Sở dĩ, con gái người ta chừng độ 15, 16 là áo gấm lụa hoa về nhà chồng, thậm chí đến cả cái Thơ nhỏ hơn tôi một tuổi mà đã được mụn con rồi.
Người ta thế đấy, còn tôi suốt ngày không góc xó bếp hít mùi khói hun thì cũng lăn ra đồng cày cấy giữa ban trưa nắng.
Chưa biết ấy thôi chứ những ngày nhàn rỗi, tôi lại ra bãi đất sau nhà chơi cùng tụi nhỏ, nào là ô ăn quan, chơi trốn tìm, có khi còn lủi vào bụi bắt dế, bắt sâu. Chao ôi! Tất tần tật những trò trẻ con ấy tôi đều dạy bọn nó chứ đâu, bởi vậy nên trong cái xóm này, đứa trẻ nào mà không biết đến cái danh lừng lẫy của tôi.
Có hôm mới xế chiều, tôi vừa vác cuốc về nhà đã nghe tiếng bọn nó tằng hắng trước ngõ
"Chị Nhiên ơi! Ra đây chơi với bọn em"
Nội tôi đâm nổi cộc, ngồi trong nhà vọng lại quát tháo tụi nhỏ.
"Chúng mày làm gì ngoài đấy! Suốt ngày cứ chị Nhiên chị Nhiên. Nó còn làm bao nhiêu là việc. Đừng để tao phát mỗi đứa chục roi nhá"
Bà dọa là thế nhưng vẫn thương bọn nó lắm. Lâu lâu nhà có đồ gì ngon là vẫy chúng nó vào và phân đều cho mỗi đứa. Chẳng qua là bà lo cho tôi, sợ rằng tính tôi trẻ con không ai để mắt mà gả cho người ta.
"Mày cũng ngần đấy rồi, kiếm chồng cho bà bồng cháu nữa chứ"
Cơ mà đó là một phần lí do bà giục tôi lấy chồng..
"Nội ơi! Chị Nhiên ơi! Vào ăn cơm đi"
Con bé Mận bước ra, tay chống nạnh õng ẹo đứng dựa lưng trước cửa.
Phải nói rằng trong cái làng này nó là đứa con gái điệu đà nhất. Tuy không xinh đẹp nhưng được cái con Mận tự tin với những gì mà nó có.
Đem so với bạn bè đồng trang lứa thì tôi nói thật, có khi còn chẳng lanh lợi và hiểu chuyện như cái Mận em gái tôi đâu.
Tôi đỡ nội ngồi dậy, chân nội bị đau mấy hôm nay nên đi đứng vất vả hơn. Nội vớ lấy cây gậy dựng sát vách, đẩy tôi qua một bên, cau mày hoạnh họe nhìn tôi.
"Mày không phải dắt, tao còn chân, tự đi được"
Tôi cười hì hì, may ra miệng của nội vẫn còn khỏe lắm, có thể suốt ngày bắt bẻ hai chị em tôi.
Mâm cơm bày sẵn trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, con Mận đang hí hoáy xới ra từng bát cho cả nhà
"Mời nội, mời thầy ăn cơm"
Sinh sống ở miền quê thì chỉ có vậy, bữa cơm đạm bạc lúc thịt lúc không, góc bếp chưa khi nào thấy đống khoai sọ mất dạng. Đã vậy, phận làm dân thường thì cũng chịu cho bọn quan lại cướp bóc, mặc bọn nó làm càn. Sung sướng ngồi nhàn hạ, rung đùi thôi là có cơm bưng nước rót đến tận cửa miệng.
Tôi thì chưa tận mắt nhìn thấy nên cũng chẳng rõ những lục đục, mâu thuẫn ấy là như nào. Suốt ngày chỉ quanh quẩn góc nhà, được mấy khi ra đồng hóng gió còn lại thời gian là rủ rê cùng tụi nhỏ trong xóm thì biết quách gì đến cái chuyện đó.
Nhưng không có lửa thì làm sao có khói, mà ngọn lửa đang bốc cháy hừng hực đó đích thị là từ cái suy nghĩ nông cạn của bọn làm quan rồi. Ơ thế mà cái nông cạn ấy hóa ra lại là cái khôn, chúng nó chẳng phải là tìm cách để chuộc lợi cho bản thân nhiều nhất có thể hay sao.
Vài tuần trước có mấy bà gánh hàng xuống chợ, được dịp vắng khách ghé nhà tôi uống nước. Tính tôi cũng tò mò mà ngồi nghe các bà than vãn về việc đóng thuế, phạt rượu.
Nghe cho mở mang đầu óc thế thôi chứ một con bé cỏn con như tôi thì làm nên được trò trống gì, chỉ tổ vướng chân người khác.
Quay lại bàn ăn, thầy tôi chẹp miệng, liếc qua khay tủ trống rỗng còn vài hộp thiếc méo mó nằm lăn lốc ở đó.
"Con Nhiên, ăn cơm xong lát xuống nhà ông Hạnh lấy vài than thuốc cho bà, nhớ nói thằng con ổng chiều nay xuống gặp tao"
"Ơ..anh Bền ấy ạ"
Tôi chợt đỏ mặt khi nghe thầy nhắc đến cái tên ấy. Đúng vậy mà, tôi thích ảnh khá lâu rồi, chắc thoáng đâu gần 2 năm trời nhưng còn chưa dám thổ lộ, anh Bền đối tốt với tôi lắm biết chừng đâu ảnh cũng thích tôi thì sao, cứ tạm thời đành để ảnh chủ động trước. Tôi đợi cũng được..
"Thầy mày phải thắng nó ván hôm trước. Thua thằng oắt đó, tao chịu không nổi"
Thầy tôi tính tình không phải đến nông nỗi khiến người ta ghét bỏ chỉ là ông nói năng thẳng thắng, việc gì ra việc đó, không lòng vòng làm mất thì giờ.
Thầy thế đấy nhưng lí do ngày ấy u bỏ thầy đi biệt tăm biệt tích thì ngay cả nội tôi cũng chẳng rõ cớ sự ra sao.
Xong bữa, nội tôi lên giường đánh một giấc ngủ trưa. Hai chị em tôi thì hì hục dọn dẹp nhà cửa, tranh thủ lúc bà nghỉ ngơi tôi vào buồng lấy ít đồng dành dụm được từ mấy hôm bán nước kèm vài tờ giấy gói nhỏ nhét vào túi quần.
Con Mận thấy tôi vừa rời khỏi đầu ngõ, nó liền lót dép chạy vụt tới
"Chị đi gặp anh Bền à?"
"Bậy. Chị mày đi lấy thuốc, trông nhà đi, tí chị về"
"Có con Mèo nó trông cho rồi. Chị khỏi phải lo"
Con Mèo mà Mận nói tức là con chó nhà tôi. Kể cả trước đây khi mới mang con Mèo về, hai đứa đều tranh nhau, cãi cọ chí chóe chỉ để đặt tên cho nó nhưng cuối cùng người dành phần hơn chính là nội tôi
"Mèo. Tao đặt thế đấy. Hai đứa mày đổi tên cho nó là không xong với tao đâu"
Nội tôi nói thế đấy, hai đứa im lịm chẳng dám léng phéng thêm câu nào, sợ nội dọa lấy roi vọt vào mông thì có mà đau đến điếng người.
Tôi rời nhà, băng qua cánh đồng lúa chín vàng thoang thoảng nhẹ mùi của nắng, của gió. Bóng râm hai bên đường sà xuống mát rười rượi, lòng tôi cứ nao nao giữa đoạn đường gập ghềnh sỏi đá.
Cổng nhà ông Hạnh được làm bằng gỗ, do chính tay con trai ông hay gọi là anh Bền đã tự tay tạo ra đó. Sân vườn nhà ông khá rộng, tiếc là chẳng có bóng cây nào che mát cho tôi.
Cửa nhà vẫn mở toang, bàn thờ cúng đặt ngay ngắn và tôn nghiêm. Ông nằm ngáy trên chiếc đi văng, tờ báo đọc dở úp ngược trên mặt.
"Ông Hạnh ơi, dậy đi! Cho cháu mấy than thuốc cũ"
Ông Hạnh giật mình lồm cồm bò dậy, mặt còn ngái ngủ, quen tay vuốt bộ râu bạc màu. Ông không nói không rằng, lảo đảo tiến đến hộc thuốc cẩn thận hốt từng nắm và gói kĩ lại trong bọc giấy báo.