Đường Thận kính cẩn mô tả lại cảnh tượng hùng vĩ bao la mà cậu được chứng kiến trên đường đến U Châu cho Triệu Phụ.
Triệu Phụ nghe say sưa, đoạn ông ta bảo Quý Phúc: “Ngươi đã được thấy bao giờ chưa?”
Quý Phúc tỏ ra khốn khổ: “Nô tỳ vào cung từ nhỏ để theo hầu phụng dưỡng quan gia. Chớp mắt đã hơn năm mươi năm, chưa lúc nào nô tỳ rời Thịnh Kinh cả.”
Triệu Phụ giật mình: “Ngươi chưa từng ra khỏi thành Thịnh Kinh ư?”
Quý Phúc ngoan ngoãn cười trừ, gật đầu.
“Lần sau đi tránh nóng ở hành cung, trẫm sẽ dẫn ngươi theo.”
Quý Phúc xúc động đến nỗi quỳ sụp xuống đất: “Nô tỳ đội ơn quan gia ban thưởng.”
Triệu Phụ quay sang hỏi Đường Thận: “Ẩm thực U Châu, Cảnh Tắc ăn có quen không?”
Đường Thận: “Tuy không được tinh tế như ẩm thực Thịnh Kinh, song cũng có đặc sắc riêng ạ.”
Triệu Phụ cười: “Có được thưởng thức món ngon nào độc đáo không?”
Linh quang lóe lên trong lòng Đường Thận, cậu suy nghĩ một lát mới đáp: “Đúng là có nhiều món ngon mà ở Thịnh Kinh không thể bắt gặp. Nhiều món phải đích thân đến tận nơi mới có thể thưởng thức, ví dụ như giống dưa chuột chỉ sinh trưởng ở Tây Bắc, hay đặc sản thịt dê vùng Tây Bắc. Thần may mắn bắt gặp một con dê to béo tốt mỡ màng, thịt dê non tươi, được nướng chậm trên ngọn lửa bập bùng, thơm ngon không gì sánh được.”
Sau một thoáng lặng yên nhìn Đường Thận, Triệu Phụ cười khà khà rồi bảo Quý Phúc: “Ngươi trông Đường đại nhân của chúng ta đi, bảo là quan có ai thèm tin, phải là một tâm hồn ăn uống mới đúng! Cảnh Tắc rõ thật thanh niên! Ngươi vừa mới làm lễ đội mũ, đến U Châu lại ăn uống thỏa thuê, vậy công việc có lo liệu chu toàn không?”
Đường Thận lập tức vái dài cung kính: “Thần không dám phụ kì vọng của bệ hạ.” Đoạn cậu trình bày việc kiểm tra ty Ngân Dẫn.
Sau khi cậu nói xong, Triệu Phụ bảo: “Cảnh Tắc quả nhiên là cánh tay đắc lực của trẫm.”
Lời khen ngợi to lớn ấy khiến Đường Thận vừa mừng vừa sợ, tuôn một tràng những lời khách sáo. Quý Phúc cũng phải nhìn Đường Thận bằng con mắt khác. Là người túc trực thường xuyên bên Triệu Phụ, hiển nhiên lão ta đoán được rằng chuyến này Đường Thận đi U Châu không phải để đốc tra ty Ngân Dẫn. Song cụ thể ra sao, một thái giám như lão ta không thể tìm hiểu được.
Trước đây tuy Triệu Phụ sủng tín Đường Thận nhưng ông ta chỉ coi cậu như một thanh đao tốt chứ không coi cậu là tâm phúc thật sự. So với Vương Tử Phong, Tô Phỉ Nhiên, Đường Thận hiển nhiên kém xa. Nhưng từ giờ, mọi chuyện có thể sẽ khác.
Quý Phúc nghĩ thầm: Từ rày càng phải thắt chặt quan hệ với Đường đại nhân. Mình với cậu ta đều phụng sự quan gia, quân tâm khó dò, một cây chẳng làm nên non. Vương Tử Phong là trang kiệt xuất; Đường Cảnh Tắc là sư đệ hắn ta, ắt cũng là kẻ cơ trí và dễ làm thân.
Triệu Phụ lại hỏi thêm vài câu rồi mới thả Đường Thận về điện Cần Chính.
Đợi Đường Thận đi rồi, Triệu Phụ bỗng nói: “Lần đầu trẫm gặp cậu ta, cậu ta bao nhiêu tuổi ấy nhỉ?”
Tự dưng Triệu Phụ hỏi không đầu không đuôi, trong điện Thùy Củng chỉ có hai tiểu thái giám đang túc trực cùng với một Khởi Cư lang và một Khởi Cư xá nhân. Bốn người này nào biết Triệu Phụ đang nói gì, chỉ có mình Quý Phúc biết, khi hoàng đế nói chuyện mà không gọi đích danh ai thì thường ngài muốn nghe lão ta trả lời.
Quý Phúc gập mình, cười nhỏ nhẹ: “Quan gia gặp Đường đại nhân cách đây năm năm, khi đó Đường đại nhân mới khoảng mười lăm tuổi thôi ạ.”
Triệu Phụ ngẫm một lát: “Lần ở Quốc Tử Giám ấy hả?”
“Chính là lần quan gia đến cung Ích Ung giảng bài.”
Triệu Phụ: “Ngươi trông cậu ta mà xem, dường như thay đổi rất nhiều.” Lần này không đợi Quý Phúc trả lời, Triệu Phụ đã tự lẩm bẩm: “Cao hơn, cũng không còn non nớt và sắc bén như hồi ấy.” Đột nhiên, Triệu Phụ cười ha hả. Quý Phúc chẳng hiểu mô tê gì nên chẳng dám nói tiếp. Ông ta cười rất lâu, cười đến nỗi nếp nhăn hằn trên khóe mắt rồi mời ngừng lại, bảo Quý Phúc rằng: “Trông cậu ta bây giờ giống Vương Tử Phong lắm!”
Quý Phúc sửng sốt, nghĩ thầm: Giống chỗ nào?
Song lão ta luôn mồm hùa theo: “Quả đúng vậy, quan gia chỉ ra nô tỳ mới phát hiện, giống nhau lắm.”
Đường Thận trở về điện Cần Chính thì đi gặp Từ Bí trước tiên. Từ Bí là cấp trên trực tiếp của cậu, Đường Thận đi công tác về dĩ nhiên phải gặp ông. Từ Bí thấy cậu thì cho ngồi ngay, còn cho cậu uống một chén nước ô mai.
Từ Bí: “Thịnh Kinh chẳng được như U Châu, sang tháng sáu nắng như đổ lửa, ngươi đã quen chưa?”
Đường Thận cẩn thận đáp lời: “Hạ quan về đã được mấy hôm nên cũng quen rồi ạ.”
Từ Bí: “Lúc ngươi về có gặp Hiến Chi không? Nó vẫn ổn chứ?”
Hiến Chi là tên chữ của Dư Triều Sinh.
Đường Thận: “Hạ quan có gặp Dư đại nhân một lần. Tinh thần của Dư đại nhân tốt lắm, cũng đã quen với khí hậu và lề thói ở U Châu.”
Từ Bí gật đầu, lúc Đường Thận phải về, ông ta lại nói: “Đường đại nhân, ngươi mới đi U Châu thì hãy đọc thêm tấu chương gửi từ U Châu về, dù sao ngươi đọc cũng quen hơn.”
Đường Thận cung kính thi lễ: “Vâng.”
“Sau nay e không còn nhiều tấu chương mà xem đâu.”
Đường Thận ngẩng phắt đầu, thấy Từ Bí đang cầm chén nước ô mai, nhìn cậu bằng ánh mắt hiền từ. Đường Thận không đoán được thái độ của ông, cậu máy môi, đành cáo từ ra về.
Y như những gì Từ Bí nói, trung tuần tháng sáu, Đường Thận về điện Cần Chính làm việc chưa được ba ngày đã có thánh chỉ ban xuống từ điện Thùy Củng, phong cho Đường Thận chức Gián nghị đại phu, Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn, hàm tứ phẩm.
Chiếu lệnh được ban bố, mọi người tuy ngạc nhiên song không lấy làm lạ.
Đường Thận năm nay mới hai mươi tuổi, đỗ Thám hoa từ năm mười sáu tuổi. Bốn năm tăng liền ba bậc là chuyện cực kì hiếm gặp. Trong khoảng thời gian tại vị của Khai Bình hoàng đế, cũng chỉ có Vương Tử Phong thăng tiến nhanh hơn cậu. Thậm chí, Tô Ôn Duẫn cũng phải hai mươi tuổi mới được thăng làm Thiếu khanh Đại lý tự, hàm tứ phẩm, hai mươi bốn tuổi mới lên chức Hữu thị lang bộ Công, hàm tam phẩm.
Đường Thận xử lí việc ở ty Ngân Dẫn rất hợp ý Triệu Phụ, vì thế cậu được nhậm chức Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn. Còn Gián nghị đại phu chỉ chức quan trên danh nghĩa, song nó mang ý nghĩa rằng rất có khả năng Đường Thận còn thăng tiến nữa.
Sở dĩ Triệu Phụ chưa muốn nâng Đường Thận lên bậc tam phẩm cũng vì cậu còn quá trẻ. Cùng thời điểm với chỉ lệnh này, một chiếu lệnh khác cũng vượt ngàn dặm đến thành U Châu xa xôi, phong cho Hữu thị lang bộ Lại Dư Triều Sinh kiêm nhiệm chức Tả phó ngự sử ty Ngân Dẫn.
Một nước đi đáng để suy ngẫm.
Đều là Phó ngự sử ty Ngân Dẫn, nhưng Dư Triều Sinh là quan tam phẩm, Đường Thận là quan tứ phẩm.
Triệu Phụ đang ám chỉ tuy hiện giờ Đường Thận vẫn là quan tứ phẩm, nhưng cậu rất được lòng vua, có thể ngầm coi là đại thần tam phẩm rồi.
Dư Triều Sinh là Hữu thị lang bộ Lại, kiêm chức Tả phó ngự sử ty Ngân Dẫn. Đường Thận thì khác, chức vụ chính của cậu là Gián nghị đại phu Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn. Không còn là Trung Thư xá nhân, như Từ Bí nói, từ giờ cậu sẽ không được xem tấu chương dâng lên Triệu Phụ nữa. Tuy mất vị trí ở điện Cần Chính, nhưng giờ Đường Thận đã nắm thực quyền trong tay.
Rốt cuộc là thăng hay giáng, tất cả phải trông vào ý đồ của Triệu Phụ.
Đường Thận tiếp thánh chỉ xong thì dạt dào cảm xúc: Dù không biết tại sao Triệu Phụ bất ngờ suy sụp, nhưng ông ta vẫn đường đường là Khai Bình hoàng đế, là vị vua Đại Tống thao túng triều chính suốt ba mươi mốt năm!
Giữ chức Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn, đúng ra Đường Thận phải bị điều đến U Châu xa xôi. Song Triệu Phụ ban cho cậu thêm cái chức suông là Gián nghị đại phu nên mấy hôm nữa cậu sẽ chuyển sang Ngự Sử đài, làm việc cùng các Ngự Sử thừa và Ngự Sử đại phu khác.
Việc Đường Thận và Dư Triều Sinh được thăng quan không khiến quá nhiều người chú ý, hoặc nên nói, phần lớn mọi người quan tâm đến việc quyền lực của Vương Trăn bị hai người bọn họ san sẻ ra sao!
Trên triều đình, thanh thế của Vương đảng quá mức to lớn, tự nhiên sẽ hình thành đảng phái đối địch.
Biết tin này, nhiều người kín đáo vỗ tay mừng thầm, hả lòng hả dạ. Có người lại đem lòng hoài nghi, ở ngàn dặm xa xôi còn viết thư gửi về kinh, sai người đưa thư nhà gửi hộ đến tận tay thầy mình.
Từ Bí nhận được thư của Dư Triều Sinh thì lắc đầu cười. Ông nhấc bút lông phúc đáp một câu rồi gửi về U Châu.
Dư Triều Sinh nhận được thư thầy thì mở ra đọc. Lá thư viết một dòng rất đơn giản:
“Lòng ưu ái Thánh thượng dành cho Hiến Chi, dầu nhân lên bội phần, cũng không bì kịp lòng ưu ái sâu sắc mà Thánh thượng dành cho Phong.”
Dư Triều Sinh như được vén màn mây mù, bừng tỉnh đại ngộ. Anh ta đọc thư giữa đêm khuya, ngồi tại bàn một mình suy ngẫm hồi lâu, cuối cùng thiêu hủy lá thư. Nhìn giấy viết thư quắt lại thành tro tàn, Dư Triều Sinh tưởng như thấy quá khứ mười hai năm về trước. Thuở ấy anh ta mới hai mươi lăm tuổi, vừa đỗ Bảng nhãn, đáng lí tiền đồ làm quan phải hết sức rộng mở. Không may thay, năm ấy, Vương Tử Phong – người trẻ hơn anh ta bảy tuổi đã giành hết mọi sự chú ý, khiến một Bảng Nhãn như anh ta đi vào lãng quên cứ như thể đỗ tiến sĩ từ khoa thi trước!
Dẫu vậy, Dư Triều Sinh không sinh lòng đố kị oán ghét. Những năm qua, anh ta vẫn chăm chú theo dõi xem tại sao Vương Tử Phong lại được Triệu Phụ tin dùng đến mức ấy?
Hiện giờ rốt cuộc chân tướng đã hé lộ một chút.
Lang Gia Vương thị, Hữu tướng Vương Thuyên, những yếu tố này đều là ngoại lực. Một người nhìn thấu thế sự giỏi lắm chỉ nhìn trước được một tháng, hai tháng, hay nửa năm, một năm. Về phần mình, từ bốn năm trước Vương Tử Phong đã gài sẵn một quân cờ mang tên Đường Cảnh Tắc.
Dư Triều Sinh thở dài: “Hay cho một chiêu lấy lui làm tiến! Người ngoài chỉ nói ngươi phải chia bớt quyền lực, nhưng hai năm trước, Triệu Tĩnh chia quyền với ngươi, cuối cùng lại bị biếm đến Tần Châu, thanh thế của ngươi càng lớn mạnh. Đường Cảnh Tắc là đồng môn với ngươi, sư huynh đệ các ngươi nghĩa tình khăng khít, giờ lẽ nào ngươi muốn xuống tay với cả ta và tiên sinh ư?”
Dư Triều Sinh ở tít tận U Châu, tình hình ở Thịnh Kinh đã nằm ngoài tầm với của anh ta, những gì anh ta nhìn thấy được chỉ là cái đốm trên mình con báo chứ chẳng phải toàn cục.
Gần đây Vương Trăn mới tậu một chú chim vàng anh, chàng yêu vàng anh lắm, đặt lồng chim ngay ngoài thư phòng, ngày ngày chăm bẵm vàng anh. Lúc Đường Thận tới gặp chàng thì Vương Trăn đang chơi đùa với chim. Hai bàn tay chàng khum khum vốc nắm mồi, nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay đút cho chú chim nhỏ. Đường Thận đứng bên cạnh xem một lúc thì Vương Trăn hỏi: “Tiểu sư đệ có muốn thử không?”
Đường Thận: “Có ạ.”
Vương Trăn san nửa nắm mồi vào lòng bàn tay Đường Thận.
“Sao bỗng dưng sư huynh lại có hứng chơi với chim thế?”
“Thứ ta muốn chơi cùng lúc nào cũng ở xa tận trời, đành phải trêu con chim này, trông mơ giải khát1 thôi.”
[1] Xuất phát từ tích Tào Tháo nói với quân sĩ rằng sắp đến rừng mơ, để họ ứa nước miếng ra cho đỡ cơn khát trên đường hành quân.
Đường Thận: … Nói gì vậy trời?
“Không phải sư huynh nói đệ đấy chứ?”
Vương Trăn hết sức ngạc nhiên: “Sao lại nói thế?” Chàng trút chỗ mồi còn dư vào trong khay thức ăn, phủi tay, chân thành hỏi: “Cớ sao tiểu sư đệ hiểu lầm như vậy?”
Nhìn nét mặt chính trực của Vương Trăn, Đường Thận nghi lắm nhưng chỉ biết thừa nhận là mình tưởng tượng.
Mà vốn cũng phải thế, cậu là người trưởng thành sờ sờ ra đây, kia là con chim vàng anh, giống nhau thế nào được? Hơn nữa, đâu phải Vương Tử Phong cứ muốn là chơi được cậu? Chỉ sợ sẽ bị cậu trêu chọc lại thôi!
Vương Trăn quan sát sự biến đổi trong nét mặt Đường Thận, thản nhiên nở nụ cười, thỏa mãn nói: “Hôm nay chơi vui quá đi mất, thích ghê.”
Đường Thận nghệt mặt.
Vương Trăn: “Đệ đến đúng lúc lắm, sáng nay bên phủ Kim Lăng mới gửi cá bạc hảo hạng lên đây cho nhà bếp nấu. Bữa cơm hôm nay coi như ta mở tiệc chiêu đãi tiểu sư đệ, cảm tạ ơn dìu dắt của tiểu sư đệ nhé.”
Đường Thận lấy làm lạ: “Ơn dìu dắt? Ý sư huynh là sao?”
“Đệ đến đây có việc gì?”
Đường Thận hơi ngại ngùng: “Đệ thăng quan, lại tước bớt quyền lực của sư huynh.”
“Trùng hợp quá, ta đang nói việc ấy mà. Tháng trước ta đến đài Đăng Tiên, Thánh thượng có nói mấy câu, giải đáp được một vài thắc mắc mấy năm nay của ta.”
“Thắc mắc gì cơ?”
“Từ cổ chí kim, các bậc đế vương đều phải trăn trở, phiền lòng vì chuyện lập trữ. Riêng thánh thượng của chúng ta thì chẳng bao giờ lo lắng về việc này.”
Đường Thận cả kinh, cậu không ngờ đấy lại là chuyện Vương Trăn muốn nói. Cậu suy nghĩ thoáng qua, hỏi: “Thánh thượng không có nhiều hoàng tử, chỉ có mỗi ba người. Sư huynh cho rằng trong lòng thánh thượng đã có sự lựa chọn từ lâu rồi ư?”
Vương Trăn đặt ngón trỏ lên môi, mỉm cười: “Suỵt, thiên cơ bất khả lậu.”