Thấy thuyền căng buồm sắp đi, Cơ Tự đảo xung quanh Tạ Lang vài bước, tự nhủ: Hơn nghìn tên thủy tặc cơ đấy, chắc chắn chúng đã huy động hết toàn bộ lực lượng rồi.
Nghĩ đến đây, nàng lặng lẽ nhìn sang Tạ Lang. Thế mà chàng vẫn thong thả chỉnh dây đàn, động tác tao nhã, mặt mày điềm tĩnh, như thể trận giết chóc lấy ít thắng nhiều khi nãy không hề liên quan đến mình vậy.
Thấy thuyền sắp sửa khởi hành, Cơ Tự càng sốt ruột hơn, thế là nàng quay về phía Tạ Lang, thi lễ thật sâu với chàng, khách sáo hỏi: "Thập Bát lang, không biết câu 'Thiên dữ phất thủ, phản thụ kỳ cữu' là có ý gì?”
Cơ Tự nhìn Tạ Lang không chớp mắt, chờ chàng trả lời.
Nhưng Tạ Thập Bát vang danh thông tuệ khắp thiên hạ này bây giờ lại trở nên ngốc nghếch vô cùng, không hề hiểu được lời nhắc nhở của nàng. Ngược lại khóe môi chàng nở một nụ cười, thản nhiên nhận lấy chung rượu người hầu đã hâm nóng đưa đến, nhấm nháp một hớp rồi mới trả lời: "À, nghĩa là nói trời ban mà không lấy thì sẽ thiệt thân."
Ai cần chàng giải thích nghĩa câu ấy cơ chứ? Nàng cũng là người cơ trí, làm sao một câu nói đơn giản vậy mà cũng không hiểu được.
Cơ Tự dẩu môi, nhìn con thuyền đã bắt đầu lao đi, đành nói huỵch toẹt ra luôn: "Lang quân Tạ gia, không biết hang ổ của đám thủy tặc kia có nhiều vàng bạc không nhỉ?"
Nàng nghĩ câu nói này chắc đủ thẳng thắn rồi chứ?
Lúc này Tạ Lang mới bỏ chung rượu xuống, quay đầu nhìn Cơ Tự, mỉm cười: "A Tự thiếu tiền tiêu à? Thiếu bao nhiêu? Đi nói với Tạ Quảng một tiếng đi."
Cơ Tự nghẹn lời trân trối nhìn Tạ Lang hồi lâu, rồi đưa mắt nhìn áo bào chàng bay bay trước mũi thuyền, nàng hít sâu một hơi, chán nản bỏ đến bên cạnh Lê thúc, lẩm bẩm: "Thúc, hôm nay ta mới phát hiện, hóa ra Tạ Thập Bát này là một tên ngu dốt."
Nàng lặng lẽ nhìn về phía lang quân nhàn nhã nằm trên sập, ung dung đọc sách, nhỏ giọng nhấn mạnh: "Dốt đặc luôn."
Lúc này thuyền lớn đã chạy hết tốc lực, Cơ Tự oán giận một hồi, trong lòng vẫn còn bức bối bèn trở vào trong khoang. Lát sau, trên cổ tay nàng xuất hiện một chiếc vòng huyết ngọc bóng loáng. Nàng đeo vòng tay thản nhiên đi đến bên cạnh Tạ Lang, giơ tay lên cho ánh nắng chiếu vào rồi thở dài ngâm nga khen ngợi: "Long lanh sáng chói, như máu như lửa, nhìn xa thì rực rỡ, để gần thì trong veo... Ôi, sớm biết có người ngốc nghếch thế, lúc trước ta nên giữ lại mấy thứ đeo chơi cho rồi." Dĩ nhiên câu cuối cùng giọng nàng nhỏ đến mức gần như là thì thầm.
Bên này nàng đang khoe của, bên kia chợt vang lên giọng nói êm tai của Tạ Lang: "Tạ Quảng."
Tạ Quảng nhanh nhảu chạy đến. Tạ Lang không hề ngẩng đầu lên, chậm rãi nói: "Theo luật Đại Tống ta, tội đột nhập trộm cắp sẽ xử ra sao?"
Tạ Quảng hơi giật mình. Hắn ngạc nhiên một hồi, quay đầu thấy vòng tay của Cơ Tự, kinh ngạc nói: "Ơ? Đây không phải là bảo vật La Đại Đầu cướp được sao? Thảo nào lần trước chúng ta lục soát cả phủ của chúng mà mãi không thấy chiếc vòng tay này. Hóa ra đã ở trong tay Cơ tiểu cô. Cơ tiểu cô, La Đại Đầu mất nhiều vật báu như thế là do các người lấy à?"
Cơ Tự đỏ mặt, nàng nhanh chóng cúi đầu, lặng lẽ liếc nhìn Tạ Thập Bát, lí nhí nói: "Lang quân nhà ngươi không phải là quân tử chính trực, coi tiền như rác sao?"
Bên này, Tạ Quảng vẫn chưa hiểu việc nàng trộm vòng tay và lang quân nhà hắn coi tiền như rác có liên quan gì, thì bên kia Tạ Thập Bát đã không tài nào kiềm chế mà nhoẻn cong khóe môi. Chàng phất áo bào quay người rời đi, giọng nói nén cười truyền đến: "Tạ Quảng, Cơ tiểu cô có nghi ngờ về chuyện của đám thủy tặc kia, ngươi giải thích một chút cho nàng ấy nghe đi."
Tạ Quảng vội thưa vâng, hắn quay lại nói với Cơ Tự: "Không biết vừa rồi Cơ tiểu cô có chú ý ba mươi chiếc thuyền của đám thủy tặc kia không? Thuyền của chúng đều là cỡ trung, sức chứa lên đến hơn trăm người, nhưng trên mỗi thuyền chỉ có ba mươi tên thôi. Hơn nữa, mũi thuyền đều được cải tạo thuận tiện cho việc nhanh chóng chuyển hướng. Tình huống như thế chứng tỏ vài điều, một là đám thủy tặc này không phải toán cướp chuyên nghiệp, hai là quần áo của chúng được trang bị thuận tiện hành động. Thủy tặc có hai đặc điểm này bình thường đều rất khó tìm ra hành tung, mà thỏ khôn có những ba hang, thế lực phía sau chúng chắc chắn cực kỳ to lớn..."
Nói đến đây Cơ Tự đã hiểu ra tất cả. Hóa ra không phải Tạ Thập Bát không muốn lấy những tài vật kia, mà căn bản là không lấy được. Nhóm của họ vội vã trở về Kiến Khang, lại gặp phải loại thủy tặc khôn ranh và còn có thế lực hùng hậu chống lưng nên không thể nào đánh một trận cân tài cân sức được.
Trong lúc Cơ Tự nghĩ được tỏ tường, còn đang thầm trách Tạ Lang bày đặt ra vẻ thần bí thì cách đó không xa, Tạ Thập Bát thanh tao thoát tục như thần tiên kia lại buông lời nhẹ nhàng theo gió bay đến: "Tạ Quảng, ngươi còn chưa nói cho Cơ tiểu cô biết tội đột nhập trộm cắp sẽ bị xử..."
Chàng chưa kịp nói hết, Cơ Tự đã "a" lên một tiếng rõ to rồi vội vàng ôm đầu nói: "Ôi ta đau đầu quá, mới vừa rồi múa trong mưa nên bị cảm lạnh rồi, đã thế còn thấy nhiều thi thể máu me quá, thật là đáng sợ..." Nói xong, tiểu cô nương vừa bị lạnh vừa bị kinh sợ chạy lủi vào khoang thuyền như một chú thỏ, sau đó đóng chặt cửa phòng, có chết cũng không ra.
Tạ Lang kiềm nén nãy giờ bỗng bật cười sang sảng.
Đám Tạ Quảng cũng phì cười, Tạ Tài quay đầu lại nhìn vào khoang thuyền, khen ngợi: "Mới vừa rồi nếu không phải Cơ tiểu cô nhanh trí, bỗng xoay người nhảy múa thì việc này sẽ không thuận lợi như thế."
Tạ Quảng cũng gật đầu tán thành: "Phải đấy, nàng ấy mới chỉ mười ba mười bốn tuổi thôi, tiểu cô thông tuệ như vậy ở Kiến Khang cũng rất hiếm có."
Tạ Lang tiện tay đặt sách sang một bên, bưng chung rượu nhấp một hớp, chàng nhoẻn môi cười: "Không bàn đến mấy việc khác, riêng điệu múa của nàng có thể nói là lả lướt uyển chuyển, cực kỳ bất phàm." Rồi chàng rủ mi khẽ nói, "Chỉ mong đoạn đường tiếp theo sẽ không có sóng gió gì nữa."
Hành trình tiếp theo quả nhiên là thuận buồm xuôi gió như Tạ Lang đã nói. Cứ thế nửa tháng sau, thành Kiến Khang đã xuất hiện trong tầm mắt.
Sau khi tiến vào cảnh nội Kiến Khang, thuyền họ lập tức treo cờ xí của Trần Quận Tạ thị, trên đường đi qua, tất cả thuyền bè đều vội vã dạt sang một bên. Đến khi bến tàu xuất hiện, Cơ Tự mới phát hiện những chiếc xe ngựa đông nghịt ngoài kia đều đến đây với mục đích đón Tạ Thập Bát.
Trong khoảnh khắc thuyền cập bến, bỗng bến tàu vang dậy tiếng hoan hô reo hò của hơn nghìn người. Mà trong những tiếng reo vang này, hơn phân nửa là của đám thiếu nữ.
Tạ Lang vừa xuống thuyền đã bị đám đông ào đến vây quanh chật kín. Thấy những cô nương vui mừng kêu thét danh hiệu "Tạ Thập Bát", nhìn đám danh sĩ phong lưu, quyền quý đứng đầu cũng nhẹ nhàng ùa đến, Cơ Tự chợt phát hiện, hóa ra việc cười hòa nhã với mọi người, chỉ là chàng hạ thấp địa vị của mình ra vẻ khiêm tốn mà thôi.
Sau khi nhóm người Tạ thị đi xuống hết, đoàn người Cơ Tự mới bắt đầu xuống thuyền. So sánh với cảnh náo nhiệt bên kia, bên này mười mấy người Cơ Tự vô cùng lặng lẽ.
Đang lúc nhóm Cơ Tự cho xe ngựa xe lừa ra khỏi khoang thuyền và khiêng đồ đạc lên xe thì Tạ Quảng đột nhiên gạt đám người, đi nhanh đến trước mặt nàng, lấy một miếng ngọc bội trong ngực ra, nói: "Cơ tiểu cô, đây là vật lang quân nhà ta đưa cho cô. Người nói, đây là tín vật của người, dựa vào nó, cô có thể đến Tạ phủ cầu kiến người bất cứ lúc nào. Lang quân nhà ta còn nói, chỉ sợ mọi người mới đến Kiến Khang còn chưa quen với cuộc sống nơi đây. Cơ tiểu cô có cần ta an bài chỗ ở giúp cô không?"
Không ngờ Tạ Thập Bát thật sự để tâm đến việc của nàng, Cơ Tự hết sức cảm kích. Có điều nàng vô cùng rõ ràng, nhờ cậy nhiều thì người ta cũng bớt nhiệt tình, nàng chỉ cần mượn lực của Tạ Thập Bát trong lúc mấu chốt thôi, chuyện tìm nhà vặt vãnh này đừng kinh động đến chàng thì hơn.
Nghe lời từ chối khéo của Cơ Tự, Tạ Quảng tiếc nuối quay người rời đi. Đúng lúc này, cách đó không xa, mấy giọng nói của thiếu nữ ríu rít vang lên.
"Nàng ta là ai? Nữ nhi Dữ gia hay là nữ nhi Vương gia?"
"Nói gì thế? Cô không thấy tỳ nữ phía sau nàng ta à? Tỳ nữ thô tục như vậy thì chủ nhân làm sao mà là nữ nhi sĩ tộc được chứ?"
"Không đúng, khi nãy ta hỏi thăm, mấy người bên cạnh Tạ Thập Bát vừa nhắc đến tiểu cô quê mùa này đều rất khách khí đấy."
Thế là trong lúc Cơ Tự bận rộn chỉ đạo hạ nhân chất đồ lên xe thì một giọng nói yêu kiều vang lên phía sau nàng: "Khuyết điểm của Thập Bát ca ca chính là ở chỗ này. Huynh ấy luôn đối xử ôn hòa khách sáo với mấy nữ tử hàn môn, quê mùa. Ôi, Thập Bát ca ca khách sáo là do khí chất danh môn, phong thái thế gia, sợ là có một số người vì vậy mà tưởng mình cao giá rồi."
Câu nói này vừa thốt ra, mười mấy tiếng cười khúc khích liền hùa theo, Cơ Tự giật mình, từ từ quay đầu lại. Nàng nhìn thấy bốn nữ tử sĩ tộc.
Đây là lần đầu tiên Cơ Tư gặp được nữ tử sĩ tộc của Kiến Khang. Thật không hổ con cháu dưới chân thiên tử, khoan hẵng bàn đến dung nhan của bốn cô nương này, chỉ nói đến khí chất cao sang quyền quý toát ra từ người họ là thứ mà sĩ tộc Kinh Châu không bao giờ có được. Đương nhiên khí chất vốn có này không phải vì ý chí mà là vì kiêu ngạo. Trong thời đại môn hộ quyết định tất cả, phân biệt giai cấp rõ rệt thế này, thì những nữ tử sĩ tộc gần như vừa sinh ra đã có một đám người hầu hạ, vô số nhà nghèo khó vừa thấy họ đã quỳ mọp bên đường, nhìn họ bằng đôi mắt đầy ngưỡng mộ rồi.
Lúc Cơ Tự đối mặt với Tạ Thập Bát không hề cảm nhận được kiểu hợm hĩnh ăn sâu vào trong máu như thế từ chàng. Nhưng giờ phút này đối mặt với bọn họ, nàng mới biết được cái cảm giác khinh thường chẳng buồn ngó đến là gì rồi.
Đúng vậy, Tạ Thập Bát là danh sĩ mang chí hướng cao cả, cơ trí khoáng đạt, lòng chàng tựa núi sông nên có thể dung nhận tất cả mọi người. Còn mấy nữ tử sĩ tộc này chẳng qua là chim tước trong mây, họ không nhận thấy được bản thân mỏng manh, căn cơ yếu ớt, điều vững tin duy nhất của họ chính là bản thân đang đứng ở tít tầng mây. Đương nhiên trong mắt họ, Cơ Tự chỉ là thứ đồ chơi chìm trong vũng bùn mà thôi.
Thấy Cơ Tự quay đầu lại, một tiểu cô mặt mũi thanh tú chừng mười lăm, mười sáu tuổi, để tỳ nữ dìu mình, duyên dáng đi vài vòng quanh nàng, rồi đôi môi anh đào khẽ cười nói: "Dung mạo tuy rạng rỡ nhưng tay có vết chai, quả nhiên là hạng ti tiện."
Sau đó nàng ta quay đầu nhìn Nguyệt Hồng và Lê thúc: "Cử chỉ thô tục, đi đứng không có quy củ, xiêm y cũ rách, quả nhiên là thấp kém."
Rồi nhìn về phía xe lừa xe ngựa của Cơ Tự, lại cười khinh: "Càng xe lem luốc, rèm xe bẩn thỉu, không huy hiệu gia tộc, quả nhiên là hạ đẳng."
Sau khi sỉ nhục Cơ Tự ba lần, nàng ta quay lại cười duyên với nhóm bạn của mình: "Ba vị tỷ tỷ, ba tỷ đừng qua đây, cái thứ đê hèn dung tục này sẽ làm bẩn mắt mất." Tiếp theo lại quay về phía Cơ Tự, chậm rãi nói, "Tiểu cô này, nếu bình thường ngươi xuất hiện trước mặt ta với cái dáng vẻ bẩn thỉu làm dơ mắt ta thế này, ta đã sai người giết chết ngươi rồi. Niệm tình ngươi đi cùng với Thập Bát lang, hôm nay ta tạm tha cho ngươi một lần. Nhớ kỹ, ta họ Dữ, tên là Dữ Thi Nhi, tiểu cô Dữ gia không so đo với ngươi, ngươi phải nhớ kỹ ân đức này đấy."
Nói xong, nàng ta không buồn nhìn Cơ Tự nữa, ngúng nguẩy cất bước rời đi.
Lúc này, bất kể là Lê thúc hay là Tôn Phù đều đỏ bừng cả mặt. Nhưng họ chỉ biết phẫn nộ trong lòng mà thôi, bởi vì đây là Kiến Khang, và ả kia là nữ nhi của nhà quyền quý nên họ không thể phạm thượng.
Khi Dữ Thi Nhi vừa quay người, một tỳ phụ mang theo mấy tỳ nữ vội vàng chạy đến, thấy thế mặt nàng ta sa sầm, quát khẽ: "Đi đứng phải từ tốn, các ngươi vội vàng hấp tấp như thế còn ra thể thống gì nữa?"
Nhưng tỳ phụ kia đầu mướt mát mồ hôi, cũng bất chấp bị Dữ Thi Nhi quát mắng, vừa tiến lên đã vội hỏi: "Ngũ tiểu cô, có phải sáng nay người đã động vào món đồ Tam tiểu cô đặt trong rương gỗ khắc hoa ở trên bàn không?"
Dữ Thi Nhi giật mình, nàng ta nhíu mày: "Trong đó đâu có thứ gì."
Câu nói ấy rõ ràng đã thừa nhận nàng ta có động vào rương gỗ rồi. Tỳ phụ kia lập tức bủn rủn, ngã quỵ xuống đất. Trong tiếng kêu "thôi rồi, thôi rồi" không ngớt của tỳ phụ kia, một cô nương mặt tròn thanh nhã bưng một chiếc hộp trong tay, dẫn theo năm sáu tỳ phụ bước đến, rồi đặt hộp gỗ xuống đất, quát lên: "Dữ Thi Nhi, cô dám động vào đồ trong hộp này ư?"
Dữ Thi Nhi còn đang không hiểu ra sao, ngơ ngác nhìn mấy người này, cô nương kia đã sầm mặt, mở chiếc hộp gỗ ra trước mắt mọi người, sau đó lấy một bức bình phong thêu hoa từ trong hộp mở ra cho mọi người cùng xem.
Có người hoảng hốt hô lên: "Hồi Văn Tú?"
"Đúng vậy." Cô nương mặt tròn từ từ nói, "Đây là Hồi Văn Tú đã thất truyền trăm năm, bức bình phong này là cái cuối cùng còn tồn tại trên thế gian này. Phu nhân chúng ta đã sai người tìm mất năm năm, tốn biết bao công sức mới lấy được, chuẩn bị làm quà chúc thọ cho Thái hậu vào tháng sau." Nói đên đây, nàng ta nhẹ phẩy bức bình phong, cho mọi người thấy được nó đã bị cắt thành hai nửa.
Trong lúc mọi người xuýt xoa tiếc nuối, cô nương kia quay mặt nhìn Dữ Thi Nhi, lạnh lùng nói: "Ngũ tiểu cô, xưa nay bất kể cô làm gì, phu nhân cũng không so đo với cô bao giờ, nhưng việc lần này quả thật đã gây ra họa lớn rồi. Phu nhân đã bẩm với Thái hậu về bức bình phong này, Thái hậu cũng rất mong đợi. Thế mà giờ đây cô lại phá hủy nó chỉ vì ân oán cá nhân..."
Nàng ta chưa nói hết, Dữ Thi Nhi đã ngã xuống đất, tái mặt run run nói: "Không, không, không phải ta, ta không làm, ta không làm."
Nhưng lúc này nàng ta nói gì cũng vô ích. Thấy Dữ Thi Nhi bị mấy vú già lôi đi, một tiêu cô vừa rồi còn hùa với nàng ta khinh thường Cơ Tự khẽ nói: "Lần này Thi Nhi gây ra họa lớn rồi."
"Sợ rằng nàng ấy không thể trở mình được nữa đâu."
"Chủ yếu là bình phong này Thái hậu đã biết đến, muốn cứu Dữ Thi Nhi trừ phi tìm ra người tinh thông cách thêu Hồi Văn Tú, thêu lại một bức giống hệt như vậy dâng lên Thái hậu thôi. Nếu không Dữ Thi Nhi sẽ nguy hiểm..."
Trong tiếng bàn luận xôn xao, Cơ Tự lẳng lặng đứng đó, ánh mắt nàng nhìn chăm chăm vào bức bình phong đã bị cắt kia. Không ai biết, giờ khắc này, lòng nàng đang cuộn trào sóng cả: Hình như mình biết cách thêu này, mà còn vô cùng tinh thông nữa.