Ngày Hai mươi sáu tháng Chín, tết Trung Thu, cũng là ngày đại hỉ của hai nhà Khang - Đỗ. Nhân sĩ nổi tiếng các giới đều lũ lượt kéo đến chúc mừng hai họ. Quà cưới xếp đầy ắp cả sảnh ngoài.
Tư lệnh Khang Triệu Khanh và phu nhân bận tiếp khách không ngơi phút nào, họ vội vàng mời từng vị khách quý vào phòng tiệc chính trong đại sảnh. Người hầu đi lại như con thoi, bưng trà, rót nước, nhận quà mừng và ghi nhớ danh tính của từng vị khách, ai nấy bận đến chóng mặt. Những gia nhân theo hầu của khách được sắp xếp ngồi ở mấy chục chiếc bàn tròn trong vườn hoa. Khang Thiếu Đình dậy chuẩn bị từ sớm, anh vận áo dài lụa cách tân, trước ngực buộc một bông hoa lụa màu đỏ, đầu chải dầu bóng, cả người toát lên vẻ bóng bẩy, tuấn tú, tinh thần cũng phơi phới. Bạn bè cũ thấy chú rể trong bộ trang phục cưới truyền thống, người nào người nấy cười ồ lên chọc ghẹo, bảo đến hôm tổ chức lễ cưới theo phong cách phương Tây, anh phải mặc quần áo hiện đại thì mới ra dáng thanh niên đi du học ở Tây về. Khang Thiếu Đình nghe thế chỉ cười, dù sao cũng là chuyện đại sự cả đời, hơn nữa, đây là lần đầu nên anh vừa thấy hồi hộp lại vừa hưng phấn. Mấy lần anh nói thầm, mãi mới ngớ người nhận ra khiến chúng bạn được dịp trêu chọc, không ngờ ngay cả anh cũng rơi vào lưới tình của đàn bà rồi.
Khang Thiếu Đình đang cười nói vui vẻ với bạn thì gia nhân đến nói nhỏ bảo anh mau ra đại sảnh. Đến nơi, anh phát hiện có một vị khách hoàn toàn xa lạ, nhìn tướng mạo chắc chỉ ngoài ba mươi tuổi. Khang Thiếu Đình thấy anh ta và cha đang nói chuyện vui vẻ, hình như hai người là bạn cũ lâu ngày không gặp lại.
“Thiếu Đình, lại đây! Cha giới thiệu với con, đây là Lữ đoàn trưởng Tiêu ở Tứ Xuyên, đến Vũ Hán để giúp đỡ tỉnh mình. Cậu ấy tên là Tiêu Vân Thành. Còn đây là con tôi, tên là Khang Thiếu Đình.” Khang Triệu Khanh tươi cười, gọi con trai đến, hào sảng giới thiệu hai người với nhau.
Tiêu Vân Thanh bắt tay Khang Thiếu Đình, cười một cách thoải mái, nói: “Quả nhiên hổ phụ sinh hổ tử. Lệnh công tử trông đường đường một đấng anh tài thế này, chẳng khác gì phong thái của Tư lệnh thời trẻ.” Dứt lời, anh ta vỗ vai Khang Thiếu Đình một cái hơi mạnh, dường như muốn đánh giá đối phương rồi cười, nói tiếp: “Lần đầu tôi gặp một thiếu tướng trẻ tuổi thế này đấy. Không thể không cất lời cảm thán, Trường Giang sóng sau đè sóng trước, con hơn cha là nhà có phúc đấy. Dưới sự dẫn dắt của lệnh tôn, tiền đồ của Khang công tử đúng là thênh thang tươi sáng! Đến lúc ấy, Khang công tử chớ quên kẻ lỗ mãng như tôi đây nhé!”
Khang Thiếu Đình mỉm cười, lịch sự trả lời: “ Lữ đoàn trưởng Tiêu hà tất phải khiêm tốn thế! Thiếu Đình tự thấy mình phải học hỏi Lữ đoàn trưởng về cách đối nhân xử thế.”
“ Ha ha ha… Được lắm! Đời tôi thích nhất là được kết bạn. Đáng tiếc, lúc đến vội quá nên chẳng mang theo vàng bạc châu báu gì. Có điều, đã là ngày đại hỉ của Khang công tử thì kiểu gì tôi cũng phải thể hiện chút ít tấm lòng, chỉ cần các vị không chê quà mừng của lính sa trường chúng tôi là mừng rồi.”
“ Lữ đoàn trưởng chớ nói vậy. Chỉ cần có lòng là được rồi. Tấm lòng còn quý hơn cả vàng trăm bạc vạn.” Khang Thiếu Đình cười tươi mời khách vào bàn tiệc.
Tiêu Vân Thành vẫy tay, phó quan tùy tùng liền bâng ra một chiếc hòm gỗ nhỏ đặt lên bàn trước mặt cha con Khang Triệu Khanh. “Đây chỉ là chút lễ mọn, xin chớ chê cười!” Tiêu Vân Thành vỗ nhẹ vào chiếc hòm, ý bảo đối phương mở ra.
Khang Triệu Khanh nói mấy lời khách sáo rồi mở nắp. Khang Thiếu Đình thoáng thấy bên trong là một tấm da hổ, trong lòng lập tức không vui. Nhưng Khang Triệu Khanh lại giơ tấm da hổ hoàn hảo không tì vết lên, không ngớt lời ca ngợi: “Tay nghề tinh tế đến nhường này giờ hiếm lắm! Dù tốn ngàn lượng vàng cũng chưa chắc đã đổi được tấm da hổ này. Thiếu Đình, nhận của Lữ đoàn trưởng Tiêu món quà lớn thế này không mau tạ lễ đi!”
Khang Thiếu Đình vội vàng chắp hai tay, nói: “Vô cùng cảm tạ tấm thịnh tình của Lữ đoàn trưởng Tiêu! Lữ đoàn trưởng ngồi đây uống thêm vài chén nữa rồi hãy về.”
Tiêu Vân Thành vội vàng đáp lễ, vừa hay anh ta nhận ra mấy đồng nghiệp cũ cùng làm ở phòng tuần bổ lúc trước, liền quay sang tán gẫu với họ, xem ra rất rôm rả.
Khang Thiếu Đình thu tấm da hổ lại, khẽ hỏi cha: “Cha, tên Tiêu Vân Thành này biết rõ cha tuổi hổ, thế mà còn cố ý tặng cha tấm da hổ này, chẳng phải muốn cha mất mặt sao?”
“Đúng thế! Sau này, chúng ta sẽ diễn màn kịch “Thương lượng với hổ lột da hổ”* cho hắn xem.” Khang Triệu Khanh cười khẩy rồi đóng mạnh nắp hòm lại. Ông ta nhìn thấy mấy người bạn tâm giao trong quân đội Hồ Nam, vội vàng bảo Khang Thiếu Đình cùng mình ra ngoài nghênh đón. Trong khi đó, Khang phu nhân cũng cuống quýt sai a hoàn sang phủ Đỗ giục Hoài Bích kẻo lại mất giờ tốt.
(*) Câu thành ngữ so sánh việc muốn thương lượng với kẻ xấu, để họ từ bỏ lợi ích của mình, nhưng rốt cuộc không những không thương lượng thành công mà còn thiệt thân.
Bà Hai nhà họ Đỗ thấy nhà Khang cử người sang giục, đương nhiên cũng cuống lên như kiến bò trên chảo nóng. Nhưng liếc mắt nhìn đồng hồ thấy còn cách giờ lành hơn một tiếng nữa mà đoạn đường từ đâu tới phủ họ Khang chỉ mất có nửa giờ, bà ta liền thưởng cho người đến báo tin và mời ngồi lại thưởng trà chờ giây lát. Sau đó, bà ta rón rén đến đứng trước phòng Hoài Bích. Vén màn lên, thấy Hoài Bích vẫn đang cười đùa cùng cô bạn thân, son phấn vẫn cầm trong tay, chưa thoa lên mặt, bà ta cuống lên, giậm chân, mắng: “Ôi trời ơi! Giờ là lúc nào rồi mà còn chưa ăn mặc trang điểm thế hả? Sắp khởi kiệu đến nơi rồi.”
“Vội gì chứ! Giục nữa là con không đi lấy chồng đâu đấy.” Đỗ Hoài Bích quay sang cô bạn, đánh mắt ra hiệu, cô bạn liền chạy ra cửa, ríu rít dỗ dành bà Hai ra ngoài trước. Quay lại, cô ta vừa xoa tai vừa lắc đầu than thở: “ Mẹ Hai của cậu đúng là chúa càu nhàu. Làm như cậu không giữ chặt thì con rể quý của bà ấy bay mắt không bằng, sao chẳng nghĩ lấy được của cậu là phúc ba đời nhà anh ta chứ. Lẽ ra người cuống là họ mới phải!”
Đỗ Hoài Bích phì cười, bước đến trước gương, thoa phấn son thật kĩ, thong thả nói: “ Cậu chê mẹ Hai tớ lắm chuyện, mẹ cậu có khi còn kinh khủng hơn ấy chứ. Xem đến lúc cậu lấy chồng còn mạnh miệng được như hôm nay không!”
“Hứ! Loại thường thường bậc trung còn lâu tớ mới thèm để mắt tới. Đa số các anh chàng muốn làm thân với tớ đều vì muốn sau này dựa dẫm vào quyền lực của cha tớ, chứ chưa chắc đã thật lòng với tớ. Nếu một ngày cha tớ thất thế hoặc từ chức thì có khi họ cũng chạy mất dép. Vì thế, tớ chẳng thèm lấy ai còn hơn!” La Tuyết Quyên lười nhác tựa vào thành giường, nhàn rỗi chẳng biết làm gì ngoài việc xoay chiếc khăn chùm đầu cô dâu quanh ngón tay.
Đỗ Hoài Bích thấy bạn mải chơi, liền giật lại khăn trùm đầu, chế giễu: “ Cứ dẩu mỏ lên bảo muốn thành bà cô già đi, xem cậu kiên trì được bao lâu!”
“Tớ chẳng có gì phải lo cả. Cậu mà cũng kén được ông chồng tốt như Khang Thiếu Đình thì mai sau, tơ phải lấy được anh chàng văn võ song toàn, cơ trí hơn người, chín chắn, điềm đạm hơn Khang Thiếu Đình nhà cậu gấp trăm lần.” La Tuyết Quyên làm mặt xấu trêu bạn rồi cướp lại khăn trùm đầu. Nghịch một lát cũng thấy vô vị, cô ta bèn hỏi: “ Mấy hôm trước, sinh viên các trường tổ chức diễn hành, sao cậu không tham gia? Hôm ấy, tớ còn khoe với anh chàng mới quen rằng cậu là hoa khôi của trường mình, kết quả làm họ thèm chảy dãi. Đáng tiếc, hôm ấy cậu lại chẳng đến, cậu vốn là người tích cực hưởng ứng lời hiệu triệu của tổ chức nhất mà.”
“Giờ thân thế đã khác trước rồi. Này, xem hộ tớ mặc thế này đã được chưa.” Hoài Bích đứng lên, xoay một vòng, thấy La Tuyết Quyên khên đẹp, cô vẫn không tin, lại soi gương chỉnh váy áo cho phẳng phiu hơn rồi nói tiếp: “ Trước đây, đi đâu làm gì là việc riêng của tớ, người ta khen hay chê cũng mặc kệ. Nhưng giờ không thể thế được, nếu tớ tham gia diễu hành, biết đâu có kẻ xấu bụng nào đó nhân cơ hội chuyện bé xé ra to, bảo con dâu của Tư lệnh Khang thế nọ thế kia. Tuy tớ chẳng sợ điều tiếng nhưng lại sợ Thiếu Đình mất mặt. Anh ấy không nói gì, nhưng chắc gì người nhà anh ấy không lời ra tiếng vào. Thế cho nên, con gái đi lấy chồng là phải lấy cả gia tộc nhà chồng, làm sao mà tự do như trước được!”
“Thế thì đừng lấy nữa là xong chuyện. Dù sao tớ cũng chẳng vội.”
“Vâng, vâng. Cô không vội. Thiên kim tiểu thư nhà Thị trưởng thì lo gì ế chồng! Để xem mai sau cậu tìm được rường cột quốc gia nào! Hi vọng cậu không giống nhân vật nữ chính trong mấy câu chuyện tiểu thuyết tình yêu, cuối cùng lại vớ phải anh thư sinh nghèo kiết xác thì đúng là lỡ dở cả đời người!” Hoài Bích nói xong liền phì cười, khiến La Tuyết Quyên đỏ bừng mặt, xông đến cù bạn. Mải đùa nhau, hai người chẳng nghe rõ thấy tiếng gõ cửa bên ngoài.
Những tràng pháo bắt đầu nổ giòn giã, Hoài Bích biết đã đến thời khắc quan trọng nhất của đời mình. Cô thấp thỏm bước vào kiệu hoa đỏ rực, mãi tới lúc khởi kiệu, cô mới thả khăn trùm đầu xuống. Nhìn chiếc váy thêu đầy long phụng sống động như thật, cô bắt đầu mơ màng tưởng tượng cuộc sống sau hôn nhân, chẳng biết có quyến luyến, quấn quýt nhau như tiểu thuyết nói hay không. Nghĩ đến việc mình đã là gái có chồng, bỗng nhiên cô lại thấy nuối tiếc. Cô khẽ vén rèm kiệu, quay đầu nhìn về phủ, nhìn bà Hai và đám gia nhân đang mừng vui trong nước mắt và cả đứa cháu nhỏ thích ăn kẹo của mình, trong tích tắc, cô cảm giác càng lúc họ càng trôi xa… rồi hoàn toàn biến mất.
Mấy người hầu đứng canh cổng ở phủ họ Khang nhìn thấy kiệu hoa chỉ còn cách hơn chục mét nữa thì vội vàng chạy đi châm pháo treo dọc đường, phối hợp cùng đội ngũ kèn trống. Dân chúng hai bên đường lũ lượt bịt tai, nép vào tường, nghến cổ nhìn dung nhan của cô dâu đang ngồi trong kiệu nhấp nhô. Đoàn người đưa dâu đàng hoàng ngẩng cao đầu, giẫm lên ngàn vạn xác pháo hồng. Tiếng chiêng trống ầm ĩ và không khí náo nhiệt của nhà trai đưa nhà gái đến tận cổng phủ họ Khang. Cảnh cổng sắt đen sì thường ngày giờ được trang hoàng rực rỡ, hai chữ Hỉ lớn được dán hai bên cổng làm giảm bớt không khí lạnh lẽo mà người ngoài thường thấy, nó nhiệt thành mở rộng cửa đón chào mợ chủ tương lai.
Bà mối cung kính vén rèm kiệu, đỡ cô dâu xuống. Phía sau là đám a hoàn lũ lượt rải đồ ăn vặt đủ các màu sắc như quả khô, lạc, kẹo mạch nha ra bốn phía. Đỗ Hoài Bích nắm tay bà mối, đôi giày thêu hoa cuối cùng cũng bước lên tấm thảm đỏ kéo dài vào tận trong nhà. Cô cúi đầu, lén nhìn chân của những vị khách ở phía dưới tấm khăn trùm đầu, đột nhiên có người tiến đến trước mặt cô. Bà mối lập tức dúi góc khăn nhiễu đỏ của người đó vào tay cô, mang ý trọn đời trọn kiếp không rời xa. Khoảng khắc ấy, tim cô như bị ai rung mạnh, đập thình thịch liên hồi. Nhưng nghĩ đến việc anh làm cao, đợi cô vào tận phủ mới ra đón, cô liền len lén sờ tay anh rồi nhéo một cái thật mạnh. Chắc anh cũng hiểu nên khẽ bật cười, tiếng cười nhẹ xuyên qua khăn nhiễu đỏ bay vào tai cô. Nhờ khắn trùm đầu che chắn, cô cũng không e ngại mà tủm tỉm cười. Trong sự chúc phúc của mọi người, họ nắm tay nhau bước vào đại sảnh. Cũng giống như mọi cặp vợ chồng khác, họ tuân theo rất nhiều nghi lễ phức tạp, cuối cùng, trong tiếng hô sang sảng của người chủ trì buổi lễ, hai người bái đường và hẹn thề chung thân.
Vì tổ chức lễ cưới theo phong cách phương Đông nên khắp nơi trong phủ đều được bài trí và trang hoàng theo phong cách truyền thống, ngay cả phòng cưới cũng được sắp đặt thêm một vài món đồ mang phong vị cổ truyền. Ngọc nến lớn màu đỏ cắm trên giá đồng khắc rồng chạm phượng khẽ lay động, mùi trầm hương tỏa ra nghi ngút từ chiếc lư hương bằng bạc, chiếc giường cưới màu đỏ tím thoang thoảng mùi thơm. Nhìn quanh, đâu đâu cũng là một biển màu đỏ mừng ngày vui. Bà mối thấy Hoài Bích vén khăn trùm đầu lên, vội khuyên can: “Mợ chủ của tôi ơi! Cô dâu mới không được phép vén khăn trùm đầu. Thế là không may mắn đâu. Mau bỏ xuống đi!”
“Bí lắm! Với lại, cháu không tin mấy chuyện đó đâu.” Hoài Bích tháo luôn khăn trùm đầu xuống, kéo tay cô bạn thân và cũng là phù dâu, La Tuyết Quyên lại, cùng ngồi lên giường. Bà mối lai vội vàng kéo La Tuyết Quyên lại, ấn cô ta ngồi xuống chiếc ghế gần đó, nói: “Không được làm bậy! Tiểu thư chẳng câu nệ tiểu tiết gì cả! Làm gì có chuyện hai người con gái cùng ngồi lên giường cưới. Cô tuyệt đối không được coi thường, chúng tôi đã tin theo những nghi lễ này hàng mấy ngàn năm rồi đấy.” Bà mối tốt bụng can ngăn, đúng lúc có người đến tìm, bà ta liền kéo luôn cả La Tuyết Quyên ra ngoài, nhưng Hoài Bích không chịu, khăng khăng muốn La Tuyết Quyên ở lại cùng mình, bà mối đành đi ra một mình.
Tiếng cười nói bên ngoài làm Đỗ Hoài Bích ong hết cả đầu. Đã thế Khang Thiếu Đình lại chỉ mải tiếp rượu khách khứa, một chốc một lát chưa về phòng ngay được. Nghĩ đến đêm động phòng hoa chúc đầu tiên, cô vừa mong đợi lại vừa sợ sệt, đành phải giữ La Tuyết Quyên lại cho them vững dạ. La Tuyết Quyên du học từ bên Tây về nên không mấy quan tâm đến các quy tắc cũ kĩ. Cô ta cầm đĩa bánh quẩy lên, đưa đến trước mặt Hoài Bích, sau đó chẳng hỏi han gì, giơ tay nhón luôn một miếng bỏ vào miệng. Thấy Hoài Bích lườm, cô ta xoa bụng, mặt lộ vẻ tội nghiệp, nói: “Hoài Bích, tớ theo cậu từ sáng đến giờ, chưa có gì vào bụng cả. Đồ ăn bày ở đây chẳng phải để ăn thì để làm gì? Tớ đói chết đi được…” Nói đến đây, cô ta mới biết mình lỡ miệng, vội đánh bộp vào miệng, đổi giọng: “ Phỉ phui cái miệng tớ… Đại cát đại tướng! Được rồi, ăn thì cũng đã ăn rồi, hôm nay là ngày đại hỉ của cậu, cậu mắt nhắm mắt mở bỏ qua cho tớ nhé!”
“Hồi ở trường, cậu đã nổi tiếng tham ăn, giờ vẫn không thay đổi.” Hoài Bích gõ vào đầu cô bạn, nhưng tay cũng nhón một miếng bánh bỏ vào miệng. “Ưm.. Ngon đấy! Chắc là bánh quẩy hiệu Tào Tường Thái. Đúng là ngon thật! Thực ra, tớ cũng đói… đói hoa cả mắt rồi. Vì muốn mặc đẹp nên từ tối qua có ăn gì đâu.”
“Hừ! Chỉ giỏi nói tớ! Cho cậu cả đĩa quẩy đấy, tớ đi thanh toán đĩa bánh khảo vừng đằng kia. Cậu có uống trà không? Rót cho cậu một chén nhé!” La Tuyết Quyên đứng dậy, ra chỗ bàn nước rót hai ly trà, thổi nguội một chén rồi đưa cho Hoài Bích, còn mình thì ngồi lên mép bàn, vừa uống trà vừ ăn bánh khảo vừng, dường như đây là bữa tiệc sinh nhật của bạn bè thân thiết chứ không phải là tiệc cưới, càng lúc họ càng chẳng coi lễ nghi ra gì. Sau khi no bụng, La Tuyết Quyên lại chạy đến chỗ Hoài Bích, ra vẻ thần bí thì thầm với bạn những chuyện về đêm tân hôn mà cô ta được nghe kể. Hoài Bích ngượng ngùng , liên tục mắng cô ta không biết xấu hổ. Hai người trêu chọc nhau mãi, khiến thỉnh thoảng bà mối cũng phải chạy vào chấn chỉnh thái độ, bảo họ ngồi yên chờ chú rể.
Không ngờ, hai người cứ thế ngồi đợi đến tận lúc các phòng đã lên đèn. Đỗ Hoài Bích buồn tiểu, nhưng ngay cả cái bô trong phòng cưới cũng dán chữ Hỉ đỏ choét làm cô không nỡ bóc ra để dùng. Gian phòng mới xây bên cạnh có nhà vệ sinh nhưng cô lại không tiện ra ngoài, đành nhờ La Tuyết Quyên ra ngoài gọi Tiểu Huệ, bảo con bé tìm cái bô sạch mang đến. La Tuyết Quyết cũng uống nhiều trà nên kêu bà mối dẫn mình đi vệ sinh trước. Hoài Bích đợi mãi chẳng thấy ai về, đang nóng ruột thì đột nhiên nghe thấy dưới lầu ầm ĩ như chợ vỡ, hình như còn có tiếng hét chói tai của phụ nữ. Trực giác của phụ nữ khiến cô vô cùng bất an. Đang nghi hoặc thì thấy La Tuyết Quyên đầy cửa lao vào, hét to: “Hoài Bích! Không hay rồi! Xảy ra chuyện lớn rồi!”
“Sao thế?” Hoài Bích đứng bật dậy.
La Tuyết Quyên hốt hoàng nói: “Thì… thì lúc tiệc sắp tan, có mấy người khách bỗng dưng ngã vật ra đất, hôn mê bất tỉnh! Còn có… còn có người chết tại chỗ. Họ nói là thức ăn có độc, giờ đang thẩm vấn điều tra đầu bếp. Tất cả thực khách đều không được rời khỏi phòng tiệc…”
Hoài Bích không đợi bạn nói hết câu đã vứt luôn khăn trùm đầu, lao như tên bắn xuống lầu, mặc kệ đám gia nhân hết lời dỗ dành khuyên can. Chỉ có điều, cô ngàn vạn lần không thể tưởng tượng được rằng dưới những bức màn đỏ thắm của tiệc cưới lại có mấy thi thể nằm thẳng đơ, mặt mũi hoàn toàn biến dạng. Vì quá sợ hãi nên các thực khách đều nhăn nhó mặt mày, trái tim của Đỗ Hoài Bích cũng chịu sự giày vò chẳng khác gì chiếc váy cô đang vò trong tay. Những người đầu bếp hôm nay đều được phủ họ Khang mời từ nhà hàng Tiểu Thuận Hỉ đến. Sau khi họ nấu xong các món ăn khiến thực khách trong bữa tiệc khen không ngớt lời, có kẻ đã âm mưu gây ra màn bi kịch chấn động tâm can này. Lúc này, bốn đầu bếp đã bị thủ phạm giết người diệt khẩu, còn các thực khách vô tội cũng có người thiệt mạng. Hiện trường án mạng tanh mùi máu và hỗn loạn này không ngờ lại là đám cưới của cô. Trong tích tắc, ngay cả sức lực để khóc cũng chẳng còn nữa, cô khuỵu ngã ngay trên bậc cầu thang, cả người cứng đờ như một pho tượng…
Vì tình tiết vụ đầu độc này vô cùng nghiêm trọng nên phòng tuần bổ đành phải lập án điều tra. Có điều, vì nể mặt Tư lệnh Khang nên họ tiến hành điều tra giống như một vụ tranh chấp thông thường. Đêm đó, ông chủ Dương của nhà hàng Tiểu Thuận Hỉ treo cổ tự vẫn, mọi đầu mối hoàn toàn bị cắt đứt. Phòng tuần bổ không muốn điều tra thêm nên chỉ kết luận ông chủ nhà hàng Tiểu Thuận Hỉ tự sát vì sợ tội, thế là vụ án kết thúc sau vài giờ điều tra. Nhưng điều khiến họ đau đầu nhất chính là những nạn nhân bị trúng độc, tất cả đều là quan chức chính phủ hoặc người đứng đầu các phái quân phiệt, trong đó, nạn nhân không may qua đời lại là Tư lệnh quân khu Hồ Nam. Chính vì chuyện này mà Khang Triệu Khanh buộc phải vận dụng mọi mối quan hệ, cố gắng trấn áp tình hình, đồng thời còn phải an ủi những người bạn cũ của quân Hồ Nam vốn định đến đây để bàn chuyện liên minh. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông ta vẫn dặn Khang Thiếu Đình phải tổ chức lễ cưới theo phong cách châu Âu đúng như dự định.
Nghĩ đến tình cảnh trước mắt, Khang Thiếu Đình nào còn tâm trí tiếp tục lễ cưới, bèn bảo cha: “Cha, hay ta hủy tiệc cưới ngày mai đi! Lúc nào rồi mà còn cưới với xin!”
“Càng những lúc thế này càng phải để mọi chuyện diễn ra như bình thường, tuyệt đối không được bấn loạn. Chỉ có điều, thủ đoạn của bọn này thật thâm độc, không ngờ chúng dám gây sự ngay trước mũi ta. Nghĩ mà sợ…” Khang Triệu Khanh nhìn vào phòng bếp đang bị niêm phong, ánh sáng âm u ẩn hiện qua khe cửa hẹp làm ông ta rùng mình. “Bọn này không những dám trà trộn vào đây, lại còn giết một lúc bốn người, vậy mà không để lộ chút dấu vết nào. Đúng là đáng sợ thật! Thiếu Đình, xem ra đối thủ của chúng ta không phải chỉ có mấy người xuất đầu lộ diện, mà còn rất nhiều kẻ đang ẩn mình trong bóng tối, ngặt nỗi chúng ta hoàn toàn không hề hay biết chúng là ai.”
“Tên Tiêu Vân Thành giờ cũng đang cấp cứu ở bệnh viện, thế chẳng phải chúng ta càng bị tình nghi sao?”
“Haizz… Cha nghĩ đi nghĩ lại mà vẫn không nghĩ ra bang phái nào có thể ra tay tàn độc đến như vậy, bọn chúng ép cha phải chui đầu vào bẫy. Chuyện của Thiêu Kỳ cũng có kẻ cố tình bày ra để kìm kẹp cha, mãi mới dập được, chẳng ngờ lần này bọn chúng ra tay còn độc địa hơn, đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Gà cùng một mẹ chẳng biết lúc nào mới thôi đá nhau đây?” Khang Triệu Khanh thở dài, ngồi bần thần. Nếu cả đời đều sống trong âm mưu và tranh đấu thì sẽ biết người được lợi vĩnh viễn không bao giờ là một trong hai đối thủ, kẻ được lợi nhất, đồng thời cũng là kẻ đáng sợ nhất chính là kẻ thứ ba bàng quan đứng ngoài cuộc chiến, lạnh lùng nhìn hai bên đấu đá và tìm cơ hội đánh lén.
“Thôi, cha đi nghỉ sớm đi! Tiệc cưới ngày mai, con vẫn sẽ tổ chức như thường, dù sao cũng toàn là bạn bè cùng khóa, cha không cần xuất hiện cũng được.” Khang Thiếu Đình thấy mẹ bưng bát hạt sen vào, liền lui ra ngoài.
Lúc trở về phòng, anh thấy Hoài Bích đang ngồi trên giường, nét mặt âu sầu. Bước đến gần, anh mới phát hiện trên mặt cô loang vết nước mắt, phấn son lem nhem chỗ trắng chỗ đỏ, cánh môi vẫn hằn dấu răng cắn, trông còn rõ mồn một khiến người ta phải mùi lòng. Nhặt tấm khăn trùm đầu rơi dưới đất lên và phủi sạch bụi, anh ngồi xuống cạnh cô. Thấy tay cô lạnh ngắt, anh thận trọng nâng lên xoa cho ấm. Hoài Bích vẫn ngồi bất động, ngây người nhìn ngọn nến đỏ sắp cháy cạn, ánh lửa chập chờn bất định giống như chiếc bóng khổng lồ soi vào lòng hai người. Anh thở dài, bưng chậu nước ấm lên, lấy khen mặt khẽ khàng lau son phấn còn sót lại trên mặt cô. Mãi đến lúc này, cô mới chịu nhìn anh, chỉ có điều gương mặt vừa mới lau sạch giờ lại lấm lem nước mắt.
“Hoài Bích! Anh biết em buồn, nhưng em đừng như vậy kéo anh lo đấy.” Anh xót xa ôm cô vào lòng, dỗ dành. “Bất kể từ hôm nay xảy ra chuyện gì thì em cũng đừng nghĩ ngợi nhiều. Ngày mai, anh và em sẽ tuyện thệ trước mặt cha xứ, như vậy thần linh nhất định sẽ bảo vệ chúng ta.”
“Trong tình hình này mà vẫn phải tiếp tục tổ chức tiệc cưới sao? Nếu quả thật thần tiên có thể phù hộ cho con người thì sao hôn lễ chỉ có một lần duy nhất trong cuộc đời của em, ngài lại biến nó thành cuộc hoan lạc của Thần Chết vậy? Em không tin vào thần linh, cũng chẳng tin vào bất cứ thứ gì hết!” Chỉ cần nghĩ đến khuôn mặt nát bươm của mấy người bị diệt khẩu là mọi hứng thú trong lòng cô dù chưa kịp nhen nhóm đã vội vàng tắt lịm. Mặc dù cô không phải tín đồ Cơ Đốc nhưng chí ít cũng từng rất sùng kính, vậy mà ngay trong ngày trọng đại nhất của đời mình, thần linh đã rời bỏ cô và biến một ngày lẽ ra phải đầy tiếng cười thành lời nguyền nhuốm máu. Co mệt mỏi gục đầu vào vao Khang Thiếu Đình như thể đã hoàn toàn kiệt sức, gấp gáp muốn tím chút hơi ấm trong vòng tay anh.
Khang Thiếu Đình xót xa hôn lên trán cô, vô cùng dịu dàng an ủi: “Hoài Bích, sao em lại nghĩ thế? Có lẽ đây là món quà đặc biệt mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta, nó khiến chúng ta học được cách nắm giữ những thứ quý giá ngay cả trong đau khổ và hoạn nạn, nó cũng khiến chúng ta ngộ ra rằng vinh hoa phú quý và hư danh hất thời mãi mãi không thể sánh bằng việc hằng ngày kề vai sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Vì thế, Hoài Bích ạ, chúng ta vẫn hạnh phúc , vì chí ít anh và em có thể gặp được “kì ngộ” mà người khác cả đời không bao giờ gặp được.”
“Anh nói linh tinh cái gì thế? Cái này mà gọi là “kì ngộ” à? Có mà là…” Hoài Bích ôm anh, cuối cùng cũng chịu lau nước mắt và mỉm cười. Đám mây đen trong lòng cô đã bị tình cảm ngọt ngào của anh đánh tan tác. Cô ngửi mùi rượu thoáng thoảng tỏa ra trên người anh, cánh môi bất giác dụi dụi lên cổ anh. Sự tiếp xúc thân mật này khơi dậy cơn sóng tình cuộn trào trong cơ thể khiến đầu óc anh bắt đầu không giữ được tỉnh táo. Anh mơ màng nhìn khuôn mặt cũng đang mê đắm giống mình, trong ánh mắt long lanh của cô, anh hồ như nhận ra một cảm giác mình từng quen thuộc. Đôi hoa tai lấp lánh đưa lại như vẫy gọi anh, gợi cảm đến mức khiến hơi thở của anh trở nên dồn dập, gấp gáp. Khi đã hoàn bị chinh phục bởi cảm xúc nóng bỏng, môi anh trượt từ môi cô xuống cổ áo. Bỗng nhiên, ý muốn cởi cúc áo chợt tắt lịm, trong đầu anh bồng bềnh hiện lên một hình bóng khác, có lẽ đêm ấy, anh cũng chiếm hữu nàng như thế này. Nhưng anh không kịp nghĩ xa hơn, bởi Hoài Bích đang đợi anh. Cô chỉ muốn thoát khỏi bữa tiệc cưới đầy tang tóc và nước mắt, mọi kì vọng của cô đều dành cho giây phút này, anh không thể làm cô thất vọng thêm nữa, bởi anh yêu cô. Thế là anh bắt đầu tiến tới, không hề do dự…
Sáng hôm sau, lễ cưới theo phong cách Tây được tổ chức trong khách sạn Hoàn Cung thượng lưu nhất ở Vũ Hán, bạn bè lũ lượt đến chúc mừng, mọi người không hề e ngại chuyện rủi ro hôm trước . Ai cũng vờ như chưa từng có chuyện gì, thấy Khang Thiếu Đình mặc áo vest Tuxedo, dắt tay cô dâu kiều diễm và quý phái bước vào lễ đường, mọi người đều chúc phúc cho họ, rồi rắc hoa, rồi trêu chọc. Nghi thức của hôn lễ hôm nay cũng giống với đám cưới hơn hôm qua.
Vụ huyết án trong tiệc cưới bị các báo tùy tiện đăng tải, tuy họ không chỉ mặt đặt tên nhưng hễ là người sáng mắt, chỉ cần nhìn là đủ hiểu họ ám chỉ đến chuyện nhà họ Khang. Trong khi đó, bà quả phụ của ông chủ nhà hàng Tiểu Thuận Hỉ lôi hai đứa con chừng tám, chín tuổi, mang theo di ảnh của chồng quỳ trước cửa phòng tuần bổ, gặp ai cũng kêu oan. Chuyện này bị các nhà báo biến thành đề tài nóng hổi đăng tải hằng ngày, họ ngầm châm biếm cảnh sát muốn im chuyện cho phủ nhà họ Khang nên người ta thò mặt kêu oan cũng không đếm xỉa đến. Bách tính trăm họ vốn đã ghét cay ghét đắng thói bênh vực che chở cho nhau của giới quan chức, giờ lại thấy thảm cảnh mẹ góa con côi không những bỗng dưng mất chồng, mất cha mà ngay cả nhà hàng cũng bị người ta mua lại với giá thấp, đương nhiên vô cùng phẫn nộ. Thêm vào đó, nhà họ Khang chỉ im lặng không trả lời, càng khiến các giới xôn xao chỉ trích và phê phán, họ đều nói cảnh sát bênh vực kẻ ác, chắc chắn bên trong phải có uẩn khúc gì đấy.
Thực ra, mấy ngày nay, Tư lênh Khang quả thực không có thời gian để ý đến những chuyện thị phi, ông ta định cử mấy nhân viên cấp cao đưa linh cữu người bạn cũ về Hồ Nam, nào ngờ gia quyến người ta không chấp nhận, nói nếu có thành ý thì đich thân Tư lệnh phải đưa thi thể về quê, có người còn ngạc nhiên nói: “Nếu quan chức Vũ Hán không giao được hung thủ ra thì họ sẽ tự đòi món nợ máu này thay cho Tư lệnh Hồ Nam!” Nếu là trước đây thì Khang Triệu Khanh chẳng coi mấy lời dọa dẫm này ra gì, nhưng chuyện càng ngày càng ầm ĩ, nên ông ta đành nhờ mấy người bạn cũ trong quân đoàn Hồ Nam đứng ra giải thích giúp, cũng vì thế mà chuyện liên minh đành phải gác lại. Giờ vì muốn ổn định quân Hồ Nam, suốt mấy này không thấy mặt ông ta về phủ. Khang Thiếu Đình cũng quay cuồng vì chạy qua chạy lại giữa quân đoàn và phòng tuần bổ, thế nên chẳng có thời gian nói chuyện tử tế với Hoài Bích, ngày nào cũng đi sớm về khuya, về đến nhà là lăn ra ngủ. Mặc dù Hoài Bích rất muốn bàn bạc với anh cách giải quyết lời ong tiếng ve của thiên hạ và các giới, nhưng thấy anh lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi nên đành thôi. Nếu sáng nay vú Ngô không nói cho Khang phu nhân biết ngoài cổng có rất nhiều kí giả đứng canh thì Hoài Bích hoàn toàn không ngờ chuyện nhà cô lại bị xé to đến mức độ này.
Hôm nay, Khang phu nhân vốn có hẹn với người ta, nhưng giờ muốn ra ngoài xem ra cũng là cả một vấn đề. Tuy đám kí giả không cản đường nhưng hộ cứ lằng nhằng bám theo hỏi này hỏi nọ liên tục, khiến người ta phát bực. Mấy làn Khang phu nhân định sai bảo vệ ra đuổi họ đi, nhưng ngẫm lại trong thời điểm nhạy cảm này, nên ít gây sự thì hơn, thế là bà ta đành kệ họ. Hoài Bích thấy mẹ chồng cả ngày nhăn nhó mặt mày thì liên tục sai người đi xem xét tình hình đám phóng viên, sau đó thu lại tất cả những tờ báo đăng bài bất lợi cho phủ họ Khang, đồng thời dặn dò vú Ngô xé tất cả những trang báo mới có những tin liên quan đi. Cô đón lấy chiếc khay vú Ngô mang đến, bảo người hầu lui ra rồi tự mình mang trà và điểm tâm đến phòng Khang phu nhân. Mấy ngày chịu giày vò, Khang phu nhân luôn miệng kêu đau đầu, trong người thấy khó chịu, bữa trưa cũng không xuống dùng cơm. Hoài Bích gõ cửa bước vào, đặt khay lên chiếc bàn kê ở đầu giường, tươi cười nói: “Mẹ, mẹ ăn chút gì nhé! Gần đây, mẹ hay kêu là thấy bồn chồn nên con đã nhờ người tìm ít bột ngọc trai Nam Hải loại thượng hạng, hòa vào trà cho mẹ dùng hằng ngày, mỗi lần một muỗng. Thuốc này vừa giúp an thần lại vừa giúp làn da tươi trẻ hơn.”
“Trước đây, mẹ cũng nghe người ta bảo vậy, nhưng mẹ quen uống tổ yến rồi, không thích mùi bột ngọc trai lắm, nên không hay uống. Thế mà con vẫn có lòng nhớ đến.”
Đột nhiên nhớ ra còn thiếu một thứ, Hoài Bích liền đứng dậy đi lấy. Khang phu nhân nghiêng đầu nhìn Hoài Bích pha bột ngọc trai, không biết cô cho thêm thứ gì mà mùi vị không giống trước đây. Bà ta nhấp một ngụm, tuy hơi có vị mặn nhưng vị ngọt của mật ong vẫn át đi được, nên cũng không khó uống. Thế là bà ta uống luôn một chén. Hoài Bích thấy mẹ chồng chịu uống thì bóc thêm một miếng trần bì đưa vào tận miệng bà ta, ân cần bảo: “Mẹ ngậm nó trong miệng, vừa thanh vừa ngọt lại vừa thơm mát. Bột trân châu mang hương vị của biển nên ít nhiều vẫn có chút tanh, mình ngầm miếng trần bì cho hết mùi tanh mẹ ạ!” Khang phu nhân gật đầu, mỉm cười, ngậm trần bì quả nhiên thấy dễ chịu hơn nhiều.
“Mẹ, bây giờ đám kí giả cứ ngồi canh ngoài kia, chưa nói đến việc mình ra vào bất tiện mà họ ở lì đó khiến người ta lại thêm dị nghị. Nhân cơ hội trời chưa sáng hẳn, mình phải có đối sách gì mới được, tránh đêm dài lắm mộng.”
Vừa nghe Hoài Bích nhắc đến chuyện đó, Khang phu nhân lại thấy đau đầu, bà ta than phiền: “Sao mẹ không biết điều đó chứ! Nhưng giờ bố chồng con và thằng Thiếu Đình bận tối mắt tối mũi, thân phận như mẹ làm sao tiện xuất đầu lộ diện nói với họ được! Bọn họ cố tình muốn đem nhà ta ra làm trò cười, cố tình gây khó dễ cho ta. Nếu không muốn bớt chuyện đau đầu cho bố chồng con thì mẹ đã đuổi bọn họ tránh xa nhà ta từ lâu rồi!”
“Bọn họ chẳng qua muốn nhắm vào chuyện mẹ góa con côi nhà Tiểu Thuận Hỉ để viết bài thôi, chúng ta càng im lặng, bọn họ càng đắc ý. Bởi vậy, việc trước mắt là phải chặn miệng mẹ con nhà Tiểu Thuận Hỉ đã. Được như thế, sau này đám phóng viên có muốn làm to chuyện thì cũng là vô cớ chuyện bé xé ra to thôi, còn chúng ta đã làm trọn vẹn tình nghĩa rồi.” Hoài Bích nhướng mày, nói như thế đã có đối sách.
Khang phu nhân bèn hỏi: “Thế con có cách gì à?”
Hoài Bích vội càng ghé sát tai bà ta, thì thầm cách giải quyết của mình. Khang phu nhân do dự một hồi, lại suy ngẫm thêm hồi nữa, cuối cùng gật đầu, đồng ý giao việc này cho cô làm.
Lúc này, Hoài Bích chỉ muốn chia sẻ bớt gánh nặng với Khang Thiếu Đình, hơn nữa trong việc này, phủ họ Khang cũng chẳng ngậm bò hòn làm ngọt. Đám tiểu nhân xấu bụng lúc nào cũng chỉ mong thiên hạ đại loạn để mình còn thừa nước đục thả câu, âm mưu biến kẻ bị hại thành tội nhân phải chịu đủ lời điều tiếng. Tuy cô rất thông cảm với hoàn cảnh của bà quả phụ họ Dương và hai đứa con sớm mồ côi cha, nhưng chuyện nào ra chuyện nấy, không thể lẫn lộn trắng đen được. Cô gọi tài xế đưa mình đến linh đường của ông chủ Dương. Đám phóng viên thấy cô ra khỏi cửa cũng lũ lượt bám theo. Sau khi đi một quãng, chỉ còn một vài phóng viên đi xe đạp là đuổi kịp. Hoài Bích ra lệnh tài xế ở lại xe, không được đi theo, còn mình thì bước vào nhà họ Dương.
Vì tiền tài có hạn nên linh đường của ông chủ Dương bài trí vô cùng sơ sài, đến đưa linh cữu cũng chỉ lèo tèo vài người. Bao nhiêu xa hoa trước đây đều theo người chết xuống mồ, để lại người sống khổ sở gắng gượng chịu trận. Đỗ Hoài Bích biết hôm nay là ngày cuối cùng trong bảy ngày để tang đầu tiên, bà Dương nhất định phải ở linh đường chịu tang. Quả nhiên cô trông thấy một người phụ nữ trung niên đang quỳ trước linh đường, vừa khóc lóc ỉ ôi vừa thả tiền giấy vào chậu đốt vàng mã, miệng liên tục lặp đi lặp lại mấy câu nguyền rủa. Hai đứa con một trai một gái quỳ bên cạnh, giúp mẹ thả vàng mã vào chậu. Hoài Bích bước tới, cúi đầu trước linh cữu người đã khuất rồi cắm ba nén nhang, lúc quay đầu lại đã thấy kí giả đang thì thầm câu gì đó vào tai bà Dương. Chỉ thấy bà ta trợn mắt phẫn nộ, lao đến nhổ ngay ba nén hương cô vừa cắm ra, vứt toẹt xuống đất, sau đó chỉ thẳng vào mặt cô, ngoạc miệng ra chửi: “Các con! Hãy nhớ mặt người đàn bà này! Người nhà của cô ta đã hại chết cha các con! Đồ mặt dày , còn dám mò đến đây nữa à? Hay cô sợ ông ấy nhập tràng sống dậy, vạch trần hết trò bẩn thỉu vô liêm sủ của lũ lòng lang dạ sói các người? Chồng tôi chết không nhắm mắt, dù có hóa thành ma quỷ cũng nhất định không tha cho các người đâu! Cô cút đi! Mau cút đi cho khuất mắt tôi!” Trong lúc bà ta ra sức xô đẩy cô ra ngoài thì đám phóng viên bu quanh đó ra sức chụp ảnh. Bọn họ đều hi vọng màn kịch náo loạn này cứ tiếp tục kéo dài, càng lâu càng tốt.
Hoài Bích thấy tài xế xông đến định giúp thì lập tức quát anh ta dừng lại, đồng thời, cô kéo ngược tay bà Dương, lô đến trước linh đường của ông chủ Dương, nói một tràng: “Trên trời có thần linh chứng giám, nếu ông chủ Dương dưới suối vàng có hay thì tôi xin mạnh dạn hỏi ông một câu. Bao nhiêu năm nay, phủ họ Khang đã giúp công việc làm ăn của ông phát đạt như thế nào? Đã giúp ông kiếm thêm được bao nhiêu mối làm ăn? Ngay cả tiệc cưới cũng giao cho ông làm chỉ vì tin tưởng vào thái độ làm việc chu đáo hằng ngày của ông. Nếu ông thực sự cảm thấy oán hận và bất bình thì xin cứ việc nhập tràng sống dậy, vạch trần bộ mặt thật của chúng tôi và để chúng tôi ngày sau phải chịu báo ứng! Riêng tôi, tôi dám khẳng định từ trước đến nay chưa bao giờ phủ họ Khang đối xử bạc bẽo với ông cả!” Nói rồi, cô quay sang nhìn bà Dương đang á khẩu, không thể phản bác lại nửa câu, tiếp tục: “Nếu Dương phu nhân cảm thấy tôi nói dối cứ việc thoải mái chửi mắng.”
“Cô…” Bà Dương đỏ mặt tía tai, trợn mắt quát: “Cô cả vú lấp miệng em! Ai… ai không biết nhà chồng cô… nhà chồng cô giở thủ đoạn tìm chồng tôi làm con ma thế mạng!”
“Ma thế mạng?!” Hoài Bích khoát tay, cười lạnh. “Trên đời này làm gì còn có ai muốn gây án mạng trong chính lễ cưới của mình chứ! Lẽ nào muốn máu tươi cho thêm phần vui vẻ sai?! Bà cứ khăng khăng khẳng định nhà chồng tôi mưu hại tính mạng chồng bà, nhưng bà có chứng cứ gì không? Chúng ta đều là phận đàn bà, nếu trong lễ cưới lần đầu tiên và duy nhất của cuộc đời bà, thứ bà nhìn thấy không phải là lời chúc phúc của bạn bè, người thân mà là những thi thể đầy máu, thử hỏi bà sẽ có cảm tưởng gì? Bà cảm thấy hôn nhân là giả, giết người mới là thật sao? Vì muốn trừ khử những đầu bếp mà chồng bà mời đến, nên chúng tôi lấy cớ kết hôn để che mắt thiên hạ sao? Phu nhân, bà không phải người không biết trái phải, sao lại nghe theo lời xúi giục của kẻ tiểu nhân mà mờ mắt? Mẹ chồng tôi từ trước đến giờ đều rất tin tưởng ông chủ Dương, thường ngày đối xử với ông bà ra sao, lẽ nào bà thực sự không hề hay biết? Nếu không phải thấy gần đây ông chủ Dương gặp khó khăn về kinh tế thì việc gì mẹ chồng tôi lại mời ông ấy đến giúp ngay cả khi biết đầu bếp danh tiếng nhất của Tiểu Thuận Hỉ đã nghỉ việc? Nếu chẳng phải ông ấy thề thốt, đảm bảo mùi vị thức ăn vẫn tuyệt hảo như trước thì thử hỏi mẹ chồng tôi có dám để các vị khách quý của gia đình nếm thử thức ăn do Tiểu Thuận Hỉ làm không? Mạng người quý giá! Lẽ nào chúng tôi dám coi mạng người rẻ rúng như con sâu cái kiến mà tha hồ chà đạp? Nếu bà còn muốn truy cứu trách nhiệm, vậy thì tôi phải hỏi ngược lại bà một câu, bốn vị đầu bếp danh tiếng kia đều do chính ông chủ Dương đưa đến, trước mặt mẹ chồng tôi, ông ấy có đảm bảo về tay nghề và đạo đức của bốn vị kia không? Ông ấy đã đảm bảo! Vậy mà giờ lại xảy ra án mạng, bà không những không thông cảm với việc đám cưới nhà họ Khang bỗng dưng biến thành đám ma, lại còn trách chúng tôi cố tình đầu độc giết chết thực khách, hãm hại người tốt! Hơn nữa, bất luận người ngoài nói ông chủ Dương chết vì bị người ta đổ oan hay vì sợ tội, nhưng chẳng lẽ ông ấy không có trách nhiệm đối với những gì đã gây ra cho đám cưới của tôi sao? Ngày mà người con gái luôn coi là ngày trọng đại nhất cuộc đời mình lại diễn ra một cách thê thảm như thế, chẳng lẽ đó là lỗi của tôi hay sao? Dương phu nhân, bà không hiểu những điều này thật?”
Những lời nói thấu tình đạt lý thấm vào tâm can khiến bà Dương á khẩu, không phản bác được tiếng nào, đám phóng viên xung quanh cũng không thể tìm ra khe hở nào.
“Hình như mọi người đều quên mất rằng, người năm xuống là yên, là sạch sẽ, nhưng người sống thì sao? Chẳng phải vẫn phải tiếp tục lo lắng thay người chết, vẫn phải gánh vác những hệ lụy vô duyên vô cớ mà người chết để lại sao? Cùng chung cảnh buồn thảm như nhau, sao cứ phải ép nhau đến bước đường cùng như thế?” Nói xong, Hoài Bích cắm lại ba nén nhang rồi rời đi. Khoảnh khắc ấy, xung quanh lặng ngắt như tờ, chỉ nghe thấy tiếng gió cuốn giấy vàng phát ra tiếng phần phật như thế tiếng thở âm u từ nơi nào vọng lại.
Cuối cùng, màn kịch náo loạn không diễn ra như đám phóng viên và những kẻ xấu bụng vẫn kì vọng. Sau khi Hoài Bích rời đi, đám phóng viên và những người hiếu kì vây quanh cũng tản mát dần, trên linh đường chỉ còn ba mẹ con góa bụa, quạnh quẽ không nơi nương tựa. Lúc này, tài xế nhà họ Khang mới bước đến gần, đưa cho mẹ con nhà họ Dương một phong bì. Bà Dương mở ra, bên trong là một xấp tiền. Bà ta kinh ngạc hỏi nguồn gốc số tiền, anh tài xế trình bày: “Đây là số tiền còn lại mà mợ Cả nhà tôi trả nốt cho ông chủ Dương, ngoài ra còn thêm chút tiền công nữa. Mợ ấy còn nói, nếu phu nhân không chê thì có thể đến làm sổ sách cho xưởng tơ lụa của phủ họ Đỗ. Mợ ấy biết nhà đẻ phu nhân là thương hộ, từ nhỏ phu nhân đã quen gảy bàn tính, các sổ sách được phu nhân xử lý chưa bao giờ sai sót nửa con số. Chuyện này gần xa ai ai cũng biết. Vì gần đây, người làm sổ sách của xưởng tơ lụa nhà chúng tôi đã tuổi cao sức yếu, nhiều lần muốn nghỉ việc, nên mợ Cả mới muốn mời phu nhân sang giúp đỡ. Mợ Cả còn nói, phu nhân tuyệt đối không được lấy cớ mình là đàn bà con gái nên không tiện đến làm, trên đời này, phàm những chuyện đàn ông có thể làm thì đàn bà đều có thể, không những vậy còn không hề thua kém họ nửa phân. Bởi vậy, hi vọng phu nhân có thể trở thành người đầu tiên là phụ nữ mà làm sổ sách, cũng mong phu nhân hãy nghĩ đến tương lai của các cháu mà nhận lời. Ba ngày sau sẽ có người đến đón phu nhân tới xưởng tơ lụa, lúc ấy xin phu nhân chớ chối từ.” Nói xong, anh tài xế lập tực chào ra về, không cho bà ta có cơ hội từ chối. Còn bà quả phụ của ông chủ Dương thì chỉ biết siết chặt xấp tiền, quỳ trước bài vị của chồng, khóc không thành tiếng.