Hấp thụ truyền thống bất khuất của tổ tiên,thừa hưởng chí quật cường của dân tộc; giới giang hồ Đại Việt đã cùng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản và binh đội nhà Lý làm một hành động cổ kim chưa từng có: xâm lăng Tàu hay đánh Tàu ngay trên đất Tàu. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi quân Đại Việt ào ạt vượt biên giới đánh tan các đạo binh cản đường xong vây chặt thành Nam Ninh. Quân Đại Việt đã diệu võ giương oai chứng tỏ cho giặc bắc phương lòng dũng cảm cùng chí quật cường của dân Giao Chỉ.
Giới giang hồ Đại Việt đã thành lập đoàn do thám Sát Đát để so quyền đọ kiếm với đoàn do thám viễn chinh Mông Cổ. Nhờ phần nào sự hy sinh của các chiến sĩ vô danh này mà Hưng Đạo Vương hai lần đánh bại quân Mông Cổ, tạo thành chiến công hiển hách còn được dân gian truyền tụng đến ngàn thụ Chính họ, với hơn mười năm nằm gai nếm mật phù trợ Bình Định Vương Lê Lợi giành lại độc lập cho đất nước sau hai mươi năm vong quốc.
Ba trăm năm chục năm sau, giới giang hồ Đại Việt lại đứng dưới ngọn cờ thế thiên hành đạo của vua Quang Trung để chống họa xâm lăng phương bắc. Không đầy một tuần lễ các vũ sĩ giang hồ hợp cùng đạo binh thần thánh Tây Sơn đánh tan tành hai trăm ngàn quân Mãn Thanh khiến cho mấy trăm vạn quân dân Trung Hoa sợ đổ mồ hôi. Họ sợ một cuộc xâm lăng thứ nhì sẽ xảy ra. Nếu người anh hùng áo vải đất Tây Sơn không chết sớm thời giấc mộng xâm lăng Trung Hoa để đòi lại Lưỡng Quảng chắc đã thành sự thực.
Viết truyện GIẶC BẮC, người viết chỉ muốn dựng lại một huyền thoại giang hồ để tôn vinh những chiến sĩ vô danh đã hi sinh xương máu cho tổ quốc mà không hề được ghi tên trong sử sách.
Bây giờ câu truyện bắt đầu.