Thiếu nữ kia vận bộ bạch y, chân mang guốc mộc, trang điểm đơn giản, nhưng đường nét khuôn mặt lại quý phái hơn người. Nàng ta cất bước khoan thai đến trước mặt nhóm lang quân, khẽ nhún chào bọn họ rồi nhìn về phía Tạ Lang bằng đôi mắt long lanh, dịu dàng gọi một tiếng: "Lang quân Tạ gia."
Thiếu nữ cất lời, âm cuối hơi cao, là khẩu âm Lạc Dương pha lẫn Kinh Châu. Giọng nói nàng yêu kiều, khuôn mặt nàng vừa xinh đẹp vừa lanh lợi, cộng thêm đôi mắt đa tình gợn sóng lăn tăn kia, dù Cơ Tự là nữ nhưng trong khoảnh khắc này trái tim cũng đập rộn rã.
Tạ Lang thấy thiếu nữ kia đến chào, khẽ mỉm cười đáp lại. Chàng chỉ cười thôi đã khiến nàng ta ngây ngẩn, thẹn thùng đỏ mặt, ngoan hiền đứng sau lưng Tạ Lang. Ánh mặt trời trải trên người họ như thêm vài phần rực rỡ.
Chắc hẳn thiếu nữ này là đệ nhất mỹ nhân Kinh Ly của huyện Kinh mà khi nãy bọn họ nhắc đến rồi.
Đến tận giờ phút này, Cơ Tự mới chợt phát hiện, việc Tạ Lang bỗng nhiên đến gần nàng, nói với nàng những lời khiến người ta hiểu lầm kia, người khác coi là thật cũng được, mà không thì cũng tốt, đều không quá quan trọng. Quan trọng là nàng đừng coi đó là thật, cũng không cần thiết phải cố gắng giải thích. Bởi vì với dáng vẻ hiện nay của nàng, nếu cất lời giải thích chỉ khiến đám người vốn xuất thân cao sang quyền quý ở đây chê cười mà thôi.
Nghĩ đến đây, Cơ Tự không cười nổi, nàng rủ mắt xuống, chậm rãi lui sang một bên.
Tất cả mọi người đều ca ngợi tiếng tiêu của Kinh Ly, trên đường núi cách đó năm mươi bước, còn có một tiếng cười trầm trầm truyền đến: "Ai cũng bảo tiếng tiêu của Kinh Ly và cảnh sắc của Trường Giang đều tuyệt nhất huyện Kinh này, hôm nay mới được nghe thấy quả nhiên là danh bất hư truyền."
Kinh Ly đúng là mỹ nhân hiếm có và quả thật cũng là một cao thủ thổi tiêu. Lúc này được người ta khen ngợi trước mặt mọi người như vậy, gò má nàng ta ửng hồng đẹp không sao tả xiết.
Cơ Tự đứng bên cạnh, không nhịn được vừa nhìn ngắm Kinh Ly vừa thầm nghĩ: Không biết đến khi dung nhan của mình trổ mã hoàn toàn liệu sẽ hơn hay kém nàng ta đây?
Lúc này đám lang quân đều tự tìm niềm vui cho mình, Trần Dịch Chi đòi đánh cờ với đại hòa thượng không được liền quấn lấy Tạ Lang, được mọi người vây quanh tầng tầng lớp lớp, bất giác đã quên mất Cơ Tự.
Thấy cảnh này, Cơ Tự nghĩ ngợi rồi quyết định ra về. Lúc nàng xuống sườn núi, tiếng cười của một thiếu niên khác khá quen truyền đến: "Dũ huynh phóng đại đó à? Tiếng tiêu vừa rồi ta cũng nghe thấy, hay thì có hay thật, nhưng nếu so với cảnh đẹp ở Trường Giang thì cũng thái quá rồi. Còn chưa kể đến lần trước lúc ta ở huyện Kinh, gặp được một cao thủ, tiếng đàn nàng ta tấu phải nói là gần như nhập đạo. So với tiếng tiêu trầm bổng khi nãy thì hùng hồn hơn nhiều." Nói đến đây y lại bổ sung, "Đúng rồi, người gảy đàn hôm đó là một tiểu cô tuổi còn rất trẻ, khoảng mười ba mười bốn thôi."
Người bên cạnh y cười to: "Tiểu cô mười ba mười bốn tuổi mà có tài đàn đến mức nhập đạo cơ à? Sở Tam nhi, đệ phóng đại quá rồi đấy."
"Tiểu Tam nhi chỉ được cái hay nói bừa, xưa nay gảy đàn là khó nhất, không phải lòng chứa non sông, vai mang vạn gánh thi thư thì sao có thể gọi là gần như nhập đạo chứ?"
"Theo ta thấy, Tiểu Tam nhi cố ý nói vậy để khiêu khích tiên nữ Kinh Ly rồi. Chỉ sợ tiếng đàn tiểu cô kia tấu lên có thể giết bò ấy chứ."
"Ha ha ha ha."
Có tiếng cười khẽ của nữ tử pha lẫn trong tiếng cười vang dội kia, Cơ Tự không cần quay đầu lại cũng có thể biết đó là tiếng cười của Kinh Ly. Lúc này nàng đã sắp xuống đến chân núi, nàng đang đăm chiêu liền bất giác nhếch môi cười nhạt. Nàng thấy phía trước có ba bốn vị lang quân thế tộc đang đi đến, bèn hành lễ với một người trong số đó, cất giọng giòn giã: "Xin hỏi lang quân có thể tháo tiêu bên hông cho ta mượn một lát được không?"
Thiếu niên được nàng hỏi chừng mười lăm, mười sáu tuổi, là lứa tuổi bắt đầu biết rung động, thấy Cơ Tự bắt chuyện với mình, y đỏ mặt, lật đật rút tiêu trúc ra, lắp bắp nói: "Mời, mời, mời, mời nàng dùng."
Cơ Tự thản nhiên cười với y, đưa tay nhận lấy thanh tiêu, khẽ thi lễ: "Đa tạ lang quân đã tặng."
"Không, không cần đâu." Thiếu niên vội vã đáp lễ, mãi cho đến khi Cơ Tự cầm cây tiêu kia đi xa, y vẫn còn ngơ ngác ngẩng đầu dõi theo.
Cơ Tự vừa đi vừa lấy khăn ra lau từng lỗ trên thanh tiêu, rồi đưa lên miệng thổi từ từ. Xưa nay tiếng tiêu vốn réo rắt, nàng vừa thổi lên âm thanh liền êm ái lượn lờ, nhất thời xung quanh trở nên yên tĩnh.
Tiếng tiêu khi nãy của Kinh Ly như đưa người ta vào cõi tiên đã đủ thấy tài nghệ cao siêu cỡ nào. Nhưng đến khi tiếng tiêu của Cơ Tự vang lên, mọi người mới biết cái gì gọi là rung động. Nó tựa dòng nước mát trong đầm, dễ dàng thấm sâu vào linh hồn người ta, tuy cực nhạt, cực thanh nhưng cũng cực xa xôi. Như ngọn núi xanh, như ánh nắng chiều, như vòm không đỏ rực buổi hoàng hôn, rõ ràng là vẻ đẹp đất trời vào lúc rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất thường được tô vẽ trên trang sách; nhưng qua tai người nghe lại phút chốc hiện lên dòng nước trôi xuôi không thể nào chảy ngược phía sau rừng xanh núi thẳm, thấy được vẻ lụi tàn phía sau ánh ráng chiều đỏ rực.
Người ngoài nghề nghe thấy tiếng tiêu này sẽ cho rằng giống hệt với lúc Kinh Ly thổi, đều phiêu diêu bay bổng, tài nghệ siêu quần và thanh thoát như nhau. Điểm bất đồng duy nhất chính là nét tang thương ẩn sâu trong đó thôi.
Từ thời Tam Quốc đến nay, người trong thiên hạ đã long đong giữa cảnh sống chết hơn hai trăm năm. Vô số đại tài tử, vô số người thông minh tuyệt đỉnh ôm ấp hoài bão phải dùng máu tươi và sự uyên bác của mình cố gắng thay đổi thế gian này, nhưng sự phấn đấu và cố gắng của họ lại không thể vẽ ra một lối thoát cho chúng sinh. Người trong thiên hạ đã tìm kiếm quá lâu trong đêm đen hắc ám, cho đến hôm nay họ đã nản lòng thoái chí, đã trở nên thờ ơ và lạnh nhạt, bàng quan nhìn vận mệnh thế gian, cũng đang bàng quan với vận mệnh của mình.
Mà nỗi bi thương không thể diễn tả thành lời của đám sĩ phu cùng nhóm thế gia tài đức đều hiện rõ trong tiếng tiêu của Cơ Tự kia.
Nếu nói vừa rồi mọi người còn cảm thấy khúc tiêu của Kinh Ly linh hoạt kỳ ảo như tiên nhạc, thì giờ khắc này họ chỉ cảm thấy tiếng tiêu của nàng ta thật buồn cười, tùy tiện và không đáng để nhắc đến mà thôi.
Trên sườn núi, Trần Dịch Chi dừng thế cờ trong tay, nhóm Tạ Lang cũng đi đến bên sườn dốc, dõi theo tiếng tiêu.
Trong ánh mắt của vô số người, thiếu niên khi nãy cho Cơ Tự mượn tiêu mặt đỏ bừng, khẽ nói: "Nhất định là tiểu cô khi nãy rồi, nhất định là nàng."
Một gã thanh niên mặt chữ điền bên cạnh cười nhạo: "Đừng có nằm mơ, nếu tiểu cô kia thổi tiêu hay đến vậy thì tại sao bản thân lại không mang theo tiêu bên người mà phải đi mượn tạm của ngươi chứ?"
"Vẫn chỉ là một tiểu cô còn nhỏ tuổi thôi."
Ánh mắt Kinh Ly vẫn nhìn vào Tạ Lang đang chắp tay sau lưng nhìn xuống chân núi. Thấy tiếng tiêu đã lắng xuống từ lâu nhưng chàng vẫn không quay đầu lại, cuối cùng nàng ta không nhịn được đi đến phía sau Tạ Lang, cắn môi, khẽ nói: "Không biết vị kia là thần thánh phương nào mà thổi tiêu hay hơn cả tiểu nữ nữa."
Gã lang quân tuấn tú bên cạnh Trần Dịch Chi sải bước đi đến, ló đầu nhìn xuống dưới chân núi, cũng hỏi Tạ Lang: "Tạ Thập Bát, mới vừa rồi ngươi đi nhanh nhất, có thấy được người thổi tiêu kia không?"
Lúc này Tạ Lang thôi nhìn chân núi, chàng cười nhẹ: "Thấy rõ."
Lần này tất cả mọi người đều cảm thấy hứng thú, Trần Dịch Chi nói lớn: "Dáng vẻ thế nào? Người đâu, người đâu, mau mời vị ẩn sĩ kia đến đây."
Không ngờ Tạ Lang lại nói: "Không cần đâu. Tiếng tiêu du dương, văng vẳng núi rừng... Hưởng thụ thì cứ hưởng thụ, cần gì cưỡng cầu việc khác?" Nói thì nói như vậy, nhưng nét cười nơi đáy mắt chàng cuối cùng trở nên sâu xa.
Cơ Tự trở lại xe lừa, cây tiêu kia đã được nàng cất vào ngực. Cây tiêu trúc này không phải là vật sang quý, nếu Cơ Tự đã mượn cũng không cần phải cố đem trả lại làm gì.
Lê thúc vung roi, xe lừa dần dần chạy ra phố, Cơ Tự không nhịn được vén rèm xe lên nhìn về phía đỉnh núi. Tuy cách khá xa nhưng nàng vẫn thấy được bóng dáng bạch y trong núi rừng xanh mướt kia. Dĩ nhiên bóng dáng bạch y này không nhất định là Tạ Lang, phải biết rằng trước kia trong nhà có tang thì người ta mới mặc đồ trắng, nhưng từ thời Ngụy Tấn đến nay, các danh sĩ lại thích mặc bạch y, cũng biến áo bào trắng, váy trắng, ngựa trắng thành trào lưu hiện nay.
Hơn nữa, kể từ khi Tạ Lang đến Kinh Châu, đám lang quân thế tộc và sĩ tộc Kinh Châu rối rít bắt chước, cho nên người vận bạch y càng nhiều hơn.
Lúc này, giọng Lê thúc vang lên bên ngoài: "Nữ lang, mới vừa rồi lão nô loáng thoáng trông thấy mấy tiểu cô A Mật, lúc người đi ra khỏi chùa có gặp họ không?"
Nhóm Trịnh Mật cũng đến chùa Khô Vinh ư? Cơ Tự cau mày, nhẹ giọng trả lời: "Không có."
Lê thúc ở bên ngoài lại nói: "Mới vừa rồi lão nô thấy hình như họ có vẻ không vui, không biết là vì nguyên nhân gì?"
Cơ Tự trả lời: "Chắc là không sao đâu. Thúc cũng biết đấy, con người A Mật hay tức giận lắm, có thể bị người ta cướp mất thứ gì nàng ta thích thôi."
Lê thúc cười hềnh hệch: "Nói cũng đúng."
Đúng lúc này, giọng Cơ Tự vang lên bên trong xe ngựa: "Thúc, ta không cần dùng đến hai cửa hàng gạo kia nữa, thúc mau tìm người bán đi."
Lê thúc lớn giọng trả lời: "Được, được, lão nô cũng đã nói với Tôn Phù như thế. Người của chúng ta quá ít, không bằng bán hai cửa hàng ở huyện Kinh đi, sắp xếp họ đến cửa hàng ở huyện Khúc Thủy cho rồi. Vùng đó buôn bán tốt hơn huyện Kinh nhiều, không thể cứ bỏ trống vậy được."