Trong cả cuộc đời 20 năm của cô, cô luôn ở vị trí mà người ta hâm mộ, bạn cùng trang lứa hâm mộ, phụ huynh của bạn cùng trang lứa cũng hâm mộ. Cô đã quen với vị trí đó____cao cao tại thượng, thờ ơ hững hờ. Giờ đây, cuộc sống mà cô quen đã không còn nữa, người nào tới thăm cô cũng mắt rưng rưng lệ, dáng vẻ như không biết nên nói gì cho phải.
Liễu Dung không dằn được quay đầu đi chỗ khác, cô lạnh lùng nghĩ, chuyện này không liên quan tới các người.
Cô bắt đầu căm ghét sự quan tâm của người khác, thậm chí bao gồm sự quan tâm của cha mẹ, mẹ Liễu Dung muốn ôm cô cũng bị cô từ chối vì bất tiện. Những sự quan tâm ấy như bầu không khí không lành, hít thở nhiều sẽ khiến cô cáu kỉnh, đôi lúc Liễu Dung lẳng lặng nhìn chăn đắp trên người mình, thầm nghĩ, bây giờ đã rất xấu rồi, còn cáu kỉnh nữa thì sẽ càng xấu hơn.
Lúc thành công, cô không hề phản đối người khác thân thiết, cắt xén bớt chút vui vẻ từ chỗ cô, thậm chí nếu người khác tới nhờ cô giúp, cô cũng sẽ nhiệt tình giúp đỡ. Nhưng khi cuộc đời của cô tới chỗ trũng, cô lại không hi vọng có người nhìn thấy dáng vẻ cô bây giờ. Lương Tuyết, Thường Lộ Vận, Hồ Điệp, Lương Túc... họ đều là người khác.
Người khác không thể nào hiểu được nỗi đau của cô, đối với Liễu Dung, ánh mắt của người khác là một loại cực hình mới. Cô hiểu rõ thế nào là “đời nhẹ khôn kham” (1), một ánh mắt thương hại đã đủ khiến cô vùi thân nơi địa ngục.
(1) Tên một tác phẩm của nhà văn Séc Milan Kundera, dịch tên tiếng Anh là: The unbearable lightness of being.
Một năm này vô cùng dài với tất cả mọi người. Thường Lộ Vận đi xa lên tây bắc, bước vào thời đại học, cô không đi thăm Liễu Dung, lúc nghe nói chuyện này, cha Thường Lộ Vận còn cho chút tiền, bảo cô mua ít quà ghé thăm bạn, dù sao cũng là bạn thân cùng bàn suốt ba năm cấp 3.
Nhưng Thường Lộ Vận suy nghĩ rồi từ chối, cha mẹ cô đều cảm thấy cô không biết cư xử, giữa bạn bè với nhau xảy ra chuyện như vậy, sao có thể không quan tâm?
Nhưng quan tâm không thể thay cơm ăn.
Cô nghĩ Liễu Dung bây giờ giống như cô năm đó lén trốn trong nhà vệ sinh, dùng ngón tay móc họng cho ói ra, đều không hi vọng người khác nhìn thấy. Các cô bẩm sinh không phải loại mềm yếu đáng yêu, đặc biệt là Liễu Dung, cô ấy kiêu ngạo như thế, không bao giờ nói với ai những lời tận đáy lòng. Nếu vào lúc này, người khác tùy tiện qua, rơi hai giọt nước mắt nhìn cô ấy, có lẽ ngoài miệng Liễu Dung không nói gì, nhưng sau này trong lòng cũng sẽ phân rõ giới hạn đúng không?
Đối với người như Liễu Dung, chỉ khi thật sự xem cô ấy là bạn, là quan trọng, định qua lại lâu dài, thì lúc này mới trốn không gặp cô ấy.
Nếu không thì người không liên quan nhìn thế nào liên quan gì tới cô ấy?
Trước khi đi, Thường Lộ Vận chợt rất muốn gặp Vu Tú Tú một lần. Cô bấm số điện thoại mà Tú Tú cho cô, sau khi thông máy, bên kia là giọng nam truyền đến, rất không bình tĩnh, chữ “a lô” cô còn chưa nói xong, anh ta đã vội vội vàng vàng ngắt lời cô, rất không lịch sự:
- Cô là ai? Tìm ai?
Thường Lộ Vận ngớ người, khách sáo:
- Chào anh, tôi tìm Vu Tú Tú, tôi là...
Anh ta lạnh lùng nói:
- Không có đây.
Rồi cúp máy cái rụp. Thường Lộ Vận cầm ống nghe ngẩn người, lòng hơi lo lo, cảm thấy giọng điệu anh ta rất kém, không biết mình có gây phiền toái gì cho Tú Tú hay không.
Cô không cách nào đoán được cuộc sống của cô ấy, dù các cô cùng sống dưới một bầu trời xanh.
Năm này, Hồ Điệp lấy hết dũng khí, dùng dáng vẻ xinh đẹp nhất thi vào học viện điện ảnh. Nhưng cô không đủ đẹp, trong những người bình thường thì cô đẹp, nhiều con trai thích chạy theo cô, nhiều bạn bè ghen tị vẻ đẹp của cô. Cô là hoa khôi trường trung học số 5 năm xưa, nhưng cả Trung Quốc có rất nhiều “trường trung học số 5”, gái đẹp nhiều không kể xiết, Hồ Điệp đã gặp Waterloo của chính mình.
Cô từng về bệnh viện thăm Liễu Dung một lần, đêm đó bị bạn mình không thấu tình người từ chối gặp. Hồ Điệp lặng lẽ đặt hoa ở cửa phòng bệnh, cùng ngày, cô mang túi hành lý nhỏ, một lần nữa lên xe lửa đi phía bắc.
Người sống ở đời phải có chút theo đuổi nào đó, Hồ Điệp nghĩ.
Lúc đi, cô không chào bất kỳ ai, bao gồm người mẹ cả ngày bận bịu kinh doanh, lần nào vội vã gặp cũng chỉ quẳng cho cô vài tờ nhân dân tệ rồi vội vã rời đi, bao gồm người cha mỗi tháng gửi cho cô một số tiền cố định qua thẻ ngân hàng. Kỳ thực Hồ Điệp có một câu muốn nói mà luôn không có cơ hội nói__cô muốn nói với cha mẹ rằng nuôi con không phải trồng cây, không phải chỉ cần tưới nước và phơi nắng là được, với con cái, chỉ tưới nhân dân tệ thôi là không đủ.
Nhưng nói rồi thì sao?
Khi nghĩ vậy, Hồ Điệp sẽ sinh ra chút khổ sở giả tang thương, cô cảm thấy mình đến tuổi này, đã muộn rồi.
Người ta nói nuôi con gái khác nuôi con trai, con trai phải nuôi nghèo, còn con gái phải nuôi giàu.
Con gái sống dưới điều kiện ấy sẽ hào phóng, sẽ không quan tâm hơn thua với rất nhiều thứ, sẽ thận trọng cân nhắc tương lai của mình nên thế nào, chứ không vì chút xíu cám dỗ liền chạy theo người khác. Cô ấy sẽ không tự ti, không khoe khoang như chim công, không đố kỵ như bà đồng, sau khi lớn lên, cô ấy sẽ có một lòng dạ tương đối bao dung so với bạn cùng trang lứa.
Mà lòng dạ, mới là thứ quyết định cuộc đời cô ấy sẽ đi đến nơi nào, đứng ở độ cao bao nhiêu.
“Nuôi nghèo” với con trai không có nghĩa là không quan tâm không hỏi han, “nuôi giàu” với con gái cũng không có nghĩa là ngày nào cũng cho nhân dân tệ... đương nhiên đô la Mỹ càng không được__cô ấy không phải máy ATM, cho bao nhiêu là sau này sẽ nhả ra bấy nhiêu.
“Nghèo” là để con trai biết, luôn sẽ có ngày mà trên thế giới này, tất cả mọi bàn tay nâng đỡ cậu đều sẽ già đi và biến mất, cuối cùng chỉ còn lại một mình cậu, cậu phải gánh vác rất nhiều thứ, phải lảo đảo ưỡn thẳng sống lưng lên. “Giàu” là muốn cho con gái thật nhiều thật nhiều yêu thương, đủ để cô hiểu rõ thế nào là tình yêu chân chính, để cô có thể tỉnh táo bước đi giữa thế giới rối ren phức tạp muôn màu muôn vẻ này.
Xe lửa lao nhanh trên đường ray, ruộng đồng nhà cửa đua nhau lùi ra xa, Hồ Điệp phớt lờ ông chú ngồi đối diện luôn có ý đồ bắt chuyện, cô nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, lòng ấm ức.
Từng có một người bạn than vãn với cô là mình không được ai thương ai thích, cuối cùng rên rỉ đố kỵ nhìn cô, nói:
- Cậu thì ngon rồi, xinh thế này, lại giàu nữa. Giáo viên tiểu học nói con người tâm hồn đẹp mới là đẹp chân chính chứ ngoại hình đẹp chưa hẳn đẹp, phải có nội hàm, mịa nó toàn bộ đều là chó má. Ai cũng bận bù đầu bù cổ, có thể nhìn rõ lớp vỏ bên ngoài đã tốt lắm rồi, đâu rảnh hơi bóc lớp vỏ ngoài để ngó ruột bên trong xem nó thế nào chứ? Mình mà có khuôn mặt của cậu thì không còn gì buồn nữa.
Hồ Điệp nghĩ lời cô ấy nói mới đều là chó má thì có, vì lúc này đây, cô vẫn lẻ loi bơ vơ không người nương tựa hay gửi gắm.
Cô vốn có thể đi kể khổ với Liễu Dung, kể số mình khổ thế này thế nọ, ngày nào cũng có quá trời chuyện không vui, con người sống mà không có chuyện vui thì còn ý nghĩa gì?
Nhưng bây giờ cô không thể kể nữa rồi.
Lúc Lương Tuyết đến bệnh viện không hề ồn ào bất kỳ ai, cô chỉ xin nghỉ với ông chủ chỗ làm rồi một mình đi qua. Cô bồi hồi trong hành lang rất lâu, theo sau Lương Túc gió mặc gió, mưa mặc mưa đều đến bệnh viện báo danh nhưng lần nào cũng bị đuổi ngoài cửa, cô không chào, thấy anh vào khu phòng bệnh rồi nhanh chóng đi ra, vòng qua khúc quanh chỗ tòa nhà bệnh viện, anh ngồi xổm ở cửa hông, buồn bực hút thuốc.
Gia đình, nghèo khó, sự nghiệp thất bại, những thứ này đều không đánh gục được anh, nhưng thứ trừu tượng như vận mệnh lại luôn biết cách làm ra những chuyện khó tưởng để chơi người. Lương Tuyết hạ mũ lưỡi trai, không muốn bị ai nhìn thấy, đưa mắt nhìn phòng bệnh ở xa xa, chợt không muốn đi thăm Liễu Dung nữa, cô cảm thấy rất mệt.
Lương Tuyết từng nghĩ không chỉ một lần, nếu cô có hoàn cảnh gia đình như Liễu Dung___không cần phú quý giàu sang mà chỉ là một gia đình ba người bình thường, vui vẻ hạnh phúc, không lo cơm áo, có cha mẹ thấu tình đạt lý... dù không thấu tình đạt lý, nhưng chỉ cần họ khỏe mạnh an khang là được, thì dù ngày nào họ cũng lải nhải càm ràm phía sau cô cũng là điều rất tốt.
Hoặc nếu cô có điều kiện bẩm sinh như Liễu Dung, thì cuộc đời cô sẽ sao đây?
Mỗi người đều cảm thấy nếu mình đứng trên cùng vạch xuất phát với người khác thì mình sẽ càng ưu tú hơn họ.
Dù nhiều năm nay, trong mắt người ngoài, Lương Tuyết trông rất kiên định, rất ưu tú, như một siêu nhân không thể nào đánh gục, nhưng cô không phải chưa từng băn khoăn lưỡng lự. Trong mắt cô, có một loại người bẩm sinh đã được ưu ái, có thể vui vẻ thực hiện ước mơ bản thân không chút lo âu, chẳng hạn như Liễu Dung, thậm chí là Thường Lộ Vận.
Loại người thứ hai, là loại xuất thân bất hạnh, giống như cô, nhưng lại có con đường làm giàu cấp tốc, chẳng hạn như... mấy bạn học của cô. Họ thực hiện vài dịch vụ không thể phơi bày, thậm chí là đi quay những bộ phim bất nhã, khuất phục thế yếu của bản thân trong xã hội người người đều là mối họa.
Loại người thứ ba, chính là như Lương Tuyết.
Trừ lúc đi học, cô phải đi làm gia sư ba lớp, buổi tối làm thêm ở căn tin, sau khi từ chỗ làm về thì làm biên dịch___người chưa từng làm việc biên dịch sẽ không biết, nó là việc vô cùng hao tâm tốn sức, dịch 1000 chữ chỉ được 30 đến 80 tệ, tối nào cô cũng phải làm đến rất khuya, mắt hoa lên mới được 1000 chữ__huống hồ một tuần cô chỉ có thể có mấy ngàn chữ để dịch, thời buổi này người biết vài ngoại ngữ nhiều lắm.
Trong cái tuổi đẹp nhất đời mình, cô mặc quần áo đơn giản nhất. Thanh xuân của ai cũng đẹp như nhau, nhưng chúng không hề tốt như nhau.
Vì sự kiên trì này, không biết bao nhiêu lần Lương Tuyết khóc tỉnh giữa đêm, những lời này cô chưa từng nói với ai, bây giờ xem ra... cũng không cần thiết nói nữa.
Lương Tuyết để giỏ trái cây chỗ y tá, nhờ cô ấy giao giúp, còn mình thì xoay người rời đi. Bây giờ cô đã hiểu, người sống ở đời có thuận lợi đến đâu đi nữa cũng luôn phải gặp tai kiếp không may. Ông trời cũng xem như khoan hồng với cô rồi, dù di chứng nghèo khó suốt 20 năm đã ăn sâu bám rễ vào xương cô, thành một phần linh hồn cô, nhưng dẫu sao nó vẫn là thứ vô hình.
Cô còn có ước mơ và tương lai.
Hai tháng sau, Liễu Dung ghép đôi chân giả, bắt đầu học đi lần nữa.