Bên trong Viện thư hoạ Kinh thành, chim hót líu lo, ve kêu râm ran.
Những khóm hoa ở Đông Uyển lay động trong gió, hương thơm thoang thoảng quẩn quanh mười cô nương mặc trang phục màu trắng.
Cô nương nhỏ tuổi thì non nớt như nụ hoa đầu cành, người nhiều tuổi hơn thì đang trong thời kỳ trổ mã xinh đẹp, trên tay bọn họ đều cầm một cuốn vở và bút lông, nghiêm túc phác hoạ hình thái của hoa cỏ.
Chiếc áo choàng trắng hơi rộng so với dáng người Nguyễn Thời Ý, nàng cầm hoạ cụ rồi nâng gót sen tiến vào Đông Uyển.
“Nguyễn tiểu thư.” Thiếu nữ có khuôn mặt tròn, khoảng mười bảy mười tám tuổi lên tiếng chào hỏi đầu tiên, “Đã lâu không thấy muội, ta còn tưởng muội không đến!”
Nguyễn Thời Ý nhận ra đối phương, nàng ấy là Hoàng Cẩn — con gái của chủ tiệm trưng bày thư pháp và hội hoạ. Nguyễn Thời Ý cong môi cười yếu ớt: “Gần đây thân thể muội không được khoẻ, cho nên mượn cớ lười biếng.”
“Cái tội lười biếng, muội bị thiệt lớn rồi biết chưa?! Hai ngày trước, Nguyễn đại nhân đến đây giảng dạy, ông ấy đã mang theo bức « Tứ Quân Tử » của Nguyễn Thái Công. Mọi người ở đây đều được thưởng thức, đúng là mở rộng tầm mắt!”
Ánh mắt Nguyễn Thời Ý hơi u ám, “Do muội bạc phúc, không có duyên chiêm ngưỡng.”
“Không sao.” Hoàng Cẩn liếc mắt nhìn Nguyễn Thời Ý, giọng điệu thần bí tiếp tục, “Muội không đến mức bỏ lỡ toàn bộ chuyện tốt.”
Nguyễn Thời Ý lường trước được đối phương cố ý thừa nước đục thả câu để nàng tò mò phải mở miệng hỏi, nàng bèn giả vờ ngu dốt nói một câu: “Ừm, có thể lần sau sẽ có duyên.”
Nói xong, Nguyễn Thời Ý cầm vở và bút đến bên cạnh hồ Thạch Thái, bắt đầu phác họa hoa cỏ.
Hoàng Cẩn thấy Nguyễn Thời Ý không hứng thú đến chuyện của mình, nàng khó tránh khỏi hụt hẫng, cuối cùng vẫn không nhịn được mà đuổi theo: “Ngày hôm qua, Nam Uyển mời một vị tiên sinh trẻ tuổi tới giảng dạy về tranh hoa điểu, vị tiên sinh kia không chỉ am hiểu sâu sắc, mà bút pháp cũng tinh diệu, chân thật…”
Viện thư hoạ Kinh thành là nơi chuyên bồi dưỡng hoạ sĩ cung đình, ngoài việc tìm kiếm những người yêu thích hội hoạ, bọn họ còn đào tạo thư pháp, khắc dấu, lý thuyết…
Ở Đông Uyển, số lượng học viên nữ không nhiều nên không phân khoa. Còn học viên nam ở ba uyển Nam, Tây, Bắc thì được phân thành chuyên môn lần lượt là hoa điểu, thuỷ mạc và nhân vật.
Ngoại trừ những lúc chuẩn bị dâng hương, đánh đàn, ngâm vịnh thơ văn hay nghi lễ thiền trà, bình thường học viên bốn uyển hiếm khi có cơ hội giao lưu với nhau.
Hiện giờ Nam Uyển có động tĩnh, tiểu nhi nữ nhà họ Hoàng lại có thể nắm rõ như lòng bàn tay???
Nguyễn Thời Ý cười cười: “Đôi mắt Hoàng tiểu thư vươn đến tận Nam Uyển? Chắc là không đơn giản chỉ ngắm tranh đâu nhỉ?”
Lỗ tai Hoàng Cẩn đỏ lên, nàng chu môi giải thích: “Muội đừng nghĩ lệch lạc! Bức tranh mẫu của vị tiên sinh kia đã kinh động đến cả Tây Uyển và Bắc Uyển, Tô lão tiên sinh lập tức đưa người kia đến thẳng chỗ tranh tường trong viện! Toàn viện có bảy mươi chín học viên, ngoại trừ muội thì già trẻ trai gái đều có mặt tại hiện trường. Tranh tường dài bốn thước, hoa cỏ chim muông được miêu tả vô cùng sống động, cây cối rồi núi đá hùng vĩ, bút pháp mềm mại nhưng mạnh mẽ! Muội bỏ lỡ quá nhiều việc tốt!”
“Ừm, thật đáng tiếc.” Nguyễn Thời Ý cười cười, nàng tiếp tục phác hoạ hoa cỏ lên giấy.
Nàng được kế thừa từ tổ phụ, vong phu thì đứng đầu tứ đại danh gia, đường đệ là hoạ sư được đương kim hoàng thượng trọng dụng, nàng làm sao có thể bị đả động bởi một bức hoạ bình thường?
Sở dĩ nàng đến học tập ở Viện thư hoạ là muốn thoát khỏi đống sổ sách chồng chất như núi trong chốc lát, thứ hai là muốn thám thính tung tích các phần còn lại của « Vạn Sơn Tình Lam » , thứ ba là kết bạn với những nữ hoạ sĩ tài hoa xuất chúng.
Nguyễn Thời Ý nói dối mình xuất thân từ thương nhân, cho nên mọi người chỉ nghĩ nàng là tiểu thư sống trong nhung lụa, tính tình nàng dịu dàng ít nói, cộng thêm dung mạo xinh đẹp nổi bật, tài năng không tầm thương, thái độ lại không kiêu ngạo không nóng nảy, cho nên mọi người rất thân thiện với nàng.
Giờ Tỵ, Nguyễn Thời Ý vẽ xong bản phác thảo liền bắt đầu sửa đổi bổ sung.
Do Từ Hách mất sớm nên từ lâu nàng đã không muốn động vào màu vẽ, mấy chục năm mới lại động tới, các kỹ năng đều đã bị bào mòn theo thời gian.
Hiếm khi mới tĩnh tâm, tìm lại cảm hứng được như lúc này, nàng vùi đầu tập trung sửa đổi, không để ý tới mọi thứ xung quanh.
Trong lúc đó, một nữ tiên sinh chừng bốn mươi tuổi đi kiểm tra ở Đông Uyển, thấy bức vẽ hoa cỏ của Nguyễn Thời Ý, nữ tiên sinh liền khen ngợi “ưu tú, có phong cách riêng, từng đường nét đều xuất phát từ trái tim”, sau đó nữ tiên sinh còn nói trong viện mới có thêm một kiệt tác, phong cách cũng tương tự như nàng, nếu không ngại thì có thể qua đó tham khảo.
Nguyễn Thời Ý vui vẻ đồng ý, nhìn mực vẽ còn chưa khô, nàng bèn thảnh thơi đi ra ngoài.
Khác với Đông Uyển bạt ngàn hoa cỏ, cây cối sum suê, Nam Uyển được xây dựng kiên cố, sử dụng đường trục giữa để kết nối từng đình viện lại với nhau. Nơi đây còn có riêng một gian để bảo tồn thư hoạ, đặc biệt đình viện chính còn là nơi để dụng cụ vẽ và nơi tổ chức hội nghị.
Không ngạc nhiên khi nhóm học viên nữ lại hào hứng vây quanh bức hoạ mới vẽ của “tiên sinh Nam Uyển”. Nhìn bố cục, cách dùng bút, màu sắc, cho đến ý tưởng đều khiến nàng phải khâm phục và tán thưởng.
Nguyễn Thời Ý cảm giác màu sắc của bức hoạ này rất nhã nhặn, mẫu đơn duyên dáng yểu điệu, cành lá tươi tốt, chim chóc sinh động, lối vẻ tỉ mỉ tinh tế này rõ ràng chịu ảnh hưởng từ kỹ thuật và thủ pháp của Nguyễn gia. Nhưng hình ảnh hồ Thạch Thái lung linh thơ mộng, rêu xanh nổi trên mặt nước như có như không lại là bút pháp do một mình Từ Hách sáng tạo, người thường rất khó bắt chước theo.
Có một loại dự cảm rất khó tả đang bốc lên, khiến đáy lòng nàng run rẩy.
Nguyễn Thời Ý định tìm Hoàng Cẩn để hỏi thăm dáng vẻ vị tiên sinh này, nàng muốn xác minh suy nghĩ trong lòng, đúng lúc ở chỗ ngoặt vang lên tiếng bước chân đang tiến lại gần.
Năm người chia thành ba trước hai sau cùng nhau đi dạo, dẫn đầu là một vị râu tóc bạc phơ, y phục đơn giản, nghiêm trang.
Các cô nương lập tức im lặng, bọn họ cúi đầu chào hỏi: “Xin chào Tô lão tiên sinh.”
Nguyễn Thời Ý chỉ cần hơi ngẩng đầu đã nhìn thấy người thanh niên phía đằng sau, dáng người cao ráo, khuôn mặt nho nhã tuấn dật, mỗi một động tác giơ tay nhấc chân đều mang theo vẻ phong trần.
Mặc dù cùng sánh vai với mấy vị nhân tài kiệt xuất như tiên tử trong Viện thư hoạ, nhưng không thể không thừa nhận người kia cũng không thua nửa phần phong hoa.
Hắn đi qua hoạ đường, thần sắc nhàn nhạt, mắt luôn nhìn thẳng, hoàn toàn không chú ý đến nhóm học viên nữ trong viện, càng không nhận thấy sự tồn tại của nàng.
Nguyễn Thời Ý yên lặng nhếch môi.
Kinh thành phồn hoa rộng lớn như thế, dù sớm dù muộn kiểu gì cũng có thể gặp nhau.
Nhưng nàng trăm triệu lần không ngờ tới, chỉ ngoảnh đầu một cái, không cần tốn nhiều sức lực đã gặp được.
Hai ngày liên tiếp, thời gian Nguyễn Thời Ý chạy đến Viện thư hoạ được kéo dài hơn.
Nàng từng tin chắc rằng dù là Từ Hách, hay là huyết mạch của hắn, nàng đều có thể bình tĩnh tiếp nhận.
Dù gì cũng sống mấy thập kỉ, mọi chuyện đều thản nhiên.
Nhưng trên thực tế, nàng không thể bình thản như trong tưởng tượng.
Nhìn từng đường nét trên bức hoạ, vô số những ký ức vốn được lãng quên lại cuồn cuộn trở về nhắc nhở nàng… hắn từng vì tiếp cận nàng mà hạ mình làm môn sinh của Nguyễn gia, theo như lời Hồng Lãng Nhiên từng nói thì chính là — dùng trăm phương ngàn kế.
Dù Từ Hách không hoàn hảo mười phân vẹn mười như những gì nàng từng khoe khoang trước mặt con cháu. Nhưng không thể phủ nhận rằng hắn yêu thương nàng, chăm sóc nàng, bảo vệ nàng đều là sự thật.
Lúc theo đuổi nàng, hắn không tiếc vứt bỏ sự thoải mái tiêu sái trong phong cách của bản thân, hắn tập trung tỉ mỉ phác hoạ từng bông hoa, chim, cá, sâu… mà hắn vốn không am hiểu.
Những bức hoạ kia chưa từng được Nguyễn Thời Ý công khai, trên thế gian này không một ai biết “Tham Vi tiên sinh” của dòng tranh thuỷ mạc từng vì lấy lòng thê tử mà sử dụng màu nước như đỏ thẫm, vàng kim, xanh đậm, xanh ngọc bích để vẽ lên những bức tranh lụa nhỏ. Đây thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, để cho màu nước ngấm vào trong thớ lụa, như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn là tranh giấy. Thậm chí hắn còn mô phỏng lại những kiệt tác của bản thân để tặng cho nàng.
Trong lòng Nguyễn Thời Ý nổi lên ấm áp, khiến nàng băn khoăn, do dự không quyết.
Làm thế nào để nàng xác nhận được thân phận và mục đích của đối phương mà không cần phải tiết lộ bí mật của bản thân???
May mắn Hoàng Cẩn đã giải đáp được thắc mắc của nàng.
— Người này họ Từ, là nhân sĩ đã có gia đình, thê tử và con cái hắn đều ở quê, trước mắt đang ở cùng cháu trai tại cơ sở của Viện thư hoạ.
Nghe nói Tô lão tiên sinh đã vô tình khai quật được hắn, ông một lòng giới thiệu hắn gia nhập vào Hàn lâm Viện hội hoạ.
Biết người kia tên là “Dịch”, Nguyễn Thời Ý nháy mắt vui buồn lẫn lộn — tên chữ của Từ Hách là “Chi”.
Nếu là con cháu của hắn thì chắc chắn sẽ tránh phạm huý, không dám dùng tên chữ của tổ tông làm tên.
Ba mươi lăm năm, hơn mười hai nghìn ngày đêm đều hoá thành hư không… Tại thời điểm nàng bất lực nhất, hắn không ở bên động viên cổ vũ nàng. Đợi đến lúc nàng tuổi già sức yếu, buông tay lìa đời, hắn mới che giấu tung tích trở về?
Hắn vẫn là Từ Hách của ngày xưa sao? Vẫn là vị hôn phu của nàng, là phụ thân của các con nàng sao?
Hắn đã không chủ động tìm tới Từ gia, vậy nàng cần gì phải mạo hiểm bại lộ thân phận?
Tình yêu phai nhạt, hận cũng nhạt phai, có lẽ đây là mong muốn của mỗi người — gương vỡ không lành, mỗi người một ngả.
Dù sao “Từ Thái phu nhân” cũng đã chết, người còn sống chính là “Nguyễn tiểu thư.”
***
Qua khoảng thời gian oi bức của mùa hè, thời tiết càng ngày càng dễ chịu.
Buổi chiều một ngày nọ, Nguyễn Thời Ý dọn dẹp đồ dùng cá nhân, nàng dự định trở về Lan Viện sớm một chút để xử lý sự vụ của Từ gia, không ngờ có một nữ tiên sinh vội vàng đi vào, bà cao giọng tuyên bố: “Mời chư vị mang theo tác phẩm mới, chúng ta sẽ tập hợp ở lầu Tây Hạc! Tô lão tiên sinh sẽ tự mình nhận xét từng tác phẩm.”
Phòng vẽ tranh ngập tràn tiếng vỗ tay hân hoan.
Tô lão tiên sinh là người đức cao vọng trọng, được lão nhân gia chỉ dạy là ước mơ tha thiết của những học viên trẻ tuổi.
Nguyễn Thời Ý còn chưa vẽ được tác phẩm tâm đắc, nhưng nữ tiên sinh một mực yêu cầu, nàng đành mặt dày mày dạn cầm theo bức « Hoa Huyên » chậm rãi đi cuối cùng theo đội ngũ.
Lúc đi đến lầu Tây Hạc, Nguyễn Thời Ý mới biết học viên của cả bốn viện đều đến đông đủ.
Đen hơn là nam tử ôn nhã trong chiếc áo choàng màu xanh ngọc đang ngồi bên cạnh Tô lão tiên sinh… lại chính là đường đệ của nàng!
Thôi chết rồi! Rõ ràng đường đệ chỉ đến Viện thư hoạ vào ngày mùng một và mười lăm hàng tháng, tại sao đột nhiên chạy tới tham dự khoá học???
Nguyễn Tư Ngạn nhỏ hơn Nguyễn Thời Ý bốn tuổi, dung nhan hắn được chăm sóc tốt nên da mặt trơn bóng như ngọc, các đường nét hài hoà, từ khoé mắt cho đến đuôi lông mày đều toát lên khí chất thư sinh, bất hiển sơn bất lộ thuỷ.
Quen biết nhiều năm, Nguyễn Thời Ý biết rõ tâm tư đường đệ tinh tế, có thể phân biệt thật giả thiện ác, quan sát lại nhạy bén, đã gặp một lần là không quên. Tuyệt đối không giống loại người cẩu thả, dễ lừa gạt như Hồng Lãng Nhiên và Tiêu Đồng.
Nếu nàng cúi đầu lẫn trong đám đông cũng không được, bởi vì những học viên khác đều tự mình cầm tác phẩm lên trên đài để mời hắn bình luận.
Dù là tướng mạo, dáng người, cử chỉ, ăn nói hay bút pháp… tất cả đều có thể khiến hắn nghi ngờ!
Nàng cũng không thể làm trò trước trăm người để tránh đường đệ sinh nghi!
Một khi để lộ sơ hở trước mặt người ngoài, từ trên xuống dưới Từ gia đều có thể gặp nguy hiểm, còn nàng… chắc chắn sẽ bị người ta uy hiếp.
Đối mặt với tình cảnh khốn cùng này, cách duy nhất là — trốn!
Lối vào lầu Tây Hạc có thị vệ canh giữ, nàng ngang nhiên đi qua cửa lớn để về Đông Uyển thì quá dễ bị phát hiện. Nơi đây cây cối thưa thớt, căn bản không giấu được người. Khu gác bên cạnh cất giữ số lượng lớn tranh cuộn, tranh treo, bản chép tay quý giá nên cửa lúc nào cũng đóng chặt, không vào được.
Đôi mắt Nguyễn Thời Ý bỗng loé sáng, nàng di chuyển bước chân tiến về phía lầu Hiệt Tú.
Nếu bị người ta bắt gặp, nàng có thể nói đến nơi đây lấy dụng cụ.
Nguyễn Thời Ý thừa dịp đám đông đang ngóng chờ bậc tôn giả lên tiếng, nàng chậm rãi men theo chân tường, đi về hướng đông nam.
Gần nửa canh giờ trôi qua, sau khi Tô lão tiên sinh và Nguyễn Tư Ngạn hoàn tất phê bình, bọn họ lại đột nhiên giao bài tập về nhà — sử dụng khoáng vật, trong thời gian mười ngày phải nghiên cứu chế tạo ra những màu sắc khác nhau từ khoáng vật.
Nguyễn Thời Ý nghe xong liền ngốc luôn tại chỗ.
Thấy Nguyễn Tư Ngạn tự mình dẫn học viên trùng trùng điệp điệp đi về phía lầu Hiệt Tú để lấy vật liệu, Nguyễn Thời Ý rơi vào bước đường cùng, nàng chỉ có thể mạo hiểm chui vào trong rồi rón rén lên lầu hai.
Nguyễn Thời Ý lách qua gian phòng đựng khoáng vật, nàng mò mẫm đi vào gian phòng để dụng cụ, đợi mọi người lựa chọn chu sa, đất đỏ, thạch anh, đá xanh… và các vật liệu khác rồi mới rời đi.
Mãi mới thích ứng được trong ánh sáng tối tăm, lúc này nàng mới thấy rõ xung quanh mình đặt đầy cối đá, chày đá. Nguyễn Thời Ý thầm kêu không ổn — muốn chế tác màu sắc từ khoáng vật thì bước đầu tiên phải đạp nát rồi nghiền mịn!
Không ngoài dự đoán, sau khi mọi người chọn lựa tỉ mỉ vật liều cần thiết, bọn họ lập tức đẩy cửa tiến vào phòng để đồ!
Nguyễn Thời Ý thấy mình may mắn khi đã quyết định thật nhanh, phản ứng nhanh nhẹn, ngay tại thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, nàng phát hiện phía sau giá gỗ nhỏ trong góc tường có một khe hở đủ để chui vào trong!
Nguyễn Thời Ý không để ý tới bụi bẩn, nàng cẩn thận từng li từng tý ngồi nhích vào bên trong, trước khi nhóm người Nguyễn Tư Ngạn bước vào, cả người nàng đã chui vào giữa giá gỗ và vách tường.
Đợi đến khi từng nhóm lề mề lấy xong dụng cụ rồi rời đi, Nguyễn Thời Ý mới thoáng thở phào nhẹ nhõm.
Đường đệ nhà nàng — người phụ trách Viện thư hoạ luôn hành tung bất định, cho đến vị vong phu trẻ tuổi hư hư thực thực ở ngay uyển bên cạnh… vậy những ngày sau này ở Viện thư hoạ, nàng biết sống làm sao?
Nghĩ đến đây, Nguyễn Thời Ý chợt thấy mồ hôi chảy ròng ròng.
Nàng đang định đưa tay lên lau mồ hôi, không ngờ cánh tay vừa giơ lên đã lập tức chạm vào một vật.
… Hả?… Hả?
Nguyễn Thời Ý vô thức nhéo nhéo.
Cảm xúc rắn chắc, khớp xương rõ ràng, cho tới hơi ấm… đây chắc chắn là tay của nam nhân!
Giải nghĩa:
Hoa Huyên ( hay còn gọi Bắc Hoàng Hoa Thái) thuộc giống Bách hợp, mùa hạ nở hoa màu vàng, hoa và lá non dùng làm món rau ăn, gọi là Kim châm, được sử dụng trong ẩm thực Trung Quốc và ẩm thực Nhật Bản. Loài này được tìm thấy khắp Trung Quốc, châu Âu và Đông Bắc Ý và Slovenia.
Bất hiển sơn bất lộ thuỷ ( 不显山不露水): ý nói những người không hiển lộ tài năng.
Chu sa: Hợp chất thiên nhiên gồm thủy ngân và lưu hoàng, có hạt như cát màu đỏ, dùng làm vị thuốc
Bạn đang đọc truyện trên: Vietwriter.com