May mà huyện Kinh chỉ cách nơi này ba trăm dặm, sau một phen chạy bán sống bán chết, đến ngày thứ tư, nhóm Cơ Tự đã về tới cửa nhà mình. Vừa vào trang viên, nàng liền sai người đóng cổng ngay lập tức, sau đó mọi người bắt đầu dỡ hàng.
Hai xe đầu tiên chất đầy thóc do nhóm Tôn Phù lấy được từ nhà bếp của trang viên La Đại Đầu. Vào thời điểm này dù là tiền Ngũ Thù lúc trước hay là Tứ Thù của đương kim bệ hạ ban hành mới đây đều không được dân chúng tin tưởng. Đây là chuyện bất khả kháng, triều đại thay đổi quá nhanh, những người cất giữ tiền đã sớm phá sản theo các vương triều đổi ngôi rồi. Đối với dân gian, phổ biến nhất là trao đổi hàng hóa với nhau, mà lương thực là loại hàng dễ đổi nhất.
Có lẽ, sau khi đám La Đại Đầu đi cướp bóc về sẽ mở tiệc ăn mừng, nên trong nhà bếp còn có thêm cá khô, rau củ. Đương nhiên, hai thứ này cũng bị khuân lên chiếc xe lừa thứ ba của Cơ Tự.
Xe thứ tư, thứ năm chở các rương gỗ chứa toàn tơ lụa. Chiếc xe thứ sáu là thu hoạch lớn nhất chuyến này, đầy một xe vàng bạc, châu báu, đồ cổ, san hô và cả gốm sứ men ngọc bích... La Đại Đầu bày biện những thứ này trong phòng khách để khoe khoang, mỗi thứ đều có xuất xứ không hề tầm thường và thuộc hàng vô cùng quý hiếm.
Mấy hạ nhân trong trang viên cười vui sướng, gương mặt ánh lên vẻ mỹ mãn. Mà biểu cảm mỗi khi họ nhìn Cơ Tự lại càng tôn kính khôn tả.
Khác với tâm trạng của nhóm người hầu, lúc này Cơ Tự rất phiền muộn. Sáu xe đầy ắp tiền vật trước mắt tuy có vẻ rất nhiều nhưng đống lương thực cũng như tơ lụa có vẻ dọa người kia thật ra sẽ bay đi rất nhanh. Thứ đáng giá thực sự chính là chiếc xe chở châu báu, thế nhưng vì mỗi một đồ vật đều hiếm có nên nàng càng không thể tuồn hàng trộm cướp đem bán được. Gia thế nàng đơn bạc, vừa sợ dư nghiệt của đám cướp La Đại Đầu vừa sợ khiến người khác chú ý, cho nên xe châu báu kia trông thì giá trị đấy, nhưng lại không thể dùng được ở đất Kinh Châu này.
Cơ Tự thở dài rồi lặng lẽ giấu những món châu báu vào nhà kho bí mật phía sau, còn lương thực và tơ lụa thì cất vào nhà kho bình thường để tạm tiêu dùng hàng ngày. Sau khi làm xong, Cơ Tự liền gạt hẳn chuyện La Đại Đầu ra khỏi đầu mình.
Sáng hôm sau, Trịnh phủ lại phái người đến. Trên thực tế, trong khoảng thời gian Cơ Tự không có nhà, Trịnh phủ đã phái người đến tìm nàng vài lần rồi.
Cơ Tự tiếp đón quản sự của Trịnh gia ở phòng khách. Gã chừng ba mươi sáu, ba mươi bảy tuổi, đã làm cho Trịnh phủ nhiều năm, điều này cũng đồng nghĩa với việc gã chứng kiến cả quá trình trưởng thành của Cơ Tự.
Gã quản sự vừa uống trà vừa nói bằng giọng thất vọng: "A Tự, cha mẹ cô mất chưa đến một năm, thế mà cô lại trở nên xấc xược như vậy rồi. Phu nhân nhà ta chăm cô từ bé đến lớn, nói cho đúng thì bà đối với cô còn tốt hơn cả con gái ruột của mình. Nhưng cô đã đáp trả tình cảm của bà thế nào? Ngày đó ngay trước mặt khách quý, cô không chào lấy một câu đã phất tay áo bỏ đi. Giáo dưỡng của cô đâu? Lễ nghi của cô đâu? Mẹ nuôi thì cũng được coi là mẹ, hiếu đạo của cô đâu hả?"
Nghe thấy câu cuối cùng của gã, Cơ Tự suýt bật cười. Nàng vội vàng cúi đầu, thầm nghĩ: Thôi, mình nên khoan dung với mấy "kẻ đọc sách" mà ngay cả con chữ cũng không biết này một chút đi.
Quản sự Trịnh phủ nói tiếp: "Phu nhân và đại nhân vô cùng tức giận. A Tự, lần này ta đến để dẫn cô tới phủ tạ lỗi với hai vị trưởng bối đấy."
Nói đến đây, gã quản sự đứng dậy, ra lệnh cho hai mụ nô tỳ lực lưỡng như đàn ông: "Người đâu, mời tiểu cô lên xe."
Thấy hai người kia đi về phía mình, nàng liền đứng dậy cười nói: "Không cần, để tự ta đi."
Đây chính là lý do Cơ Tự luôn nhẫn nhịn Trịnh gia, có thể nói Trịnh gia là nô bộc của nhà nàng, nhưng nàng lại không thể lật mặt đối diện trực tiếp với họ. Thời này mỗi nhà giàu có đều sẽ nuôi vài hộ vệ trong trang viên, nói theo người hiện tại thì chính là bộ khúc. Những bộ khúc này bình thường có thể bảo vệ trang viên đề phòng trộm cướp, còn lúc theo chủ nhân ra ngoài thì làm hộ vệ. Dù Cơ Tự có nhóm Tôn Phù và Dữ Trầm làm bộ khúc nhưng Cơ gia quá nhỏ, bộ khúc của nàng vẻn vẹn chỉ có mười mấy người, mà Trịnh gia cường hào ác bá có những một hai trăm bộ khúc.
Lúc xe bò lăn bánh, quản sự ở bên ngoài còn quát hỏi nàng với giọng chỉ trích: "A Tự, không phải cô có hai cửa hàng gạo trong huyện sao? Sao bây giờ đã biến thành của Trang gia thế hả?"
Cơ Tự nghĩ: Quả nhiên là họ định thông qua việc buôn bán của hai cửa hàng gạo để răn đe ta đây mà. Nàng mỉm cười trả lời: "Ồ, là Trang gia muốn mua lại nên ta bán luôn cho họ rồi."
Gã quản sự hừ khẩy, răn dạy nàng: "A Tự, tuổi cô còn nhỏ vẫn chưa hiểu sự đời. Bán tiệm gạo rồi thì trăm mẫu ruộng của cô còn ích gì? Đủ nuôi sống cả nhà sao?"
Cơ Tự rủ mắt, mím môi, nhủ thầm: Ta muốn bán hai cửa hàng kia để tránh các người hơi động một tý là mang nó ra bắt chẹt ta đấy!
Một lát sau, giọng quản sự lại vang lên: "A Tự à, cô có biết lần này phu nhân đã tốn bao công sức vì mối hôn sự của cô không? Lang quân Chu Ngọc như thần tiên kia không phải dễ dàng xuất hiện đâu, là do đại nhân dốc lòng dốc sức mới mời được y đến. Lang quân đại phú đại quý, phong thái thần tiên như thế mà phu nhân và đại nhân không hề giữ cho con gái mình lại đi giới thiệu cho cô, đây là ân tình to lớn cỡ nào cô biết không?"
Cơ Tự nghe đến đây sợ mình phì cười liền vội vàng giơ tay áo che miệng. Thật đúng là một khi con người đã trở nên hèn hạ thì sẽ không có gì sánh nổi. Họ dám mở mồm bịa đặt trắng trợn đến mức này cơ à? Nhóm Chu Ngọc tỏ rõ thái độ khinh thường đám người Trịnh thị như đống bùn dơ rành rành thế kia mà còn muốn lừa ai.
Phải biết rằng, hôm ấy trực giác mách bảo cho nàng, nếu nàng nể mặt Trịnh thị thì chỉ sợ ngay cả vị trí của chính nàng cũng sẽ bị Chu Ngọc hạ thấp xuống năm phần nữa kìa.
Vào lúc này tại trang viên Trịnh thị, Trịnh phu nhân vẫn luôn tức anh ách kể từ cái ngày Cơ Tự phất tay áo bỏ đi, đặc biệt là sau khi bà ta phái hai ba người đến nhưng không gặp được Cơ Tự thì càng căm tức hơn. Đám người hầu cũng bị liên lụy, lúc nào cũng trong tình trạng lo sợ bị đem ra làm chỗ xả giận.
Căn phòng yên lặng đến mức không ai dám hít thở mạnh, bỗng chốc một giọng nói từ bên ngoài truyền đến: "Mẫu thân." Trịnh Huống có vóc dáng cao gầy, mặt mũi thanh tú, tươi cười đi vào.
Thấy đứa con trai yêu quý, Trịnh phu nhân nhoẻn môi cười khiến đám tỳ nữ cùng thở phào nhẹ nhõm.
"Con đến rồi à? Mau ngồi đi."
Y ngồi xuống đối diện Trịnh phu nhân, sau khi uống hai hớp trà do tỳ nữ bưng tới mới nói: "Mẫu thân, con phái người đi thăm dò được rồi, bọn họ báo đám người Chu Ngọc đúng là đến từ Kiến Khang, mà họ còn có danh tiếng khá lớn ở đấy. Nghe nói Chu Loan là tướng quân nữa, còn Chu Ngọc thì có tài cao, hình như đương kim công chúa có ý chọn y làm phò mã ạ."
Nghe đến đây, Trịnh phu nhân kinh ngạc, ngồi thẳng dậy: "Sao những lang quân hiển hách đó lại chọn trúng đứa cô nhi như Cơ Tự được chứ?"
Trịnh Huống lắc đầu: "Cái này con không biết... Con chỉ biết là bốn huynh đệ Chu thị nổi tiếng tài giỏi và tuấn tú ở Kiến Khang thôi." Rồi đột ngột ra lệnh, "Tất cả lui xuống."
Thấy đám người hầu đã rời đi, Trịnh Huống mới kề sát vào Trịnh phu nhân, khẽ kể: "Mẫu thân, mấy ngày qua Chu Ngọc ba lần bốn lượt hỏi con về Cơ Tự, thái độ cực kỳ nghiêm túc. Con thấy có lẽ y định lấy Cơ Tự làm thê tử thật đấy. Hai ngày nay con đã suy nghĩ nhiều lần, lòng cứ thấp thỏm. Mẫu thân, tuy Cơ Tự còn nhỏ tuổi nhưng lòng dạ rất sâu xa. Mẫu thân có thấy không, mấy năm gần đây hai nhà chúng ta thường qua lại nhưng nào có hay biết ả có biệt tài gì, nhưng vài tháng trước, con nghe người ta nhận xét Cơ Tự là một người đa tài thông tuệ nữa cơ. Còn nữa, không chừng lần này ả vô lễ với chúng ta ngay trước mặt mấy vị Chu lang cũng có dụng ý cả đấy ạ."
Không đợi y nói xong, Trịnh phu nhân nghiến răng cười khẩy: "Con nói không sai, mẫu thân cũng đánh giá sai về nó rồi. Có một tài nữ ẩn núp ngay bên cạnh bao lâu nay mà ta lại không hề hay biết."
Trịnh Huống ngắt lời bà: "Con nghĩ tới nghĩ lui, cảm thấy nếu ả Cơ Tự vừa bước chân vào Kiến Khang, lại được hưởng vinh hoa phú quý từ Chu gia thì sẽ lập tức quên phắt người làm mối như chúng ta ngay thôi. Cho nên hôm nay lúc con và Chu Loan nói về Cơ phủ, con đã cố ý nói với y rằng Cơ Tự còn có một huynh trưởng song sinh, chẳng qua lúc đó bị kẻ thù đuổi giết, tổ phụ của Cơ Tự đã gửi huynh trưởng của ả đến phủ khác nhờ nuôi hộ. Con còn nói với Chu Loan, mấy năm qua kẻ thù của Cơ thị vẫn đang theo dõi Cơ phủ chờ thời cơ ra tay nên Cơ lão gia không dám đón con trai về. Cả cái chết của tổ phụ và phụ thân Cơ Tự cũng không phải ngoài ý muốn, là bị kẻ thù giết hại."
Trịnh Huống dằn nỗi phấn khích: "Mẫu thân, không biết Chu Loan đã điều tra được điều gì, thế mà khi con nói lời này, y lại tin ngay, còn nói một câu 'thì ra là vậy'. Hơn nữa, con cũng từng nghĩ nếu con nói như thế thì ý định cưới Cơ Tự trong lòng họ sẽ giảm đi, ai ngờ giọng điệu của Chu Loan không hề có vẻ gì là từ bỏ."
Trịnh phu nhân thoáng chốc hiểu ra: "Con trai, con bịa đặt ra nhân vật huynh trưởng, lẽ nào muốn tìm ai đó giả mạo hay sao?" Bà ta càng hưng phấn đứng bật dậy, "Rất tốt, kế hoạch rất tốt... Nếu con tiện nhân Cơ Tự kia không đáng tin thì ta cứ sắp xếp cho người của mình vào. Ta nghĩ, nếu con trở thành anh ruột của Cơ Tự, là anh vợ của Chu thị Kiến Khang, muốn mượn thế lực của Chu gia vào triều làm quan chẳng phải là chuyện quá dễ dàng hay sao. Con trai à con trai, nếu chuyện này được xử lý khéo léo, vậy Trịnh gia ta có thể một bước lên trời rồi. Con đã bàn với phụ thân chưa?"
Nhắc đến Trịnh lão gia, Trịnh Huống hơi ủ rũ, khẽ nói: "Phụ thân hơi do dự, nhưng con nói đã lỡ nói với Chu thị thế rồi, vì thế người đành nói 'cũng được'."
Trịnh phu nhân khoát tay: "Đừng để ý đến phụ thân con, mẫu thân cảm thấy chủ kiến này rất tốt."
Vào cái thời dân chúng ít học như thế này, đối với Trịnh thị kiến thức nông cạn, ít đọc tàng thư lại không có người trí tuệ chỉ điểm, có thể nghĩ ra được kế sách này đã phải vắt hết toàn bộ trí óc rồi. Nói thật, bất kể Trịnh lão gia hay Trịnh phu nhân đều không biết chủ kiến hiện tại rốt cuộc là tốt hay xấu nữa kìa.