• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Buổi sớm tinh mơ thức dậy, tiếng gà gáy quang quác ngoài vườn. Mấy cô bán bún gánh hàng gọi mời qua lại trong từng ngõ xóm. Vẻ bình dị thân thuộc vốn có mang cái sự ấm áp len lỏi vào mỗi tia nắng nhẹ nhàng của bình minh.

Thầy tôi mới đó đã khoác áo ra đồng, mặt không chút sắc xuân. Thầy xoa đầu con Mèo, dặn nó trông chừng nhà cửa, sau đó liền thiu thỉu bỏ đi.

Mọi việc vẫn cứ như thường ngày, tựa đêm qua chỉ ngỡ là sự cố hiểu lầm đơn thuần, chưa được giải quyết nên thầy đâm chút bực dọc ra đồng, thế thôi.

Tôi nào nghĩ sâu nghĩ xa làm gì, dù là trước có ganh đua nhau, hàng xóm chắc cũng đâu đến nỗi khiến chuyện nhỏ nhặt ấy trở nên to tát hơn..

Thế đấy, luẩn quẩn cả buổi sáng cho đến trưa nắng về. Thầy tôi bỗng lạ lắm, thầy tức tốc vội vã quẳng cái liềm vào góc xó, mặt mày như chưa kịp thở.

Thầy rót cốc nước, chưa uống ngụm nào đã chạy đến cái nồi vét chút nắm cơm, rắc thêm tí muối vừng đem gói trong bọc lá chuối. Thầy ngồi nhịp nhịp chân, vẫy tay gọi tôi lại.

''Mày chuẩn bị đồ đạc, lên huyện với tao một chuyến''

Thầy dứt lời làm tôi xôn xao khó hiểu, thắc mắc nhìn thầy nhưng xem ra thầy tôi chẳng buồn giải thích đâu. Biết thế nên tôi bèn làm thinh, cứ thuận theo ý thầy.

Nội tôi có lẽ nghe ngóng được từ trong gian bếp, bà chập chững tiến gần đến, mặt bà dần tái nét đi, môi nhợt nhạt hẳn ra. Bà chống gậy gượng bước đến chỗ thầy tôi.

"Sao? Chuyện gì, đang yên đang lành lên huyện làm gì? Chẳng nhẽ bên đấy..."

Nội chưa nói hết, chỉ kéo dài thành chữ. Thầy vỗ vai trấn an nội.

"U yên tâm, tầm sáng mai là Nhiên nó về''

Thầy quay mặt sang con Mận còn đang ngơ ngác cầm cái muôi múc cháo.

''Con Mận ở nhà chăm nội biết chưa?"

Mận nó không hiểu gì nhưng vẫn gật đầu lia lịa. Tôi thấy được cái nỗi lo lắng toát lên trong mắt nó, kể cả nội cũng vậy, hai tay cứ xoa nắn vào nhau, đôi mày cau lại thấp thỏm tới lui.

"Mai Nhiên nó về. Thế còn mày, sao mày không về?"

"Con có việc. Thôi, giờ đi kẻo chậm. Con Mận nhớ chăm bà đấy"

"Biết rồi, thầy khỏi lo"

Tôi xách túi đồ lên vai, thầy dắt tôi đi theo lối mòn trên đoạn đường làng. Đến huyện chẳng xa là mấy nhưng ngặt nỗi tính thầy hà tiện, không bắt cái xe kéo đi cho đỡ mỏi hay chỉ sợ là đến đó, mấy đồng thầy cầm theo cũng chưa chắc đã đủ với bọn trấn lột dã man ấy..

Rời khỏi làng, đi qua mấy ngã rẽ là đến huyện Đa Khốc. Người người tấp nập buôn bán bên vệ đường, lâu lâu tôi lại thấy có vài tên lính canh lén lút bê mấy cái thầu rượu. Khệ nệ vác lên xe rồi chất đi nơi khác.

Bọn này gian xảo thật đấy, triều đình đã giáng xuống cái lệnh cấm rượu chè vậy mà bọn làm thuê cho quan lại cũng có ngăn được đâu. Loạn hết rồi.

Thầy bảo tôi cứ kệ bọn nó, mâu thuẫn với quan chức giờ thế đấy, mặc xác chúng nó đi.

Thầy tiếp tục dẫn tôi qua tới cái cổng gỗ to rồi dừng hẳn lại, phía trên khắc hai chữ 'công đường' tại đó. Xung quanh chỉ vài người ăn xin nằm vật vã bị lính canh đánh đập thô bạo hất đuổi khiến tôi nhìn cũng thấy xót xa.

Trước cổng có hai tên lính ngồi gác chân lên ghế, thong thả để bọn tôi vào một cách tự nhiên.

Nhưng vào dễ là dễ thế nào được. Cái tên cai lệ cản đường, mồm ngậm điếu xì gà, khói bay nghi ngút nồng nặc mùi khó chịu.

Nó chìa tay nghênh mặt nhìn thầy tôi, lướt mắt từ trên xuống dưới và nở một nụ cười khinh bỉ.

''Đi đâu đây?"

Thầy tôi im phắt, chẳng nói gì cả xem như cái câu hỏi ấy là thừa thãi. Thầy ném mấy đồng vào tay nó, nó cười thầm, lấy tay đếm từng đồng. Vừa đếm vừa nhường đường cho bọn tôi đi.

Tôi tức lắm, nhìn bộ dạng hả hê của tên cai lệ chỉ khiến tôi muốn vả cho nó mấy phát nhưng nào được đâu. Thầy tôi dặn trên đường đi, khi vào đây là phải bình tĩnh. Việc gì cũng không được nóng vội.

Thầy dắt tôi vào trong, ánh mắt tôi trầm trồ, táy máy nhìn trái nhìn phải, công nhận là đẹp thật. Căn phòng được bày trí gọn gàng, đồ đạc được khắc hoa văn chi tiết, tỉ mỉ. Có lẽ với bọn khá giả đó những vật dụng giản dị, vô tri vô giác nhưng với tôi đó lại là những thứ xa xỉ mà cả đời này ao ước cũng chẳng thể có được.

Bức bình phong chắn ngang ở giữa, hai bên là chậu kiểng nhỏ đặt trên chiếc bàn gỗ. Bóng người nhạt nhòa lấp ló sau tấm màn mỏng nhẹ.

Thấy thầy tôi quỳ gối, lấy tay cúi đầu đáp lễ. Tôi cũng lúng túng mà làm theo.

''Bẩm quan, nay sự tình thế này cũng chẳng giấu quan làm gì. Phận tôi làm nông, quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng cày cấy như bao dân trong làng. Thú thật thì nhà mấy đâu giàu có nhưng không phải vì thế mà sinh lòng tham lam, trộm cắp.

Vốn dĩ canh ba sáng nay, tôi nghe tiếng chó sủa, ra ngoài ngó nghiêng thế nào mà thấy bên nhà quan, có thằng nó lấy trộm vàng bạc, cướp của nhà quan. Tôi đây là ý tốt, sang đánh nó để đòi lại. Ngờ đâu vợ quan trách lầm, khiến tôi cũng khó xử. Mong quan xem xét lại cho''

Thầy tôi vẫn quỳ ở đó, im lặng đợi tiếng phản hồi. Thế mà ngồi chờ mãi chẳng thấy có người vọng lại. Thầy tôi tiếp lời khi nãy, kính cẩn hạ giọng.

''Nếu quan không tin thì có cái Nhiên. Con gái tôi làm chứng, tối hôm nó cũng có mặt mà''

Âm thanh chóp chép nghiến ngấu đồ ăn vang vọng căn phòng, ông Niên sau bức bình phong vuốt râu cất lên cái tiếng dõng dạc.

''Người thân cận làm sao mà tao tin tưởng bọn bây được. Ai đời con bé lại phản bội chú mày?''

Thầy tôi thở dài, nghe bảo đâu ông ta mới thăng chức vài hôm mà giờ nằm đây ra oai, chổng mõm lên phân đua với thầy tôi.

''Ơ..chứ biết đâu vợ quan có thù sẵn. Nhân cớ thầy con giúp đỡ, mà tiện đẩy thầy vào đường cùng thì sao ạ. Vả lại bây giờ, vợ quan làm gì có mặt mà xét với chả xử''

Tôi hắng giọng, hiếu thắng cãi lại tên quan xấc xược.

''Kệ chúng mày, đền lại số tiền ấy đi. Tao không cần biết là bao nhiêu, nhưng phải đền gấp đôi''

''Vô lý!''

Tôi thét lên, đứng vục dậy. Thầy tôi hoảng quá kéo tôi lại, ông hết lòng xin lỗi vì thái độ vừa rồi của tôi. Nhưng tôi không nhịn được, vùng tay thầy ra rồi chạy đến, đẩy bức bình phong, kéo rách tấm màn đang che phủ.

Ông Niên nằm đó, kế bên là thằng hầu. Ông ta ườn người thoải mái vô lo vô nghĩ cho đến khi tôi xông vào thì ông Niên mới bất ngờ ngồi xổm dậy.

Tôi dang tay, tát một cú thật mạnh vào bộ mặt thảm hại ấy. Ông Niên chỉ biết mếu máo than đau, vẫy vẫy gọi lính lệ cứu giúp.



Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK