thanh thoát, rất phù hợp với quận chúa. Người giúp mặc yếm là một vị Thái phi có danh tiếng tốt, tuy không có con cái dưới gối nhưng được ca ngợi hiền lương, vì vậy Thái hậu để bà ở trong thâm cung hưởng già. Thái phi ra hiệu cho cung nữ cởi trung y của quận chúa, tự tay tháo chiếc yếm trắng xuống. Tư Tư đỏ bừng mặt không dám nhìn ai. Xung quanh tuy chỉ toàn nữ nhân nhưng phải đến mấy chục người. Nàng không quen trần trụi trước mặt đám đông, huống chi nàng không còn là trẻ con, ngực đã dậy thì hơn một năm, hình dáng không như cũ. Tư Tư ngượng ngùng nâng cánh tay để thái phi cởi yếm. Nút thắt ở sau cổ và dưới eo. Cởi yếm rồi cũng không được mặc vào ngay, động tác của lão thái phi quá chậm chạp.
Yếm thái hậu may luôn chọn màu thanh mát, để hoa văn càng nổi bật lên. Chiếc yếm dùng cho lễ chải tóc cũng có màu dịu nhẹ, trên thêu đôi chim uyên và bụi tre xanh. Yếm sáu dây thể hiện sự kín đáo, nút thắt sau cổ, giữa lưng và dưới eo, ôm gọn lấy đường cong cơ thể, nhìn càng quyến rũ hơn. Đứng tê chân một hồi cuối cùng Tư Tư cũng mặc xong. Chưa kịp vui mừng liền bị kéo đi làm lễ pha trà, gói nem. Lễ này mang ý nghĩa đảm đang và khéo léo, trà pha cho cha mẹ và chồng tương lai, chiếc nem gói đẹp để tặng ông bà. Mỗi người con gái Khương La đều phải làm được hai việc này mới gọi là hiền thục. May là hai lễ được giản lược rất nhiều, không quá một canh giờ thì kết thúc.
Buổi trưa phải làm lễ đơm cúc, chỉ cần khâu hết mười hai chiếc khuy áo là được. Hoàng thượng chọn con trai út của Ngô Hà Huy cho Tư Tư bế, đây là lễ bồng con, ý nói về sau nữ nhân có thể sinh nở, mở rộng gia tộc. Lễ ủ giường thể hiện hạnh phúc chăn gối, đơn giản là sắp xếp giường ngủ theo truyền thống, trải đệm và đốt lò than.
Phần lễ buổi chiều nhẹ nhàng hơn, chỉ cần đến miếu Nữ Linh, bái Thánh nữ – vị thần nữ duy nhất trong tín ngưỡng của Khương La. Bà là thần hôn nhân và gia đình. Con gái chưa chồng đến xin tình duyên, phụ nữ có chồng xin con cái. Thánh nữ ban phúc lành cho nữ giới, để họ được sống an ổn và trượng phu yêu thương.
Lễ chải tóc cuối cùng là quan trọng nhất. Khi Tư Tư đã mặc váy đỏ và trang điểm xong thì còn rất sớm. Nàng chưa thấy anh họ xuất hiện bèn vội vàng chạy đến Dụ Kiến cung. Hoàng thượng đêm qua làm việc tới khuya nên hôm nay mệt mỏi. Ngài ngả lưng một lúc nhưng ngủ quên mất, Ninh công công thấy vậy cũng không dám gọi. Tư Tư xem Dụ Kiến cung y như Tương Đông Hiên, tự do ra vào. Nàng chạy đến tẩm điện tìm hoàng thượng, nghe nói hắn vẫn chưa dậy bèn bứt cọng lông chổi đi qua phá đám.
- Hoàng đế bệ hạ... Ngài đã hứa tham dự lễ chải đầu của muội, tại sao bây giờ còn nằm đây ngủ hả? Ngài không thể thất hứa, “quân vô hí ngôn” nha!!!
Ca Dương bị ngứa mà tỉnh. Hắn từ từ mở mắt, cảm giác cô gái trước mặt vừa quen vừa lạ. Nàng vẫn là Tư Tư nhưng không phải Tư Tư bé con ngày nào, mà là một Tư Tư đã trưởng thành, tỏa ra mùi vị nữ phái say đắm...
Ca Dương nửa mê nửa tỉnh, giọng nói uể oải:
- Lên đây, nằm với ta một lát!
Khi đông lạnh nàng vẫn quen ngủ ở phòng hắn, có Ca Dương ở cạnh sẽ ít gặp ác mộng và nhức đầu hơn. Nô tài cung nữ trong Dụ Kiến cung vẫn làm như không hay không biết, chuyện bệ hạ và quận chúa chung giường tuyệt đối không thể lộ ra ngoài!
Tư Tư cười lém lỉnh, vô cùng lưu loát tự nhiên trèo lên long sàn, nhào qua người hắn. Ca Dương bị chôn vùi trong một đám lụa đỏ, trơn láng và mềm mại. Hắn cười khẽ, vươn tay ôm lấy nàng, cảm giác là: Nhà có con gái mới lớn!
Lễ chải đầu của nàng vắng mặt hai người quan trọng. Sau khi vương phi mất, Chu Lạc Trinh từng thề không bao giờ ra khỏi Sa Đà nữa, lễ chải tóc của con gái ông đành chúc phúc từ xa. Hoàng thượng đã hứa rằng sẽ đem túi tiền nàng làm gửi tới tận vương phủ, chuyện này cũng xem như chu toàn. Về phần ba món đồ còn lại, không biết Tư Tư định đoạt ra sao?
Đoán mò không bằng hỏi thẳng, Ca Dương suy nghĩ một lát rồi lên tiếng:
- Chút nữa làm lễ, muội muốn tặng Tứ bảo cho ai?
Tư Tư nằm ấm áp, có chút buồn ngủ đáp:
- Túi tiền cho cha, đế giày cho Tứ ca, khăn tay cho đường ca, đai lưng cho Hựu Trát ca ca...
Ca Dương đanh mặt lại.
- Tại sao lại tặng ta khăn tay mà không phải đai lưng?
Tư Tư ngóc đầu lên, hai mắt tròn xoe đáp:
- Vì muội hứa tặng đai lưng cho Hựu Trát mà! Đường ca có rất nhiều đai lưng nhưng không có cái khăn tay nào...
Ca Dương là đàn ông, tất nhiêu không xài khăn tay. Hắn nhíu mày, từ tốn giải thích:
- Vấn đề không phải ở đó! Các mama lẽ nào không nói cho muội biết ý nghĩa của Tứ bảo sao?
Tư Tư gật đầu cái rụp:
- Biết, muội biết! Mama nói túi tiền cho cha, khăn tay cho mẹ, đế giày cho anh trai, đai lưng cho một nam nhân mình yêu thích! Muội rất thích chơi với Hựu Trát ca ca, huynh ấy muốn đai lưng thì muội cho thôi! Vả lại muội không có mẹ, đường ca thương muội như mẹ vậy, tặng khăn tay cho đường ca!
Nàng cười rạng rỡ, bộ dạng hưng phấn chờ được khen ngợi. Thế nhưng Ca Dương chẳng có lấy một chút vui vẻ, hắn bị xem như mẹ, làm sao vui nổi chứ?
- Không được, thế này không được! Hựu Trát không thân không thích, không được tặng cái gì hết! Ta chỉ muốn đai lưng, em có tặng hay không thì bảo!?
Tư Tư ngớ mặt ra. Đây gọi là “uy hiếp đòi quà” phải không? Nàng rối rắm khó xử:
- Nhưng... Nhưng... Muội đã hứa với người ta rồi...
- Em là nữ nhi, hứa rồi quỵt cũng không ai bắt bẻ. Nhưng trẫm là hoàng đế, lời của trẫm là thánh chỉ!
Thánh chỉ? Tư Tư ngây ngô suy nghĩ: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Tư Tư không được tặng quà cho Hựu Trát, Tư Tư phải tặng đai lưng cho trẫm. Khâm thử!”
- Được, được, được! Muội nghe, muội sẽ không làm trái thánh chỉ!
Ca Dương dạy dỗ thành công, mặt mày đắc ý vuốt tóc nàng:
- Ngoan lắm, biết nghe lời là bé ngoan!
Hắn cứ mãi đắc ý cho tới khi Tư Tư đem khăn tay đưa tới trước mặt mình, biểu cảm chột dạ áy náy. Hắn lại càng tức giận khi nàng lấy đai lưng tặng cho Sử Hựu Trát. Cô em họ ngoan ngoãn đáng yêu đã lớn, còn tiến bộ thêm một bậc, biết lừa gạt và nói dối hắn rồi! Ca Dương quen với cảm giác nắm mọi thứ trong tay, hắn không chịu được nỗi chơi vơi này. Bắt đầu từ khi nào Tư Tư bé nhỏ mọc ra đôi cánh trắng? Nàng sẽ bay đi đâu? Hay là hắn nên đúc chiếc lồng son giam nàng ở lại?